Tab Từ Khóa "Lễ hội"
Showing posts with label Lễ hội. Show all posts
Mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm, không khí ấm áp, trong lành, cây cối đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa đua nở, muôn vật sinh sôi phát triển và mọi người mong sao cuộc sống có nhiều thay đổi tốt đẹp. Mùa xuân cũng là mùa của lễ hội, con người lại tìm về cội nguồn, nhớ đến tổ tiên, nhắc nhở về lịch sử và truyền thống hào hùng của dân tộc qua những hình thức của lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian.

Trong 47 lễ hội được tổ chức thường niên trên kinh đô Văn Lang xưa thì Lễ hội rước voi của làng Đào Xá (Thanh Thủy) lại mang những nét văn hóa đặc sắc rất riêng. Khác với các lễ hội mùa xuân được tổ chức vào ngày mùng, ngày rằm, nét độc đáo của Lễ hội rước voi xã Đào Xá được tổ chức vào những ngày cuối tháng giêng hàng năm.

Lễ hội càng độc đáo hơn bởi sự xuất hiện của đôi voi chiến hình dáng, kích cỡ, màu sắc, to như voi thật, các bộ phận chân, ngà, vòi, tai, mắt đều rất sinh động được điều khiển bởi những người rước ẩn trong thân voi.

Đào Xá là miền đất cổ, có nền văn hoá lâu đời cách đây khoảng 1.800 năm thuộc vùng đất Khuất Động Liêu, thuở khai sơ có tên là Làng Dâu, Làng Da, sau này đổi tên thành làng Đào Xá. Theo đó, đình và đền Đào Xá cũng đã có từ rất lâu đời. Đền Đào Xá còn có tên gọi là đền Tam Công thờ 3 vị Thuỷ thần con của Hùng Hải Công, đó là Đạt Công Long Vương, Mãn Công Long Vương và Uyên Công Long Vương.

Bên cạnh đó, đền Đào Xá còn thờ bà Trang Hoa công chúa là vợ của Hùng Hải Công và thờ bà Quế Hoa - người hầu của Trang Hoa công chúa. Còn đình Đào Xá thờ Hùng Hải Công để tỏ lòng tri ân công đức của vị thánh nhân đã có công giúp dân khai thiên lập địa.

Tương truyền vào thời Hùng Vương dựng nước, Hùng Hải được anh là Vua Hùng cử đến cai quản vùng Tam Giang (nơi giáp 3 con sông: sông Đà, sông Hồng và sông Bứa) gồm địa phận Đào Xá, Hưng Hoá và Thọ Xuyên. Ngày 28 tháng Giêng năm ấy hai ông bà cùng đi thuyền du xuân từ Thọ Xuyên sang Đào Xá dựng lầu nghỉ ở đây một đêm, sống trong sự giao hòa của trời đất, sau về Trang Hoa thụ thai và sinh được 3 người con trai đặt tên là Đạt Công Long Vương, Mãn Công Long Vương và Uyên Công Long Vương.

Các con vừa cất tiếng khóc chào đời thì Trang Hoa hoá thân. Hùng Hải ở lại dạy dân trị thuỷ làm ăn và nuôi dạy các con khôn lớn rồi ông giao miền đất này cho 3 con cai quản còn mình về trông nom miền sông Nhị (địa phận tỉnh Hải Dương ngày nay).

Vua Hùng thấy ông là người có công lớn đã ban thưởng cho 2 thớt voi chiến làm phương tiện đi lại. Trước khi chia tay về sông Nhị, ông đã dẫn đôi voi về làm lễ tạ 3 lần. Cuộc tiễn đưa Hùng Hải ra đi đầy quyến luyến và cảm động. Sau này với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nhân dân Đào Xá đã tôn ông làm Thành Hoàng làng, lập đình thờ tại đây, hàng năm tổ chức tế lễ, mở hội rước voi truyền thống…

Cứ mỗi độ xuân về, làng Đào Xá lại mở hội rước voi trong ba ngày từ 27 đến 29 tháng Giêng âm lịch. Đây cũng là những nét đẹp văn hóa tâm linh, mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Đồng thời, với mỗi người dân địa phương, đây cũng là dịp dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, dựng làng, cầu phúc, cầu may, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, dân an, nước thịnh.

Lễ hội gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ tiến hành rước voi, hương án, long báu, bài vị, hòm sắc và tế Thành Hoàng. Phần hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh vật, cướp gà, lấy nước, giã gạo, kéo lửa nấu cơm thi…

Toàn bộ lễ hội là hướng về cội nguồn, ca ngợi công đức các vị thần, những người có công với dân với nước và cầu cho “Quốc thái dân an”, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong không khí xuân ấp áp, bà con nhân dân trong vùng và du khách thập phương đã nô nức về dự hội, thắp nén hương trầm hướng về nguồn cội, một lòng đóng góp công sức cùng Đào Xá bảo vệ, lưu giữ vốn cổ quý báu của quê hương để những di sản vật thể và phi vật thể đó sẽ mãi mãi trường tồn cùng thời gian./.

(BLA) - Sau Lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành cũng là lúc người dân lại đón lễ Vía bà Ngũ hành ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây được xem là một trong những lễ hội lớn của tỉnh, thu hút đông đảo khách gần xa và được tổ chức từ ngày 18 đến 20 tháng Giêng âm lịch.

Để tránh những ngày chính diễn ra lễ hội khách thập phương đến đông, ngay chiều 17 âm lịch nhiều khách đã đến viếng. “Mấy năm trước, đi viếng đường kẹt cứng người, chen nhau cực quá nên năm nay tôi tranh thủ đi sớm hơn. Năm nào cũng vậy, dù có bận bịu, tôi cũng đều sắp xếp thời gian đến viếng Ngũ hành nương nương, thắp hương cầu mong gia đình được bình an, hạnh phúc cũng như mua may bán đắt” - chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, một khách hành hương tại TP.HCM chia sẻ.

Chị Hiền, một tiểu thương tại chợ Long Thượng cho rằng, năm nào cũng vậy, Vía bà Ngũ hành thu hút rất nhiều khách thập phương tham gia. Họ hầu hết ở nhiều nơi đến, nhất là người Hoa ở TP.HCM.

Lễ Vía bà Ngũ hành hay còn gọi là lễ cầu an được tổ chức gắn liền với di tích kiến trúc nghệ thuật Miếu Bà Ngũ hành. Miếu Bà Ngũ hành trước đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ. Hằng năm, miếu được sửa chữa do xuống cấp, về sau, được người dân, khách thập phương đóng góp xây dựng, chuyển sang lợp ngói ống, vách gỗ rộng rãi hơn. Qua nhiều năm với nhiều lần trùng tu, đến nay, Miếu Bà Ngũ hành vẫn giữ được nét nguyên thủy của kiến trúc đình Nam bộ với tứ trụ (tứ tượng). Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh được công nhận vào ngày 22-2-1997 và là di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng vào tháng 12-2014.

Miếu bà Ngũ hành Long Thượng thờ Ngũ hành nương nương - vị thần được người dân tin rằng có quyền năng trong các lĩnh vực liên quan đến vàng, bạc (kim), gỗ, cây (mộc), sông nước (thủy), lửa (hỏa) và đất đai (thổ); giúp cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, ngày 18 tổ chức lễ khai mạc và dâng hương; ngày 19 làm lễ cầu an, múa bóng rỗi; ngày 20 lễ dâng bông, hát địa nàng… Kết thúc vào ngày 21 là lễ cúng bế cả. Trong đó, có thể nói múa bóng rỗi, hát địa nàng là những tiết mục đặc sắc, thu hút nhiều khách tham quan bởi đó không chỉ là những nghi thức trang trọng mà còn là loại hình nghệ thuật dân gian hết sức độc đáo của Nam bộ.

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, ước tính có trên 10.000 lượt người đi lễ. Mỗi năm, số lượng khách hành hương đến càng tăng. Địa phương tăng cường lực lượng bảo vệ quanh miếu để giám sát việc dâng hương của du khách, đề phòng cháy nổ và nhất là bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mê tín dị đoan. Ngoài ra, từ số tiền đóng góp của du khách, ngoài việc dùng để trùng tu miếu, Ban tổ chức còn dành một phần cho công tác từ thiện.

Đây là lễ hội mang tín ngưỡng dân gian, là sự kiện mang tính cộng đồng của người dân trong tỉnh nói chung và huyện Cần Giuộc nói riêng. Lễ hội năm nay được chuẩn bị chu đáo, tổ chức trang trọng hơn để xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Sau khi kết thúc lễ hội, được sự chấp thuận của tỉnh, huyện cùng với địa phương tiến hành trùng tu, sửa chữa lại miếu với kinh phí dự kiến 5,5 tỉ đồng dựa vào nguồn xã hội hóa.

Theo Thanh Nga (Báo Long An)
Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm với nghi thức, nghi lễ thờ cúng đức vua Miêu Tĩnh, đức vua Cao Quyết, đức thánh Cao Sơn – Quý Minh đại vương, mong ước các đức vua, các thánh thần cùng phù hộ cho mọi người khoẻ mạnh, mùa màng bội thu, gia súc đầy đàn.

Gắn liền với các tích truyền ấy là câu chuyện đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hóa, các trò chơi, trò diễn của người Tày, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn.

Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là “mặt nhọ”. Trước đây, lễ hội Ná Nhèm được tổ chức 3 năm một lần, nhưng từ năm 2012 đến nay, lễ hội được duy trì mỗi năm tổ chức một lần.

< Những người lính tái hiện trong các tích trò được bôi nhọ mặt để biểu diễn.

