Tab Từ Khóa "Biển"
Showing posts with label Biển. Show all posts
(BQN) - Trên bờ biển Quảng Ngãi có 6 cửa biển, lần lượt từ bắc vào Nam là Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, cửa Lở, Mỹ Á và Sa Huỳnh. Cả 6 cửa biển này đều xuất hiện trong ca dao bằng hình ảnh gần gũi, thân thương, gắn bó sâu nặng với sản xuất, sinh hoạt và đời sống tình cảm của những người cần lao.

Nằm ở phía đông bắc huyện Bình Sơn (phía bắc tỉnh), cửa Sa Cần (còn có tên gọi là Thái Cần, Thế Cần, Sơn Trà), thuộc thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh và thôn Sơn Trà, xã Bình Đông là nơi sông Trà Bồng đổ ra biển. Trước cửa Sa Cần có một đảo nhỏ án ngữ là hòn Ông; phía đông bắc có các đảo và doi cát như núi Co Co (còn gọi là hòn Cổ Ngựa), có mũi Túi - mũi Đất che chắn các hướng sóng Đông và Đông Bắc. Vì vậy, cửa biển này ít bị xói lở, bồi lấp, tương đối khuất sóng gió, là nơi neo đậu rất tốt cho tàu thuyền.

Sa Cần là cửa biển đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi kể từ phía bắc: Sa Cần, Châu Ổ bao xa/ Ngoài mũi Cây Quýt thiệt là Tổng Binh/ Nam Châm, Cổ Ngựa trời sinh/ Làng Gành, Mỹ Giảng ăn quanh Vũng Tàu.

Nằm trong cửa Sa Cần là cửa Sa Kỳ. Đây là cửa biển nằm ở phía đông nam huyện Bình Sơn và đông bắc TP.Quảng Ngãi, giữa hai xã Bình Châu và Tịnh Kỳ, nơi sông Châu Me và sông Chợ Mới đổ về. Sa Kỳ là nơi đi thuyền ra đảo Lý Sơn (cù lao Ré) gần nhất so với các cửa biển khác: Đi ngang qua mũi Sa Kỳ/ Ngó ra lao Ré xiết chi thảm sầu!

Trong quá khứ, chúa Nguyễn đã sai quân binh trưng dụng ngư dân làng An Hải (nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) và làng An Vĩnh (nay thuộc xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi) thành lập đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển và tìm kiếm hải vật ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sa Kỳ chính là nơi đội Hoàng Sa làm lễ xuất bến khi đi và dâng lễ hoàn nguyện khi về. Sau này, khi người các đội Hoàng Sa được lấy chủ yếu ở An Vĩnh và  An Hải của cù lao Ré (đảo Lý Sơn) thì những buổi lễ này mới được tổ chức ở đảo Lý Sơn. 

Nay thuộc thành phố Quảng Ngãi, cửa Cổ Lũy còn có tên gọi là cửa Đại, nằm giữa các xã Nghĩa Phú, Nghĩa An và xã Tịnh Khê, nơi hai con sông lớn Trà Khúc và sông Vệ đổ về. Cửa biển hẹp nhưng có vũng sâu, tàu lớn, ghe bầu có thể ra vào được. Vùng cửa Đại nổi tiếng với phố cổ Thu Xà, bến cảng Phú Thọ sầm uất một thời. Nơi đây cũng có nhiều cảnh đẹp hàng đầu của Quảng Ngãi: Tư Nghĩa, cửa Đại là đây/ Gành Hào, núi Quế đá xây nên chùa/ Dưới thời bông súng nở đua/ Ngó lên trên chùa đá dựng kiểng giăng/ Ngó qua bên xóm Trường An/ Ngó xuống Hòn Sụp cát vàng soi dương.

Trong khi đó, cửa Lở nằm giữa xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) và xã Đức Lợi (Mộ Đức), là nơi sông Vệ đổ ra biển. Cửa biển này hẹp và cạn, hàng năm bị bồi lấp mạnh, không được thuận lợi cho thuyền bè ra vào. Vùng cửa Lở nổi tiếng với nghề làm mắm ở làng Kỳ Tân và làng An Chuẩn thuộc xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức. Hai làng gần nhau, nhưng có những năm, vào mùa mưa, nước dâng, cát bồi lấp khiến đường đi lối lại thật lắm khó khăn: Kỳ Tân, An Chuẩn bao xa/ Chàng đi thiếp ở lại nhà sầu thương.

Xuôi về phía nam, cửa Mỹ Á nằm giữa địa phận các xã Phổ Quang, Phổ Minh và Phổ Vinh thuộc huyện Đức Phổ, nơi sông Trà Câu đổ ra biển. Cửa Mỹ Á là chỗ ghe thuyền ra vào tránh bão, trao đổi hàng hóa và dịch vụ nghề cá. Cá, mắm từ cửa Mỹ Á theo đường ghe kinh, ngược dòng Trà Câu đến với vùng trung du và thượng nguồn, phía Minh Long, Ba Tơ: Nắng đò ngang nắng về Mỹ Á/ Lộng gió nồm nam thuyền cá quay về/ Anh với em nặng mối tình quê/ Thương nhau chung thủy như đôi ghe chung buồm.

Còn ở cực Nam của tỉnh, cửa Sa Huỳnh là nơi thông ra biển của đầm Nước Mặn. Luồng tàu thuyền vào cửa Sa Huỳnh có hướng đi dích dắc qua một cửa biển hẹp, địa hình đáy luồng dẫn biến động thay đổi về độ sâu.

Sa Huỳnh là nơi giao lưu buôn bán sầm uất giữa nguồn và biển, giữa Mộ Đức và Đức Phổ, giữa Quảng Ngãi với Bình Định: Kể từ Bình Định kể ra/ Sa Huỳnh, chợ Nãi bước qua Đò Đầm/ Chợ Dốc ngồi chẳng an tâm/ Ngó ra Thanh Hiếu thấy đầm Lâm Đăng/ Sông Trường có bến lội băng/ Chợ Cây Chay buôn bán thẳng giăng hai hàng/ Qua đò thì tới Du Quang/ Ngó qua Mã Loạn không thấy chàng, chàng ơi...

Sáu cửa biển ở Quảng Ngãi là nơi ra vào, neo đậu cho tàu thuyền của ngư dân, giữ vai trò quan trọng trong giao thông đường thủy của tỉnh, nhất là thời xưa. Có lời hát của những cô gái ngóng theo cánh buồm xa, cũng có câu ca của những chàng trai nắm chặt tay chèo đuổi theo luồng cá chạy. Biển cả bao la và những con thuyền vượt sóng ra khơi là những hình ảnh đẹp trong ca dao, dân ca Quảng Ngãi.

Vùng biển Quảng Ngãi có nhiều loại hải sản như cá chuồn, cá ngừ, cá thu, cá nục, cá trích, cá cơm, mực, tôm hùm, cua, hải sâm, rau câu... Từ nhiều đời nay, hàng vạn người dân sống ở vùng ven biển thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn lấy nghề đánh cá làm lẽ mưu sinh.

Theo Lê Hồng Khánh (Quảng Ngãi online)
(BQN) - Trong những ngày hè, du khách hãy một lần đến với hang Én ở thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu (Đức Phổ) để hòa mình vào thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ, đầy hấp dẫn nơi đây.

Từ chân cầu vượt đường sắt trên tuyến Quốc lộ 1 thuộc thôn Châu Me, băng qua những vườn dừa xanh ngút tầm mắt, con đường vào làng chài quanh co thanh bình sẽ đưa bạn đến với hang Én - Vĩnh Tuy.
Hiện ra trước mắt du khách là một hang đá sừng sững nằm vươn ra biển với hàng trăm con chim én chao lượn ra vào hang. Tiếng vỗ cánh cùng tiếng kêu lánh lót của chim hòa cùng tiếng sóng, tiếng gió tạo nên những cung bậc trầm bổng, làm mê hoặc lòng người. Đặc biệt là mỗi mùa xuân về, những cánh Én làm rộ mùa xuân Sa Huỳnh.

Đến với hang Én, du khách sẽ có cảm giác thư thái, tâm hồn bồng bềnh theo những cánh sóng dội vào ghềnh đá.

Đặc biệt phía trên hang Én là hình ảnh chi chít tổ én bám vào khe đá, nhìn từ dưới lên giống như những nhũ đá vôi tuyệt đẹp. Bên ngoài hang có những tảng đá được thiên nhiên bào mòn, gọt giũa tạo nên những hình thù lạ mắt. Tùy theo vị trí đứng và tùy theo “con mắt nghệ thuật” của mỗi người mà tảng đá này sẽ có hình những con vật khác nhau như sư tử, kỳ lân hay báo...

Một trong những người sống lâu năm ở gần hang Én, cụ bà Phạm Thị Yên cho biết, lúc bà còn nhỏ ít người biết đến hang Én vì đường xuống hang rất khó đi. Hơn nữa, nhìn từ xa ai cũng nghĩ hang dơi nên ít người tiếp cận.

Tuy nhiên, sau khi được khám phá ra là hang Én thì ngày càng có nhiều khách đến tham quan.

< Tổ én dày đặc trong hang.

Một trong những đặc trưng của thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu là có rất nhiều dừa. Hầu như nhà nào cũng có một vườn dừa xum xuê quả. Không khí nơi đây vô cùng mát mẻ, trong lành.

Vì vậy, du khách sau khi chiêm ngưỡng hang Én xong, quay trở ra, ai cũng có thể vào thăm thú vườn dừa và thưởng thức loại dừa đặc trưng của xứ biển này. Đây quả thật là một điểm dã ngoại vô cùng lý thú với sự trải nghiệm có núi, biển, hang đá với hàng trăm con én bay lượn và tự tay hái những quả dừa còn tươi nguyên.

