Tab Từ Khóa "hướng dẫn du lịch"
Showing posts with label hướng dẫn du lịch. Show all posts
“Ăn cơm Mường Quạ, thưởng cá sông Giăng” - câu nói đã trở nên nổi tiếng ở miền Tây xứ Nghệ. Ai đã một lần tới đây hãy dành thời gian ghé thăm dòng sông nổi tiếng này, để thưởng ngoạn cảnh sắc rừng núi hoang sơ, trải nghiệm cảm giác đi thuyền trên đá, thăm những bản làng Đan Lai và ăn món cá Mát nổi tiếng.

< Một đoạn sông Giăng ở Mường Quạ.

Sông Giăng là con sông dài, chảy trong quần thể Vườn Quốc gia Pù Mát, được quy hoạch trở thành một địa điểm du lịch sinh thái tự nhiên của xứ Nghệ. Theo những người lái thuyền, thời điểm khách du lịch đến với sông Giăng đông nhất là những ngày tháng 5, tháng 6. Đây là lúc khắp dải đất miền Trung chìm trong nắng hạ nhưng khi du thuyền, tắm mát trên dòng sông Giăng thì mọi cái ngột ngạt, oi bức mùa hè đều như tan biến.

Ngồi thuyền ngắm sông Giăng thơ mộng

Hành trình bắt đầu từ đập Phà Lài (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) cách trung tâm thị trấn Con Cuông chưa đầy 20km. Khách du lịch sẽ được những người lái thuyền bố trí ngồi trên những con thuyền bán độc mộc với động cơ là những chiếc máy nổ công suất lớn.

Người lái thuyền sẽ không quên nhắc nhở du khách mặc áo phao, bởi lẽ dòng sông tuy hiền hòa nhưng cũng khá dữ dội, có nơi rộng tới 400 - 500m, nước sâu tới 15m, chảy xiết chẳng kém cửa biển sông Lam. Nhưng càng lên thượng nguồn, lòng sông càng hẹp, có những chỗ hẹp chỉ ngang một con suối nhỏ, nước chảy hiền hòa và khách có thể dừng chân lội suối chụp ảnh.

Sông Giăng là con sông dài, nằm trong quần thể Vườn Quốc gia Pù Mát với hệ sinh thái phong phú và đa dạng bậc nhất Việt Nam. Du thuyền ngược sông Giăng kéo dài khoảng hai tiếng với chặng đường dài 20km đi sâu vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Phù Mát nơi có các bản của người Đan Lai sinh sống - một trong những dân tộc thiểu số, sống nơi sơn cùng thủy tận.

Sau khi hướng dẫn hành khách, bác Thu dùng cây sào đẩy thuyền rời bến, rồi nhẹ nhàng kéo dây khởi động máy nổ. Tiếng động cơ nổ sình sịch, chân vịt chém nước trắng xóa đẩy thuyền lướt đi trên mặt nước đưa du khách ngược dòng sông Giăng.

Thả hồn trên sóng nước, du khách có thể ngắm vẻ đẹp hoang sơ mà rất kỳ vĩ của núi rừng miền Tây xứ Nghệ. Những ngôi nhà sàn lưa thưa xen giữa những ruộng ngô, ruộng lúa xanh tươi của dân bản nơi cuối nguồn; những ngọn núi cao mà ngửa mặt lên đỉnh trời mới thấy ngọn; những cây cổ thụ mọc chòi trên vách đá xõa tán về phía dòng sông. Có đoạn nước sông trong đến mức có thể nhìn rõ từng đàn cá đang tung tăng bơi lội dưới dòng sông.

Ngồi trên thuyền lướt đi êm ái giữa dòng sông, ai cũng lặng đi trước vẻ đẹp tự nhiên của núi non sông nước thanh bình…

Du thuyền trên… đá

Khi thuyền bắt đầu đi vào những đoạn cong cua vòng theo chân núi, từ xa đã nghe tiếng nước xối vào ghềnh đá tạo ra những tiếng ầm ầm dữ dội lấn át cả tiếng máy thuyền. Phía trước mặt là một khúc cua tay áo, lởm chởm đá chặn gần như kín lòng sông, báo hiệu thuyền chuẩn bị vượt ghềnh.

“Chuẩn bị ngược dòng!”, sau tiếng hô, người lái thuyền nhanh tay bóp chặt cò ga lấy đà, đồng thời kéo mạnh cần lái ghì sát bên hông để đưa thuyền vào đúng lạch. “Kịch”, mũi thuyền chạm đá rồi bềnh lên hướng thẳng vào khe nước hẹp. Mọi người hét lên vì sợ lật. Lúc này, bên dưới lớp nước cuộn chảy chưa đầy gang tay, có thể thấy rõ những viên đá suối to bằng nửa cái bàn đang trực chờ con thuyền nhỏ đi tới…

Đây mới chỉ là thác đầu tiên của hành trình, có ít nhất hơn chục ghềnh đá như thế, nhiều chỗ còn hẹp và cạn nước hơn nhiều. Du khách ai mới đi lần đầu đều thấy sợ, nhưng qua vài cái thác, đến khi quen rồi, lại tỏ ra thích thú.

Trên hành trình, khi thì mũi thuyền dựng 450 vượt ghềnh, lúc thì lịch kịch trượt trên ghềnh đá, có lúc thuyền đâm mạnh vào ngầm đá như muốn vỡ. Mạo hiểm nhất là đoạn thuyền qua khe Lẻ, một dòng nước siết chảy mạnh trên mặt đá dốc, thuyền nổ hết công suất mới trèo lên được gềnh. Những lúc như vậy, du khách ngồi trên thuyền không tránh khỏi cảm giác vừa hồi hộp vừa lo sợ, khi thì run rẩy vì bị nước xối tràn mạn thuyền, lúc lại hào hứng hò reo khi thuyền vượt được dòng thác dữ.

