Tab Từ Khóa "Du lịch An Giang"
Showing posts with label Du lịch An Giang. Show all posts
Châu Đốc An Giang cũng đã rất nổi tiếng với những hành trình du lịch sinh thái, thưởng ngoạn thiên nhiên phong phú giàu có, nay lại thêm phong phú bởi hành trình du lịch sinh thái tham quan làng bè thủy sản Đa Phước. Làng bè mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt du khách tìm đến, háo hức trải nghiệm cuộc sống sông nước thanh bình, giản dị, và thưởng thức những món ăn đậm đà, dân dã mà hương vị tinh tế của người dân tại đây.

Dừng chân tại bến đò Châu Giang, du khách tiếp tục chuyến đi bằng thuyền để tiếp cận làng nổi Đa Phước. Làng bè từ lạ thành quen, từ chút xa xôi rồi trở thành điểm tham quan quen thuộc gần gũi đối với khách du lịch xa gần khi đến Châu Đốc, An Giang.

Hầu hết du khách đã có dịp dừng chân và khám phá làng bè thuỷ sản Đa Phước, đều tỏ ra hào hứng và thích thú khi hồi tưởng lại chuyến du lịch hấp dẫn và mới lạ của mình.

Làng bè hay còn gọi là làng nổi Đa Phước với vài trăm nhà bè neo đậu san sát nhau, hình thành trên thượng nguồn sông Hậu. Những con người hồn hậu, bình dị nơi đây đã quen thuộc với cuộc sống quần cư trên mặt nước, dập dềnh và lênh đênh trên những chiếc thuyền gia đình, với đầy đủ các vật dụng cần thiết và sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thuỷ sản.

Đến đây, du khách có thể chọn tham quan trong ngày, mua sắm và thưởng thức bữa ăn địa phương chân chất với giá rất rẻ.

Hoặc nếu có thời gian hoặc yêu thích không khí yên bình, cùng cuộc sống mới lạ trên thuyền, du khách có thể chọn ở lại vài ngày theo hình thức du lịch homestay – sống ngay trên thuyền của người dân, cùng ăn, cùng lao động, để từ đó cảm nhận thực tế hơn những nét đẹp, nét đặc sắc trong văn hoá sông nước, cũng như góp nhặt những kỷ niệm và trải nghiệm độc đáo, khó quên cho hành trình khám phá du ngoạn của mình.

Không còn xa lạ với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, cuộc sống tại làng bè thuỷ sản Đa Phước tuy dân dã, thiếu thốn nhưng lạ thay luôn mang lại cho du khách rất nhiều ấn tượng đẹp. Những kỷ niệm đáng nhớ có được khi thăm làng bè thuỷ sản Đa Phước này, cứ vậy mà sống mãi trong lòng khách phương xa.

VinTrip! tổng hợp
Con đò nhỏ Tân An đưa tôi từ thị xã Tân Châu đến xã Tân Thạnh, nơi có căn cứ cách mạng Giồng Trà Dên. Vào ngày cuối năm, dòng nước trên kênh Xáng, dòng kênh nối giữa sông Tiền và Sông Hậu, có vẻ trong xanh hơn. Cơn gió xuân nhẹ thoảng qua làm tôi cảm thấy dịu đi sự mệt mỏi khi đã đã vượt chặng đường hơn 70km, từ thành phố Long Xuyên đến thị xã Tân Châu, và chỉ còn khoảng 5km nữa thôi thì tôi sẽ đến xã Tân Thạnh, thăm lại Giồng Trà Dên, Núi Nổi, căn cứ cách mạng của Tân Châu và của tỉnh An Giang trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Theo sử sách của Tân Châu còn ghi lại thì Giồng Trà Dên khi xưa có địa thế hiểm trở, được bao quanh bởi rừng tre dày, chằng chịt, và nơi đây được xem là yếu điểm quân sự, căn cứ cách mạng của quân và dân Tân Châu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

Qua phà Tân An, đi trên tuyến tỉnh lộ 952, tôi cảm nhận được sự mát mẻ và yên bình của con đường quê có nhiều cây xanh, nhiều cây ăn trái được người dân trồng hai bên đường như: xoài, dừa, mít, mận, vú sữa… Và san sát nhau là những ngôi nhà ngói mới, những ngôi nhà tường khang trang đã mọc lên cùng với những ngôi nhà sàn, nhà cây ván có từ lâu đời của người dân vùng giáp biên.