Ông Huỳnh Văn Quang – Chủ tịch UBND xã Phổ Châu cho hay: Hang Én là một trong những điểm du lịch thiên nhiên hấp dẫn mà địa phương đang quy hoạch để phát triển.

Hiện nay, đường vào hang Én tuy nhỏ nhưng đã được bê tông thuận tiện. Tuy nhiên, để khai thác các điểm mạnh, đánh thức tiềm năng về du lịch với hướng phát triển thành tour du lịch biển – hang Én, Phổ Châu cũng đang trình tỉnh phê duyệt xây dựng kéo dài tuyến đường hơn 2km để nối khu du lịch biển Châu Me với khu du lịch hang Én Vĩnh Tuy.

Còn với tôi, với một điểm du lịch còn hoang sơ, đầy kỳ thú, cùng những con người hiền hậu, mến khách nên chăng địa phương phát triển theo hướng du lịch cộng đồng, để vừa thu hút khách, vừa tạo việc làm cho người dân địa phương.

Theo Hồng Hoa (Báo Quảng Ngãi), ảnh Skydoor
Đảo Mắt Rồng là một điểm tham quan đang rất hot với giới trẻ, bởi không gian xanh mướt và khung cảnh hoang sơ, nằm trong hòn Bái Đông ở rìa phía nam của vịnh Hạ Long.

Mắt Rồng xứng đáng được gọi là "hoang đảo đẹp nhất vịnh Bắc Bộ", phù hợp với những người thích chỗ vắng vẻ và cắm trại ở bãi biển.

Đó là một hòn đảo nhỏ, hình dáng một con bạch tuộc, đầu to, với những xúc tu dài vặn xoắn. Giữa đảo - giữa "đầu" của "bạch tuộc" có một hồ nước rất tròn. Vì vậy, đảo có tên gọi là Mắt Rồng, dù tên Mắt Bạch Tuộc có vẻ chính xác hơn.

Gia đình tôi tới Cẩm Phả, ra cảng Vũng Đục, hỏi dân bản địa - những người cả đời ngang dọc các luồng lạch từ Bái Tử Long, qua Hạ Long, vòng sang vịnh Lan Hạ…, chẳng ai biết có hòn đảo nào tên là Mắt Rồng.

Tôi tả lại như những gì được chia sẻ trên mạng. Họ cười phá lên, cho biết chưa từng nghe tên đó bao giờ, nhưng chỗ hồ nước tròn đó là ở hòn đảo cách bờ chừng hơn 20 km, đi tàu gỗ chừng hơn một tiếng.

Sau hơn 30 phút đi bằng tàu cao tốc, gia đình tôi lọt vào một vụng nước hình trăng khuyết, với bãi cát dài chừng hơn 30 m khi chưa tới đỉnh triều, ba mặt là núi đá. Cả nhà reo lên sung sướng vì sự diễm lệ hoang vắng của hòn đảo.

Anh chàng chủ tàu ái ngại, hỏi tôi đã suy nghĩ kỹ về quyết định cắm trại trên đảo chưa, vì nơi đây không có nước ngọt, sóng điện thoại, và có thể không an toàn. Lời đề nghị ấy lập tức bị gạt đi. Tàu vừa dừng lại, lũ trẻ đã hò nhau nhảy xuống đảo, chia nhau tìm chỗ hạ trại.

Vị trí hạ trại được chọn là một vạt đất bằng đầy cây muống biển, chỉ dấu cho thấy thủy triều ít khi ngập tới. Trại dựng sát chân núi, chỗ bắt đầu con đèo thấp để tránh lũ nếu có mưa to. Vị trí này còn đắc địa bởi có những tán cây rừng râm mát để chống nắng.

Vượt qua con đèo nhỏ um tùm cây lá là một thế giới khác. Bên trong đảo cũng không có đất, mà là một hồ nước tròn như miệng một chiếc giếng khổng lồ, đường kính chừng hơn 100 m. Đây đúng là một cái giếng khổng lồ, có thành đá cao vút dựng xung quanh.

Sát mặt nước là những tán cây lòa xòa xanh mướt chìa ra từ vách đá. Một cảnh tượng vô cùng kỳ vĩ, và bí hiểm bởi màu nước xanh kỳ lạ. Nước mặn, dù không có màu như nước biển, và nhạt hơn, chắc thông với đại dương bởi hang ngầm. Mép giếng có những loài rong kỳ lạ, không thường thấy ở biển cũng như ở những vùng đầm lầy nước ngọt.

Hòn đảo này có lẽ hàng triệu năm trước là một đỉnh đá vôi trù phú. Thời gian, mưa gió và sóng biển đã rỉa rói bằng sạch. Mặt ngoài hòn đảo cơ bản không còn đất. Chất vôi trong đá cũng đã bị bào mòn, chỉ còn lõi đá đen cứng như thép với những mảnh sắc chồng lên nhau lớp lớp.

Những loại cây còn tồn tại ở đây cũng cứng như thép, bám rễ sâu vào các khe nứt và cành lá đều se sắt lạ thường. Men theo chân đá là một bờ cát nhỏ, chỉ lộ ra khi triều xuống.

Con tàu rời đi, hòn đảo và vịnh nước xanh trở nên yên tĩnh lạ thường. Bà nội bọn trẻ nhà tôi mắc võng nghỉ ngơi dưới bóng cây. Các em trai sửa soạn đồ nghề câu cá, chuẩn bị nhóm lửa nấu bữa trưa. Tôi dẫn các con khám phá hòn đảo.

Ăn uống no say, nằm dưới tán cây xanh mát trong làn gió tinh khiết lách qua cánh núi, nghe tiếng chim rừng hòa ca, cảm giác thật khoan khoái. Đảo nhiều chim, ríu ran hót trong lùm cây. Quạ và diều hâu bay lượn không ngừng nghỉ.

Buổi chiều, nước khá lạnh, nhưng bọn trẻ vẫn tắm biển hào hứng. Bãi tắm như của riêng, tuyệt đối tự do. Ánh sáng yếu ớt của buổi chiều khiến đàn dĩn ùa ra tấn công như những phi đội Thần Phong tấn công Trân Châu Cảng.

Chúng tôi đốt những đống lửa to được đốt lên để tạo vùng an toàn. Tuy nhiên, mong muốn tiếp tục khám phá đảo đã tiêu tan vì lũ hung thần bé nhỏ ấy.

Sau bữa chiều với gà luộc và mì tôm, buổi tối kinh hoàng bắt đầu với những tiếng sấm từ ngoài xa. Gió ngừng, không khí oi nồng trước cơn giông, và đàn dĩn trong bóng tối trở nên vô cùng hung hãn. Không ai dám đi xa đống lửa quá 2 m dù buổi tối mới bắt đầu.

Nằm trong lều thì oi, ở ngoài thì dĩn đốt, dù đã xịt thuốc chống côn trùng khắp người nhưng lũ dĩn đói quá đông, hết lớp này đến lớp khác lao vào, thậm chí vừa hút máu vừa tranh thủ dựa vào đám lông chân, lông tay người. Chúng tôi đành lùa trẻ con vào lều, quạt cho chúng ngủ với hy vọng đêm sẽ chóng qua.

Gió mạnh dần, mưa bắt đầu rơi. Mọi người tất tả vào lều, phủ bạt kín, chặn đá các góc lều, chăng dây chống gió giật. Nằm trong lều, tôi nghe mưa xối xả mỗi lúc một to hơn. Gió giật ầm ầm như chỉ muốn hất tung cả lều và người lên đỉnh núi.

Cố gắng trấn an bọn trẻ, nhưng trong lòng tôi không khỏi lo sợ, nhất là khi thủy triều vẫn tiếp tục dâng lên, tiếng sóng đã rất gần ngoài cửa lều mà vẫn còn hơn hai giờ nữa mới đến đỉnh triều. Sự lo lắng kéo dài đến 2h. Thủy triều bắt đầu rút, gió cũng giảm dần, mưa đã bớt xối xả hơn, và giấc ngủ mệt mỏi kéo đến.

Gần 5h, trời đã tạnh hẳn mưa và nền trời phía đông đã hừng lên sắc hồng. Còn 3 tiếng nữa, con tàu cứu hộ mới ra theo lịch hẹn. Nhưng không ai còn muốn tiếp tục cuộc khám phá dở dang trên hòn đảo này vì đã quá mệt mỏi. Chúng tôi tìm những cành củi khô trong vách đá kín, nhóm một đống lửa to để phòng dĩn, và chờ. 

Đúng 8h tàu đến, cuộc phiêu lưu trên hòn đảo kinh dị đã nhanh chóng kết thúc.

Trở về, tôi hẹn lần sau trở lại với sự chuẩn bị kỹ càng hơn, ít nhất là phải có tàu lớn để có thể trú ẩn khi dông gió, thuyền nhỏ để khám phá Mắt Rồng, quần áo dài và hóa chất để chống côn trùng.

Theo Phạm Trung Tuyến (New Zing)
Người làm nghề dựng nhà chòi trên biển phải tính toán chính xác mực thủy triều, phải ngâm mình dưới nước, phải là thợ lặn giỏi.

Những năm đầu thập niên 2000, cư dân Cam Ranh (Khánh Hòa) bắt đầu phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Vì vậy, nhu cầu dựng nhà chòi để chăm sóc, canh giữ ngày càng tăng. Nhưng chỉ có những thợ mộc tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm mới dựng được nhà gỗ trên mặt nước biển.

Chúng tôi tìm đến tổ dân phố Hòa Do 4, phường Cam Phúc Bắc để theo chân thợ mộc Vy Thanh Đông ra biển. Hôm nay, có người thuê làm nhà chòi nên anh tranh thủ ra thăm chòi chăm rau câu chân vịt (rong sụn) của mình trước khi gọi anh em cùng đi làm.

Đường ra biển Cồn Chim khoảng một kilomet. Đây là vùng biển chuyên trồng rau câu kết hợp nuôi sò của người dân Cam Phúc Bắc. Anh Đông cho biết: "Ở đây nước không sâu lắm nên người dân vừa nuôi rau câu vừa nuôi sò. Nhưng mà bọn người trộm sò và rau câu ngày càng đông, bà con phải thuê tụi tui dựng nhà gỗ để vừa tiện phơi rau câu khi thu hoạch, vừa giữ sò khỏi bị kẻ gian lấy cắp".

Với chiếc xuồng nhỏ hai tay chèo, anh Đông đưa chúng tôi đi qua cả trăm ngôi nhà gỗ cắm cọc xuống biển. Mặt biển được rào chắn bằng cọc tiêu và lưới, làm thành những khu nuôi trồng thủy sản riêng lẻ. Cũng có đường cho xuồng đi lại, nhưng khách lạ như chúng tôi không biết đi lại cụ thể thế nào.

Sau một hồi lênh đênh sóng nước, xuồng anh Đông tấp vào một nhà chòi anh vừa làm xong cho khách. Nhìn dàn cọc khá dày từ đáy biển nhô lên cùng sàn tre, cái chòi lợp tôn chắc chắn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết căn nhà này chỉ mình anh Đông làm.

Neo xuồng, leo lên bậc thang bằng những cây gỗ, cảm giác đầu tiên là căn nhà không hề lung lay. Dưới mái tôn, giữa gió biển mát rượi, anh Đông cho biết, dựng nhà trên biển khó hơn nhiều so với dựng nhà trên đất liền.

Đầu tiên, khi khách hàng đặt vấn đề dựng nhà, kíp thợ sẽ liệt kê những vật liệu cần dùng, nếu chủ đồng ý thì mua về tập kết bên bờ biển, từ những cây gỗ to bằng bắp đùi làm trụ cho đến tre nứa làm sàn cùng dây kẽm, đinh, bù loong... Kíp thợ dùng một cái bè lớn đưa hết vật liệu lên đó, chờ thủy triều xuống, lội nước kéo ra vị trí chủ nhà yêu cầu.

Kíp thợ vài người phân công mỗi người mỗi việc. Người thì đào hố trụ dưới nước, người kết sàn nhà... Nhưng nếu không có ai cùng làm thì một mình anh Đông vẫn tự tay hoàn chỉnh một nhà chòi trong vài ngày. Anh Đông kể, đào lỗ chôn trụ nhà là vất vả nhất, người thợ phải nắm bắt được mực nước thủy triều lên xuống, phải lặn xuống nước, nhiều nơi đào cát lên lại bị tuột xuống.

Nếu như dựng nhà trên đất liền thì tính toán và cưa sẵn cột cho từng vị trí, với nghề mộc dưới nước, không ai dám mạo hiểm làm việc ấy, vì không biết chắc độ nông sâu của biển, nền biển chắc chắn cỡ nào nên gỗ phải cùng độ dài. Rồi làm cách nào để trụ ngâm dưới nước biển không bị mục nhanh, chống được hà bám...

Những người thợ chuyên dựng nhà chòi trên biển như anh Đông đều ước tính được mọi thông số kỹ thuật trong đầu, không hề có một mẫu giấy hay bản vẽ. Xác định vị trí để đào lỗ dựng trụ xong, người thợ ngậm ống thở, lặn sát đáy biển, dùng xà beng cắm mạnh vào cát, dùng một loại máy (tận dụng máy xịt thuốc trừ sâu cho cây xoài) bắn hơi vào quanh xà beng, cát bay ra, tạo nên cái lỗ.

Cứ thế lặp đi lặp lại thật nhanh để không bị cát và nước lấp cái lỗ sâu dần. Lỗ chôn trụ ít nhất phải sâu 0,7 mét đến 1,2 mét, nên chỉ những ai biết lặn và sức khỏe thật tốt mới có thể đào nổi vì phải ngâm mình dưới nước nhiều tiếng đồng hồ. Số lỗ đào tùy thuộc vào diện tích nhà chòi, nhưng trung bình phải từ 30 đến gần gấp đôi.


Để tăng tuổi thọ những trụ gỗ, người thợ phải ước lượng phần chân trụ bị ngập nước, dùng nhựa đường quét lên nhiều lớp rồi quấn lại bằng lưới ni lông. Nhờ thế mà có những nhà chòi trụ vững trên biển cả chục năm. Xong phần dựng trụ là khoan lỗ thật chính xác để nối trụ với cây giằng ngang bằng bù loong, tạo nên khung sườn vững chắc mới bắt tay vào làm sàn.


Tùy số tiền của khách mà thợ chọn vật liệu. Tiền vật liệu càng cao thì nhà chòi sử dụng càng lâu, chịu đựng được giông bão và biển động. Nhưng sàn chòi, cả phần nhỏ để ở, phần lớn là sân phơi, thường làm bằng tre lồ ô, vì nếu dùng gỗ sẽ tốn kém gấp nhiều lần. Theo anh Đông, nếu 3 người dựng 1 nhà chòi chỉ vài ba ngày là xong, còn một mình thì phải cả tuần.

"Những năm đầu vào nghề, cả nhóm 3, 4 người hợp lực dựng một nhà chòi đã không xuể, bây giờ, nhờ tích lũy được kinh nghiệm, anh em đều có khả năng làm một mình. Làm miết, quen tay rồi cái khó cũng thấy bình thường", anh Đông chia sẻ.

Nhưng anh Đông cũng cho biết, dù gắn bó suốt 10 năm, nghề làm nhà chòi vẫn bấp bênh. Diện tích nuôi trồng thủy sản ở Cồn Chim có hạn, tức "đất xây nhà" cũng có hạn. Mấy năm trước, khi việc nuôi trồng thủy sản ở Cam Ranh nở rộ, anh Đông cùng em rể là Nguyễn Đường và bạn là Nguyễn Trung Kiên lập nhóm để dựng nhà chòi, việc làm không ngớt nhưng nay vịnh biển đã lấp đầy diện tích có thể nuôi trồng được, công việc thưa hẳn.

Rồi 2 thợ trong nhóm không trụ được với nghề do phải ngâm mình dưới nước, tay chân bị "nước ăn", làm quần quật cả ngày cũng chỉ được 300 ngàn đồng tiền công. Mùa khô còn có việc làm, mùa mưa, những người thợ như anh Đông đều thất nghiệp.

Gia đình anh Đông có 4 người. Thuở nhỏ, anh được bố dẫn từ Phú Yên vô Cam Ranh sinh sống. Mải lo làm ăn, gần 40 tuổi anh Đông mới cưới vợ. Một mình lo cho cả nhà, thu nhập từ nghề mộc trên biển không thể trang trải đời sống gia đình.

Nhiều lần có ý định bỏ nghề để tập trung làm nghề khác có thu nhập ổn định, nhưng khi bà con nhờ dựng căn nhà chòi để kiếm kế sinh nhai, anh lại không nỡ từ chối. "Hai anh bạn tôi đã làm việc khác, khách nhờ, tôi không làm thì ở đây không còn ai làm, nên phải nhận lời", anh Đông tâm sự.

Công việc mưu sinh cực nhọc vậy, nhưng như anh Đông nói, nhìn những căn nhà chòi do mình làm vững chắc giữa sóng gió qua bao nắng mưa để giúp người dân nuôi sò, trồng rau câu, là niềm vui lớn nhất, là niềm động viên giúp người thợ mộc trên biển vượt qua bao khó khăn.

Theo Cao Khuyên (Doanh Nhân SG)

(TTO) - Không nổi tiếng như những bãi Trước, Sau, Dâu, Dứa... nơi ấy vẫn còn mang nét đẹp nguyên sơ, yên bình dù ở cách nội thành Vũng Tàu không xa. Đó là vùng biển Cửa Lấp.


< Hoàng hôn trên bãi biển Cửa Lấp.

Theo quốc lộ 51C vào trung tâm TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), trên đường 3 tháng 2, đoạn từ đường Đô Lương đến Hàng Điều (thuộc địa phận P.11), nếu nhìn về bên trái sẽ thấy một dãy đồi cát chạy dọc, dài khoảng 3km.

Phía trong dãy đồi cát ấy là những khu rừng hoang sơ, những thửa đất mọc đầy cây dại. Còn phía bên ngoài đồi cát chính là bãi biển Cửa Lấp.

< Bãi biển Cửa Lấp còn hoang vắng.

Một buổi chiều tháng ba nắng đẹp, từ đường 3 tháng 2, chúng tôi tìm vài con đường ngang, men theo những lối mòn đất, đá nhắm hướng ra bãi biển Cửa Lấp.

< Biển Cửa Lấp nhìn từ một đồi cát hoang sơ.

Đang mùa nắng hạn, nhiều khu rừng ngập nước đã cạn khô nước, nhưng vẫn có vài hồ, đầm nước còn đủ "chất" mênh mông, lung linh trong nắng, gợi vẻ thanh bình đến lạ.

< Một đầm nước bên một con đường vào bãi biển Cửa Lấp.

Trèo qua đồi cát trắng đã thấy bãi biển nguyên sơ hiện ra quyến rũ với từng cơn sóng trắng miên man vỗ bờ rồi nhanh chóng hòa tan vào bãi cát trắng thoai thoải. Mọi người đứng trên đồi cát, giữa rừng dương, ngẩn ngơ ngắm biển và tận hưởng những cơn gió lồng lộng từ biển thổi vào...
Những khoảng khắc thật tuyệt vời.

< Tại một lối vào, muốn chạm chân đến bãi biển Cửa Lấp phải vượt qua đồi cát này.

Bước xuống bãi biển Cửa Lấp, nhìn về hướng tây nam, xa xa vẫn ẩn hiện mấy tòa cao ốc ở khu trung tâm phố biển Vũng Tàu. Ngó qua hướng đông bắc cũng thấy một phần thị trấn Long Hải tọa lạc bên bờ sông Cửa Lấp.

< Một đoạn bờ biển Cửa Lấp với những gốc cây khô.

