Ngày Rằm tháng Giêng (15/1 Âm lịch, còn gọi là lễ Thượng Nguyên, Tết Nguyên tiêu), là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười).
Trước đây, lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khoẻ mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán, được ăn Tết bù.
Trong dân gian, Rằm tháng Giêng hiểu một cách đơn giản là ngày Rằm lớn. Ngày này có 3 lễ cúng: Một là lễ cúng khởi năm đón lộc cầu may. Hai là Tết ăn lại (Tết bù, Tết muộn) cho nhà nào dịp Tết Nguyên đán có người đau yếu, tang ma không kịp ăn Tết, nay khỏe mạnh trở lại, mọi người thư thả thì ăn bù, đi chúc Tết lại nhau một cách cởi mở, không phải kiêng khem gì. Lễ thứ 3 là cúng sao giải hạn. Chính vì vậy, ngày rằm đầu tiên của năm mới chính là thời điểm thích hợp nhất để đi lễ chùa, cầu nguyện an lành, may mắn cho cả năm.
Vào ngày rằm tháng Giêng, người dân thường đi chùa lễ Phật, cầu mong an lành cho bản thân và gia đình. Vì đây là ngày Tết truyền thống cũng là ngày kết thúc dịp Tết nên mọi người hết sức chú trọng.
Đứng về khía cạnh văn hóa, rằm tháng Giêng là một lễ lớn theo tín ngưỡng Việt Nam. Là một nước thuần nông, tháng Giêng là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi hạ điền, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mong một năm mùa màng bội thu. Theo Phật giáo thì ngày mồng Một và ngày rằm hằng tháng được coi là ngày của Phật, các tín đồ đến ngày ấy phải đi lễ chùa.
Rằm tháng Giêng là rằm đầu tiên, nhiều người tin rằng ngày ấy đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của Phật tử, lại thêm cái không khí vui xuân còn đậm đà cho nên số người đi chùa đông đảo hơn. Bởi vậy mới nói: “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”.
Rằm tháng giêng hay lễ Thượng nguyên, Tết Nguyên tiêu trong dân gian đồng thời là ngày rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng.
Đối với hầu hết các chùa Việt, trọng tâm của hội rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho bá tánh và đất nước. Vì thế, ngày càng đông người đến chùa, lễ Phật, cầu nguyện trong hội rằm tháng Giêng là một tín hiệu tốt, thể hiện rõ nét tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”.
Theo VietQ