Di tích lịch sử cách mạng Giồng Trà Dên được xây dựng hoàn thành vào năm 1995, nằm trên tỉnh lộ 952, trong một không gian thoáng đãng có nhiều cây xanh, gồm Bia lưu niệm và Nhà bia tưởng niệm. Đến nơi này cùng với tôi thắp nén nhang tưởng nhớ hơn 100 anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng nằm lại ở Giồng Trà Dên, còn có chú Trần Minh Gom, còn gọi là Út Gom, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã Tân Thạnh. Chú Út Gom là người tham gia lực lượng du kích mật ở địa phương khi tuổi đời chỉ vừa độ thiếu niên, vào năm 1969. Năm tháng chiến tranh đã đi qua, những người thân, đồng đội của chú Út đã anh dũng hy sinh và được khắc tên trên Nhà bia tưởng niệm.

Chú Út bùi ngùi chỉ tay lên tấm bia ghi tên của ba mình là ông Trần Văn Quơn và hai người anh của chú là ông Trần Văn Định và Trần Văn Đến. Rồi chú Út chậm rãi kể cho tôi nghe về câu chuyện năm xưa ở Giồng Trà Dên:“Địa danh Giồng Trà dên đã có từ rất lâu, từ thời kháng chiến chống Pháp, người dân Giồng Trà Dên đã quyết giữ đất, giữ làng bám trụ quê hương. Đến thời chống Mỹ nhân dân nơi này anh dũng kiên trì đứng lên chống giặc. Đến năm 1960 vùng này trở thành căn cứ rộng lớn, có hàng chục, hàng trăm mẫu tre, cho bộ đội dừng chân đánh ở vùng chữ O, đến căn cứ B1. Đến năm 1968, nơi này địch tàn phá ác liệt nhất. Nhân dân Giồng Trà Dên vẫn kiên cường làm cách mạng, nuôi chứa bộ đội, bám trụ cho đến ngày hòa bình”

Chú Út Gom cho chúng tôi biết thêm, chính quyền địa phương các xã Tân An, Tân Thạnh luôn khắc ghi truyền thống của cha ông, hằng năm vào các dịp Lễ kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ hay Lễ 30/4, luôn tổ chức thành đoàn đến viếng bia tưởng niệm, thăm hỏi, tặng quà gia đình có công với cách mạng ở địa phương.

Khi nén nhang ở nhà bia tưởng niệm đã tàn cũng là lúc chúng tôi chia tay chú Út Gom để đến tìm hiểu thêm về Núi Nổi và Phù Sơn Tự.

Trên tỉnh lộ 952, từ Tân An đến cầu An Thôi Lôi rẽ trái sẽ vào khu vực khu dân cư ấp Núi Nổi, trụ sở UBND xã Tân Thạnh cũng nằm gần khu dân cư. Hai bên đường cột cờ và hàng rào thẳng tắp, người dân ấp Núi Nổi vừa cùng chính quyền địa phương lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng thắp sáng đường quê. Theo ông Trần Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh thì đây là công trình chào mừng lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2015) của người dân nơi căn cứ cách mạng Giồng Trà Dên.

Sau 10 năm thành lập (tách ra từ xã Tân An vào năm 2015), xã Tân Thạnh có tổng diện tích tự nhiên là 1228,98 ha, trong đó diện tích nông nghiệp 1082,47 ha. Xã có 06 ấp, 1862 hộ dân với tổng số nhân khẩu 7293 người. Người dân ở đây sống chủ yếu sống bằng nghề nông (chiếm 76%), bên cạnh đó là nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và dịch vụ thương mại, kinh doanh nhỏ lẻ. Ông Trần Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh cho tôi biết: “Để phát triển đời sống cho người dân, hướng tới chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh, của thị xã như: lúa, rau quả, cá nước ngọt.”

