Tab Từ Khóa "Xem cho biết"
Showing posts with label Xem cho biết. Show all posts
Ngày 23/4, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức đón nhận bằng công nhận cây đa Đá Bạc (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) của Hội bảo vệ thiên nhiên - môi trường Việt Nam là cây di sản Việt Nam. Như vậy, cây đa Đá Bạc (cùng với cây thị trên 300 tuổi ở Thủy Xuân, thành phố Huế và cây thị hơn 500 tuổi ở làng cổ Phước Tích, huyện Phong Điền) trở thành cây di sản thứ ba ở tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Lộc cho biết, cây đa Đá Bạc là cây trồng, có tuổi đời từ 200-300 năm. Cây có chiều cao 25m, tán lá rộng khoảng 40m, rễ chính và rễ phụ ôm gọn vào sáu hòn đá hoa cương kết thành khối có chu vi khoảng 27m. Hiện cây nằm sát quốc lộ 1A, thuộc khu vực Di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Ràng Bò-Bến cây đa Đá Bạc.

Ông Lư Chính, hiện đang sống ở thôn Bạch Thạch, xã Lộc Điền, cho biết ông nội của ông là cụ Lư Đồng có truyền khẩu lại năm 1887, cụ Lư Đồng từ Mỹ Lợi qua Đá Bạc sinh sống, lúc này cây đa đã to lớn. Cây đa ấy được trồng nhằm mục đích để đánh dấu, cắm mốc biên giới điểm đầu và điểm cuối làng Đá Bạc sau khi dân làng đã định canh, định cư (khoảng thế kỷ XVII, XVIII).

Ngay dưới gốc cây đa, hiện có một miếu thờ của ngư dân làng Đá Bạc, được xây dựng thời kỳ cụ Lư Đồng còn sống (cách đây 120 năm), do nhân dân trong làng góp công, góp của để xây dựng một ngôi miếu thờ nhỏ để thờ Bà Thủy, với mong nguốn cầu cho người dân địa phương luôn gặp bình an, mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy thuyền mỗi lúc ra khơi.

Sau khi xây xong, cụ Lư Đồng trở thành ông Từ, chăm nom nhang đèn để cầu mong dân chúng trong làng được bình an vô sự, an cư, lạc nghiệp. Hiện cây đa vẫn đang xanh tốt, phát triển.

Cụ Trần Văn Sáu, 65 tuổi, hiện sinh sống cạnh cây đa ở Đá Bạc cho hay cây đa Đá Bạc còn là nơi chứng kiến những tội ác dã man của quân Pháp đối với nhân dân địa phương và những chiến sĩ hoạt động cách mạng.

Nhìn thấy địa điểm bến cây đa Đá Bạc là điểm trọng yếu của tuyến đường Bắc-Nam, nơi có nhiều cây cối, lau sậy dễ ẩn nấp, là địa điểm lý tưởng để cách mạng hoạt động nên bọn Pháp cho xây dựng một đồn bốt về phía núi (cách cây đa Đá Bạc khoảng 500m), thường xuyên có một đội quân canh gác để theo dõi, đàn áp cách mạng.


Ngày 22/3/1975, do nắm được địa thế và vị trí quan trọng về quân sự của bến cây đa Đá Bạc nên quân Ngụy chọn bến cây đa Đá Bạc là điểm ém quân, chốt giữ nhằm ngăn chặn sự tiến công của quân ta nhưng đã bị Sư đoàn 324 (Quân đoàn 2) của ta tiêu diệt, cắt đứt cánh quân của địch trên đoạn đường Quốc lộ 1A từ Ngã ba Ràng Bò đến bến cây đa Đá Bạc.

Ngày nay, cây đa Đá Bạc có vị trí đặc biệt quan trọng đối với lịch sử, đời sống văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng và người dân địa phương. Ngoài ra, cây đa Đá Bạc còn góp phần tạo nên giá trị kiến trúc, mỹ quan và văn hóa tín ngưỡng tâm linh của bà con dân làng Đá Bạc.

Cây đa gắn bó sâu sắc với con người, tạo nên nét đẹp hài hòa về cảnh quan, giữ gìn môi trường sinh thái; là chứng tích lịch sử, là một nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa tâm linh người dân Đá Bạc nói riêng và người dân huyện Phú Lộc nói chung.

Theo Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)
(VNE) - Cát Lái, Rạch Chiếc, Gò Vấp, Hàng Xanh, Thanh Đa... là những địa danh quen thuộc ở Sài Gòn nhưng được cho là bị viết sai so với ban đầu.

Hàng Xanh

Là nút giao thông lớn ở cửa ngõ phía Đông của TP HCM, Hàng Xanh là địa danh rất quen thuộc với người Sài Gòn. Vùng Hàng Xanh, bao gồm một phần địa bàn các phường 24, 25 (quận Bình Thạnh), còn có chợ Hàng Xanh, ngã tư Hàng Xanh.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tác giả Nguyễn Thanh Lợi (trong quyển Sài Gòn - Đất và Người) qua nhiều tài liệu cũ, địa danh này viết đúng phải là Hàng Sanh...

Theo sách Đại Nam quốc âm tự vị của nhà ngôn ngữ học Huỳnh Tịnh Của, Sanh "là thứ cây lớn, nhánh có tua, về loại cây da, mà lá nhỏ". Ngày trước, dọc theo hai bên đường nay là Bạch Đằng có 2 hàng cây sanh, dân thường gọi là Hàng Sanh. Nên có thể kết luận, Hàng Xanh do đọc chệch từ Hàng Sanh mà ra.

Cát Lái

Hiện, tại TP HCM có các địa danh: ngã ba Cát Lái, phường Cát Lái, bến phà Cát Lái, sông Cát Lái... (quận 2) và rạch Cát Lái Lớn, rạch Cát Lái Bé (xã Lý Nhơn, huyện Nhà Bè). Theo các nhà nghiên cứu viết như thế là vô nghĩa.

Nguyên các vùng kể trên ngày xưa lái buôn tụ về buôn bán nên dân gian gọi là vùng của các lái. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền những bài vè về các lái buôn ghe bầu từ miền Trung vào Gia Định với hai bài Vè Lái vô và Vè Lái ra. Vì vậy phải viết là Các Lái mới có nghĩa.

