Tab Từ Khóa "Tin tức... mình"
Showing posts with label Tin tức... mình. Show all posts
(Zing) - Gần đây rộ lên mốt vài em xinh xinh, đến một nơi, chụp bộ ảnh tự sướng thật đẹp, giật title "Đi ABC với chỉ YYY ngàn đồng", và YYY là một con số rẻ giật mình.

Nhiều bạn đọc qua title, ngó qua giá rồi chia sẻ, không kiểm chứng nội dung bài như thế nào, và quan trọng nhất là "đi kiểu ấy có hợp với mình không?".

Và còn nguy hiểm hơn nếu như ngân sách đang hạn hẹp mà bạn vẫn muốn đi, với đúng số tiền đấy.

Kết quả? Đến nơi, bạn chỉ còn cách khóc ròng.


Trần Anh Vũ, quản trị nhóm Phuot.vn, cho rằng, để đi du lịch với giá giật mình, bạn phải cắt giảm ngay cả những nhu cầu tối thiểu, chấp nhận hành xác, đồng thời phải rất may mắn.

Mình bóc tách thử cung đi Cô Tô (Quảng Ninh) với giá 980.000 đồng từ Hà Nội.

1. Vé xe:

- Vé xe Hà Nội - Hạ Long là 200.000 đồng khứ hồi.

Vé xe bus chặng Hạ Long- Vân Đồn là 50.000 đồng khứ hồi.

Xe bus không vào cảng, do đó cách rẻ nhất là chọn phương án đi bộ 2 km từ ngã ba bưu điện Cái Rồng. Giá taxi/ xe ôm khoảng 20.000 đồng 2 chiều.


- Nếu bạn đi xe khách chặng Hà Nội - Móng Cái hoặc Hà Nội - Cửa Ông (Quảng Ninh), và xuống ở ngã ba Cửa Ông, Vân Đồn, tiền xe và tiền taxi/xe ôm còn cao nữa. Nếu bạn chọn đi bộ gần 10 km, bạn có thể tiết kiệm khoản này.


2. Vé tàu:

- Tàu rẻ nhất ra Cô Tô là tàu gỗ/tàu sắt giá 200.000 đồng khứ hồi (từ tháng 5, giá đã tăng thành 260.000 đồng khứ hồi)

- Tàu cao tốc ra Cô Tô là 300.000 đồng khứ hồi (từ tháng 5 đã tăng lên 360.000 đồng)

- Tàu ra Cô Tô con 400.000-600.000 đồng một chuyến, tùy thời điểm. Tiền chia theo đầu người. Tàu chở tối đa 10-14 người.


3. Ngủ trên đảo:


Bạn có thể mang lều theo và cắm trại, sẽ không tốn khoảng này. Nhà nghỉ rẻ nhất trên đảo là 250.000 đồng một đêm cho 4 người. Giá vào mùa du lịch cao hơn nhiều.

4. Chi phí di chuyển trên đảo:

- Thuê xe máy 150.000 đồng trở lên, chưa tính xăng

- Xe điện tự lái ngày thường thuê 800.000 đồng (trong 2 ngày, 8 người)

Ngày lễ, giá thuê là 1,6 triệu đồng

Xe điện theo lượt có giá thấp nhất là 10.000 đồng một lượt.


5. Chi phí khác:


Tắm tráng 10.000 đồng một lượt. Nếu bạn đi 3 ngày 2 đêm, bạn sẽ bơi mấy lượt?

6. Tiền ăn

- Phở/bún/cơm rang/cơm suất có giá rẻ nhất 30.000 đồng. Với chuyến đi 3 ngày 2 đêm, bạn sẽ ăn mấy bữa?

- Nước rẻ nhất là nước lọc, giá 5.000-7.000 đồng một chai. Trong chuyến đi 3 ngày 2 đêm, bạn uống mấy chai?

7. Tiền chơi

Đến đây, bạn có bỏ qua thuyền kayak, đốt lửa trại, hát karaoke?


Vì vậy nếu các bạn có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa:


- Không mang lều, ngủ nhà nghỉ cũng ghép được team, giá 75.000 đồng một người

- Ra đảo Cô Tô con, bạn cũng ghép được team, thì giá chỉ 40.000 đồng một người

- Thuê xe máy, bạn cũng ghép được ôm và xế, giá chỉ 150.000 đồng một người cho 2 ngày.