Trong ký ức của mình, các cụ Hoàng Thanh Tiến, thôn Pá Trí, Hoàng Văn An và cụ Bế Văn Ứng thôn Làng Mỏ, xã Trấn Yên... nhớ lại khi họ còn là những thanh thiếu niên đã được tham gia lễ hội, đóng vai quân lính, trẻ chăn trâu trong đám rước quân, cùng với tài liệu sưu tầm được, lễ hội ngày nay về nội dung cơ bản đã được phục dựng giống như lễ hội truyền thống xưa kia.

Điều đặc biệt của lễ hội Ná Nhèm là những người tham dự phải bôi nhọ lên mặt thể hiện hình dạng của bọn giặc Tài Ngàn khi còn sống. Bởi họ tin rằng làm như thế sẽ đánh lạc hướng hồn ma giặc và không con ma nào biết ai đã diễn lại sự thất bại của chúng trước dân làng mà về bắt, gây tai họa và dịch bệnh nữa.

< Thanh niên trai tráng khiêng kiệu rước Ngài từ đình làng ra miếu Xa Vùn (thờ Đức Thánh Cao Sơn Quý Minh) để cùng vui hội.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, đường vào xã Trấn Yên rất nhộn nhịp, từng dòng người tấp nập đổ về khu vực trung tâm. Lễ hội Ná Nhèm bắt đầu bằng các nghi thức trang trọng gồm: nghi thức tế lễ, cúng lễ; rước long ngai, bài vị thần từ đình Làng Mỏ lên miếu Xa Vùn. Sau đó là chương trình chào mừng lễ hội, ôn lại truyền thống của lễ hội với những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tiếp đến là tục hèm đánh trận và cung tiến lễ vật. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian như: đánh đu, kéo co, đánh cờ tướng, đẩy gậy, đặc biệt có trò diễn kén rể, kén dâu (hay còn gọi là Sỹ - Nông - Công - Thương; Ngư - Tiều - Canh - Mục).

Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức từ rạng sáng cho tới lúc trời tối. Ngay từ sáng sớm, các nghi thức cúng, tế, và rước nước từ miếu thờ đức vua Miêu Tĩnh tại mỏ nước Bó Vằn về đình làng Mỏ;  nghi lễ cúng tế tại đình làng Mỏ (thờ đức vua Cao Quyết “Uy Linh Tỉnh Khuê” và miếu Xa Vùn (thờ đức Thánh Cao Sơn, Quý Minh” được các ông mo, ông hội thực hiện nghiêm cẩn.

Những người lần đầu tiên đi hội Ná Nhèm không khỏi ngạc nhiên trước những nghi lễ của đám rước long ngai, bài vị và chương trình đánh đại đao, gươm mác, rước linh vật.

< "Tàng thinh" là linh vật của người đàn ông có chiều dài 1m, đường kính hơn 40cm và nặng hơn 1 tạ, làm bằng gỗ.

Những linh vật cung tiễn không phải là cỗ xôi, con gà, con lợn mà là các loại cây giống và độc đáo hơn còn có Tàng thinh - Mặt nguyệt - linh vật sinh thực khí.

Đến với lễ hội, du khách còn được thưởng thức trò diễn sỹ - nông -công - thương, ngư - tiều - canh - mục (kén dâu, kén rể) và các môn thể thao truyền thống như bịt mắt bắt dê, chơi đu, kéo co, đẩy gậy, cờ tướng... Trước khi kết thúc lễ hội là tiết mục Giáo thiên lôi của các ông tướng, ban bình an, no ấm, phúc lộc cho mọi người.

< Tượng trưng cho người phụ nữ là "Mặt nguyệt", khi 2 linh vật giao hòa tạo sự an bình, sinh sôi trong cuộc sống.

Độc đáo và được nhiều người chú ý nhất có lẽ là lễ rước linh vật sinh thực khí. Tại đây, 6 chàng trai lực lưỡng trong làng sẽ được giao nhiệm vụ khiêng "tàng thinh" tượng trưng cho linh vật của đàn ông. Đây là một nghi thức độc đáo để cầu may mắn, bình an, sinh sôi nảy nở trong lễ hội xuân Ná Nhèm. Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc như: Trò đánh trận tập và cống hiến lễ vật, trò Sỹ - Nông - Công Thương, kén dâu kén rể, đánh đu, đánh cờ....

< Màn múa kiếm, đao mô phỏng lại quá trình chống giặc ngoại xâm của nhân dân.

Lễ hội Ná Nhèm có rất nhiều giá trị mang ý nghĩa lịch sử của cộng đồng dân tộc, lịch sử cư trú tộc người, lịch sử các ngành nghề, phong tục tập quán, các trò chơi, trò diễn và lễ nghi… tất cả như được sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền trong cả nước.

Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa tổng hợp không những chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống mà thông qua các hoạt động đó giáo dục truyền thống, chuyển giao cho các thế hệ tiếp theo những tinh hoa của cộng đồng, của dân tộc.

< Khi "Tàng thinh" và "Mặt nguyệt" được rước vào chân miếu Xa Vùn, nhiều phụ nữ khá bạo dạn tới gần để sờ lấy may.

Nét đặc trưng nổi bật nhất cũng là nét văn hóa tiêu biểu nhất đó là tính cộng đồng và cố kết cộng đồng tộc người. Tính cố kết cộng đồng còn được thể hiện trong mối quan hệ giữa những người trong bản, trong xã được gắn kết lại với nhau do cùng chung tín ngưỡng là thờ Thành Hoàng và Thần Nông và theo quan niệm dân gian của đồng bào Tày - Nùng ở đây thì các vị thần đó là thế lực siêu nhiên và quyền năng cao nhất, nắm bắt vận mệnh và bảo hộ cho cả cộng đồng làng bản.

< Quang cảnh lễ rước từ miếu đình làng mõ sang đến miếu Xa Vùn.

Năm nay, lễ hội Ná Nhèm được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là lễ hội tổ chức điểm của tỉnh. Thông qua lễ hội nhằm phát huy, giữ gìn và quảng bá truyền thống văn hóa của quê hương; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân có dịp giao lưu, sáng tạo các loại hình văn hóa, góp phần duy trì và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sau 4 năm được phục dựng và duy trì tổ chức, lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn ngày càng khẳng định vị trí trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương. Với những giá trị to lớn của lễ hội, ngày 8/6/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 1877/QĐ-BVHTT&DL công nhận lễ hội Ná Nhèm là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo Minh Lý (Báo Lạng Sơn) và nhiều nguồn khác.
(TTO) - Dù ai buôn bán bộn bề. Làm chay mười sáu nhớ về Tầm Vu. Từ cả trăm năm nay, lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu là lễ hội tâm linh vì cộng đồng, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cúng cô hồn thập loại chúng sinh.

Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) là quê hương của GS. Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, địa bàn hoạt động của các chí sĩ yêu nước như Trương Định, Thủ Khoa Huân, Phan Văn Đạt…Hai anh em ông nội vợ GS Trần Văn Giàu là Đỗ Tường Phong (ông nội vợ của giáo sư Trần Văn Giàu) và Đỗ Tường Tự từng cầm đầu cuộc khởi nghĩa ở đây. Khởi nghĩa thất bại, Đỗ Tường Phong bị chém ở Tân An và Đỗ Tường Tự bị xử bắn tại chợ Tầm Vu, nhiều nghĩa sĩ đã hy sinh, nhiều người dân bị giết oan ở mảnh đất này.

Huyện Châu Thành còn được biết tới là xứ sở của trái thanh long miền Tây, đặc biệt là ở các xã An Lục Long, Dương Xuân Hội, Thanh Phú Long là cây nông nghiệp chủ lực ở địa phương.

Trước đây chợ Tầm Vu thường hay bị cháy, liên tiếp xảy ra dịch bệnh nên người dân lập ra lệ cúng cầu siêu, cầu an cho bá tánh vào dịp rằm Nguyên. Lễ hội diễn ra từ ngày 14-16 tháng giêng, bắt nguồn từ sự kiện Pháp xử bắn hai nhà nước Đỗ Tường Tự và Đỗ Tường Phong (ông nội vợ của giáo sư Trần Văn Giàu). Quân đội Pháp nghiêm cấm việc làm ma chay và khóc thương.Do dịch bệnh hoành hành mùa màng, nhân dân Tầm Vu mượn cơ hội làm trai đàn để xua đuổi côn trùng phá hoại mùa màng, vừa làm lễ trai đàn cho những ngườiđã ngã xuống.

Trong ngày 15 âm lịch, 9 xã trong huyện Châu Thành đã bày biện các bàn thờ cúng để hưởngứng lễ Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu. Cácxe hoa đăng cũng diễu hành thử qua các đường phố trong thị trấn. 10 giờ sáng, Tiêu DiệnĐại Sĩ được thỉnh từ chùa Linh Phước về chùa Linh Võ (chùaÔng), cạnhđình Tân Xuân để nhân dân đến chiêm bái. Buổi tối, trước sân đình Tân Xuân, ngay tạiĐài liệt sĩ, diễn ra lễ tế liệt sĩ (chiến sĩ trận vong) do thánh thất Phương Quế NgọcĐài phụ trách. Nghi lễ có dâng hương, đăng trà, quả 3 lần, có một đồng nữ xướng ca ngôn (ca kệ giống như hát bội).Người dân địaphương và khách tham gia lễ hội đến thắp hương ở các chùa, đình, miếu trong thị trấn, đến chụp hìnhở các ghe đăng đậu trên sông Tầm Vu.Cả thị trấnđã có màu sắc của lễ hội.

