Tab Từ Khóa "Ẩm thực địa phương"
Showing posts with label Ẩm thực địa phương. Show all posts
(TTO) - vùng trung du Hạ Hòa (Phú Thọ), từ bao đời nay, mỗi khi tiết trời vào xuân người dân lại lên rừng hái lộc non về ăn. Đó là rau đắng cảy, món ăn đậm đà dư vị từ núi rừng.

< Món rau đắng cảy xào trứng gà đậm đà bổ dưỡng.

Rau đắng cảy là loại rau dại mọc nhiều trên rừng và núi cao. Người dân nơi đây từ lâu đã biết hái lộc đắng cảy về ăn và dần thành “nghiện” món rau rừng này.

Rau đắng cảy thân nhỏ, cành khẳng khiu, lá màu xanh ngắt. Điều đặc biệt là nếu lá đắng cảy có vị đắng thì rễ lại có vị ngọt mát. Vì thế, người ta thường lên núi đào lấy rễ về băm nhỏ, phơi khô và sao vàng để hãm nước uống như một vị thuốc quý.

< Đắng cảy là loài rau dại mọc trên núi cao.

Theo dân gian, đắng cảy bổ dưỡng và có lợi cho máu, huyết áp.

Vào tháng giêng, tháng hai, mưa xuân lất phất, khí hậu ấm áp, đắng cảy ra lộc non. Ở khắp thân cành, những búp non mọc chi chít, mỡ màng. Đó là thời điểm rau ngon nhất và chỉ đợi đến lúc ấy, người dân rủ nhau lên núi hái lộc non đắng cảy về chế biến.

< Lá đắng cảy đã già sẽ dùng để chế biến món canh.

Những chú bé chăn trâu ven rừng, buổi chiều về, vắt vẻo trên lưng trâu, trong túi cũng nhét những đọt rau đắng cảy tươi non.
Mớ rau đắng cảy non mướt, dù cả năm chỉ được thưởng thức một bữa thôi, cũng thấy thỏa lòng.

< Món canh rau đắng cảy là vị thuốc để giải cảm.

Rau đắng cảy hái về phải ăn ngay mới ngon và giòn. Có thể chế biến thành nhiều món, mỗi món đều để lại dư vị đậm đà. Rau đắng cảy xào trứng gà, luộc chấm với muối vừng, muối lạc, hấp trong nồi cơm hoặc lam trong ống nứa, lá già băm nhỏ nấu canh dùng để giải cảm rất tốt…

< Món rau đắng cảy luộc có vị bùi bùi.

Khi thưởng thức, đắng cảy có vị bùi bùi, ngăm ngăm đắng. Theo kinh nghiệm, muốn có những đọt rau đắng cảy tươi ngon, người dân phải lên núi hái vào tiết trời ấm áp.

Là một món ăn dân dã trong bữa cơm thường ngày, nhưng trong mâm cỗ, nếu có đĩa đắng cảy thì càng đáng quý bởi đây còn là món ăn được người dân Hạ Hòa chế biến thết đãi khách đến thăm nhà.
Có dịp đến vùng trung du Phú Thọ, bạn hãy nhớ thưởng thức món rau đắng cảy để cảm nhận được vị ngon của rau rừng hiếm có này.

Theo Nguyễn Thế Lượng (Dulich.Tuoitre)
(DVO) - Nghệ thuật ứng xử và chế biến món ăn đã dần thành nét văn hóa ẩm thức trong dân gian miền Tây. Nấu món cháo “mắt heo” là một biểu hiện thú vị đó.

Trong đời sống hàng ngày, tự bao đời nay với trí tuệ sáng tạo, tìm tòi và khám phá, người dân miền Tây Nam Bộ đã hình thành nét văn hóa tận dụng những gì sẵn có, từ vật nuôi, cây trồng quanh nhà để chế biến thành những món ăn ngon, bổ dưỡng.

Những thứ rau hoang mọc ngoài vườn tạp được hái về ăn sống, nấu canh, … Những loài vật nuôi, hay sống trong môi trường hoang dã cũng trở thành đặc sản: đuông chấm nước mắm, thịt chuột hấp cơm, …

Khi trong xóm có nhà ai đó làm thịt heo thì gần như các bộ phận của con heo đều được bà con khéo léo chế biến ra nhiều món ăn, mỗi thức một vẻ, không lẫn lộn. Đối với đầu heo, người ta thường nấu cháo. Và rồi, dần dần lại có riêng cách nấu món cháo “mắt heo”.


Nấu món cháo mắt heo khá cầu kỳ, gần giống với cách nấu món cháo cá. Đầu heo sau khi làm sạch rồi dùng dao bén lóc hết thịt, lưỡi, tai để chế biến, chỉ còn trơ lại xương. Xương đầu heo nếu đem hầm bình thường sẽ không ngọt như xương ống, xương sườn mà lại có mùi hơi hôi rất khó ăn. Bởi thế, phải lấy nguyên bộ xương đầu heo còn nguyên cả hai mắt đó đem luộc sơ bằng nước pha chút muối cùng chút nước giấm ăn. Sau đó đổ ra rửa sạch, bỏ vào hầm với nước mới, xương lại ngọt ngon như thường.