Hoặc bạn chủ yếu đi bộ, kết hợp xe điện (chấp nhận nhảy xe vài chục chặng mỗi ngày):

+ Cầu Tàu - đường Tình Yêu: 500 m tới 3 km (nếu đi hết đường)

+ Cầu Tàu - bãi đá Cầu Mỵ: 2 km


+ Cầu Tàu - Bắc Vàn: 4 km


+ Cầu Tàu - Vàn Chảy: 6 km

+ Cầu Tàu - Hồng Vản: 7 km

Đi biển mà bạn không dám ăn hải sản, không dám mua nước khi khát, chẳng dám chơi gì, tôi có thể kết luận đây là một chuyến đi hành xác, và để có được cái giá rẻ như vậy bạn phải là người rất may mắn và kiên trì, chịu đựng.

Chi phí cho chuyến đi Cô Tô gần đây của nhóm Phượt

Giá tàu chưa tăng


Bữa tối BBQ - lẩu hải sản: tự mang thực phẩm và thuê đồ, tự nấu, còn lại 4 bữa ăn hàng với đơn giá 30.000 đồng ăn sáng, 60.000 đồng ăn trưa (có hải sản)


- Loa đài thuê mang đi, lửa trại tự túc

- Xe điện thuê để tự lái 8 người xe

- Tàu đi Cô Tô con 10 người một tàu

Với 33 thành viên, ban tổ chức tính toán toát mồ hôi mới có giá 1,08 triệu đồng một người.

Theo Trần Anh Vũ (New Zing)
Không chỉ Fansipan mà còn rất nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp khác: nếu bạn vung tay vứt một bọc rác, hãy nhớ rằng một ngày nào đó sẽ có người lui cui nhặt cái phế thải mà bạn vứt đi để đem đến nơi rác cần phải đến. Thắng cảnh không của riêng ta mà của nhiều thế hệ. Chỉ một chiếc bọc xốp thôi, cần 100 năm để nó 'gọi là' phân hủy... trong khi hành động vứt chỉ 1 giây. Hãy nghĩ suy một tý, bạn nhé.

< Địa hình vách đá cheo leo, núi rừng hiểm trở nên yêu cầu đảm bảo an toàn được xem là tối thượng.

(GDVN) - Treo mình vào vách đá cheo leo, đội ngũ nhân viên cáp treo Fansipan Sapa đang âm thầm làm một công việc đặc biệt, thu gom rác cho khu vực rừng Hoàng Liên Sơn.

< Công việc đòi hỏi sự cẩn trọng, tỷ mẩn với ý thức trách nhiệm cao.

Bám theo triền núi, hàng tuần, đội kỹ sư bảo trì thuộc Công ty Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan Sapa đi làm “nhiệm vụ đặc biệt” thu gom rác thải.

Chỉ với sợi dây bảo hiểm, các chàng “Tazan” tinh nhuệ đu mình theo vách đá, lần theo từng bụi cây nhặt nhạnh, thu gom từng vỏ lon, chai nhựa, áo mưa, rác vương trên các ngọn cây do du khách đã xả trong nhiều năm qua.

< Trước khi xuống núi, đồng đội cùng nhau kiểm tra kỹ độ an toàn của dây bảo hiểm. Họ cần mẫn vượt qua những tảng đá chênh vênh, sắc cạnh để nhặt rác, không quản thời tiết nắng nôi.

Nhiều rác do du khách bỏ lại trên đường tới đỉnh Fansipan đã không phân hủy được. Do vậy, những tổ đu dây đang nỗ lực dọn rác ở những điều kiện địa hình hiểm trở để trả lại môi trường trong sạch cho đỉnh Fansipan Sapa.

“Địa hình hiểm trở nên chúng tôi đã phải huy động đội kỹ sư bảo trì tuyến cáp công vụ thực hiện công việc đầy thử thách này. Họ là những kỹ sư tinh nhuệ, chuyên nghiệp với kỹ năng leo trèo tốt, và được đảm bảo an toàn tuyệt đối”, ông Phan Tất Thắng - Phó Giám đốc kỹ thuật, Công ty Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan Sapa chia sẻ.

< Với điều kiện thời tiết thất thường, vào những ngày sương mù hoặc mùa đông Sapa, công việc dự kiến còn vất vả hơn nhiều, chưa kể phải đối mặt với nhiều loại côn trùng độc hại.

Theo ông Thắng, rác sau khi gom về sẽ nhanh chóng được chuyển tới đơn vị môi trường đô thị của Sapa để tiến hành xử lý kịp thời.

< Vỏ chai nhựa, lon sữa… được gom vào túi.

Quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, lãnh đạo Ban quản lý tuyến cáp treo Fansipan Sapa đã bố trí thêm hàng trăm thùng đựng rác dọc đường lên đỉnh Fansipan, cử nhân viên liên tục hướng dẫn, nhắc nhở du khách bỏ rác đúng nơi quy định... 

