Tab Từ Khóa "Hồ"
Showing posts with label Hồ. Show all posts
(TTO) - Đó là 47 hòn đảo hoang sơ được bao quanh bởi núi rừng trùng điệp tạo nên cảnh hoang sơ, vừa lạ lẫm, vừa thi vị nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (Đắk Glong, Đắk Nông).

< "Hạ Long của Tây nguyên" nhìn từ trên cao.

Từ thị xã Gia Nghĩa, theo quốc lộ 28 di chuyển khoảng 50km, đến địa phận xã Đắk Som là gặp Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Chúng tôi chọn cách đi "phượt" bằng xe máy để khám phá đảo hoang, bởi đồi núi và phong cảnh hai bên đường cũng tạo nên những cảnh đẹp khó nơi nào có được. Càng gần điểm đến, không khí càng trở nên mát mẻ bởi những rừng cây hai bên đường. Khung cảnh thanh bình, xe lướt êm trên những cung đường uốn lượn quanh những sườn đồi phủ xanh cây rừng.

< Những cung đường lý tưởng để khám phá.

Đến gần lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, từ trên cao ngắm hàng chục hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô và thả hồn vào thiên nhiên, mới thấy có người ví von đây là “Hạ Long của Tây nguyên” cũng không quá. Chỉ phải nói thêm cái “chất rừng” thì khó có nơi nào có được.

< Đi thuyền khám phá các đảo trên lòng hồ.

Để ra đảo, cả nhóm thuê hai chiếc thuyền để đến một “đảo hoang” trong số hàng chục hòn đảo trên lòng hồ thủy điện. Thuyền lướt đi giữa lòng hồ, hai bên bờ, những chiếc vó đánh cá ẩn hiện, khiến một vùng rừng cây xanh nước biếc thêm điểm nhấn thú vị.

Sau khoảng 20 phút, thuyền cập bờ, cả nhóm bắt đầu trải nghiệm cuộc sống nơi “hoang đảo”. Người đi chặt tre dựng trại để ngủ, người đi kiếm củi đốt sưởi ấm và chế biến thức ăn, người đi câu cá...

< Phong cảnh hữu tình.

Vẻ đẹp hoang sơ, không gian tĩnh lặng khiến ai nấy đều cảm thấy thích thú, nhanh tay dựng những chiếc trại bằng tre lá nép mình trong rặng cây xanh.

Dựng trại xong, cả nhóm ùa xuống làn nước trong vắt, vẫy vùng bơi lội và ngắm nhìn hoàng hôn đang dần buông xuống. Nếu không có nhiều thời gian thì du thuyền để nhìn ngắm các hòn đảo cũng rất thú vị.

< Lòng hồ luôn có những điểm nhấn là những vật dụng đánh cá.

Màn đêm buông xuống, nhịp sống lòng hồ về đêm bắt đầu. Những ánh đèn bật sáng, tiếng mái chèo vỗ nước của những chiếc ghe đi thăm vó vọng lại giữa không gian núi đồi thanh vắng.

Nhưng thú vị nhất nơi đây có lẽ là buổi bình minh.

< Những bức tranh thơ mộng in trên lòng hồ.

Mặt trời lên cao nhưng sương núi vẫn còn lảng vảng “treo” mình trên những cánh rừng. Trong không gian mờ sương, đứng nơi cao của đảo xòe tay ra, cứ ngỡ như vốc được hàng nắm sương. Cả nhóm lặng người trước không gian yên bình đang mở ra trước mắt.

Từng tia nắng chiếu xuyên qua những đám mây lười biếng khiến mọi thứ như chậm lại. Thật chậm rãi và bình lặng...

< Vui với cảnh thiên nhiên.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng nằm giữa cao nguyên Đắk Nông và cao nguyên Di Linh, khu vực thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, nơi các dự án thủy điện Đồng Nai 3 và 4 đang hoạt động, tạo ra những hồ nước rộng khoảng 3.632 ha và hình thành nên 47 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau.

< Câu cá thư giãn trên đảo.

Khu bảo tồn có diện tích 21.307 ha, tiếp giáp 7 xã, 4 huyện của hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, là điểm giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây nguyên và miền Đông Nam bộ.

Ngoài những thác nước hùng vĩ, đây còn là nơi sinh sống của trên 1.000 loài động - thực vật. Đặc biệt, có 5 loài động vật được xếp ở cấp CR trong Sách đỏ Việt Nam.

Theo Đức Lập (Dulich.Tuoitre)
(TTO) - Thật bất ngờ giữa miền sơn cước khô nóng của vùng đất Bắc Bình, Bình Thuận quanh năm nắng cháy lại có một hồ nước rộng lớn, xanh mát và tuyệt đẹp. Hồ Cà Giây.

< Hồ Cà Giây.

Nằm cách thị trấn Chợ Lầu 22km về hướng tây nam, hồ Cà Giây (thuộc thôn An Bình, xã Bình An, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) là hồ nước nhân tạo có lưu vực rộng 141km2, được xây dựng vào năm 1995 và khánh thành năm 2000, nhằm cung cấp nước ngọt tưới tiêu cho nông nghiệp (khoảng 4.000ha) và sinh hoạt của người dân (khoảng 8.000 hộ, gồm dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Tày... ) của xã Bình An và một số xã lân cận.

< Rừng trên núi ven hồ Cà Giây đang vào mùa thay lá, rực rỡ sắc vàng như mùa thu.

Mùa này để đến đây, bạn phải băng qua những những thửa ruộng khô mênh mông cỏ cháy, những con đường ngập nắng thiếu vắng bóng cây, những cơn nắng lửa phả hơi nóng bỏng rát vào người, những vườn thanh long bạt ngàn chưa đến mùa đơm hoa kết trái mới...