Món cháo mắt heo cách nấu khá đơn giản*. Sau khi hầm kỹ phần xương, phần mắt heo và các hốc xương còn dính thịt được lóc ra thành từng miếng. Có khi chỉ một hai miếng xương đã chất đầy tô loại lớn.

Lấy nước hầm xương với thịt thủ cùng mắt heo cho vào nấu cháo. Người ta bỏ thêm vào đó nắm gạo, nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi đun nhỏ lửa trên bếp cho cháo nhừ. Cầu kì hơn thì cho thêm vào nồi cháo ít nấm rơm đã làm sạch và chần qua nước sôi chuẩn bị trước đó.

Trong hầu hết các món ăn, người miền Tây rất ưa rau. Nấu món cháo đầu heo cũng không ngoại lệ, Những đọt rau cải trời mọc hoang tháng nắng, những cọng rau đắng đất, đắng biển, cũng có mặt để hòa quyện hương vị cho món ăn thêm phong phú.

Chiều chiều, được tô cháo nóng mắt heo kèm với ít lát gừng, ớt làm mồ hồ toát ra, bao mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả dường như tan biến hết.

Theo Minh Khuyên (Dân Việt)

Trên thì 'Nấu món cháo mắt heo khá cầu kỳ', dưới thì 'đơn giản', sao lạ vậy cà?
Yên Bái không chỉ có những địa danh du lịch nổi tiếng mà còn có rất nhiều đặc sản. Tuy nhiên, có những món đặc sản đòi hỏi bạn phải thật dũng cảm mới có thể thưởng thức.

1. Ngóe ôm măng

Ngóe ôm măng là món ăn ngon và hiện nay đã được liệt vào hàng đặc sản khó tìm. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn và nghe cách chế biến, chưa chắc bạn đã dám nếm thử.

Ngóe sau khi bắt từ đồng về được nuôi nhốt để thải sạch phân sau đó rửa sạch để loại bỏ chất nhớt trên da. Măng rừng rửa sạch, để nguyên óng ngâm với nước sạch khoảng 3-4 ngày để có vị chua thanh thanh. Bắc nồi măng lên bếp đun đến khi sủi tăm tăm thì cho ngóe vào.

Nước nóng sẽ khiến những con ngóe nhanh chóng tìm tới những óng măng và chui vào trú ngụ và chín nguyên con ở trong đó. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt ngóe và vị chua mát của măng hòa quện mang đến cảm giác thơm ngon lạ miệng. Đảm bảo nếu bạn đã ăn một lần thì sẽ không dừng lại được.

Tuy nhiên, ngày nay do môi trường sống của ngóe có nhiều thay đổi nên khi chế biến người ta thường lột vỏ và bỏ nội tạng của nó đi để món ăn đảm bảo vệ sinh và thẩm mỹ hơn.

2. Dế chiên Nghĩa Lộ

Dế mèn là loại côn trùng giàu prôtít, ít chất béo, tuy nhiên, nhìn hình dáng bên ngoài không ít người phải rùng mình về độ “dị” của món ăn này.

Những chú dế sau khi được bắt về sẽ được người làm bếp khéo léo cắt bỏ chân, rút ruột và bỏ túi hôi ở gáy. Sau đó, dế được rửa qua với nước măng chua hoặc nước sôi và ướp gia vị bao gồm: nước mắm, tiêu, hành, tỏi, bột ngọt.. Khi chiên chỉ cần cho một lượng dầu nhỏ bởi bản thân dế đã có rất nhiều dầu, khi chiên hạn chế đảo để tránh tình trạng làm gãy càng và thân dế.

Dế sau khi chiên có màu vàng ruộm đẹp mắt, mới thưởng thức sẽ thấy khá đáng sợ tuy nhiên càng thưởng thức sẽ cảm thấy nghiền vị giòn tan, dai dai bùi bùi của dế. Món này có thể ăn kèm cùng cóc xanh, xoài xanh, dưa chuột, chanh.. và để nhắm bia hay rượu thì quả là tuyệt cú mèo.

3. Đuông cọ - nứa

Những con đuông béo ngậy là món ăn rất được yêu thích của một số đồng bào dân tộc ở Yên Bái. Khác với các món đuông dừa, đuông cọ hoặc đuông nứa ở Yên Bái thường được nướng, rán vàng hoặc nấu cùng măng chua.

Trái ngược với vẻ ngoài hơi kinh dị của nó, con đuông khi chế biến thành món ăn có vị ngọt mềm và béo. Ngoại trừ lớp vỏ mỏng dai dai, còn lại toàn bộ các bộ phận khác của con đuông rất mềm, tựa như một món ăn đã được hầm nhừ và béo ngậy. Tuy nhiên, con đuông có chứa một số chất gây dị ứng, vì vậy nếu là lần đầu thưởng thức món này, hãy ăn thử từ từ xem cơ địa mình có hợp với nó không nhé.

4. Pả mẳm

Pà mẳm gọi theo tiếng của đồng bào Thái có nghĩa là mắm cá. Món ăn này tuy không cầu kỳ nhưng yêu cầu phải đảm bảo theo từng bước để mắm ngon và không bị thối. Cá dùng để làm Pà mẳm nhất thiết phải là cá ruộng. Sau khi bắt ở ruộng về được thả trong bể từ 3 đến 4 ngày cho nhả hết bùn đất sau đó rửa sạch để ráo nước. Cá được xếp vào lọ với tỷ lệ cứ một lớp cá một lớp muối và đậy chặt lại tránh ruồi, muỗi.


Qua 10 ngày, chắt nước trong vại ra đun sôi để nguội rồi lại đổ vào vại cá. Công đoạn này được lặp lại 3 lần vào những ngày kế tiếp cho đến khi cá hết mùi tanh, có mùi thơm sau đó cho gia vị như: hạt sẻn, ớt tươi, xả, riềng... vào lọ. Bịt kín miệng lọ rồi đem chôn ít nhất 6 tháng là dùng được.


Pà mẳm khi mở ra phải có mùi thơm của thính nếp, gia vị và cá được ướp chín bằng rượu, muối và các gia vị cay nóng nên không còn mùi tanh. Cá phải đảm bảo còn nguyên con, thịt màu hồng tươi và dai như cá mực. Món ăn này có thể được nướng chín hay dùng sống tuỳ thuộc vào sở thích của gia đình.

Tuy nhiên, hiện nay những người làm được Pà mẳm ngon và đúng cách không còn nhiều, do vậy món ăn này dần dần đang bị lãng quên và khó tìm tại Yên Bái.

5. Châu chấu rang

Châu chấu là loài côn trùng gây ra tác hại không nhỏ đối với hoa màu, đặc biệt là lúa non. Vì vậy, món châu chấu rang vừa là món ăn đặc sản đồng thời góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ mùa màng cho bà con nông dân.

Chế biến châu chấu vô cùng đơn giản nhưng đòi hỏi sự kỳ công và tỉ mẩn. Trước hết, phải làm rụng cánh châu chấu bằng cách thả chúng vào nước sôi, sau đó rút bỏ đi phần đầu châu chấu, kéo theo ruột ra ngoài. Dùng kéo cắt phần càng cứng nhọn phía dưới của châu chấu. Cuối cùng là cho chút muối xóc đều rồi rửa sạch và để ráo nước.

Khi rang, cho châu chấu, nước măng chua, mỡ, nước mắm vào rang cho cạn nước. Sau đó để lửa thật nhỏ rang cho tới khi thấy càng châu chấu vàng đều, tắt bếp rắc thêm lá chanh thái chỉ là xong. Ăn châu chấu rang, bạn sẽ cảm nhận được vị béo ngậy, bùi ngọt của châu chấu cùng với hương thoảng qua của nước măng chua và lá chanh mang đến cảm giác ngon lạ vô cùng.

Châu chấu rang có thể ăn nóng hay nguội đều ngon. Dùng làm món ăn chơi, hoặc ăn cùng cơm nóng, rau muống luộc chấm mắm cáy cũng rất tuyệt.

Theo Afamily.vn
(BQB) - Cá mòi có lắm xương dăm, thế nên nhiều người không ưa thích. Nhưng cá mòi ở Bản Sen (huyện Vân Đồn) với hương vị riêng, béo và thơm ngon, đặc biệt là cá mòi trứng dịp đầu năm, khiến nhiều người đã được thưởng thức rất khó quên.

< Bản Sen từ tháng 8 tới đầu tháng 10 là mùa cá Mòi. Thời điểm này cá béo, thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Người dân thường đánh bắt cá bằng cách thả lưới.

Là giống cá phổ biến ở vùng cửa sông, cửa biển, cá mòi có thân dài, mình dẹt, nhiều vảy ánh bạc. Cá mòi Bản Sen là loài ăn nổi, thường bơi theo đàn. Cá mòi ở đây có thịt ngậy thơm, béo, ngon nhất là từ khoảng tháng 8 tới tháng 10 và từ tháng 2 tới đầu tháng 3 âm lịch hằng năm, là mùa cá mòi chuẩn bị đẻ trứng.

< Những vùng nước sâu, lặng sóng, ít tàu thuyền qua lại được lựa chọn để thả lưới.

Theo lý giải của những lão ngư giầu kinh nghiệm thì vùng biển Bản Sen có nhiều vùng kín, nước lặng, độ mặn nước biển vừa phải, lại nhiều phù du, vốn là thức ăn ưa thích của cá mòi. Hơn nữa, các hoạt động nuôi trồng hải sản đa dạng ở đây như nuôi trai, tu hài, hàu… đã tạo ra một nguồn thức ăn tầng mặt lý tưởng cho cá mòi sinh trưởng.

< Rải luới xong, cố định và đánh dấu lưới bằng phao hiệu.

Việc đánh bắt cá mòi cũng có những quy tắc riêng. “Để bắt cá mòi cần loại lưới mắt nhỏ, thả tầng trên mặt nước. Thời điểm thả lưới là vào sáng sớm hoặc chiều bởi đây là lúc cá mòi kéo đàn đi kiếm ăn rất đông.

< Rồi gõ mạn thuyền đánh động đuổi cá vào lưới trong vòng khoảng 20-25 phút...

Đánh cá mòi cần tiến hành thời điểm đầu con nước, chọn “con nước thơm” tức là đầu con nước trong tháng là thời điểm nước không đục, dòng không chảy mạnh, nhiều thức ăn, cá đi kiếm ăn thành đàn.

< Thu lưới, gỡ những chú cá Mòi đầu tiên mắc lưới.

Thông thường các tháng đều có 2 con nước nhưng dịp cuối năm thường có 3 con nước, nước đứng ít chảy, cá đi kiếm ăn theo đàn đông. Đây cũng là mùa thả lưới cá mòi. Đánh cá mòi cũng không quá khó, sau khi thả lưới dạo thuyền một vòng gõ mạn thuyền hoặc dùng sào đạp mạnh để xua cá vào lưới”, ngư dân Trần Văn Quyến, thôn Nà Sắn, xã Bản Sen chia sẻ.

< Có những khi gặp đàn, cá Mòi mắc lưới vô số...

Cá mòi đánh bắt dịp cuối năm thường béo, thịt trắng thơm, bùi. Để chế biến cá mòi ngon cần phải giữ cá tươi sống bởi cá mòi rất dễ chết khi bắt lên bờ. Sau khi đánh bắt được, người ta bỏ cá vào văng (khoang nhỏ chứa nước mặn trên thuyền) để giữ cá tươi hoặc chế biến ngay.

< Cá Mòi đưa lên boong được phân loại ngay bởi cá Mòi dễ chết sau khi đánh lưới, đưa lên bờ...

Làm cá mòi không mổ dọc bụng, sau khi đánh sạch vảy cá, chỉ cần cắt ngang một lát vừa tầm ở phía dưới mang rồi moi mật, ruột ra, dùng tay móc mang cá. Cá mòi có thể được chế biến thành nhiều món: Rán, nấu chua, gỏi, có khi băm chả…

< Mùa này cá Mòi Bản Sen to dài, béo trắng, óng ánh vẩy bạc...

Tuy nhiên, cá mòi Bản Sen ngon nhất vẫn là cá mòi trứng, rất béo, thường chỉ được đánh bắt vào thời điểm đầu năm, từ tháng 2 tới đầu tháng 3 âm lịch. Sau tháng 3, khi cá sinh sản người dân không đánh bắt nữa bởi lúc này cá gầy, dễ chết... Vì thế ngư dân Bản Sen có câu: “Tháng 3 quạ thu ca mòi”.

< Món cá Mòi nướng giòn là món ưa thích của người dân vùng biển.

Cá mòi trứng béo, thịt dày, ngọt và có vị bùi đặc trưng. Cá mòi trứng nướng than hoa, rán giòn hoặc được kho với quả trám đen… đều ngon. Dù rán hay nướng việc chế biến khéo để ăn không bị hóc xương là rất quan trọng.

Do nhiều xương dăm nên cá mòi cần được làm sạch, khéo giữ buồng trứng sau đó khứa vài đường chéo trên thân, tiếp theo là rán hoặc nướng để làm chín, làm giòn xương…

< Món gỏi cá Mòi mang hương vị mặn mòi của biển cũng là một món ăn khá đặc trưng ở Vân Đồn mùa này.

Trong tiết trời se lạnh đầu năm, thật là thú vị khi được thưởng thức cá mòi trứng giòn bùi chấm với mắm gừng, chanh ớt... Cá mòi nướng còn nóng để cả con thưởng thức là ngon nhất. Vị thơm của thịt cá, vị ngậy của trứng cá mòi chấm mắm gừng, chanh khiến thực khách đã ăn sẽ nhớ mãi.

Theo Hà Phong (Báo Quảng Ninh)
(VNE) - Bún kèn có mùi thơm đậm chất biển của cá, vị béo nhưng không ngậy của nước lèo hay xôi xiêm dẻo thơm là món ăn bạn nhất định phải thử khi đến vùng đất Kiên Giang. Với 20.000 đồng, bạn có thể thưởng thức món ăn đường phố hấp dẫn.

< Bát bún kèn trông rất hấp dẫn với sự hòa quyện của các loại rau thơm.

Bún kèn

Bún kèn không phổ biến nhưng là món mà nhiều dân Kiên Giang thường chế biến trong mỗi bữa ăn. Nguyên liệu làm nên món bún kèn rất đơn giản, gồm cá, bún và các loại rau thơm.


Cá dùng để nấu bún phải là loại cá lóc đồng, thịt săn chắc và ít tanh. Sau khi làm sạch, cá được cắt thành lát nhỏ, ướp chung với một số gia vị rồi nấu chín, sau đó xay nhuyễn, không để cá nguyên miếng như một số nơi. Thịt cá nhuyễn đem xào cùng với ớt, sả, tỏi cho đến khi khô, bông lên thành ruốc.


Nước dùng cũng phải nấu từ xương cá, cốt dừa, ngũ vị hương và sả để tạo màu và có mùi vị hấp dẫn. Chỉ đơn giản như vậy nhưng món ăn này có vị bùi, mặn mà của cá và vị béo không ngấy của nước cốt dừa.

Tô bún ngon phải được ăn kèm cùng với rau thơm, bắp chuối, dưa chuột, giá hay nộm đu đủ. Bát bún được dọn ra trông đầy đặn, hấp dẫn bởi sự hòa quyện của các loại nguyên liệu. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị rất riêng, đậm đà vị biển.


Bún kèn có giá khoảng 20.000 đồng và thường chỉ bán vào buổi sáng. Khi ăn bạn có thể dùng thêm một chút nước mắm mặn và chút ớt tùy theo khẩu vị.


Xôi xiêm

Xôi nếp dẻo thơm hòa quyện với lớp nhân cốt dừa thơm bùi ăn rất hấp dẫn là món ăn bạn không nên bỏ lỡ khi đến vùng đất này. Nguyên liệu để nấu xôi gồm gạo nếp, trứng gà, đường, bột mì, bột bắp, lá dứa và nước cốt dừa.

Gạo để nấu xôi thường được chọn loại nếp dẻo, thơm, hạt căng mẩy. Gạo nếp được ngâm qua đêm rồi đem đồ cùng lá dứa. Nhân xôi được chế biến từ trứng, đường, nước cốt dừa theo tỷ lệ đã định rồi cho tiếp chút bột mì vào khuấy đều.

Khi đun phải liên tục khuấy đều tay cho nhân chín rồi bắc xuống để nguội. Đợi phần nhân chín, cắt thành từng miếng vuông, ăn cùng với xôi và thưởng thức.

Cắn miếng xôi dẻo thơm, cảm nhận vị thơm ngọt, béo ngậy và thoang thoảng hương thơm của lá dứa, rất thú vị. Mỗi đĩa xôi xiêm thường có giá khoảng 10.000 - 15.000 đồng.

Theo Anh Phương (Vnexpress)
(GĐXH) – Bình Phước nổi tiếng với những món ngon không trộn lẫn với những vùng quê khác như: gỏi trái điều, bánh hạt điều, hạt điều rang muối, ve sầu chiên giòn...và nhiều món ăn độc đáo khác.

Gỏi trái điều

Ai đã từng đi hoặc đã nghe tới Bình Phước thì chắc chắn cũng biết rằng ở đây vốn là nơi của rừng cao su bạt ngàn hay vườn điều với những trái trĩu quả. Tuy sản phẩm chính đó là những hạt điều nhưng trẻ con nơi đây vẫn thích ăn những trái điều mọng nước, chín vàng để chấm muối ớt, vừa ăn vừa sặc mà thấy thú vị. Hơn nữa người dân nơi đây dùng trái điều để làm gỏi rất ngon, vị chua chua ngọt ngọt được thêm một chút gì đó mặn mà của gia vị, rồi lại thêm miếng tôm, miếng thịt là được một món ăn lạ mắt, lại rẻ.

Bánh hạt điều

Bánh hạt điều là đặc sản khác từ hạt điều được khách du lịch tới Bình Phước được ưa thích. Nguyên liệu chính để làm bánh hạt điều là hạt điều, bột nổi, bột quế, trứng gà, đường, bột mì, một chút dầu ăn.

Bánh hạt điều khi chín sẽ có màu vàng của trứng, màu trắng của bột, kết hợp với mùi thơm và vị giòn tan của hạt điều, mùi thơm của bột quế, vị ngọt của đường, vị béo của dầu ăn rất hấp dẫn.

Hạt điều rang muối

Là vùng đất chuyên trồng điều vì thế hạt điều rang muối Bình Phước luôn giữ được nguyên vỏ lụa, vị ngọt, hương thơm đậm đà. Khi ăn hạt điều giòn tan và giữ được hương vị lâu hơn hạt điều vùng khác.

Vỏ lụa là lớp vỏ mỏng màu loang lổ nâu đôi khi pha nhiều sắc trắng là lớp phân cách giữa nhân hạt điều ăn được và lớp vỏ cứng bảo vệ bên ngoài. Trong quy trình bóc tách hạt điều lấy nhân, khâu bóc tách lớp vỏ lụa này là một trong những khâu phức tạp nhất bởi rất dễ làm vỡ hạt gây giảm giá trị đáng kể cho sản phẩm. Tuy nhiên đối với hạt điều rang muối, việc bóc lớp vỏ này thực sự không khó, đặc biệt là với cách xử lý của đội ngũ rang mộc lành nghề của chúng tôi. Đây cũng là nguyên nhân người tiêu dùng dành nhiều thiện cảm cho loại hạt này.