< Rác thải sẽ được tập kết chuyển tới cơ sở môi trường đô thị của Sapa để tiến hành xử lý. Lãnh đạo Công ty Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan Sapa cho hay, đơn vị sẽ còn phải tuyển dụng thêm nhiều nhân sự có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong lĩnh vực môi trường để công tác xử lý rác thải được tiến hành thường xuyên và chuyên nghiệp hơn, góp phần gìn giữ môi trường và bảo vệ cảnh quan Hoàng Liên Sơn.

Đồng thời, để bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ không gian của rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn, lãnh đạo Ban quản lý tuyến cáp treo Fansipan Sapa sẽ thường xuyên tổ chức các đội đu dây xuống núi thu gom rác hàng tuần.

Sau khi cáp treo Fansipan (Sapa, Lào Cai) đi vào hoạt động, những ngày đầu năm Bính Thân, lượng du khách đổ về đây tăng đột biến. Được biết, từ khi cáp treo Fansipan khánh thành đã giảm thời gian leo lên "nóc nhà" Đông Dương từ 2 ngày xuống còn 15 phút. Chính điều này đã giúp không ít người tới đây để hiện thực hóa ước mơ chinh phục một trong những đỉnh cao nhất của Việt Nam.

Theo ghi nhận, sau khi công trình cáp treo Fansipan Sapa chính thức đi vào hoạt động ngay sát Tết Nguyên đán đã thu hút rất nhiều du khách tới đây để trải nghiệm công trình cáp treo ba dây đạt hai kỷ lục thế giới này. Ước tính, đã có hàng chục ngàn khách du lịch trải nghiệm cáp treo Fansipan Sapa trong những ngày đầu Tết Nguyên đán.

< Ngày 2/2/2016, cáp treo Fansipan - “nóc nhà Đông Dương” (Sapa, Lào Cai) chính thức đi vào hoạt động. So với mực nước biển, cáp treo có độ cao 3.143 mét, được bắt đầu từ thung lũng Mường Hoa đến đỉnh Fansipan.

< "Biển mây" tuyệt đẹp khi nhìn từ cáp treo.

Đặt chân lên đỉnh Fansipan trưa 11/2, Nguyễn Thu Thảo đến từ Nha Trang nhanh chóng chụp ảnh và khoe với bạn bè trên trang cá nhân. Thảo cho biết chị và gia đình đến Sa Pa (Lào Cai) từ mùng 3 Tết để sáng hôm sau có thể trải nghiệm tuyến cáp treo mới.

< Từ khi cáp treo đi vào hoạt động, lượng du khách đổ về đây tăng đột biến, đặc biệt là những ngày đầu năm mới Bính Thân. Thời điểm hiện tại, thời gian leo lên "nóc nhà" Đông Dương từ 2 ngày xuống còn 15 phút.

Lần đầu chinh phục nóc nhà Đông Dương, lại đi bằng cáp treo 3 dây hiện đại nhất thế giới, Thảo không khỏi phấn khích trước khung cảnh ngoạn mục nơi đây.

Tuy nhiên, chị khá bất ngờ trước cảnh đông đúc, nhộn nhịp của hàng trăm người đứng bao quanh bục inox gắn mốc 3.143 m. 'Vì quá đông nên chụp ảnh khó đẹp được. Mình chụp rất nhiều mới chọn được vài tấm'.

< Những ngày này, nhiều gia đình mang theo cả con nhỏ.

< Mệt mỏi khi phải đi bộ một quãng đường dài.

Theo chị Đoàn Thị Quyên, Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Cáp treo Fansipan Sa Pa, ngay từ mùng 1 Tết, nhiều gia đình và các bạn trẻ trong và ngoài tỉnh Lào Cai đã mua vé trải nghiệm cáp treo lên đỉnh Fansipan. Lượng khách đông dần từ mùng 3 Tết và đến mùng 4 tăng cao đột biến. 'Ngày mùng 3, hơn 1.000 vé được bán ra. Riêng sáng mùng 4 là hơn 5.000 vé', chị Quyên cho biết.

< Nghỉ ngơi sau quãng đường di chuyển. Có nhóm khách ngồi ăn trên quãng đường đi.

Một người dân ở Sa Pa cho hay, mọi năm từ mùng 2 Tết thị trấn đã nhộn nhịp khách tham quan nhưng năm nay nghỉ dài ngày nên lượng người đổ đến muộn hơn, khách đông dần từ mùng 3 Tết và cao điểm là mùng 4. Các ngã ba, ngã tư thường xuyên tắc bởi quá nhiều ôtô. Nhiều quán hàng ăn, người xếp thành hàng dài. 'Dịp này Sa Pa chủ yếu đón khách từ các tỉnh khác, còn khách quốc tế ít hơn', anh này nói thêm.

