Tab Từ Khóa "Du lịch Đắk Nông"
Showing posts with label Du lịch Đắk Nông. Show all posts
(TTO) - Đó là 47 hòn đảo hoang sơ được bao quanh bởi núi rừng trùng điệp tạo nên cảnh hoang sơ, vừa lạ lẫm, vừa thi vị nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (Đắk Glong, Đắk Nông).

< "Hạ Long của Tây nguyên" nhìn từ trên cao.

Từ thị xã Gia Nghĩa, theo quốc lộ 28 di chuyển khoảng 50km, đến địa phận xã Đắk Som là gặp Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Chúng tôi chọn cách đi "phượt" bằng xe máy để khám phá đảo hoang, bởi đồi núi và phong cảnh hai bên đường cũng tạo nên những cảnh đẹp khó nơi nào có được. Càng gần điểm đến, không khí càng trở nên mát mẻ bởi những rừng cây hai bên đường. Khung cảnh thanh bình, xe lướt êm trên những cung đường uốn lượn quanh những sườn đồi phủ xanh cây rừng.

< Những cung đường lý tưởng để khám phá.

Đến gần lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, từ trên cao ngắm hàng chục hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô và thả hồn vào thiên nhiên, mới thấy có người ví von đây là “Hạ Long của Tây nguyên” cũng không quá. Chỉ phải nói thêm cái “chất rừng” thì khó có nơi nào có được.

< Đi thuyền khám phá các đảo trên lòng hồ.

Để ra đảo, cả nhóm thuê hai chiếc thuyền để đến một “đảo hoang” trong số hàng chục hòn đảo trên lòng hồ thủy điện. Thuyền lướt đi giữa lòng hồ, hai bên bờ, những chiếc vó đánh cá ẩn hiện, khiến một vùng rừng cây xanh nước biếc thêm điểm nhấn thú vị.

Sau khoảng 20 phút, thuyền cập bờ, cả nhóm bắt đầu trải nghiệm cuộc sống nơi “hoang đảo”. Người đi chặt tre dựng trại để ngủ, người đi kiếm củi đốt sưởi ấm và chế biến thức ăn, người đi câu cá...

< Phong cảnh hữu tình.

Vẻ đẹp hoang sơ, không gian tĩnh lặng khiến ai nấy đều cảm thấy thích thú, nhanh tay dựng những chiếc trại bằng tre lá nép mình trong rặng cây xanh.

Dựng trại xong, cả nhóm ùa xuống làn nước trong vắt, vẫy vùng bơi lội và ngắm nhìn hoàng hôn đang dần buông xuống. Nếu không có nhiều thời gian thì du thuyền để nhìn ngắm các hòn đảo cũng rất thú vị.

< Lòng hồ luôn có những điểm nhấn là những vật dụng đánh cá.

Màn đêm buông xuống, nhịp sống lòng hồ về đêm bắt đầu. Những ánh đèn bật sáng, tiếng mái chèo vỗ nước của những chiếc ghe đi thăm vó vọng lại giữa không gian núi đồi thanh vắng.

Nhưng thú vị nhất nơi đây có lẽ là buổi bình minh.

< Những bức tranh thơ mộng in trên lòng hồ.

Mặt trời lên cao nhưng sương núi vẫn còn lảng vảng “treo” mình trên những cánh rừng. Trong không gian mờ sương, đứng nơi cao của đảo xòe tay ra, cứ ngỡ như vốc được hàng nắm sương. Cả nhóm lặng người trước không gian yên bình đang mở ra trước mắt.

Từng tia nắng chiếu xuyên qua những đám mây lười biếng khiến mọi thứ như chậm lại. Thật chậm rãi và bình lặng...

< Vui với cảnh thiên nhiên.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng nằm giữa cao nguyên Đắk Nông và cao nguyên Di Linh, khu vực thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, nơi các dự án thủy điện Đồng Nai 3 và 4 đang hoạt động, tạo ra những hồ nước rộng khoảng 3.632 ha và hình thành nên 47 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau.

< Câu cá thư giãn trên đảo.

Khu bảo tồn có diện tích 21.307 ha, tiếp giáp 7 xã, 4 huyện của hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, là điểm giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây nguyên và miền Đông Nam bộ.

Ngoài những thác nước hùng vĩ, đây còn là nơi sinh sống của trên 1.000 loài động - thực vật. Đặc biệt, có 5 loài động vật được xếp ở cấp CR trong Sách đỏ Việt Nam.

Theo Đức Lập (Dulich.Tuoitre)
(TTO) - Từ bài viết trên trang du lịch báo Tuổi Trẻ - Tây nguyên mùa lá rụng, tôi quyết định đi một vòng Tây nguyên và đã gặp hai mảng màu trái ngược trên một ngọn thác.

< Thác Draysap giữa trời xanh và nước xanh.

Sáng sớm mùng 1 tết, khu vực thác Draysap im lắng, gần như không một bóng người.

Mùa khô, dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng không quá dữ dội để tạo thành những đám mây bụi nước bay là đà như sương khói, nhưng cũng đủ đọng lại thành một hồ nước trong trẻo, in hình bóng mây trời, bóng lá, bóng cây…

< Những cây cổ thụ đang thay lá in hình lên nền trời xanh quanh thác Draysap.

Mùa khô ở đây cũng đầy những tán cây cổ thụ trụi lá giơ cành khẳng khiu lên trời trong khi trời Tây nguyên thì xanh một màu mênh mông. Nhưng nhờ có nước, nên chen trong những thân cây trụi lá, vẫn còn một số cây còn giữ lại những tán lá xanh mướt.

< Cây khô cành trụi lá quanh thác Draysap.

Rồi đối lập với nhau là những mảnh xanh mướt của một số cây cổ thụ và các loài cây tán thấp tạo ra một bảng màu cây lá khác biệt nhau.

< Draysap mùa lá rụng.

Draysap nằm trên dòng chảy của sông Sêrêpốk, thuộc xã Nam Hà, huyện Krông K’nô, Đắk Nông, cách thành phố Buôn Ma Thuộc 30km về hướng Nam.

< Một mảng màu xanh xen lẫn màu khô cháy ở thác Draysap.

Theo tiếng dân tộc Êđê, Draysap có nghĩa là thác khói (dray là thác, sap là khói) vì dòng nước hùng vĩ từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối lớn bụi nước bay là như màu sương khói.

< Màu xanh ở thác Draysap.

Nhưng Draysap còn có tên gọi nữa là thác chồng, và cách đó không xa là thác Draynur (thác Vợ), thuộc Đắk Lắk.

< Giữa mùa khô, vẫn có cây cối vẫn đâm chồi nảy lộc ở thác Draysap.

Từ lâu, cụm thác Draysap - Gia Long - Trinh Nữ nằm trên địa bàn hai huyện Cư Jút và huyện Krông Nô, với diện tích khoảng 1.655ha, đã trở thành điểm tham quan du lịch tại Đắk Nông.

Tuy nhiên, khi được đưa vào khai thác du lịch, cụm thác Draysap - Gia Long - Trinh Nữ mất dần vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, mộc mạc hoang sơ vốn có. Và sau mỗi lần lễ hội tràn ngập du khách, chung quanh thác lại tràn ngập rác.

Cũng may khi chúng tôi đến, khu vực thác đã được dọn dẹp sạch sẽ. Và ngày đầu năm thác vô cùng vắng để một khách nhàn du như tôi có thể thỏa mãn ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của một dòng thác nhuốm màu tình cảm, như truyền thuyết về một mối tình đẹp của đôi nam nữ bị chia cắt giữa một dòng chảy mênh mông.

Theo Cao Cát (Tuổi Trẻ)