Gò Vấp

Là tên gọi của quận vùng ven tại TP HCM. Theo các nhà nghiên cứu, đúng ra phải là Gò Vắp vì đây vốn là vùng đất cao có trồng nhiều cây vắp. Loại cây thân gỗ rất cứng thuộc họ măng cụt, hiện vẫn trồng nhiều nơi tại TP HCM như khuôn viên vườn Tao Đàn, khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương gần đó.

Thanh Đa

Người Sài Gòn từ lâu đã quen với các địa danh như Kinh Thanh Đa, cư xá Thanh Đa, chợ Thanh Đa... ở phường 26 và 27 của quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, địa danh này có nguồn gốc từ tên gọi Thạnh Đa.

Thôn Thạnh Đa thuộc tổng Bình Trị (sau thuộc Bình Trị Thượng), huyện Bình Dương, có từ năm 1818. Trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức và Monographie de la provine de Gia Định (Chuyên khảo về Gia Định, xuất bản năm 1902 tại Sài Gòn) đều có ghi tên thôn Thạnh Đa. Về sau, do bỏ dấu khi in trên bản đồ thời Pháp, nên địa danh Thạnh Đa biến thành Thanh Đa như hiện nay.

Rạch Chiếc

Rạch Chiếc là con rạch nằm trên địa bàn phường Phước Bình (quận 9) nối sông Sài Gòn với sông Đồng Nai ở phía đông bằng tắt Đồng Nhiên, bắt đầu từ rạch Trao Trảo đến sông Sài Gòn, cắt ngang xa lộ Hà Nội, dài khoảng 6.000 m. Cầu Rạch Chiếc nổi tiếng với trận đánh giải phóng Sài Gòn hồi tháng 4/1975.

Theo các nhà nghiên cứu địa danh học, viết Rạch Chiếc là không đúng mà phải là Rạch Chiết, do xưa rạch này có nhiều cây chiết là "thứ cây mọc hoang, thấp nhỏ, lá lớn, hay mọc hai bên mé sông, thường ra lá non, mùi chát chát có thể ăn như rau". Nếu viết là Rạch Chiếc thì không có ý nghĩa.

Chí Hòa và Kỳ Hòa

Ở TP HCM hiện tồn tại đồng thời hai địa danh được cho là giống nhau đó là Chí Hòa và Kỳ Hòa. Theo các nhà nghiên cứu, Chí Hòa nguyên là tên một làng ở Gia Định, đã được lấy để đặt cho một đại đồn của quân đội ta xây nên để chống Pháp. Khi quân Pháp dồn lực lượng tấn công, đại đồn Chí Hòa thất thủ.

Về địa điểm của đại đồn Chí Hòa, nhà văn Sơn Nam cho biết: "Tướng Tôn Thất Hiệp rồi tướng Nguyễn Tri Phương đều chọn lựa cuộc đất nằm trong địa phận làng Chí Hòa Phú Thọ dọc theo rạch Nhiêu Lộc, lấy con đường đi Tây Ninh (Cách Mạng Tháng Tám ngày nay) làm trung tâm để xây đồn lũy...". Như vậy, Chí Hòa ban đầu là tên làng, mà hiện nay vẫn còn tên gọi như đình Chí Hòa, nhà thờ Chí Hòa... Về sau, Chí Hòa đã trở thành tên một cái đồn được xây dựng tại đó để chống Pháp...

Còn tên Kỳ Hòa xuất hiện vào thời điểm nào? Theo tác giả Trần Trọng Kim trong quyền Việt Nam Sử Lược, thì Kỳ Hòa là cách gọi của người Việt, Chí Hòa là cách gọi của người Pháp. Nhưng tác giả lại không nêu cứ liệu. Còn theo nhà văn Sơn Nam trong quyển Địa danh TP HCM thì Chí Hòa mới là âm gốc, Kỳ Hòa là cách gọi sai lạc vì ngày nay còn địa danh Chí Hòa và ở Nam Bộ không có địa danh mang yếu tố Kỳ ở trước.

Bên cạnh các địa danh xưa, nhiều tên đường tại TP HCM hiện cũng bị viết sai mà các nhà nghiên cứu, nhà văn như: Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Đình Đầu, Lê Trung Hoa... đã đề cập đến, hoặc đã được nêu lên trong những công trình biên soạn về Sài Gòn - TP HCM mấy chục năm qua.

Chẳng hạn như đường Sương Nguyệt Ánh ở quận 1, đúng ra phải là Sương Nguyệt Anh. Tuy nhiên, bao lâu nay trên các biển hiệu cũng như trong giao dịch, làm việc, người ta vẫn ghi là "Ánh" thay vì "Anh".

Nguyên ban đầu chỉ có hai chữ Nguyệt Anh (con gái thứ 5 của cụ Nguyễn Đình Chiểu có sắc đẹp và tài làm thơ) đến sau ngày chồng qua đời bà thêm chữ Sương tức "người đàn bà góa chồng" đứng trước để thành biệt hiệu Sương Nguyệt Anh. Bà làm chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên xuất bản ở Sài Gòn năm 1918 là tờ Nữ giới chung (tiếng chuông của giới nữ).

Đường Lương Nhữ Học nằm trên địa bàn quận 5, thuộc khu vực Chợ Lớn, TP HCM cũng được cho là bị viết sai. Tên chính xác của vị danh nhân này phải là Lương Như Hộc - là quan, danh sĩ thời hậu Lê. Ông cũng là người hai lần làm sứ giả sang Trung Quốc và có công truyền lại nghề khắc bản gỗ in cho dân làng Liễu Tràng, Hồng Lục (tỉnh Hải Dương ngày nay) khiến nghề in nơi đây trở nên phát triển. Chính vì vậy ông được tôn xưng là "ông tổ" nghề khắc ván in.

Một con đường khác cũng bị viết sai là Kha Vạn Cân. Kỹ sư Kha Vạng Cân, nguyên là Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, còn là một nhân sĩ trí thức nổi tiếng của miền Nam, từng tham gia kháng chiến chống Pháp và hoạt động cách mạng từ trước năm 1945. Vậy mà không biết vì lý do gì khi đặt tên ông cho một con đường lớn ở quận Thủ Đức, người ta lại viết thành Kha Vạn Cân.