< Nhiều người mang theo cả cờ leo đỉnh Fansipan. Vậy nhưng hồi sau mới thấy rằng chả có chỗ cắm đâu!

Lượng khách tăng cao nhưng hiện tại chưa xảy ra tình trạng 'cháy phòng'. Một chủ khách sạn tại Sa Pa cho biết khách rút kinh nghiệm từ những lần trước nên đã đặt phòng sớm, hoặc chọn nghỉ rải rác từ thành phố Lào Cai. Tại đây cũng mở thêm nhiều dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ và phòng homestay nên khách có nhiều lựa chọn. 'Các khách sạn đều niêm yết giá và cho thuê đúng như niêm yết. Phòng của tôi là 800.000 đồng, dịch vụ tốt nên tôi khá hài lòng', Thu Thảo kể.

< Du khách chen chân, chụp ảnh "check in" bên cạnh "nóc nhà" Đông Dương. Đỉnh đâu không thấy, chỉ thấy núi người!

< Vật vạ, canh me, chờ đợi dữ lắm mới chộp được tấm này cạnh chóp inox trên đỉnh. Quá đông khách để có thể chụp ảnh riêng với cột mốc Fansipan!

Tuy nhiên, các hàng quán phục vụ ăn uống lại rơi vào tình trạng quá tải. Anh Minh  Phúc cho biết cả gia đình phải rất khó khăn mới tìm được bàn trong một nhà hàng để ăn trưa, sau đó phải đợi 'dài cổ' để được phục vụ và chờ cả nửa tiếng để thanh toán.

Từ ngày 2/2/2016, cáp treo Fansipan - “nóc nhà Đông Dương” (Sapa, Lào Cai) chính thức đi vào hoạt động. So với mực nước biển, cáp treo có độ cao 3.143 mét, được bắt đầu từ thung lũng Mường Hoa đến đỉnh Fansipan.

VinTrip! tổng hợp, ảnh Khám Phá
Sông Sêrêpốk chảy qua khu du lịch văn hóa, sinh thái Buôn Đôn, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) một thời hùng vĩ góp phần tạo nên thương hiệu khu du lịch của tỉnh.
Tuy nhiên hiện nay, đoạn sông này (20km) đã cạn trơ đáy, trở thành dòng sông "chết," gây bức xúc cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn và sự thất vọng cho khách du lịch.

Anh Y Thu, ở buôn Trí A, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), cho biết trong mấy năm nay, thủy điện ngăn dòng nên đoạn sông này cạn trơ đáy, hoạt động chèo thuyền đưa khách tham quan du lịch đôi bờ không còn nữa, người dân không có việc làm, mất nguồn thu nhập. Đặc biệt, dòng sông, bến nước đã gắn bó với đồng bào từ bao đời và đã đi vào thơ ca, sách sử... nay không còn nữa.

< Khu du lịch thác Bảy nhánh trở thành dòng sông khô.

Anh Nguyễn Văn Hùng, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Tôi thấy nhiều người nói ở đây có dịch vụ cưỡi voi, bơi thuyền vượt sông Sêrêpốk nên gia đình rất hào hứng. Nhưng khi đến nơi, tôi không nghĩ dòng sông Sêrêpốk hùng vĩ mà chúng tôi đã từng nghe lại như những cái ao làng như hiện nay!"

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Thanh Hà, than thở từ năm 2014, công trình thủy điện Sêrêpốk 4 A ngăn dòng, tình hình sản xuất kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại khu du lịch Buôn Đôn gặp nhiều khó khăn, khách du lịch giảm hẳn (về số lượng cũng như thời gian lưu trú).

Tại Công ty Du lịch Thanh Hà, doanh thu cũng giảm hơn 50% khi dòng sông Sêrêpốk chưa chặn dòng. Hầu hết du khách đều tỏ ra không hài lòng, thất vọng vì sản phẩm du lịch bị "teo tóp" do tác động tiêu cực từ các công trình thủy điện...

Ngay như ngọn thác Bảy Nhánh trên dòng sông Sêrêpốk là một trong những danh thắng nổi tiếng và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến Buôn Đôn nhưng nay chỉ còn là bãi đá phơi mình dưới nắng chói chang, không còn cảnh tượng thơ mộng, hùng vĩ, quyến rũ như xưa với những thác nước trắng xóa, ầm ầm ngày đêm đổ xuống dòng sông Sêrêpốk cuồn cuộn chảy...