Sáng ngày 16 âm lịch diễn ra lễ cúng cô hồnở miếuÂm Nhơn, nằm trong khuôn viên chùaÔng, trống lân rộn rã.Các trò chơi dân gian như kéo co, đập niêu, nhảy bao bố, bắt vịt trên sông cũng lần lượt diễn ra bên cạnhđình Tân Xuân.Các cỗ bánh dự thi được thỉnh về khu vực trai đàn. Những cỗ bánh được trưng bàyđẹp sẽ nhận được giải thưởng của ban tổ chức. Tiêu DiệnĐại Sĩ lại được thỉnh từ chùaÔng gầnđó về tập kết nơi đây.

12 giờ trưa là thời điểm tổ chức chiêu u (rước vong) trên bộ. Đoàn rước lần lượt đếnđài liệt sĩ của xã Long Trì, các miếu cô hồn ven đường, các “động quỷ” (theo tích truyệnTây Du ký) do người dân địa phương trong huyện lập nên. Ở mỗi nơi ban tế lễ cùng các nhà sư làm nghi thức tưởng niệm kèm theo lễ viếng mộ, rước các vong hồn trôi dạt, múa lân. Đoàn xe đi đếnđâu gây không khí tưng bừng đếnđó, nam nữ, khách thập phương đi theo cả một đoàn dài, nhà nhà tổ chứcăn mừng đón chào lễ hội này. Dọc hai bên đường, các gia đình bày bàn thờ cúng trong dịp này.

Nghi thức chiêu u đường sông cũng được thực hiện sau đó. Một chiếc ghe có thầy tụng được chèo dọc các nhánh sông rạch, nơi có các miếu cô hồn, những nơi diễn ra những trậnđánh để rước các “vong hồn lạc thủy” về ghe đăng đậu ở bến sông.

Không khí huyên náo diễn ra khắp các đường phố của thị trấn Tầm Vu trong đêm nay với khách thập phương từ các nơi kéo về, còn vui hơn cả ngày Tết.

Giây phút náo nhiệtnhất của lễ hội Làm Chay là sau phần cầu siêu của các nhà sư kết thúc lúc 24 giờ, nghi thức xô giàn thí thực diễn ra. Hình nộm ông Tiêu (Tiêu Diện Đại Sĩ), vị Bồ Tát chuyên hàng yêu phục quỷ được đốt cháy trong chốc lát, những người tham gia lễ hội tràn qua hàng rào để tranh nhau các cỗ bánh, trái cây nhằm tìm chút lộc đầu năm, nhưng tuyệt tối không có chuyện dẫm đạp lên nhau. Bánh cúng trên giàn thí thực được quăng ra.

Năm 2015, lễ hội Làm Chay được công nhận danh hiệu Di sản phi vật thể cấp Quốc gia và đình Tân Xuân cũng được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Từ một tín niệm Phật giáo, kết hợp với tín ngưỡng dân gian và kể cả tôn giáo khác, người dân Tầm Vu đã sáng tạo nên một lễ hội đậm chất nhân văn, tưởng nhớ các vong linh, những anh hùng chiến sĩ đã ngã xuốngở mảnh đất giàu truyền thống này, một lễ hội mang vẻ đẹp thuần phác của miền Nam. Năm nay, thanh long được mùa càng tạo điều kiện cho người dân gìn giữ những giá trị truyền thống lễ hội của mình.

Theo Nguyễn Thanh Lợi (Dulich.Tuoitre)
Vĩnh Phúc là vùng đất cổ, có bề dày văn hóa, lịch sử. Lễ hội chọi trâu lâu đời ở đây diễn ra ngay sau ngày rằm tháng Giêng.

< Quang cảnh lễ hội chọi trâu Hải Lựu. Tương truyền, lễ hội có từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên.

Lễ hội chọi trâu không còn mới mẻ với nhiều người Việt. Người ta có thể dễ dàng nhớ đến những trận đấu nảy lửa của các “ông cầu” ở Phù Ninh ( Phú Thọ), Đồ Sơn ( Hải Phòng) hay ở Hải Lựu (Vĩnh Phúc). Dù ra đời sớm hay muộn, quy mô lớn hay nhỏ, các lễ hội chọi trâu nào cũng mang những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện được tinh thần thượng võ, anh dũng của người Việt.

< Các chủ trâu chăm sóc "Ông Cầu" hết sức chu đáo trước ngày thi đấu, được tập luyện công phu các miếng đánh, thế đánh.

Tương truyền, lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu (Vĩnh Phúc) có từ thế kỷ 2 TCN. Nhà Triệu khi đó tan rã. Nhà Hán sang xâm lược Nam Việt. Thừa tướng Nam Việt Lữ Gia cho lui quân về vùng núi Hải Lựu (Vĩnh Phúc) để đánh giặc.

< Trước ngày vào sới chọi là lễ trình trâu lần cuối tại đền thờ Thành hoàng làng.

Sau mỗi một trận ra quân, binh sĩ đều rất mệt mỏi. Lữ Gia đã cho những chú trâu khỏe mạnh ra chọi, mục đích khích lệ binh lính mạnh mẽ, chiến đấu anh dũng như các đấu sĩ trâu.

< Vào trận...

Sau khi chọi, các đấu sĩ trâu đều được giết thịt để binh sĩ ăn, và khi ăn thịt trâu (đặc biệt là chú trâu chiến thắng), ai nấy đều khỏe mạnh vượt trội, chiến đấu anh dũng và luôn giành chiến thắng. Sau khi Lữ Gia mất, nhân dân Hải Lựu tôn ông làm Thành Hoàng, hàng năm đến ngày 16 và 17 tháng Giêng Âm lịch đều tổ chức lễ hội chọi trâu để tưởng nhớ công ơn của những người lính đã chiến đấu vì đất nước.

< Đòn móc mắt đối phương là miếng đánh hay được các "Ông Cầu" sử dụng.

Trâu tham gia chọi phải là trâu khỏe mạnh, đạt đủ các tiêu chuẩn do ban tổ chức đưa ra về số năm tuổi, chiều cao, cân nặng, sức khỏe. Ngoài ra, khác với trâu chọi ở nơi khác được nuôi theo hộ gia đình, tập thể thôn xã, trâu ở Hải Lựu được nuôi theo dòng họ.

< Đòn móc hầu.

Trâu chọi được giao cho một gia đình tiêu biểu trong một dòng họ chịu trách nhiệm nuôi dưỡng. Gia đình đó phải là gia đình văn hóa, không có mâu thuẫn, kinh tế vững và được cả dòng họ biểu quyết đồng ý.

< Có "Ông Cầu" phải bỏ mạng giữa trận tiền bởi miếng đánh dập từ xa của đối phương.

Gia đình nào cũng phấn đấu giành nuôi trâu, bởi được chăm sóc trâu của cả dòng họ là một vinh dự, vì thế tất cả đều phấn đấu trở thành những gia đình văn hóa, thôn xóm văn hóa. Phần thưởng cho chú trâu chiến thắng sẽ là phần thưởng chung của cả dòng họ. Những gia đình khác trong dòng họ sẽ cung cấp thức ăn cho trâu chọi. Điều này thể hiện một sự gắn kết chặt chẽ giữa cá thành viên trong dòng tộc, đồng thời góp phần thúc đẩy quả trình xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.

 < Ở trận khác, máu đã đổ nhưng các "Ông Cầu vẫn" hừng hừng khí thế quyết chiến, quyết thắng.

Lễ hội chọi Trâu Hải Lựu quy mô không lớn, nhưng tầm ảnh hưởng lại không bó hẹp trong phạm vi tỉnh Vĩnh Phúc. Ước tính hàng năm, chỉ trong 2 ngày 16-17 tháng Giêng diễn ra lễ hội, xã Hải Hựu đã đón trên 10.000 người đến thưởng lãm trận đấu của các ông cầu. Người dân thập phương đến lễ hội không chỉ để xem trâu chọi, mà còn để sống trong không khí sôi động, cuồng nhiệt của một lễ hội lớn, đồng thời hy vọng được thưởng thức và mang về làm quà một chút thịt trâu chọi, mong may mắn và sức khỏe cả năm.

< Có khoảng 3 vạn người đến với lễ hội chọi trâu trong ngày 17 tháng Giêng.

Từ Hà Nội, bạn theo quốc lộ 2 về thành phố Vĩnh Yên, đến ngã tư Quán Tiên rẽ phải, đi về huyện Lập Thạch. Tuy là một xã thuộc huyện miền núi, giao thông ở đây cũng khá thuận tiện. Dọc đường đi có biển chỉ dẫn nên sẽ không khó khăn để bạn di chuyển đến sân chọi trâu. Đến đây, bạn đừng quên thưởng thức món cá thính, một đặc sản chỉ riêng Lập Thạch mới có.

< Niềm vui của người có trâu chọi chiến thắng.

Nước ta có nhiều địa phương tổ chức Hội chọi trâu, điển hình như Đồ Sơn (Hải Phòng), Phù Ninh (Phú Thọ). Tuy nhiên, Lễ Hội chọi trâu Hải Lựu (Sông Lô) lại có những nét riêng đặc sắc mà ít đâu có được. Vậy nên chọi trâu Hải Lựu là Lễ hội cấp xã nhưng thương hiệu lại được mặc định cỡ cấp quốc gia khi du khách cả nước đều ít nhiều biết tiếng. Thậm chí, nhiều địa phương có Lễ hội tương tự đã phải lặn lội về đây nhờ các nghệ nhân nuôi trâu Hải Lựu chỉ giáo cho các miếng đánh, thế đánh của "Ông Cầu" ngõ hầu có cơ hội giật ngôi quán quân tại các sới chọi quê mình.

Theo Linh Nhi (New Zing), ảnh từ nhiều nguồn trên internet.
Đã thành tục lệ nhiều năm nay, hàng năm cứ vào ngày Rằm tháng Giêng, người dân ở thôn Đông Sàng, làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) lại cùng nhau tập trung đi dự tiệc ở Đình làng. Dịp đầu xuân, các vị cao niên, những người xa quê, người dân trong làng...lại cùng nhau dùng tiệc ẩm thực, nâng cao tinh thần đoàn kết, giáo dục con cháu những giá trị truyền thống của quê hương.

Dịp Xuân Bính Thân (2016), cùng với việc tổ chức tiệc và hội làng Đông Sàng như thường lệ, người dân nơi đây còn được đón nhận danh hiệu Làng văn hóa lần 2.

Với mong muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, từ nhiều năm nay, cứ vào dịp Rằm tháng Giêng người dân trong thôn Đông Sàng lại tổ chức tiệc cho các gia đình cùng tham dự tại đình làng.

Từ các vị cao niên trong làng, những người có chức sắc trông coi đình mang trên mình những bộ áo dài truyền thống rực rỡ sắc màu xuân đi dự hội.

Đến cả những em bé cũng được bố mẹ đưa đi dự hội làng.

Mọi hộ gia đình trong làng đều được tham dự tiệc và lễ hội do làng tổ chức. Một phần kinh phí do nhân dân đóng góp và một phần kinh phí từ những nhà hảo tâm, công đức cho làng.

Việc chuẩn bị nấu ăn, trang trí, đón khách...đều được mọi người dân phân chia nhau thực hiện để phục vụ cho tiệc làng.

Mỗi người thực hiện những công việc khác nhau để buổi tiệc thực phẩm của làng được trở nên hoàn thiện.

Những món ăn được trang trí và sắp đặt khá gọn gàng, sạch sẽ. Trong bữa tiệc thường là những món ăn đặc sản làng như gà mía, thịt quay đòn, bánh trôi nước,...

Bánh tẻ là một khai vị không thể thiếu của bữa tiệc.

Hàng nghìn người trong làng từ các cụ già, người trẻ, thậm chí cả những người con xa quê cũng về đây vừa dự tiệc, vừa giáo dục con cháu những giá trị truyền thống của quê hương.

Các em học sinh cũng đi dự tiệc.

Các thanh niên, sinh viên trong làng cũng về đây phục vụ cho tiệc và lễ hội làng. Được biết, tiệc làng Đông Sàng xuân Bính Thân này đón tiếp hơn 1.200 lượt người tham dự.

Theo Vương Trần (Báo Lao Động)
Ngày Rằm tháng Giêng (15/1 Âm lịch, còn gọi là lễ Thượng Nguyên, Tết Nguyên tiêu), là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười).

Trước đây, lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khoẻ mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán, được ăn Tết bù.

Trong dân gian, Rằm tháng Giêng hiểu một cách đơn giản là ngày Rằm lớn. Ngày này có 3 lễ cúng: Một là lễ cúng khởi năm đón lộc cầu may. Hai là Tết ăn lại (Tết bù, Tết muộn) cho nhà nào dịp Tết Nguyên đán có người đau yếu, tang ma không kịp ăn Tết, nay khỏe mạnh trở lại, mọi người thư thả thì ăn bù, đi chúc Tết lại nhau một cách cởi mở, không phải kiêng khem gì. Lễ thứ 3 là cúng sao giải hạn. Chính vì vậy, ngày rằm đầu tiên của năm mới chính là thời điểm thích hợp nhất để đi lễ chùa, cầu nguyện an lành, may mắn cho cả năm.

Vào ngày rằm tháng Giêng, người dân thường đi chùa lễ Phật, cầu mong an lành cho bản thân và gia đình. Vì đây là ngày Tết truyền thống cũng là ngày kết thúc dịp Tết nên mọi người hết sức chú trọng.

Đứng về khía cạnh văn hóa, rằm tháng Giêng là một lễ lớn theo tín ngưỡng Việt Nam. Là một nước thuần nông, tháng Giêng là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi hạ điền, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mong một năm mùa màng bội thu. Theo Phật giáo thì ngày mồng Một và ngày rằm hằng tháng được coi là ngày của Phật, các tín đồ đến ngày ấy phải đi lễ chùa.

Rằm tháng Giêng là rằm đầu tiên, nhiều người tin rằng ngày ấy đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của Phật tử, lại thêm cái không khí vui xuân còn đậm đà cho nên số người đi chùa đông đảo hơn. Bởi vậy mới nói: “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”.

Rằm tháng giêng hay lễ Thượng nguyên, Tết Nguyên tiêu trong dân gian đồng thời là ngày rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng.

Đối với hầu hết các chùa Việt, trọng tâm của hội rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho bá tánh và đất nước. Vì thế, ngày càng đông người đến chùa, lễ Phật, cầu nguyện trong hội rằm tháng Giêng là một tín hiệu tốt, thể hiện rõ nét tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”.

Theo VietQ
Không chỉ nổi tiếng là điểm du lịch nghỉ dưỡng tuyệt vời của Thừa Thiên Huế, làng chài Thuận An (nay thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) còn được biết đến với những huyền tích linh thiêng và lễ hội cầu ngư được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm.

Nghi lễ cổ truyền của dân tộc

Làng Thuận An nằm cách Thành phố Huế về phía Đông 12km, nơi đây lưu giữ những tập tục, tín ngưỡng có ý nghĩa sâu đậm của nghề chài lưới truyền thống khai thác thủy, hải sản trên biển và đầm phá Tam Giang. Theo sách “Ô châu cận lục”, làng Thuận An được thành lập đã hơn 500 năm. Trong làng vẫn còn nhiều di tích cổ như miếu thờ cá ông (cá voi), miếu thờ Thái Dương phu nhân (thờ Mẫu Chăm pa), Đài Trấn Hải thời Nguyễn…

Hàng năm, đầu tháng Giêng, dân làng tổ chức lễ hội cầu ngư. Lễ hội cầu ngư được tổ chức để dân làng tưởng nhớ vị khai canh Trương Quý Công đã thành lập làng, và dạy nghề đánh cá, nên lễ hội tổ chức đúng vào ngày mất của ông, 12 tháng Giêng âm lịch.

Theo truyền thống cứ “tam niên đáo lệ”, 3 năm một lần, đáo lệ thì tổ chức long trọng nhất. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 10 tháng Giêng đến 12 tháng Giêng âm lịch. Cả 3 ngày dân làng tắt bếp, tổ chức ăn cơm chung (theo đơn vị thôn). Ngày mùng 10 thanh niên tổ chức các trò chơi thi bơi, chèo thuyền thúng, kéo dây, nhảy bao bố, nấu cơm thi… Ban đêm làng mời các đoàn hát bội, ca Huế về diễn miễn phí. Ngày 11, từ 5 giờ sáng bắt đầu cúng tế ở đình làng và am miếu. Ngày 12 làm lễ chính cầu an, tưởng niệm các vị tiền nhân tại đình làng và đua trải trên phá Tam Giang. Sau đó, khai hội diễn trò “cầu ngư” ngay trước sân đình, gồm các tiết mục như đẩy thuyền ra khơi, câu cá, bủa lưới, mua bán thủy, hải sản…

Mong muốn an lành của ngư dân

Mở màn, một bô lão đại diện dân làng thắp hương cầu nguyện năm mới “sóng yên biển lặng”, làm ăn thịnh vượng, sau đó đánh 3 hồi trống đại. Vừa dứt tiếng trống, một vị trung niên mặc lễ phục màu đỏ đi kèm có hai thuyền trưởng tàu đánh cá đầu bịt khăn đỏ, mặc trang phục dân chài lưới, làm bộ điệu khôi hài gây náo nhiệt. Trống lệnh lại gióng lên báo hiệu trò chơi bủa lưới. Một vị cao tuổi ném tiền và quà bánh xuống sân đình cho trẻ em nhặt, các em (đều là học sinh) đã được hoá trang thành cá, mực, tôm…

Trong lúc cá, mực, tôm, cua (bọn trẻ) chạy nhảy thì các trai tráng lực lưỡng khiêng một chiếc thuyền bằng tre trang hoàng màu sắc rực rỡ, trên ghe có người tung lưới bắt đám trẻ. Tiếng trống lại vang lên báo hiệu trò chơi “ruỗi bộ” (“ruỗi” - phương ngữ Huế chỉ việc mua bán cá) bắt đầu, các chủ thuyền chọn vài con cá (đứa trẻ xinh xắn) đến trước bàn thờ làm lễ. Số trẻ (đóng vai cá tôm) còn lại được ngồi vào thúng lớn, để hàng chục phụ nữ gánh xuống bến trước đình làng rửa tay chân sạch sẽ, rồi chạy ra chợ bán, họ cũng làm bộ điệu mua bán, lấy tiền như thật.

Theo lệ làng từ trước đến nay, tất cả các vai diễn đều do dân làng thực hiện (không được nhờ diễn viên). Ngày xưa nghiêm khắc hơn, bắt buộc các vai nữ do đàn ông đóng thế và khi thuyền xuất hành ra khơi các phụ nữ phải tránh đường.

Đến nay, lễ hội cầu ngư tháng Giêng ở làng Thuận An (Thừa Thiên Huế) đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh, được gìn giữ và tổ chức hàng năm rất trang nghiêm, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước.