Từ TP Quy Nhơn men theo QL19 khoảng 80 km, huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định dần hiện ra ngay cạnh dòng sông Côn thơ mộng.
(TNO) - Từ TP Quy Nhơn men theo QL19 khoảng 80 km, huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định dần hiện ra ngay cạnh dòng sông Côn thơ mộng.

Mỗi khi mùa khô kéo dài, mặt sông Côn chỉ còn là những dòng nước chảy men qua những tảng đá được bào nhẵn mặt, đáy sông xuất hiện các bụi cây trơ thân bạc phếch… cũng là lúc sông Côn tự khoác lên mình một vẻ đẹp hoàn toàn khác, hoang dại, đậm chất núi rừng. Chỉ đến khi đứng trên đập ngăn sông ở hồ Định Bình, nhìn về phía lòng hồ, cảm giác mênh mông biển nước của sông Côn mùa lũ năm nào mới tràn về…

Cũng từ Dốc Trời ngay đập nước, lái xe hướng lên thủy điện Vĩnh Sơn khoảng 5 km sẽ đến cầu Đăk Lot, nơi có dòng suối chảy ra lòng hồ Định Bình. Tận dụng vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng, một số hộ dân nơi đây đã dựng những chòi nhỏ tựa nhà sàn của người Bana, tạo không gian cho du khách phương xa vừa nghỉ mát, dã ngoại vừa có thể ngắm nhìn một góc hồ phẳng lặng.

Nhưng không cần phải đi xa gần 10 km để đến hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất của tỉnh này, hay xa hơn nữa để chiêm ngưỡng lòng hồ thủy điện Vĩnh Sơn, ngay trung tâm huyện, nhiều điểm đến vẫn còn hoang sơ, đẹp mê lòng người.

Thác Ồ Ồ chảy đổ ra hồ Hòn Lập mang đậm vẻ đẹp ấy. Một thảm xanh miên man, nhấp nhô vài tảng đá trắng, được che nghiêng bởi những tán cây rừng nơi cuối dòng thác, sẽ là điểm chụp hình ấn tượng cho những du khách mê nhiếp ảnh. Con đường nối từ khu dân cư vào đến thác, có đoạn phải đi ven bờ rừng, một bên núi, bên vực sâu, tiếng róc rách của suối đá hòa nhịp với tiếng chim rừng càng kích thích trí tò mò, khám phá của con người.

Cũng dọc đoạn đường ấy, nếu đi vào mùa nước dâng, du khách có thể ghé đến suối nước nóng Vĩnh Trường. Những dịp trước và sau tết, nơi đây đông đúc như ngày hội, trẻ em, dân làng cùng thả mình vào mạch nước ấm như cầu mong những điều may mắn…

Ngược sông Côn lên vùng đất Vĩnh Thạnh, du khách còn tìm về lịch sử với di tích thành cổ Tà Kơn, làng Kon Blo, vượt hàng chục cây số đường rừng đến làng kháng chiến Ò… Có lẽ vì thế mà nơi đây lúc nào da diết lời ca:

“Sông Côn ơi hỡi sông Côn,
Trải tháng năm nước chìm trong lửa đạn.
Từ trong lửa đạn nước đã réo sôi lên,
Từng binh đoàn Quang Trung lớn lên trên mặt sông này.
Còn vang động dòng sông, tiếng bom anh hùng Ngô Mây…”.

Theo Minh Úc (Báo Thanh Niên)