< Tháp điều tiết nước hồ Cà Giây mang phong cách kiến trúc Chăm.

Nằm cách thị trấn Chợ Lầu 22km về hướng tây nam, hồ Cà Giây (thuộc thôn An Bình, xã Bình An, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) là hồ nước nhân tạo có lưu vực rộng 141km2, được xây dựng vào năm 1995 và khánh thành năm 2000, nhằm cung cấp nước ngọt tưới tiêu cho nông nghiệp (khoảng 4.000ha) và sinh hoạt của người dân (khoảng 8.000 hộ, gồm dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Tày... ) của xã Bình An và một số xã lân cận.

< Con đập hồ Cà Giây cao 25,4m, dài 970,5m.

Nhưng đừng ngại, bởi cuối hành trình bạn sẽ mãn nhãn với không gian mênh mang tươi mát của hồ nước nằm dưới chân núi bên những vạt rừng xanh đang chuyển sang màu vàng rực rỡ...

< Một góc hồ Cà Giây.

Tất cả hiện ra như một bức tranh thiên nhiên mùa thu miền nhiệt đới dù trời đất đang độ vào xuân.

< Một điểm dừng chân bên hồ.

Đến đây bạn có thể đi dạo ven hồ, ngắm mặt hồ màu xanh xám luôn gợn sóng miên man, chiêm ngưỡng những dãy núi xinh đẹp trập trùng uốn lượn, lắng nghe từng con sóng vỗ vào bờ đập, tận hưởng những cơn gió mát từ ngoài hồ thổi vào...

< Đảo nhỏ trên hồ Cà Giây.

Hay có thể leo lên triền núi, ngồi dưới những tán cây rừng, hòa mình với thiên nhiên hoang sơ, trong lành và yên ả...

< Vạt rừng ven hồ Cà Giây đẹp như mùa thu. Lá rừng ven hồ Cà Giây đang đổi màu thay sắc.

Lộ trình đến với hồ Cà Giây khá thuận tiện. Từ trung tâm thị trấn Chợ Lầu (huyện lỵ Bắc Bình) cứ đi theo đường 1A - Phan Sơn, đến ngã ba Bình An rẽ phải rồi đi thẳng là đến.

Từ nhiều năm nay, hồ Cà Giây đã là điểm tham quan, dã ngoại lý tưởng của các bạn trẻ tại địa phương và các huyện lân cận.

Theo Nguyễn Thiên Đăng (Tuổi Trẻ)
(DVO) - Có dịp đến với Côn Đảo đúng mùa hoa sen nở (từ tháng 9 đến tháng 12), phần lớn du khách thập phương đều dành nhiều thời gian ghé thăm và lưu lại những hình ảnh đẹp tại hồ sen An Hải, nằm ở gần trung tâm đảo.

Từng được ví như “địa ngục trần gian” xưa, Côn Đảo ngày nay là một địa danh gắn liền với thời đấu tranh gian khổ, bi hùng của các chiến sĩ cách mạng bị kẻ thù giam cầm. Song nơi đây cũng hứa hẹn tiềm năng du lịch Côn Đảo bởi vẻ đẹp tiềm ẩn chờ đón sự khám phá của du khách. Đặc biệt hơn, nếu đến thăm Côn Đảo đúng mùa hoa sen nở, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp bông hoa sen thanh khiết của biển đảo thân thương nơi đây.

< Đường Hoàng Phi Yến mềm mại uốn lượn giữa hồ sen An Hải.

Được coi như gạch nối tự nhiên giữa trung tâm đảo với khu vực miếu thờ bà thứ phi Hoàng Phi Yến - một trong những người vợ của chúa Nguyễn Ánh, hồ sen An Hải là hồ nước ngọt lớn thứ 2 ở Côn Đảo, nguồn cung cấp nước ngọt cho cư dân trên đảo.

Từ trên cao nhìn xuống, hồ sen An Hải như một chiếc gương xanh khổng lồ. Hồ rộng khoảng gần 1 ha với bạt ngàn cây hoa sen mọc tự nhiên và có đặc điểm rất riêng là thường nở muộn hơn khoảng 1 tháng so với mùa sen thông thường. Hoa sen nở nơi đây cũng lâu tàn hơn hoa sen ở nơi khác. Khi mà những bông sen ở đất liền đã bắt đầu “vào hạt” thì sen Côn Đảo mới nở rộ. Những ngày đó, cả một vùng hồ rộng lớn luôn ngào ngạt hương hoa sen, thơm man mác, nhẹ nhàng mà tinh khiết.

< Những bông sen muộn giữa hồ sen An Hải.

Theo cư dân trên đảo, không ai biết chính xác hoa sen xuất hiện ở Côn Đảo từ bao giờ. Nhưng có chuyện dân gian kể rằng, do can gián chúa Nguyễn Ánh dựa vào lũ thực dân xâm lược khi ấy để chống lại quân Tây Sơn nên bà phi Hoàng Phi Yến đã bị đày ra Côn Đảo. Hoàng tử Cải con của bà do khóc đòi mẹ nên cũng bị chúa Nguyễn Ánh ném xuống biển trong khi chạy trốn. Được sự giúp đỡ của người dân trên đảo, bà Phi Yến đã xây cất mộ cho hoàng tử Cải và ngày đêm nhang khói cho con.

Trong một lần người dân tổ chức lễ xá tội vong nhân, tên đồ tể là Biện Thi đã nảy lòng ham muốn rồi nén chui vào phòng của bà Phi Yến. Khi hắn đụng đến cánh tay thì bà Phi Yến giật mình tri hô cho dân làng bắt và xử tội tên Biện Thi. Về phần bà Phi Yến, để giữ gìn tiết hạnh, bà đã tự chặt đứt cánh tay rồi quyên sinh.

