Tab Từ Khóa "Đảo"
Showing posts with label Đảo. Show all posts
Đảo Mắt Rồng là một điểm tham quan đang rất hot với giới trẻ, bởi không gian xanh mướt và khung cảnh hoang sơ, nằm trong hòn Bái Đông ở rìa phía nam của vịnh Hạ Long.

Mắt Rồng xứng đáng được gọi là "hoang đảo đẹp nhất vịnh Bắc Bộ", phù hợp với những người thích chỗ vắng vẻ và cắm trại ở bãi biển.

Đó là một hòn đảo nhỏ, hình dáng một con bạch tuộc, đầu to, với những xúc tu dài vặn xoắn. Giữa đảo - giữa "đầu" của "bạch tuộc" có một hồ nước rất tròn. Vì vậy, đảo có tên gọi là Mắt Rồng, dù tên Mắt Bạch Tuộc có vẻ chính xác hơn.

Gia đình tôi tới Cẩm Phả, ra cảng Vũng Đục, hỏi dân bản địa - những người cả đời ngang dọc các luồng lạch từ Bái Tử Long, qua Hạ Long, vòng sang vịnh Lan Hạ…, chẳng ai biết có hòn đảo nào tên là Mắt Rồng.

Tôi tả lại như những gì được chia sẻ trên mạng. Họ cười phá lên, cho biết chưa từng nghe tên đó bao giờ, nhưng chỗ hồ nước tròn đó là ở hòn đảo cách bờ chừng hơn 20 km, đi tàu gỗ chừng hơn một tiếng.

Sau hơn 30 phút đi bằng tàu cao tốc, gia đình tôi lọt vào một vụng nước hình trăng khuyết, với bãi cát dài chừng hơn 30 m khi chưa tới đỉnh triều, ba mặt là núi đá. Cả nhà reo lên sung sướng vì sự diễm lệ hoang vắng của hòn đảo.

Anh chàng chủ tàu ái ngại, hỏi tôi đã suy nghĩ kỹ về quyết định cắm trại trên đảo chưa, vì nơi đây không có nước ngọt, sóng điện thoại, và có thể không an toàn. Lời đề nghị ấy lập tức bị gạt đi. Tàu vừa dừng lại, lũ trẻ đã hò nhau nhảy xuống đảo, chia nhau tìm chỗ hạ trại.

Vị trí hạ trại được chọn là một vạt đất bằng đầy cây muống biển, chỉ dấu cho thấy thủy triều ít khi ngập tới. Trại dựng sát chân núi, chỗ bắt đầu con đèo thấp để tránh lũ nếu có mưa to. Vị trí này còn đắc địa bởi có những tán cây rừng râm mát để chống nắng.

Vượt qua con đèo nhỏ um tùm cây lá là một thế giới khác. Bên trong đảo cũng không có đất, mà là một hồ nước tròn như miệng một chiếc giếng khổng lồ, đường kính chừng hơn 100 m. Đây đúng là một cái giếng khổng lồ, có thành đá cao vút dựng xung quanh.

Sát mặt nước là những tán cây lòa xòa xanh mướt chìa ra từ vách đá. Một cảnh tượng vô cùng kỳ vĩ, và bí hiểm bởi màu nước xanh kỳ lạ. Nước mặn, dù không có màu như nước biển, và nhạt hơn, chắc thông với đại dương bởi hang ngầm. Mép giếng có những loài rong kỳ lạ, không thường thấy ở biển cũng như ở những vùng đầm lầy nước ngọt.

Hòn đảo này có lẽ hàng triệu năm trước là một đỉnh đá vôi trù phú. Thời gian, mưa gió và sóng biển đã rỉa rói bằng sạch. Mặt ngoài hòn đảo cơ bản không còn đất. Chất vôi trong đá cũng đã bị bào mòn, chỉ còn lõi đá đen cứng như thép với những mảnh sắc chồng lên nhau lớp lớp.

Những loại cây còn tồn tại ở đây cũng cứng như thép, bám rễ sâu vào các khe nứt và cành lá đều se sắt lạ thường. Men theo chân đá là một bờ cát nhỏ, chỉ lộ ra khi triều xuống.

Con tàu rời đi, hòn đảo và vịnh nước xanh trở nên yên tĩnh lạ thường. Bà nội bọn trẻ nhà tôi mắc võng nghỉ ngơi dưới bóng cây. Các em trai sửa soạn đồ nghề câu cá, chuẩn bị nhóm lửa nấu bữa trưa. Tôi dẫn các con khám phá hòn đảo.