Ve sầu sữa chiên giòn

Món ăn này chỉ mới phổ biến trong vài năm gần đây nhưng đã được rất nhiều nhà du khách yêu thích và tìm đến để thưởng thức. Nhắc đến ve sầu là người ta cũng biết là côn trùng sống tự nhiên thường có nhiều nhất vào mùa hè và sống nhiều nhất trên cây điều, cao su hoặc cây rừng ở Bình Phước. Những chú ve sầu này được bắt về trong khoảng thời gian chúng lột xác, sau đó chúng được bỏ vảo một chảo dầu nóng, khi ve bắt đầu có mùi thơm và chín vàng. Món này được ăn kèm với râu sống hay nước mắm ớt tỏi. Những con ve sầu béo ngậy, giòn tan cùng với hương thơm rất cuốn hút và hấp dẫn.

Heo thả rong

Heo thả rong là đặc sản của sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) được nhiều du khách biết đến.

Đây là loại heo được nuôi bán hoang dã, hoàn toàn không dùng thức ăn chế biến nên chất lượng thịt ngon, ít mỡ. Loại heo nuôi thả rong này còn được gọi bằng nhiều tên khác như: Heo tộc, heo do đồng bào nuôi…

Heo được nuôi bán hoang dã: ban ngày, chúng được thả rong và tự tìm thức ăn từ các loại rau, củ và những thứ gì tìm được; ban đêm, chúng trở về nhà chủ. Heo thả rong vận động suốt ngày và ăn nhiều chất xơ nên heo gần như không có mỡ, thịt ngọt và dai. Heo thả rong được chế biến nhiều món như giả cầy nướng…

Thịt heo làm sạch, để nguyên da ướp với gia vị rồi nướng trên than hồng là món được xem là ngon nhất trong các cách chế biến thịt heo thả rong. Thịt heo nướng ăn kèm với chuối chát, rau sống, nhất là rau rừng được hái ở chân núi Bà Ra hay rừng Bù Gia Mập càng ngon.

Lá nhíp xào

Ở Bình Phước mua lá nhíp dễ hơn mua đọt mây. Các phiên chợ huyện và dọc đường về buôn sóc của đồng bào S’tiêng là địa điểm dễ tìm mua. Lá nhíp non có màu đỏ phớt, dưới cuống lá màu xanh. Khi nấu chín, lá có vị dẻo, ngọt và bùi. Không chỉ thơm ngon, lá nhíp còn cung cấp nhiều năng lượng, giúp phục hồi sức khoẻ.

Ngoài dùng để nấu canh thụt, bây giờ lá nhíp còn được các quán ăn, nhà hàng biến chế thành nhiều món ăn hấp dẫn như: Lá nhíp xào với tỏi, lá nhíp xào thịt bò, lòng gà, nấu lẩu, nấu canh với cá, tôm…

Đọt mây nướng

Đọt mây là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của người đồng bào S’Tiêng ở Bình Phước. Đọt mây nướng dưới than củi hồng, thơm thơm, ngầy ngậy.

Ăn đọt mây, bạn sẽ cảm thấy ở cổ họng vị đăng đắng xen ngọt và mát. Chấm đọt mây với muối ớt the nồng cộng thêm chút chanh, bạn đã tìm được ngũ vị tinh túy trên đời. Không chỉ vậy ăn đọt mây còn trị được chứng chướng bụng, đầy hơi và giải rượu.

Cơm lam

Cơm lam hay còn gọi là cơm ống là cơm được nấu chín trong ống tre, nứa hoặc ống lồ ô là món ngon của Bình Phước. Tùy theo người dùng có thể nấu bằng gạo tẻ hay gạo nếp và có thể trộn với các loại đậu xanh, đậu đen, đậu phộng… Ống tre được chọn để nấu không quá non cũng không quá già.

Cơm lam vừa dẻo vừa bùi lại thêm mùi thơm đặc trưng của ống tre nướng nên ai cũng thèm được thưởng thức. Cơm lam được dọn ra ăn cùng với thịt gà hay thịt heo rừng nướng, tuy nhiên cơm lam ngon nhất khi ăn với muối mè hoặc muối vừng.

Canh thụt

Cơm lam ăn kèm canh thụt là hai món ngon đặc sản khó quên của các gia đình đồng bào S’Tiêng (sóc Bom Bo, Bù Đăng, Bình Phước).

Canh chính là một món súp hỗn hợp, gồm nhiều loại rau (lá nhíp, lạc tiên, măng rừng, cà pháo, đọt mây…), cộng thêm cá trắng, cua, tép, ốc đá… bỏ chung vào trong ống tre để nấu. Khi canh sôi, người nấu dùng đũa cả (loại đũa to, làm bằng tre, dùng để xới cơm) thụt nhuyễn những thứ này thành một hỗn hợp sền sệt như súp.