Đường Trương Quốc Dung trên địa bàn quận Phú Nhuận cũng được đặt tên không chính xác vì đúng phải là Trương Quốc Dụng. Trong lịch sử Việt Nam không có vị danh nhân nào như tên con đường đang có. Chỉ có ông Trương Quốc Dụng, là nhà văn, nhà sử học, nhà thiên văn nổi tiếng của Việt Nam và là người có công chấn hưng lịch pháp thời nhà Nguyễn.

Theo Trung Sơn (Vnexpress)
(VNE) - Để đánh dấu ranh giới lãnh thổ, Việt Nam và các nước bạn đã xây dựng những cột mốc bằng đá hoa cương, gắn quốc huy cùng với tên nước được viết bằng ngôn ngữ riêng.

Mốc 1378 là cột mốc cuối cùng của biên giới Việt – Trung nằm ở cửa sông Bắc Luân trên hòn Dậu Gót, Móng Cái, Quảng Ninh.

Xung quanh là nước, mốc được xây thành hình trụ khá cao để khi có thủy triều lên xuống vẫn nhìn thấy cột phân chia cửa sông giữa 2 nước.

Mốc 428 là cột mốc gần cực Bắc nhất, rất gần sông Nho Quế phân chia biên giới Việt Nam – Trung Quốc tại tỉnh Hà Giang. Từ dưới chân cột cờ Lũng Cú – biểu tượng của cực bắc, bạn đi xe máy chỉ được khoảng 2 km là phải gửi và bắt đầu trekking. Đường dẫn đến cột mốc là những con dốc ngoằn ngoèo uốn lượn quanh các sườn đồi.

Mốc 79 được mệnh danh là “nóc nhà biên cương” trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, thuộc địa bàn huyện Phong Thổ, Lai Châu. Mốc được đặt ở độ cao trên 2.800m và là cột mốc cao nhất trong tuyến biên giới.

Mốc 42 cũng là một trong những mốc ở độ cao trên 2.800m, giữa biên giới Việt - Trung, thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu. Những đoàn muốn chinh phục đỉnh cao Pu Si Lung sẽ gặp cột mốc đầy ý nghĩa này.

Mốc không số tại A Pa Chải tại Điện Biên được nhiều người gọi là mốc số 0 A Pa Chải. Cột mốc đánh dấu sự tiếp giáp đường biên giới của 3 nước gồm Việt Nam, Lào, Trung Quốc. Đây là điểm khởi đầu của biên giới Việt Nam – Trung Quốc và Việt Nam – Lào. Cột mốc có 3 mặt hướng về mỗi nước tương ứng. Ngoài ra, cột mốc này còn vinh dự được gọi là cực Tây của Việt Nam và “nơi con gà gáy 3 nước cùng nghe”.

Mốc 92 nằm trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai. Giống như câu hát mở đầu ngọt ngào và tha thiết trong bài “Gửi em ở cuối sông Hồng”, đây là cột mốc đánh dấu điểm đầu tiên của "nơi sông Hồng chảy vào đất Việt”. Từ đây, con sông mang nặng những dòng phù sa đi qua 9 tỉnh thành ở đồng bằng sông Hồng, bồi đắp cho những cánh đồng mầu mỡ, đưa nước về tưới cho cây cối tốt tươi.

Mốc không số tại ngã ba Đông Dương (Kon Tum) cũng có 3 mặt, được đặt trong một vòng tròn lớn, mỗi mặt quay về mỗi nước là Việt Nam – Lào – Campuchia. Muốn đến cột mốc này phải bước lên những bậc thang bằng bê tông. Đây vừa là điểm khởi đầu của biên giới Việt Nam – Campuchia, vừa là điểm kết thúc của biên giới Việt Nam – Lào.

Mốc 240 nằm gần cửa khẩu Thường Phước, Đồng Tháp. Nơi đây đánh dấu sông Mekong chảy vào Việt Nam.

Mốc 241 nằm ở cửa khẩu Vĩnh Xương, An Giang trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia. Đây cũng là cột mốc khởi đầu đoạn biên giới giữa tỉnh An Giang và tỉnh Kandal, Campuchia.

Mốc 314 là cột mốc cuối cùng của tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Theo Nguyễn Sĩ Đức (Vnexpress)
Vào khoảng 6h30 (giờ Việt Nam) ngày 9/3 tới đây, những người yêu thiên văn Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú - nhật thực một phần. Được biết, đây là nhật thực thứ 6 mà chúng ta có thể quan sát được tại Việt Nam trong thế kỷ XXI. Lần chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực tiếp theo sẽ rơi vào cuối năm 2019.

Nhật thực một phần xảy ra khi Mặt trời và Mặt trăng không nằm chính xác trên cùng một đường thẳng và Mặt trăng chỉ che khuất một phần của Mặt trời.  Trên thực tế, nhật thực xuất hiện trong ngày 9/3 tới là nhật thực toàn phần, tuy nhiên chỉ một số nơi có thể quan sát được toàn phần như Indonesia, vùng biển Thái Bình Dương...

< Hình ảnh mô phỏng hiện tượng nhật thực một phần ở thời điểm "đạt đỉnh" có thể nhìn thấy ở Hà Nội. Tại TPHCM sẽ thấy rõ rệt hơn nhiều.

Tại Việt Nam, chúng ta chỉ có thể quan sát được một phần của hiện tượng này. Trong đó, tỷ lệ che khuất tại các tỉnh miền Nam và miền Trung sẽ lớn hơn so với miền Bắc.

Cụ thể là ở khu vực miền Nam, tỷ lệ che khuất cực đại có thể đạt từ trên 50 đến khoảng 60%, trong khi ở Hà Nội tỷ lệ này chỉ còn trên 20% và nhỏ hơn nữa khi lên tới các tỉnh phía Bắc.

< Hình ảnh cho thấy các khu vực có thể quan sát được hiện tượng này (toàn phần, một phần).

Theo các chuyên gia thiên văn, trong điều kiện thời tiết không có mây mù, người quan sát chỉ cần hướng mắt về bầu trời phía Đông.

Tuy nhiên, nhật thực một phần là hiện tượng nguy hiểm cho người quan sát bởi hiện tượng này có thể dẫn đến những thương tổn cho mắt hoặc thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
Bởi vậy các chuyên gia khuyến cáo người quan sát không nên nhìn trực tiếp vào Mặt trời mà cần nhìn qua kính viễn vọng hay thấu kính, mắt kính đặc biệt để quan sát hiện tượng này.

