Tab Từ Khóa "Di tích lịch sử"
Showing posts with label Di tích lịch sử. Show all posts
Con đò nhỏ Tân An đưa tôi từ thị xã Tân Châu đến xã Tân Thạnh, nơi có căn cứ cách mạng Giồng Trà Dên. Vào ngày cuối năm, dòng nước trên kênh Xáng, dòng kênh nối giữa sông Tiền và Sông Hậu, có vẻ trong xanh hơn. Cơn gió xuân nhẹ thoảng qua làm tôi cảm thấy dịu đi sự mệt mỏi khi đã đã vượt chặng đường hơn 70km, từ thành phố Long Xuyên đến thị xã Tân Châu, và chỉ còn khoảng 5km nữa thôi thì tôi sẽ đến xã Tân Thạnh, thăm lại Giồng Trà Dên, Núi Nổi, căn cứ cách mạng của Tân Châu và của tỉnh An Giang trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Theo sử sách của Tân Châu còn ghi lại thì Giồng Trà Dên khi xưa có địa thế hiểm trở, được bao quanh bởi rừng tre dày, chằng chịt, và nơi đây được xem là yếu điểm quân sự, căn cứ cách mạng của quân và dân Tân Châu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

Qua phà Tân An, đi trên tuyến tỉnh lộ 952, tôi cảm nhận được sự mát mẻ và yên bình của con đường quê có nhiều cây xanh, nhiều cây ăn trái được người dân trồng hai bên đường như: xoài, dừa, mít, mận, vú sữa… Và san sát nhau là những ngôi nhà ngói mới, những ngôi nhà tường khang trang đã mọc lên cùng với những ngôi nhà sàn, nhà cây ván có từ lâu đời của người dân vùng giáp biên.

Di tích lịch sử cách mạng Giồng Trà Dên được xây dựng hoàn thành vào năm 1995, nằm trên tỉnh lộ 952, trong một không gian thoáng đãng có nhiều cây xanh, gồm Bia lưu niệm và Nhà bia tưởng niệm. Đến nơi này cùng với tôi thắp nén nhang tưởng nhớ hơn 100 anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng nằm lại ở Giồng Trà Dên, còn có chú Trần Minh Gom, còn gọi là Út Gom, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã Tân Thạnh. Chú Út Gom là người tham gia lực lượng du kích mật ở địa phương khi tuổi đời chỉ vừa độ thiếu niên, vào năm 1969. Năm tháng chiến tranh đã đi qua, những người thân, đồng đội của chú Út đã anh dũng hy sinh và được khắc tên trên Nhà bia tưởng niệm.

Chú Út bùi ngùi chỉ tay lên tấm bia ghi tên của ba mình là ông Trần Văn Quơn và hai người anh của chú là ông Trần Văn Định và Trần Văn Đến. Rồi chú Út chậm rãi kể cho tôi nghe về câu chuyện năm xưa ở Giồng Trà Dên:“Địa danh Giồng Trà dên đã có từ rất lâu, từ thời kháng chiến chống Pháp, người dân Giồng Trà Dên đã quyết giữ đất, giữ làng bám trụ quê hương. Đến thời chống Mỹ nhân dân nơi này anh dũng kiên trì đứng lên chống giặc. Đến năm 1960 vùng này trở thành căn cứ rộng lớn, có hàng chục, hàng trăm mẫu tre, cho bộ đội dừng chân đánh ở vùng chữ O, đến căn cứ B1. Đến năm 1968, nơi này địch tàn phá ác liệt nhất. Nhân dân Giồng Trà Dên vẫn kiên cường làm cách mạng, nuôi chứa bộ đội, bám trụ cho đến ngày hòa bình”

Chú Út Gom cho chúng tôi biết thêm, chính quyền địa phương các xã Tân An, Tân Thạnh luôn khắc ghi truyền thống của cha ông, hằng năm vào các dịp Lễ kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ hay Lễ 30/4, luôn tổ chức thành đoàn đến viếng bia tưởng niệm, thăm hỏi, tặng quà gia đình có công với cách mạng ở địa phương.

Khi nén nhang ở nhà bia tưởng niệm đã tàn cũng là lúc chúng tôi chia tay chú Út Gom để đến tìm hiểu thêm về Núi Nổi và Phù Sơn Tự.

Trên tỉnh lộ 952, từ Tân An đến cầu An Thôi Lôi rẽ trái sẽ vào khu vực khu dân cư ấp Núi Nổi, trụ sở UBND xã Tân Thạnh cũng nằm gần khu dân cư. Hai bên đường cột cờ và hàng rào thẳng tắp, người dân ấp Núi Nổi vừa cùng chính quyền địa phương lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng thắp sáng đường quê. Theo ông Trần Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh thì đây là công trình chào mừng lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2015) của người dân nơi căn cứ cách mạng Giồng Trà Dên.

Sau 10 năm thành lập (tách ra từ xã Tân An vào năm 2015), xã Tân Thạnh có tổng diện tích tự nhiên là 1228,98 ha, trong đó diện tích nông nghiệp 1082,47 ha. Xã có 06 ấp, 1862 hộ dân với tổng số nhân khẩu 7293 người. Người dân ở đây sống chủ yếu sống bằng nghề nông (chiếm 76%), bên cạnh đó là nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và dịch vụ thương mại, kinh doanh nhỏ lẻ. Ông Trần Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh cho tôi biết: “Để phát triển đời sống cho người dân, hướng tới chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh, của thị xã như: lúa, rau quả, cá nước ngọt.”

Bây giờ người dân vùng Tân Thạnh đã làm lúa 3 vụ/ 1năm, nên quanh năm luôn có công ăn chuyện làm, bận rộn với việc đồng áng. Trên cánh đồng Tân Thạnh đang vào cuối mùa thu hoạch vụ lúa Thu Đông, máy gặt đập liên hợp chạy liên hồi, và trên tuyến đường cộ vừa mới sửa chữa trong năm 2014, các xe tự chế và xe kéo bằng sức trâu cũng thay phiên nhau vận chuyển lúa của nông dân ra điểm tập kết để bán.