Chính những hương vị rau sạch của núi rừng, cộng thêm tép, cua, cá… ở suối, rạch do người dân tự bắt và một chút kì công trong “nghệ thuật nấu không đụng hàng”, đã tạo nên món canh độc nhất vô nhị này của đồng bào S’Tiêng.

Rượu cần

Nếu xem cồng chiêng là ngôn ngữ để con người giao tiếp với thiên nhiên, thì rượu cần là “phương tiện” để người S’tiêng gần nhau, hòa nhập, trao đổi, cởi mở với nhau. Rượu cần S'tiêng không chỉ là thức uống đơn thuần mà nó gắn chặt với đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, không thể thiếu trong lễ hội và những nghi lễ có tính dấu mốc của đời người…

Khi được mời uống rượu cần, để thể hiện tình cảm với người mời, bạn dùng tay vuốt nhẹ cần từ dưới lên rồi mới xin phép được uống. Lúc uống phải uống thật lòng. Vì khi cùng uống, chủ nhân thường nhìn thẳng mặt khách, vừa tỏ lòng tôn trọng, thiện cảm nhưng cũng vừa tỏ ý thăm dò khách có thật tình không.

Theo Tùng Anh (Báo Gia đình & Xã hội)
(iHay) - Tây nguyên với nhiều buôn làng bản địa quần quây, luôn là bí ẩn đối với nhiều người. Và món ăn cà xóc của cộng đồng Jrai ở huyện Krông Pa (Gia Lai) cũng vậy.

Hễ nhà ai mổ bò, lễ hội... thì phải làm bằng được món cà xóc để thưởng thức, để “ăn chơi”. Điều độc đáo là món này dù rất bình dân nhưng hễ ai có dịp thưởng thức một lần hẳn chẳng thể nào quên dư vị của nó.

Người ta vẫn hình dung về Krông Pa như là “chảo lửa” bởi cái nóng kinh người so với nền nhiệt độ tương đối dễ chịu ở cao nguyên. Những người dân ở đây cho rằng vì đất không được màu mỡ, lại nắng nóng nhiều tháng trong năm, nên chất của cỏ mà bò ăn có lẽ cũng khác.

Thịt bò Krông Pa luôn là đặc sản bởi thớ thịt săn, ngọt, tạo nên món bò một nắng chấm với muối kiến trứ danh. Và món cà xóc được làm từ nội tạng của bò cũng thế.

Nguyên liệu làm món cà xóc chủ yếu là nội tạng của bò như gan, dạ dày, lá sách, tim, huyết và mật bò. Ngoài ra còn có đậu phộng rang, lá ngò gai trồng trong vườn nhà đất cằn mang vị thơm đặc trưng, rau quế, rau húng; rồi muối sả gồm sả cây thái nhỏ giã nát với muối hạt, ớt hiểm và một chút bột ngọt, vài trái chanh.

Nội tạng bò được luộc vừa chín tới, thái nhỏ cho vào một cái tô to, trộn đều với muối sả giã sẵn nếm vừa ăn, sau đó cho rau đã cắt nhỏ và nước cốt chanh vào trộn nhẹ tay để rau không bị bầm; tưới huyết và mật bò. Cuối cùng là rắc đậu phộng vào. Vậy là xong món cà xóc.

Cầm đũa gắp một miếng đưa lên miệng, cảm nhận được nhiều vị như đắng, ngọt, thơm, chua, cay “tấn công” ngay đầu lưỡi. Hầu hết những người ăn qua món này, khi trở lại đều đòi thưởng thức cho bằng được.

Theo Trần Hiếu (iHay.Thanhnien)

Thấy dừa thì nhớ Bến Tre

Thấy sen thì nhớ đồng quê Tháp Mười (Ca dao)

Theo tập quán cư trú tự bao đời nay của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, dừa thường được trồng vài ba cây trước sân và trồng nhiều hơn sau vườn nhà, cạnh mé ao, đìa…

< Gỏi củ hũ dừa.

Gần như tất cả các phần của cây dừa đều được tận dụng để phục vụ cho đời sống con người. Khi trong vườn dừa có cây bị con đuông tấn công, hoặc những cây èo uột, ít trái người ta buộc phải đốn bỏ. Lúc đó, người ta lại được dịp “xây” cổ hũ (hoặc củ hũ) dừa để chế biến nhiều món ăn ngon.

< Củ hũ dừa sơ chế, trắng tinh.

“Xây” củ hũ tức là dùng dao bén chặt, cắt lấy phần non từ sát phần thân đến đọt dừa. Sau khi lột sạch phần lớp áo già bên ngoài, củ hũ dừa lộ ra, đám con nít bẻ thành từng miếng ăn sống ngon lành.

< “Xây” củ hũ dừa.

Còn người lớn có được miếng củ hũ dừa tươi làm mồi lai rai thì không gì bằng. Nhưng ngon hơn là chế biến củ hũ dừa thành nhiều món ăn.