Theo Kênh 14
Sau tai nạn nghiêm trọng khiến 3 du khách nước ngoài gồm 2 nữ và 1 nam tử vong tại hạ lưu thác Datanla (chắc các bạn đã biết qua các báo) ngày 26/2, các hoạt động du lịch mạo hiểm tại thác này đều phải tạm dừng mặc dù các khách trên tự mạo hiểm ngoài tour (không có dây an toàn, vào khu vực cấm). Lý do ngừng các hoạt động mạo hiểm vì sau vụ tai nạn nghiêm trọng trên, các hướng dẫn viên đều bị sốc, cần phải có thời gian để họ ổn định về mặt tâm lý.

Cứ ngỡ tai nạn trên là một lời cảnh tỉnh với tất cả các du khách khi tham quan các thác nước, vậy nhưng đến 15 giờ ngày 28.2, một du khách nước ngoài lại mất tích tại thác Pongour (xã Tân Thành, H.Đức Trọng, Lâm Đồng).

Theo ban quản lý khu du lịch thác Pongour, khách này đi xe ôm đến thác, tùy tiện vào cổng không chịu mua vé và đi thắng xuống thác. Lúc đó dưới chân thác có khoảng 15 du khách đến từ tỉnh Đồng Nai đang vui chơi chứng kiến du khách nước ngoài cởi quần áo, giày dép lao xuống hồ nước dưới chân thác tắm.

Ít phút sau thấy du khách nước ngoài chới với, nhóm du khách Đồng Nai đã lao xuống cứu nhưng bất thành. Nhóm du khách cấp báo cho Ban quản lý khu du lịch. Ban quản lý cử người xuống cứu nạn, nhưng do hồ nước sâu và lạnh nên chưa tìm thấy du khách.

Sau đó, các cơ quan chức năng đến hiện trường. Qua lục soát ba lô của người khách để lại, bước đầu xác định du khách mất tích tại thác Pongour 26 tuổi, quốc tịch Belarus, nhập cảnh vào VN ngày 16.2.
Đến tối ngày 28, lực lượng cứu hộ cứu nạn của tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân (Thanh Niên).

Thác nước là những cảnh đẹp hùng vĩ, lôi cuống. Tuy nhiên, bạn hãy cẩn thận nhé: chỉ một cú trược chân trên vách cheo leo hay hụt chân khi tắm là có thể gây nên tai họa rồi. Lưu ý đây là mùa khô, lưu lượng nước đổ của các thác ít hơn mùa mưa nhiều đó nhé.
Mình chỉ khuyên các bạn cẩn thận, còn những thác nước: càng hoang sơ thì càng mê hoặc ngay cả với mình - Điền Gia Dũng này vẫn rất thích khám phá các thác nước!
Bánh xèo chay phong phú không kém gì bánh mặn. Chỉ riêng việc dùng nấm làm nhân đã tạo ra tới gần 50 loại bánh xèo chay khác nhau. Vậy bạn có từng nghe nói về các chùa mang tên kỳ lạ như 'chùa Bún Riêu', 'chùa Bánh Xèo' chưa?

< Bánh xèo chay vỏ giòn tan, thơm phức không kém gì bánh mặn.

Chùa 'Bún Riêu' thì chắc chắn đã nghe qua hoặc viếng rồi. Vậy còn chùa 'Bún Riêu'? Có lẽ bạn từng nghe mang máng. Ngày nay, không những một mà có đến 2 chùa 'Bánh Xèo'. Đây là nơi bạn có thể đến dùng bữa miễn phí, có cúng dường hay không tùy hỉ, chùa đều hoan hỉ tiếp đón.

Cửa Phật từ bi, rộng mở: Từ bi ở đây chính là tấm lòng nghĩ đến người nghèo, còn rộng mở là phục vụ mọi người. Người thiếu ăn thì tìm đến chùa xin miếng cơm, miếng nước. Người có điều kiện sống khá hơn thì phát tâm đến chùa cúng dường và chùa đứng ra thể hiện tấm lòng ấy. Đến một khi tâm từ bi được thể hiện một cách công tâm và minh bạch thì nhà chùa lại nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn. Mời bạn xem qua về 2 ngôi chùa này nhé:

Chùa Bánh Xèo - An Giang

Chùa Bánh Xèo tọa lạc tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên - An Giang. Đây là ngôi chùa cổ, qua nhiều đời trụ trì, đã xuống cấp. Chính vì vậy mà thượng tọa trụ trì đương thời, Thích Thiện Chí đã tiến hành xây dựng, tôn tạo cho thêm phần uy nghi, tôn nghiêm bắt đầu từ vài năm nay.

Chùa Bánh Xèo còn có tên gọi dân gian khác là chùa Phật Nằm. Vì, bên phải trước chánh điện có tượng Phật nằm khá lớn. Tượng này, qua thời gian xuống cấp, cũng đang được tôn tạo cho thêm phần uy nghiêm, tôn kính. Hiện nay, đến chùa, đập vào mắt khách thập phương là Đài Quan Âm tọa lạc bên trái trước chánh điện.

Đài gồm tượng Phật Quan Âm và hòn non bộ phía sau lưng có dòng thác róc rách tuôn chảy suốt ngày đêm. Đài có diện tích 5,5mx7m, với số tiền xây dựng khoảng 200 triệu đồng.

Chánh điện chùa đang trong thời kỳ nâng cấp. Dù vậy, đứng trước hàng hiên chánh điện, khách phương xa vẫn thích thú với bề mặt u nhã của nó.

Tiền điện có hai cặp đối. Một cặp bên ngoài ghi dọc hai câu đối âm Hán tự: "Hoằng pháp vi gia vụ/Lợi sanh vi bổn hoài". Cặp đối bên trong, cũng bằng âm Hán tự, ghi dọc: "Đông độ Tây Thiên trụ đại pháp/Lai nhân duyên hữu thoát trẩn ai". Cặp đối này đáng chú ý vì mỗi câu được khởi đầu bằng chữ: "Đông" và "Lai". Ghép hai chữ này lại thành Đông Lai, là tên chữ chính thức của chùa: Đông Lai cổ tự. Nhưng vì chùa tổ chức phục vụ miễn phí bánh xèo cho bất cứ ai đến viếng, nên người ta gọi là chùa Bánh Xèo cho "thân mật" và dân dã như bản tính của thượng tọa trụ trì.

