Tab Từ Khóa "Thắng cảnh tâm linh"
Showing posts with label Thắng cảnh tâm linh. Show all posts
(BQN) - Yên Tử có rất nhiều tuyến đường hành hương nhưng tuyến hành hương lên Thác Vàng Yên Tử vào tháng 4 có những cảnh đẹp làm say đắm lòng người mà bất cứ ai đến đây cũng nhớ mãi nơi này.

Nằm ở phía Tây chùa Hoa Yên, đi trên con đường lát đá, du khách sẽ bắt gặp một cây cột gắn với tấm biển chỉ dẫn đường chia làm hai hướng: Một hướng dẫn xuống Ga Cáp treo 2 và một hướng chỉ lối dẫn vào Thác Vàng. Bước qua một chiếc cổng được thiết kế khá độc đáo gần gũi với thiên nhiên là con đường dẫn vào Thác Vàng, hai bên là những cánh rừng nguyên sinh xen lẫn những cây cổ thụ cành lá sum suê. Điều đặc biệt gây ấn tượng với du khách, con đường này vẫn còn khoảng chục cây xích tùng cổ ven đường có niên đại vài trăm năm tuổi, rễ cây trồi lên mặt đất và xuyên qua kẽ đá.

Trên đường đến Thác Vàng, du khách sẽ gặp Thác Ngự Dội, tương truyền là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông ngự tắm. Thác được tạo nên bởi một nhánh của suối Long Khê (Khe Rồng) dẫn nước ngầm từ lưng núi Yên Tử xuống, uốn lượn qua các thềm đứt gãy kiến tạo cách đây khoảng 10 triệu năm vượt qua địa hình dốc đứng tạo thành dòng thác cao hơn chục mét.

Gần thác Ngự Dội có am Thiền Định, xưa kia là nơi toạ thiền của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Đến nay, am xưa không còn, chỉ còn nền am cỏ cây che phủ kín. Từ am Thiền Định, du khách tiếp tục đi sâu vào bên trong phía cuối con đường, đó chính là thác Vàng.

Thác cao khoảng hơn chục mét, xung quanh có nhiều loài cây gỗ lớn, đặc biệt là cây hoa mai và hoa ngọc lan. Về mùa khô, thác nước chảy róc rách. Vào mùa mưa, từ tháng 5-8, cả hai thác Ngự Dội và Thác Vàng có nhiều nước và đẹp nhất vào mùa này trong năm.

Điều ấn tượng đặc biệt với du khách, trên con đường hành hương đến Thác Vàng Yên Tử, thi thoảng du khách sẽ bắt gặp một vài cây mai cao đến hơn chục mét mọc trên những vách đá cheo leo. Đây được gọi là những “Đại lão mai” có đến hàng trăm năm tuổi. Tương truyền rằng, vào thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông sau khi lên núi Yên Tử tu hành đã cùng các phật tử trồng cây mai vàng. Những cây mai được trồng ở khắp nơi trên núi Yên Tử sau hàng thế kỷ đã trở thành rừng mai cổ thụ rộng lớn.

Theo các nhà nghiên cứu, cùng với tùng, mai cũng là loại cây gắn liền với quá trình tu hành của các nhà sư, được đưa về Yên Tử từ thời Trần. Vì vậy, cây thường mọc trên những tuyến đường hành hương dẫn đến các di tích, chùa tháp nơi đây. Bây giờ, rừng mai cổ thụ không còn nữa nhưng trên đường hành hương lên chùa Đồng - Yên Tử, du khách vẫn thoáng gặp những “Đại lão mai” ẩn mình trên những vách núi.

Giữa tháng 4, con đường dẫn vào Thác Vàng, Yên Tử, ta vẫn bắt gặp những cây mai vàng nở rộ. Hoa mọc thành chùm lớn, từng bông xoè rộng 5 cánh to vàng rực, nụ hoa mập, lộc xanh biếc, thu hút nhiều ong đến hút mật và đặc biệt, hương thơm dịu thanh khiết.

Thoạt nhìn, mai vàng Yên Tử có nhiều nét giống với mai vàng miền Nam, cũng mang sắc vàng rực đặc trưng, bông lớn và có hương thơm. Tuy nhiên, có lẽ do sinh trưởng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Bắc, trong rừng già trên núi cao, thân cây mai vàng Yên Tử mang vẻ cứng cáp gân guốc hơn, mai nở muộn hơn.

Vào tháng này, con đường hành hương lên Thác Vàng Yên Tử đẹp như tranh vẽ, ánh mắt du khách như bị cuốn theo bởi những thác nước chảy róc rách. Những cây xích tùng cổ thụ, những đốm vàng tinh khiết của bông mai vàng ven đường hoặc trên những triền núi phía xa đem lại cho du khách những ấn tượng độc đáo khi về với non thiêng Yên Tử. Quả thật, đến Yên Tử không chỉ là đến với những kiến trúc và lịch sử Phật giáo mà còn đến với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Theo Cẩm Thu (Báo Quảng Ninh)
(BLA) - Sau Lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành cũng là lúc người dân lại đón lễ Vía bà Ngũ hành ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây được xem là một trong những lễ hội lớn của tỉnh, thu hút đông đảo khách gần xa và được tổ chức từ ngày 18 đến 20 tháng Giêng âm lịch.

Để tránh những ngày chính diễn ra lễ hội khách thập phương đến đông, ngay chiều 17 âm lịch nhiều khách đã đến viếng. “Mấy năm trước, đi viếng đường kẹt cứng người, chen nhau cực quá nên năm nay tôi tranh thủ đi sớm hơn. Năm nào cũng vậy, dù có bận bịu, tôi cũng đều sắp xếp thời gian đến viếng Ngũ hành nương nương, thắp hương cầu mong gia đình được bình an, hạnh phúc cũng như mua may bán đắt” - chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, một khách hành hương tại TP.HCM chia sẻ.