Bây giờ người dân vùng Tân Thạnh đã làm lúa 3 vụ/ 1năm, nên quanh năm luôn có công ăn chuyện làm, bận rộn với việc đồng áng. Trên cánh đồng Tân Thạnh đang vào cuối mùa thu hoạch vụ lúa Thu Đông, máy gặt đập liên hợp chạy liên hồi, và trên tuyến đường cộ vừa mới sửa chữa trong năm 2014, các xe tự chế và xe kéo bằng sức trâu cũng thay phiên nhau vận chuyển lúa của nông dân ra điểm tập kết để bán.

Chú Trịnh Văn Dứt, nông dân thâm niên ở cánh đồng Tân Thạnh, hiện làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Phú A1, cho chúng tôi biết: “Từ tổ liên kết sản xuất phát triển thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới cũng không dễ dàng gì. Hiện nay, có gần 474 thành viên tham gia vào HTX, canh tác với diện tích 489 ha, làm ở cánh đồng lớn thoải mái hơn, không lo bị thương lái ép giá lúa, nên chúng tôi an tâm sản xuất, hằng năm lợi nhuận mang lại đều rất khả quan”

Giữa 820 ha đất ruộng cánh đồng xã Tân Thạnh, có một gò đất diện tích khoảng 1 ha nhô cao độ chừng 10m. Người dân nơi đây trước giờ vẫn gọi là Núi Nổi. Phù Sơn Tự được hình thành giữa gò đất ấy từ hơn một trăm năm trước, nơi đây khi xưa với địa thế hiểm trở, từng là căn cứ địa cách mạng liên hoàn với Giồng Trà Dên- Rạch Rít. Xung quanh Núi Nổi là đồng ruộng mênh mông, có nhiều thú hoang, cỏ dại, là địa thế tốt cho những bậc sĩ phu yêu nước lánh nạn chờ thời cơ khởi nghĩa. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, nơi đây là căn cứ của cách mạng, nơi trú ẩn an toàn của các tổ chức Đảng từ huyện, tỉnh, đến trung ương. Riêng chi bộ Đảng xã Tân An và một số xã chung quanh, và lực lượng du kích địa phương gần như thường trực nơi này. Phù Sơn Tự đã được công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào năm 2001.

Đến nơi này, tôi cảm nhận được không gian mát mẻ, trong lành, nhiều loại cây cổ thụ, như: sao, bồ đề, me có niên đại trên trăm năm bao quanh Núi Nổi. Bên núi còn cái hồ nước thiên nhiên, rộng khoảng 60 mét vuông, người dân vùng này cho rằng hồ không bao giờ cạn nước, quanh năm luôn có nước ngọt. Tại Phù Sơn Tự có gian thờ chính, miếu Sơn Thần, miếu Bà Chúa Xứ và ngôi thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Dắt tôi đến tham quan Núi Nổi, Phù Sơn Tự, anh Nguyễn Hoàng Phương, cán bộ văn phòng UBND xã Tân Thạnh hào hứng giới thiệu: “Hằng năm, UBND xã Tân Thạnh đều tổ chức Lễ hội văn hóa- thể thao mùa nước nổi tại Núi Nổi. Lễ hội có nhiều hoạt động sôi nổi như: cúng sơn thần, ôn lại truyền thống đấu tranh của quân và dân thị xã Tân Châu, truyền thống khu di tích cách mạng Giồng Trà Dên và Khu di tích lịch sử Chùa Núi nổi, biểu diễn văn  hóa, văn nghệ, người dân tham gia tranh tài các môn thể thao như: kéo co, chạy việt dã, đẩy gậy, đua xuồng, bóng chuyền và nhiều trò chơi dân gian mang đậm nét sông nước đồng bằng”. Và theo như anh Phương cho biết thêm thì hoạt động Lễ hội này hằng năm thu hút vài ngàn lượt người dân và du khách đến tham dự.

Ngoài ngành nghề chính là trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh nhỏ lẻ, thì thông qua hoạt động lễ hội người dân nơi này sẽ phát triển thêm loại hình du lịch, thương mại dịch vụ, điều này tạo thêm công ăn việc làm thu nhập cho người dân vùng quê, nhưng quan trọng hơn hết là hoạt động lễ hội này đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng anh hùng cho nhân dân và giúp người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từ đó hăng hái thi đua lao động sản xuất.

Trên đường về, đến địa phận xã Tân An, tôi bắt gặp công trình làm đường dẫn cầu Tân An đang thi công. Công trình cầu Tân An dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016, tạo thành một hệ thống giao thông mới, hoàn chỉnh kết nối trung tâm thị xã Tân Châu đến các xã biên giới và nước bạn Campuchia, tạo động lực cho các xã vùng giáp biên: Tân An, Tân Thạnh, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương, Phú Lộc, và thị xã Tân Châu phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở tuyến biên giới An Giang.

Trong dòng suy nghĩ miên man, tôi chợt nhớ đến câu hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Qua con sông Tiền rồi qua con sông Hậu, ta dắt nhau qua miền thương nhớ bạn mình ơi…” Miền thương nhớ An Giang bây giờ đã xanh tươi trù phú và ít còn cách trở đò giang như trước đây nữa. Hãy một lần đến với Tân Châu quê lụa, thăm Giồng Trà Dên, Núi Nổi để cảm nhận về sự thay đổi từng ngày của quê hương An Giang anh hùng trong đấu tranh và năng động trong xây dựng cuộc sống mới.

Theo Khái Hưng (CTTĐT AG)
(BCT) - Không chỉ có thế mạnh thiên nhiên hữu tình, vùng Bảy Núi (An Giang) còn được biết đến là vùng đất tâm linh mỗi năm thu hút hàng triệu người đến chiêm bái. Các chuyến hành hương kéo dài suốt cả năm nhưng nhộn nhịp nhất vào khoảng tháng Giêng kéo dài tới tháng năm âm lịch.

An Giang là vùng đất có địa hình khác biệt trong các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ với hệ thống sông ngòi chằng chịt và là nơi khởi đầu của hai con sông lớn- sông Tiền và sông Hậu- cùng với hệ thống núi non tạo nên vùng bán sơn địa giữa đồng bằng trù phú. Du lịch ở đây đa dạng từ sông nước đến núi non nhưng nổi bật nhất vẫn là du lịch tâm linh. Hằng năm, vùng đất này có nhiều lễ hội ở các di tích, chùa chiền, thu hút đông đảo người dân từ mọi miền đất nước về đây chiêm bái.

Nhắc đến An Giang là nhắc đến Núi Sam (phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc)- nơi có ngôi miếu Bà Chúa Xứ nổi tiếng linh thiêng cùng với hàng chục ngôi chùa xung quanh cất ven chân núi lên tới đỉnh. Để có được chuyến du ngoạn thú vị, du khách chỉ nên dừng chân lại Núi Sam để chiêm bái rồi đổ bộ vào vùng Bảy Núi thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Nổi bật nhất là Núi Cấm được xem là "nóc nhà" của miền Tây Nam bộ, cao hơn 700 mét so với mực nước biển.

Ngọn núi này có người ở từ lâu. Khi xưa có rất nhiều mãnh thú, trong đó có cả hổ trắng hiếm có ở Đông Dương và nhiều người ẩn cư tu luyện trên núi. Từ đó, hình thành nhiều câu chuyện kỳ bí gắn với tâm linh của người Việt.

Ngày nay, Núi Cấm trở thành điểm đến của đất An Giang. Ngoài đường đi bộ, xe gắn máy và ô tô lên núi, còn có hệ thống cáp treo đưa du khách từ chân lên đỉnh núi khoảng 15 phút. Những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng trên núi Cấm được xây cất lại hoành tráng và lộng lẫy hơn. Con suối trước đây được cải tạo thành hồ nước rộng mênh mông.

Ở đây, người ta còn xây dựng tượng Phật Di Lặc tỏa nụ cười phúc hậu, cao 33,6 mét- đạt kỷ lục cao nhất Đông Nam Á. Trong lòng tượng là cả một tu viện rộng lớn. Quần thể những công trình kiến trúc tâm linh quanh hồ tạo nên một phong cảnh thơ mộng.

Ở độ cao này, nhiệt độ cũng dễ chịu hơn. Buổi sáng sớm hoặc xế chiều, ở đây có mây luồn, phong cảnh càng thêm huyền ảo, khiến du khách cứ ngỡ đang lơ lửng trên chín tầng mây của chốn bồng lai tiên cảnh.

Trên đỉnh núi còn có hệ thống hang động huyền bí. Có những đoàn cả trăm người đốt đuốc luồn hang như một cách tỏ lòng thành với thần linh năm non, bảy núi. Với người trẻ, luồn hang là một trải nghiệm thú vị để thử sức mình vượt qua những ngóc ngách hiểm trở của thiên nhiên.

Về vùng Bảy Núi, du khách còn tìm về vùng đất biên ải với lịch sử bi hùng. Ở một ngọn đồi của núi Phượng Hoàng có di tích cách mạng nằm giữa núi non hiểm trở. Nhờ địa hình này mà những chiến sĩ cách mạng đã có những chiến thắng vẻ vang, tô điểm cho những trang sử hồng miền Bảy Núi An Giang.

Đó là đồi Tức Dụp nằm cách trung tâm thị trấn Tri Tôn khoảng 9km về hướng Tây. Hệ thống hang động ăn thông với nhau tạo thành một căn cứ địa vững chãi trước bom đạn của kẻ thù.

Ngày nay, du khách tới đây phải luồn hang để đến với những cứ địa là căn cứ Tỉnh ủy và các cơ quan như Phụ nữ, Mặt trận, Thanh niên... ngay trong lòng núi. Đây là địa chỉ đỏ của du lịch về nguồn. Theo một hướng khác về phía biên giới cách trung tâm huyện chưa đầy 20km là chứng tích tội ác của Pôn Pốt. Người dân ở những ngôi làng sát biên giới bị thảm sát một cách dã man trong thời gian chiến tranh biên giới. Hài cốt được tập kết từ cánh đồng, trên núi và từ những ngôi nhà về thờ chung tại một tháp, người ta gọi là Nhà mồ Ba Chúc- chứng tích của tội ác diệt chủng Pôn Pốt.

Ngoài ra, vùng Bảy Núi còn sở hữu một hệ sinh thái đa dạng với rừng tràm Trà Sư. Tràm được trồng thành rừng bao phủ trên diện tích khoảng 850 ha giữa đồng lúa mênh mông trù phú. Dưới tán rừng tràm, mặt nước mênh mông, là nơi sinh sản của cá. Tràm là nơi trú ngụ của những đàn chim, cò và cả loài dơi quạ khổng lồ.

Mỗi chiều, chim bay rợp trời về đây trú ngụ sau một ngày kiếm ăn. Chạng vạng, đàn dơi lại túa đi bốn phương cho hành trình kiếm ăn trong đêm. Bơi xuồng dưới tán rừng xanh mát xem chim làm tổ, lướt đi trên những cánh bèo là dịch vụ ăn khách nhất của rừng tràm.

Từ miền Bảy Núi, di chuyển thêm khoảng 70-80km là đến Hà Tiên (Kiên Giang) thập cảnh. Từ đây, có thể đi tàu dạo chơi trên vùng biển Hà Tiên ngắm "Hạ Long của phương Nam" bằng tàu gỗ hoặc thêm khoảng hơn một giờ để đến với thiên đường biển đảo Phú Quốc; nếu làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia, du khách sẽ đến với thiên đường đảo Korong Salem, biển Sihanouk Ville chỉ trong vòng ba giờ di chuyển hoặc lên núi Tà Lơn huyền bí trên đường từ cửa khẩu Hà Tiên đến Sihanouk Ville.

Theo Thành Nguyễn (Báo Cần Thơ)
Bánh xèo chay phong phú không kém gì bánh mặn. Chỉ riêng việc dùng nấm làm nhân đã tạo ra tới gần 50 loại bánh xèo chay khác nhau. Vậy bạn có từng nghe nói về các chùa mang tên kỳ lạ như 'chùa Bún Riêu', 'chùa Bánh Xèo' chưa?

< Bánh xèo chay vỏ giòn tan, thơm phức không kém gì bánh mặn.

Chùa 'Bún Riêu' thì chắc chắn đã nghe qua hoặc viếng rồi. Vậy còn chùa 'Bún Riêu'? Có lẽ bạn từng nghe mang máng. Ngày nay, không những một mà có đến 2 chùa 'Bánh Xèo'. Đây là nơi bạn có thể đến dùng bữa miễn phí, có cúng dường hay không tùy hỉ, chùa đều hoan hỉ tiếp đón.

