Tab Từ Khóa "Du lịch Thừa Thiên Huế"
Showing posts with label Du lịch Thừa Thiên Huế. Show all posts
Ngày 23/4, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức đón nhận bằng công nhận cây đa Đá Bạc (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) của Hội bảo vệ thiên nhiên - môi trường Việt Nam là cây di sản Việt Nam. Như vậy, cây đa Đá Bạc (cùng với cây thị trên 300 tuổi ở Thủy Xuân, thành phố Huế và cây thị hơn 500 tuổi ở làng cổ Phước Tích, huyện Phong Điền) trở thành cây di sản thứ ba ở tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Lộc cho biết, cây đa Đá Bạc là cây trồng, có tuổi đời từ 200-300 năm. Cây có chiều cao 25m, tán lá rộng khoảng 40m, rễ chính và rễ phụ ôm gọn vào sáu hòn đá hoa cương kết thành khối có chu vi khoảng 27m. Hiện cây nằm sát quốc lộ 1A, thuộc khu vực Di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Ràng Bò-Bến cây đa Đá Bạc.

Ông Lư Chính, hiện đang sống ở thôn Bạch Thạch, xã Lộc Điền, cho biết ông nội của ông là cụ Lư Đồng có truyền khẩu lại năm 1887, cụ Lư Đồng từ Mỹ Lợi qua Đá Bạc sinh sống, lúc này cây đa đã to lớn. Cây đa ấy được trồng nhằm mục đích để đánh dấu, cắm mốc biên giới điểm đầu và điểm cuối làng Đá Bạc sau khi dân làng đã định canh, định cư (khoảng thế kỷ XVII, XVIII).

Ngay dưới gốc cây đa, hiện có một miếu thờ của ngư dân làng Đá Bạc, được xây dựng thời kỳ cụ Lư Đồng còn sống (cách đây 120 năm), do nhân dân trong làng góp công, góp của để xây dựng một ngôi miếu thờ nhỏ để thờ Bà Thủy, với mong nguốn cầu cho người dân địa phương luôn gặp bình an, mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy thuyền mỗi lúc ra khơi.

Sau khi xây xong, cụ Lư Đồng trở thành ông Từ, chăm nom nhang đèn để cầu mong dân chúng trong làng được bình an vô sự, an cư, lạc nghiệp. Hiện cây đa vẫn đang xanh tốt, phát triển.

Cụ Trần Văn Sáu, 65 tuổi, hiện sinh sống cạnh cây đa ở Đá Bạc cho hay cây đa Đá Bạc còn là nơi chứng kiến những tội ác dã man của quân Pháp đối với nhân dân địa phương và những chiến sĩ hoạt động cách mạng.

Nhìn thấy địa điểm bến cây đa Đá Bạc là điểm trọng yếu của tuyến đường Bắc-Nam, nơi có nhiều cây cối, lau sậy dễ ẩn nấp, là địa điểm lý tưởng để cách mạng hoạt động nên bọn Pháp cho xây dựng một đồn bốt về phía núi (cách cây đa Đá Bạc khoảng 500m), thường xuyên có một đội quân canh gác để theo dõi, đàn áp cách mạng.


Ngày 22/3/1975, do nắm được địa thế và vị trí quan trọng về quân sự của bến cây đa Đá Bạc nên quân Ngụy chọn bến cây đa Đá Bạc là điểm ém quân, chốt giữ nhằm ngăn chặn sự tiến công của quân ta nhưng đã bị Sư đoàn 324 (Quân đoàn 2) của ta tiêu diệt, cắt đứt cánh quân của địch trên đoạn đường Quốc lộ 1A từ Ngã ba Ràng Bò đến bến cây đa Đá Bạc.

Ngày nay, cây đa Đá Bạc có vị trí đặc biệt quan trọng đối với lịch sử, đời sống văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng và người dân địa phương. Ngoài ra, cây đa Đá Bạc còn góp phần tạo nên giá trị kiến trúc, mỹ quan và văn hóa tín ngưỡng tâm linh của bà con dân làng Đá Bạc.

Cây đa gắn bó sâu sắc với con người, tạo nên nét đẹp hài hòa về cảnh quan, giữ gìn môi trường sinh thái; là chứng tích lịch sử, là một nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa tâm linh người dân Đá Bạc nói riêng và người dân huyện Phú Lộc nói chung.

Theo Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)
Hoàng Thành nằm bên trong Kinh Thành, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đinh, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội, ngày nay thuộc địa phận Phường Thuận Thành, thành phố Huế.

< Ngọ Môn, cổng chính của Hoàng thành Huế.

Sau khi hoà bình lập lại, Đại Nội đã được mở cửa cho công chúng và trở thành một điểm sáng bậc nhất, hấp dấn hàng triệu khách du lịch trong ngoài nước. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, thuộc Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện đang chịu trách nhiệm quản lý di tích này. Cứ hai năm một lần hàng trăm nghìn người lại đến đây tham dự một lễ hội văn hóa lớn với sự hợp tác tích cực của Cộng hoà Pháp.

< Điện Thái Hoà và khu vực bên trong Ngọ Môn.

Ðại Nội với kiến trúc nghệ thuật cung đình và vườn hào độc đáo đã được khởi công xây dựng vào khoảng hơn hai thế kỷ trước. Hoàng gia nhà Nguyễn bắt đầu bởi vua Gia Long qua 13 đời vua đã sinh hoạt tại Ðại Nội liên tục cho đến khi triều đại kết thúc sau tuyên bố thoái vị của vua Bảo Đại trong cuộc Cách mạng tháng 08 năm 1945.

Trước đó vào năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Trân (1687-1691) đã cho xây dựng thủ phủ của Đàng Trong tại Huế. Rồi cung điện của triều đại Tây Sơn cũng đóng ở đây. Hoàng Thành được chính thức xây dựng năm 1804, nhưng để hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng hơn 100 công trình thì phải đến thời vua Minh Mạng vào năm 1833, mọi việc mới được hoàn tất.

< Cửa Hiển Nhơn.

Hoàng Thành có 4 cửa được bố trí ở 4 mặt. Cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Các cầu và hồ được đào chung quanh phía ngoài thành đều có tên là Kim Thủy.

Mặt bằng Ðại Nội xây dựng theo hình gần vuông, mỗi cạnh khoảng 600m, trên một diện tích rộng tới 37,5 ha. Tường thành xây bằng gạch to, cao 4m, dày 1m, ngoài thành là hào vây quanh với 10 chiếc cầu đá bắc qua để ra vào. Trong Ðại Nội có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp ở nhiều khu vực khác nhau với các chức năng khác nhau.

< Điện Thái Hoà và sân Đại Triều Nghi, được dùng cho các buổi Triều Nghi.

Cổng chính ra vào Ðại Nội là Ngọ Môn, nhìn về hướng Nam kinh thành, trước mặt có Cột Cờ và xa nữa là sông Hương.

Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Một lầu vàng, tám lầu xanh
Ba cửa thẳng, hai cửa quanh
Chính giữa là Ngọ Môn, dành cho vua
Tiếp theo là Giáp Môn, dành cho quan lại
"Hai cửa quanh" là Dịch Môn, dành cho voi, ngựa và binh lính

< Cung Diên Thọ.

"Chín lầu" chỉ lầu Ngũ Phụng (nằm phía trên Ngọ Môn), gồm 2 tầng nhưng có 9 mái. "Lầu vàng" nằm giữa, cao nhất, lợp ngói hoàng lưu ly (men vàng). "Tám lầu xanh" thấp hơn, lợp ngói thanh lưu ly (men xanh).

Hoàng Thành và toàn bộ hệ thống cung điện bên trong là nơi cực kỳ trọng yếu, được phân bố chặt chẽ theo từng khu vực, tuân thủ nguyên tắc (tính từ trong ra): “tả nam hữu nữ”, “tả văn hữu võ”. Ngay cả trong các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự “tả chiêu hữu mục” (bên trái trước, bên phải sau, lần lượt theo thời gian).
Các khu vực đó là:

< Hiền Lâm Các được xây dựng vào năm 1821 hoàn thành năm 1822 trong khu vực Miếu thờ hoàng thành Huế.

+ Khu vực phòng vệ: gồm vòng thành bao quanh bên ngoài, cổng thành, các hồ (hào), cầu và đài quan sát.

+ Khu vực cử hành đại lễ: gồm từ Ngọ Môn, cửa chính của Hoàng Thành - nơi tổ chức lễ Duyệt Binh, lễ Truyền Lô (đọc tên các Tiến sĩ tân khoa), lễ Ban Sóc (ban lịch năm mới)... đến điện Thái Hòa - nơi cử hành các cuộc lễ Đại Triều một tháng 2 lần (vào ngày 01 và 15 Âm lịch), lễ Đăng Quang, lễ Vạn Thọ, lễ Quốc Khánh...

< Hưng Miếu (tức Hưng Tổ Miếu) thờ ông Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long.

+ Khu vực miếu thờ: được bố trí ở phía trước, hai bên trục dọc của Hoàng Thành theo thứ tự từ trong ra gồm: bên trái có các miếu thờ Nguyễn Kim (Triệu Tổ Miếu), miếu thờ các vị chúa Nguyễn (Thái Tổ Miếu); bên phải có các miếu thờ cha vua Gia Long là Nguyễn Phúc Luân (Hưng Tổ Miếu) và miếu thờ các vị vua nhà Nguyễn (Thế Tổ Miếu).

+ Khu vực dành cho bà nội và mẹ vua (phía sau, bên phải), gồm hệ thống cung Trường Sanh (dành cho các Thái hoàng Thái hậu) và cung Diên Thọ (dành cho các Hoàng Thái hậu), ngoài ra còn có điện Phụng Tiên thờ các vua Nguyễn, dành cho phái nữ đến lễ vì họ không được phép vào Thế Miếu.

< Thái Bình Lâu nằm ở bên trong Tử Cấm Thành.

+ Khu vực dành cho các hoàng tử học tập, giải trí như vườn Cơ Hạ, điện Khâm văn... (phía sau, bên trái).
Ngoài ra còn có kho tàng (Phủ Nội Vụ) và các xưởng chế tạo đồ dùng cho hoàng gia (phía trước vườn Cơ Hạ).

+ Khu vực quan trọng và rộng lớn nhất bên trong Ðại Nội là Tử Cấm Thành cũng có hình gần vuông, mỗi cạnh trên dưới 300m, vòng tường chung quanh cao 3,50m. Tử Cấm Thành nằm trên cùng một trục Bắc-Nam với Hoàng Thành và Kinh Thành, gồm một vòng tường thành bao quanh khu vực các cung điện như điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều), điện Càn Thành (chỗ ở của vua), cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý phi), lầu Kiến Trung (từng là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương), nhà đọc sách và các công trình khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhà vua và gia đình như Thượng Thiện Đường (nơi phục vụ ăn uống), Duyệt Thị Đường (nhà hát hoàng cung) ...

< Tả Vu và Hữu Vu.

Ngoài ra còn có Tôn Nhân Phủ là cơ quan trông coi miếu thờ và quản lý nội bộ Hoàng gia.

Tuy có rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong khu vực Hoàng Thành nhưng tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm.

Mặc dù quy mô của mỗi công trình có khác nhau, nhưng về tổng thể, các cung điện ở đây đều làm theo kiểu “trùng lương trùng thiềm” (hay còn gọi là “trùng thiềm điệp ốc” - kiểu nhà kép hai mái trên một nền), đặt trên nền đá cao, vỉa ốp đá Thanh, nền lát gạch Bát Tràng có tráng men xanh hoặc vàng, mái cũng được lợp bằng một loại ngói đặc biệt hình ống có tráng men thường gọi là ngói Thanh lưu ly (nếu có màu xanh) hoặc Hoàng lưu ly (nếu có màu vàng).

< Thế tổ miếu.

Các cột được sơn thếp theo mô típ long-vân (rồng-mây). Nội thất cung điện thường được trang trí theo cùng một phong cách nhất thi nhất họa (một bài thơ kèm một bức tranh) với rất nhiều thơ bằng chữ Hán và các mảng chạm khắc trên gỗ theo đề tài bát bửu, hay theo đề tài tứ thời.

Điều đáng nói ở đây là sự phân biệt nam nữ, lớn nhỏ, trên dưới theo địa vị, thứ bậc rõ ràng, áp dụng cho mọi đối tượng cho dù đó là thành viên trong hoàng tộc, là mẹ vua hay hoàng tử, công chúa. Nam có lối đi riêng, nữ có lối đi riêng, quan văn một bên, quan võ một bên. Tất cả nhất nhất đều chiếu theo quy định mà thực hiện, thể hiện rõ nét ý thức tập trung quân chủ, mọi quyền lực về tay nhà vua, đặc biệt là dưới triều vua Minh Mạng.

Đến nay, trải qua bao biến động và thời gian, hàng trăm công trình kiến trúc ở Đại Nội chỉ còn lại ít ỏi chiếm không đầy một nửa con số ban đầu. Nhưng với tư cách là tài sản vô giá của dân tộc, là thành quả lao động của hàng vạn người trong suốt một thời gian dài, khu di tích Đại Nội đang dần được trả lại dáng xưa cùng các di tích khác nằm trong quần thể kiến trúc đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Được sự đầu tư của nhà nước và sự giúp đỡ của bè bạn gần xa trong cộng đồng quốc tế thông qua các cuộc vận động nhằm cứu vãn, bảo tồn và phát huy những giá trị vật chất và tinh thần của di sản văn hóa Huế, nhiều di tích ở hoàng cung Huế đã từng bước được phục hồi, trở lại nguyên trạng cùng nhiều công trình khác đang được bảo quản, sửa chữa, góp phần gìn giữ khu di tích lịch sử thuộc triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

(iHay) - Với những ai thích khám phá thì động Tiên Công (H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) là một điểm đến thú vị nhờ nơi này sở hữu vẻ đẹp đậm chất hoang sơ của núi rừng Trường Sơn.

< Bia hướng dẫn lối vào động Tiên Công.

Động nằm ở độ cao 1.091m, còn có tên gọi khác là Cớp Va, thuộc địa phận xã Hồng Kim, cách trung tâm thị trấn A Lưới 5km về phía tây bắc, cách trung tâm TP.Huế 77km về hướng đông nam.

< Động Tiên Công ở lưng chừng của dãy núi A Túc, dưới chân là con sông Tà Rình.

Động Tiên Công ở lưng chừng của dãy núi A Túc, dưới chân là con sông Tà Rình và phía trước mặt có đường Hồ Chí Minh đi qua. Đường lên động khá khó khăn bởi phải vượt qua gần 1km đường rừng và dốc.

< Động Tiên Công đã không còn nguyên vẹn như cũ mà cửa hang chính đã đóng.

Đứng trên động, ta có thể quan sát toàn cảnh thung lũng A Lưới. Chính điều đó mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội đã sử dụng động như một trạm quan sát.

< Động chỉ còn những hang nhỏ đan xen giữa những tảng đá lớn. Đường lên động khá khó khăn bởi phải vượt qua vài trăm mét đường rừng và dốc.

< Cảnh vật khá thú vị bởi hai bên lối đi là những tảng đá đầy rêu xanh rất đẹp.

Sau chiến dịch Xuân 68, quân Mỹ đã mở nhiều đợt tấn công chiếm các điểm cao bằng những vũ khí tối tân và thả bom khiến động Tiên Công sập cửa hang.

< Nhìn lên cao là ánh mặt trời le lói qua vách núi.

Vì thế, động Tiên Công đã không còn nguyên vẹn như cũ mà cửa hang chính đã đóng. Thay vào đó, động sinh ra những hang nhỏ đan xen giữa những tảng đá lớn, nằm cheo leo giữa núi.

Không dễ để vào những hang nhỏ này. Bởi lối đi khá dốc với những tảng đá trơn trượt đầy rêu. Tuy nhiên, cảnh vật thì rất thú vị bởi hai bên lối đi là những tảng đá đầy rêu xanh rất đẹp. Nhìn lên cao là ánh mặt trời le lói qua vách núi.

< Đứng trên động ta có thể quan sát toàn cảnh thung lũng A Lưới.

Chinh phục động Tiên Công và đứng trên động nhìn xuống toàn cảnh thung lũng A Lưới là một khám phá thú vị và đáng nhớ. Động Tiên Công đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Theo Tuyết Khoa (iHay.Thanhnien)
Không chỉ nổi tiếng là điểm du lịch nghỉ dưỡng tuyệt vời của Thừa Thiên Huế, làng chài Thuận An (nay thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) còn được biết đến với những huyền tích linh thiêng và lễ hội cầu ngư được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm.

Nghi lễ cổ truyền của dân tộc

Làng Thuận An nằm cách Thành phố Huế về phía Đông 12km, nơi đây lưu giữ những tập tục, tín ngưỡng có ý nghĩa sâu đậm của nghề chài lưới truyền thống khai thác thủy, hải sản trên biển và đầm phá Tam Giang. Theo sách “Ô châu cận lục”, làng Thuận An được thành lập đã hơn 500 năm. Trong làng vẫn còn nhiều di tích cổ như miếu thờ cá ông (cá voi), miếu thờ Thái Dương phu nhân (thờ Mẫu Chăm pa), Đài Trấn Hải thời Nguyễn…

Hàng năm, đầu tháng Giêng, dân làng tổ chức lễ hội cầu ngư. Lễ hội cầu ngư được tổ chức để dân làng tưởng nhớ vị khai canh Trương Quý Công đã thành lập làng, và dạy nghề đánh cá, nên lễ hội tổ chức đúng vào ngày mất của ông, 12 tháng Giêng âm lịch.

Theo truyền thống cứ “tam niên đáo lệ”, 3 năm một lần, đáo lệ thì tổ chức long trọng nhất. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 10 tháng Giêng đến 12 tháng Giêng âm lịch. Cả 3 ngày dân làng tắt bếp, tổ chức ăn cơm chung (theo đơn vị thôn). Ngày mùng 10 thanh niên tổ chức các trò chơi thi bơi, chèo thuyền thúng, kéo dây, nhảy bao bố, nấu cơm thi… Ban đêm làng mời các đoàn hát bội, ca Huế về diễn miễn phí. Ngày 11, từ 5 giờ sáng bắt đầu cúng tế ở đình làng và am miếu. Ngày 12 làm lễ chính cầu an, tưởng niệm các vị tiền nhân tại đình làng và đua trải trên phá Tam Giang. Sau đó, khai hội diễn trò “cầu ngư” ngay trước sân đình, gồm các tiết mục như đẩy thuyền ra khơi, câu cá, bủa lưới, mua bán thủy, hải sản…

Mong muốn an lành của ngư dân

Mở màn, một bô lão đại diện dân làng thắp hương cầu nguyện năm mới “sóng yên biển lặng”, làm ăn thịnh vượng, sau đó đánh 3 hồi trống đại. Vừa dứt tiếng trống, một vị trung niên mặc lễ phục màu đỏ đi kèm có hai thuyền trưởng tàu đánh cá đầu bịt khăn đỏ, mặc trang phục dân chài lưới, làm bộ điệu khôi hài gây náo nhiệt. Trống lệnh lại gióng lên báo hiệu trò chơi bủa lưới. Một vị cao tuổi ném tiền và quà bánh xuống sân đình cho trẻ em nhặt, các em (đều là học sinh) đã được hoá trang thành cá, mực, tôm…

Trong lúc cá, mực, tôm, cua (bọn trẻ) chạy nhảy thì các trai tráng lực lưỡng khiêng một chiếc thuyền bằng tre trang hoàng màu sắc rực rỡ, trên ghe có người tung lưới bắt đám trẻ. Tiếng trống lại vang lên báo hiệu trò chơi “ruỗi bộ” (“ruỗi” - phương ngữ Huế chỉ việc mua bán cá) bắt đầu, các chủ thuyền chọn vài con cá (đứa trẻ xinh xắn) đến trước bàn thờ làm lễ. Số trẻ (đóng vai cá tôm) còn lại được ngồi vào thúng lớn, để hàng chục phụ nữ gánh xuống bến trước đình làng rửa tay chân sạch sẽ, rồi chạy ra chợ bán, họ cũng làm bộ điệu mua bán, lấy tiền như thật.

Theo lệ làng từ trước đến nay, tất cả các vai diễn đều do dân làng thực hiện (không được nhờ diễn viên). Ngày xưa nghiêm khắc hơn, bắt buộc các vai nữ do đàn ông đóng thế và khi thuyền xuất hành ra khơi các phụ nữ phải tránh đường.

Đến nay, lễ hội cầu ngư tháng Giêng ở làng Thuận An (Thừa Thiên Huế) đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh, được gìn giữ và tổ chức hàng năm rất trang nghiêm, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước.