Vào khoảng 6h30 (giờ Việt Nam) ngày 9/3 tới đây, những người yêu thiên văn Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú - nhật thực một phần. Được biết, đây là nhật thực thứ 6 mà chúng ta có thể quan sát được tại Việt Nam trong thế kỷ XXI. Lần chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực tiếp theo sẽ rơi vào cuối năm 2019.
Nhật thực một phần xảy ra khi Mặt trời và Mặt trăng không nằm chính xác trên cùng một đường thẳng và Mặt trăng chỉ che khuất một phần của Mặt trời. Trên thực tế, nhật thực xuất hiện trong ngày 9/3 tới là nhật thực toàn phần, tuy nhiên chỉ một số nơi có thể quan sát được toàn phần như Indonesia, vùng biển Thái Bình Dương...
< Hình ảnh mô phỏng hiện tượng nhật thực một phần ở thời điểm "đạt đỉnh" có thể nhìn thấy ở Hà Nội. Tại TPHCM sẽ thấy rõ rệt hơn nhiều.
Tại Việt Nam, chúng ta chỉ có thể quan sát được một phần của hiện tượng này. Trong đó, tỷ lệ che khuất tại các tỉnh miền Nam và miền Trung sẽ lớn hơn so với miền Bắc.
Cụ thể là ở khu vực miền Nam, tỷ lệ che khuất cực đại có thể đạt từ trên 50 đến khoảng 60%, trong khi ở Hà Nội tỷ lệ này chỉ còn trên 20% và nhỏ hơn nữa khi lên tới các tỉnh phía Bắc.
< Hình ảnh cho thấy các khu vực có thể quan sát được hiện tượng này (toàn phần, một phần).
Theo các chuyên gia thiên văn, trong điều kiện thời tiết không có mây mù, người quan sát chỉ cần hướng mắt về bầu trời phía Đông.
Tuy nhiên, nhật thực một phần là hiện tượng nguy hiểm cho người quan sát bởi hiện tượng này có thể dẫn đến những thương tổn cho mắt hoặc thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
Bởi vậy các chuyên gia khuyến cáo người quan sát không nên nhìn trực tiếp vào Mặt trời mà cần nhìn qua kính viễn vọng hay thấu kính, mắt kính đặc biệt để quan sát hiện tượng này.
Theo Kênh 14