Dễ nhất là xắt sợi nhuyễn xào với tép bạc hoặc lòng gà, vịt, heo làm sạch. Bắc chảo nóng, phi mỡ tỏi thơm rồi trút tép hay lòng vô xào trước.

< Củ hũ dừa xào lòng.

Thịt săn, nêm nếm vừa ăn mới cho củ hũ dừa vào đảo đều, nhắc xuống. Xúc ra dĩa, rắc ít tiêu xay và rau thơm xắt nhuyễn, ăn cùng chén nước mắm chanh ớt hoặc nước tương ngon kèm trái ớt hiểm. Món ăn vừa ngọt vừa thơm, cơm ăn hết nồi cũng chưa muốn thôi.

Củ hũ dừa xắt sợi còn được dùng làm nhân bánh xèo (thay vì dùng củ sắn hay bông điên điển, đọt năng) cùng với thịt vịt, gà hoặc tôm, tép… Bánh xèo nhân củ hũ dừa có hương vị rất riêng biệt.

< Bánh xèo nhân củ hũ dừa.

Với những người thích vị vừa chua vừa ngọt thì đã có món củ hũ dừa bóp gỏi. Xắt củ hũ dừa thành miếng vuông vừa ăn rồi trộn gỏi với nước cốt chanh pha chút nước mắm ngon, đường cát. Có thể thêm ít lát thịt ba rọi luộc chín, tép luộc lột vỏ, rau răm, ngò gai xắt nhuyễn. Gỏi củ hũ dừa thường ăn kèm với bánh phồng tôm nướng giòn và nước mắm dầm ớt hiểm.

Cũng có thể dùng củ hũ dừa nấu canh với tép, sườn heo hoặc chả cá viên. Món nào cũng hấp dẫn khẩu vị, ngon lành.

Theo Minh Thương (Doanh Nhân Sàigòn)
Là một trong những nơi được chọn làm phim trường quay “Kong: Skull Island”, du khách đến Ninh Bình có thể thưởng thức những món ăn một lần là nhớ.

Cơm cháy

Cơm cháy Ninh Bình là một trong những đặc sản ẩm thực nổi tiếng nhất của Ninh Bình. Địa bàn phát triển loại hình ẩm thực này chủ yếu là ở ven đường Quốc lộ 1, thành phố Ninh Bình và các khu du lịch. Cơm cháy Ninh Bình khác với các vùng khác từ cách chiên cho đến nước sốt đi kèm. Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo, vị bùi, béo mà không ngán.

Dê núi

Là món đặc sản ở vùng núi Ninh Bình, dê núi Ninh Bình có thể chế biến rất nhiều món. Bên cạnh tái dê, người Hoa Lư còn chế biến nhiều món khác như: Nem dê, dê hấp, nhựa mận, dê nướng, tiết canh dê, mật, cà đem ngâm rượu, nhưng món tái dê vẫn đứng nhất bảng.

Cái ngon của tái dê ngoài bí quyết chế biến khéo léo còn ở gia vị, gia giảm. Đó là các loại lá, quả ăn kèm theo và đặc biệt là món tương gừng. Tái dê vừa là món ăn ngon dùng bồi dưỡng cơ thể, vừa là bài thuốc chữa bệnh bởi lẽ dê ăn nhiều loại lá, có chứa dược liệu rất quý.

Canh cá rô

Cá rô đư­ợc chế biến để nấu món canh chua, đây là món ăn đặc sản của vùng núi đá vôi ven đồng chiêm trũng.

Món canh chua này khi chế biến không thể thiếu nước dưa chua để khử mùi tanh và tạo nên vị thanh thanh hấp dẫn. Món ăn này có vị ngọt ngọt, chua chua của n­ước dư­a cải, ngọt mát của cà chua, đậu phụ, ngậy, bùi, giòn và thơm của cá rô…

Ốc núi

Ốc núi có nhiều ở các dãy núi đá vôi thuộc thị xã Tam Điệp, Yên Mô, Nho Quan. Chúng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt.

Thức ăn chính của ốc này là những loại cây cỏ mọc hoang trên núi trong đó có cả những cây thuốc quý. Vì vậy khi sơ chế người ta chỉ rửa qua vì cho rằng trong người con ốc mang nhiều vị thuốc. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món: hấp gừng, xào sả ớt, trộn gỏi…

Gỏi cá nhệch, Kim Sơn

Trong tỉnh Ninh Bình có nhiều nơi giới thiệu món ăn này, nhưng gỏi cá nhệch ở Kim Sơn được coi là ngon nhất. Để chế biến ra món ăn đặc sắc gỏi cá Nhệch này cần một chuỗi nhiều khâu hết sức kỳ công.

Món ăn này mang hương thơm bùi bùi của gạo nếp rang, vị chua thanh thanh của dấm xen vào cái vị cay ấm của gừng với tỏi, ớt, tiêu, sả. Gỏi cá nhệch thơm và bùi, có mùi vị rất đặc trưng, ăn một lần là nhớ mãi không quên.

Theo Ngày Nay