Dù sư trụ trì "xuề xòa" nhưng việc xây cất chùa không đơn giản. Kiến trúc chùa mang đậm phong cách Á Đông và phương Tây. Trong chánh điện, tượng Phật to lớn, chỉ vài ba vị, nổi bật nơi tôn nghiêm nhất.

Dài hai tường chùa là phù điêu Thập bát la hán được chạm khắc tinh xảo, mỹ thuật. Trần chùa cao thoáng. Nóc chùa ba lớp nhỏ dần lên, lợp ngói đỏ, mái đao theo truyền thống chùa chiền Việt Nam... Thời gian này việc xây sửa chùa lúc nào cũng rộn rịp. Và, theo Thượng tọa Thích Thiện Chí, khi quyên góp được số tiền lớn nữa, sẽ tiến hành tạo thêm nét mỹ quan cho chùa...

Cô Trương Thị Kim Thùy, 32 tuổi, phật tử chùa Đông Lai, người phụ trách bếp cho biết: Việc tổ chức đổ bánh xèo và bánh tét khởi phát từ năm 1999, khi Thượng tọa Thích Thiện Chí về đây trụ trì. Đó là trước ngày kỷ niệm sư ông cất chùa (cũ) viên tịch, thầy Thiện Chí nghĩ đến việc làm này. Và, ngoài số Phật tử đến dự lễ giỗ sư ông, còn có một số khách thập phương tình cờ đến viếng chùa, cùng được thưởng thức món bánh xèo và bánh tét. Tất nhiên, sau khi thưởng thức bánh xèo, bánh tét, khách gần xa đều không ngớt lời khen ngợi, nên từ đó nhà chùa thường xuyên đổ bánh xèo phục vụ khách thập phương.

Cô tâm sự, sáng nào cô cũng đều ra chợ thị trấn Tịnh Biên mua rau cải, gạo, củi... Biết chùa làm việc thiện, một số người bán hàng "hiến cúng" một số rau cải, giá, đậu... Đặc biệt, vào mùa mưa, một số phật tử và một số người thiện ý lên núi hái ngành ngạnh, kim thất, lá sung, cát lồi, đọt bứa, lá vông, mã đề, măng tươi… đem "cúng" chùa. Đây là những loại rau rừng ngoài việc giúp thực khách ngon miệng với món bánh xèo, còn giúp họ bồi bổ cơ thể, ngăn ngừa một số bệnh.

Trước khi tái thiết chùa, bên cạnh chánh điện là nhà ăn, bếp, nhà vệ sinh khá gần kề nhau. Hiện nay nhà vệ sinh xây mới đẹp đẽ với gạch men láng bóng cùng nhiều lavabo... Nhà vệ sinh được "cắt" khỏi hông chùa, nhằm tạo không khí thanh sạch cho nơi tôn nghiêm. Phía sau chánh điện là nhà ăn, sau nữa là nhà bếp với hai nhóm: nhóm lặt rau, làm nhưn bánh xèo và nhóm nấu cơm.


Riêng đổ bánh xèo có bốn nhóm, mỗi nhóm có khoảng hai người, anh Ngô Văn Vũ (31 tuổi, đổ bánh xèo cho chùa khoảng 5 năm nay) cho biết như vậy. Một người đổ bánh với 10 chảo, một người phụ việc, chuyển bánh lên nhà ăn. Củi lửa lúc nào cũng hừng hực, nên khu vực đổ bánh xèo là dãy nhà bên phải và cách chánh điện một khoảng sân, nhằm tránh ảnh hưởng sức nóng đến chùa và các phần việc liên quan khác.


Cô Kim Thùy cho biết vào các ngày rằm, mồng một âm lịch, chùa có tổ chức nấu bánh tét phục vụ khách thập phương, khoảng 800 – 900 đòn/ngày. Phần việc này do bà con lối xóm tự nguyện đến làm công quả.

Đáng quan tâm hơn, ngoài đổ bánh xèo, phục vụ bánh tét, chùa còn khoản đãi cơm chay cho khách viếng chùa. Cơm chay với các món: chiên, xào, mặn, canh. Muốn thưởng thức cơm chay, khách phải đặt trước để nhà chùa chuẩn bị.

Từ 6 giờ sáng đến 7-8 giờ tối, khách viếng chùa lúc nào cũng được ăn bánh xèo. Ăn đến no thì thôi. Khi khách ít, người phục vụ liên tục chuyển bánh đến. Những lúc khách đến đông thì khách phải tự mình xuống bếp mang bánh lên. Những ngày khách viếng chùa đông, những người làm công quả lâu năm đều biết, nên mạnh ai nấy tới chùa lãnh một vài nhiệm vụ. Nhà ăn có 30 bàn với 300 ghế, vậy mà ngày rằm, mồng một (âm lịch) hoặc lễ vía lớn, lúc nào cũng "hết chỗ", khách phải đứng chờ.

Nhờ lực lượng làm công quả mà việc phục vụ ăn uống cho khách lúc nào cũng khá vẹn toàn. Bàn ăn và ghế bằng nhôm lúc nào cũng láng bóng. Chén đũa sạch sẽ, tinh tươm. Mỗi bàn ăn đặt sẵn lọ tăm xỉa răng, hộp khăn giấy, hộp đũa muỗng, hũ nước mắm chanh ớt, chén nhỏ đựng ớt trái...

Càng chu đáo hơn, sau khi khách ăn (cứ ăn thoải mái đến no bụng thì thôi) xong còn được tráng miệng bằng ly cà phê đá mát lịm cần cổ. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Đáng ca ngợi nhất là thái độ phục vụ của những người làm công quả, ai cũng vui vẻ, nhiệt tình với khách. Chính vì vậy mà chùa Đông Lai ngày càng thu hút khách thập phương đến viếng, ngoài khách khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn có khách từ miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đến.

Chùa Bánh Xèo - Vũng Tàu

Bánh xèo chay là món ăn mà Ni viện Thiện Hòa (Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) dùng để đãi khách và tên gọi của chùa cũng bắt đầu từ đó.

Chùa Bánh Xèo có tên chính thức là ni viện Thiện Hòa, nằm ở bên phải, sau Đại Tòng Lâm Tự, thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để đến chùa Bánh Xèo du khách có thể đi bằng hai cách: hoặc vào cổng Đại Tòng Lâm rẽ phải, rồi rẽ trái chạy theo con đường nhỏ khoảng 800 m, ngang qua 6 tự viện đề bảng hiệu là: chùa Bảo Tịnh, tịnh thất Diệu Nghiêm, tịnh thất Long Nhiễu, thiền tự Hiện Quang, thiền viện Huệ Chiếu và tu viện Viên Thông, cuối cùng là ni viện Thiện Hòa. Đường này nhỏ, chủ yếu dành cho là xe 15 chỗ trở xuống.


Hoặc chạy qua khỏi cổng Đại Tòng Lâm, ngay bên hông có một con đường rộng với tấm bảng đề Trường Phật học Đại Tòng Lâm, rẽ vào đi đến cuối đường rẽ phải thì đến ni viện Thiện Hòa. Xe khách 40 - 50 chỗ có thể vào theo đường này.


Thuở ban đầu ni viện Thiện Hòa chỉ là một am nhỏ được dựng lên vào năm 1989. Đến năm 1990, hòa thượng Thích Thiện Hòa cho xây dựng thành ni viện làm nơi tu hành cho các ni cô. Ni viện dù được xây dựng quy mô nhưng vẫn mang nét cổ kính của ngôi chùa Việt. Hiện nay, nơi này còn là trường trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm.

Ni sư trụ trì chùa, pháp danh là Thích nữ Như Như, từ kinh nghiệm phục vụ món bún riêu chay của tu viện Phước Hải rất được khách thập phương ưa chuộng, đã nghĩ ra ý tưởng chọn bánh xèo chay để đãi khách khi đến ni viện Thiện Hòa.

Bột dùng để làm bánh thì ngày nào chùa cũng xay sẵn, và rau trồng trong vườn. Còn những thứ khác như củ sắn, cà rốt, mì căn, dầu ăn thì do các Phật tử có điều kiện ủng hộ. Tiếng lành đồn xa, trong những năm gần đây khách hành hương tìm đến ngày càng nhiều và tên gọi “chùa bánh xèo” cũng xuất phát từ đó.

Ngoài món chính là bánh xèo, chùa còn phục vụ những món ăn khác như bún chay, bánh tét chay, cơm chay, hay bắp rang.


Nhà ăn (Thanh Lạc Trai) ở đây rất sạch sẽ, thoáng mát với các dãy bàn tròn làm bằng inox. Có lẽ do nơi đây cũng là khu nội trú của hơn 200 ni sinh trường trung cấp phật học nên mọi thứ đều rất quy củ. Ngoài công việc chính là tu học, các ni sinh còn tham gia vào việc làm bánh xèo đãi khách, sản xuất tương, chao để bán cho khách hành hương.


 Ở đây, tất cả đều miễn phí và... ăn bao nhiêu cũng được. Bạn cứ tưởng tượng rằng mình đang đi ăn buffet, tự động lấy chén đĩa, muỗng và đến từng quầy thức ăn để nhận thức ăn. Muốn ăn món nào thì lấy món ấy, ăn hết nếu còn bụng thì lại ăn tiếp. Chỉ khác buffet nhà hàng ở chỗ là bạn không hề phải trả tiền, thế thôi.

Tết năm nay nếu có dịp đến Vũng Tàu, khi quay về bạn có thể ghé vào chùa Bánh Xèo. Trước là lễ Phật, viếng cảnh chùa, sau nữa là thưởng thức món bánh xèo chay độc đáo của nhà chùa.

Biên tập từ Báo Cần Thơ, Vnexpress và nhiều nguồn khác
Nằm ở xã Thạnh Đức, Bến Lức, tỉnh Long An, trường đua xe HappyLand là trường đua mô tô – ô tô Rally hướng theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

Trường đua xe HappyLand cũng là một trong những hạng mục thành phần của Khu phức hợp Giải trí HappyLand - một dự án của Tập đoàn Khang Thông làm chủ đầu tư. Quy mô trường đua lên đến 139.000m2, sức chứa đến 25.000 khán giả, bao gồm nhiều khu phức hợp như: 1,4km đường nhựa dành cho xe mô tô; 1,1km đường offroad dành cho xe cào cào và xe ATV, 400m đường đua Drag theo tiêu chuẩn; 7,5km đường đua dành cho ô tô Rally, 18.000m2 sân tập dành cho Moto Gymkhana, 5.000m2 sân tập xe đạp và mô tô cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên. Trường đua xe HappyLand tích hợp 12 thể loại đua giành cho xe đạp, mô tô, ô tô; cùng các khóa huấn luyện về điều khiển, đua xe theo tiêu chuẩn an toàn và chuyên nghiệp.

Với việc đưa trường đua HappyLand vào hoạt động, Ban tổ chức mong muốn đây sẽ là bước khởi đầu ấn tượng để thực hiện các mục tiêu hướng về cộng đồng, bước đầu tạo ra sân chơi lành mạnh, an toàn, chuyên nghiệp cho cộng đồng yêu thích môn thể thao đua xe mô tô và ô tô tại Việt Nam. Đồng thời qua đó làm tăng sự nhận biết theo hướng tích cực của người dân Việt Nam về bộ môn thể thao này.

Qua các giải đua, chọn lọc những năng khiếu, những vận động viên đạt thành tích cao để phát triển thành những vận động viên chuyên nghiệp sẵn sàng cho các giải đấu mang tầm khu vực và quốc tế. Trường đua xe HappyLand sẽ là môi trường để luyện tập các kiến thức, kỹ năng về điều khiển xe mô tô và ô tô cho những người yêu thích đua xe nói riêng và toàn thể cộng đồng nói chung.