Chú Trịnh Văn Dứt, nông dân thâm niên ở cánh đồng Tân Thạnh, hiện làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Phú A1, cho chúng tôi biết: “Từ tổ liên kết sản xuất phát triển thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới cũng không dễ dàng gì. Hiện nay, có gần 474 thành viên tham gia vào HTX, canh tác với diện tích 489 ha, làm ở cánh đồng lớn thoải mái hơn, không lo bị thương lái ép giá lúa, nên chúng tôi an tâm sản xuất, hằng năm lợi nhuận mang lại đều rất khả quan”

Giữa 820 ha đất ruộng cánh đồng xã Tân Thạnh, có một gò đất diện tích khoảng 1 ha nhô cao độ chừng 10m. Người dân nơi đây trước giờ vẫn gọi là Núi Nổi. Phù Sơn Tự được hình thành giữa gò đất ấy từ hơn một trăm năm trước, nơi đây khi xưa với địa thế hiểm trở, từng là căn cứ địa cách mạng liên hoàn với Giồng Trà Dên- Rạch Rít. Xung quanh Núi Nổi là đồng ruộng mênh mông, có nhiều thú hoang, cỏ dại, là địa thế tốt cho những bậc sĩ phu yêu nước lánh nạn chờ thời cơ khởi nghĩa. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, nơi đây là căn cứ của cách mạng, nơi trú ẩn an toàn của các tổ chức Đảng từ huyện, tỉnh, đến trung ương. Riêng chi bộ Đảng xã Tân An và một số xã chung quanh, và lực lượng du kích địa phương gần như thường trực nơi này. Phù Sơn Tự đã được công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào năm 2001.

Đến nơi này, tôi cảm nhận được không gian mát mẻ, trong lành, nhiều loại cây cổ thụ, như: sao, bồ đề, me có niên đại trên trăm năm bao quanh Núi Nổi. Bên núi còn cái hồ nước thiên nhiên, rộng khoảng 60 mét vuông, người dân vùng này cho rằng hồ không bao giờ cạn nước, quanh năm luôn có nước ngọt. Tại Phù Sơn Tự có gian thờ chính, miếu Sơn Thần, miếu Bà Chúa Xứ và ngôi thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Dắt tôi đến tham quan Núi Nổi, Phù Sơn Tự, anh Nguyễn Hoàng Phương, cán bộ văn phòng UBND xã Tân Thạnh hào hứng giới thiệu: “Hằng năm, UBND xã Tân Thạnh đều tổ chức Lễ hội văn hóa- thể thao mùa nước nổi tại Núi Nổi. Lễ hội có nhiều hoạt động sôi nổi như: cúng sơn thần, ôn lại truyền thống đấu tranh của quân và dân thị xã Tân Châu, truyền thống khu di tích cách mạng Giồng Trà Dên và Khu di tích lịch sử Chùa Núi nổi, biểu diễn văn  hóa, văn nghệ, người dân tham gia tranh tài các môn thể thao như: kéo co, chạy việt dã, đẩy gậy, đua xuồng, bóng chuyền và nhiều trò chơi dân gian mang đậm nét sông nước đồng bằng”. Và theo như anh Phương cho biết thêm thì hoạt động Lễ hội này hằng năm thu hút vài ngàn lượt người dân và du khách đến tham dự.

Ngoài ngành nghề chính là trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh nhỏ lẻ, thì thông qua hoạt động lễ hội người dân nơi này sẽ phát triển thêm loại hình du lịch, thương mại dịch vụ, điều này tạo thêm công ăn việc làm thu nhập cho người dân vùng quê, nhưng quan trọng hơn hết là hoạt động lễ hội này đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng anh hùng cho nhân dân và giúp người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từ đó hăng hái thi đua lao động sản xuất.

Trên đường về, đến địa phận xã Tân An, tôi bắt gặp công trình làm đường dẫn cầu Tân An đang thi công. Công trình cầu Tân An dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016, tạo thành một hệ thống giao thông mới, hoàn chỉnh kết nối trung tâm thị xã Tân Châu đến các xã biên giới và nước bạn Campuchia, tạo động lực cho các xã vùng giáp biên: Tân An, Tân Thạnh, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương, Phú Lộc, và thị xã Tân Châu phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở tuyến biên giới An Giang.

Trong dòng suy nghĩ miên man, tôi chợt nhớ đến câu hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Qua con sông Tiền rồi qua con sông Hậu, ta dắt nhau qua miền thương nhớ bạn mình ơi…” Miền thương nhớ An Giang bây giờ đã xanh tươi trù phú và ít còn cách trở đò giang như trước đây nữa. Hãy một lần đến với Tân Châu quê lụa, thăm Giồng Trà Dên, Núi Nổi để cảm nhận về sự thay đổi từng ngày của quê hương An Giang anh hùng trong đấu tranh và năng động trong xây dựng cuộc sống mới.

Theo Khái Hưng (CTTĐT AG)
Hoàng Thành nằm bên trong Kinh Thành, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đinh, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội, ngày nay thuộc địa phận Phường Thuận Thành, thành phố Huế.

< Ngọ Môn, cổng chính của Hoàng thành Huế.

Sau khi hoà bình lập lại, Đại Nội đã được mở cửa cho công chúng và trở thành một điểm sáng bậc nhất, hấp dấn hàng triệu khách du lịch trong ngoài nước. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, thuộc Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện đang chịu trách nhiệm quản lý di tích này. Cứ hai năm một lần hàng trăm nghìn người lại đến đây tham dự một lễ hội văn hóa lớn với sự hợp tác tích cực của Cộng hoà Pháp.

< Điện Thái Hoà và khu vực bên trong Ngọ Môn.

Ðại Nội với kiến trúc nghệ thuật cung đình và vườn hào độc đáo đã được khởi công xây dựng vào khoảng hơn hai thế kỷ trước. Hoàng gia nhà Nguyễn bắt đầu bởi vua Gia Long qua 13 đời vua đã sinh hoạt tại Ðại Nội liên tục cho đến khi triều đại kết thúc sau tuyên bố thoái vị của vua Bảo Đại trong cuộc Cách mạng tháng 08 năm 1945.

Trước đó vào năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Trân (1687-1691) đã cho xây dựng thủ phủ của Đàng Trong tại Huế. Rồi cung điện của triều đại Tây Sơn cũng đóng ở đây. Hoàng Thành được chính thức xây dựng năm 1804, nhưng để hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng hơn 100 công trình thì phải đến thời vua Minh Mạng vào năm 1833, mọi việc mới được hoàn tất.

< Cửa Hiển Nhơn.

Hoàng Thành có 4 cửa được bố trí ở 4 mặt. Cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Các cầu và hồ được đào chung quanh phía ngoài thành đều có tên là Kim Thủy.

Mặt bằng Ðại Nội xây dựng theo hình gần vuông, mỗi cạnh khoảng 600m, trên một diện tích rộng tới 37,5 ha. Tường thành xây bằng gạch to, cao 4m, dày 1m, ngoài thành là hào vây quanh với 10 chiếc cầu đá bắc qua để ra vào. Trong Ðại Nội có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp ở nhiều khu vực khác nhau với các chức năng khác nhau.

< Điện Thái Hoà và sân Đại Triều Nghi, được dùng cho các buổi Triều Nghi.

Cổng chính ra vào Ðại Nội là Ngọ Môn, nhìn về hướng Nam kinh thành, trước mặt có Cột Cờ và xa nữa là sông Hương.

Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Một lầu vàng, tám lầu xanh
Ba cửa thẳng, hai cửa quanh
Chính giữa là Ngọ Môn, dành cho vua
Tiếp theo là Giáp Môn, dành cho quan lại
"Hai cửa quanh" là Dịch Môn, dành cho voi, ngựa và binh lính

< Cung Diên Thọ.

