Sau Lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành cũng là lúc người dân lại đón lễ Vía bà Ngũ hành ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
(BLA) - Sau Lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành cũng là lúc người dân lại đón lễ Vía bà Ngũ hành ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây được xem là một trong những lễ hội lớn của tỉnh, thu hút đông đảo khách gần xa và được tổ chức từ ngày 18 đến 20 tháng Giêng âm lịch.

Để tránh những ngày chính diễn ra lễ hội khách thập phương đến đông, ngay chiều 17 âm lịch nhiều khách đã đến viếng. “Mấy năm trước, đi viếng đường kẹt cứng người, chen nhau cực quá nên năm nay tôi tranh thủ đi sớm hơn. Năm nào cũng vậy, dù có bận bịu, tôi cũng đều sắp xếp thời gian đến viếng Ngũ hành nương nương, thắp hương cầu mong gia đình được bình an, hạnh phúc cũng như mua may bán đắt” - chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, một khách hành hương tại TP.HCM chia sẻ.

Chị Hiền, một tiểu thương tại chợ Long Thượng cho rằng, năm nào cũng vậy, Vía bà Ngũ hành thu hút rất nhiều khách thập phương tham gia. Họ hầu hết ở nhiều nơi đến, nhất là người Hoa ở TP.HCM.

Lễ Vía bà Ngũ hành hay còn gọi là lễ cầu an được tổ chức gắn liền với di tích kiến trúc nghệ thuật Miếu Bà Ngũ hành. Miếu Bà Ngũ hành trước đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ. Hằng năm, miếu được sửa chữa do xuống cấp, về sau, được người dân, khách thập phương đóng góp xây dựng, chuyển sang lợp ngói ống, vách gỗ rộng rãi hơn. Qua nhiều năm với nhiều lần trùng tu, đến nay, Miếu Bà Ngũ hành vẫn giữ được nét nguyên thủy của kiến trúc đình Nam bộ với tứ trụ (tứ tượng). Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh được công nhận vào ngày 22-2-1997 và là di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng vào tháng 12-2014.

Miếu bà Ngũ hành Long Thượng thờ Ngũ hành nương nương - vị thần được người dân tin rằng có quyền năng trong các lĩnh vực liên quan đến vàng, bạc (kim), gỗ, cây (mộc), sông nước (thủy), lửa (hỏa) và đất đai (thổ); giúp cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, ngày 18 tổ chức lễ khai mạc và dâng hương; ngày 19 làm lễ cầu an, múa bóng rỗi; ngày 20 lễ dâng bông, hát địa nàng… Kết thúc vào ngày 21 là lễ cúng bế cả. Trong đó, có thể nói múa bóng rỗi, hát địa nàng là những tiết mục đặc sắc, thu hút nhiều khách tham quan bởi đó không chỉ là những nghi thức trang trọng mà còn là loại hình nghệ thuật dân gian hết sức độc đáo của Nam bộ.

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, ước tính có trên 10.000 lượt người đi lễ. Mỗi năm, số lượng khách hành hương đến càng tăng. Địa phương tăng cường lực lượng bảo vệ quanh miếu để giám sát việc dâng hương của du khách, đề phòng cháy nổ và nhất là bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mê tín dị đoan. Ngoài ra, từ số tiền đóng góp của du khách, ngoài việc dùng để trùng tu miếu, Ban tổ chức còn dành một phần cho công tác từ thiện.

Đây là lễ hội mang tín ngưỡng dân gian, là sự kiện mang tính cộng đồng của người dân trong tỉnh nói chung và huyện Cần Giuộc nói riêng. Lễ hội năm nay được chuẩn bị chu đáo, tổ chức trang trọng hơn để xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Sau khi kết thúc lễ hội, được sự chấp thuận của tỉnh, huyện cùng với địa phương tiến hành trùng tu, sửa chữa lại miếu với kinh phí dự kiến 5,5 tỉ đồng dựa vào nguồn xã hội hóa.

Theo Thanh Nga (Báo Long An)