Chia sẻ kinh nghiệm lái thuyền trên ghềnh đá, người lái thuyền cho biết: Lúc vượt ghềnh phải rà chân vịt theo mớn nước trên mặt đá, nếu quá nông không đủ lực đẩy thuyền vượt thác, còn lỡ đẩy sâu chân vịt chạm đá xe bị gãy, nước đẩy ngược gây chìm thuyền…

Thăm tộc người ít nhất Việt nam

Đến đầu Khe Cọ, biết trước đoạn này nước cạn, thuyền chở khách nặng không vượt được, các lái đò tấp thuyền vào bờ suối để khách đi tắt lên đầu dòng, còn mình tự tay chèo lái con thuyền vượt dòng. Sông Giăng thoạt nhìn có vẻ hung dữ nhưng vốn rất hiền. Đoạn nước sâu thì hiền hòa, tĩnh lặng, nước chảy xiết thì mực nước chỉ ngang đùi. Mỗi năm chỉ có hai tháng là tháng 9 và tháng 10, nước lũ từ thượng nguồn bên Lào đổ về là không đi được.

Du thuyền sông Giăng, ngoài khoảng thời gian trải nghiệm cảm giác mạnh khi đi thuyền ngược dòng sông Giăng, du khách còn được đến thăm bản làng người Đan Lai, tìm hiểu cuộc sống của một trong những dân tộc ít người và sống hoàn toàn biệt lập với cộng đồng.

Tại đây, du khách được thăm các ngôi nhà sàn cheo leo giữa lưng núi, sườn đồi, được tìm hiểu tập quán của người bản địa, được giao lưu cùng với các chiến sỹ bộ đội biên phòng Khe Khặng, thưởng thức các món ăn đặc trưng như: Cá lăng nấu chua, canh rau rừng, măng rừng chấm muối... Và một món ăn đặc biệt dễ gây nghiện, đó là món cá mát kho muối ớt, tiêu rừng. Nó có vị ngon, ngọt đặc trưng bởi nước thượng nguồn sông Giăng.

Sau khi thăm đồng bào dân tộc Đan Lai, du khách có thể tự do thăm các bãi đá suối tự nhiên, tắm nước sông Giăng hay thỏa thích chụp hình bên những thềm đá có tán cây rừng tuyệt đẹp. Trước khi trở lại thuyền trải nghiệm cảm giác chạy xuôi dòng thác, trượt thuyền trên đá cạn...

Văn Thanh (Báo Giao Thông)
(BQN) - Trong những ngày hè, du khách hãy một lần đến với hang Én ở thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu (Đức Phổ) để hòa mình vào thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ, đầy hấp dẫn nơi đây.

Từ chân cầu vượt đường sắt trên tuyến Quốc lộ 1 thuộc thôn Châu Me, băng qua những vườn dừa xanh ngút tầm mắt, con đường vào làng chài quanh co thanh bình sẽ đưa bạn đến với hang Én - Vĩnh Tuy.
Hiện ra trước mắt du khách là một hang đá sừng sững nằm vươn ra biển với hàng trăm con chim én chao lượn ra vào hang. Tiếng vỗ cánh cùng tiếng kêu lánh lót của chim hòa cùng tiếng sóng, tiếng gió tạo nên những cung bậc trầm bổng, làm mê hoặc lòng người. Đặc biệt là mỗi mùa xuân về, những cánh Én làm rộ mùa xuân Sa Huỳnh.

Đến với hang Én, du khách sẽ có cảm giác thư thái, tâm hồn bồng bềnh theo những cánh sóng dội vào ghềnh đá.

Đặc biệt phía trên hang Én là hình ảnh chi chít tổ én bám vào khe đá, nhìn từ dưới lên giống như những nhũ đá vôi tuyệt đẹp. Bên ngoài hang có những tảng đá được thiên nhiên bào mòn, gọt giũa tạo nên những hình thù lạ mắt. Tùy theo vị trí đứng và tùy theo “con mắt nghệ thuật” của mỗi người mà tảng đá này sẽ có hình những con vật khác nhau như sư tử, kỳ lân hay báo...

Một trong những người sống lâu năm ở gần hang Én, cụ bà Phạm Thị Yên cho biết, lúc bà còn nhỏ ít người biết đến hang Én vì đường xuống hang rất khó đi. Hơn nữa, nhìn từ xa ai cũng nghĩ hang dơi nên ít người tiếp cận.

Tuy nhiên, sau khi được khám phá ra là hang Én thì ngày càng có nhiều khách đến tham quan.

< Tổ én dày đặc trong hang.

Một trong những đặc trưng của thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu là có rất nhiều dừa. Hầu như nhà nào cũng có một vườn dừa xum xuê quả. Không khí nơi đây vô cùng mát mẻ, trong lành.

Vì vậy, du khách sau khi chiêm ngưỡng hang Én xong, quay trở ra, ai cũng có thể vào thăm thú vườn dừa và thưởng thức loại dừa đặc trưng của xứ biển này. Đây quả thật là một điểm dã ngoại vô cùng lý thú với sự trải nghiệm có núi, biển, hang đá với hàng trăm con én bay lượn và tự tay hái những quả dừa còn tươi nguyên.

Ông Huỳnh Văn Quang – Chủ tịch UBND xã Phổ Châu cho hay: Hang Én là một trong những điểm du lịch thiên nhiên hấp dẫn mà địa phương đang quy hoạch để phát triển.