"Chín lầu" chỉ lầu Ngũ Phụng (nằm phía trên Ngọ Môn), gồm 2 tầng nhưng có 9 mái. "Lầu vàng" nằm giữa, cao nhất, lợp ngói hoàng lưu ly (men vàng). "Tám lầu xanh" thấp hơn, lợp ngói thanh lưu ly (men xanh).

Hoàng Thành và toàn bộ hệ thống cung điện bên trong là nơi cực kỳ trọng yếu, được phân bố chặt chẽ theo từng khu vực, tuân thủ nguyên tắc (tính từ trong ra): “tả nam hữu nữ”, “tả văn hữu võ”. Ngay cả trong các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự “tả chiêu hữu mục” (bên trái trước, bên phải sau, lần lượt theo thời gian).
Các khu vực đó là:

< Hiền Lâm Các được xây dựng vào năm 1821 hoàn thành năm 1822 trong khu vực Miếu thờ hoàng thành Huế.

+ Khu vực phòng vệ: gồm vòng thành bao quanh bên ngoài, cổng thành, các hồ (hào), cầu và đài quan sát.

+ Khu vực cử hành đại lễ: gồm từ Ngọ Môn, cửa chính của Hoàng Thành - nơi tổ chức lễ Duyệt Binh, lễ Truyền Lô (đọc tên các Tiến sĩ tân khoa), lễ Ban Sóc (ban lịch năm mới)... đến điện Thái Hòa - nơi cử hành các cuộc lễ Đại Triều một tháng 2 lần (vào ngày 01 và 15 Âm lịch), lễ Đăng Quang, lễ Vạn Thọ, lễ Quốc Khánh...

< Hưng Miếu (tức Hưng Tổ Miếu) thờ ông Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long.

+ Khu vực miếu thờ: được bố trí ở phía trước, hai bên trục dọc của Hoàng Thành theo thứ tự từ trong ra gồm: bên trái có các miếu thờ Nguyễn Kim (Triệu Tổ Miếu), miếu thờ các vị chúa Nguyễn (Thái Tổ Miếu); bên phải có các miếu thờ cha vua Gia Long là Nguyễn Phúc Luân (Hưng Tổ Miếu) và miếu thờ các vị vua nhà Nguyễn (Thế Tổ Miếu).

+ Khu vực dành cho bà nội và mẹ vua (phía sau, bên phải), gồm hệ thống cung Trường Sanh (dành cho các Thái hoàng Thái hậu) và cung Diên Thọ (dành cho các Hoàng Thái hậu), ngoài ra còn có điện Phụng Tiên thờ các vua Nguyễn, dành cho phái nữ đến lễ vì họ không được phép vào Thế Miếu.

< Thái Bình Lâu nằm ở bên trong Tử Cấm Thành.

+ Khu vực dành cho các hoàng tử học tập, giải trí như vườn Cơ Hạ, điện Khâm văn... (phía sau, bên trái).
Ngoài ra còn có kho tàng (Phủ Nội Vụ) và các xưởng chế tạo đồ dùng cho hoàng gia (phía trước vườn Cơ Hạ).

+ Khu vực quan trọng và rộng lớn nhất bên trong Ðại Nội là Tử Cấm Thành cũng có hình gần vuông, mỗi cạnh trên dưới 300m, vòng tường chung quanh cao 3,50m. Tử Cấm Thành nằm trên cùng một trục Bắc-Nam với Hoàng Thành và Kinh Thành, gồm một vòng tường thành bao quanh khu vực các cung điện như điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều), điện Càn Thành (chỗ ở của vua), cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý phi), lầu Kiến Trung (từng là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương), nhà đọc sách và các công trình khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhà vua và gia đình như Thượng Thiện Đường (nơi phục vụ ăn uống), Duyệt Thị Đường (nhà hát hoàng cung) ...

< Tả Vu và Hữu Vu.

Ngoài ra còn có Tôn Nhân Phủ là cơ quan trông coi miếu thờ và quản lý nội bộ Hoàng gia.

Tuy có rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong khu vực Hoàng Thành nhưng tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm.

Mặc dù quy mô của mỗi công trình có khác nhau, nhưng về tổng thể, các cung điện ở đây đều làm theo kiểu “trùng lương trùng thiềm” (hay còn gọi là “trùng thiềm điệp ốc” - kiểu nhà kép hai mái trên một nền), đặt trên nền đá cao, vỉa ốp đá Thanh, nền lát gạch Bát Tràng có tráng men xanh hoặc vàng, mái cũng được lợp bằng một loại ngói đặc biệt hình ống có tráng men thường gọi là ngói Thanh lưu ly (nếu có màu xanh) hoặc Hoàng lưu ly (nếu có màu vàng).

< Thế tổ miếu.

Các cột được sơn thếp theo mô típ long-vân (rồng-mây). Nội thất cung điện thường được trang trí theo cùng một phong cách nhất thi nhất họa (một bài thơ kèm một bức tranh) với rất nhiều thơ bằng chữ Hán và các mảng chạm khắc trên gỗ theo đề tài bát bửu, hay theo đề tài tứ thời.

Điều đáng nói ở đây là sự phân biệt nam nữ, lớn nhỏ, trên dưới theo địa vị, thứ bậc rõ ràng, áp dụng cho mọi đối tượng cho dù đó là thành viên trong hoàng tộc, là mẹ vua hay hoàng tử, công chúa. Nam có lối đi riêng, nữ có lối đi riêng, quan văn một bên, quan võ một bên. Tất cả nhất nhất đều chiếu theo quy định mà thực hiện, thể hiện rõ nét ý thức tập trung quân chủ, mọi quyền lực về tay nhà vua, đặc biệt là dưới triều vua Minh Mạng.

Đến nay, trải qua bao biến động và thời gian, hàng trăm công trình kiến trúc ở Đại Nội chỉ còn lại ít ỏi chiếm không đầy một nửa con số ban đầu. Nhưng với tư cách là tài sản vô giá của dân tộc, là thành quả lao động của hàng vạn người trong suốt một thời gian dài, khu di tích Đại Nội đang dần được trả lại dáng xưa cùng các di tích khác nằm trong quần thể kiến trúc đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Được sự đầu tư của nhà nước và sự giúp đỡ của bè bạn gần xa trong cộng đồng quốc tế thông qua các cuộc vận động nhằm cứu vãn, bảo tồn và phát huy những giá trị vật chất và tinh thần của di sản văn hóa Huế, nhiều di tích ở hoàng cung Huế đã từng bước được phục hồi, trở lại nguyên trạng cùng nhiều công trình khác đang được bảo quản, sửa chữa, góp phần gìn giữ khu di tích lịch sử thuộc triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

(VNE) - Sử sách ghi lại, hai cây lim giếng Rừng hơn 700 tuổi là chứng tích còn lại trong khu rừng vốn được quân và dân nhà Trần chặt để làm cọc trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288.