Người dân tiếc thương đã lập miếu thờ bà Phi Yến. Và cũng từ đó, hồ An Hải bắt đầu xuất hiện hoa sen. Sen mọc tự nhiên với sức sống mãnh liệt. Những búp sen trắng, hồng cùng khoe hương sắc giữa mặt hồ trong xanh như những ném tâm nhang thành kính tưởng nhớ người phụ nữ trung trinh, tiết hạnh.

Hiện nay, với mục đích phát triển du lịch Côn Đảo bền vững, cùng với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, hồ sen An Hải cũng đã được tôn tạo khang trang với con đường mang tên Hoàng Phi Yến trải nhựa rộng thênh thang chia đôi hồ. Những ngày đầu thu, cùng thả bước trên con đường giữa hồ, hít căng lồng ngực hương thơm nhẹ nhàng, mát dịu của hoa sen nở, tâm hồn mỗi người dường như cũng trở lên thanh tịnh, nhẹ nhàng hơn. Hồ sen An Hải cũng là địa điểm lý tưởng cho du khách dừng chân, chụp hình lưu niệm trước khi viếng thăm miều thờ bà Phi Yến.

Theo Tạ Quang Đạo (Dân Việt)
(BHP) - Nằm giữa Vườn quốc gia Cát Bà, trên tuyến đường bộ xuyên rừng từ trung tâm Vườn quốc gia đến xã Việt Hải (huyện Cát Hải), Ao Ếch là điểm đến thú vị đối với nhiều du khách. Sau quãng đường dài leo đèo vượt dốc, chợt thấy trước mặt mở ra một vùng mặt nước mênh mông, từng làn gió mang theo hơi nước mát lạnh phả vào mặt, bao mệt nhọc dường như tan biến…

Ở  Vườn quốc gia Cát Bà, có 2 nơi được gọi là Ao Ếch. Một Ao Ếch ở khu vực Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng nằm chơ vơ giữa biển. Gọi là Ao Ếch, thế nhưng, nơi đây chẳng hề có con ếch nào sinh sống. Có lẽ, do hình dáng phần nào giống chú ếch đang rình vồ mồi, người ta đặt tên cho vụng nước nhỏ này như vậy. Còn Ao Ếch giữa rừng, trên tuyến đường bộ đi xã Việt Hải, thì có vô vàn ếch cùng ễnh ương, chão chuộc sinh sống.

Ban ngày, thường xuyên vang lên tiếng ếch râm ran. Đêm xuống, chúng càng kêu tợn, đua nhau khoe chất giọng ồm vang để khẳng định “chủ quyền lãnh thổ” và quyến rũ bạn tình. Mùa khô, ếch cũng kêu, mùa mưa, càng kêu to, nhiều khi nghe đến nao lòng. Cách xa vài trăm mét, có thể nghe tiếng ếch kêu.

Hàng nghìn, hàng vạn con ếch “hợp tấu”, cùng với tiếng quạ, tiếng bìm bịp, tiếng chim thánh thót thành bản nhạc giao hưởng không lời của rừng xanh, có lẽ chỉ có ở Vườn quốc gia Cát Bà.

Từ trung tâm Vườn quốc gia Cát Bà, đi xe mô-tô vượt qua quãng đường khoảng 2 km được trải nhựa dưới tán lá rừng đan kín, đến chân dốc Ánh Rạng là bắt đầu hành trình chinh phục tuyến đường rừng nhiều đèo dốc dài hơn 9 km để đến xã Việt Hải- xã xa nhất của huyện đảo Cát Hải. Vượt dốc Ánh Rạng, Mây Bầu là đến thung lũng Mé Gợ. Từ đây, men theo tuyến đường mòn, vừa đi, vừa vạch cỏ cao hơn đầu người, mà tiến. Nếu may mắn, có thể tận mắt thấy những con bạc má tha thẩn kiếm ăn, thoáng bóng người, là chúng nhanh chân lủi mất. Hay những chú sóc nghịch ngợm chuyền qua chuyền lại trên cành những cây sấu cổ thụ thân to vài người ôm. Và thích thú nhất là bắt gặp khung cảnh chẳng khác gì “thiên đường giữa trần gian” ở Ao Ếch.

Ao Ếch nằm lưng chừng núi, ở độ cao 80 mét so với mực nước biển, nước ao trong nhìn thấy đáy. Ao có diện tích 3,2 héc-ta và thay đổi theo mùa. Mùa khô, lòng ao thu hẹp lại, nhưng chẳng bao giờ cạn nước. Còn mùa mưa, nước từ những khe đá chảy xuống làm ao rộng hơn, nhìn chỉ thấy mênh mông một màu trời, màu rừng và màu nước. Ao không sâu lắm, chỉ chừng 50-60 cm, đáy ao là lớp bùn dày do cành, lá cây khô rụng xuống phân hủy mà thành. Từ đáy ao, vươn lên hàng nghìn cây Và Nước- loài cây chỉ có ở Ao Ếch mà không tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Cây cao 5-10 mét, thân to chừng bắp đùi người lớn, vỏ xù xì, mọc thành cụm, có khi đứng một mình. Mùa đông, nước ao tương đối ấm, còn mùa hè, lại mát lạnh. Vì thế, sau chặng đường dài mệt nhọc, vốc nước lên rửa mặt, tay, chân, không có gì thú bằng.

Ngoài ếch, ở Ao Ếch còn có loài cá dầm đất sinh sống. Cá to hơn ngón tay một chút, thân lẳn, bụng trắng, lưng ánh xanh và dài chừng 7-8 cm. Đặc biệt, Ao Ếch có rất nhiều cua đồng. Cua bò lổm ngổm nơi đáy ao, cua lấp ló trong những khe đá, hốc cây. Thậm chí, có con còn “nổi hứng” trèo lên cả cành cây để phơi nắng.

Khác so với cua sinh sống tại đồng ruộng, cua ở đây có màu sẫm hơn. Thi thoảng, người dân trong vùng vào đây câu cua. Một cành cây nhỏ, một đoạn dây có buộc miếng da lợn hoặc giẻ, câu chơi một buổi cũng được 5-7 kg. Cua đem về nấu canh, nấu riêu, thơm ngon chẳng kém gì canh cua đồng.

Nằm giữa rừng, đường đi hiểm trở, được bảo vệ bởi các cán bộ Vườn quốc gia Cát Bà, lực lượng kiểm lâm, cùng với ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, Ao Ếch giữ được vẻ đẹp hoang sơ vốn có.

Nếu đủ sức khỏe, dũng cảm và quyết tâm vượt tuyến đường rừng để tham quan xã Việt Hải, du khách sẽ nhận được món quà tuyệt vời từ thiên nhiên. Đó là được tận mắt thấy Ao Ếch, tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành, nghe tiếng ếch kêu râm ran, ngắm cá dầm đất bơi lội và dõi theo bước chân ngang dọc của hàng nghìn, hàng vạn con cua.

(TTO) - Không nổi tiếng như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, khu Pác Bó… nhưng hồ Thang Hen lại có nét quyến rũ rất riêng, hớp hồn những ai đã từng tới Cao Bằng - mảnh đất cuối trời đông bắc của Tổ quốc.

Từ TP Cao Bằng, theo quốc lộ 3 về phía đông bắc khoảng 20km rồi rẽ vào tỉnh lộ 205 hơn 10km nữa là chúng ta sẽ tới được hồ Thăng Hen. Nằm ở xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, với độ cao 1.500-1.700m so với mực nước biển, hồ Thăng Hen thuộc vào loại hồ nước ngọt tự nhiên trên núi cao nhất VN, từng được những người đam mê du lịch bình chọn là một trong 10 hồ nước tự nhiên trên núi đẹp nhất VN.

Bốn mùa tuyệt sắc

Hồ nằm giữa một cánh rừng già với những thân cây cổ thụ vươn mình từ trên các vách đá cheo leo tỏa bóng xuống mặt nước trong xanh. Khu rừng bên hồ bạt ngàn những loài nghiến, trám đen, trám trắng, nhiều cây có tuổi đời vài trăm năm mà phải 2-3 người ôm mới hết vòng gốc. Nhiều loài lan rừng tuyệt đẹp cũng có thể tìm thấy ở đây.

Từng đi Cao Bằng vài ba lần vào những thời điểm khác nhau và lần nào cũng đều tới hồ Thăng Hen cho bằng được, chúng tôi đã cảm nhận sự biến đổi cảnh sắc đất trời nơi đây. Khi mùa xuân đến, những thảm hoa dại khoe sắc bạt ngàn bên hồ, để mùa hạ tới nước hồ mênh mông giữa tán rừng già xanh thẳm. Lúc thu sang, đông tới, mặt hồ xanh biếc như viên ngọc bích khổng lồ trên núi.

Vào mùa hạ, khi nước hồ tràn đầy nhất, mặt hồ căng mình ra rộng khoảng 400m và dài thoai thoải hình thoi hơn 1.200m. Điều thú vị mà chúng tôi được biết, tuy có diện tích không quá lớn nhưng ngày nào hồ cũng có hai đợt thủy triều lên và xuống. Mùa hè trong các đợt mưa lũ, nước các sông hồ ở miền núi thường đỏ ngầu, nhưng hồ Thăng Hen vẫn trong xanh bất định.

Thu sang, đông tới, nước hồ cạn đi nhiều, lúc này chỗ sâu nhất chỉ khoảng 5m. Nhưng cảnh sắc hiện ra thật tuyệt vời. Cả lòng hồ phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ soi chiếu núi rừng, mây trời. Tấm gương ấy xanh biếc như viên ngọc bích khổng lồ giữa đất trời, khiến chúng tôi hay bao người đã say đắm. Đây là một thắng cảnh vẫn còn giữ được nguyên nét hoang sơ bình lặng của vùng đất cuối trời đông bắc. Khi mùa xuân đến, những vạt hoa dại, hoa ngũ sắc bung nở ven hồ càng khiến lòng ta mê say.

Đi dạo quanh hồ giữa những vạt hoa dại chạy tít vào tận lòng thung lũng khiến cho lòng người lữ khách bỗng trào dâng niềm bồi hồi, xao xuyến. Khi nước hồ xuống thấp, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một phía góc hồ có những bờ vực đá nhô lên cao, có chỗ tới 30m sừng sững vô cùng hùng vĩ.

Đi thuyền, câu cá 
ở hồ Thăng Hen

Nếu ai đã từng tới đây vào mùa hè thì đừng bỏ lỡ một chuyến du thuyền trên mặt nước. Đi thuyền trên hồ sẽ cho ta có cảm giác như đang ở đáy của một chiếc chảo khổng lồ. Bốn phía xung quanh đều là những núi đá tai mèo và tán rừng già bịt kín vô tình tạo ra thành chảo.

Buổi sáng, từ đỉnh núi cao nhất ở đây, phóng tầm mắt xuống lòng hồ có thể thấy những đám mây lướt qua hệt như những dải lụa trắng tung bay trong gió. Chúng tôi được anh Hà Văn Bân, một người lái thuyền chở khách ở đây, kể cho nghe về những điều mà ít ai biết. Theo anh Bân, đồng bào Tày gọi Thăng Hen bởi nó có nghĩa là đuôi ong. Nếu đứng từ trên đỉnh núi nhìn xuống bao quát toàn cảnh, hồ có hình dạng y hệt đuôi một con ong.


Hiện nay hồ Thăng Hen vẫn còn nhiều loài cá quý hiếm. Nhiều “cần thủ” nổi tiếng đến từ TP Cao Bằng, thậm chí ở Hà Nội lên, đã câu và bắt được cá cháy, cá anh vũ, bò râu, bống bớp ở hồ này. Theo người dân địa phương, cá ở hồ Thăng Hen lớn rất nhanh bởi chúng được sống dưới môi trường trong lành, mặt hồ được bao quanh bởi những thảm thực vật dày, đó chính là nguồn thức ăn dồi dào, phong phú.


Nếu muốn thưởng thức các món ăn đặc sản từ hồ, du khách có thể vào nhà dân bản Tày nơi đây để nhờ nấu. Các món như cá rầm xanh om trám đen, cá anh vũ xào ớt hay tôm núi kho me... thưởng thức với rượu ngô sẽ cực kỳ hấp dẫn. Do còn ít được biết tới nên hồ Thăng Hen mới giữ được nguyên vẻ hoang sơ, bình yên. Nhưng có lẽ trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thu hút đông đảo du khách.

Hi vọng sự bùng nổ du lịch đem lại cho bà con, địa phương nguồn lợi từ du lịch sẽ không đồng thời cướp đi vẻ đẹp vốn có mà thiên nhiên đã ban tặng cho Thăng Hen.

Truyền thuyết hồ Thăng Hen

Theo truyền thuyết dân gian, ngày xưa ở Cao Bằng có một chàng trai tên Sung thông minh tuấn tú. Chàng thi đỗ làm quan và được vua ban thưởng bảy ngày vinh quy bái tổ. Về quê, chàng kết hôn cùng nàng Boóc xinh đẹp. Mải quyến luyến bên người vợ xinh đẹp vừa mới cưới, chàng quên mất ngày trở về kinh đô. Đến đêm thứ bảy chàng mới sực nhớ, vội chia tay vợ và bố mẹ chạy về kinh. Giữa đêm tối trong rừng hoang, chàng chạy được 36 bước chân thì ngã đập đầu vào núi rồi chết.

36 bước chân của chàng trai ấy bây giờ tạo thành 36 cái hồ lớn, nhỏ với những tên gọi khác nhau theo tiếng địa phương thuộc huyện Trà Lĩnh. Và tương truyền nơi chàng nằm xuống chính là hồ Thăng Hen bây giờ.

Theo Thu Hường, Thúy Quỳnh (Dulich Tuoitre)
(BQN) - Nằm cách đền An Sinh 3km, khu du lịch sinh thái hồ Khe Chè thuộc xã An Sinh (TX Đông Triều) mang nét đẹp “sơn thuỷ hữu tình”. Nơi đây được bao bọc bởi những ngọn núi, hệ thống cây xanh cùng với khí hậu ôn hoà đang là điểm đến du lịch sinh thái thu hút nhiều du khách.

Mất hơn 10 phút chạy xe từ trung tâm xã An Sinh, chúng tôi đến hồ Khe Chè giữa cái nắng oi ả của một buổi chiều cuối tháng 5. Dọc đường đi, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã An Sinh giới thiệu: Hồ Khe Chè có diện tích rộng 276ha. Vào những năm 80, hồ được ngăn đập xây dựng thành công trình thuỷ lợi cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp là chính. Vài năm trở lại đây, hồ Khe Chè trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng thu hút nhiều du khách đến tham quan. Vào dịp hè, trung bình mỗi ngày hồ Khe Chè đón khoảng 500-700 du khách.

Đến với khu du lịch hồ Khe Chè, ngoài tắm du khách có thể dạo bộ khám phá những cánh rừng xanh bát ngát soi mình dưới làn nước trong veo, mát lạnh. Nếu thích khám phá lòng hồ, bạn có thể rẽ sóng trên chiếc thuyền vững chãi để ngắm cảnh hùng vĩ của núi rừng, sông nước nơi đây.

Theo người dân sống ở ven hồ cho biết, vào mùa hè nước trên mặt hồ mênh mông, gió thổi tạo ra những đợt sóng nhẹ, thu hút nhiều khách đến tắm mát. Mùa đông, sương bao phủ mặt hồ thanh tịnh đẹp như một bức tranh.


Chị Phạm Thị Hoa, du khách đến từ phường Mạo Khê (Đông Triều) chia sẻ: “Mùa hè nóng bức, mọi người hay rủ nhau đi tắm biển hoặc đi bể bơi. Gia đình tôi thích yên tĩnh, thoáng mát nên chọn hồ Khe Chè để du lịch. Tôi ấn tượng bởi nơi đây có không khí trong lành, thiên nhiên còn rất hoang sơ”.


Ngoài ra, du khách đến đây còn được thả mình câu cá trong hồ, được bơi thuyền thiên nga hay thưởng thức các món ẩm thực đồng quê tại địa phương như: Gà nướng, các món chế biến từ ốc và cá đánh bắt ở hồ. Chị Nguyễn Thị Huyền đến từ huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) cho biết: “Chúng tôi nghe địa danh hồ Khe Chè đã lâu, giờ mới có dịp đến tham quan. Đây là điểm du lịch khá lý tưởng, tôi thích nhất tắm và bơi thuyền thiên nga trong hồ…

Các dịch vụ ăn uống ở đây phục vụ khá tốt, giá cả cũng bình dân. Sau chuyến đi này, chắc chắn hè năm tới chúng tôi sẽ quay lại đây”. Ông Trần Văn Phượng (58 tuổi) là hộ đầu tư vào khu du lịch sinh thái hồ Khe Chè đầu tiên cho biết: Tận dụng ưu thế về vẻ đẹp thiên nhiên sẵn có, chúng tôi đã đầu tư xây dựng một số nhà lều, chòi gỗ lợp lá tranh và 13 phòng nghỉ. Ngoài ra, chúng tôi đang tiếp tục xây dựng thêm một sân tennis, một bể bơi (700m2) nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí phục vụ du khách.