Cửa Phật từ bi, rộng mở: Từ bi ở đây chính là tấm lòng nghĩ đến người nghèo, còn rộng mở là phục vụ mọi người. Người thiếu ăn thì tìm đến chùa xin miếng cơm, miếng nước. Người có điều kiện sống khá hơn thì phát tâm đến chùa cúng dường và chùa đứng ra thể hiện tấm lòng ấy. Đến một khi tâm từ bi được thể hiện một cách công tâm và minh bạch thì nhà chùa lại nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn. Mời bạn xem qua về 2 ngôi chùa này nhé:

Chùa Bánh Xèo - An Giang

Chùa Bánh Xèo tọa lạc tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên - An Giang. Đây là ngôi chùa cổ, qua nhiều đời trụ trì, đã xuống cấp. Chính vì vậy mà thượng tọa trụ trì đương thời, Thích Thiện Chí đã tiến hành xây dựng, tôn tạo cho thêm phần uy nghi, tôn nghiêm bắt đầu từ vài năm nay.

Chùa Bánh Xèo còn có tên gọi dân gian khác là chùa Phật Nằm. Vì, bên phải trước chánh điện có tượng Phật nằm khá lớn. Tượng này, qua thời gian xuống cấp, cũng đang được tôn tạo cho thêm phần uy nghiêm, tôn kính. Hiện nay, đến chùa, đập vào mắt khách thập phương là Đài Quan Âm tọa lạc bên trái trước chánh điện.

Đài gồm tượng Phật Quan Âm và hòn non bộ phía sau lưng có dòng thác róc rách tuôn chảy suốt ngày đêm. Đài có diện tích 5,5mx7m, với số tiền xây dựng khoảng 200 triệu đồng.

Chánh điện chùa đang trong thời kỳ nâng cấp. Dù vậy, đứng trước hàng hiên chánh điện, khách phương xa vẫn thích thú với bề mặt u nhã của nó.

Tiền điện có hai cặp đối. Một cặp bên ngoài ghi dọc hai câu đối âm Hán tự: "Hoằng pháp vi gia vụ/Lợi sanh vi bổn hoài". Cặp đối bên trong, cũng bằng âm Hán tự, ghi dọc: "Đông độ Tây Thiên trụ đại pháp/Lai nhân duyên hữu thoát trẩn ai". Cặp đối này đáng chú ý vì mỗi câu được khởi đầu bằng chữ: "Đông" và "Lai". Ghép hai chữ này lại thành Đông Lai, là tên chữ chính thức của chùa: Đông Lai cổ tự. Nhưng vì chùa tổ chức phục vụ miễn phí bánh xèo cho bất cứ ai đến viếng, nên người ta gọi là chùa Bánh Xèo cho "thân mật" và dân dã như bản tính của thượng tọa trụ trì.

Dù sư trụ trì "xuề xòa" nhưng việc xây cất chùa không đơn giản. Kiến trúc chùa mang đậm phong cách Á Đông và phương Tây. Trong chánh điện, tượng Phật to lớn, chỉ vài ba vị, nổi bật nơi tôn nghiêm nhất.

Dài hai tường chùa là phù điêu Thập bát la hán được chạm khắc tinh xảo, mỹ thuật. Trần chùa cao thoáng. Nóc chùa ba lớp nhỏ dần lên, lợp ngói đỏ, mái đao theo truyền thống chùa chiền Việt Nam... Thời gian này việc xây sửa chùa lúc nào cũng rộn rịp. Và, theo Thượng tọa Thích Thiện Chí, khi quyên góp được số tiền lớn nữa, sẽ tiến hành tạo thêm nét mỹ quan cho chùa...

Cô Trương Thị Kim Thùy, 32 tuổi, phật tử chùa Đông Lai, người phụ trách bếp cho biết: Việc tổ chức đổ bánh xèo và bánh tét khởi phát từ năm 1999, khi Thượng tọa Thích Thiện Chí về đây trụ trì. Đó là trước ngày kỷ niệm sư ông cất chùa (cũ) viên tịch, thầy Thiện Chí nghĩ đến việc làm này. Và, ngoài số Phật tử đến dự lễ giỗ sư ông, còn có một số khách thập phương tình cờ đến viếng chùa, cùng được thưởng thức món bánh xèo và bánh tét. Tất nhiên, sau khi thưởng thức bánh xèo, bánh tét, khách gần xa đều không ngớt lời khen ngợi, nên từ đó nhà chùa thường xuyên đổ bánh xèo phục vụ khách thập phương.

Cô tâm sự, sáng nào cô cũng đều ra chợ thị trấn Tịnh Biên mua rau cải, gạo, củi... Biết chùa làm việc thiện, một số người bán hàng "hiến cúng" một số rau cải, giá, đậu... Đặc biệt, vào mùa mưa, một số phật tử và một số người thiện ý lên núi hái ngành ngạnh, kim thất, lá sung, cát lồi, đọt bứa, lá vông, mã đề, măng tươi… đem "cúng" chùa. Đây là những loại rau rừng ngoài việc giúp thực khách ngon miệng với món bánh xèo, còn giúp họ bồi bổ cơ thể, ngăn ngừa một số bệnh.

Trước khi tái thiết chùa, bên cạnh chánh điện là nhà ăn, bếp, nhà vệ sinh khá gần kề nhau. Hiện nay nhà vệ sinh xây mới đẹp đẽ với gạch men láng bóng cùng nhiều lavabo... Nhà vệ sinh được "cắt" khỏi hông chùa, nhằm tạo không khí thanh sạch cho nơi tôn nghiêm. Phía sau chánh điện là nhà ăn, sau nữa là nhà bếp với hai nhóm: nhóm lặt rau, làm nhưn bánh xèo và nhóm nấu cơm.


Riêng đổ bánh xèo có bốn nhóm, mỗi nhóm có khoảng hai người, anh Ngô Văn Vũ (31 tuổi, đổ bánh xèo cho chùa khoảng 5 năm nay) cho biết như vậy. Một người đổ bánh với 10 chảo, một người phụ việc, chuyển bánh lên nhà ăn. Củi lửa lúc nào cũng hừng hực, nên khu vực đổ bánh xèo là dãy nhà bên phải và cách chánh điện một khoảng sân, nhằm tránh ảnh hưởng sức nóng đến chùa và các phần việc liên quan khác.


Cô Kim Thùy cho biết vào các ngày rằm, mồng một âm lịch, chùa có tổ chức nấu bánh tét phục vụ khách thập phương, khoảng 800 – 900 đòn/ngày. Phần việc này do bà con lối xóm tự nguyện đến làm công quả.

Đáng quan tâm hơn, ngoài đổ bánh xèo, phục vụ bánh tét, chùa còn khoản đãi cơm chay cho khách viếng chùa. Cơm chay với các món: chiên, xào, mặn, canh. Muốn thưởng thức cơm chay, khách phải đặt trước để nhà chùa chuẩn bị.

Từ 6 giờ sáng đến 7-8 giờ tối, khách viếng chùa lúc nào cũng được ăn bánh xèo. Ăn đến no thì thôi. Khi khách ít, người phục vụ liên tục chuyển bánh đến. Những lúc khách đến đông thì khách phải tự mình xuống bếp mang bánh lên. Những ngày khách viếng chùa đông, những người làm công quả lâu năm đều biết, nên mạnh ai nấy tới chùa lãnh một vài nhiệm vụ. Nhà ăn có 30 bàn với 300 ghế, vậy mà ngày rằm, mồng một (âm lịch) hoặc lễ vía lớn, lúc nào cũng "hết chỗ", khách phải đứng chờ.

Nhờ lực lượng làm công quả mà việc phục vụ ăn uống cho khách lúc nào cũng khá vẹn toàn. Bàn ăn và ghế bằng nhôm lúc nào cũng láng bóng. Chén đũa sạch sẽ, tinh tươm. Mỗi bàn ăn đặt sẵn lọ tăm xỉa răng, hộp khăn giấy, hộp đũa muỗng, hũ nước mắm chanh ớt, chén nhỏ đựng ớt trái...

Càng chu đáo hơn, sau khi khách ăn (cứ ăn thoải mái đến no bụng thì thôi) xong còn được tráng miệng bằng ly cà phê đá mát lịm cần cổ. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Đáng ca ngợi nhất là thái độ phục vụ của những người làm công quả, ai cũng vui vẻ, nhiệt tình với khách. Chính vì vậy mà chùa Đông Lai ngày càng thu hút khách thập phương đến viếng, ngoài khách khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn có khách từ miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đến.