Chị Hiền, một tiểu thương tại chợ Long Thượng cho rằng, năm nào cũng vậy, Vía bà Ngũ hành thu hút rất nhiều khách thập phương tham gia. Họ hầu hết ở nhiều nơi đến, nhất là người Hoa ở TP.HCM.

Lễ Vía bà Ngũ hành hay còn gọi là lễ cầu an được tổ chức gắn liền với di tích kiến trúc nghệ thuật Miếu Bà Ngũ hành. Miếu Bà Ngũ hành trước đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ. Hằng năm, miếu được sửa chữa do xuống cấp, về sau, được người dân, khách thập phương đóng góp xây dựng, chuyển sang lợp ngói ống, vách gỗ rộng rãi hơn. Qua nhiều năm với nhiều lần trùng tu, đến nay, Miếu Bà Ngũ hành vẫn giữ được nét nguyên thủy của kiến trúc đình Nam bộ với tứ trụ (tứ tượng). Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh được công nhận vào ngày 22-2-1997 và là di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng vào tháng 12-2014.

Miếu bà Ngũ hành Long Thượng thờ Ngũ hành nương nương - vị thần được người dân tin rằng có quyền năng trong các lĩnh vực liên quan đến vàng, bạc (kim), gỗ, cây (mộc), sông nước (thủy), lửa (hỏa) và đất đai (thổ); giúp cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, ngày 18 tổ chức lễ khai mạc và dâng hương; ngày 19 làm lễ cầu an, múa bóng rỗi; ngày 20 lễ dâng bông, hát địa nàng… Kết thúc vào ngày 21 là lễ cúng bế cả. Trong đó, có thể nói múa bóng rỗi, hát địa nàng là những tiết mục đặc sắc, thu hút nhiều khách tham quan bởi đó không chỉ là những nghi thức trang trọng mà còn là loại hình nghệ thuật dân gian hết sức độc đáo của Nam bộ.

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, ước tính có trên 10.000 lượt người đi lễ. Mỗi năm, số lượng khách hành hương đến càng tăng. Địa phương tăng cường lực lượng bảo vệ quanh miếu để giám sát việc dâng hương của du khách, đề phòng cháy nổ và nhất là bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mê tín dị đoan. Ngoài ra, từ số tiền đóng góp của du khách, ngoài việc dùng để trùng tu miếu, Ban tổ chức còn dành một phần cho công tác từ thiện.

Đây là lễ hội mang tín ngưỡng dân gian, là sự kiện mang tính cộng đồng của người dân trong tỉnh nói chung và huyện Cần Giuộc nói riêng. Lễ hội năm nay được chuẩn bị chu đáo, tổ chức trang trọng hơn để xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Sau khi kết thúc lễ hội, được sự chấp thuận của tỉnh, huyện cùng với địa phương tiến hành trùng tu, sửa chữa lại miếu với kinh phí dự kiến 5,5 tỉ đồng dựa vào nguồn xã hội hóa.

Theo Thanh Nga (Báo Long An)
Dinh Đụn còn gọi là dinh bà U Linh Sạ Nữ Vương- nữ thần Chăm, nằm tại thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn). Đây được xem là sự bảo lưu dung hòa văn hóa Chăm- Việt trong tín ngưỡng thờ nữ thần Chămpa. Dinh Đụn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Người dân nơi đây tin rằng, dinh Đụn rất thiêng và đem lại sự bình an, may mắn cho cộng đồng làng.

Dinh Đụn được xây dựng khoảng thế kỷ 17. Đây là di tích gắn liền với thời kỳ khai phá Cù Lao Ré- Lý Sơn của các dòng họ tiền hiền ở phường An Vĩnh, An Hải. Trước đây, dinh Đụn được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá và giờ đã được xây dựng quy mô nhưng vẫn giữ được các giá trị của kiến trúc xưa.

Quần thể kiến trúc dinh Đụn bao gồm các công trình kiến trúc như nhà tiền tế, hậu tẩm và nhà bếp dùng để nấu nướng vào những dịp lễ hội. Kiến trúc dinh Đụn vốn kiểu chữ đinh nên nhà tiền tế có kết cấu gỗ còn hậu tẩm kết cấu xây tam hợp. Phía trước phần chính dinh có mái hiên tạo nên khoảng hiên tương đối thoáng, người ta dựng 4 cột xây kiểu vuông và tạo nên hai sập từ góc mái xuống nền.

Trên 4 cột trang trí 4 liễn đối chữ Hán sơn son thếp vàng. Hai bên sập của hai bên đầu góc trang trí bức họa mai trúc, đường diềm bờ mái cũng trang trí bích họa rất đẹp. Bờ mái dinh Đụn đổ khuôn, đắp nổi hình tượng tứ linh, cách thức trang trí: Ở vị trí trang trí lưỡng long uốn mình quay đầu vào nhau, hai bên là các tượng lân, quy, phụng bố trí theo quy pháp đăng đối. Nghệ thuật tạo khối và sơn vẽ trên các tứ linh được nghệ nhân thể hiện theo kỹ thuật đúc khuôn.


Trên đầu hồi của hai nóc mái trang trí cá hóa long đăng đối hai bên, 4 con cá chép ở hai đầu hồi quẫy đuôi uốn mình. Mỗi đầu hồi trang trí theo mô típ song ngư chầu vào mâm ngũ quả, được tạo tác đắp nổi rất cân xứng, hài hòa. Mô típ này thể hiện ước vọng phúc lộc đời đời của dân làng.


Trên đỉnh nóc mái dinh Đụn trang trí hai rồng tạo từ khuôn theo mô típ lưỡng long tranh châu. Trên 4 góc bờ mái dinh Đụn trang trí cặp đôi rồng, phượng theo kỹ thuật tạo khuôn theo mô típ long phụng hòa minh. Nhà tiền tế có hai bộ vì kèo, bộ vì kèo chính có hai trính thượng, trính hạ. Trong đó, trính thượng đỡ một trụ đội và trính hạ đỡ hai cột trốn quá giang qua trính, liên kết với xà, cột để đỡ bộ khung mái. Liên kết giữa nhà tiền tế và hậu tẩm là bộ vì kèo cầu gồm có một trính nối qua hai cột để đỡ một cột trốn. Nối giữa nhà tiền tế và hậu tẩm là máng xối.