Nguyên nhân của tình trạng này theo lãnh đạo của Ủy ban Nhân dân huyện Buôn Đôn chính là do việc ngăn dòng của công trình thủy điện Sêrêpốk 4 A.


< Thủ phạm giết môi trường chính là đây!


Theo thiết kế, công trình thủy điện Sêrêpốk 4 A lấy lại toàn bộ lưu lượng nước được trả về cho môi trường từ công trình thủy điện Sêrêpốk 4 (đã được xây dựng trước đó).

Công trình thủy điện này có lưu lượng nước xả ra là 135 m3/giây, đủ để duy trì sự sống cho dòng sông Sêrêpốk cũng như các cảnh quan, môi trường khu vực nói chung. Nhưng đến khi công trình thủy điện Sêrêpốk 4A tận dụng lại nguồn nước của Sêrêpốk 4 xả ra bằng cách đắp một cao trình đập 100m để dẫn dòng qua 3 xã Ea Huar, Ea Wer, Krông Na (huyện Buôn Đôn) đến tuabin phát điện tại cầu 19, với lưu lượng nước xả trả lại cho môi trường chỉ có 8,23 m3/giây và từ đó đoạn sông này trở nên đoạn sông "chết"... kéo theo cảnh quan, môi trường biến đổi theo chiều hướng tiêu cực.

< Voi lội dòng Sêrêpốk giờ sẽ trở thành quá khứ?

Khu du lịch Buôn Đôn nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) gần 50km về phía Tây Bắc, nơi đây nổi tiếng lâu đời về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, có Vườn quốc gia Yok Đôn rộng trên 100.000 ha, là bảo tàng phong phú về hệ động, thực vật tự nhiên, có dòng sông Sêrêpốk chảy qua. Đây cũng là nơi chung sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số Êđê, M’nông, Lào, Thái... và là một trong những khu du lịch về văn hóa, sinh thái nổi tiếng của Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung.

Theo Quang Huy (TTXVN/Vietnam+)
Xem quảng cáo, coi truyền hình..., những trái tim yêu xê dịch vẫn luôn loạn nhịp trước cảnh sắc lung linh của nhiều miền đất mới từ Paris đến Santorini, Himalayas, Maldives hay cả những bãi tắm Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu không chọn đúng thời điểm tốt trong năm thì không phải nơi nào cũng đẹp như tưởng tượng. Lễ, tết, hè... là những dịp tạo chuyến hành trình, ấy nhưng có thể nơi ấy không chỉ có mình bạn, không đẹp như quảng cáo!

+ Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc

Thành lũy dài nghìn cây số này tưởng chừng sẽ tạo nên một cảnh thắng ấn tượng. Thực tế, nơi đây rất đông đúc.

+ Santorini, Hy Lạp

Nếu luôn trông đợi đến một bầu không khí mát lành thư thái bên thị trấn ven biển kiều diễm này, du khách cần suy xét thật kỹ.

+ Dãy Himalaya

Nóc nhà thế giới tưởng chừng sẽ là nơi khiến mỗi nhà chinh phục độ cao cảm thấy bé nhỏ trước thiên nhiên, nhưng có lẽ họ sẽ không cô đơn giữa không gian hùng vĩ này.

+ Cầu Howrah, Kolkata, Ấn Độ

Từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển của những năm 50, cây cầu Howrah ngoài đời thực có lẽ đã khiến nhiều người vỡ mộng.

+ Tháp Eiffel, Pháp

Thảnh thơi nằm dài ra bãi cỏ và tận hưởng chuyến picnic gần tháp Eiffel luôn là điều nhiều du khách ao ước. Nhưng thực sự, du khách có được tận hưởng những phút giây thơ mộng ấy khi có quá nhiều người không?

+ Siem Riep, Campuchia

Vẻ cổ kính của những ngôi chùa cổ tại Siem Reap phải nhường chỗ cho những đám đông khách du lịch.

+ Thái Lan

Những bãi biển Thái Lan chưa bao giờ vắng vẻ như hình ảnh thơ mộng du khách luôn say sưa nhìn ngắm.

+ Đền thờ cổ Abu Simbel, Giza, Ai Cập

Ngôi đền cổ thờ vị pharaon vĩ đại Abu Simbel cũng không nằm ngoài danh sách.

+ Maldives

Một góc khác của thiên đường nơi hạ giới.

+ Venice, Italy

Chèo thuyền giữa Venice có luôn được thơ mộng như những khung hình?

+ Bơi cùng cá heo

Nếu từng ước ao bơi lội thỏa thích cùng cá heo tại những điểm du lịch, du khách nên chuẩn bị sẵn tinh thần xếp hàng chờ.

