Tab Từ Khóa "Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu"
Showing posts with label Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu. Show all posts

(TTO) - Không nổi tiếng như những bãi Trước, Sau, Dâu, Dứa... nơi ấy vẫn còn mang nét đẹp nguyên sơ, yên bình dù ở cách nội thành Vũng Tàu không xa. Đó là vùng biển Cửa Lấp.


< Hoàng hôn trên bãi biển Cửa Lấp.

Theo quốc lộ 51C vào trung tâm TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), trên đường 3 tháng 2, đoạn từ đường Đô Lương đến Hàng Điều (thuộc địa phận P.11), nếu nhìn về bên trái sẽ thấy một dãy đồi cát chạy dọc, dài khoảng 3km.

Phía trong dãy đồi cát ấy là những khu rừng hoang sơ, những thửa đất mọc đầy cây dại. Còn phía bên ngoài đồi cát chính là bãi biển Cửa Lấp.

< Bãi biển Cửa Lấp còn hoang vắng.

Một buổi chiều tháng ba nắng đẹp, từ đường 3 tháng 2, chúng tôi tìm vài con đường ngang, men theo những lối mòn đất, đá nhắm hướng ra bãi biển Cửa Lấp.

< Biển Cửa Lấp nhìn từ một đồi cát hoang sơ.

Đang mùa nắng hạn, nhiều khu rừng ngập nước đã cạn khô nước, nhưng vẫn có vài hồ, đầm nước còn đủ "chất" mênh mông, lung linh trong nắng, gợi vẻ thanh bình đến lạ.

< Một đầm nước bên một con đường vào bãi biển Cửa Lấp.

Trèo qua đồi cát trắng đã thấy bãi biển nguyên sơ hiện ra quyến rũ với từng cơn sóng trắng miên man vỗ bờ rồi nhanh chóng hòa tan vào bãi cát trắng thoai thoải. Mọi người đứng trên đồi cát, giữa rừng dương, ngẩn ngơ ngắm biển và tận hưởng những cơn gió lồng lộng từ biển thổi vào...
Những khoảng khắc thật tuyệt vời.

< Tại một lối vào, muốn chạm chân đến bãi biển Cửa Lấp phải vượt qua đồi cát này.

Bước xuống bãi biển Cửa Lấp, nhìn về hướng tây nam, xa xa vẫn ẩn hiện mấy tòa cao ốc ở khu trung tâm phố biển Vũng Tàu. Ngó qua hướng đông bắc cũng thấy một phần thị trấn Long Hải tọa lạc bên bờ sông Cửa Lấp.

< Một đoạn bờ biển Cửa Lấp với những gốc cây khô.

Chúng tôi đi bộ dọc theo bãi biển đến suốt 2km mà chẳng thấy bóng dáng du khách nào, chỉ thi thoảng dừng lại hào hứng xem vài người dân địa phương câu cá ven bờ.

< Một hồ nước nhỏ nằm dưới chân đồi cát ven biển Cửa Lấp, đụn cát trong hồ có hình dáng bản đồ Việt Nam.

Vậy thôi mà thú vị, dù trên đường về bắt gặp hai tấm bảng quảng cáo thật to, trên đó là những hình ảnh và thông tin chi tiết về một dự án du lịch rất qui mô sẽ được xây dựng mà cứ lo ngai ngái, liệu mai này Cửa Lấp còn giữ được nét nguyên sơ (?).

< Vị trí bãi biển cạnh cửa sông Cửa Lấp, bên kia cửa sông là thị trấn Long Hải (huyện Long Điền).

Thông tin cho bạn

Vùng biển Cửa Lấp (mang tên một con sông đổ ra biển gần đó) nằm cách trung tâm bãi Sau TP Vũng Tàu khoảng 6km (tính theo đường bờ biển), thuộc địa phận hai P.11 và P.12.

Nếu đi dọc đường biển, từ bãi Sau đến sông Cửa Lấp (có chiều dài khoảng 9km), bạn sẽ lần lượt đi qua các bãi biển Chí Linh, Thủy Tiên, tiếp theo sau đó là bãi Cửa Lấp, chạy dài tới sông Cửa Lấp.