Hậu tẩm được giữ nguyên gốc, xây dựng bằng đá ong tạo vách, gạch thẻ tạo vòm cuốn... Hậu tẩm xây kiểu vòm cuốn, chồng cổ diêm thành hai tầng, tầng dưới là khoảng không gian thờ phụng, tầng trên là khoảng không gian trống. Hậu tẩm chồng cổ diêm thành tám mái, lợp ngói âm dương, góc mái trang trí đầu đao. Đỉnh mái trang trí hồ lô, diềm mái gắn sành sứ.


Hiện dinh Đụn đang được bảo tồn và phát huy rất tốt. Đây là một trong các điểm tham quan du khách không thể bỏ qua khi đến với Lý Sơn. Không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp, dinh Đụn còn là nơi bảo tồn cây cổ thụ hùng vĩ và đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đó là cây đa sộp gần 300 năm tuổi. Trải qua nhiều thế kỷ và đối mặt với thời tiết khắc nghiệt nhưng những cây cổ thụ trong khuôn viên dinh Đụn vẫn vươn lên xanh tốt như biểu tượng về sức sống mãnh liệt của con người trên đất đảo.

Đến nay, vào ngày 3.5 (Âm lịch) hằng năm, dân làng tập trung đông đủ  để dự lễ cúng tế Bà. Việc thờ nữ thần Chăm của người Việt trên đảo Lý Sơn đã cho thấy những mảnh vỡ của văn hóa Chăm trong quá khứ vẫn còn được dung hòa trong lòng văn hóa Việt. Đó là sự bảo lưu, chuyển tiếp các hình thái tín ngưỡng và vẫn giữ được các giá trị của nó trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng.

Năm 1945, dinh Đụn được sử dụng làm trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính thôn. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dinh Đụn được sử dụng làm trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã. Trong khuôn viên của dinh Đụn có xây dựng trường bình dân học vụ và cũng là nơi huấn luyện tinh thần cách mạng cho các đoàn thể, tổ chức trên đảo Lý Sơn.

Theo Duy Hùng (Báo Quảng Ngãi)
Bánh xèo chay phong phú không kém gì bánh mặn. Chỉ riêng việc dùng nấm làm nhân đã tạo ra tới gần 50 loại bánh xèo chay khác nhau. Vậy bạn có từng nghe nói về các chùa mang tên kỳ lạ như 'chùa Bún Riêu', 'chùa Bánh Xèo' chưa?

< Bánh xèo chay vỏ giòn tan, thơm phức không kém gì bánh mặn.

Chùa 'Bún Riêu' thì chắc chắn đã nghe qua hoặc viếng rồi. Vậy còn chùa 'Bún Riêu'? Có lẽ bạn từng nghe mang máng. Ngày nay, không những một mà có đến 2 chùa 'Bánh Xèo'. Đây là nơi bạn có thể đến dùng bữa miễn phí, có cúng dường hay không tùy hỉ, chùa đều hoan hỉ tiếp đón.

Cửa Phật từ bi, rộng mở: Từ bi ở đây chính là tấm lòng nghĩ đến người nghèo, còn rộng mở là phục vụ mọi người. Người thiếu ăn thì tìm đến chùa xin miếng cơm, miếng nước. Người có điều kiện sống khá hơn thì phát tâm đến chùa cúng dường và chùa đứng ra thể hiện tấm lòng ấy. Đến một khi tâm từ bi được thể hiện một cách công tâm và minh bạch thì nhà chùa lại nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn. Mời bạn xem qua về 2 ngôi chùa này nhé:

Chùa Bánh Xèo - An Giang

Chùa Bánh Xèo tọa lạc tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên - An Giang. Đây là ngôi chùa cổ, qua nhiều đời trụ trì, đã xuống cấp. Chính vì vậy mà thượng tọa trụ trì đương thời, Thích Thiện Chí đã tiến hành xây dựng, tôn tạo cho thêm phần uy nghi, tôn nghiêm bắt đầu từ vài năm nay.

Chùa Bánh Xèo còn có tên gọi dân gian khác là chùa Phật Nằm. Vì, bên phải trước chánh điện có tượng Phật nằm khá lớn. Tượng này, qua thời gian xuống cấp, cũng đang được tôn tạo cho thêm phần uy nghiêm, tôn kính. Hiện nay, đến chùa, đập vào mắt khách thập phương là Đài Quan Âm tọa lạc bên trái trước chánh điện.

Đài gồm tượng Phật Quan Âm và hòn non bộ phía sau lưng có dòng thác róc rách tuôn chảy suốt ngày đêm. Đài có diện tích 5,5mx7m, với số tiền xây dựng khoảng 200 triệu đồng.

Chánh điện chùa đang trong thời kỳ nâng cấp. Dù vậy, đứng trước hàng hiên chánh điện, khách phương xa vẫn thích thú với bề mặt u nhã của nó.

Tiền điện có hai cặp đối. Một cặp bên ngoài ghi dọc hai câu đối âm Hán tự: "Hoằng pháp vi gia vụ/Lợi sanh vi bổn hoài". Cặp đối bên trong, cũng bằng âm Hán tự, ghi dọc: "Đông độ Tây Thiên trụ đại pháp/Lai nhân duyên hữu thoát trẩn ai". Cặp đối này đáng chú ý vì mỗi câu được khởi đầu bằng chữ: "Đông" và "Lai". Ghép hai chữ này lại thành Đông Lai, là tên chữ chính thức của chùa: Đông Lai cổ tự. Nhưng vì chùa tổ chức phục vụ miễn phí bánh xèo cho bất cứ ai đến viếng, nên người ta gọi là chùa Bánh Xèo cho "thân mật" và dân dã như bản tính của thượng tọa trụ trì.

Dù sư trụ trì "xuề xòa" nhưng việc xây cất chùa không đơn giản. Kiến trúc chùa mang đậm phong cách Á Đông và phương Tây. Trong chánh điện, tượng Phật to lớn, chỉ vài ba vị, nổi bật nơi tôn nghiêm nhất.

Dài hai tường chùa là phù điêu Thập bát la hán được chạm khắc tinh xảo, mỹ thuật. Trần chùa cao thoáng. Nóc chùa ba lớp nhỏ dần lên, lợp ngói đỏ, mái đao theo truyền thống chùa chiền Việt Nam... Thời gian này việc xây sửa chùa lúc nào cũng rộn rịp. Và, theo Thượng tọa Thích Thiện Chí, khi quyên góp được số tiền lớn nữa, sẽ tiến hành tạo thêm nét mỹ quan cho chùa...

Cô Trương Thị Kim Thùy, 32 tuổi, phật tử chùa Đông Lai, người phụ trách bếp cho biết: Việc tổ chức đổ bánh xèo và bánh tét khởi phát từ năm 1999, khi Thượng tọa Thích Thiện Chí về đây trụ trì. Đó là trước ngày kỷ niệm sư ông cất chùa (cũ) viên tịch, thầy Thiện Chí nghĩ đến việc làm này. Và, ngoài số Phật tử đến dự lễ giỗ sư ông, còn có một số khách thập phương tình cờ đến viếng chùa, cùng được thưởng thức món bánh xèo và bánh tét. Tất nhiên, sau khi thưởng thức bánh xèo, bánh tét, khách gần xa đều không ngớt lời khen ngợi, nên từ đó nhà chùa thường xuyên đổ bánh xèo phục vụ khách thập phương.

Cô tâm sự, sáng nào cô cũng đều ra chợ thị trấn Tịnh Biên mua rau cải, gạo, củi... Biết chùa làm việc thiện, một số người bán hàng "hiến cúng" một số rau cải, giá, đậu... Đặc biệt, vào mùa mưa, một số phật tử và một số người thiện ý lên núi hái ngành ngạnh, kim thất, lá sung, cát lồi, đọt bứa, lá vông, mã đề, măng tươi… đem "cúng" chùa. Đây là những loại rau rừng ngoài việc giúp thực khách ngon miệng với món bánh xèo, còn giúp họ bồi bổ cơ thể, ngăn ngừa một số bệnh.

Trước khi tái thiết chùa, bên cạnh chánh điện là nhà ăn, bếp, nhà vệ sinh khá gần kề nhau. Hiện nay nhà vệ sinh xây mới đẹp đẽ với gạch men láng bóng cùng nhiều lavabo... Nhà vệ sinh được "cắt" khỏi hông chùa, nhằm tạo không khí thanh sạch cho nơi tôn nghiêm. Phía sau chánh điện là nhà ăn, sau nữa là nhà bếp với hai nhóm: nhóm lặt rau, làm nhưn bánh xèo và nhóm nấu cơm.


Riêng đổ bánh xèo có bốn nhóm, mỗi nhóm có khoảng hai người, anh Ngô Văn Vũ (31 tuổi, đổ bánh xèo cho chùa khoảng 5 năm nay) cho biết như vậy. Một người đổ bánh với 10 chảo, một người phụ việc, chuyển bánh lên nhà ăn. Củi lửa lúc nào cũng hừng hực, nên khu vực đổ bánh xèo là dãy nhà bên phải và cách chánh điện một khoảng sân, nhằm tránh ảnh hưởng sức nóng đến chùa và các phần việc liên quan khác.


Cô Kim Thùy cho biết vào các ngày rằm, mồng một âm lịch, chùa có tổ chức nấu bánh tét phục vụ khách thập phương, khoảng 800 – 900 đòn/ngày. Phần việc này do bà con lối xóm tự nguyện đến làm công quả.

Đáng quan tâm hơn, ngoài đổ bánh xèo, phục vụ bánh tét, chùa còn khoản đãi cơm chay cho khách viếng chùa. Cơm chay với các món: chiên, xào, mặn, canh. Muốn thưởng thức cơm chay, khách phải đặt trước để nhà chùa chuẩn bị.

Từ 6 giờ sáng đến 7-8 giờ tối, khách viếng chùa lúc nào cũng được ăn bánh xèo. Ăn đến no thì thôi. Khi khách ít, người phục vụ liên tục chuyển bánh đến. Những lúc khách đến đông thì khách phải tự mình xuống bếp mang bánh lên. Những ngày khách viếng chùa đông, những người làm công quả lâu năm đều biết, nên mạnh ai nấy tới chùa lãnh một vài nhiệm vụ. Nhà ăn có 30 bàn với 300 ghế, vậy mà ngày rằm, mồng một (âm lịch) hoặc lễ vía lớn, lúc nào cũng "hết chỗ", khách phải đứng chờ.

Nhờ lực lượng làm công quả mà việc phục vụ ăn uống cho khách lúc nào cũng khá vẹn toàn. Bàn ăn và ghế bằng nhôm lúc nào cũng láng bóng. Chén đũa sạch sẽ, tinh tươm. Mỗi bàn ăn đặt sẵn lọ tăm xỉa răng, hộp khăn giấy, hộp đũa muỗng, hũ nước mắm chanh ớt, chén nhỏ đựng ớt trái...

Càng chu đáo hơn, sau khi khách ăn (cứ ăn thoải mái đến no bụng thì thôi) xong còn được tráng miệng bằng ly cà phê đá mát lịm cần cổ. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Đáng ca ngợi nhất là thái độ phục vụ của những người làm công quả, ai cũng vui vẻ, nhiệt tình với khách. Chính vì vậy mà chùa Đông Lai ngày càng thu hút khách thập phương đến viếng, ngoài khách khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn có khách từ miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đến.

Chùa Bánh Xèo - Vũng Tàu

Bánh xèo chay là món ăn mà Ni viện Thiện Hòa (Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) dùng để đãi khách và tên gọi của chùa cũng bắt đầu từ đó.

Chùa Bánh Xèo có tên chính thức là ni viện Thiện Hòa, nằm ở bên phải, sau Đại Tòng Lâm Tự, thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để đến chùa Bánh Xèo du khách có thể đi bằng hai cách: hoặc vào cổng Đại Tòng Lâm rẽ phải, rồi rẽ trái chạy theo con đường nhỏ khoảng 800 m, ngang qua 6 tự viện đề bảng hiệu là: chùa Bảo Tịnh, tịnh thất Diệu Nghiêm, tịnh thất Long Nhiễu, thiền tự Hiện Quang, thiền viện Huệ Chiếu và tu viện Viên Thông, cuối cùng là ni viện Thiện Hòa. Đường này nhỏ, chủ yếu dành cho là xe 15 chỗ trở xuống.


Hoặc chạy qua khỏi cổng Đại Tòng Lâm, ngay bên hông có một con đường rộng với tấm bảng đề Trường Phật học Đại Tòng Lâm, rẽ vào đi đến cuối đường rẽ phải thì đến ni viện Thiện Hòa. Xe khách 40 - 50 chỗ có thể vào theo đường này.


Thuở ban đầu ni viện Thiện Hòa chỉ là một am nhỏ được dựng lên vào năm 1989. Đến năm 1990, hòa thượng Thích Thiện Hòa cho xây dựng thành ni viện làm nơi tu hành cho các ni cô. Ni viện dù được xây dựng quy mô nhưng vẫn mang nét cổ kính của ngôi chùa Việt. Hiện nay, nơi này còn là trường trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm.

Ni sư trụ trì chùa, pháp danh là Thích nữ Như Như, từ kinh nghiệm phục vụ món bún riêu chay của tu viện Phước Hải rất được khách thập phương ưa chuộng, đã nghĩ ra ý tưởng chọn bánh xèo chay để đãi khách khi đến ni viện Thiện Hòa.

Bột dùng để làm bánh thì ngày nào chùa cũng xay sẵn, và rau trồng trong vườn. Còn những thứ khác như củ sắn, cà rốt, mì căn, dầu ăn thì do các Phật tử có điều kiện ủng hộ. Tiếng lành đồn xa, trong những năm gần đây khách hành hương tìm đến ngày càng nhiều và tên gọi “chùa bánh xèo” cũng xuất phát từ đó.

Ngoài món chính là bánh xèo, chùa còn phục vụ những món ăn khác như bún chay, bánh tét chay, cơm chay, hay bắp rang.


Nhà ăn (Thanh Lạc Trai) ở đây rất sạch sẽ, thoáng mát với các dãy bàn tròn làm bằng inox. Có lẽ do nơi đây cũng là khu nội trú của hơn 200 ni sinh trường trung cấp phật học nên mọi thứ đều rất quy củ. Ngoài công việc chính là tu học, các ni sinh còn tham gia vào việc làm bánh xèo đãi khách, sản xuất tương, chao để bán cho khách hành hương.


 Ở đây, tất cả đều miễn phí và... ăn bao nhiêu cũng được. Bạn cứ tưởng tượng rằng mình đang đi ăn buffet, tự động lấy chén đĩa, muỗng và đến từng quầy thức ăn để nhận thức ăn. Muốn ăn món nào thì lấy món ấy, ăn hết nếu còn bụng thì lại ăn tiếp. Chỉ khác buffet nhà hàng ở chỗ là bạn không hề phải trả tiền, thế thôi.

Tết năm nay nếu có dịp đến Vũng Tàu, khi quay về bạn có thể ghé vào chùa Bánh Xèo. Trước là lễ Phật, viếng cảnh chùa, sau nữa là thưởng thức món bánh xèo chay độc đáo của nhà chùa.

Biên tập từ Báo Cần Thơ, Vnexpress và nhiều nguồn khác
Thân thuộc như những ngôi nhà sàn của vùng cao nguyên, gần gũi như những không gian sinh hoạt cộng đồng làng xã, chùa Di Đà tỏa ra tinh thần Phật giáo nhập thế, tu hành biệt lập mà không xa cách…

Tạm xa những ồn ào náo nhiệt, những tất bật, lo toan của cuộc sống đời thường, chúng tôi đến tham quan ngôi chùa Di Đà (còn gọi là chùa Đang Đừng, thuộc buông Đang Dừng, xã Đạ Tồn, Bảo Lâm, Lâm Đồng) nằm cách Bảo Lộc khoảng 35 km. Từ trung tâm thành phố Bảo Lộc, chúng tôi đi vào hướng thác Đambri rồi rẻ phải vào Hoa viên Địa Tạng Vương, để đến chùa Di Đà cách đó khoảng 5km đường đất đỏ.

< Chánh điện chùa Di Đà được làm bằng gỗ theo phong cách nhà sàn các dân tộc thiểu số

Bước vào cổng chùa, chúng tôi thật sự sửng sốt bởi hiện ra trước mắt một quần thể kiến trúc rộng hơn 5 hét-ta rõ ràng là nơi tu hành, song được kiến tạo theo phong cách trang nhã với những nếp nhà sàn được làm bằng gỗ kết hợp với nền bê-tông, trên các đầu đao nóc mái gắn phù điêu hoa văn theo mô-típ văn hóa Lạc Việt hoặc những nếp nhà thuộc đồng bào dân tộc Châu Mạ (vùng cao nguyên B’Lao).

< Nhà sàn và nhà thủy tạ nằm quanh hồ An Lạc.

Đặc biệt là hồ nước rộng hơn 2000m2, xung quanh được trồng cỏ hoa tươi tốt gợi lên thi hứng hơn là cảm giác u tịch. Bản thân ngôi chính điện cũng dựng theo lối nhà sàn vùng dân tộc thiểu số với cột gỗ, vì kèo, vách ván nhưng thoáng đãng, giản dị mái thấp và đơn sơ vách gió lùa.

Tượng Phật đặt chính giữa gian mà có cảm giác lộ thiên, như hòa thân bất hoại vào vũ trụ, tỏa tinh thần hỷ xả tới mọi tâm linh, để ngay sau khi dâng hương làm lễ, ta có cảm giác thân thuộc với từng góc nhà.

< Nếp nhà sàn làm nơi cư trú của khách thập phương hành hương.

Điều cảm khái hơn nữa, bao quanh các nếp nhà như Chánh Điện, nhà thờ Tổ, nhà Tăng, trai đường...là những nương chè xanh hay những vườn cây cà phê tươi tốt. Rải rác phía sau dưới những tán cây xanh là những ngôi thiền thất bằng gỗ dành cho các Tăng lữ nghiêm mật tu trì.

Thẳng vào bên trong là ngôi nhà sàn rộng hơn 1000 m2, nơi tiếp khách của nhà chùa, cũng đôi khi dùng làm chỗ lưu trú cho những đoàn khách hành hương từ phương xa đến...

< Chùa Một Cột - biểu tượng VHPG Việt nam được dựng trong khuôn viên chùa Di Đà.

Viếng cảnh chùa Di Đà, chúng tôi như được mở ra cả không gian để khám phá nét hài hòa giữa vẻ đẹp thiên tạo và nhân tạo. Nhờ nhãn quang của một người am hiểu kiến trúc, mỹ quan như Đại đức Thích Đồng Châu, theo thời gian chùa Di Đà dần hiện lên những công trình kiến trúc chuẩn mực. Dù mới tạo dựng từ năm 2005 nhưng kiến trúc chùa Di Đà luôn mang vẻ gần gủi với vùng đất mà nó sinh ra. Đó là những nếp nhà sàn theo phong cách đồng bào dân tộc Tây Nguyên, những nương chè luôn phảng phất mùi hương của xứ trà (Bảo Lộc – Lâm Đồng)...tất cả đều hiện hữu ở một nơi tuy “thâm sơn” nhưng không “cùng cốc”.

< Toàn cảnh hồ An Lạc.

Phải chăng, khi xây dựng ngôi chùa này, vị thầy khai sáng muốn cho du khách thập phương cảm nhận sự bình an, tĩnh lặng khi đến chùa !? Các pho tượng được tôn trí trong khuôn viên chùa hay những hình nhân thuộc người đồng bào Châu Mạ kính tín Phật pháp... hầu hết đều làm bằng xi măng, mang một phong cách độc đáo. Qua những tác phẩm điêu khắc này ta có thể hiểu được cảnh sinh hoạt và đời sống của chư Tăng và Phật tử trong chùa, không khí trang nghiêm của ngôi thiền tự và nếp sống tu hành chân chính của ngôi chùa này.

< Các hình nhân người đồng bào Châu Mạ.

Chư Tăng trong chùa, ngoài vị thầy sáng lập ĐĐ. Thích Đồng Châu, còn lại một vị Tỳ kheo và năm chú Sa Di đều là người dân tộc Châu Mạ đã theo thầy xuất gia học đạo từ nhiều năm nay.

Đại đức Đồng Châu (trụ trì chùa Di Đà) cho biết: “Chùa Di Đà chỉ mới thành lập cách đây gần 10 năm, trước kia là một tịnh thất nhỏ. Đến năm 2013 nhà chùa mới xây dựng lại các công trình để mở rộng thờ tự, lễ bái cũng nhưng đón khách thập phương. Hầu hết Phật tử cũng như chư Tăng đều là người đồng bào Châu Mạ nên các tập tục sinh hoạt đạo pháp ở đây cũng tùy thuận vào văn hóa vùng miền...”

< Đường đá xuống thác phủ sương trong sáng sớm.

Một ngày ở chùa Di Đà là một ngày được sống trọn vẹn trong niềm an lạc của sự tĩnh lặng; một thế giới bình yên. Mọi sự nhiễu nhương của cuộc đời, cái giới hạn bởi không gian và thời gian dường như tan biến, để thay vào đó là sự thanh tịnh, yên bình. Về với chùa Di Đà là tìm về chính mình; nơi đây con người được yêu thương và sẻ chia, được sống cùng với thiên nhiên và nguồn cội.

< Thác Tam Hợp được chảy từ Rừng Thần trong khuôn viên chùa Di Đà.

Khi vầng dương khuất dạng dưới những đồi chè xanh cũng là lúc chúng tôi kết thúc một ngày chiêm bái vườn thiền Di Đà và dạo bước bình an bên dòng suối mát Tam Hợp trong không gian chùa Di Đà.

Tất cả hòa quyện tạo nên một không gian của tuệ giác. Tuệ giác là nguồn khai sáng và đạo diễn cho cuộc đời hướng về giá trị của an vui và hạnh phúc, nơi nào được thắp sáng bằng tuệ giác nơi đó có hạnh phúc, có tình thương và hoà bình…

Chùa Chủa (hay còn gọi là Linh Quang tự) nằm ở thôn Chủa xã Tuấn Đạo. Theo các tài liệu xưa, cùng với nhiều hiện vật có giá trị lịch sử hiện đang được lưu giữ tại chùa cho thấy chùa Chủa đã có từ lâu đời.

Trải qua bao biến cố lịch sử và điều kiện tự nhiên tác động, chùa Chủa không còn được bảo lưu nguyên vẹn như thủa ban đầu. Năm 1947, giặc Pháp đến địa phương tấn công, phá hỏng ngôi chùa, hòa bình lập lại, những năm 1960-1970 nhân dân địa phương mới tu sửa lại ngôi chùa nhưng vẫn là ngôi chùa với mái ngói đơn sơ. Năm 1996 tòa tiền đường và thượng điện của chùa Chủa lại được tu sửa. Năm 2007 nhân dân địa phương mới đại trùng tu, tôn tạo, xây dựng kiên cố lại ngôi chùa.

Chùa Chủa hiện nay tọa lạc trên khuôn viên có tổng diện tích 445,1m2, nhìn về hướng Nam, cổng chùa được xây dựng theo lối nghi môn, ngôi chùa có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 5 gian tòa tiền đường nối 3 gian tòa thượng điện, khung dựng bằng gỗ lim.


Trải qua nhiều năm tháng nhưng đến nay chùa vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính với hệ thống tượng Phật được bài trí đầy đủ gồm: tam thế Phật, Quan thế âm Bồ Tát, A di đà, A nan-Ca diếp, tượng Thích ca niệm sen, Quan âm thiên thủ thiên nhỡn, Ngọc Hoàng, Nam tào Bắc đẩu, Mẫu địa, Tòa cửu long, Thánh tăng, Tượng hầu, Quan hoàng, trong chùa còn lưu giữ một số hiện vật, đồ thờ bằng gỗ, mâm bồng, mâm đồng, bát hương sứ, chân tảng… từ thế kỉ XIX, hai bên gian chính diện có treo hoành phi Linh Quang tự, đôi câu đối Hán Nôm mang ý nghĩa kính Đức Phật.


Đặc biệt chùa Chủa còn là điểm nhấn, nơi dừng chân của du khách hành hương lễ Phật theo tuyến sườn Tây Yên Tử, từ đây theo đường tỉnh lộ 291 khoảng 20km là đến chân núi Yên Tử, theo đường mòn sườn núi chừng 700m là đến chùa Đồng, chốn tổ của Thiền phái trúc lâm. Năm 2012, di tích chùa Chủa được UBND tỉnh Bắc giang xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Chùa Chủa là nơi được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo, là nơi thờ Phật và tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân xã Tuấn Đạo từ xưa đến nay.

Đã thành lệ, hàng năm cứ vào ngày 17 tháng giêng, UBND xã Tuấn Đạo long trọng tổ chức lễ hội chùa Chủa với nhiều nghi lễ truyền thống, trong đó, lễ dâng hương được tiến hành trang trọng vào sáng ngày 17. Vào ngày này, những người con xa quê hương lại có dịp trở về quê hương, thành tâm đi chùa lễ Phật, cầu tài lộc, cầu may mắn, sức khỏe và bình an. Cũng trong lễ hội này, các trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, đánh đu, đánh cờ, hát chèo, đi cà kheo… đã được tái hiện thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương tham gia, tạo nên không khí lễ hội sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giúp nhân dân có thêm khí thế lao động sản xuất trong năm mới.

Để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, hiện nay địa phương đã thành lập tiểu ban quản lý di tích, cắt cử người thường xuyên trông coi, chăm sóc để cảnh quan chùa Chủa luôn sạch đẹp, thanh tịnh, góp phần tạo nên một không gian văn hóa tâm linh lành mạnh, nâng cao văn hóa tinh thần cho mọi người./.

Theo Trần Chung - Xuân Thỏa (Trang TTĐT huyện Sơn Động)
(DVO) - Đến cuối năm, bà con dùng Lân đường, tháp đường, đào đường, … đó nấu nồi chè cả nhà cùng ăn và tiếp tục đợi đến tháng Giêng, ngày Rằm đi chùa Ông Bổn thỉnh điều ước mới.

< Lân đường, tháp đường, đào đường vừa đúc xong.

Từ trung tâm thành phố Cần Thơ qua cây cầu dây văng hiện đại bắc ngang dòng sông Hậu đến cầu Đông Bình rồi rẽ phải vào Quốc lộ 54 chạy thêm gần 40 cây số nữa khách lữ hành sẽ đến chùa Minh Đức Cung mà dân gian quen gọi chùa Ông Bổn.

Chùa nằm trên địa phận xã Hoà Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Tại đây, hằng năm cứ vào tháng Giêng, chính lễ là ngày Rằm, người dân trong vùng có tục đến chùa tham dự lễ hội cho vay đúc Lân đường, tháp đường, ... Với ước muốn tạo sự ngọt ngào vui vẻ, làm ăn ngày càng phát đạt cho gia đình trong suốt cả năm.

< Thợ nấu đường đang chế đường nấu chảy vào khuôn.

Phong tục tốt đẹp này không ai còn nhớ nó bắt đầu được tổ chức từ năm nào, chỉ biết đến nay, lễ hội vẫn được duy trì hằng năm.

Theo đó, một số nghệ nhân dân gian có tay nghề từ Sài Gòn cứ mỗi năm một lần đến chùa, dùng đường ăn nấu chảy. Để nấu đường, người thợ thủ công dùng lò tạo nhiệt độ cao khi nấu, luôn tay điều chỉnh lửa để đường nóng nhiều, nóng ít. Một nồi khoảng 3 kg đường cát trắng, khi sôi gần tới mới pha màu tím sen vào.

Bằng kinh nghiệm dân gian, người thợ ước đoán bằng mắt nhìn và mũi nhận biết mùi thơm khi đường tới độ là tắt lửa, nhắc xuống đổ vào khuôn. Khi đổ xong, họ rửa khuôn ngay. Đường có gió là khô cứng, tránh đường non thường bị bể. Khuôn đúc gồm 3 - 4 thanh gỗ ráp lại, trong khuôn có nhiều hoa văn tinh xảo tạo thành hình con Lân, con gà, hay hình tháp, hình trái đào, … Những con Lân đường, tháp đường để đến cả năm không hư bể và cũng không bị kiến bu.

< Ông Trương Văn Điều với một số lân đường vừa mới đúc.

Mỗi biểu tượng trên hoa văn lại mang một ý nghĩa riêng. Tìm hiểu từ những người dân tham dự và tục “vay” ở ngôi chùa này, chúng tôi được biết: Hình Lân với ý nghĩa may mắn, làm ăn suôn sẻ suốt năm; Tượng con gà sẽ mang lại cho người chăn nuôi nhiều thành công như ý. Dân nuôi gà, vịt thường “thỉnh” con vật này. Những ai muốn cất nhà mới, muốn được nhà “cao tầng” thì thỉnh cái tháp với ước mong được gửi gắm vào đó. Một số bà con thỉnh trái đào nói lên những điều tâm linh có sự chứng giám của Phật, tạo hoà khí trong gia đình, ...

Đến chùa Ông Bổn vào sáng ngày Rằm tháng Giêng, chúng tôi được chứng kiến ngoài lễ cầu an do nhà chùa tổ chức, còn có phần “thu nợ vay” năm trước và phát “phiếu vay” mới tùy theo ước nguyện của từng người.

Thẻ vay có ghi điều mong mỏi của từng người. Các thợ nấu đường đổ khuôn tạo vật. Chờ Lân đường, tháp đường, … nguội, nhà chùa cử người để vô bọc cùng với thẻ vay. Tất cả các vật phẩm này sẽ được đưa lên ban Phật cúng. Sau đó, sẽ phát lần lượt cho đến hết. Bà con rất cẩn trọng khi mang đường về nhà, thỉnh nhiều họ phải lót rơm, lót trấu, đóng thùng.

Theo niềm tin, người dân quê không để đường sứt, mẻ hay bị bể, vì họ sợ việc không may đó sẽ khiến công việc làm ăn không thuận lợi. Đến cuối năm, người ta dùng Lân đường, tháp đường, đào đường đó nấu nồi chè cả nhà cùng ăn và tiếp tục đợi đến tháng Giêng sang năm đi thỉnh điều ước mới.

Vay Lân đường không chỉ là lễ hội, phong tục mang ý nghĩa tâm linh, mà còn đem lại niềm tin cho bà con trong cả năm làm ăn, sinh sống may mắn an lành.

Theo Minh Khuyên (Dân Việt)
Trong khuôn viên Thích Ca Phật Đài (Vũng Tàu) trồng cây Bồ Đề có gốc từ cây mà Đức Phật ngồi thiền và giác ngộ.

Nằm trên sườn phía bắc của núi Lớn (còn gọi là núi Tương Kỳ), Thích Ca Phật Đài là một quần thể kiến trúc Phật giáo nổi tiếng tọa lạc tại số 608 đường Trần Phú, phường 5, thành phố Vũng Tàu. Nơi đây được giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam đánh giá là vùng đất đắc địa tụ kết khí thiêng, có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, lại thuận tiện giao thông đi lại cho chư tăng, Phật tử thập phương hành hương. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc tôn giáo và phong cảnh thiên nhiên đã tạo nên sức hấp dẫn cho Thích Ca Phật Đài.

Trong khuôn viên có một cây Bồ Đề do Đại đức Narada Mahathera (Sri Lanka) trồng vào năm 1960, khi ngài đến viếng Thiền Lâm Tự. Dưới gốc Bồ Đề có một tấm bia với nội dung: "Cội Bồ Đề này là con cháu của cội Bồ Đề Sri Maha Bodhi (Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ). Từ chính cội cây thiêng liêng ấy, một nhánh chiết được đưa về trồng ở cố đô Anuradhapura, Sri Lanka. Đại đức Narada Mahathera đã cung thỉnh một cây con từ gốc này đến trồng tại đây ngày 2/11/1960.

Toàn bộ kiến trúc Thích Ca Phật Đài xây dựng theo hình bán nguyệt, có kết cấu 3 tầng hình tháp, tầng thấp nhất cao 3 m, tầng trên cùng cao 29 m. Tầng 1 là cổng tam quan và khu vườn hoa, tầng 2 là khu nhà ở và nhà trưng bày truyền thống, tầng 3 là chùa Thiền Lâm và khu Phật tích.

Công trình thờ tự chính trong quần thể Thích Ca Phật Đài là Thiền Lâm Tự, ngôi chùa nhỏ được xây dựng từ thập niên 1950.

Chính điện của Thiền Lâm Tự bài trí đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ trang nghiêm. Ở án thờ chính giữa là tượng Đức Phật Thích Ca tọa thiền (cao 1,2 m), một tượng đức Phật Thích Ca nhỏ phía trước. Hai bên thờ hai tượng Đức Phật Thích Ca trì bình khất thực (cao 1,2 m). Có sách viết rằng hai pho tượng hai bên là A Nan và Ca Diếp (hai đại đệ tử của Đức Phật), nhưng chư tăng của hệ phái phật giáo Nam Tông cho biết đó cũng là tượng Đức Phật Thích Ca.

Điểm nhấn là tượng Đức Phật thành đạo cao là 11,6 m. Tượng được thi công tại chỗ, riêng phần đầu được đặt đúc tại Sài Gòn. Bên trong tượng có đặt ba viên xá lợi Phật.

Một kiến trúc nổi bật khác tại đây là bảo tháp xá lợi Phật hình bát giác cao 17 m, trên có búp sen, bên trong đặt 13 viên xá lợi Phật đựng trong chiếc hộp bằng vàng. Lối lên bảo tháp đắp hình rồng, hai bên có đôi sư tử chầu.

Trong quần thể tượng Phật ở nơi đây còn có tượng Phật nhập Niết bàn cao 2,4 m (tính từ vai xuống), dài 12,2 m, đặt trên một bệ xi măng cao 4,2 m. Phía trước có bốn tượng Tỳ kheo chấp tay cung kính. Phía sau có năm tượng Tỳ kheo ngồi chắp tay hướng về Đức Phật.

Nhà bát giác là một công trình mang kiến trúc thanh thoát, có tượng Đức Phật ngồi trên toà sen trên đỉnh. Bên trong nhà bát giác có một bàn thờ với tượng năm anh em đại sỹ Kiều Trần Như nghe thuyết pháp tại vườn Lộc Uyển.

Thích Ca Phật đài đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia, là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất ở Vũng Tàu và miền Nam. Hằng năm, nơi đây tiếp đón cả triệu lượt du khách đến tham quan, chiêm bái.

Theo Lê Minh (Vnexpress)