Ăn uống no say, nằm dưới tán cây xanh mát trong làn gió tinh khiết lách qua cánh núi, nghe tiếng chim rừng hòa ca, cảm giác thật khoan khoái. Đảo nhiều chim, ríu ran hót trong lùm cây. Quạ và diều hâu bay lượn không ngừng nghỉ.

Buổi chiều, nước khá lạnh, nhưng bọn trẻ vẫn tắm biển hào hứng. Bãi tắm như của riêng, tuyệt đối tự do. Ánh sáng yếu ớt của buổi chiều khiến đàn dĩn ùa ra tấn công như những phi đội Thần Phong tấn công Trân Châu Cảng.

Chúng tôi đốt những đống lửa to được đốt lên để tạo vùng an toàn. Tuy nhiên, mong muốn tiếp tục khám phá đảo đã tiêu tan vì lũ hung thần bé nhỏ ấy.

Sau bữa chiều với gà luộc và mì tôm, buổi tối kinh hoàng bắt đầu với những tiếng sấm từ ngoài xa. Gió ngừng, không khí oi nồng trước cơn giông, và đàn dĩn trong bóng tối trở nên vô cùng hung hãn. Không ai dám đi xa đống lửa quá 2 m dù buổi tối mới bắt đầu.

Nằm trong lều thì oi, ở ngoài thì dĩn đốt, dù đã xịt thuốc chống côn trùng khắp người nhưng lũ dĩn đói quá đông, hết lớp này đến lớp khác lao vào, thậm chí vừa hút máu vừa tranh thủ dựa vào đám lông chân, lông tay người. Chúng tôi đành lùa trẻ con vào lều, quạt cho chúng ngủ với hy vọng đêm sẽ chóng qua.

Gió mạnh dần, mưa bắt đầu rơi. Mọi người tất tả vào lều, phủ bạt kín, chặn đá các góc lều, chăng dây chống gió giật. Nằm trong lều, tôi nghe mưa xối xả mỗi lúc một to hơn. Gió giật ầm ầm như chỉ muốn hất tung cả lều và người lên đỉnh núi.

Cố gắng trấn an bọn trẻ, nhưng trong lòng tôi không khỏi lo sợ, nhất là khi thủy triều vẫn tiếp tục dâng lên, tiếng sóng đã rất gần ngoài cửa lều mà vẫn còn hơn hai giờ nữa mới đến đỉnh triều. Sự lo lắng kéo dài đến 2h. Thủy triều bắt đầu rút, gió cũng giảm dần, mưa đã bớt xối xả hơn, và giấc ngủ mệt mỏi kéo đến.

Gần 5h, trời đã tạnh hẳn mưa và nền trời phía đông đã hừng lên sắc hồng. Còn 3 tiếng nữa, con tàu cứu hộ mới ra theo lịch hẹn. Nhưng không ai còn muốn tiếp tục cuộc khám phá dở dang trên hòn đảo này vì đã quá mệt mỏi. Chúng tôi tìm những cành củi khô trong vách đá kín, nhóm một đống lửa to để phòng dĩn, và chờ. 

Đúng 8h tàu đến, cuộc phiêu lưu trên hòn đảo kinh dị đã nhanh chóng kết thúc.

Trở về, tôi hẹn lần sau trở lại với sự chuẩn bị kỹ càng hơn, ít nhất là phải có tàu lớn để có thể trú ẩn khi dông gió, thuyền nhỏ để khám phá Mắt Rồng, quần áo dài và hóa chất để chống côn trùng.

Theo Phạm Trung Tuyến (New Zing)
Dinh Đụn còn gọi là dinh bà U Linh Sạ Nữ Vương- nữ thần Chăm, nằm tại thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn). Đây được xem là sự bảo lưu dung hòa văn hóa Chăm- Việt trong tín ngưỡng thờ nữ thần Chămpa. Dinh Đụn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Người dân nơi đây tin rằng, dinh Đụn rất thiêng và đem lại sự bình an, may mắn cho cộng đồng làng.

Dinh Đụn được xây dựng khoảng thế kỷ 17. Đây là di tích gắn liền với thời kỳ khai phá Cù Lao Ré- Lý Sơn của các dòng họ tiền hiền ở phường An Vĩnh, An Hải. Trước đây, dinh Đụn được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá và giờ đã được xây dựng quy mô nhưng vẫn giữ được các giá trị của kiến trúc xưa.

Quần thể kiến trúc dinh Đụn bao gồm các công trình kiến trúc như nhà tiền tế, hậu tẩm và nhà bếp dùng để nấu nướng vào những dịp lễ hội. Kiến trúc dinh Đụn vốn kiểu chữ đinh nên nhà tiền tế có kết cấu gỗ còn hậu tẩm kết cấu xây tam hợp. Phía trước phần chính dinh có mái hiên tạo nên khoảng hiên tương đối thoáng, người ta dựng 4 cột xây kiểu vuông và tạo nên hai sập từ góc mái xuống nền.

Trên 4 cột trang trí 4 liễn đối chữ Hán sơn son thếp vàng. Hai bên sập của hai bên đầu góc trang trí bức họa mai trúc, đường diềm bờ mái cũng trang trí bích họa rất đẹp. Bờ mái dinh Đụn đổ khuôn, đắp nổi hình tượng tứ linh, cách thức trang trí: Ở vị trí trang trí lưỡng long uốn mình quay đầu vào nhau, hai bên là các tượng lân, quy, phụng bố trí theo quy pháp đăng đối. Nghệ thuật tạo khối và sơn vẽ trên các tứ linh được nghệ nhân thể hiện theo kỹ thuật đúc khuôn.


Trên đầu hồi của hai nóc mái trang trí cá hóa long đăng đối hai bên, 4 con cá chép ở hai đầu hồi quẫy đuôi uốn mình. Mỗi đầu hồi trang trí theo mô típ song ngư chầu vào mâm ngũ quả, được tạo tác đắp nổi rất cân xứng, hài hòa. Mô típ này thể hiện ước vọng phúc lộc đời đời của dân làng.


Trên đỉnh nóc mái dinh Đụn trang trí hai rồng tạo từ khuôn theo mô típ lưỡng long tranh châu. Trên 4 góc bờ mái dinh Đụn trang trí cặp đôi rồng, phượng theo kỹ thuật tạo khuôn theo mô típ long phụng hòa minh. Nhà tiền tế có hai bộ vì kèo, bộ vì kèo chính có hai trính thượng, trính hạ. Trong đó, trính thượng đỡ một trụ đội và trính hạ đỡ hai cột trốn quá giang qua trính, liên kết với xà, cột để đỡ bộ khung mái. Liên kết giữa nhà tiền tế và hậu tẩm là bộ vì kèo cầu gồm có một trính nối qua hai cột để đỡ một cột trốn. Nối giữa nhà tiền tế và hậu tẩm là máng xối.


Hậu tẩm được giữ nguyên gốc, xây dựng bằng đá ong tạo vách, gạch thẻ tạo vòm cuốn... Hậu tẩm xây kiểu vòm cuốn, chồng cổ diêm thành hai tầng, tầng dưới là khoảng không gian thờ phụng, tầng trên là khoảng không gian trống. Hậu tẩm chồng cổ diêm thành tám mái, lợp ngói âm dương, góc mái trang trí đầu đao. Đỉnh mái trang trí hồ lô, diềm mái gắn sành sứ.


Hiện dinh Đụn đang được bảo tồn và phát huy rất tốt. Đây là một trong các điểm tham quan du khách không thể bỏ qua khi đến với Lý Sơn. Không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp, dinh Đụn còn là nơi bảo tồn cây cổ thụ hùng vĩ và đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đó là cây đa sộp gần 300 năm tuổi. Trải qua nhiều thế kỷ và đối mặt với thời tiết khắc nghiệt nhưng những cây cổ thụ trong khuôn viên dinh Đụn vẫn vươn lên xanh tốt như biểu tượng về sức sống mãnh liệt của con người trên đất đảo.

Đến nay, vào ngày 3.5 (Âm lịch) hằng năm, dân làng tập trung đông đủ  để dự lễ cúng tế Bà. Việc thờ nữ thần Chăm của người Việt trên đảo Lý Sơn đã cho thấy những mảnh vỡ của văn hóa Chăm trong quá khứ vẫn còn được dung hòa trong lòng văn hóa Việt. Đó là sự bảo lưu, chuyển tiếp các hình thái tín ngưỡng và vẫn giữ được các giá trị của nó trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng.

Năm 1945, dinh Đụn được sử dụng làm trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính thôn. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dinh Đụn được sử dụng làm trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã. Trong khuôn viên của dinh Đụn có xây dựng trường bình dân học vụ và cũng là nơi huấn luyện tinh thần cách mạng cho các đoàn thể, tổ chức trên đảo Lý Sơn.

Theo Duy Hùng (Báo Quảng Ngãi)
(TTO) - Đó là 47 hòn đảo hoang sơ được bao quanh bởi núi rừng trùng điệp tạo nên cảnh hoang sơ, vừa lạ lẫm, vừa thi vị nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (Đắk Glong, Đắk Nông).

< "Hạ Long của Tây nguyên" nhìn từ trên cao.

Từ thị xã Gia Nghĩa, theo quốc lộ 28 di chuyển khoảng 50km, đến địa phận xã Đắk Som là gặp Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Chúng tôi chọn cách đi "phượt" bằng xe máy để khám phá đảo hoang, bởi đồi núi và phong cảnh hai bên đường cũng tạo nên những cảnh đẹp khó nơi nào có được. Càng gần điểm đến, không khí càng trở nên mát mẻ bởi những rừng cây hai bên đường. Khung cảnh thanh bình, xe lướt êm trên những cung đường uốn lượn quanh những sườn đồi phủ xanh cây rừng.

< Những cung đường lý tưởng để khám phá.

Đến gần lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, từ trên cao ngắm hàng chục hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô và thả hồn vào thiên nhiên, mới thấy có người ví von đây là “Hạ Long của Tây nguyên” cũng không quá. Chỉ phải nói thêm cái “chất rừng” thì khó có nơi nào có được.

< Đi thuyền khám phá các đảo trên lòng hồ.

Để ra đảo, cả nhóm thuê hai chiếc thuyền để đến một “đảo hoang” trong số hàng chục hòn đảo trên lòng hồ thủy điện. Thuyền lướt đi giữa lòng hồ, hai bên bờ, những chiếc vó đánh cá ẩn hiện, khiến một vùng rừng cây xanh nước biếc thêm điểm nhấn thú vị.

Sau khoảng 20 phút, thuyền cập bờ, cả nhóm bắt đầu trải nghiệm cuộc sống nơi “hoang đảo”. Người đi chặt tre dựng trại để ngủ, người đi kiếm củi đốt sưởi ấm và chế biến thức ăn, người đi câu cá...

< Phong cảnh hữu tình.

Vẻ đẹp hoang sơ, không gian tĩnh lặng khiến ai nấy đều cảm thấy thích thú, nhanh tay dựng những chiếc trại bằng tre lá nép mình trong rặng cây xanh.

Dựng trại xong, cả nhóm ùa xuống làn nước trong vắt, vẫy vùng bơi lội và ngắm nhìn hoàng hôn đang dần buông xuống. Nếu không có nhiều thời gian thì du thuyền để nhìn ngắm các hòn đảo cũng rất thú vị.

< Lòng hồ luôn có những điểm nhấn là những vật dụng đánh cá.

Màn đêm buông xuống, nhịp sống lòng hồ về đêm bắt đầu. Những ánh đèn bật sáng, tiếng mái chèo vỗ nước của những chiếc ghe đi thăm vó vọng lại giữa không gian núi đồi thanh vắng.

Nhưng thú vị nhất nơi đây có lẽ là buổi bình minh.

< Những bức tranh thơ mộng in trên lòng hồ.

Mặt trời lên cao nhưng sương núi vẫn còn lảng vảng “treo” mình trên những cánh rừng. Trong không gian mờ sương, đứng nơi cao của đảo xòe tay ra, cứ ngỡ như vốc được hàng nắm sương. Cả nhóm lặng người trước không gian yên bình đang mở ra trước mắt.

Từng tia nắng chiếu xuyên qua những đám mây lười biếng khiến mọi thứ như chậm lại. Thật chậm rãi và bình lặng...

< Vui với cảnh thiên nhiên.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng nằm giữa cao nguyên Đắk Nông và cao nguyên Di Linh, khu vực thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, nơi các dự án thủy điện Đồng Nai 3 và 4 đang hoạt động, tạo ra những hồ nước rộng khoảng 3.632 ha và hình thành nên 47 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau.

< Câu cá thư giãn trên đảo.

Khu bảo tồn có diện tích 21.307 ha, tiếp giáp 7 xã, 4 huyện của hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, là điểm giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây nguyên và miền Đông Nam bộ.

Ngoài những thác nước hùng vĩ, đây còn là nơi sinh sống của trên 1.000 loài động - thực vật. Đặc biệt, có 5 loài động vật được xếp ở cấp CR trong Sách đỏ Việt Nam.

Theo Đức Lập (Dulich.Tuoitre)
Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có phiên chợ đặc biệt, duy nhất chỉ có ở Việt Nam, đó là phiên chợ hành, tỏi. Và dĩ nhiên ở đây chỉ bán một mặt hàng duy nhất là hành và tỏi. Từ nhiều chục năm nay, dù nắng hay mưa, cứ 3-4h sáng thì hàng trăm người dân huyện đảo lại đều đặn đến chợ mua bán hành tỏi.