Chúng tôi đi bộ dọc theo bãi biển đến suốt 2km mà chẳng thấy bóng dáng du khách nào, chỉ thi thoảng dừng lại hào hứng xem vài người dân địa phương câu cá ven bờ.

< Một hồ nước nhỏ nằm dưới chân đồi cát ven biển Cửa Lấp, đụn cát trong hồ có hình dáng bản đồ Việt Nam.

Vậy thôi mà thú vị, dù trên đường về bắt gặp hai tấm bảng quảng cáo thật to, trên đó là những hình ảnh và thông tin chi tiết về một dự án du lịch rất qui mô sẽ được xây dựng mà cứ lo ngai ngái, liệu mai này Cửa Lấp còn giữ được nét nguyên sơ (?).

< Vị trí bãi biển cạnh cửa sông Cửa Lấp, bên kia cửa sông là thị trấn Long Hải (huyện Long Điền).

Thông tin cho bạn

Vùng biển Cửa Lấp (mang tên một con sông đổ ra biển gần đó) nằm cách trung tâm bãi Sau TP Vũng Tàu khoảng 6km (tính theo đường bờ biển), thuộc địa phận hai P.11 và P.12.

Nếu đi dọc đường biển, từ bãi Sau đến sông Cửa Lấp (có chiều dài khoảng 9km), bạn sẽ lần lượt đi qua các bãi biển Chí Linh, Thủy Tiên, tiếp theo sau đó là bãi Cửa Lấp, chạy dài tới sông Cửa Lấp.

Theo Nguyễn Thiên Đăng (Báo Tuổi Trẻ)

< Một hồ nước lớn nằm dưới chân dải đồi cát ven biển Cửa Lấp.

Điền Gia Dũng: Đây chính xác là bãi biển Đồi Nhái nằm giữa cửa biển Cửa Lấp và bãi tắm Chí Linh, thuộc phường 11 và 12 - TP Vũng Tàu.
Năm 2009, tại đây có một quán phục vụ tắm nước ngọt, giải khát, cho thuê phao nhưng do rất vắng khách nên cuối cùng thì dẹp tiệm.

Cuối năm 2011, tôi trở lại đây: Tấm bảng cảnh báo màu đỏ chữ trắng được mọc lên ghi 'Bãi tắm chưa có tổ chức cứu nạn, quý khách cẩn thận và tự chịu trách nhiệm nếu có tai nạn xẩy ra', quán hoang tàn do bỏ hoang nhưng bãi biển vẫn tuyệt đẹp không bóng người.

Ngay cả đường chạy xe vào cũng thích lắm vì qua những lối mòn quanh co chen giữa các đồi cát. Trong bài viết về chuyến đi sau đó, địa danh Đồi Nhái bắt đầu được một số bạn lưu ý và đương nhiên có thêm dấu chân người nhưng vẫn không đông (may mắn chăng?).

Tháng 5/2013, tôi có dịp đi ngang và ghé vào biển Đồi Nhái lần nữa, biển cảnh báo đã bạc trắng nhưng bãi biển vẫn hoang sơ tuyệt đẹp. Có lẽ rằng Vũng Tàu đã quá  thừa thải bãi biển đẹp rồi chăng? Ấy vậy nên Đồi Nhái vẫn tuyệt diệu như ngày nào! Tuyệt diệu với nhưng bạn thích sự hoang dã chứ muốn tìm sự nhộn nhịp đông vui mà đến đây thì sai lầm đấy.
Tờ mờ sáng những ngày giáp Tết, trên những nẻo đường từ TP.HCM tỏa ra các tỉnh miền Đông, miền Trung tấp nập người xe. Xe nào cũng chất đầy hành lý, ước mong trở về và niềm vui sum họp năm mới. Chúng tôi cũng vác ba lô lên đường theo tiếng gọi của cơn gió mùa xuân, dự định men theo con đường ven biển từ Bà Rịa đến Phan Thiết, Phan Rang rồi ra Cam Ranh với tổng chiều dài khoảng 400 km.

< Vịnh Vĩnh Hy.

Dưới ảnh hưởng đợt thời tiết lạnh kỷ lục ở khu vực Đông Nam Bộ, ai nấy vừa chạy xe vừa co ro trong sương sớm. Tuyến đườ đã quá quen thuộc hôm nay cũng khác lạ với màn sương dày lãng đãng trên những cánh đồng xanh rì. Đường ven biển ngang qua Hồ Tràm, Hồ Cốc, hoa đào nở li ti phớt hồng sắc xuân.

< Cánh đồng xanh rì trải dài đến tận bờ biển.

Dự định dồn sức cho đoạn Phan Rang – Cam Ranh, chúng tôi đi thẳng ra Phan Thiết mà không nghỉ ở đâu quá lâu ngoài 20 phút ngắm hải đăng Kê Gà sừng sững trước biển trước gió. Sau khi dừng ăn trưa tại Phan Thiết, chúng tôi tiếp tục hành trình ngang qua những vùng thảo nguyên đỏ quạch, khô hạn đặc trưng của Bình Thuận.

< Đường ven biển từ Bàu Trắng đi Phan Rí Cửa.

Để đi tiếp ra Phan Rang, chúng tôi băng qua con đường ven biển mới hoàn thiện từ Bàu Trắng đi Phan Rí Cửa, dài hơn 50 km.

Đây là một trong những đoạn đường ấn tượng nhất chuyến đi. Đường tít tắp thênh thang, một bên là những đụn cát sa mạc trắng tinh, một bên là biển xanh mênh mông. Thỉnh thoảng bắt gặp vài nhóm du lịch bụi chạy ngang, hai bên cùng vẫy tay chào nhau, chúc nhau một hành trình an toàn, vui vẻ.

< Biển núi chập chùng.

Sau gần 3 giờ vật lộn ngả nghiêng với những cơn gió chướng của vùng đất Ninh Thuận, chúng tôi đến Phan Rang – Tháp Chàm, hòa mình vào không khí đón Tết rộn ràng của thành phố biển. Nào chợ Tết, nào phố hoa nhộn nhịp đến gần khuya, náo nhiệt chẳng kém gì Sài thành.

Tranh thủ nạp năng lượng đồng thời khám phá ẩm thực địa phương, chúng tôi đi một vòng thành phố thưởng thức vài món ngon đặc trưng của Phan Rang như bánh xèo, bánh căn, chả cuốn…Thấy không khí sum họp gia đình ấm cúng, tôi cũng nôn nao muốn hoàn thành chuyến đi đúng theo lịch trình để kịp quay về Sài Gòn đón Tết cùng gia đình.

Sáng hôm sau, thức dậy trong cái lạnh se se, chúng tôi ních đầy bụng bằng món bánh canh chả cá rồi lên đường, ngang qua bao nhiêu đồng muối, ruộng lúa, ruộng nho. Hầu hết mọi người đã nghỉ Tết, trên bao la cánh đồng chỉ còn tiếng gió lao xao.

Một trong những khám phá ấn tượng nhất trong hành trình lần này là Hang Rái – Ninh Thuận, cách Vịnh Vĩnh Hy khoảng 7km về phía Nam. Dù đã nhìn thấy địa điểm này từ trước qua tranh ảnh và thông tin trên Internet, chúng tôi cũng khá bối rối vì không xác định được chính xác vị trí, cũng không tìm thấy chỉ dẫn cụ thể gì trên đường. May sao có người dân địa phương hướng dẫn đến văn phòng Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường Vườn quốc gia Núi Chúa, cũng là lối vào Hang Rái.

< Hang Rái, Ninh Thuận.

Qua mấy bậc thang đá, trước mắt chúng tôi là dải bờ biển vừa kỳ vĩ vừa hoang sơ với những chỏm đá núi ăn lan ra biển, trân mình chịu sóng dữ. Bị mài mòn qua tháng năm, rìa núi đá hình thành nên những hang động ngay sát bờ biển, cũng là nơi sinh sống của bầy rái cá, nguồn gốc của tên gọi Hang Rái.

Mùa này biển động sóng gầm khiến quan cảnh càng thêm ngoạn mục, là thời điểm lý tưởng nhất trong năm dành cho những ai muốn ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên.

< Đường DT702 từ Phan Rang đi Vịnh Vĩnh Hy.

Chụp ảnh chán chê, chúng tôi lại tiếp tục hành trình trên cung đường DT702 đi vịnh Vĩnh Hy, biển Bình Tiên, rồi rẽ vào bán đảo Bình Lập.

 Con đường ven biển DT702 đã được đầu tư, nâng cấp hiện đại, hòa nhịp với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, đã trở thành cung đường “huyền thoại” mà bất cứ ai mê rong ruổi đường dài cũng nên trải nghiệm một lần. Cứ qua một cung đường đèo lại đến một vịnh biển, chúng tôi thật sự choáng ngợp trước những món quà mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho vùng biển miền Trung.

< Biển Bình Lập.

Thêm một bất ngờ nữa trong chuyến khám phá lần này, đó là những bãi biển hoang sơ, thơ mộng của bán đảo Bình Lập, thuộc xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh. Chạy quanh co men theo những đường hẹp trong làng, chúng tôi dừng chân tại Bãi Ngang. Thấp thoáng ngoài kia, dưới bóng dừa là những vệt biển trong vắt màu ngọc bích. Đung đưa trên võng theo cơn gió chiều hiu hiu, tôi ngắm nhìn màu xanh quá dỗi dịu dàng của biển, xa xa là những ngọn đồi xanh rì của đảo Bình Hưng, Bình Ba.

Với tôi, niềm vui từ chuyến đi không chỉ là niềm vui khám phá hay giải trí, mà còn là hạnh phúc khi ngắm nhìn những miền quê hương tươi đẹp đón xuân thanh bình, thấy đất nước mình ngày càng hiện đại, đổi mới.

Theo Phúc An, Đông Du (Doanh Nhân Sàigòn)