Hiện nay, đường vào hang Én tuy nhỏ nhưng đã được bê tông thuận tiện. Tuy nhiên, để khai thác các điểm mạnh, đánh thức tiềm năng về du lịch với hướng phát triển thành tour du lịch biển – hang Én, Phổ Châu cũng đang trình tỉnh phê duyệt xây dựng kéo dài tuyến đường hơn 2km để nối khu du lịch biển Châu Me với khu du lịch hang Én Vĩnh Tuy.

Còn với tôi, với một điểm du lịch còn hoang sơ, đầy kỳ thú, cùng những con người hiền hậu, mến khách nên chăng địa phương phát triển theo hướng du lịch cộng đồng, để vừa thu hút khách, vừa tạo việc làm cho người dân địa phương.

Theo Hồng Hoa (Báo Quảng Ngãi), ảnh Skydoor
Nằm sâu trong rừng thẳm, thác Păng Tiêng còn được gọi bằng cái tên khác là thác Bảy tầng, thuộc thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Thác vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ nguyên thủy từ hàng trăm năm qua do chưa đưa vào khai thác du lịch nhiều.

Thác Păng Tiêng cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 25 km. Đoạn đường chinh phục Păng Tiêng không hề dễ dàng như những tour du lịch nghỉ dưỡng. Muốn tới đây, bạn sẽ theo đường đến Suối Vàng rồi vào xã Lát, tiếp tục băng qua nhiều khúc cua quanh co, những con đường lổn ngổn đá hộc, những con dốc cao ngất cạnh vực sâu thăm thẳm đầy nguy hiểm.

Các phương tiện sẽ chạy sâu vào rừng với những con đường mòn có bề ngang chỉ chừng hơn nửa mét mới đến được thác. Chính vì thế, xe máy và xe đạp thể thao leo núi chính là hai phương tiện thích hợp nhất dành cho người lữ hành tìm về Păng Tiêng.

Trong quá trình di chuyển đường rừng, có thể sẽ gặp rất nhiều loại côn trùng nên bạn đừng quên các loại thuốc đặc trị, quần áo dài tay trong hành trang của mình. Bên cạnh đó, mang theo đồ ăn, nước uống cũng là điều không thể bỏ qua vì một khi đã vào rừng, thì sẽ chẳng có hàng quán nào đáp ứng điều đó cho bạn đâu.

Sau khi để xe đi bộ, bạn phải leo xuống những con dốc dứng để đến với Păng Tiêng, một góc khung cảnh của khu vực quanh thác. Qua hết những con dốc này, bạn sẽ nghe rõ hơn thanh âm của dòng nước đang ào ào đổ xuống phiến đá được bao phủ bởi rừng cây xanh thẳm, đó chính là Păng Tiêng.

Dòng thác tung bọt trắng xóa như mái tóc của tiên nữ đang xõa xuống làm say đắm ánh mắt người ghé thăm. Hương rừng hòa quyện trong hơi nước mát lành, phả vào hồn ngất ngây một khoảng mộng mơ, xua tan đi hết những nhọc nhằn vừa trải qua. Từ đây, bạn có thể hạ trại nghỉ ngơi để bắt đầu hành trình khám phá.

Với cao độ khoảng 20 mét thác, thác như một dải lụa trắng nằm sâu giữa đại ngàn. Vào mùa mưa, nước lớn tỏa ra hai bên bờ đá thấy rõ 7 tầng thác trắng xóa nên bà con gọi là "thác 7 tầng”. Thời điểm chúng tôi đến là đầu tháng 4, đang mùa nắng hạn nhưng thác vẫn tuôn trào trắng xóa thành dòng lớn.

Điều đặc biệt là dù bị nước chảy xói mòn, đá trên bề mặt của thác lại  được cắt gọt thật vuông vắn, với mỗi bậc cao từ 1 đến 2 m. Bạn sẽ có cảm tưởng như chỉ cần trèo lên hết từng bậc thang đá ấy thì tay có thể chạm tới cánh cửa thiên đường ẩn hiện trong màn nước bạc.

Vì nơi đây chưa được khai thác nên mọi thứ còn rất hoang sơ. Do vậy, nếu bạn muốn băng qua thác thì phải xuôi về hạ lưu, nơi dòng chảy chậm và có nhiều bậc đá để nhảy qua. Hãy cẩn thận vì những phiến đá khá trơn, dễ bị trượt ngã. Vậy nhưng dòng suối và phía bờ bên kia cũng ẩn chứa nhiều điều khác lạ sẽ khiến bạn thích thú.

Nếu là người ưa xê dịch, muốn cảm nhận hết phong vị Păng Tiêng mang lại thì đừng chân chừ rủ rê bạn đồng hành của mình cắm trại qua đêm. Còn gì thú vị hơn được nghe tiếng nước thác hòa cùng rừng thông xào xạc trong gió và bầy chim cất lên bản hòa tấu đặc biệt ru ta vào giấc ngủ.

Một số bạn trẻ được bạn bè địa phương hướng dẫn để khám phá nơi này và hạ trại, chuẩn bị bữa trưa bên dòng thác. Việc khám phá những điểm đến mới luôn hấp dẫn những ai yêu thích phiêu lưu mạo hiểm say mê.

Tuy nhiên việc bảo vệ môi trường có ý nghĩa quan trọng để những điểm đến mới luôn giữ được vẻ hoang sơ, quyến rũ. Do vậy, bạn hãy nhớ những gì bạn đem đến đây thì dứt khoác sẽ đem về đủ - chỉ lấy đi những bức ảnh và để lại những dấu chân, bạn nhé!

Tổng hợp từ Ihay và nhiều nguồn khác
Là một điểm đến du lịch mới được đưa vào hoạt động, khai thác du lịch từ tháng 1-2016, Khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La thuộc địa phận thôn 6, xã Quảng La, huyện Hoành Bồ đang dần được nhiều du khách biết đến. Trong những ngày đầu năm mới, một số công ty du lịch lữ hành đã lựa chọn Thiên đường hoa này vào tour du lịch, kết nối với các điểm đến du lịch khác trên địa bàn tỉnh, đưa khách đến tham quan.

Thiên đường hoa Quảng La rộng khoảng 25ha, có vị trí khá lý tưởng,  phong cảnh thiên nhiên nơi đây thật sơn thuỷ hữu tình, vừa có đồi núi, có sông nước. Đến với Thiên đường hoa Quảng La, bạn sẽ được tận hưởng một khoảng không gian thoáng mát, tự nhiên với không khí trong lành, dễ chịu.

Hiện tại, Thiên đường hoa đang sở hữu khoảng 30 loài hoa, trong đó có những loài hoa đặc trưng, mang giá trị thẩm mỹ cao, tưởng chừng chỉ được trồng ở vùng miền núi Tây Bắc như hoa tam giác mạch, cũng được gieo trồng ở đây.

Mùa này đến với thiên đường hoa, bạn sẽ có những tấm hình kỷ niệm rực rỡ cùng với thảm hoa cải vàng, cải trắng đang thời kỳ nở rộ. Đặc biệt là thảm hoa hướng dương, loài hoa mang trong mình một tình yêu cháy bỏng với mặt trời, đang bung những sắc vàng rực rỡ nhất.

Còn gì thú vị hơn khi đến đây, bạn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của các loài hoa lung linh khoe sắc trong không khí ấm áp của những ngày xuân.

Để tạo thuận lợi cho du khách, Thiên đường hoa bố trí những lối đi nhỏ giữa các thảm hoa để du khách tản bộ, chụp ảnh. Ngoài ra, còn có những con đường mòn bao bọc phía ngoài những thảm hoa để du khách có thể đi dạo bộ xung quanh thiên đường hoa.

Cùng với chức năng chính là công viên đi bộ, ngắm hoa, đến đây các bạn trẻ có thể tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, trò chơi dân gian trong những trang trại trồng ngô chủ yếu phục vụ cho du khách, đặc biệt là các bạn học sinh tổ chức các hoạt động dã ngoại.

Theo đại diện Hợp tác xã Nông dược xanh Tinh hoa, đơn vị chủ đầu tư và khai thác du lịch tại đây, khu du lịch sinh thái này vẫn đang trong thời kỳ đầu tư và được chia làm 3 giai đoạn chính.

Hiện nay, đơn vị đang hoàn thiện giai đoạn 1 và 2, đưa vào sử dụng một số hạng mục ngắm hoa và các trò chơi dân gian mang tính vận động để thu hút người dân và du khách, đặc biệt là các bạn trẻ.

Đến tháng 4 này, Thiên đường hoa sẽ đưa vào hoạt động dịch vụ câu cá tại đây. Với khoảng hơn chục chòi lá được dựng lên xung quanh những con suối nhân tạo, uốn quanh thiên đường hoa, chắc chắn sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm khó quên khi đến đây.

Trong giai đoạn tiếp theo, khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa sẽ đầu tư thêm các dịch vụ ăn, nghỉ để đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Mặc dù, vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục đầu tư, hoàn thiện nhưng Thiên đường hoa Quảng La đã bước đầu thu hút được người dân địa phương và du khách quan tâm. Nơi đây đã và đang là điểm hẹn của khách du lịch khi đến với huyện Hoành Bồ, đặc biệt là các bạn trẻ, các đôi uyên ương đến chụp ảnh cưới.

Cách trung tâm thị trấn Hoành Bồ khoảng gần 20 cây số, đường vào Khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La rất thuận lợi, dễ đi. Hiện nay, vé vào cửa khu du lịch này có 2 mức giá, người lớn 30.000 đồng/vé, trẻ em 15.000 đồng/vé.

Theo Cẩm Thu (Báo Quảng Ninh)
Tại quần đảo Cát Bà đã tồn tại một làng chài nhỏ, có di chỉ niên đại cách đây hàng nghìn năm, nay trở thành địa chỉ du lịch khá nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đó là làng chài Cái Bèo...

Làng chài Cái Bèo là nơi sinh sống của 300 hộ dân, hơn 600 nhân khẩu. Nhìn từ xa, vịnh Cái Bèo hiện ra thật đẹp với làn nước màu xanh lục, núi đá nhấp nhô hòa lẫn với màu trời trong xanh. Vẻ thơ mộng của thiên nhiên và cuộc sống nhộn nhịp của làng chài tạo nên một vẻ đẹp hiếm thấy. Trên mặt nước bồng bềnh, làng chài gồm nhiều nhà thuyền kết liền với nhau thành nhóm. Không chỉ có những con thuyền, trên vịnh Cái Bèo còn có những ngôi nhà nổi, kết lại san sát với nhau bằng những lồng bè nuôi cá. Từ nhà này có thể dễ dàng bước sang nhà kia trên một chiếc cầu nhỏ bắc ngang hay trên những thanh lồng.

Cuộc sống của cư dân làng chài Cái Bèo gắn liền với hoạt động đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng trong vịnh. Chiếc thuyền vừa là nhà, vừa là phương tiện kiếm sống nay đây mai đó của ngư dân làng chài. Trời yên, biển lặng, dân chài neo thuyền, thả lưới, buông câu, bắt tôm cá. Biển động, sóng to thì vào vịnh, về đất liền cư trú đợi lúc bình yên lại ra khơi.