+ Chơi cùng chúa sơn lâm

Trải nghiệm vuốt ve hổ cũng có thể không nhẹ nhàng, bình yên như mọi người vẫn tưởng tượng.

+ Stonehenge, Anh

Ngắm hoàng hôn bên Stonehenge vắng vẻ là điều không phải ai cũng may mắn được trải nghiệm.

+ Trải nghiệm cưỡi voi

Đằng sau chuyến du lịch trên lưng voi là bao câu chuyện không mấy dễ chịu của những chú voi được thuần hóa.

+ Sầm Sơn, Thanh Hóa, Việt Nam

Hình ảnh về một Sầm Sơn thanh bình ngoài đời thực là điều hiếm thấy.

Theo Phạm Huyền (Vnexpress)
Một mùa Xuân nữa lại về - Xuân Bính Thân 2016. Trong không khí hân hoan đón chào Năm mới, cùng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc “Mừng Đảng-mừng Xuân-mừng đất nước đổi mới,” trên khắp mọi miền Tổ quốc, những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu sẽ bừng sáng trên bầu trời đêm giao thừa, đánh dấu thời khắc chuyển giao năm cũ-năm mới với niềm tin và hy vọng.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại hầu khắp các tỉnh, thành phố, để tạo thuận lợi cho nhân dân đón xem những màn pháo hoa đẹp mắt và bảo đảm tuyệt đối an toàn, các địa phương đã có phương án tổ chức, bố trí các điểm bắn pháo hoa ở vị trí hợp lý. Kinh phí bắn pháo hoa thực hiện theo hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Tại Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, đêm giao thừa là thời khắc được nhiều người mong ngóng nhất, bởi đây là dịp được chiêm ngưỡng những màn pháo hoa lộng lẫy.

Đúng 0 giờ ngày 8/2 (tức mùng 1 tháng Giêng năm Bính Thân), bầu trời Thủ đô sẽ sáng rực bởi những màn pháo hoa tại 30 điểm (31 trận địa) ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Cụ thể, sáu trận địa bắn pháo hoa tầm cao gồm trước Bưu điện Hà Nội, sân vận động quốc gia Mỹ Đình, công viên Thống Nhất, vườn hoa Nguyễn Hoàng Tôn-Tây Hồ, hồ Văn Quán-Hà Đông, Thành cổ Sơn Tây-thị xã Sơn Tây và 25 trận địa bắn tầm thấp tại trước trụ sở báo Hà Nội Mới và các quận, huyện.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết năm nay, thành phố không tổ chức bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân như năm trước mà ưu tiên thực hiện tại các quận, huyện.

Đúng vào thời điểm bước sang Năm mới, thành phố mang tên Bác sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc và dự kiến tổ chức bắn pháo hoa tại một số điểm, trong đó có điểm bắn tại khu vực đầu Đường hầm vượt sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, quận 2) và Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11).

Trong thời khắc giao thừa linh thiêng chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, đồng bào các dân tộc ở miền núi phía Bắc cũng sẽ được chiêm ngưỡng những màn pháo hoa đẹp mắt.

Nơi cực Bắc Tổ quốc - tỉnh Hà Giang - sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp tại bảy điểm trong đêm giao thừa là thành phố Hà Giang và tại trung tâm các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Vị Xuyên, Bắc Quang và Xín Mần. Nguồn kinh phí để thực hiện bán pháo hoa được xã hội hóa từ sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Tỉnh Lào Cai, nơi có điểm du lịch Sa Pa nổi tiếng thu hút du khách trong và ngoài nước sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp tại ba điểm là sân vận động Apatit, bãi Soi Tiền (thành phố Lào Cai) và hồ Na Cồ (thị trấn Bắc Hà).

Vùng đất Điện Biên lịch sử sẽ bắn pháo hoa tại thành phố Điện Biên Phủ, thị trấn Tủa Chùa và thị trấn Điện Biên Đông.

Tỉnh Yên Bái tổ chức bắn pháo hoa tại khu vực Quảng trường 19/8, công viên Yên Hòa (thành phố Yên Bái) và khu vực Căng Đồn (thị xã Nghĩa Lộ). Thời gian bắn pháo hoa là 15 phút vào đúng thời điểm giao thừa, mỗi địa điểm bắn 90 giàn pháo hoa tầm thấp.

Tỉnh Tuyên Quang tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp tại thành phố Tuyên Quang và thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa).

Ở đất Tổ vua Hùng - Phú Thọ, người dân sẽ được chiêm ngưỡng những màn pháo hoa đẹp mắt tại thành phố Việt Trì và các huyện Hạ Hòa, Tam Nông, Cẩm Khê, Lâm Thao, Đoan Hùng, Yên Lập, Thanh Sơn, Phù Ninh.

