Tab Từ Khóa "Du lịch Quảng Ninh"
Showing posts with label Du lịch Quảng Ninh. Show all posts
(BQN) - Yên Tử có rất nhiều tuyến đường hành hương nhưng tuyến hành hương lên Thác Vàng Yên Tử vào tháng 4 có những cảnh đẹp làm say đắm lòng người mà bất cứ ai đến đây cũng nhớ mãi nơi này.

Nằm ở phía Tây chùa Hoa Yên, đi trên con đường lát đá, du khách sẽ bắt gặp một cây cột gắn với tấm biển chỉ dẫn đường chia làm hai hướng: Một hướng dẫn xuống Ga Cáp treo 2 và một hướng chỉ lối dẫn vào Thác Vàng. Bước qua một chiếc cổng được thiết kế khá độc đáo gần gũi với thiên nhiên là con đường dẫn vào Thác Vàng, hai bên là những cánh rừng nguyên sinh xen lẫn những cây cổ thụ cành lá sum suê. Điều đặc biệt gây ấn tượng với du khách, con đường này vẫn còn khoảng chục cây xích tùng cổ ven đường có niên đại vài trăm năm tuổi, rễ cây trồi lên mặt đất và xuyên qua kẽ đá.

Trên đường đến Thác Vàng, du khách sẽ gặp Thác Ngự Dội, tương truyền là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông ngự tắm. Thác được tạo nên bởi một nhánh của suối Long Khê (Khe Rồng) dẫn nước ngầm từ lưng núi Yên Tử xuống, uốn lượn qua các thềm đứt gãy kiến tạo cách đây khoảng 10 triệu năm vượt qua địa hình dốc đứng tạo thành dòng thác cao hơn chục mét.

Gần thác Ngự Dội có am Thiền Định, xưa kia là nơi toạ thiền của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Đến nay, am xưa không còn, chỉ còn nền am cỏ cây che phủ kín. Từ am Thiền Định, du khách tiếp tục đi sâu vào bên trong phía cuối con đường, đó chính là thác Vàng.

Thác cao khoảng hơn chục mét, xung quanh có nhiều loài cây gỗ lớn, đặc biệt là cây hoa mai và hoa ngọc lan. Về mùa khô, thác nước chảy róc rách. Vào mùa mưa, từ tháng 5-8, cả hai thác Ngự Dội và Thác Vàng có nhiều nước và đẹp nhất vào mùa này trong năm.

Điều ấn tượng đặc biệt với du khách, trên con đường hành hương đến Thác Vàng Yên Tử, thi thoảng du khách sẽ bắt gặp một vài cây mai cao đến hơn chục mét mọc trên những vách đá cheo leo. Đây được gọi là những “Đại lão mai” có đến hàng trăm năm tuổi. Tương truyền rằng, vào thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông sau khi lên núi Yên Tử tu hành đã cùng các phật tử trồng cây mai vàng. Những cây mai được trồng ở khắp nơi trên núi Yên Tử sau hàng thế kỷ đã trở thành rừng mai cổ thụ rộng lớn.

Theo các nhà nghiên cứu, cùng với tùng, mai cũng là loại cây gắn liền với quá trình tu hành của các nhà sư, được đưa về Yên Tử từ thời Trần. Vì vậy, cây thường mọc trên những tuyến đường hành hương dẫn đến các di tích, chùa tháp nơi đây. Bây giờ, rừng mai cổ thụ không còn nữa nhưng trên đường hành hương lên chùa Đồng - Yên Tử, du khách vẫn thoáng gặp những “Đại lão mai” ẩn mình trên những vách núi.

Giữa tháng 4, con đường dẫn vào Thác Vàng, Yên Tử, ta vẫn bắt gặp những cây mai vàng nở rộ. Hoa mọc thành chùm lớn, từng bông xoè rộng 5 cánh to vàng rực, nụ hoa mập, lộc xanh biếc, thu hút nhiều ong đến hút mật và đặc biệt, hương thơm dịu thanh khiết.

Thoạt nhìn, mai vàng Yên Tử có nhiều nét giống với mai vàng miền Nam, cũng mang sắc vàng rực đặc trưng, bông lớn và có hương thơm. Tuy nhiên, có lẽ do sinh trưởng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Bắc, trong rừng già trên núi cao, thân cây mai vàng Yên Tử mang vẻ cứng cáp gân guốc hơn, mai nở muộn hơn.

Vào tháng này, con đường hành hương lên Thác Vàng Yên Tử đẹp như tranh vẽ, ánh mắt du khách như bị cuốn theo bởi những thác nước chảy róc rách. Những cây xích tùng cổ thụ, những đốm vàng tinh khiết của bông mai vàng ven đường hoặc trên những triền núi phía xa đem lại cho du khách những ấn tượng độc đáo khi về với non thiêng Yên Tử. Quả thật, đến Yên Tử không chỉ là đến với những kiến trúc và lịch sử Phật giáo mà còn đến với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Theo Cẩm Thu (Báo Quảng Ninh)
Là một điểm đến du lịch mới được đưa vào hoạt động, khai thác du lịch từ tháng 1-2016, Khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La thuộc địa phận thôn 6, xã Quảng La, huyện Hoành Bồ đang dần được nhiều du khách biết đến. Trong những ngày đầu năm mới, một số công ty du lịch lữ hành đã lựa chọn Thiên đường hoa này vào tour du lịch, kết nối với các điểm đến du lịch khác trên địa bàn tỉnh, đưa khách đến tham quan.

Thiên đường hoa Quảng La rộng khoảng 25ha, có vị trí khá lý tưởng,  phong cảnh thiên nhiên nơi đây thật sơn thuỷ hữu tình, vừa có đồi núi, có sông nước. Đến với Thiên đường hoa Quảng La, bạn sẽ được tận hưởng một khoảng không gian thoáng mát, tự nhiên với không khí trong lành, dễ chịu.

Hiện tại, Thiên đường hoa đang sở hữu khoảng 30 loài hoa, trong đó có những loài hoa đặc trưng, mang giá trị thẩm mỹ cao, tưởng chừng chỉ được trồng ở vùng miền núi Tây Bắc như hoa tam giác mạch, cũng được gieo trồng ở đây.

Mùa này đến với thiên đường hoa, bạn sẽ có những tấm hình kỷ niệm rực rỡ cùng với thảm hoa cải vàng, cải trắng đang thời kỳ nở rộ. Đặc biệt là thảm hoa hướng dương, loài hoa mang trong mình một tình yêu cháy bỏng với mặt trời, đang bung những sắc vàng rực rỡ nhất.

Còn gì thú vị hơn khi đến đây, bạn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của các loài hoa lung linh khoe sắc trong không khí ấm áp của những ngày xuân.

Để tạo thuận lợi cho du khách, Thiên đường hoa bố trí những lối đi nhỏ giữa các thảm hoa để du khách tản bộ, chụp ảnh. Ngoài ra, còn có những con đường mòn bao bọc phía ngoài những thảm hoa để du khách có thể đi dạo bộ xung quanh thiên đường hoa.

Cùng với chức năng chính là công viên đi bộ, ngắm hoa, đến đây các bạn trẻ có thể tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, trò chơi dân gian trong những trang trại trồng ngô chủ yếu phục vụ cho du khách, đặc biệt là các bạn học sinh tổ chức các hoạt động dã ngoại.

Theo đại diện Hợp tác xã Nông dược xanh Tinh hoa, đơn vị chủ đầu tư và khai thác du lịch tại đây, khu du lịch sinh thái này vẫn đang trong thời kỳ đầu tư và được chia làm 3 giai đoạn chính.

Hiện nay, đơn vị đang hoàn thiện giai đoạn 1 và 2, đưa vào sử dụng một số hạng mục ngắm hoa và các trò chơi dân gian mang tính vận động để thu hút người dân và du khách, đặc biệt là các bạn trẻ.

Đến tháng 4 này, Thiên đường hoa sẽ đưa vào hoạt động dịch vụ câu cá tại đây. Với khoảng hơn chục chòi lá được dựng lên xung quanh những con suối nhân tạo, uốn quanh thiên đường hoa, chắc chắn sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm khó quên khi đến đây.

Trong giai đoạn tiếp theo, khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa sẽ đầu tư thêm các dịch vụ ăn, nghỉ để đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Mặc dù, vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục đầu tư, hoàn thiện nhưng Thiên đường hoa Quảng La đã bước đầu thu hút được người dân địa phương và du khách quan tâm. Nơi đây đã và đang là điểm hẹn của khách du lịch khi đến với huyện Hoành Bồ, đặc biệt là các bạn trẻ, các đôi uyên ương đến chụp ảnh cưới.

Cách trung tâm thị trấn Hoành Bồ khoảng gần 20 cây số, đường vào Khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La rất thuận lợi, dễ đi. Hiện nay, vé vào cửa khu du lịch này có 2 mức giá, người lớn 30.000 đồng/vé, trẻ em 15.000 đồng/vé.

Theo Cẩm Thu (Báo Quảng Ninh)
(BQB) - Cá mòi có lắm xương dăm, thế nên nhiều người không ưa thích. Nhưng cá mòi ở Bản Sen (huyện Vân Đồn) với hương vị riêng, béo và thơm ngon, đặc biệt là cá mòi trứng dịp đầu năm, khiến nhiều người đã được thưởng thức rất khó quên.

< Bản Sen từ tháng 8 tới đầu tháng 10 là mùa cá Mòi. Thời điểm này cá béo, thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Người dân thường đánh bắt cá bằng cách thả lưới.

Là giống cá phổ biến ở vùng cửa sông, cửa biển, cá mòi có thân dài, mình dẹt, nhiều vảy ánh bạc. Cá mòi Bản Sen là loài ăn nổi, thường bơi theo đàn. Cá mòi ở đây có thịt ngậy thơm, béo, ngon nhất là từ khoảng tháng 8 tới tháng 10 và từ tháng 2 tới đầu tháng 3 âm lịch hằng năm, là mùa cá mòi chuẩn bị đẻ trứng.

< Những vùng nước sâu, lặng sóng, ít tàu thuyền qua lại được lựa chọn để thả lưới.

Theo lý giải của những lão ngư giầu kinh nghiệm thì vùng biển Bản Sen có nhiều vùng kín, nước lặng, độ mặn nước biển vừa phải, lại nhiều phù du, vốn là thức ăn ưa thích của cá mòi. Hơn nữa, các hoạt động nuôi trồng hải sản đa dạng ở đây như nuôi trai, tu hài, hàu… đã tạo ra một nguồn thức ăn tầng mặt lý tưởng cho cá mòi sinh trưởng.

< Rải luới xong, cố định và đánh dấu lưới bằng phao hiệu.

Việc đánh bắt cá mòi cũng có những quy tắc riêng. “Để bắt cá mòi cần loại lưới mắt nhỏ, thả tầng trên mặt nước. Thời điểm thả lưới là vào sáng sớm hoặc chiều bởi đây là lúc cá mòi kéo đàn đi kiếm ăn rất đông.

< Rồi gõ mạn thuyền đánh động đuổi cá vào lưới trong vòng khoảng 20-25 phút...

Đánh cá mòi cần tiến hành thời điểm đầu con nước, chọn “con nước thơm” tức là đầu con nước trong tháng là thời điểm nước không đục, dòng không chảy mạnh, nhiều thức ăn, cá đi kiếm ăn thành đàn.

< Thu lưới, gỡ những chú cá Mòi đầu tiên mắc lưới.

Thông thường các tháng đều có 2 con nước nhưng dịp cuối năm thường có 3 con nước, nước đứng ít chảy, cá đi kiếm ăn theo đàn đông. Đây cũng là mùa thả lưới cá mòi. Đánh cá mòi cũng không quá khó, sau khi thả lưới dạo thuyền một vòng gõ mạn thuyền hoặc dùng sào đạp mạnh để xua cá vào lưới”, ngư dân Trần Văn Quyến, thôn Nà Sắn, xã Bản Sen chia sẻ.

< Có những khi gặp đàn, cá Mòi mắc lưới vô số...

Cá mòi đánh bắt dịp cuối năm thường béo, thịt trắng thơm, bùi. Để chế biến cá mòi ngon cần phải giữ cá tươi sống bởi cá mòi rất dễ chết khi bắt lên bờ. Sau khi đánh bắt được, người ta bỏ cá vào văng (khoang nhỏ chứa nước mặn trên thuyền) để giữ cá tươi hoặc chế biến ngay.

< Cá Mòi đưa lên boong được phân loại ngay bởi cá Mòi dễ chết sau khi đánh lưới, đưa lên bờ...

Làm cá mòi không mổ dọc bụng, sau khi đánh sạch vảy cá, chỉ cần cắt ngang một lát vừa tầm ở phía dưới mang rồi moi mật, ruột ra, dùng tay móc mang cá. Cá mòi có thể được chế biến thành nhiều món: Rán, nấu chua, gỏi, có khi băm chả…

< Mùa này cá Mòi Bản Sen to dài, béo trắng, óng ánh vẩy bạc...

Tuy nhiên, cá mòi Bản Sen ngon nhất vẫn là cá mòi trứng, rất béo, thường chỉ được đánh bắt vào thời điểm đầu năm, từ tháng 2 tới đầu tháng 3 âm lịch. Sau tháng 3, khi cá sinh sản người dân không đánh bắt nữa bởi lúc này cá gầy, dễ chết... Vì thế ngư dân Bản Sen có câu: “Tháng 3 quạ thu ca mòi”.

< Món cá Mòi nướng giòn là món ưa thích của người dân vùng biển.

Cá mòi trứng béo, thịt dày, ngọt và có vị bùi đặc trưng. Cá mòi trứng nướng than hoa, rán giòn hoặc được kho với quả trám đen… đều ngon. Dù rán hay nướng việc chế biến khéo để ăn không bị hóc xương là rất quan trọng.

Do nhiều xương dăm nên cá mòi cần được làm sạch, khéo giữ buồng trứng sau đó khứa vài đường chéo trên thân, tiếp theo là rán hoặc nướng để làm chín, làm giòn xương…

< Món gỏi cá Mòi mang hương vị mặn mòi của biển cũng là một món ăn khá đặc trưng ở Vân Đồn mùa này.

Trong tiết trời se lạnh đầu năm, thật là thú vị khi được thưởng thức cá mòi trứng giòn bùi chấm với mắm gừng, chanh ớt... Cá mòi nướng còn nóng để cả con thưởng thức là ngon nhất. Vị thơm của thịt cá, vị ngậy của trứng cá mòi chấm mắm gừng, chanh khiến thực khách đã ăn sẽ nhớ mãi.

Theo Hà Phong (Báo Quảng Ninh)
(VNE) - Để đánh dấu ranh giới lãnh thổ, Việt Nam và các nước bạn đã xây dựng những cột mốc bằng đá hoa cương, gắn quốc huy cùng với tên nước được viết bằng ngôn ngữ riêng.

Mốc 1378 là cột mốc cuối cùng của biên giới Việt – Trung nằm ở cửa sông Bắc Luân trên hòn Dậu Gót, Móng Cái, Quảng Ninh.

Xung quanh là nước, mốc được xây thành hình trụ khá cao để khi có thủy triều lên xuống vẫn nhìn thấy cột phân chia cửa sông giữa 2 nước.

Mốc 428 là cột mốc gần cực Bắc nhất, rất gần sông Nho Quế phân chia biên giới Việt Nam – Trung Quốc tại tỉnh Hà Giang. Từ dưới chân cột cờ Lũng Cú – biểu tượng của cực bắc, bạn đi xe máy chỉ được khoảng 2 km là phải gửi và bắt đầu trekking. Đường dẫn đến cột mốc là những con dốc ngoằn ngoèo uốn lượn quanh các sườn đồi.

Mốc 79 được mệnh danh là “nóc nhà biên cương” trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, thuộc địa bàn huyện Phong Thổ, Lai Châu. Mốc được đặt ở độ cao trên 2.800m và là cột mốc cao nhất trong tuyến biên giới.

Mốc 42 cũng là một trong những mốc ở độ cao trên 2.800m, giữa biên giới Việt - Trung, thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu. Những đoàn muốn chinh phục đỉnh cao Pu Si Lung sẽ gặp cột mốc đầy ý nghĩa này.

Mốc không số tại A Pa Chải tại Điện Biên được nhiều người gọi là mốc số 0 A Pa Chải. Cột mốc đánh dấu sự tiếp giáp đường biên giới của 3 nước gồm Việt Nam, Lào, Trung Quốc. Đây là điểm khởi đầu của biên giới Việt Nam – Trung Quốc và Việt Nam – Lào. Cột mốc có 3 mặt hướng về mỗi nước tương ứng. Ngoài ra, cột mốc này còn vinh dự được gọi là cực Tây của Việt Nam và “nơi con gà gáy 3 nước cùng nghe”.

Mốc 92 nằm trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai. Giống như câu hát mở đầu ngọt ngào và tha thiết trong bài “Gửi em ở cuối sông Hồng”, đây là cột mốc đánh dấu điểm đầu tiên của "nơi sông Hồng chảy vào đất Việt”. Từ đây, con sông mang nặng những dòng phù sa đi qua 9 tỉnh thành ở đồng bằng sông Hồng, bồi đắp cho những cánh đồng mầu mỡ, đưa nước về tưới cho cây cối tốt tươi.

Mốc không số tại ngã ba Đông Dương (Kon Tum) cũng có 3 mặt, được đặt trong một vòng tròn lớn, mỗi mặt quay về mỗi nước là Việt Nam – Lào – Campuchia. Muốn đến cột mốc này phải bước lên những bậc thang bằng bê tông. Đây vừa là điểm khởi đầu của biên giới Việt Nam – Campuchia, vừa là điểm kết thúc của biên giới Việt Nam – Lào.

Mốc 240 nằm gần cửa khẩu Thường Phước, Đồng Tháp. Nơi đây đánh dấu sông Mekong chảy vào Việt Nam.

Mốc 241 nằm ở cửa khẩu Vĩnh Xương, An Giang trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia. Đây cũng là cột mốc khởi đầu đoạn biên giới giữa tỉnh An Giang và tỉnh Kandal, Campuchia.

Mốc 314 là cột mốc cuối cùng của tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Theo Nguyễn Sĩ Đức (Vnexpress)
(BGT) - Sau gần 60 năm bà con xã Cộng Hòa (Quảng Ninh) mới có dịp xem lại Lễ hội Đại Phan của người Sán Dìu.

< Để chuẩn bị cho lễ leo gươm, từ sớm người ta đã chuẩn bị buộc các con dao đi rừng sắc ngọt vào thân 2 cây gỗ (1 cây âm, 1 cây dương).

Trong tiết trời lạnh giá dưới 5 độ C, hàng ngàn người dân từ khắp các tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc… về dự lễ hội Đại Phan hay còn gọi cầu mùa, vừa diễn ra tại xã Cộng Hòa (Mông Dương, Quảng Ninh).

< Ngay từ sáng sớm ngày chính hội, người dân khắp nơi trong xã đã kéo về nhà văn hoá để xem lễ hội.

Đây là một lễ hội của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Trong tín ngưỡng, tâm linh có ý nghĩa là một lễ cầu an, cầu mùa, xua đuổi tà ma, dịch bệnh. Đại Phan tích hợp nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng về phong tục, tập quán, nghi thức thờ cúng, ca - múa - nhạc, mỹ thuật.

< Leo gươm là một trong các hoạt động thu hút nhiều người quan tâm nhất. Và không phải ai cũng leo được, đơn giản là hai thầy cúng này phải đạp bằng chân trần trên các lưỡi dao.

Lễ hội lần này diễn ra tại thôn Khe, xã Cộng Hoà, gồm các nghi thức như: Lễ dựng cây nêu, lễ rước thành hoàng làng, nghi thức giết lợn giết trâu để hiến tế, lễ cầu siêu cho những anh hùng liệt sĩ, nạn nhân tai nạn giao thông, những người chết do thiên tai, dịch bệnh, lễ cúng thần nước, leo lên 12 cầu thang quấn gươm để tấu thần linh, đại vương thổ địa, nghi thức đi trên đống than hồng, lễ cầu thọ, cầu tài, cầu lộc, nghi lễ cấp sắc cho những người đang học nghề thầy cúng, thi hát soọng cô và nhiều trò chơi dân gian v.v..

Mở đầu lễ hội là lễ rước thần từ trung tâm xã Cộng Hòa về miếu Ba Ba thờ Đại thần linh (Trương Thống Lĩnh) tại thôn Khe xã Cộng Hòa, Mông Dương, Cẩm Phả, Quảng Ninh. Tiếp theo đó là nghi lễ chém súc (chém lợn, chém bò) để hiến tế thần linh thổ địa.

Trong lễ hội một vật thiêng không thể thiếu được đó là cây Thí Phan (hay còn gọi là cây Nêu), được làm bằng cây tre to, tươi và dài hết ngọn. Sau khi thực hiện xong nghi lễ cúng cầu an người pháp sư hiệu lệnh cho các môn đệ từ từ dựng cây phan lên theo phương thẳng đứng phải làm sao đảm bảo cây cao cho nhiều làng cùng nhìn thấy.


< Hội Leo gươm được phục dựng lần đầu tiên vào cuối tháng 12.2008.

Trên đỉnh của Thí Phan treo một tấm phan màu đỏ dài theo thân cây, tấm vải này tượng trưng cho chiếc cầu nối âm dương, mặt đất và 9 tầng mây trời, truyền tải ước mong của dân làng với trời đất. Thí Phan là biểu tượng cho sức mạnh của cộng đồng như là sự trường tồn vĩnh cửu, sức sống vươn lên của con người và muôn vật.

Tiếp đó là lễ leo gươm, cây leo gươm được làm bằng gỗ, gồm hai cây âm và cây dương, mỗi bên gắn 12 thanh gươm sắc lẹm. Khi leo gươm, hai người leo là hai người thày cúng được pháp sư phù phép và đóng dấu đỏ vào bàn chân, sau đó dùng chân trần để leo lên các nấc thang là các phần lưỡi của thanh gươm.

Theo truyền thuyết của người Sán Dìu, xưa kia Vua Cóc phải bò qua 12 nấc thang để cầu ông trời đổ mưa. Vậy nên vào ngày thứ 3 của nghi lễ, 2 thầy cúng sẽ làm lễ leo lên các nấc thang tái hiện truyền thuyết Vua Cóc. Leo qua 12 nấc đến nấc thang cao nhất mà không hiểu sao chân thầy cúng không đổ máu.

Khi tới đỉnh cây leo gươm người thày cúng thổi tù và theo từng đợt, rồi đọc bản tấu trình lên trời để tấu trình Ngọc Hoàng những điều mong ước của dân làng về cuộc sống no ấm, hạnh phúc cũng như cầu siêu cho các cô hồn, những anh hùng liệt sĩ, nạn nhân tai nạn giao thông, những người chết do thiên tai dịch bệnh.


Đặc biệt trong lễ hội còn có lễ lội than (tức đi chân trần trên than hồng), theo quan niệm của người Sán Dìu, đó là nghi lễ tẩy trần, hướng con người tới cái thiện. Con người đang sống lội qua than hồng thì tâm hồn sẽ thanh thản, tà ma và những điều xui xẻo sẽ được rũ bỏ.


Sau khi các thầy cúng đốt củi lấy tro than trải ra thành một quãng đường dài 4 thước (khoảng 6,5m) thì những người trong làng lần lượt lội qua đường than ấy để thanh sạch tâm tư, trút bỏ phiền muộn như một cách tẩy sạch.

* Điền Gia Dũng: Theo mình biết thì lễ hội Đại Phan đã được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Vân Đồn phục dựng lại từ năm 2008. Lễ hội này tổ chức tại xã Bình Dân, trướcTrung tâm của lễ hội là nhà văn hoá xã vừa mới được khánh thành.
Sơ khai, Đại phan là lễ cầu mùa, về sau nó được lồng ghép thêm nghi thức cấp sớ điệp sắc phong cho thầy cúng. Do nhiều nguyên nhân, Đại phan đã bị mai một khoảng hơn 60 năm nay và nay được tổ chức hàng năm giúp bảo tồn văn hoá dân tộc Sán Dìu, tạo thêm sản phẩm du lịch văn hoá cho huyện Vân Đồn.

Theo Nghiêm Công Tấn (Báo Giao Thông) và nhiều nguồn khác.
(VNE) - Sử sách ghi lại, hai cây lim giếng Rừng hơn 700 tuổi là chứng tích còn lại trong khu rừng vốn được quân và dân nhà Trần chặt để làm cọc trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288.

Hai cây lim giếng Rừng nằm dưới chân núi Tiên Sơn, phường Quảng Yên (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) được nhà chức trách xác định khoảng 700 tuổi. Hai cây cổ thụ cùng các địa danh như: Bến Rừng, chợ Rừng... là những dấu tích của khu rừng cổ mà quân và dân nhà Trần đã lấy gỗ dựng trận địa cọc, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt ngày 8/3 năm Mậu Tý 1288.

Bên cạnh hai cây lim cổ có hai giếng nước được xây từ thời Pháp, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây nên được gọi là hai cây lim giếng Rừng. Hiện hai giếng được xây xung quanh, lát gạch sạch sẽ và có nắp đậy.

"Nước ở hai giếng ngọt, sạch sẽ, trước đây phục vụ sinh hoạt cho cả khu dân cư. Nhưng bây giờ nhà nào cũng có nước máy nên ít người còn lấy nước giếng. Hai cây lim phát triển tốt cũng nhờ có hai giếng cung cấp nước tưới cây", chị Lan nhà gần đó cho biết.

Hai cây lim giếng Rừng được Bộ Văn hóa công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1998 và thuộc cụm di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của khu di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là di tích quốc gia đặc biệt.

Do thời gian và sự phát triển đô thị nên hai cây lim giờ nằm giữa trung tâm của thị xã Quảng Yên. Một cây cao khoảng 30 m, chu vi gốc 5,5 m, cành lá xum xuê, xanh tốt, tán lá vươn dài tới 20 m.

Cây thứ hai to hơn, cao khoảng 30 m, đường kính gốc tới 7,2 m, tán lá xanh tốt vươn dài tới 25 m. Nhờ bóng râm của cây, nơi đây trở thành chỗ vui chơi của trẻ nhỏ và người già tập thể dục.

Lớp vỏ ngoài dưới gốc cây thi thoảng lại bong tróc thành từng miếng lớn. Lim giếng Rừng nằm gần dòng sông Bạch Đằng, sát nơi xảy ra trận chiến Bạch Đằng năm 1288 và cách bãi cọc Yên Giang đã được khai quật khoảng 2 km.

Ông Ngô Đình Dũng, Phó phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Quảng Yên, cho biết hai cây lim giếng Rừng là chứng tích còn lại trong khu rừng lim, vốn được quân và dân nhà Trần chặt để làm cọc trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông ngày 8/3 năm Mậu Tý 1288.

Ông Dũng thông tin thêm, theo sử sách, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh đều bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông Bạch Đằng.

Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938, chiến thắng Bạch Đằng năm 981 và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo đã khẳng định sức mạnh không thể lay chuyển được của quân dân Đại Việt, phá tan âm mưu cướp nước ta của quân xâm lược Nguyên Mông.

Chỉ trong một ngày 8/3/1288, toàn bộ đạo binh thuyền của quân xâm lược Nguyên Mông trên đường rút ra khỏi Đại Việt qua đường sông Bạch Đằng gồm 600 chiến thuyền, khoảng 40.000 quân, đã bị tiêu diệt và bắt sống.

Năm 2008 và 2011, hai cây lim có biểu hiện khô lá do đợt rét kỷ lục. Thị xã Quảng Yên cứu cây bằng cách cắt tỉa cành khô, tưới hoá chất sinh trưởng và bổ sung chất dinh dưỡng.

Di tích bãi cọc Yên Giang, thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên nằm ở cửa sông Chanh có hình chữ nhật dài khoảng 120 m, rộng khoảng 20 m. Sau lần khai quật đầu tiên vào năm 1958 và nhiều lần sau đó vào các năm 1969, 1976, 1984, 1988... cho thấy cọc ở đây chủ yếu là gỗ lim dài 2,6-2,8 m, đường kính 20-30 cm. Phần cọc được đẽo nhọn dài 0,5-1 m để cắm thẳng xuống sông với khoảng cách trung bình một m. Hiện bãi cọc này được khoanh vùng bảo vệ, dựng bia giới thiệu di tích.

Cọc trưng bày ở Bảo tàng thị xã Quảng Yên. "Hiện đã phát hiện và khai quật bãi cọc Yên Giang thuộc phường Yên Giang, hai bãi cọc Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa thuộc phường Nam Hòa", ông Dũng thông tin.

Theo Minh Cương (Vnexpress)