Hoạt động kinh tế này không chỉ giúp cư dân làng chài có cuộc sống đủ đầy, mà còn tạo nên một nét đẹp riêng của cuộc sống trên vịnh Bến Bèo. Hình ảnh những con thuyền đông đúc, những ô lồng nuôi cá xếp hàng hàng, lớp lớp tạo nên bức tranh cuộc sống yên bình, là nét chấm phá tô điểm thêm cho vẻ đẹp quần đảo Cát Bà.

Để có thể khám phá hết cuộc sống của người ngư dân làng chài cổ và vẻ đẹp bình dị của không gian hiền hòa ở làng chài Cái Bèo thì không có lựa chọn nào tuyệt hơn là khám phá trên những chuyến đò do người dân ở nơi đây chèo lái. Một bức tranh thủy mặc của Cái Bèo theo tiếng mái chèo khua nước, du khách sẽ vừa được lắng nghe những chia sẻ thú vị và gần gũi về làng chài qua câu chuyện của người lái đò.

Không chỉ thế, du khách còn có thể thoải mái ngắm nhìn khung cảnh nên thơ của vịnh và thưởng thức những món ăn đặc sản chế biến từ cá, tu hài, tôm trên các nhà hàng nổi do chính bàn tay người dân làng chài đánh bắt hay nuôi trồng.

Sinh hoạt ở làng chài là những sinh hoạt độc đáo, thú vị và hiếm gặp. Có hàng trăm bè cá lớn nhỏ cùng ở trong một khu vực vịnh rộng lớn. Mỗi buổi sáng, khi mặt trời lên trên biển Cát Bà, lũ cá quẫy mình đòi ăn làm xao động cả một vùng nước, hòa cùng tiếng í ới gọi nhau đi học của trẻ em làng chài... sẽ là trải nghiệm thú vị với du khách.

Cuộc sống ở làng chài cứ thế chảy trôi, lênh đênh cùng con nước. Người dân ở đây đi lại, trao đổi, mua bán mọi thứ từ tấm lưới đánh cá, cho đến đồ dùng vật dụng thường ngày, kể cả trẻ con đi học, đi chơi đều bằng một phương tiện duy nhất là thuyền. Những đứa trẻ làng chài vì thế cũng trở nên dạn dĩ hơn để thích nghi với cuộc sống sông nước quanh năm.

Đối với những người ưa du lịch khám phá thì một lần đến với làng chài Cái Bèo chắn chắn sẽ không thể nào quên. Cuộc sống đặc trưng của miền biển và sự mến khách của ngư dân để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.

Theo khảo cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Cái Bèo là di chỉ khảo cổ hoc có giá trị quan trọng nhất hiện nay ở vùng ven biển và hải đảo Đông Bắc Việt Nam. Vào năm 1986, lần khai quật thứ ba được tiếp tục tiến hành. Các nhà khảo cổ đã tìm được gần 180 công cụ đá bao gồm công cụ ghè đẽo, công cụ mài không qua chế tác của 6 chày và hòn ghè, 9 mảnh gốm xốp, 18 mảnh gốm cứng mỏng, 93 mảnh gốm thô dày, 11 đốt sống cá biển, 88 đầu cá biển, 6 mảnh xương thú

Phân tích các mẫu hiện vật đã phát hiện có cơ sở kết luận di chỉ Cái Bèo gồm hai giai đoạn văn hoá: Giai đoạn tiền Hạ Long và văn hoá Hạ Long.

Lần khai quật thứ tư vào 5/12/2006 được sự tham gia của nhiều nhà khoa học có uy tín, khi kết thúc khai quật đầu tháng 1/2007 đã thu được từ 10 hố có 137 hiện vật đá, 1.424 mảnh gốm tiền sử và 568 tiêu bản di cốt động vật và vỏ nhuyễn thể biển. Phân tích cho thấy, những tổ hợp di vật thu được đều làm từ đá granít và gốm vặn thừng dập thô, không se, xương cá, vỏ sò, vỏ hàu biển kích thước lớn

Những bằng chứng này cho thấy Cái Bèo là nơi cư trú của ngư dân cổ. Đây chính là một làng chài biển cổ có quy mô lớn nhất hiện được biết ở Việt Nam. Phân tích còn thấy, cách đây khoảng 7.000 năm, người Cái Bèo sinh sống chủ yếu nhờ vào đánh cá biển và bắt sò, hàu. Họ duy trì cuộc sống ấy đến 4.500 năm cách ngày nay.

Theo Báo Ảnh VN
(BCT) - Không chỉ có thế mạnh thiên nhiên hữu tình, vùng Bảy Núi (An Giang) còn được biết đến là vùng đất tâm linh mỗi năm thu hút hàng triệu người đến chiêm bái. Các chuyến hành hương kéo dài suốt cả năm nhưng nhộn nhịp nhất vào khoảng tháng Giêng kéo dài tới tháng năm âm lịch.

An Giang là vùng đất có địa hình khác biệt trong các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ với hệ thống sông ngòi chằng chịt và là nơi khởi đầu của hai con sông lớn- sông Tiền và sông Hậu- cùng với hệ thống núi non tạo nên vùng bán sơn địa giữa đồng bằng trù phú. Du lịch ở đây đa dạng từ sông nước đến núi non nhưng nổi bật nhất vẫn là du lịch tâm linh. Hằng năm, vùng đất này có nhiều lễ hội ở các di tích, chùa chiền, thu hút đông đảo người dân từ mọi miền đất nước về đây chiêm bái.

Nhắc đến An Giang là nhắc đến Núi Sam (phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc)- nơi có ngôi miếu Bà Chúa Xứ nổi tiếng linh thiêng cùng với hàng chục ngôi chùa xung quanh cất ven chân núi lên tới đỉnh. Để có được chuyến du ngoạn thú vị, du khách chỉ nên dừng chân lại Núi Sam để chiêm bái rồi đổ bộ vào vùng Bảy Núi thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Nổi bật nhất là Núi Cấm được xem là "nóc nhà" của miền Tây Nam bộ, cao hơn 700 mét so với mực nước biển.

Ngọn núi này có người ở từ lâu. Khi xưa có rất nhiều mãnh thú, trong đó có cả hổ trắng hiếm có ở Đông Dương và nhiều người ẩn cư tu luyện trên núi. Từ đó, hình thành nhiều câu chuyện kỳ bí gắn với tâm linh của người Việt.

Ngày nay, Núi Cấm trở thành điểm đến của đất An Giang. Ngoài đường đi bộ, xe gắn máy và ô tô lên núi, còn có hệ thống cáp treo đưa du khách từ chân lên đỉnh núi khoảng 15 phút. Những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng trên núi Cấm được xây cất lại hoành tráng và lộng lẫy hơn. Con suối trước đây được cải tạo thành hồ nước rộng mênh mông.

Ở đây, người ta còn xây dựng tượng Phật Di Lặc tỏa nụ cười phúc hậu, cao 33,6 mét- đạt kỷ lục cao nhất Đông Nam Á. Trong lòng tượng là cả một tu viện rộng lớn. Quần thể những công trình kiến trúc tâm linh quanh hồ tạo nên một phong cảnh thơ mộng.

Ở độ cao này, nhiệt độ cũng dễ chịu hơn. Buổi sáng sớm hoặc xế chiều, ở đây có mây luồn, phong cảnh càng thêm huyền ảo, khiến du khách cứ ngỡ đang lơ lửng trên chín tầng mây của chốn bồng lai tiên cảnh.

Trên đỉnh núi còn có hệ thống hang động huyền bí. Có những đoàn cả trăm người đốt đuốc luồn hang như một cách tỏ lòng thành với thần linh năm non, bảy núi. Với người trẻ, luồn hang là một trải nghiệm thú vị để thử sức mình vượt qua những ngóc ngách hiểm trở của thiên nhiên.

Về vùng Bảy Núi, du khách còn tìm về vùng đất biên ải với lịch sử bi hùng. Ở một ngọn đồi của núi Phượng Hoàng có di tích cách mạng nằm giữa núi non hiểm trở. Nhờ địa hình này mà những chiến sĩ cách mạng đã có những chiến thắng vẻ vang, tô điểm cho những trang sử hồng miền Bảy Núi An Giang.

Đó là đồi Tức Dụp nằm cách trung tâm thị trấn Tri Tôn khoảng 9km về hướng Tây. Hệ thống hang động ăn thông với nhau tạo thành một căn cứ địa vững chãi trước bom đạn của kẻ thù.

Ngày nay, du khách tới đây phải luồn hang để đến với những cứ địa là căn cứ Tỉnh ủy và các cơ quan như Phụ nữ, Mặt trận, Thanh niên... ngay trong lòng núi. Đây là địa chỉ đỏ của du lịch về nguồn. Theo một hướng khác về phía biên giới cách trung tâm huyện chưa đầy 20km là chứng tích tội ác của Pôn Pốt. Người dân ở những ngôi làng sát biên giới bị thảm sát một cách dã man trong thời gian chiến tranh biên giới. Hài cốt được tập kết từ cánh đồng, trên núi và từ những ngôi nhà về thờ chung tại một tháp, người ta gọi là Nhà mồ Ba Chúc- chứng tích của tội ác diệt chủng Pôn Pốt.

Ngoài ra, vùng Bảy Núi còn sở hữu một hệ sinh thái đa dạng với rừng tràm Trà Sư. Tràm được trồng thành rừng bao phủ trên diện tích khoảng 850 ha giữa đồng lúa mênh mông trù phú. Dưới tán rừng tràm, mặt nước mênh mông, là nơi sinh sản của cá. Tràm là nơi trú ngụ của những đàn chim, cò và cả loài dơi quạ khổng lồ.

Mỗi chiều, chim bay rợp trời về đây trú ngụ sau một ngày kiếm ăn. Chạng vạng, đàn dơi lại túa đi bốn phương cho hành trình kiếm ăn trong đêm. Bơi xuồng dưới tán rừng xanh mát xem chim làm tổ, lướt đi trên những cánh bèo là dịch vụ ăn khách nhất của rừng tràm.

Từ miền Bảy Núi, di chuyển thêm khoảng 70-80km là đến Hà Tiên (Kiên Giang) thập cảnh. Từ đây, có thể đi tàu dạo chơi trên vùng biển Hà Tiên ngắm "Hạ Long của phương Nam" bằng tàu gỗ hoặc thêm khoảng hơn một giờ để đến với thiên đường biển đảo Phú Quốc; nếu làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia, du khách sẽ đến với thiên đường đảo Korong Salem, biển Sihanouk Ville chỉ trong vòng ba giờ di chuyển hoặc lên núi Tà Lơn huyền bí trên đường từ cửa khẩu Hà Tiên đến Sihanouk Ville.

Theo Thành Nguyễn (Báo Cần Thơ)
(BQN) - Xã Bình Dương (Bình Sơn) là quê hương của nhà thơ Tế Hanh- người nổi tiếng trên thi đàn với những bài thơ về đề tài quê hương. Nơi đây cũng là xã nông thôn mới (NTM) đầu tiên của Quảng Ngãi. Trong chặng đường phát triển, đi lên, Bình Dương vẫn luôn chú ý gìn giữ nét đẹp văn hóa của làng quê biển…

Nghề báo đã cho tôi điều kiện được nhiều lần về với quê hương của nhà thơ Tế Hanh. Mỗi lần đặt chân đến đây trong tôi đều có một cảm giác yên bình của một vùng quê nằm cuối con sông Trà Bồng.

Quê hương của nhà thơ Tế Hanh ba bên bốn mặt đều tiếp giáp với sông nước, nên đã ăn sâu vào trong tâm thức của ông: "Nước bao vây cách biển nửa ngày sông” (Quê hương – Tế Hanh). Con sông Trà Bồng đổ về vùng đất này chia thành hai nhánh ôm lấy đất Bình Dương. Mỗi mùa mưa lũ về lại mang một lượng phù sa, tôm cá về với vùng đất này nên quanh năm cây trái xanh tươi. Chính địa thế ấy đã hình thành nên tính cách thủy chung của người Bình Dương. Khi xa quê họ lại đau đáu nhớ về quê. Như nhà thơ Tế Hanh, những ngày sống trên đất Bắc ông dạt dào nỗi nhớ: "Nhớ bờ tre ríu rít tiếng chim kêu/ nhớ mặt nước chập chờn con cá nhảy” và "nhớ cả những người không quen biết”.

Trong tiết trời xuân, dòng sông Trà Bồng vẫn "nước gương trong soi tóc những hàng tre” nhưng diện mạo thì khác đi rất nhiều. Chiếc cầu Bà Dầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép bắc qua sông vững chắc nối liền hai xã Bình Dương và Bình Thới. Phía bên dưới là chợ Hôm, một thời tấp nập ghe thuyền, được xây dựng khang trang, vững chắc. Mỗi khi chiều xuống trẻ em bơi lội, người lớn hóng mát bên sông trên những con vịt đạp nước. Ông Nguyễn Văn Tin - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương, tự hào: Mỗi một công trình là cả vạn tấm lòng của những người con quê hương thành đạt nơi phương xa. Dẫu những công trình nhuộm màu thời gian, nhưng tất cả đều hòa vào dòng chảy của phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo nên một diện mạo mới, song vẫn giữ hồn quê thơ mộng, hữu tình.

Về Bình Dương hôm nay, chúng tôi bị hút hồn vào chiều sâu văn hóa của  làng quê. Đằng sau mỗi công trình đều hàm chứa những ý nghĩa sâu xa. Xã có 6 thôn thì 5 thôn đã hoàn thành cổng chào, kinh phí do dân đóng góp, đều được đặt tên riêng. Người dân thôn Đông Yên tự hào quê mình có nhà thơ Tế Hanh, nên trên cổng chào cũng đặt vài câu thơ: Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng/ Rướn thân trắng bao la thu góp gió...”; "Màu nước xanh, cá bạc chiếc buồm vôi/ Thoáng con thuyền rẽ sóng vượt ra khơi/ Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá”.

Ông Nguyễn Văn Tý (80 tuổi), người có ý tưởng đặt thơ nơi cổng làng, bộc bạch: "Ai sinh ra cũng có quê hương. Để người đi xa tưởng nhớ, người ở lại tự hào thì việc đặt thơ của Tế Hanh nơi cổng làng là để tự hào, tưởng nhớ ông, đồng thời cũng để nhắc nhở con cháu, gắng sức làm ăn rồi đóng góp cho quê mình”.

Cổng làng Đông Yên được thiết kế xây dựng theo hình dáng chiếc thuyền buồm no gió với khí thế "Hăng như con tuấn mã/ Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”- (Quê hương – Tế Hanh). Đi sâu vào con hẻm, nắng vàng xuyên qua ngôi nhà xưa nơi nhà thơ Tế Hanh cất tiếng khóc chào đời, người làng ai cũng đều tỏ ra tự hào về nhà thơ nên dường như ai cũng thuộc dăm câu thơ của ông...

Theo thời gian, những ngôi nhà thấp bé ngày xưa đã được thay bằng những ngôi nhà kiên cố. Nhưng cứ 10 nhà xây dọc theo sườn đất đều chừa một con đường chạy dọc ra sông nay vẫn thẳng lối đi.

Ông Nguyễn Thanh Dũng – Trưởng thôn Đông Yên, cho biết: Làng làm nghề chài lưới, nên đường ra sông để ra biển là quan trọng. Nghiệp biển đã ăn  sâu vào tiềm thức của bà con. Một bộ phận ngư dân sang làng biển Bình Chánh để đi bạn. Nhiều người chuyển làm nghề trên bờ nhưng vẫn còn gắn với nghề sông nước. Cuối năm, những con thuyền vượt bãi bồi về cập bến yên nghỉ và chuẩn bị cho một mùa biển mới sau Tết.

Thường cuối mùa biển và đầu xuân, ngư dân đến lăng vạn Đông Yên tổ chức lễ Hoàng Nguyên tạ ơn trời biển và làm lễ xuất quân trong năm mới. Trong ngày lễ có hát bả trạo, mô phỏng công cuộc lao động trên biển và cầu mong một năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Tạm biệt Bình Dương trong nắng chiều nhuộm vàng trên sông Trà Bồng. Dòng sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh xa dần theo vòng xe, nhưng ấn tượng về vùng quê yên bình vẫn còn mãi...

Theo Mai Hạ (Quảng Ngãi Online)

(TTO) - Không nổi tiếng như những bãi Trước, Sau, Dâu, Dứa... nơi ấy vẫn còn mang nét đẹp nguyên sơ, yên bình dù ở cách nội thành Vũng Tàu không xa. Đó là vùng biển Cửa Lấp.


< Hoàng hôn trên bãi biển Cửa Lấp.