Tại đất mỏ Quảng Ninh có chín địa phương tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa là thành phố Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí; các huyện Bình Liêu, Hoành Bồ, Hải Hà, Vân Đồn và thị xã Đông Triều. Trong đó, Hạ Long và Uông Bí tổ chức bắn pháo hoa tầm cao, các địa phương còn lại bắn pháo hoa tầm thấp. Riêng thành phố Hạ Long sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao, xen lẫn pháo hoa tầm thấp trong thời lượng 15 phút tại Quảng trường 30/10. Số lượng pháo hoa tầm cao là 800 quả và 60 giàn pháo hoa tầm thấp xen kẽ hỏa thuật.

Cùng với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân, các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ đều tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp đón chào năm mới. Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định, trong đêm giao thừa, tỉnh sẽ bắn pháo hoa tại công viên Vị Xuyên và công viên Prato (thành phố Nam Định) trong thời gian từ 15-20 phút.

Tỉnh Hưng Yên bắn pháo hoa tại bảy địa phương là Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu, Phù Cừ, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên; trong đó thành phố Hưng Yên sẽ bắn 180 giàn pháo hoa tầm thấp, các huyện còn lại, mỗi huyện bắn từ 90-120 giàn. Thời gian bắn pháo hoa là 15 phút, từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút ngày 8/2.

Đêm giao thừa, tỉnh Hà Nam bắn pháo hoa tầm thấp trong thời gian 15 phút tại tầng 10 Khách sạn Hòa Bình, thành phố Phủ Lý. Tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh tổ chức lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực bắn pháo hoa và các khu vực liên quan.

Đánh dấu thời khắc đón chào Năm mới, muôn sắc pháo hoa cũng bừng sáng trên vùng đất miền Trung. Tỉnh Nghệ An - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - sẽ bắn pháo hoa tầm thấp tại khu vực Công viên Trung tâm thành phố Vinh.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế, mảnh đất kinh thành thơ mộng, tổ chức bắn pháo hoa tại ba địa điểm, trong đó hai điểm là Kỳ Đài (Huế), thị trấn A Lưới (huyện A Lưới) bắn pháo hoa tầm cao, còn tại Khu du lịch Laguna (Lăng Cô) bắn pháo hoa tầm thấp.

Đà Nẵng, thành phố năng động bên sông Hàn, nơi từng tổ chức thành công các cuộc thi trình diễn hoa quốc tế, đón giao thừa Bính Thân, đông đảo người dân và du khách sẽ được xem bắn pháo hoa tại bốn điểm là trên cầu Nguyễn Văn Trỗi, sân vận động quận Ngũ Hành Sơn, trước Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu, Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang. Số lượng pháo hoa được bắn ở tầm cao là 2.000 quả, pháo tầm thấp 100 giàn. Những màn pháo hoa ấn tượng hứa hẹn mang đến cho khán giả trải nghiệm cảm xúc đáng nhớ và những ấn tượng tốt đẹp về một thành phố đáng sống.

Đến với vùng đất Tây Nguyên, đón năm mới Bính Thân, đồng bào các dân tộc nơi đây sẽ được thưởng thức những màn pháo lung linh sắc màu, báo hiệu một mùa xuân ấm áp, tràn đầy hy vọng. Tỉnh Gia Lai có hai điểm bắn pháo hoa tại Quảng trường Đại đoàn kết (thành phố Pleiku) và trung tâm huyện lỵ Chư Sê.

Tỉnh Đắk Lắk tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp tại Quảng trường 10/3, thành phố Buôn Ma Thuột. Tỉnh Kon Tum tổ chức bắn pháo hoa ở ba huyện Ngọc Hồi, Đắk Tô, Sa Thầy, mỗi huyện có một điểm bắn. Riêng thành phố Kon Tum sẽ có hai điểm bắn ở Quảng trường 16/3 và khu đô thị Nam Đắk Bla.

Ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ, tỉnh Khánh Hòa tổ chức bắn pháo hoa tại bốn điểm là thành phố Nha Trang, Cam Ranh, huyện Khánh Vĩnh và Vạn Ninh. Kinh phí của hoạt động này được đóng góp từ nguồn xã hội hóa, không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.

Tỉnh Ninh Thuận tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm thấp tại Quảng trường 16/4, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm vào đúng thời khắc giao thừa.

Đêm giao thừa năm 2016, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức bắn pháo hoa tại sáu điểm: cầu tàu Bến Đá (Bãi Trước), vòng xoay đường 3/2 và 51B (thành phố Vũng Tàu), trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (thành phố Bà Rịa), cầu tàu 914 (huyện Côn Đảo), trung tâm thị trấn huyện Xuyên Mộc, tòa tháp đôi (thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành).