Theo Nguyễn Thiên Đăng (Báo Tuổi Trẻ)

< Một hồ nước lớn nằm dưới chân dải đồi cát ven biển Cửa Lấp.

Điền Gia Dũng: Đây chính xác là bãi biển Đồi Nhái nằm giữa cửa biển Cửa Lấp và bãi tắm Chí Linh, thuộc phường 11 và 12 - TP Vũng Tàu.
Năm 2009, tại đây có một quán phục vụ tắm nước ngọt, giải khát, cho thuê phao nhưng do rất vắng khách nên cuối cùng thì dẹp tiệm.

Cuối năm 2011, tôi trở lại đây: Tấm bảng cảnh báo màu đỏ chữ trắng được mọc lên ghi 'Bãi tắm chưa có tổ chức cứu nạn, quý khách cẩn thận và tự chịu trách nhiệm nếu có tai nạn xẩy ra', quán hoang tàn do bỏ hoang nhưng bãi biển vẫn tuyệt đẹp không bóng người.

Ngay cả đường chạy xe vào cũng thích lắm vì qua những lối mòn quanh co chen giữa các đồi cát. Trong bài viết về chuyến đi sau đó, địa danh Đồi Nhái bắt đầu được một số bạn lưu ý và đương nhiên có thêm dấu chân người nhưng vẫn không đông (may mắn chăng?).

Tháng 5/2013, tôi có dịp đi ngang và ghé vào biển Đồi Nhái lần nữa, biển cảnh báo đã bạc trắng nhưng bãi biển vẫn hoang sơ tuyệt đẹp. Có lẽ rằng Vũng Tàu đã quá  thừa thải bãi biển đẹp rồi chăng? Ấy vậy nên Đồi Nhái vẫn tuyệt diệu như ngày nào! Tuyệt diệu với nhưng bạn thích sự hoang dã chứ muốn tìm sự nhộn nhịp đông vui mà đến đây thì sai lầm đấy.
Bánh xèo chay phong phú không kém gì bánh mặn. Chỉ riêng việc dùng nấm làm nhân đã tạo ra tới gần 50 loại bánh xèo chay khác nhau. Vậy bạn có từng nghe nói về các chùa mang tên kỳ lạ như 'chùa Bún Riêu', 'chùa Bánh Xèo' chưa?

< Bánh xèo chay vỏ giòn tan, thơm phức không kém gì bánh mặn.

Chùa 'Bún Riêu' thì chắc chắn đã nghe qua hoặc viếng rồi. Vậy còn chùa 'Bún Riêu'? Có lẽ bạn từng nghe mang máng. Ngày nay, không những một mà có đến 2 chùa 'Bánh Xèo'. Đây là nơi bạn có thể đến dùng bữa miễn phí, có cúng dường hay không tùy hỉ, chùa đều hoan hỉ tiếp đón.

Cửa Phật từ bi, rộng mở: Từ bi ở đây chính là tấm lòng nghĩ đến người nghèo, còn rộng mở là phục vụ mọi người. Người thiếu ăn thì tìm đến chùa xin miếng cơm, miếng nước. Người có điều kiện sống khá hơn thì phát tâm đến chùa cúng dường và chùa đứng ra thể hiện tấm lòng ấy. Đến một khi tâm từ bi được thể hiện một cách công tâm và minh bạch thì nhà chùa lại nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn. Mời bạn xem qua về 2 ngôi chùa này nhé:

Chùa Bánh Xèo - An Giang

Chùa Bánh Xèo tọa lạc tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên - An Giang. Đây là ngôi chùa cổ, qua nhiều đời trụ trì, đã xuống cấp. Chính vì vậy mà thượng tọa trụ trì đương thời, Thích Thiện Chí đã tiến hành xây dựng, tôn tạo cho thêm phần uy nghi, tôn nghiêm bắt đầu từ vài năm nay.

Chùa Bánh Xèo còn có tên gọi dân gian khác là chùa Phật Nằm. Vì, bên phải trước chánh điện có tượng Phật nằm khá lớn. Tượng này, qua thời gian xuống cấp, cũng đang được tôn tạo cho thêm phần uy nghiêm, tôn kính. Hiện nay, đến chùa, đập vào mắt khách thập phương là Đài Quan Âm tọa lạc bên trái trước chánh điện.

Đài gồm tượng Phật Quan Âm và hòn non bộ phía sau lưng có dòng thác róc rách tuôn chảy suốt ngày đêm. Đài có diện tích 5,5mx7m, với số tiền xây dựng khoảng 200 triệu đồng.

Chánh điện chùa đang trong thời kỳ nâng cấp. Dù vậy, đứng trước hàng hiên chánh điện, khách phương xa vẫn thích thú với bề mặt u nhã của nó.

Tiền điện có hai cặp đối. Một cặp bên ngoài ghi dọc hai câu đối âm Hán tự: "Hoằng pháp vi gia vụ/Lợi sanh vi bổn hoài". Cặp đối bên trong, cũng bằng âm Hán tự, ghi dọc: "Đông độ Tây Thiên trụ đại pháp/Lai nhân duyên hữu thoát trẩn ai". Cặp đối này đáng chú ý vì mỗi câu được khởi đầu bằng chữ: "Đông" và "Lai". Ghép hai chữ này lại thành Đông Lai, là tên chữ chính thức của chùa: Đông Lai cổ tự. Nhưng vì chùa tổ chức phục vụ miễn phí bánh xèo cho bất cứ ai đến viếng, nên người ta gọi là chùa Bánh Xèo cho "thân mật" và dân dã như bản tính của thượng tọa trụ trì.

Dù sư trụ trì "xuề xòa" nhưng việc xây cất chùa không đơn giản. Kiến trúc chùa mang đậm phong cách Á Đông và phương Tây. Trong chánh điện, tượng Phật to lớn, chỉ vài ba vị, nổi bật nơi tôn nghiêm nhất.

Dài hai tường chùa là phù điêu Thập bát la hán được chạm khắc tinh xảo, mỹ thuật. Trần chùa cao thoáng. Nóc chùa ba lớp nhỏ dần lên, lợp ngói đỏ, mái đao theo truyền thống chùa chiền Việt Nam... Thời gian này việc xây sửa chùa lúc nào cũng rộn rịp. Và, theo Thượng tọa Thích Thiện Chí, khi quyên góp được số tiền lớn nữa, sẽ tiến hành tạo thêm nét mỹ quan cho chùa...

Cô Trương Thị Kim Thùy, 32 tuổi, phật tử chùa Đông Lai, người phụ trách bếp cho biết: Việc tổ chức đổ bánh xèo và bánh tét khởi phát từ năm 1999, khi Thượng tọa Thích Thiện Chí về đây trụ trì. Đó là trước ngày kỷ niệm sư ông cất chùa (cũ) viên tịch, thầy Thiện Chí nghĩ đến việc làm này. Và, ngoài số Phật tử đến dự lễ giỗ sư ông, còn có một số khách thập phương tình cờ đến viếng chùa, cùng được thưởng thức món bánh xèo và bánh tét. Tất nhiên, sau khi thưởng thức bánh xèo, bánh tét, khách gần xa đều không ngớt lời khen ngợi, nên từ đó nhà chùa thường xuyên đổ bánh xèo phục vụ khách thập phương.

Cô tâm sự, sáng nào cô cũng đều ra chợ thị trấn Tịnh Biên mua rau cải, gạo, củi... Biết chùa làm việc thiện, một số người bán hàng "hiến cúng" một số rau cải, giá, đậu... Đặc biệt, vào mùa mưa, một số phật tử và một số người thiện ý lên núi hái ngành ngạnh, kim thất, lá sung, cát lồi, đọt bứa, lá vông, mã đề, măng tươi… đem "cúng" chùa. Đây là những loại rau rừng ngoài việc giúp thực khách ngon miệng với món bánh xèo, còn giúp họ bồi bổ cơ thể, ngăn ngừa một số bệnh.

Trước khi tái thiết chùa, bên cạnh chánh điện là nhà ăn, bếp, nhà vệ sinh khá gần kề nhau. Hiện nay nhà vệ sinh xây mới đẹp đẽ với gạch men láng bóng cùng nhiều lavabo... Nhà vệ sinh được "cắt" khỏi hông chùa, nhằm tạo không khí thanh sạch cho nơi tôn nghiêm. Phía sau chánh điện là nhà ăn, sau nữa là nhà bếp với hai nhóm: nhóm lặt rau, làm nhưn bánh xèo và nhóm nấu cơm.


Riêng đổ bánh xèo có bốn nhóm, mỗi nhóm có khoảng hai người, anh Ngô Văn Vũ (31 tuổi, đổ bánh xèo cho chùa khoảng 5 năm nay) cho biết như vậy. Một người đổ bánh với 10 chảo, một người phụ việc, chuyển bánh lên nhà ăn. Củi lửa lúc nào cũng hừng hực, nên khu vực đổ bánh xèo là dãy nhà bên phải và cách chánh điện một khoảng sân, nhằm tránh ảnh hưởng sức nóng đến chùa và các phần việc liên quan khác.


Cô Kim Thùy cho biết vào các ngày rằm, mồng một âm lịch, chùa có tổ chức nấu bánh tét phục vụ khách thập phương, khoảng 800 – 900 đòn/ngày. Phần việc này do bà con lối xóm tự nguyện đến làm công quả.

Đáng quan tâm hơn, ngoài đổ bánh xèo, phục vụ bánh tét, chùa còn khoản đãi cơm chay cho khách viếng chùa. Cơm chay với các món: chiên, xào, mặn, canh. Muốn thưởng thức cơm chay, khách phải đặt trước để nhà chùa chuẩn bị.

Từ 6 giờ sáng đến 7-8 giờ tối, khách viếng chùa lúc nào cũng được ăn bánh xèo. Ăn đến no thì thôi. Khi khách ít, người phục vụ liên tục chuyển bánh đến. Những lúc khách đến đông thì khách phải tự mình xuống bếp mang bánh lên. Những ngày khách viếng chùa đông, những người làm công quả lâu năm đều biết, nên mạnh ai nấy tới chùa lãnh một vài nhiệm vụ. Nhà ăn có 30 bàn với 300 ghế, vậy mà ngày rằm, mồng một (âm lịch) hoặc lễ vía lớn, lúc nào cũng "hết chỗ", khách phải đứng chờ.

Nhờ lực lượng làm công quả mà việc phục vụ ăn uống cho khách lúc nào cũng khá vẹn toàn. Bàn ăn và ghế bằng nhôm lúc nào cũng láng bóng. Chén đũa sạch sẽ, tinh tươm. Mỗi bàn ăn đặt sẵn lọ tăm xỉa răng, hộp khăn giấy, hộp đũa muỗng, hũ nước mắm chanh ớt, chén nhỏ đựng ớt trái...

Càng chu đáo hơn, sau khi khách ăn (cứ ăn thoải mái đến no bụng thì thôi) xong còn được tráng miệng bằng ly cà phê đá mát lịm cần cổ. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Đáng ca ngợi nhất là thái độ phục vụ của những người làm công quả, ai cũng vui vẻ, nhiệt tình với khách. Chính vì vậy mà chùa Đông Lai ngày càng thu hút khách thập phương đến viếng, ngoài khách khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn có khách từ miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đến.

Chùa Bánh Xèo - Vũng Tàu

Bánh xèo chay là món ăn mà Ni viện Thiện Hòa (Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) dùng để đãi khách và tên gọi của chùa cũng bắt đầu từ đó.

Chùa Bánh Xèo có tên chính thức là ni viện Thiện Hòa, nằm ở bên phải, sau Đại Tòng Lâm Tự, thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để đến chùa Bánh Xèo du khách có thể đi bằng hai cách: hoặc vào cổng Đại Tòng Lâm rẽ phải, rồi rẽ trái chạy theo con đường nhỏ khoảng 800 m, ngang qua 6 tự viện đề bảng hiệu là: chùa Bảo Tịnh, tịnh thất Diệu Nghiêm, tịnh thất Long Nhiễu, thiền tự Hiện Quang, thiền viện Huệ Chiếu và tu viện Viên Thông, cuối cùng là ni viện Thiện Hòa. Đường này nhỏ, chủ yếu dành cho là xe 15 chỗ trở xuống.


Hoặc chạy qua khỏi cổng Đại Tòng Lâm, ngay bên hông có một con đường rộng với tấm bảng đề Trường Phật học Đại Tòng Lâm, rẽ vào đi đến cuối đường rẽ phải thì đến ni viện Thiện Hòa. Xe khách 40 - 50 chỗ có thể vào theo đường này.


Thuở ban đầu ni viện Thiện Hòa chỉ là một am nhỏ được dựng lên vào năm 1989. Đến năm 1990, hòa thượng Thích Thiện Hòa cho xây dựng thành ni viện làm nơi tu hành cho các ni cô. Ni viện dù được xây dựng quy mô nhưng vẫn mang nét cổ kính của ngôi chùa Việt. Hiện nay, nơi này còn là trường trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm.

Ni sư trụ trì chùa, pháp danh là Thích nữ Như Như, từ kinh nghiệm phục vụ món bún riêu chay của tu viện Phước Hải rất được khách thập phương ưa chuộng, đã nghĩ ra ý tưởng chọn bánh xèo chay để đãi khách khi đến ni viện Thiện Hòa.

Bột dùng để làm bánh thì ngày nào chùa cũng xay sẵn, và rau trồng trong vườn. Còn những thứ khác như củ sắn, cà rốt, mì căn, dầu ăn thì do các Phật tử có điều kiện ủng hộ. Tiếng lành đồn xa, trong những năm gần đây khách hành hương tìm đến ngày càng nhiều và tên gọi “chùa bánh xèo” cũng xuất phát từ đó.

Ngoài món chính là bánh xèo, chùa còn phục vụ những món ăn khác như bún chay, bánh tét chay, cơm chay, hay bắp rang.


Nhà ăn (Thanh Lạc Trai) ở đây rất sạch sẽ, thoáng mát với các dãy bàn tròn làm bằng inox. Có lẽ do nơi đây cũng là khu nội trú của hơn 200 ni sinh trường trung cấp phật học nên mọi thứ đều rất quy củ. Ngoài công việc chính là tu học, các ni sinh còn tham gia vào việc làm bánh xèo đãi khách, sản xuất tương, chao để bán cho khách hành hương.


 Ở đây, tất cả đều miễn phí và... ăn bao nhiêu cũng được. Bạn cứ tưởng tượng rằng mình đang đi ăn buffet, tự động lấy chén đĩa, muỗng và đến từng quầy thức ăn để nhận thức ăn. Muốn ăn món nào thì lấy món ấy, ăn hết nếu còn bụng thì lại ăn tiếp. Chỉ khác buffet nhà hàng ở chỗ là bạn không hề phải trả tiền, thế thôi.

Tết năm nay nếu có dịp đến Vũng Tàu, khi quay về bạn có thể ghé vào chùa Bánh Xèo. Trước là lễ Phật, viếng cảnh chùa, sau nữa là thưởng thức món bánh xèo chay độc đáo của nhà chùa.

Biên tập từ Báo Cần Thơ, Vnexpress và nhiều nguồn khác
Trong khuôn viên Thích Ca Phật Đài (Vũng Tàu) trồng cây Bồ Đề có gốc từ cây mà Đức Phật ngồi thiền và giác ngộ.

Nằm trên sườn phía bắc của núi Lớn (còn gọi là núi Tương Kỳ), Thích Ca Phật Đài là một quần thể kiến trúc Phật giáo nổi tiếng tọa lạc tại số 608 đường Trần Phú, phường 5, thành phố Vũng Tàu. Nơi đây được giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam đánh giá là vùng đất đắc địa tụ kết khí thiêng, có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, lại thuận tiện giao thông đi lại cho chư tăng, Phật tử thập phương hành hương. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc tôn giáo và phong cảnh thiên nhiên đã tạo nên sức hấp dẫn cho Thích Ca Phật Đài.

Trong khuôn viên có một cây Bồ Đề do Đại đức Narada Mahathera (Sri Lanka) trồng vào năm 1960, khi ngài đến viếng Thiền Lâm Tự. Dưới gốc Bồ Đề có một tấm bia với nội dung: "Cội Bồ Đề này là con cháu của cội Bồ Đề Sri Maha Bodhi (Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ). Từ chính cội cây thiêng liêng ấy, một nhánh chiết được đưa về trồng ở cố đô Anuradhapura, Sri Lanka. Đại đức Narada Mahathera đã cung thỉnh một cây con từ gốc này đến trồng tại đây ngày 2/11/1960.

Toàn bộ kiến trúc Thích Ca Phật Đài xây dựng theo hình bán nguyệt, có kết cấu 3 tầng hình tháp, tầng thấp nhất cao 3 m, tầng trên cùng cao 29 m. Tầng 1 là cổng tam quan và khu vườn hoa, tầng 2 là khu nhà ở và nhà trưng bày truyền thống, tầng 3 là chùa Thiền Lâm và khu Phật tích.

Công trình thờ tự chính trong quần thể Thích Ca Phật Đài là Thiền Lâm Tự, ngôi chùa nhỏ được xây dựng từ thập niên 1950.

Chính điện của Thiền Lâm Tự bài trí đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ trang nghiêm. Ở án thờ chính giữa là tượng Đức Phật Thích Ca tọa thiền (cao 1,2 m), một tượng đức Phật Thích Ca nhỏ phía trước. Hai bên thờ hai tượng Đức Phật Thích Ca trì bình khất thực (cao 1,2 m). Có sách viết rằng hai pho tượng hai bên là A Nan và Ca Diếp (hai đại đệ tử của Đức Phật), nhưng chư tăng của hệ phái phật giáo Nam Tông cho biết đó cũng là tượng Đức Phật Thích Ca.

Điểm nhấn là tượng Đức Phật thành đạo cao là 11,6 m. Tượng được thi công tại chỗ, riêng phần đầu được đặt đúc tại Sài Gòn. Bên trong tượng có đặt ba viên xá lợi Phật.

Một kiến trúc nổi bật khác tại đây là bảo tháp xá lợi Phật hình bát giác cao 17 m, trên có búp sen, bên trong đặt 13 viên xá lợi Phật đựng trong chiếc hộp bằng vàng. Lối lên bảo tháp đắp hình rồng, hai bên có đôi sư tử chầu.

Trong quần thể tượng Phật ở nơi đây còn có tượng Phật nhập Niết bàn cao 2,4 m (tính từ vai xuống), dài 12,2 m, đặt trên một bệ xi măng cao 4,2 m. Phía trước có bốn tượng Tỳ kheo chấp tay cung kính. Phía sau có năm tượng Tỳ kheo ngồi chắp tay hướng về Đức Phật.

Nhà bát giác là một công trình mang kiến trúc thanh thoát, có tượng Đức Phật ngồi trên toà sen trên đỉnh. Bên trong nhà bát giác có một bàn thờ với tượng năm anh em đại sỹ Kiều Trần Như nghe thuyết pháp tại vườn Lộc Uyển.

Thích Ca Phật đài đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia, là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất ở Vũng Tàu và miền Nam. Hằng năm, nơi đây tiếp đón cả triệu lượt du khách đến tham quan, chiêm bái.

Theo Lê Minh (Vnexpress)