< 4h sáng, chợ tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) tất bật cảnh mua bán.

Chợ không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gặp gỡ, giao lưu tình cảm của phụ nữ miền biển, phiên chợ hành, tỏi ở Lý Sơn còn là nét đẹp văn hóa của cư dân vùng biển Đảo Lý Sơn. Không ai biết phiên chợ hành, tỏi có chính xác từ khi nào. Chỉ biết rằng, nhiều gia đình, các tộc họ trên đảo có cuộc sống ổn định, cho con cháu ăn học và thương hiệu hành, tỏi nơi đây bay xa cũng từ phiên chợ này.

< Hàng trăm phụ nữ đi xe máy chở hành, tỏi đến chợ. Xuất phát từ nhu cầu thương lái thu mua để kịp đưa loại nông sản ở đảo này lên chuyến tàu sớm đưa vào đất liền tiêu thụ nên chợ tỏi phải họp 4h-7h sáng.

Phiên chợ hành, tỏi nằm ở thôn Đông xã An Vĩnh, phiên chợ đặc biệt này diễn ra từ 4h đến 6h sáng. Vì sao chợ lại họp từ 4h sáng? Người dân đất đảo cho biết, họp chợ sớm để thương buôn thu mua hành, tỏi kịp chuyến lên tàu sớm đưa hàng vào đất liền đi khắp đất nước.

< Người dân xếp bao tải chứa đầy tỏi dựng thành dãy dài để thuận lợi cho thương lái thoải mái chọn lựa, trả giá. Tỏi Lý Sơn có hương vị thơm, cay đặc trưng khó lẫn so với tỏi trồng ở các địa phương khác. Cuối tháng 3/2009, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) đã công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể đối với sản phẩm hành, tỏi Lý Sơn.

< Theo người dân địa phương, phiên chợ này hình thành khoảng 30 năm trước. Trung bình mỗi ngày họ bán cho thương lái ít nhất 3 tấn tỏi đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước.

Họp chợ là những nông dân trồng hành, tỏi mang đi bán cho các thương buôn từ đất liền ra. Chợ họp sớm từ khi mặt trời chưa nhô, không có ánh sáng, những chiếc đèn pin hay đèn xe máy lập lòe trong đêm cùng tiếng nói, đùa lúc dọn hàng của nhà nông đất tỏi làm phiên chợ trong đêm tối trở nên vui như hội.

< Người dân đội cân, cầm đèn pin đến phiên chợ giữa màn đêm.

< Huyện đảo Lý Sơn trồng 300 ha tỏi, mỗi năm sản lượng khoảng 1.800 tấn tỏi khô. Đặc sản tỏi địa phương trên thị trường giá cả luôn biến động bất thường: dịp cận Tết lên đến gần 100.000 đồng/ký, song ngày thường chỉ ở mức 45.000-50.000 đồng/kg.

< Người bán dùng đèn sạc điện thắp sáng để thương lái chọn lựa mua "tỏi cô đơn" vừa mới được thu hoạch sau Tết. Loại tỏi một tép đặc biệt này có thời điểm dân nơi đây bán đến 1 triệu đồng mỗi kg.

Có mặt từ 4h sáng, bà Nguyễn Thị Dư (ở xã An Vĩnh) bộc bạch, gần 30 năm là thời gian bà bám chợ để mưu sinh. Đến chợ, ngoài bán hành, tỏi cho thương buôn, bà còn kiêm luôn việc đóng bao thuê. Nhờ gắn bó phiên chợ này, bà Dư đã chia sẻ gánh nặng cùng chồng hàng ngày bám biển khơi xa và nuôi con ăn học.

< Chị Nguyễn Thị Thủy (ngụ xã An Vĩnh) - thương lái thu mua hành, tỏi ngậm đèn pin đếm tiền trả cho người bán tỏi trong màn đêm. "Mỗi ngày tôi phải thức dậy từ 4h sáng đến chợ thu mua vài tạ đưa lên tàu chuyển vào đất liền bán lại cho tiểu thương các chợ lẻ. Nghề này lấy công làm lời, thường xuyên dậy sớm cơ cực nhưng bù lại mỗi phiên chợ tôi thu lãi 500.000-1 triệu đồng, trang trải thoải mái cuộc sống gia đình", chị Thủy nói.

Khi 23 tuổi, bà Dư đã theo mẹ ra chợ để bán hành, tỏi của gia đình cho thương buôn. Lúc ấy, chợ không nhộn nhịp như bây giờ, số lượng hành, tỏi chuyển về đây cũng không nhiều. Khi được công nhận thương hiệu và Lý Sơn có điện lưới quốc gia thì phiên chợ đặc biệt này luôn nhộn nhịp. Dù nắng hay mưa, phiên chợ vẫn diễn ra như một nét đẹp truyền thống của người dân đảo.

< Phiên chợ tỏi không chỉ thuần túy là nơi buôn bán tạo thu nhập ổn định cho nhiều gia đình, mà còn là nơi giao lưu tình cảm của phụ nữ miền biển, thể hiện nét đẹp văn hóa đặc trưng của cư dân đảo Lý Sơn.

< Khác với nhiều địa phương, việc thu phí ở mỗi phiên chợ này được quy ra sản phẩm tỏi. Bà Hoa- người phụ trách thu phí chợ Lý Sơn cho hay, tùy theo giá cả thị trường, mỗi ngày chợ thu của người dân, thương lái đến đây mua, bán từ 10 kg đến 15 kg tỏi. Số sản phẩm này sẽ được bán lấy tiền để gom góp chi phí cho công nhân vệ sinh môi trường sau mỗi phiên chợ.

Đến với phiên chợ hành, tỏi ngày nay còn có nhiều khách du lịch. Tới đây, du khách không chỉ mua hành, tỏi chính hiệu mà còn được tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc về cây hành, cây tỏi của người dân đảo. Chợ hành, tỏi thật sự đã mang đến những trải nghiệm riêng biệt cho du khách.

< Kết thúc phiên chợ, tỏi được đóng bao cẩn thận, chuyển đến bến cảng Lý Sơn đưa vào đất liền tiêu thụ.

“5h sáng chúng tôi đã có mặt ở phiên chợ đặc biệt này để tìm mua hành, tỏi của bà con vừa thu hoạch. Bởi hành, tỏi nơi đây rất đảm bảo về chất lượng. Chúng tôi không ngờ, để tạo nên củ hành, củ tỏi có mùi thơm đặc trưng thế này, bà con nông dân phải mất nhiều công sức đến thế, thiết nghĩ chỉ có cư dân đảo Lý Sơn mới cần cù như vậy”, du khách Trương Đình Tùng (đến từ Hà Nội) nói.

< Phiên chợ tỏi giữa màn sương buổi sớm tạo bức tranh sống động, toát lên vẻ đẹp chân quê truyền thống, mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với đảo Lý Sơn.

< Không chỉ bán tỏi khô, người dân đảo Lý Sơn còn bày bán " tỏi ngồng non" cho du khách mang về đất liền chế biến thành món ăn. Mỗi bó tỏi ngồng non này có giá 20.000-25.000 đồng.

Nhịp sống đất đảo luôn gắn với phiên chợ đặc biệt này. Vì thế, thương hiệu hành, tỏi nơi đây ngày càng vươn xa. Bà Ngô Thị Liêm (ở xã An Vĩnh, người 30 năm có mặt ở phiên chợ đặc biệt này) cho hay, lúc đầu bà cũng như nhiều nông dân khác, đến chợ để bán hành, tỏi cho thương buôn, lâu dần bà chuyển sang thu mua hành, tỏi chuyển đi tiêu thụ đi khắp cả nước.

< Mùa cao điểm thu hoạch tỏi ở đảo Lý Sơn thường bắt đầu sau dịp tết Nguyên đán, đây cũng là thời điểm mua bán sôi động nhất ở huyện đảo này.

Thương hiệu hành, tỏi Lý Sơn giờ vươn xa không thể không nhắc đến vai trò của phiên chợ đặc biệt này. Có thể nói, đây là phiên chợ truyền thống của cư dân đảo. Mỗi ngày, từ đây, hàng chục tấn hành, tỏi được đóng bao, vượt biển vào đất liền và được chuyển đi tiêu thụ khắp trong và ngoài nước.

Hành, tỏi Lý Sơn nay không chỉ có mặt trên các hệ thống siêu thị khắp cả nước mà còn vươn ra quốc tế trở nên một sản phẩm du lịch đặc trưng có một không hai của huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Theo LysonExplorer, ảnh Zing New
(Giải trí) - Reikko Hori, một nữ sinh người Nhật Bản, đang là tâm điểm chú ý của báo chí sau việc lựa chọn trải nghiệm 19 ngày cô đơn trên đảo hoang Amparo ở Indonesia, theo OddityCentral ngày 18.2.

Sau 19 ngày bị cô lập hoàn toàn, thứ đồng hành duy nhất với Hori là một ngọn giáo và một chiếc kính lúp, cô sinh viên 22 tuổi tuyên bố đã trở lại với cuộc sống bình thường với sự đánh giá cao về thế giới có con người sinh sống.

< Hòn đảo hoang mà cô trải nghiệm.

Cuộc trải nghiệm của Hori được sắp xếp bởi Docastaway, một công ty du lịch chuyên về các kỳ nghỉ tại hòn đảo xa xôi trên thế giới, với các gói dịch vụ bao gồm các mức độ khác nhau về tiện nghi.

Hori, được công ty mô tả là một người cô độc, tự chọn "chế độ mạo hiểm, thể loại khắc nghiệt nhất”. Do vậy, Hori trở thành người phụ nữ đầu tiên tự nguyện sống nơi hoang vu trong lịch sử.

< Tạo lửa bằng kính lúp trong ngày đầu tiên.

Theo trang web chính thức của công ty, Hori muốn sinh tồn trong tự nhiên mà không cần sự hỗ trợ nào từ bên ngoài. Ban đầu, cô từ chối nhận bất cứ thứ gì hỗ trợ cho cuộc sống hoang vu này, nhưng với sự thuyết phục của công ty, Hori chấp nhận chỉ 2 thứ là ngọn giáo và kính lúp.

Hori ở trên hoang đảo cùng với nhân viên của công ty trong 24 giờ đầu tiên để đảm bảo rằng cô đã sẵn sàng tâm lý cho thử thách này.

< Bổ trái dừa.

Trong 24 giờ này, Alvaro Cerezo, một nhân viên của công ty, nhận thấy Hiro không phải là người biết phát hiện nguy hiểm hoặc không hề cảm thấy đau. Cô đi chân trần trên than nhọn giống như đi chân trần ở nhà. Cô ngủ dưới đất trong rừng mà không nghĩ sẽ có con vật nào đó đi ngang qua cô giữa đêm.

"Hori không muốn nghe lời khuyên hay bài học về sự sống còn. Cô muốn khám phá mọi thứ một mình" -  ông Cerezo nói.

Khi được hỏi về kế hoạch làm nơi trú ẩn cho mình trong 19 ngày trên đảo, Hiro cho biết cô chỉ muốn ngủ trên cát.

Tuy danh nghĩa là hành trình trải nghiệm sống bơ vơ trên đảo một mình, nhưng thực tế thì công ty này có bí mật sắp xếp một nhân viên bảo vệ trên đảo. Nhân viên bảo vệ này lưu trú cách nơi Hori ở khoảng 40 phút đường.

Trả lời sau cuộc trải nghiệm này, Hori nói: “Tôi nghĩ rằng hòn đảo này nhỏ hơn so với tôi tưởng tượng trước đây. Có một cảm giác cô đơn rất lớn, giống như tôi là người duy nhất trên biển vậy”.

Hori đã không thể tìm đủ thức ăn và nước uống trong vài ngày đầu tiên. Cô cảm thấy "thật tệ hại" khi bụng đói và chóng mặt liên tục. Khi không có nơi trú ẩn, những cơn mưa làm cho cô cảm thấy đau, cũng như các vết cắn từ các loài côn trùng.

< Con dông bắt được trong ngày thứ 5 và nó nhanh chóng trở thành món thực phẩm bổ dưỡng.

Vào ngày thứ năm của hành trình, cô cảm thấy trở nên tuyệt vọng khi biết rằng mình vẫn còn phải ở đến 13 ngày trên đảo.

Nhưng, Hori nhanh chóng thích nghi với môi trường khắc nghiệt. Cô đã biết tìm kiếm thức ăn với các dụng cụ mà mình đang có. Cô trèo lên cây cọ nhỏ để chặt dừa và đập vỡ trái dừa bằng đá. Cô bắt cá bằng súng giáo và mất một giờ để bắt cá.

Điều ngạc nhiên mà Hori đã làm là vào ngày cuối cùng cô đã bắt được một con thằn lằn lớn, và nướng nó lên, dùng cho bữa tối.

Hori đã trở về nhà an toàn và cho biết mình rất vui với kỳ nghỉ này. "Thường thì tôi thích ở một mình, nhưng sau khi trải qua 19 ngày một mình trên một hòn đảo hoang vắng, tôi thấy rằng một thế giới không có con người không phải là thế giới mà tôi thực sự muốn sống", cô giải thích.

< Chiến thắng khó khăn.

Hori cho biết: “Tôi đã học được rằng tôi hạnh phúc vì có nhiều người xung quanh. Sống với những người khác không chỉ có đau khổ mà còn là hạnh phúc”.

Một trải nghiệm thật sự ý nghĩa cho những ai đang cảm thấy cô đơn và đang cảm thấy chán nản thế giới này.
Còn bạn! Bạn có đủ can đảm để thực hiện hành trình này, như Hori, không?

Theo Ngọc Lam (Thanh Niên)
Được nhắc đến nhiều trong năm vừa qua, Nam Du hiện là nơi mà dân phượt phía Nam nhất định phải ghé đến cho những kỳ nghỉ lễ. Nam Du có rất nhiều bãi tắm đẹp, trong đó thu hút nhất là Bãi Mến với hàng dừa xanh tỏa bóng mát rượi chạy dài ven bờ biển.

Bãi Mến (hay còn gọi là bãi tắm Cây Mến) nằm trong vịnh Thái Lan, kín gió nên biển lặng, nước trong xanh. Gọi là Cây Mến nhưng bãi tắm chỉ toàn là cây dừa, ấy vậy mà những cụ dừa này lớn tuổi hơn đa phần du khách đến đây. Thoạt nhìn, bãi biển Cây Mến trông như một hồ nước khổng lồ bao bọc chung quanh là những hàng dừa nghiêng mình và những vách đá vững chãi. Mấp mé nước biển xanh ngát là bãi cát chạy dài, mịn màng, vô cùng thích hợp cho những cuộc tản bộ sáng sớm hoặc chiều tà, hay những hoạt động vui chơi trên biển.

Bãi Mến chiêm ngưỡng từ góc cạnh nào cũng khiến bạn không chớp mắt, tựa như thước phim 3D đẹp đến say đắm lòng người khiến du khách phải đảo lại bảng xếp hạng những bãi tắm đẹp nhất từng biết đến. Bãi đâu có rộng nhưng khách Tây, khách ta cứ ùn ùn kéo đến.

Rừng dừa ở Bãi Mến dễ được gần 100 năm, ghi dấu bao kỷ niệm vui buồn nơi biển đảo Tây Nam. Những thân dừa già xước dọc ngang nham nhở, không chỉ là nỗi đau của thiên nhiên, mà còn là sự dằn vặt, nỗi đau tinh thần khôn tả của người dân nơi đây, khi cơn bão số 5 năm 1997 khiến không ít người thiệt mạng.

Năm đó, hàng chục cây dừa ở Bãi Mến bị bão đánh bật gốc. Nhưng chỉ một, hai năm sau, rừng dừa với sức sống mạnh mẽ đã gửi vào lòng đất những trái dừa già, để rồi khi gặp hơi ấm từ ánh nắng ban mai rọi xuống Bãi Mến, mầm xanh đã nhú lên từ những thảm cát trắng tinh khôi.

Dừa ở Bãi Mến đem đến cho du khách một cảm nhận thú vị: Mát ngọt, thơm dịu như không khí trong lành nơi đây. Những quà dừa to mập ú có họ tên đàng hoàng: Dừa Chỉ. Giống Dừa Chỉ này một số địa phương ở phía Nam cũng trồng nhưng chỉ ở Nam Du và đặc biệt là ở Bãi Mến thì ngọt mát hơn cả, cứ như là nhân duyên vậy.

Từ ngữ 'biển xanh, cát trắng, nắng vàng' vận vào Bãi Mến thật chuẩn. Bãi tắm thoai thoải kéo dài ra xa cả trăm mét giúp con trẻ tha hồ nô đùa. Mấy kiều nữ thấy Bãi Mến như cá gặp nước, vừa thả mình vào làn nước trong vắt dưới vịnh, vừa thưởng thức nước dừa khiến cánh mày râu ngẩn ngơ.

Sau khi dạo một vòng Bãi Mến, đắm mình trong dòng nước mát lành, bạn có thể tiếp tục đi thăm các bãi Ngự, bãi Chệt lân cận, nghỉ ngơi, chọn mua các hải sản tươi ngon của địa phương, mua một số loại đặc sản, đồ lưu niệm về làm quà và cắm trại đêm nếu thích.

Bãi Mến cũng như những bãi tắm lớn nhỏ khác trong đảo Nam Du vẫn chưa nhiều dấu chân du khách nên biển nơi đây tuyệt đẹp. Người Nam Du quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, đây cũng là lý do chính làm nên vẻ đẹp hoang sơ, tinh khiết cho Cây Mến.

Du lịch, GO! tổng hợp