Về vùng sông nước Cửu Long, thành phố Cần Thơ tổ chức bắn pháo hoa nghệ thuật tầm cao tại Nhà hàng Hoa Sứ, quận Ninh Kiều; năm quận, huyện tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp vào đêm giao thừa là quận Thốt Nốt, huyện Phong Điền, huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh. Theo Ban tổ chức, năm nay tại trung tâm thành phố Cần Thơ cũng tổ chức bắn pháo hoa trong 15 phút như các năm trước nhưng số lượng pháo bắn sẽ nhiều và dày hơn.

Tỉnh Trà Vinh sẽ bắn pháo hoa ở hai địa điểm là Trung tâm Hội nghị tỉnh (sân bay cũ) và tại thị xã Duyên Hải. Nguồn kinh phí để tổ chức bắn pháo hoa vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp.

Tỉnh Sóc Trăng dự kiến bắn pháo hoa tầm thấp tại ba điểm là công viên 30/4 (thành phố Sóc Trăng), thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề) và thị xã Vĩnh Châu.

Mừng Đảng, mừng Xuân Bính Thân 2016 và kỷ niệm 40 năm thành lập tỉnh, Đồng Tháp tổ chức cầu truyền hình trực tiếp bắn pháo hoa ở ba điểm là thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc và thị xã Hồng Ngự.

Sáu huyện, thành phố của tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức bắn pháo hoa vào đêm giao thừa. Tại sân vận động tỉnh diễn ra đêm văn nghệ đón giao thừa kết hợp bắn pháo hoa tầm thấp. Hoạt động này được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre. Ngoài ra, năm huyện của tỉnh cũng tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp là Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm.

Tỉnh Tiền Giang tổ chức bốn điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại các địa phương trong đêm giao thừa gồm thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, huyện Chợ Gạo và Châu Thành.

Vào đêm Giao thừa đón Xuân mới Bính Thân 2016, tỉnh Vĩnh Long tổ chức chương trình nghệ thuật đêm lễ hội đón giao thừa và bắn pháo hoa tầm thấp tại Quảng trường thành phố Vĩnh Long, nhằm đem đến không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân trong thời khắc chuyển giao năm cũ-năm mới. Nguồn kinh phí thực hiện chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa do Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long tài trợ.

Thời khắc chuyển giao sang năm mới tại vùng đất Tây Nam của Tổ quốc cũng được đánh dấu bằng những màn pháo hoa rực rỡ cùng với các chương trình nghệ thuật đặc sắc. Tại Kiên Giang, nơi đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc-Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra trong tháng 2/2016, sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tại năm điểm là Quảng trường Khu đô thị Phú Cường (thành phố Rạch Giá), trung tâm huyện U Minh Thượng, trung tâm huyện Kiên Lương, thị trấn Dương Đông (trung tâm huyện Phú Quốc) và Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc (Gành Dầu).

Tạo không khí vui tươi phấn khởi dịp Tết đến, Xuân về, nơi cực Nam Tổ quốc - tỉnh Cà Mau dự kiến tổ chức 10 điểm bắn pháo hoa đón giao thừa tại tất cả các huyện, thành phố. Trong đó, địa phương bắn pháo hoa sớm nhất là huyện Ngọc Hiển vào lúc 21 giờ 30 ngày 7/2 (29 Tết) tại Khu du lịch Khai Long (xã Đất Mũi).

Ngoài địa điểm này, huyện Ngọc Hiển còn tổ chức một điểm bắn pháo hoa tại Huyện ủy vào lúc 22 giờ 30. Tại trung tâm thành phố Cà Mau sẽ bắn pháo hoa vào lúc 22 giờ 45 tại tòa nhà Viettel, được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh truyền hình Cà Mau và cùng kết nối trực tiếp ở hai điểm cầu là huyện Năm Căn và huyện U Minh. Hai huyện này cũng đồng loạt bắn pháo hoa vào lúc 22 giờ 45. Các huyện còn lại mỗi huyện sẽ tổ chức một điểm bắn pháo hoa.

Cùng với những màn pháo hoa rực rỡ, các địa phương chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ để phục vụ người dân vui Xuân, đón Tết Bính Thân. Những ngày này, các địa phương, cơ quan đoàn thể, nhà hảo tâm cũng đang khẩn trương chuyển những phần quà Tết ý nghĩa đến tay các gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân lao động để mọi người, mọi nhà đều được đón Tết ấm cúng, sum vầy.