Theo quốc lộ 51C vào trung tâm TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), trên đường 3 tháng 2, đoạn từ đường Đô Lương đến Hàng Điều (thuộc địa phận P.11), nếu nhìn về bên trái sẽ thấy một dãy đồi cát chạy dọc, dài khoảng 3km.

Phía trong dãy đồi cát ấy là những khu rừng hoang sơ, những thửa đất mọc đầy cây dại. Còn phía bên ngoài đồi cát chính là bãi biển Cửa Lấp.

< Bãi biển Cửa Lấp còn hoang vắng.

Một buổi chiều tháng ba nắng đẹp, từ đường 3 tháng 2, chúng tôi tìm vài con đường ngang, men theo những lối mòn đất, đá nhắm hướng ra bãi biển Cửa Lấp.

< Biển Cửa Lấp nhìn từ một đồi cát hoang sơ.

Đang mùa nắng hạn, nhiều khu rừng ngập nước đã cạn khô nước, nhưng vẫn có vài hồ, đầm nước còn đủ "chất" mênh mông, lung linh trong nắng, gợi vẻ thanh bình đến lạ.

< Một đầm nước bên một con đường vào bãi biển Cửa Lấp.

Trèo qua đồi cát trắng đã thấy bãi biển nguyên sơ hiện ra quyến rũ với từng cơn sóng trắng miên man vỗ bờ rồi nhanh chóng hòa tan vào bãi cát trắng thoai thoải. Mọi người đứng trên đồi cát, giữa rừng dương, ngẩn ngơ ngắm biển và tận hưởng những cơn gió lồng lộng từ biển thổi vào...
Những khoảng khắc thật tuyệt vời.

< Tại một lối vào, muốn chạm chân đến bãi biển Cửa Lấp phải vượt qua đồi cát này.

Bước xuống bãi biển Cửa Lấp, nhìn về hướng tây nam, xa xa vẫn ẩn hiện mấy tòa cao ốc ở khu trung tâm phố biển Vũng Tàu. Ngó qua hướng đông bắc cũng thấy một phần thị trấn Long Hải tọa lạc bên bờ sông Cửa Lấp.

< Một đoạn bờ biển Cửa Lấp với những gốc cây khô.

Chúng tôi đi bộ dọc theo bãi biển đến suốt 2km mà chẳng thấy bóng dáng du khách nào, chỉ thi thoảng dừng lại hào hứng xem vài người dân địa phương câu cá ven bờ.

< Một hồ nước nhỏ nằm dưới chân đồi cát ven biển Cửa Lấp, đụn cát trong hồ có hình dáng bản đồ Việt Nam.

Vậy thôi mà thú vị, dù trên đường về bắt gặp hai tấm bảng quảng cáo thật to, trên đó là những hình ảnh và thông tin chi tiết về một dự án du lịch rất qui mô sẽ được xây dựng mà cứ lo ngai ngái, liệu mai này Cửa Lấp còn giữ được nét nguyên sơ (?).

< Vị trí bãi biển cạnh cửa sông Cửa Lấp, bên kia cửa sông là thị trấn Long Hải (huyện Long Điền).

Thông tin cho bạn

Vùng biển Cửa Lấp (mang tên một con sông đổ ra biển gần đó) nằm cách trung tâm bãi Sau TP Vũng Tàu khoảng 6km (tính theo đường bờ biển), thuộc địa phận hai P.11 và P.12.

Nếu đi dọc đường biển, từ bãi Sau đến sông Cửa Lấp (có chiều dài khoảng 9km), bạn sẽ lần lượt đi qua các bãi biển Chí Linh, Thủy Tiên, tiếp theo sau đó là bãi Cửa Lấp, chạy dài tới sông Cửa Lấp.

Theo Nguyễn Thiên Đăng (Báo Tuổi Trẻ)

< Một hồ nước lớn nằm dưới chân dải đồi cát ven biển Cửa Lấp.

Điền Gia Dũng: Đây chính xác là bãi biển Đồi Nhái nằm giữa cửa biển Cửa Lấp và bãi tắm Chí Linh, thuộc phường 11 và 12 - TP Vũng Tàu.
Năm 2009, tại đây có một quán phục vụ tắm nước ngọt, giải khát, cho thuê phao nhưng do rất vắng khách nên cuối cùng thì dẹp tiệm.

Cuối năm 2011, tôi trở lại đây: Tấm bảng cảnh báo màu đỏ chữ trắng được mọc lên ghi 'Bãi tắm chưa có tổ chức cứu nạn, quý khách cẩn thận và tự chịu trách nhiệm nếu có tai nạn xẩy ra', quán hoang tàn do bỏ hoang nhưng bãi biển vẫn tuyệt đẹp không bóng người.

Ngay cả đường chạy xe vào cũng thích lắm vì qua những lối mòn quanh co chen giữa các đồi cát. Trong bài viết về chuyến đi sau đó, địa danh Đồi Nhái bắt đầu được một số bạn lưu ý và đương nhiên có thêm dấu chân người nhưng vẫn không đông (may mắn chăng?).

Tháng 5/2013, tôi có dịp đi ngang và ghé vào biển Đồi Nhái lần nữa, biển cảnh báo đã bạc trắng nhưng bãi biển vẫn hoang sơ tuyệt đẹp. Có lẽ rằng Vũng Tàu đã quá  thừa thải bãi biển đẹp rồi chăng? Ấy vậy nên Đồi Nhái vẫn tuyệt diệu như ngày nào! Tuyệt diệu với nhưng bạn thích sự hoang dã chứ muốn tìm sự nhộn nhịp đông vui mà đến đây thì sai lầm đấy.