Con đò nhỏ Tân An đưa tôi từ thị xã Tân Châu đến xã Tân Thạnh, nơi có căn cứ cách mạng Giồng Trà Dên.
Con đò nhỏ Tân An đưa tôi từ thị xã Tân Châu đến xã Tân Thạnh, nơi có căn cứ cách mạng Giồng Trà Dên. Vào ngày cuối năm, dòng nước trên kênh Xáng, dòng kênh nối giữa sông Tiền và Sông Hậu, có vẻ trong xanh hơn. Cơn gió xuân nhẹ thoảng qua làm tôi cảm thấy dịu đi sự mệt mỏi khi đã đã vượt chặng đường hơn 70km, từ thành phố Long Xuyên đến thị xã Tân Châu, và chỉ còn khoảng 5km nữa thôi thì tôi sẽ đến xã Tân Thạnh, thăm lại Giồng Trà Dên, Núi Nổi, căn cứ cách mạng của Tân Châu và của tỉnh An Giang trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Theo sử sách của Tân Châu còn ghi lại thì Giồng Trà Dên khi xưa có địa thế hiểm trở, được bao quanh bởi rừng tre dày, chằng chịt, và nơi đây được xem là yếu điểm quân sự, căn cứ cách mạng của quân và dân Tân Châu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

Qua phà Tân An, đi trên tuyến tỉnh lộ 952, tôi cảm nhận được sự mát mẻ và yên bình của con đường quê có nhiều cây xanh, nhiều cây ăn trái được người dân trồng hai bên đường như: xoài, dừa, mít, mận, vú sữa… Và san sát nhau là những ngôi nhà ngói mới, những ngôi nhà tường khang trang đã mọc lên cùng với những ngôi nhà sàn, nhà cây ván có từ lâu đời của người dân vùng giáp biên.

Di tích lịch sử cách mạng Giồng Trà Dên được xây dựng hoàn thành vào năm 1995, nằm trên tỉnh lộ 952, trong một không gian thoáng đãng có nhiều cây xanh, gồm Bia lưu niệm và Nhà bia tưởng niệm. Đến nơi này cùng với tôi thắp nén nhang tưởng nhớ hơn 100 anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng nằm lại ở Giồng Trà Dên, còn có chú Trần Minh Gom, còn gọi là Út Gom, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã Tân Thạnh. Chú Út Gom là người tham gia lực lượng du kích mật ở địa phương khi tuổi đời chỉ vừa độ thiếu niên, vào năm 1969. Năm tháng chiến tranh đã đi qua, những người thân, đồng đội của chú Út đã anh dũng hy sinh và được khắc tên trên Nhà bia tưởng niệm.

Chú Út bùi ngùi chỉ tay lên tấm bia ghi tên của ba mình là ông Trần Văn Quơn và hai người anh của chú là ông Trần Văn Định và Trần Văn Đến. Rồi chú Út chậm rãi kể cho tôi nghe về câu chuyện năm xưa ở Giồng Trà Dên:“Địa danh Giồng Trà dên đã có từ rất lâu, từ thời kháng chiến chống Pháp, người dân Giồng Trà Dên đã quyết giữ đất, giữ làng bám trụ quê hương. Đến thời chống Mỹ nhân dân nơi này anh dũng kiên trì đứng lên chống giặc. Đến năm 1960 vùng này trở thành căn cứ rộng lớn, có hàng chục, hàng trăm mẫu tre, cho bộ đội dừng chân đánh ở vùng chữ O, đến căn cứ B1. Đến năm 1968, nơi này địch tàn phá ác liệt nhất. Nhân dân Giồng Trà Dên vẫn kiên cường làm cách mạng, nuôi chứa bộ đội, bám trụ cho đến ngày hòa bình”

Chú Út Gom cho chúng tôi biết thêm, chính quyền địa phương các xã Tân An, Tân Thạnh luôn khắc ghi truyền thống của cha ông, hằng năm vào các dịp Lễ kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ hay Lễ 30/4, luôn tổ chức thành đoàn đến viếng bia tưởng niệm, thăm hỏi, tặng quà gia đình có công với cách mạng ở địa phương.

Khi nén nhang ở nhà bia tưởng niệm đã tàn cũng là lúc chúng tôi chia tay chú Út Gom để đến tìm hiểu thêm về Núi Nổi và Phù Sơn Tự.

Trên tỉnh lộ 952, từ Tân An đến cầu An Thôi Lôi rẽ trái sẽ vào khu vực khu dân cư ấp Núi Nổi, trụ sở UBND xã Tân Thạnh cũng nằm gần khu dân cư. Hai bên đường cột cờ và hàng rào thẳng tắp, người dân ấp Núi Nổi vừa cùng chính quyền địa phương lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng thắp sáng đường quê. Theo ông Trần Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh thì đây là công trình chào mừng lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2015) của người dân nơi căn cứ cách mạng Giồng Trà Dên.

Sau 10 năm thành lập (tách ra từ xã Tân An vào năm 2015), xã Tân Thạnh có tổng diện tích tự nhiên là 1228,98 ha, trong đó diện tích nông nghiệp 1082,47 ha. Xã có 06 ấp, 1862 hộ dân với tổng số nhân khẩu 7293 người. Người dân ở đây sống chủ yếu sống bằng nghề nông (chiếm 76%), bên cạnh đó là nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và dịch vụ thương mại, kinh doanh nhỏ lẻ. Ông Trần Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh cho tôi biết: “Để phát triển đời sống cho người dân, hướng tới chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh, của thị xã như: lúa, rau quả, cá nước ngọt.”

Bây giờ người dân vùng Tân Thạnh đã làm lúa 3 vụ/ 1năm, nên quanh năm luôn có công ăn chuyện làm, bận rộn với việc đồng áng. Trên cánh đồng Tân Thạnh đang vào cuối mùa thu hoạch vụ lúa Thu Đông, máy gặt đập liên hợp chạy liên hồi, và trên tuyến đường cộ vừa mới sửa chữa trong năm 2014, các xe tự chế và xe kéo bằng sức trâu cũng thay phiên nhau vận chuyển lúa của nông dân ra điểm tập kết để bán.

Chú Trịnh Văn Dứt, nông dân thâm niên ở cánh đồng Tân Thạnh, hiện làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Phú A1, cho chúng tôi biết: “Từ tổ liên kết sản xuất phát triển thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới cũng không dễ dàng gì. Hiện nay, có gần 474 thành viên tham gia vào HTX, canh tác với diện tích 489 ha, làm ở cánh đồng lớn thoải mái hơn, không lo bị thương lái ép giá lúa, nên chúng tôi an tâm sản xuất, hằng năm lợi nhuận mang lại đều rất khả quan”

Giữa 820 ha đất ruộng cánh đồng xã Tân Thạnh, có một gò đất diện tích khoảng 1 ha nhô cao độ chừng 10m. Người dân nơi đây trước giờ vẫn gọi là Núi Nổi. Phù Sơn Tự được hình thành giữa gò đất ấy từ hơn một trăm năm trước, nơi đây khi xưa với địa thế hiểm trở, từng là căn cứ địa cách mạng liên hoàn với Giồng Trà Dên- Rạch Rít. Xung quanh Núi Nổi là đồng ruộng mênh mông, có nhiều thú hoang, cỏ dại, là địa thế tốt cho những bậc sĩ phu yêu nước lánh nạn chờ thời cơ khởi nghĩa. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, nơi đây là căn cứ của cách mạng, nơi trú ẩn an toàn của các tổ chức Đảng từ huyện, tỉnh, đến trung ương. Riêng chi bộ Đảng xã Tân An và một số xã chung quanh, và lực lượng du kích địa phương gần như thường trực nơi này. Phù Sơn Tự đã được công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào năm 2001.

Đến nơi này, tôi cảm nhận được không gian mát mẻ, trong lành, nhiều loại cây cổ thụ, như: sao, bồ đề, me có niên đại trên trăm năm bao quanh Núi Nổi. Bên núi còn cái hồ nước thiên nhiên, rộng khoảng 60 mét vuông, người dân vùng này cho rằng hồ không bao giờ cạn nước, quanh năm luôn có nước ngọt. Tại Phù Sơn Tự có gian thờ chính, miếu Sơn Thần, miếu Bà Chúa Xứ và ngôi thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Dắt tôi đến tham quan Núi Nổi, Phù Sơn Tự, anh Nguyễn Hoàng Phương, cán bộ văn phòng UBND xã Tân Thạnh hào hứng giới thiệu: “Hằng năm, UBND xã Tân Thạnh đều tổ chức Lễ hội văn hóa- thể thao mùa nước nổi tại Núi Nổi. Lễ hội có nhiều hoạt động sôi nổi như: cúng sơn thần, ôn lại truyền thống đấu tranh của quân và dân thị xã Tân Châu, truyền thống khu di tích cách mạng Giồng Trà Dên và Khu di tích lịch sử Chùa Núi nổi, biểu diễn văn  hóa, văn nghệ, người dân tham gia tranh tài các môn thể thao như: kéo co, chạy việt dã, đẩy gậy, đua xuồng, bóng chuyền và nhiều trò chơi dân gian mang đậm nét sông nước đồng bằng”. Và theo như anh Phương cho biết thêm thì hoạt động Lễ hội này hằng năm thu hút vài ngàn lượt người dân và du khách đến tham dự.

Ngoài ngành nghề chính là trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh nhỏ lẻ, thì thông qua hoạt động lễ hội người dân nơi này sẽ phát triển thêm loại hình du lịch, thương mại dịch vụ, điều này tạo thêm công ăn việc làm thu nhập cho người dân vùng quê, nhưng quan trọng hơn hết là hoạt động lễ hội này đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng anh hùng cho nhân dân và giúp người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từ đó hăng hái thi đua lao động sản xuất.

Trên đường về, đến địa phận xã Tân An, tôi bắt gặp công trình làm đường dẫn cầu Tân An đang thi công. Công trình cầu Tân An dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016, tạo thành một hệ thống giao thông mới, hoàn chỉnh kết nối trung tâm thị xã Tân Châu đến các xã biên giới và nước bạn Campuchia, tạo động lực cho các xã vùng giáp biên: Tân An, Tân Thạnh, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương, Phú Lộc, và thị xã Tân Châu phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở tuyến biên giới An Giang.

Trong dòng suy nghĩ miên man, tôi chợt nhớ đến câu hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Qua con sông Tiền rồi qua con sông Hậu, ta dắt nhau qua miền thương nhớ bạn mình ơi…” Miền thương nhớ An Giang bây giờ đã xanh tươi trù phú và ít còn cách trở đò giang như trước đây nữa. Hãy một lần đến với Tân Châu quê lụa, thăm Giồng Trà Dên, Núi Nổi để cảm nhận về sự thay đổi từng ngày của quê hương An Giang anh hùng trong đấu tranh và năng động trong xây dựng cuộc sống mới.

Theo Khái Hưng (CTTĐT AG)