Chùa Bánh Xèo - Vũng Tàu

Bánh xèo chay là món ăn mà Ni viện Thiện Hòa (Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) dùng để đãi khách và tên gọi của chùa cũng bắt đầu từ đó.

Chùa Bánh Xèo có tên chính thức là ni viện Thiện Hòa, nằm ở bên phải, sau Đại Tòng Lâm Tự, thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để đến chùa Bánh Xèo du khách có thể đi bằng hai cách: hoặc vào cổng Đại Tòng Lâm rẽ phải, rồi rẽ trái chạy theo con đường nhỏ khoảng 800 m, ngang qua 6 tự viện đề bảng hiệu là: chùa Bảo Tịnh, tịnh thất Diệu Nghiêm, tịnh thất Long Nhiễu, thiền tự Hiện Quang, thiền viện Huệ Chiếu và tu viện Viên Thông, cuối cùng là ni viện Thiện Hòa. Đường này nhỏ, chủ yếu dành cho là xe 15 chỗ trở xuống.


Hoặc chạy qua khỏi cổng Đại Tòng Lâm, ngay bên hông có một con đường rộng với tấm bảng đề Trường Phật học Đại Tòng Lâm, rẽ vào đi đến cuối đường rẽ phải thì đến ni viện Thiện Hòa. Xe khách 40 - 50 chỗ có thể vào theo đường này.


Thuở ban đầu ni viện Thiện Hòa chỉ là một am nhỏ được dựng lên vào năm 1989. Đến năm 1990, hòa thượng Thích Thiện Hòa cho xây dựng thành ni viện làm nơi tu hành cho các ni cô. Ni viện dù được xây dựng quy mô nhưng vẫn mang nét cổ kính của ngôi chùa Việt. Hiện nay, nơi này còn là trường trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm.

Ni sư trụ trì chùa, pháp danh là Thích nữ Như Như, từ kinh nghiệm phục vụ món bún riêu chay của tu viện Phước Hải rất được khách thập phương ưa chuộng, đã nghĩ ra ý tưởng chọn bánh xèo chay để đãi khách khi đến ni viện Thiện Hòa.

Bột dùng để làm bánh thì ngày nào chùa cũng xay sẵn, và rau trồng trong vườn. Còn những thứ khác như củ sắn, cà rốt, mì căn, dầu ăn thì do các Phật tử có điều kiện ủng hộ. Tiếng lành đồn xa, trong những năm gần đây khách hành hương tìm đến ngày càng nhiều và tên gọi “chùa bánh xèo” cũng xuất phát từ đó.

Ngoài món chính là bánh xèo, chùa còn phục vụ những món ăn khác như bún chay, bánh tét chay, cơm chay, hay bắp rang.


Nhà ăn (Thanh Lạc Trai) ở đây rất sạch sẽ, thoáng mát với các dãy bàn tròn làm bằng inox. Có lẽ do nơi đây cũng là khu nội trú của hơn 200 ni sinh trường trung cấp phật học nên mọi thứ đều rất quy củ. Ngoài công việc chính là tu học, các ni sinh còn tham gia vào việc làm bánh xèo đãi khách, sản xuất tương, chao để bán cho khách hành hương.


 Ở đây, tất cả đều miễn phí và... ăn bao nhiêu cũng được. Bạn cứ tưởng tượng rằng mình đang đi ăn buffet, tự động lấy chén đĩa, muỗng và đến từng quầy thức ăn để nhận thức ăn. Muốn ăn món nào thì lấy món ấy, ăn hết nếu còn bụng thì lại ăn tiếp. Chỉ khác buffet nhà hàng ở chỗ là bạn không hề phải trả tiền, thế thôi.

Tết năm nay nếu có dịp đến Vũng Tàu, khi quay về bạn có thể ghé vào chùa Bánh Xèo. Trước là lễ Phật, viếng cảnh chùa, sau nữa là thưởng thức món bánh xèo chay độc đáo của nhà chùa.

Biên tập từ Báo Cần Thơ, Vnexpress và nhiều nguồn khác