Những hoạt động đầu tiên ở trường đua HappyLand diễn ra ngay trong tháng 3/2016. Cụ thể, từ ngày 20 - 24 tháng 3 năm 2016, tại Trường đua xe HappyLand sẽ bắt đầu diễn ra các hoạt động huấn luyện về kỹ năng và kỹ thuật điều khiển xe mô tô và ô tô với sự tham gia của huấn luyện viên – vận đông viên chuyên nghiệp AZLAN SHAH KARARUZAMAN đến từ Malaysia – VĐV giải vô địch Moto2 - MotoGP 2015, nhà vô địch giải ARRC (Asia Road Racing Championship) 600cc năm 2013, thuộc đội đua IDEMITSU HONDA TEAM ASIA. Đây là một trong các nội dung hợp tác của Trường đua xe HappyLand với Trường đua Pitrides, thuộc HB Motorsport, Malaysia trong khuôn khổ hợp tác về các hoạt động trường đua như: quản lý, tổ chức, kỹ thuật, huấn luyện và trao đổi tay đua giữa hai nước…Chương trình còn có sự ủng hộ và hỗ trợ từ ông AZAWANDY BIN ANUWAR – Trợ lý Giám đốc, Bộ Thanh niên và Thể Thao Malaysia.


Từ ngày 25 – 27 tháng 3 năm 2016, tại Trường đua xe HappyLand sẽ diễn ra các hoạt động xếp hạng và phân loại các tay đua mô tô và ô tô. Trong thời gian này, Trường đua xe HappyLand sẽ mở cửa đón khán giả đến tham quan và theo dõi quá trình tập luyện của các tay đua.


Trong các ngày 29 – 30 tháng 4 và ngày 01 tháng 5 năm 2016, “Giải vô địch mô tô Việt Nam và Giải vô địch ô tô Rally Việt Nam – tỉnh Long An mở rộng 2016”, được tổ chức bởi Trường đua xe HappyLand và Công ty TNHH Tổ chức sự kiện Red Wing, sẽ diễn ra tại Trường đua xe HappyLand - xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Riêng “Giải vô địch ô tô Rally Việt Nam” sẽ tiếp tục đua chặng 02 tại Khu du lịch thể thao mạo hiểm Tanyoli Mũi Dinh, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Theo Đức Anh (Xedoisong)
Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm với nghi thức, nghi lễ thờ cúng đức vua Miêu Tĩnh, đức vua Cao Quyết, đức thánh Cao Sơn – Quý Minh đại vương, mong ước các đức vua, các thánh thần cùng phù hộ cho mọi người khoẻ mạnh, mùa màng bội thu, gia súc đầy đàn.

Gắn liền với các tích truyền ấy là câu chuyện đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hóa, các trò chơi, trò diễn của người Tày, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn.

Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là “mặt nhọ”. Trước đây, lễ hội Ná Nhèm được tổ chức 3 năm một lần, nhưng từ năm 2012 đến nay, lễ hội được duy trì mỗi năm tổ chức một lần.

< Những người lính tái hiện trong các tích trò được bôi nhọ mặt để biểu diễn.

Trong ký ức của mình, các cụ Hoàng Thanh Tiến, thôn Pá Trí, Hoàng Văn An và cụ Bế Văn Ứng thôn Làng Mỏ, xã Trấn Yên... nhớ lại khi họ còn là những thanh thiếu niên đã được tham gia lễ hội, đóng vai quân lính, trẻ chăn trâu trong đám rước quân, cùng với tài liệu sưu tầm được, lễ hội ngày nay về nội dung cơ bản đã được phục dựng giống như lễ hội truyền thống xưa kia.

Điều đặc biệt của lễ hội Ná Nhèm là những người tham dự phải bôi nhọ lên mặt thể hiện hình dạng của bọn giặc Tài Ngàn khi còn sống. Bởi họ tin rằng làm như thế sẽ đánh lạc hướng hồn ma giặc và không con ma nào biết ai đã diễn lại sự thất bại của chúng trước dân làng mà về bắt, gây tai họa và dịch bệnh nữa.

< Thanh niên trai tráng khiêng kiệu rước Ngài từ đình làng ra miếu Xa Vùn (thờ Đức Thánh Cao Sơn Quý Minh) để cùng vui hội.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, đường vào xã Trấn Yên rất nhộn nhịp, từng dòng người tấp nập đổ về khu vực trung tâm. Lễ hội Ná Nhèm bắt đầu bằng các nghi thức trang trọng gồm: nghi thức tế lễ, cúng lễ; rước long ngai, bài vị thần từ đình Làng Mỏ lên miếu Xa Vùn. Sau đó là chương trình chào mừng lễ hội, ôn lại truyền thống của lễ hội với những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tiếp đến là tục hèm đánh trận và cung tiến lễ vật. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian như: đánh đu, kéo co, đánh cờ tướng, đẩy gậy, đặc biệt có trò diễn kén rể, kén dâu (hay còn gọi là Sỹ - Nông - Công - Thương; Ngư - Tiều - Canh - Mục).

Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức từ rạng sáng cho tới lúc trời tối. Ngay từ sáng sớm, các nghi thức cúng, tế, và rước nước từ miếu thờ đức vua Miêu Tĩnh tại mỏ nước Bó Vằn về đình làng Mỏ;  nghi lễ cúng tế tại đình làng Mỏ (thờ đức vua Cao Quyết “Uy Linh Tỉnh Khuê” và miếu Xa Vùn (thờ đức Thánh Cao Sơn, Quý Minh” được các ông mo, ông hội thực hiện nghiêm cẩn.

Những người lần đầu tiên đi hội Ná Nhèm không khỏi ngạc nhiên trước những nghi lễ của đám rước long ngai, bài vị và chương trình đánh đại đao, gươm mác, rước linh vật.

< "Tàng thinh" là linh vật của người đàn ông có chiều dài 1m, đường kính hơn 40cm và nặng hơn 1 tạ, làm bằng gỗ.

Những linh vật cung tiễn không phải là cỗ xôi, con gà, con lợn mà là các loại cây giống và độc đáo hơn còn có Tàng thinh - Mặt nguyệt - linh vật sinh thực khí.

Đến với lễ hội, du khách còn được thưởng thức trò diễn sỹ - nông -công - thương, ngư - tiều - canh - mục (kén dâu, kén rể) và các môn thể thao truyền thống như bịt mắt bắt dê, chơi đu, kéo co, đẩy gậy, cờ tướng... Trước khi kết thúc lễ hội là tiết mục Giáo thiên lôi của các ông tướng, ban bình an, no ấm, phúc lộc cho mọi người.

< Tượng trưng cho người phụ nữ là "Mặt nguyệt", khi 2 linh vật giao hòa tạo sự an bình, sinh sôi trong cuộc sống.

Độc đáo và được nhiều người chú ý nhất có lẽ là lễ rước linh vật sinh thực khí. Tại đây, 6 chàng trai lực lưỡng trong làng sẽ được giao nhiệm vụ khiêng "tàng thinh" tượng trưng cho linh vật của đàn ông. Đây là một nghi thức độc đáo để cầu may mắn, bình an, sinh sôi nảy nở trong lễ hội xuân Ná Nhèm. Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc như: Trò đánh trận tập và cống hiến lễ vật, trò Sỹ - Nông - Công Thương, kén dâu kén rể, đánh đu, đánh cờ....

< Màn múa kiếm, đao mô phỏng lại quá trình chống giặc ngoại xâm của nhân dân.

Lễ hội Ná Nhèm có rất nhiều giá trị mang ý nghĩa lịch sử của cộng đồng dân tộc, lịch sử cư trú tộc người, lịch sử các ngành nghề, phong tục tập quán, các trò chơi, trò diễn và lễ nghi… tất cả như được sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền trong cả nước.

Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa tổng hợp không những chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống mà thông qua các hoạt động đó giáo dục truyền thống, chuyển giao cho các thế hệ tiếp theo những tinh hoa của cộng đồng, của dân tộc.

< Khi "Tàng thinh" và "Mặt nguyệt" được rước vào chân miếu Xa Vùn, nhiều phụ nữ khá bạo dạn tới gần để sờ lấy may.

Nét đặc trưng nổi bật nhất cũng là nét văn hóa tiêu biểu nhất đó là tính cộng đồng và cố kết cộng đồng tộc người. Tính cố kết cộng đồng còn được thể hiện trong mối quan hệ giữa những người trong bản, trong xã được gắn kết lại với nhau do cùng chung tín ngưỡng là thờ Thành Hoàng và Thần Nông và theo quan niệm dân gian của đồng bào Tày - Nùng ở đây thì các vị thần đó là thế lực siêu nhiên và quyền năng cao nhất, nắm bắt vận mệnh và bảo hộ cho cả cộng đồng làng bản.

< Quang cảnh lễ rước từ miếu đình làng mõ sang đến miếu Xa Vùn.

Năm nay, lễ hội Ná Nhèm được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là lễ hội tổ chức điểm của tỉnh. Thông qua lễ hội nhằm phát huy, giữ gìn và quảng bá truyền thống văn hóa của quê hương; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân có dịp giao lưu, sáng tạo các loại hình văn hóa, góp phần duy trì và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sau 4 năm được phục dựng và duy trì tổ chức, lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn ngày càng khẳng định vị trí trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương. Với những giá trị to lớn của lễ hội, ngày 8/6/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 1877/QĐ-BVHTT&DL công nhận lễ hội Ná Nhèm là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo Minh Lý (Báo Lạng Sơn) và nhiều nguồn khác.
Xem quảng cáo, coi truyền hình..., những trái tim yêu xê dịch vẫn luôn loạn nhịp trước cảnh sắc lung linh của nhiều miền đất mới từ Paris đến Santorini, Himalayas, Maldives hay cả những bãi tắm Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu không chọn đúng thời điểm tốt trong năm thì không phải nơi nào cũng đẹp như tưởng tượng. Lễ, tết, hè... là những dịp tạo chuyến hành trình, ấy nhưng có thể nơi ấy không chỉ có mình bạn, không đẹp như quảng cáo!

+ Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc

Thành lũy dài nghìn cây số này tưởng chừng sẽ tạo nên một cảnh thắng ấn tượng. Thực tế, nơi đây rất đông đúc.

+ Santorini, Hy Lạp

Nếu luôn trông đợi đến một bầu không khí mát lành thư thái bên thị trấn ven biển kiều diễm này, du khách cần suy xét thật kỹ.

+ Dãy Himalaya

Nóc nhà thế giới tưởng chừng sẽ là nơi khiến mỗi nhà chinh phục độ cao cảm thấy bé nhỏ trước thiên nhiên, nhưng có lẽ họ sẽ không cô đơn giữa không gian hùng vĩ này.

+ Cầu Howrah, Kolkata, Ấn Độ

Từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển của những năm 50, cây cầu Howrah ngoài đời thực có lẽ đã khiến nhiều người vỡ mộng.

+ Tháp Eiffel, Pháp

Thảnh thơi nằm dài ra bãi cỏ và tận hưởng chuyến picnic gần tháp Eiffel luôn là điều nhiều du khách ao ước. Nhưng thực sự, du khách có được tận hưởng những phút giây thơ mộng ấy khi có quá nhiều người không?

+ Siem Riep, Campuchia

Vẻ cổ kính của những ngôi chùa cổ tại Siem Reap phải nhường chỗ cho những đám đông khách du lịch.

+ Thái Lan

Những bãi biển Thái Lan chưa bao giờ vắng vẻ như hình ảnh thơ mộng du khách luôn say sưa nhìn ngắm.

+ Đền thờ cổ Abu Simbel, Giza, Ai Cập

Ngôi đền cổ thờ vị pharaon vĩ đại Abu Simbel cũng không nằm ngoài danh sách.

+ Maldives

Một góc khác của thiên đường nơi hạ giới.

+ Venice, Italy

Chèo thuyền giữa Venice có luôn được thơ mộng như những khung hình?

+ Bơi cùng cá heo

Nếu từng ước ao bơi lội thỏa thích cùng cá heo tại những điểm du lịch, du khách nên chuẩn bị sẵn tinh thần xếp hàng chờ.

+ Chơi cùng chúa sơn lâm

Trải nghiệm vuốt ve hổ cũng có thể không nhẹ nhàng, bình yên như mọi người vẫn tưởng tượng.

+ Stonehenge, Anh

Ngắm hoàng hôn bên Stonehenge vắng vẻ là điều không phải ai cũng may mắn được trải nghiệm.

+ Trải nghiệm cưỡi voi

Đằng sau chuyến du lịch trên lưng voi là bao câu chuyện không mấy dễ chịu của những chú voi được thuần hóa.

+ Sầm Sơn, Thanh Hóa, Việt Nam

Hình ảnh về một Sầm Sơn thanh bình ngoài đời thực là điều hiếm thấy.

Theo Phạm Huyền (Vnexpress)