Dù có lợi thế và bước đầu đã thu hút khá đông du khách, tuy nhiên, việc phát triển du lịch sinh thái tại hồ Khe Chè hiện vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ phục vụ du khách mang tính tự phát là chính. Nơi đây rất cần được quy hoạch, đầu tư thêm để có thể phát huy hết tiềm năng du lịch của mình.

Theo Phạm Tăng (Báo Quảng Ninh)
(ANTĐ) - Tuyến đường từ Quốc lộ 6 từ xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình, đi Ba Khan, Suối Lốm, Gò Mu, Gò Lào, Phúc Sạn đến ngã ba Đồng Bảng của huyện Mai Châu vốn là một đoạn thuộc đường Quốc lộ 6 cũ, nay không còn được ghi trên nhiều bản đồ đường bộ ở Việt Nam.

Đường Ba Khan – Đồng Bảng giờ chỉ còn là một tuyến đường liên xã nhỏ xíu chạy quanh ôm lấy bờ nam của hồ Hòa Bình. Đường hẹp, vắng vẻ, hoang sơ. Nhiều đoạn, một bên vách núi dựng đứng, một bên mặt hồ nước mênh mang với những đảo nhỏ xanh như những viên ngọc nổi lên trên mặt nước, phong cảnh vô cùng lãng mạn.

Suối Lốm, một bản nhỏ nằm trên cung đường “Quốc lộ cũ” ấy cách ngã ba Phú Cường chừng 30km.

Cách ngã ba Đồng Bảng chừng 7-8km. Nếu du khách đi từ Mai Châu xuống qua Tòng Đậu, Bãi Sang là tới nơi. Trên đường tới Suối Lốm, du khách sẽ ghé ngang một thác nước rất đẹp đổ thẳng xuống ngay mép hồ thủy điện Hòa Bình, đó chính là thác Gò Lào.

Thác Gò Lào cao chừng hơn 20m. Mùa nước lớn, thác đổ những dòng trắng xóa, tung bụi nước khắp khe núi. Du khách đi trên đường có thể cảm nhận rõ hơi ẩm trong không khí và tiếng thác nước ầm ào lẫn trong tiếng lá rừng reo gọi.

Từ trên đường, đi theo con đường mòn xuống chân thác sẽ thấy một bên mênh mang của hồ thủy điện, một bên thác nước mềm như tấm lụa trắng trải trên sườn núi, thả bụi nước xuống mặt hồ. Qua thác Gò Lào, đi tiếp về phía Ba Khan chừng 4km là đến Gò Mu.

Ngay dưới mép nước Gò Mu, bản Suối Lốm là một bản nhỏ của đồng bào dân tộc Mường nằm lẩn khuất giữa rừng tre, từ trên cao chỉ thấy thấp thoáng bóng con đường nhỏ như một con “bạch xà” trườn dưới rừng tre tiến về mép nước. Thả bộ đến cuối con đường nhỏ ấy, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến phong cảnh trời nước bao la, hài hòa với cuộc sống con người đẹp bình dị như trong một bức tranh thư pháp cổ.

Chiếc thuyền nhỏ ở bến nước cuối bản Suối Lốm sẽ đưa du khách tham quan vẻ đẹp lòng hồ. Tuy nhiên, với những du khách yêu thể thao, thích khám phá và trải nghiệm, trèo thuyền Kayak sẽ đem lại những cảm xúc tuyệt vời nhất, những hình ảnh đẹp nhất ở nơi này.

Một sớm mai, nhẹ khua mái chèo trong bảng lảng sương trắng bám mặt hồ, mờ ảo, mộng mị như trong một giấc mơ. Sương trôi theo dòng nước, bất chợt chiếc thuyền của người dân đi thả lưới, như một chiếc lá mảnh mai, phiêu dạt, mộng mị, mơ hồ. Buổi xế chiều, ánh hoàng hôn nhuộm đỏ núi rừng, mặt hồ nước như tấm gương lớn rực rỡ, long lanh.

Một đêm trong ngôi nhà sàn cổ bên hồ. Bữa cơm chiều muộn với cá Sông Đà và hương vị đậm đà của rượu cần, của người Mường chính hiệu. Một làn điệu Ví Mường cổ nhẹ lan tỏa trong không gian tĩnh lặng. Một không gian trải nghiệm cuộc sống độc đáo, lạ mà hấp dẫn không thể tả hết bằng lời.

Theo Vũ Thanh (An Ninh Thủ Đô)
(TNO) - Từ TP Quy Nhơn men theo QL19 khoảng 80 km, huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định dần hiện ra ngay cạnh dòng sông Côn thơ mộng.

Mỗi khi mùa khô kéo dài, mặt sông Côn chỉ còn là những dòng nước chảy men qua những tảng đá được bào nhẵn mặt, đáy sông xuất hiện các bụi cây trơ thân bạc phếch… cũng là lúc sông Côn tự khoác lên mình một vẻ đẹp hoàn toàn khác, hoang dại, đậm chất núi rừng. Chỉ đến khi đứng trên đập ngăn sông ở hồ Định Bình, nhìn về phía lòng hồ, cảm giác mênh mông biển nước của sông Côn mùa lũ năm nào mới tràn về…

Cũng từ Dốc Trời ngay đập nước, lái xe hướng lên thủy điện Vĩnh Sơn khoảng 5 km sẽ đến cầu Đăk Lot, nơi có dòng suối chảy ra lòng hồ Định Bình. Tận dụng vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng, một số hộ dân nơi đây đã dựng những chòi nhỏ tựa nhà sàn của người Bana, tạo không gian cho du khách phương xa vừa nghỉ mát, dã ngoại vừa có thể ngắm nhìn một góc hồ phẳng lặng.

Nhưng không cần phải đi xa gần 10 km để đến hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất của tỉnh này, hay xa hơn nữa để chiêm ngưỡng lòng hồ thủy điện Vĩnh Sơn, ngay trung tâm huyện, nhiều điểm đến vẫn còn hoang sơ, đẹp mê lòng người.

Thác Ồ Ồ chảy đổ ra hồ Hòn Lập mang đậm vẻ đẹp ấy. Một thảm xanh miên man, nhấp nhô vài tảng đá trắng, được che nghiêng bởi những tán cây rừng nơi cuối dòng thác, sẽ là điểm chụp hình ấn tượng cho những du khách mê nhiếp ảnh. Con đường nối từ khu dân cư vào đến thác, có đoạn phải đi ven bờ rừng, một bên núi, bên vực sâu, tiếng róc rách của suối đá hòa nhịp với tiếng chim rừng càng kích thích trí tò mò, khám phá của con người.

Cũng dọc đoạn đường ấy, nếu đi vào mùa nước dâng, du khách có thể ghé đến suối nước nóng Vĩnh Trường. Những dịp trước và sau tết, nơi đây đông đúc như ngày hội, trẻ em, dân làng cùng thả mình vào mạch nước ấm như cầu mong những điều may mắn…

Ngược sông Côn lên vùng đất Vĩnh Thạnh, du khách còn tìm về lịch sử với di tích thành cổ Tà Kơn, làng Kon Blo, vượt hàng chục cây số đường rừng đến làng kháng chiến Ò… Có lẽ vì thế mà nơi đây lúc nào da diết lời ca:

“Sông Côn ơi hỡi sông Côn,
Trải tháng năm nước chìm trong lửa đạn.
Từ trong lửa đạn nước đã réo sôi lên,
Từng binh đoàn Quang Trung lớn lên trên mặt sông này.
Còn vang động dòng sông, tiếng bom anh hùng Ngô Mây…”.

Theo Minh Úc (Báo Thanh Niên)
(BQN) - Nằm cách trung tâm thị trấn huyện Hải Hà khoảng gần 20km, hồ Trúc Bài Sơn (thuộc địa phận bản Quảng Mới, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) được xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây khoảng 25 năm.

< Một góc hồ Trúc Bài Sơn.

Hồ có trữ lượng nước lớn với dung tích thiết kế lên đến 15 triệu m3, có khả năng phục vụ tưới tiêu cho khoảng 3.100ha đất sản xuất nông nghiệp, cũng như nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân thuộc 6 xã của huyện Hải Hà. Hệ thống hồ được kết cấu chủ yếu là đất và được kè lát đá phía thượng lưu.

Diện tích lòng hồ Trúc Bài Sơn khá rộng, nước hồ trong xanh, xung quanh là những cánh rừng nguyên sinh phủ một màu xanh ngắt. Nếu du khách muốn đi ngắm cảnh ven hồ phải mất ít nhất nửa ngày bằng thuyền máy. Thời gian ngắm cảnh hồ đẹp nhất là vào buổi sáng sớm tinh sương hoặc buổi chiều khi hoàng hôn xuống.

Điều khá ấn tượng, trong lòng hồ nước rộng mênh mông có những mỏm đất nhô lên cao, ở đây du khách có thể ngồi ngắm cảnh hoặc hưởng thụ thú vui câu cá, thả hồn bồng bềnh theo nhịp sóng nước.

Sau những giờ phút thi vị trên sông nước, du khách có thể cho thuyền ghé vào thăm bản Lồ Má Coọc, một bản của người dân tộc Dao Thanh Y, xã Quảng Sơn. Bản này có khoảng hơn chục nóc nhà, nằm ngay cạnh lòng hồ. Đường lên bản vào mùa hè là đẹp nhất, men theo con đường đất nhỏ từ mép hồ đi vào bản vô cùng thơ mộng với bạt ngàn hoa sim, hoa mua tím biếc. 

Người dân ở đây khá thân thiện, du khách có thể vào nhà xin một bát cháo trắng hay cháo ngô trong bếp để thưởng thức món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Dao nói riêng và dân tộc thiểu số vùng cao nói chung. Những nét sinh hoạt đời sống văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y chắc chắn sẽ đem lại cho du khách có thêm được những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa.

Đến với Trúc Bài Sơn, du khách có thể hoà quyện con người với thiên nhiên kỳ vĩ để tận hưởng những cảm giác thư thái thật quý giá nơi núi rừng hoang dã. Nơi đây còn rất nhiều điều tuyệt vời khác, chờ đón bạn đến trải nghiệm và khám phá...

Theo Cẩm Thu (Báo Quảng Ninh)
(DLVN) - Hồ Xạ Hương nằm trong thung lũng núi con Trâu thuộc làng Xạ Hương xã Minh Quang huyện Tam Đảo. Đây là hồ nước sâu và rộng tới 83ha với nhiều ngách lớn xuyên vào các cánh rừng, được ngành xây dựng thuỷ lợi xây dựng từ năm 1984.

Ở đây có đập nước cao 41 mét, mái đập phía thượng lưu được lát đá tảng kiên cố để có thể tích nước dâng cao tới cốt 92 với sức chứa hơn 12 triệu mét khối nước đủ tưới quanh năm cho 1850ha đồng ruộng của ba huyện Tam Đảo, Bình Xuyên và Tam Dương.

Từ trên đỉnh núi Tam Đảo nhìn xuống mặt nước hồ Xạ Hương giống như hình con chim én khổng lồ vỗ cánh đang chuyên chở màu xanh xuống miền xuôi. Với lưu vực 24km2 gồm bốn con suối lớn và hàng trăm khe nhỏ chảy vào quanh năm giữ cho hồ Xạ Hương không bao giờ hết nước. Theo ý đồ của người thiết kế ban đầu, dù mực nước hồ hạ xuống tới "cốt chết" không tự chảy ra mương được nữa thì trong lòng hồ vẫn còn 700.000m3 nước dự trữ, nhiều chỗ có độ sâu tới 03m nước. Nghĩa là hồ Xạ Hương không bao giờ khô cạn trơ ra đáy bùn làm ảnh hường tới môi trường sinh thái và cảnh quan xung quanh. Trên bờ hồ hoàn toàn không có nhà dân. Điều đó thật lý tưởng đối với ngành du lịch và ngành thuỷ sản. 

Cảnh quan nơi đây cũng đa dạng cả về địa hình và địa chất. Các đồi đất đan xen các ngọn núi đá. Trong vùng đa phần là núi đá hoa cương và đá thạch anh màu xanh xám. Tuy không có sự xâm thực của phong thuỷ để tạo ra những hang động kỳ bí như ở vùng núi đá vôi, núi đá nơi đây lại có nhiều vết nứt lớn nhỏ để tạo nên nhiều khe hẻm, nhiều mái đá lõm sâu làm nơi trú ngụ cho muông thú. Du khách tới đây có thể luồn sâu vào các khe núi giữa hai bên vách đá dựng đứng. Chỉ cần cất tiếng cười vang hoặc hú lên một tiếng là đã được cả núi rừng hưởng ứng vọng lại đón mừng nồng nhiệt. Mỗi bước đi ta cũng lại có thêm nhiều điều khám phá mới ra từ trong các vết nứt của thiên nhiên hùng vĩ nơi đây.

Trên các vách đá cheo leo các gốc căn và đây leo chằng chịt buông mành cho chim sóc truyền cành. Dưới các khe nhỏ sâu hun hút là nơi trú ngụ của hàng vạn con dơi. Ven suối ven hồ ngổn ngang vô vàn đá mồ côi đã bị bào mòn bởi thời gian để tạo nên đủ hình thù các con thú rừng như đang lăn lóc ngủ say quên cả đất trời.

Đến thăm hồ Xạ Hương lúc nước đầy hay vơi đều có những thú vui riêng. Khi mặt nước hồ dâng cao lên tới cốt 92, được chèo thuyền giữa mênh mông sóng vỗ có thể ghé thuyền đi sâu vào các lòng hang ngay giữa lưng chừng núi cheo leo hoặc vin cành cây cổ thụ đang lòa xòa mặt nước để rồi muốn rời thuyền leo lên đỉnh núi cao hay nhảy xuống hồ ngụp lặn bơi đua tùy thích.

Lúc mặt nước hồ rút xuống tới cốt 76, du khách sẽ ngỡ ngàng hoặc giật mình bất chợt nhìn thấy rõ hai chú cá voi to lớn, đen trũi bằng đá đang lấp ló dưới làn nước xanh như chuẩn bị lao lên hù dọa mọi người. Khi mặt nước hồ chỉ còn ở cốt 53 sẽ thấy xuất hiện hàng đàn hà mã, lợn nòi, hổ báo toàn bằng đá mồ côi, chúng như đang tranh mồi làm tung nước trắng xóa nơi cửa các con suối cả.

Giữa vùng sơn thủy bao la nổi lên bức tranh bằng đá xám xanh với gió ngàn dào dạt, sóng nước lăn tăn. Những cánh rừng thông reo vi vút xen kẽ các khoảng rừng với hoa sim, hoa mua tím biếc lúc xuân sang để rồi chín mọng những trái sim ngọt lịm cả mùa hè. Tiếng chim "Bắt cô trói cột", "bắt tép kho cà" đuổi nhau trong các đồi vải thiều đang vào mùa quả chín. Trong rừng, những quả táo me, trám chim, hạt gắm, hạt dẻ đều cho du khách nhớ mãi hương vị đặc trưng của núi rừng nơi đây.

Xuôi theo suối Hai Ve leo lên đồi Thanh Sơn ta bắt gặp cả một rừng đá lô nhô mọc lên từ mặt đất với đủ mọi hình thù hấp dẫn. Ngược dốc Chùa theo dòng suối Cả vào tới Ba Khe, Đá Liền, Chói Đèn...mỗi nơi mỗi vẻ đều để lại trong ta nhiều ấn tượng khó quên. Dù mỏi mệt đến đâu mà vào tới được thác Bản Long ngồi nghỉ trong tiếng thác nước đang mải mê tấu khúc nhạc rừng, ta như được tắm gội cả tâm hồn. Tiện đường rẽ sang núi Mỏ Quạ, giữa dốc đá cheo leo đang có trăm ngàn dâu dợ căng võng đón mời ngả lưng thư giãn, văng vẳng tiếng vượn hót chim kêu, con nai giác gọi bầy.

Vào mùa thu, mặt nước hồ Xạ Hương như tấm gương in bóng đỏ rực những cánh rừng sau sau đang thì thay áo mới, gợi cho du khách nhớ về cảnh rằng phong lá đỏ phía trời Âu đã từng được miêu tả trong các tác phẩm văn học cổ điển.


Mùa xuân đến, rừng cây sau sau lại nảy chồi tím lá non để rồi tiếp màu tím hoa mua tím biếc cả núi rừng.


Chính quyền và nhân dân xã Minh Quang cùng huyện Bình Xuyên và huyện Tam Đảo đang làm đường trải thảm nhựa từ ga Hương Canh lên và từ Tam Đảo xuống để đón du khách khắp nơi vào thăm quan, nghỉ dưỡng trong hồ Xạ Hương. Tháng 10 năm 2005, ngành du lịch cũng đã xây dựng xong sân gôn 16 lỗ và nhiều nhà nghỉ sang trọng quanh hồ. Nơi đây sẽ là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với tất cả mọi người.