Hai cây lim giếng Rừng nằm dưới chân núi Tiên Sơn, phường Quảng Yên (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) được nhà chức trách xác định khoảng 700 tuổi. Hai cây cổ thụ cùng các địa danh như: Bến Rừng, chợ Rừng... là những dấu tích của khu rừng cổ mà quân và dân nhà Trần đã lấy gỗ dựng trận địa cọc, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt ngày 8/3 năm Mậu Tý 1288.

Bên cạnh hai cây lim cổ có hai giếng nước được xây từ thời Pháp, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây nên được gọi là hai cây lim giếng Rừng. Hiện hai giếng được xây xung quanh, lát gạch sạch sẽ và có nắp đậy.

"Nước ở hai giếng ngọt, sạch sẽ, trước đây phục vụ sinh hoạt cho cả khu dân cư. Nhưng bây giờ nhà nào cũng có nước máy nên ít người còn lấy nước giếng. Hai cây lim phát triển tốt cũng nhờ có hai giếng cung cấp nước tưới cây", chị Lan nhà gần đó cho biết.

Hai cây lim giếng Rừng được Bộ Văn hóa công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1998 và thuộc cụm di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của khu di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là di tích quốc gia đặc biệt.

Do thời gian và sự phát triển đô thị nên hai cây lim giờ nằm giữa trung tâm của thị xã Quảng Yên. Một cây cao khoảng 30 m, chu vi gốc 5,5 m, cành lá xum xuê, xanh tốt, tán lá vươn dài tới 20 m.

Cây thứ hai to hơn, cao khoảng 30 m, đường kính gốc tới 7,2 m, tán lá xanh tốt vươn dài tới 25 m. Nhờ bóng râm của cây, nơi đây trở thành chỗ vui chơi của trẻ nhỏ và người già tập thể dục.

Lớp vỏ ngoài dưới gốc cây thi thoảng lại bong tróc thành từng miếng lớn. Lim giếng Rừng nằm gần dòng sông Bạch Đằng, sát nơi xảy ra trận chiến Bạch Đằng năm 1288 và cách bãi cọc Yên Giang đã được khai quật khoảng 2 km.

Ông Ngô Đình Dũng, Phó phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Quảng Yên, cho biết hai cây lim giếng Rừng là chứng tích còn lại trong khu rừng lim, vốn được quân và dân nhà Trần chặt để làm cọc trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông ngày 8/3 năm Mậu Tý 1288.

Ông Dũng thông tin thêm, theo sử sách, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh đều bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông Bạch Đằng.

Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938, chiến thắng Bạch Đằng năm 981 và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo đã khẳng định sức mạnh không thể lay chuyển được của quân dân Đại Việt, phá tan âm mưu cướp nước ta của quân xâm lược Nguyên Mông.

Chỉ trong một ngày 8/3/1288, toàn bộ đạo binh thuyền của quân xâm lược Nguyên Mông trên đường rút ra khỏi Đại Việt qua đường sông Bạch Đằng gồm 600 chiến thuyền, khoảng 40.000 quân, đã bị tiêu diệt và bắt sống.

Năm 2008 và 2011, hai cây lim có biểu hiện khô lá do đợt rét kỷ lục. Thị xã Quảng Yên cứu cây bằng cách cắt tỉa cành khô, tưới hoá chất sinh trưởng và bổ sung chất dinh dưỡng.

Di tích bãi cọc Yên Giang, thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên nằm ở cửa sông Chanh có hình chữ nhật dài khoảng 120 m, rộng khoảng 20 m. Sau lần khai quật đầu tiên vào năm 1958 và nhiều lần sau đó vào các năm 1969, 1976, 1984, 1988... cho thấy cọc ở đây chủ yếu là gỗ lim dài 2,6-2,8 m, đường kính 20-30 cm. Phần cọc được đẽo nhọn dài 0,5-1 m để cắm thẳng xuống sông với khoảng cách trung bình một m. Hiện bãi cọc này được khoanh vùng bảo vệ, dựng bia giới thiệu di tích.

Cọc trưng bày ở Bảo tàng thị xã Quảng Yên. "Hiện đã phát hiện và khai quật bãi cọc Yên Giang thuộc phường Yên Giang, hai bãi cọc Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa thuộc phường Nam Hòa", ông Dũng thông tin.

Theo Minh Cương (Vnexpress)
Đồn Phai Khắt thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, cách khu rừng Trần Hưng Đạo 7km. Tại đây, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị, Đội xây dựng kế hoạch tổ chức một trận đánh để “cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của cả một dân tộc đang bị nô lệ, đang sục sôi ý chí vùng lên”, đồng thời “khắc phục tình hình thiếu vũ khí trang bị”.

Dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội thảo luận kỹ lưỡng để làm rõ vấn đề: "Đánh vào đâu và đánh như thế nào, để chỉ với một lực lượng nhỏ nhưng có thể giành được thắng lợi to lớn về chính trị và quân sự, đồng thời hạn chế tổn thất về người và vũ khí của ta. Sau khi bàn bạc các phương án, Ban chỉ huy Đội quyết định “phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược”, mục tiêu là đồn Phai Khắt và Nà Ngần.

< Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày ấy.

Lực lượng đánh đồn gồm hai tiểu đội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp). Ngoài ra, còn có sự tham gia của du kích và cán bộ Việt Minh địa phương làm nhiệm vụ canh gác các ngả đường vào bản. Để đột nhập thuận lợi, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho chuẩn bị sẵn Giấy đi tuần giả, có đóng dấu đỏ để phục vụ trận đánh. Đến chiều ngày 24-12, lực lượng tham gia trận đánh cải trang thành lính dõng, hành quân về Phai Khắt.

Sau khi nhận được tin Đồn trưởng Simônô lên châu lỵ Nguyên Bình, 17 giờ ngày 25-12, “Đội xếp” Thu Sơn dẫn quân tiến vào đồn một cách dễ dàng. Đội nhanh chóng chia làm hai mũi: Tiểu đội 1 đánh chiếm nơi để súng, Tiểu đội 2 bao vây đồn. Trong khi bọn  địch chưa kịp phản ứng, đồng chí Thu Sơn hô lớn: “Rát-săm-măng” (tập hợp), 17 tên lính và tên cai ra tập hợp giữa sân. Địch bị bất ngờ, không kịp trở tay, nhanh chóng đầu hàng. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, tên Simônô từ Nguyên Bình trở về cũng bị tiêu diệt. Kết quả, ta tiêu diệt 1 tên và bắt sống 17 tên địch, thu được 17 khẩu súng, một ít đạn và quân trang.

< Đồn Phai Khắt (ảnh chụp năm 1961), nơi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng trận đầu, ngày 24-12-1944.

Sau khi hạ được đồn Phai Khắt, ngay trong đêm 25-12, Đội khẩn trương hành quân tới xã Cẩm Lý (cách Phai Khắt 15km), nơi có đồn Nà Ngần. Đội tiến hành rút kinh nghiệm và biểu dương các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời phổ biến lại kế hoạch tiến công vào ngày hôm sau.

Do địa thế đồn Nà Ngần hiểm trở, nên Đội quyết định cải trang làm một toán lính dõng, lính khố đỏ áp giải ba Cộng sản Mán đến giao nộp cho quan đồn. Lực lượng đánh đồn Nà Ngần là toàn bộ đội viên đã tham gia đánh đồn Phai Khắt. Khoảng 7 giờ sáng ngày 26-12, đồng chí Thu Sơn cùng tổ xung phong dẫn ba cộng sản bị trói vào đồn cùng với lá cờ tam tài (Đội lấy được ở đồn Phai Khắt). Bọn lính tưởng thật vội bố trí 6 lính và tên cai ra xếp hàng đón theo nghi thức nhà binh. Sau khi cả Đội tiến vào đồn, theo kế hoạch đã phân công, bốn chiến sĩ tiến tới gian giữa án ngữ giá để súng. Đồng chí Thu Sơn và Bế Văn Sắt nói chuyện với tên Đường để đánh lạc hướng. Tiểu đội 2 chặn các cửa đồn, sau đó chia thành từng tổ vây bắt tù binh. Tiểu đội 3 vừa bắn chỉ thiên vừa gọi địch đầu hàng.

< Đỉnh Slamcao, nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đặt đài quan sát để chuẩn bị trận đánh đồn Phai Khắt.

Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt 5 tên, bắt 17 tên, thu 27 súng và nhiều đạn. Trong trận này, đồng chí Nông Văn Bê bị thương nhẹ. Sau khi hạ đồn xong, Đội nhanh chóng thu gom súng đạn, tài liệu và phát truyền đơn biểu ngữ cho nhân dân. Tốp tù binh được tập hợp ở giữa sân, hai nữ đồng chí Cầm và Thanh giải thích bằng tiếng Tày cho họ hiểu chủ trương chính sách đánh Pháp, Nhật, cứu nước của Việt Minh, kêu gọi họ quay súng vào Pháp-Nhật để giành độc lập cho dân tộc. Sau khi được nghe chính sách của Việt Minh, một số tù binh xin đi theo cách mạng còn đa phần xin được trở về quê.

Trong hai trận đánh đầu tiên, Đội sử dụng chiến thuật “tiến công bằng lối hoá trang kỳ tập (tập kích) đã mở đầu một cách xuất sắc trang sử chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Hoá trang kỳ tập là lối đánh tốn ít súng đạn, thương vong thấp song hiệu quả chiến đấu cao. Hai trận đánh đầu tiên, ngoài việc tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trong đồn, Đội còn thu được nhiều vũ khí, quân trang. Quan trọng nhất là Đội giành thắng lợi theo đúng Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “Trận đầu nhất định phải thắng lợi”.

< Một tầm quan sát từ đỉnh Slam Cao. Bản Phai Khắt là một bản nhỏ chỉ khoảng 10 nóc nhà, quân Pháp đã chiếm ngôi nhà to nhất bản của ông Nông Văn Lạc và đóng một trung đội tại đây.

Ngoài việc vận dụng chiến thuật phù hợp, thắng lợi của hai trận đầu ra quân thể hiện một số nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là chọn mục tiêu và thời điểm tiến công phù hợp. Lực lượng ta tham gia trực tiếp đánh đồn chỉ có hơn 20 người, vũ khí thô sơ, cán bộ chưa được thử thách qua chiến đấu. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy Đội đã chọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần là phù hợp. Ngoài ra, hai đồn nằm cách xa nhau và xa trung tâm chỉ huy của địch (châu lỵ Nguyên Bình), nên không thể chi viện kịp thời cho nhau. Trong khi đó, ta có điều kiện cả về thời gian và không gian giải quyết trọn vẹn trận đánh. Về thời cơ tiến công, ta chọn vào những lúc bất ngờ nhất đối với địch: Đánh đồn Phai Khắt chọn lúc chiều muộn (17 giờ) địch đang hoặc vừa ăn cơm chiều xong; đánh đồn Nà Ngần ta chọn lúc sáng sớm (7 giờ sáng) khi địch vừa ngủ dậy - đây là hai thời điểm  quân địch sơ hở, mất cảnh giác nhất. Cả hai đồn, ta đánh đúng lúc tên chỉ huy đi vắng nên đã triệt tiêu được yếu tố sắc sảo và tinh nhanh của địch.

< Người gác rừng Đặng Hồng Cao đang đứng tại vị trí, nơi cách đây 70 năm Đội VNTTGPQ đã đứng tuyên thệ dưới lá cờ đỏ sao vàng.

Ta đã giữ được yếu tố bí mật từ đầu đến cuối, từ lên kế hoạch tác chiến, tổ chức hành quân, triển khai lực lượng đến thực hành tiêu diệt mục tiêu, làm cho địch không kịp phản ứng. Ngoài ra, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân còn có sự chuẩn bị chu đáo cho trận đánh về huấn luyện và hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng tự vệ địa phương. Để nắm địch, Đội đã biết tận dụng tai mắt quần chúng cung cấp đầy đủ những thông tin mới nhất về địch. Bởi vậy, khi thực hành tiến công đồn, ta diễn làm cho quân địch không một chút nghi ngờ.

Tháng 10 năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 1989), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và thăm đồn Phai Khắt. Đại tướng rất ngạc nhiên khi đồn Phai Khắt đã trở lại thành nơi ở của gia đình ông Nông Văn Lạc từ sau năm 1945.

Sau khi xem xét kỹ ngôi nhà (Đồn Phai Khắt) mà gia đình vẫn giữ nguyên vẹn, Đại tướng đề nghị gia đình ông Nông Văn Tính (cháu ông Nông Văn Lạc và là chủ gia đình) trao ngôi nhà này cho Nhà nước, vốn nó đã thành di tích, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí để gia đình xây ngôi nhà mới. Sau đó Đại tướng tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với gia đình.

Năm 1993, gia đình ông Nông Văn Tính đã rời khỏi ngôi nhà (đồn Phai Khắt) đến ở ngôi nhà mới xây đối diện với ngôi nhà cũ được ngăn cách bởi con đường trải nhựa khá rộng. Tới năm 1994 nhân kỷ niệm 50 năm Quân đội nhân dân, một nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Quân đội do trung tá Hoàng Văn Lâm phụ trách tiến hành lập hồ sơ Khu di tích lịch sử  rừng Trần Hưng Đạo và di tích đồn Phai Khắt để giúp tỉnh Cao Bằng lập dự án bảo tồn, tôn tạo 2 di tích này, đồng thời trực tiếp trưng bày bổ sung một số hiện vật tư liệu lịch sử, hình ảnh liên quan tới trận đánh đồn Phai Khắt.  Ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Rừng Trần Hưng Đạo là di tích quốc gia đặc biệt.

Làng Đông Sơn xưa thuộc xã Đông Giang, huyện Đông Sơn (Thanh Hoá), nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hoá. Đây là một làng cổ nổi tiếng không chỉ ở xứ Thanh. Địa danh Đông Sơn đã được nhiều nhà khoa học phương Tây biết đến từ thế kỷ trước.
Làng cổ Đông Sơn được liệt vào danh sách 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, nơi lưu lại dấu ấn của một nền văn minh huy hoàng của dân tộc, đó là nền văn minh Đông Sơn.

Làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá là một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ con sông Mã huyền thoại, cạnh cây cầu Hàm Rồng lịch sử, dựa mình vào chân núi Cánh Tiên. Ngôi làng nằm giữa một thung lũng nhỏ, phía trước có cánh đồng rộng màu mỡ, có bến sông tấp nập trên bến dưới thuyền, ba phía của làng được bao bọc bởi những quả đồi đất, núi đá xen kẽ nhau.

Huyền thoại dân gian cho rằng làng Đông Sơn ở vào thế đất có 99 ngọn núi hình con Phượng Hoàng. Ca dao cổ vùng Đông Sơn đã nhắc đến 99 ngọn núi này một cách đầy tự hào:

Chín mươi chín ngọn bên đông,
Còn ngọn núi Nít bên sông chưa về.
Chín mươi chín ngọn đề huề,
Còn ngọn núi Nít chưa về bên đông.

Phía đông của làng là hệ thống núi đất kéo dài từ Ngã Ba Đầu - nơi sông Chu gặp sông Mã chạy theo bờ nam sông Mã. Sông Mã qua hành trình vạn dặm trước khi về với biển cả đã để lại ở đây một cảnh khí ngoạn mục vào bậc nhất của xứ Thanh: Hàm Rồng - núi Ngọc.

Phía nam của làng là hệ thống đồi đất cao có nhiều ngọn trong đó tiêu biểu nhất là núi Cánh Tiên với huyền thoại về những nàng tiên giáng thế.

Phía bắc của làng là hệ thống núi Phượng, núi con Voi có động Tiên và chùa Tiên Sơn. Động Tiên mới được phát hiện gần đây đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.

Làng Đông Sơn có cấu trúc theo kiểu làng thuần nông. Vị thế của làng cho phép phát huy triệt để lợi thế của kinh tế ruộng nước và đất đồi. Hệ thống di tích: đình, chùa, miếu được tạo dựng và phân bố hợp lý tạo nên những cảnh bình dị giếng nước mái đình rất đỗi thân thương.

Từ xa xưa, làng đã có đủ ruộng sâu, ruộng cạn trồng lúa; đất đồi, đất bãi trồng màu; núi đất, núi đá chăn thả gia súc. Người dân chịu thương, chịu khó, cần cù lao động nên cuộc sống nhiều phần no đủ, trù phú và yên bình.

 Ít có một làng quê Việt Nam nào có bề dày lịch sử nghìn năm và quá trình phát triển liên tục như làng cổ Đông Sơn. Làng cổ Đông Sơn được xem như một ''niên biểu'' về sự phát triển liên tục từ buổi các vua Hùng dựng nước cho đến thời hiện đại. Theo dòng lịch sử có thể thấy lịch sử của làng gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử vùng đất xứ Thanh.

Tài liệu khảo cổ học cho biết từ thời các vua Hùng dựng nước trên đất Đông Sơn đã hình thành một làng nông nghiệp.

Những chứng cứ văn hoá vật chất được phát triển từ lòng đất làng cổ Đông Sơn từ những bộ nông cụ đa dạng, các loại vũ khí, các loại đồ gốm, đồ trang sức đặc sắc đến những chiếc trống đồng hoa văn tinh xảo... đã cho thấy từ thời kỳ dựng nước Văn Lang, Đông Sơn đã là một làng nông nghiệp hình thành, và phát triển lâu dài và có vị thế trong khu vực.

Phát hiện về di tích làng cổ Đông Sơn với niên đại hơn 2.500 năm đã mở ra chương mới cho việc nghiên cứu văn minh Việt cổ thời dựng nước đầu tiên.

Từ đầu thế kỷ XX Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho một nền văn hoá khảo cổ học nổi tiếng thế giới: Văn hoá Đông Sơn. Văn minh Đông Sơn đã trở thành một nền văn minh tiêu biểu của tổ tiên ta thời kỳ dựng nước, trống Đông Sơn trở thành biểu tượng tài năng trí sáng tạo của người Việt cổ buổi đầu tạo dựng văn minh.

Làng Đông Sơn tưởng như nằm giữa thung lũng, tứ bề là rừng núi. Nhưng nhờ bởi ông cha từ xưa đã có cách bố trí, sắp đặt, quy hoạch hết sức thông thái, khoa học giữa các cụm dân cư, đường ngõ và hệ thống thoát nước; lại thêm thế đất liền mạch theo chiều thoai thoải của núi Rồng nên dù có mưa gió, bão lụt thì làng vẫn được bảo vệ.

Chưa hết, nơi dựng làng là vị trí đắc địa cho phòng thủ và tác chiến nên mọi sự xâm nhập từ bên ngoài có thể được phát giác và ngăn chặn. Cũng vì địa thế ấy nên làng Đông Sơn đã được triều đình phong kiến nhà Lê chọn làm nơi xung yếu. Đồng thời, qua hai cuộc kháng chiến, nhất là “cuộc đụng đầu lịch sử” giữa quân và dân ta với những thần sấm, con ma của đế quốc Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng, cái tên làng Đông Sơn một lần nữa được xướng lên như biểu tượng của sự can trường, anh dũng.

Đông Sơn, cái làng quê điển hình thuần Việt ấy còn lưu giữ cả một hệ thống các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đủ khiến ai sinh ra từ đây cũng tự hào, ai qua đây cũng cảm phục và yêu mến. Người dân sống tuân thủ theo hương ước của làng, với 120 – 130 điều quy định cụ thể về tổ chức hội đồng biểu, quản lý công điền, tang tế, hôn lễ, tế tự, kết chạ...

Làng còn được chia thành nhiều “làng” nhỏ thể hiện một mức sống tinh thần khá cao, với làng Văn – người học chữ Nho, làng Võ – người đi lính, làng Nhạc – người chơi nhạc, làng Hộ - người trông coi Văn Thánh.

Đặc biệt, làng Đông Sơn còn bảo tồn được nhiều di tích liên quan đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo như Văn Thánh, đền Đức Thánh Cả, Phủ Mẫu, Miếu Nhị, Âm Vân tự, Bồ Đề tự, Văn chỉ, Võ chỉ, đình Trung, đền thờ nhà Lê, miếu nhà Bà, văn bia “Tượng Sơn bi ký”...

Lễ, hội làng Đông Sơn cũng đa dạng không kém với lễ Sắp Ấn, lễ Thượng Nêu, lễ Kỳ Yên, lễ Cửu Trùng, lễ Hạ Nguyên, lễ Văn Thánh...; đặc biệt, hội làng diễn ra vào 3-3 âm lịch hằng năm là dịp để tưởng nhớ công ơn người khai sinh xóm làng, cháu con sum họp.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử đến nay làng cổ Đông Sơn vẫn còn giữ được nhiều nét cổ kính của một làng quê nông nghiệp truyền thống. Hiện tại làng Đông Sơn nằm trong khu du lịch Hàm Rồng - điểm xuất phát của hành trình du lịch xứ Thanh.

Các di tích vãn hoá cũng như dấu tích văn hoá Đông Sơn, làng cổ Đông Sơn, đình, chùa, động Tiên, động Long Quang đã trở thành những địa điểm du lịch thú vị.

(TNO) - Lăng Trịnh Hoài Đức hay còn gọi là lăng Ông, tọa lạc tại số 28 Trịnh Hoài Đức (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Lối kiến trúc nấm mộ hình voi phục độc đáo đã phản ánh nguồn gốc tổ tiên của tác giả Gia Định thành thông chí này.

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia này nằm trên khu đất rộng 140 m2, được xây cao hơn mặt bằng xung quanh khoảng 1 m. Tổ hợp công trình kiến trúc lăng mộ được làm bằng đá ong tô hợp chất, thuộc loại hình song táng, rộng 10,2 m, dài 13,3 m, bia mộ hướng về phía tây nam, phía trước là hồ nước công viên Biên Hùng.

Kiến trúc từ ngoài vào trong gồm: bình phong tiền, đắp nổi đồ án hoa văn Long Mã trong nền cảnh vân mây và sóng nước ở mặt sau; kế đến là khu vực sân tế và cửa mộ. Sau cửa mộ là nhang án thờ và nấm mộ của Trịnh Hoài Đức cùng phu nhân (tả nam hữu nữ) có dạng hình voi phục/mã lạp đổ trên tấm đan hình chữ nhật giật cấp. Phía trước nấm mộ có đúc bia dạng cuốn thư - tam sơn, chính giữa dựng bia đá, hai bên cuốn thư đắp nổi biểu tượng âm dương và hồi văn. Kết thúc khu lăng là bình phong hậu, nối liền với vòng thành tạo nên hình lượn sóng, hai bên tai của bình phong hậu đắp nổi đề tài giao long cách điệu, chính giữa ở phần chân bình phong đắp nổi hình đầu linh thú.

Lối kiến trúc nấm mộ hình voi phục đã phản ánh nguồn gốc tổ tiên của Trịnh Hoài Đức. Nhiều công trình nghiên cứu về lăng mộ ở VN gần đây cho thấy, kết cấu kiến trúc lăng mộ có nấm mộ hình voi phục hay ngưu miên/mã lạp đều gắn liền với người Việt gốc Hoa. Điều này được minh chứng bằng hàng loạt các khu lăng mộ ở Cù Lao Phố (Biên Hòa) hay ở Sài Gòn, Hà Tiên... Tuy nhiên, bố cục mặt bằng kiến trúc với hệ thống tường thành, trụ biểu, bình phong và trang trí kiến trúc lại mang tính điển hình trong hệ thống lăng mộ các quan đại thần thời Nguyễn.

Nội dung bia mộ Trịnh Hoài Đức khắc: Quốc hiệu Hoàng Việt, mộ của người họ Trịnh, vua phong là Hiệp biện Đại học sĩ, tặng Đặc tiến Vinh lộc đại phu, Hữu trụ quốc, Thiếu bảo Cần Chính điện Đại học sĩ.

Bia được lập vào tháng 11 năm 1825 do các con là Hàn lâm viện biện tu Tình Xuyên tử, Trịnh Thiên Nhiên lập. Bia mộ bà khắc: Quốc hiệu Hoàng Việt, mộ của phu nhân Hiệp biện Đại học sĩ Trịnh công chánh thất họ Lê. Bia không ghi ngày tháng lập, chỉ đề các con lập bia cho mẹ là Trịnh Thiên Nhiên, Trịnh Thiên Lễ, Trịnh Thiên Bảo.

Trước năm 1975, đến ngày cúng giỗ và Thanh minh, hậu duệ của Trịnh Hoài Đức và Hội Minh Hương Gia Thạnh ở Sài Gòn đều tổ chức cúng lễ rất long trọng. Sau này, vì nhiều lý do khác nhau, những hoạt động này thưa dần và chìm vào quên lãng.

Với sự nghiệp, cống hiến của Trịnh Hoài Đức cho dân tộc và những giá trị kiến trúc nghệ thuật khu lăng mộ của ông, năm 1990 Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận lăng mộ Trịnh Hoài Đức là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 1998, trong dịp kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, khu lăng mộ được trùng tu, xây tường bao quanh để bảo vệ. Tuy nhiên, vẫn chưa có biện pháp tổng thể để bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích.

Hiện nay, con đường dẫn vào khu di tích rất nhỏ và quanh co. Di tích lăng được cán bộ Ban Quản lý di tích tỉnh Đồng Nai chăm sóc thường xuyên, nhưng cũng chỉ dừng lại ở dạng cửa đóng then cài. Điều đáng báo động là toàn bộ không gian cảnh quan khu di tích ở phía trước bị xâm lấn trong thời gian dài, bị các hộ dân sử dụng làm quán nhậu nên dường như không ai còn biết tới một khu di tích lịch sử văn hóa gắn liền với bậc công thần Trịnh Hoài Đức - một trong những người có công lớn với dân tộc VN thế kỷ 18 - 19.

Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) còn có tên là An, tên tự Chí Sơn, tên hiệu Cấn Trai; tổ tiên là người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Ông nội của Trịnh Hoài Đức gặp lúc nhà Thanh mới nổi lên, lánh sang nước Nam ngụ ở Trấn Biên (Biên Hòa). Năm 1792, Trịnh Hoài Đức cùng với Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh thi đỗ được bổ chức Hàn lâm viện chế cáo. Dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, Trịnh Hoài Đức lần lượt giữ các chức vụ quan trọng nhất của triều đình: Thượng thư Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Phó tổng trấn thành Gia Định...

Ông là quan văn duy nhất được triều đình phong hàm Chánh Nhất phẩm mà trước đó chỉ dành cho quan võ, mặc dù ông đã từ chối nhưng vua không cho. Vị quan đại thần thời Nguyễn này thanh liêm tới mức không đủ tiền để xây cho mình một ngôi nhà, vua lại phải cho tiền để ông dựng.

Trịnh Hoài Đức là một trong ba nhà thơ nổi danh “Gia Định tam gia thi” cùng với Lê Quang Định và Ngô Nhân Tịnh - những học trò ưu tú của xử sĩ Võ Trường Toản. Ông cũng là một nhà sử học, địa lý học và văn hóa học... với những công trình nổi danh còn giá trị cho đến hôm nay và mai sau, tiêu biểu là tác phẩm Gia Định thành thông chí.

Theo Lương Chánh Tòng (Thanh Niên) + ảnh internet
Đồn Phồn Xương nằm trong cụm di tích căn cứ Phồn Xương nay thuộc thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế. Cụm cứ điểm gồm đồn chính Phồn Xương, các đồn phụ Am Đông, Trại Cọ, Hố Lẩy, công sự Tổ Cú, đồn phụ Cả Can, đồn Hà Triều Nguyệt bao quanh trên địa bàn hai xã Phồn Xương và Tân Hiệp, xây dựng năm 1894-1895.

Đồn Phồn Xương nằm ở trung tâm thị trấn Cầu Gồ. Nơi đây Đề Thám và bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở lâu nhất chỉ đạo đường lối chiến lược chiến thuật của nghĩa quân Yên Thế. Đồn Phồn Xương cách tỉnh lỵ Bắc Giang 30 km về phía Tây; từ thành phố Bắc Giang, xuôi theo trục đường quốc lộ 1A (cũ) qua cầu sông Thương, rẽ phải theo tỉnh lộ 398 tuyến Bắc Giang-Cầu Gồ.

Đồn Phồn Xương còn có tên gọi Đồn Gồ, Đồn Cụ nằm ở phía Nam của quả đồi cao gần 20m cách suối Gồ gần 800m về phía Nam. Nay quả đồi này gọi là đồi Phồn Xương hay đồi Bà Ba thuộc thị trấn Cầu Gồ.

Đây là một căn cứ có quy mô lớn, cấu trúc khác với đồn Hố Chuối và các đồn khác. Đồn có bình đồ kiến trúc gần giống hình chữ nhật nằm chạy dọc theo hướng Bắc Nam, có diện tích chừng hơn một mẫu Bắc Bộ gồm hai vòng thành. Vòng thành ngoại bắt đầu từ sườn đồi phía Đông chạy vòng ôm lấy chân đồi lên tới đỉnh đồi phía Bắc thành hình vòng cung bảo vệ cho thành nội dài 140m, dày 0,80m và cao 4m.
Dãy tường thành nội nằm trên đỉnh ngọn đồi gần giống hình chữ nhật.

Tường thành nội mặt Đông dài 71m, mặt Bắc dài 85m. Tường đắp bằng đất nện, chân dày 2m, cao 3m và trên mặt còn rộng 1m. Bên trong tường thành có 3 cấp khác nhau có thể đứng hoặc quỳ đều bắn được. Xung quanh tường đều có lỗ châu mai. Mặt tường phía ngoài đắp dốc thoai thoải như mái nhà.

Đồn Phồn Xương có 3 cổng: Cổng chính trông về hướng Đông còn hai cổng phụ ở phía Nam và phía Bắc. Hai cổng phụ đều thông ra với những cánh rừng rậm xung quanh. Đặc biệt cổng phía Bắc nối liền với cánh rừng của nửa đồi còn lại. Hai cổng phụ rộng 1,50m hiện nay không còn nguyên vẹn, cổng chính cách bờ tường phía Bắc là 15m, rộng 2m có 4 bậc lên xuống.


Bên trong cổng chính còn một trạm gác nằm ở sườn tường phía Bắc hình vuông mỗi cạnh 2m. Bên trong cửa chính có hai lớp tường đất bảo vệ và chọc nhiều lỗ châu mai. Các cổng đều có hai lượt cửa, bên ngoài cổng cánh, bên trong cổng toang và đều làm bằng gỗ lim.


Đồn được bố trí ngoài cùng là các bốt gác, tiếp theo là các đồn phụ, hệ thống giao thông hào rồi lại đến vòng thành bao bọc. Khoảng cách giữa hai vòng thành chỗ rộng nhất là 20m, hẹp nhất là 10m.

Trong vòng thành là một không gian rộng bao gồm hệ thống nhà ở, nhà khách, nhà kho… tất cả đều là nhà tranh vách đất trộn rơm. Chỉ trừ chiếc nhà vuông tiếp khách là được xây bằng gạch. Lần lượt từ phía Bắc xuống phía Nam thành là nhà ở của Hoàng Hoa Thám và Bà Ba, nhà có 5 gian chạy theo hướng Tây Đông.

Nhà thứ hai hình vuông bốn mặt để trống dùng làm nơi họp bàn của Hoàng Hoa Thám với tướng lĩnh và tiếp khách. Nhà tiếp theo gồm hai dãy nằm sát hai cạnh Tây Đông của thành, là nhà ở của nghĩa quân. Tiếp theo gồm 8 gian nhà bếp và chuồng ngựa nằm sát ở cạnh phía Nam của thành chạy theo hướng Đông Tây, tiếp nữa là cột đèn và cột cờ.

Kiến trúc đồn Phồn Xương là một kiểu kiến trúc đặc biệt. Nó không những đáp ứng được yêu cầu là một đồn lũy thành trì mà nó còn giải quyết linh hoạt việc cơ động chiến đấu và đáp ứng được cả yêu cầu là một sở chỉ huy, nơi giao dịch nghĩa quân.

< Đồn Phồn Xương (ảnh xưa).

Trải qua thời gian mưa nắng, hệ thống thành lũy và các công trình nhà ở trong thành được đắp bằng đất nện cũng dễ bị bào mòn. Nay những công trình nhà ở trong thành không còn, phần tường thành cũng không còn giữ được nguyên vẹn như xưa. Riêng đoạn mặt tường thành phía Đông còn giữ được nhiều nét kiến trúc cũ. Trên tường thành còn những vết đạn lỗ châu mai khá rõ. Trong thành hiện xây đền thờ Bà Ba. Hằng năm, vào các ngày 16 tháng 3 dương lịch lễ hội Yên Thế lại diễn ra trên quần thể di tích này.

Khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ XX, con gái của cụ Hoàng Hoa Thám là bà Hoàng Thị Thế có về đây và khi mất, bà được chôn cất tại đây, trên tấm bia mộ chỉ ghi dòng chữ thật giản dị: "Bà Hoàng Thị Thế, sinh năm 1901, mất 9.12.1988".

Có thể nói Phồn Xương chính là thủ phủ của cuộc khởi nghĩa, nơi bắt đầu để mở mang phong trào ra các địa phương. Tại đây nghĩa quân đã chiến đấu dũng cảm chống lại cuộc tiến công trên quy mô lớn của thực dân Pháp do đại tá Vát-tay chỉ huy ngày 29-1-1909. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đó, đồn Phồn Xương là một trong 23 điểm di tích được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ.