Tab Từ Khóa "Khu bảo tồn"
Showing posts with label Khu bảo tồn. Show all posts
Nằm trong Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Pù Hoạt được đánh giá là vùng mang tính chất nguyên sinh tiêu biểu, với hàng ngàn loài động, thực vật quý hiếm là điểm đến hấp dẫn với du khách.

Rừng đặc dụng Pù Hoạt được xác định là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới thuộc Khu vực miền Tây Nghệ An mà tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục được Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận từ tháng 9/2007. Rừng đặc dụng Pù Hoạt có diện tích 35.723 ha, nằm trên địa bàn 5 xã Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ, huyện Quế Phong.

Theo tài liệu được lưu giữ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thì vùng rừng này có những giá trị hết sức đặc biệt về thiên nhiên, là mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Thảm thực vật ở Pù Hoạt được hình thành 3 kiểu: Rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới núi cao, hỗn giao cây lá rộng với cây lá kim; Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình; Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi thấp...

Thảm thực vật thứ nhất tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phần lớn nằm sâu trong vùng lõi, ít bị tác động, tính nguyên sinh rất cao. Thực vật chiếm ưu thế là cây lá rộng, cây lá kim, một số loài có kích thước rất lớn. Các loài cây chiếm ưu thế của rừng này là: re, chắp, bời lời, kháo, cà ổi, dẻ lá tre, côm, mây châu, tô hạp...

Ở loại thảm thực vật thứ hai phân bổ ở độ cao từ 800 - 1500m, trải rộng khắp vùng sườn núi Pu Pà Nhà, Pu Cao Mạ và phía đông đỉnh Pù Hoạt. Kiểu rừng này vẫn giữ được tính nguyên sinh cơ bản. Thực vật chiếm ưu thế là cây lá rộng, sinh trưởng tốt với các loài tiêu biểu như: sau sau, dẻ, sồi, re, dâu, hồng xiêm, xoan, bồ hòn...; Các cây lá kim như thông nàng, kim dao. Rừng được chia thành 4 tầng, trong đó có tầng vượt tán có các loài cây giá trị cao như chò chỉ, sến mật.

Thảm thực vật thứ ba phân bổ ở độ cao dưới 800m với nhiều họ cây như: thầu dầu, xoan, dâu tằm, cánh bướm, vang, thị, re, dẻ, côm... Rừng được chia thành 3 tầng, tầng ưu thế với các loài điển hình là chẹo, bứa, vang, lim xẹt, mọ, muồng, da, ngát...

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt còn có tính đa dạng sinh học. Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện được nơi đây có 763 loài thực vật thuộc 427 chi, 124 họ; Có hơn 30 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Trong khu bảo tồn có những loài có giá trị, đáng chú ý như: trai, sến mật, táu mật, chò chỉ, tô hạp...

Thực vật hạt trần bước đầu được khảo sát có 7 loài, có 4 loài quý hiếm gồm: pơ mu, bách xanh, kim giao, sa mu. Trong đó, quần thể sa mu được phát hiện ở đây gồm những cây có đường kính rất lớn, trung bình trên 1,5 - 2m, cao trên 45m, đặc biệt có cây đường kính rộng đến 2,8m, cao trên 50m.

Động vật rừng ở Pù Hoạt đã thống kê được 176 loài có xương sống thuộc 4 lớp: 45 loài thú, 131 loài chim, 11 loài bò sát, 6 loài lưỡng cư. Khu hệ động vật có cấu trúc và thành phần loài giống với khu hệ động vật Tây Bắc Việt Nam, lớp thú có các loài đặc trưng là: bò tót, vẹc xám, sóc, cầy...; Lớp chim là các loài trong họ khướu. Thành phần các loài chim và thú ở Pù Hoạt được ghi nhận là tương đương với các khu Vũ Quang (Hà Tĩnh) và Pù Mát, xếp trên Pù Huống.

Ở đây cũng có các loài thú tiêu biểu và quý hiếm như: voi, hổ, báo hoa mai, báo gấm; Gà tiền mặt vàng, gà lôi trắng, công, hồng hoàng, cao cát bụng trắng; Rùa núi viền, rùa hộp trấn vàng, rùa đầu to, rùa đất, hổ mang, trăn gấm, trăn đất...

Để bảo vệ tốt Khu dự trữ sinh quyển vùng Tây Nam Nghệ An theo như cam kết của Chính phủ với UNESCO, ngày 2/4/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định chuyển đổi Ban Quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban Quản lý KBTTN Pù Hoạt với nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ và phát triển rừng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường phục vụ du lịch.

Theo GSV-travel, ảnh internet
(TTO) - Quảng Nam, duy nhất xã Tam Giang, huyện Núi Thành còn giữ được khu rừng ngập mặn nguyên sinh với diện tích hàng chục ha vời toàn cây cổ thụ được người dân gìn giữ, bảo vệ nghiêm ngặt.

< Một góc rừng ngập mặn thơ mộng ở xã Tam Giang.

Từ trung tâm huyện Núi Thành, theo quốc lộ 1 hướng xuống biển khoảng 10km sẽ bắt gặp khu rừng ngập mặn nguyên sinh xã Tam Giang với diện tích hơn 50ha với nhiều cây mắm, đước, bần, cốc thuộc vào hàng cổ thụ nằm chen chúc, rậm rạp.

< Tàu thuyền neo đậu núp dưới những tán rừng ngập mặn.

Khu rừng trải dài qua bốn thôn Đông Xuân, Đông An, Đông Bình và Đông Mỹ (xã Tam Giang). Trong đó, rừng ngập mặn nguyên sinh thôn Đông Xuân được người dân bảo vệ, gìn giữ một cách có ý thức, nghiêm ngặt nhất.

< Nhiều cây mắm cổ thụ có hình thù độc đáo.

Theo các cụ cao niên, người dân ở đây từ xưa đã tâm niệm đó là của để dành cho dân làng, vì vậy không cho ai được phép tàn phá.

Người làng Đông Xuân thì bảo từ những năm 1980 về trước, xung quanh xã Tam Giang đều có rừng ngập mặn bao bọc với diện tích gần 200 ha. Những năm 1995-2000, người dân ồ ạt phá rừng để nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng riêng thôn Đông Xuân bà con quyết giữ cho bằng được.

< Người dân neo đậu ghe thuyền để sinh hoạt dưới những tán rừng nguyên sinh.

Hiện giờ, khu rừng nguyên sinh là lá chắn bao bọc ngôi làng với khoảng 500 cây mắm cổ thụ đường kính 30-50cm, tuổi đời trên 200 năm. Dưới những tán cây mắm cổ thụ có cả cây đước, bần mọc san sát, tạo một quần thể đa dạng, phong phú, kỳ bí.

< Khu rừng ngập mặn nguyên sinh thôn Đông Xuân là lá chắn bảo vệ nhà cửa, làng xóm.

Để bảo vệ rừng, người dân thôn Đông Xuân còn có quy chế rõ ràng, ai xâm phạm sẽ bị lập biên bản xử phạt.

< Nhiều cây mắm có đường kính 30-50 cm có tuổi đời hàng trăm năm.

Đầu năm 2015, UBND huyện Núi Thành đã cấp 3,2 tỉ đồng để thực hiện dự án trồng 27 ha rừng ngập mặn tại xã Tam Giang nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, với mật độ 6.666 cây/ha nhằm chắn sóng, làm phong phú thêm khu rừng ngập mặn này.

< Những dự án trồng rừng được chính quyền địa phương triển khai nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, làm phong phú thêm khu rừng ngập mặn Tam Giang.

Không chỉ có nhiệm vụ chống biến đổi khí hậu, chắn sóng, bảo vệ môi trường, khu rừng ngập mặn Tam Giang còn là điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách muốn thưởng ngoại khí hậu trong lành, cảnh vật huyền bí, kỳ thú.

Mỗi năm, khu rừng ngập mặn nguyên sinh này đón hàng nghìn lượt du khách tham quan, chiêm ngưỡng. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để các cặp đôi thực hiện những bộ ảnh cưới đẹp, lạ, độc.

Theo Lê Trung (Dulich.Tuoitre)
(TNO) - Rừng nghiến Cốc Ly trải dài trên diện tích hơn 400 ha thuộc 7 thôn của xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai). Với số lượng 898 cây nghiến và trai trên dưới 1.000 năm tuổi, khu rừng được xếp vào hàng 'độc nhất vô nhị' tại Việt Nam.

Ông Hồ Văn Xanh (73 tuổi), một người dân xã Cốc Ly, kể rằng từ lúc cha sinh mẹ đẻ, ông đã thấy rừng nghiến. Nhiều cổ thụ mà ông nhìn thấy hồi nhỏ giờ vẫn sừng sững. “Dân chúng tôi đã qua mấy đời người rồi mà bóng cổ thụ vẫn còn đó, xanh tươi như biểu tượng trường tồn của vùng đất cao nguyên ngàn năm gió núi”, ông Xanh tự hào.

Tuổi cây từ 700 đến 1.000

Theo tài liệu nghiên cứu của Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam thì cây nghiến cổ lớn nhất tại rừng Cốc Ly nằm ở địa phận thôn Cốc Sâm, với đường kính lên đến 3,1 m, chu vi 9,6 m và cao 46 m. Sau khi làm các bước kiểm tra như khoan tăng trưởng, so sánh đối chứng với những cây nghiến đồng dạng mọc liền kề, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam và UBND tỉnh Lào Cai đã công nhận cây nghiến này sống ở đại ngàn Cốc Ly đã trên 10 thế kỷ. Ngoài ra, một số cây khác có đường kính nhỏ hơn cũng có độ tuổi 700 - 1.000 năm.

Ông Xanh tiết lộ: Thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, rừng Cốc Ly không chỉ có nghiến ngàn tuổi mà còn có cả cây lát hoa cổ thụ, đồ sộ đến 15 người ôm không xuể. Không những thế, rừng còn là nơi trú ngụ của rất nhiều loài động vật quý hiếm như hổ, báo, cầy hương, rắn hổ chúa... và đó cũng là nguồn sống của cư dân ven rừng.

Nhiều người đến Cốc Ly đã không khỏi trầm trồ, thích thú với những cây nghiến to đến nỗi gần 10 người ôm không xuể. Rễ của một số cây nghiến ở thôn Cốc Sâm vươn xa đến 30 m, 3 người ôm không hết, quanh thân cây có các bìu nghiến lớn sùi ra. Theo tính toán của người dân địa phương thì chỉ riêng bìu nghiến của một cây đại thụ đã có giá trị hàng tỉ đồng.

Đổi gạo lấy rừng

< Cây nghiến 1.000 năm tuổi nhiều người ôm không xuể.

Để rừng nghiến ngàn năm tuổi tồn tại cho đến ngày nay, chính quyền địa phương đã mất rất nhiều công sức trong việc ngăn chặn nạn chặt phá rừng. Bà Hồ Thị Đảm
(70 tuổi), ở xã Cốc Ly, kể lại thời điểm cách đây chừng 35 năm, dân địa phương đua nhau vào rừng chặt phá, ai có sức thì chặt cây to, yếu sức thì chặt cây nhỏ... Lúc bấy giờ, loại gỗ lát hoa đang được ưa chuộng, vì thế cây này bị khai thác đến cạn kiệt. Có những cây lát hoa cưa đến 6 ngày mới đổ. Dân lập lán trại, đi săn, nấu nướng trong rừng ồn ào như lễ hội. Được một thời gian, lát hoa dần vắng bóng, dân lại chuyển qua chặt nghiến.

< Cây gỗ quý ở Cốc Ly.

Khoảng năm 1980, khi nhà nước cấm cửa rừng, người dân xã Cốc Ly được chính quyền địa phương hướng dẫn trồng lúa nước và bảo vệ rừng, đồng thời được trợ cấp gạo, tiền, đảm bảo cái ăn hằng ngày thì việc chặt phá rừng giảm hẳn. Nhiều người trước đó còn là lâm tặc thì nay trở thành bảo vệ rừng, được hưởng lương, gạo hằng tháng.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Ly, kể: “Ban đầu, chúng tôi huy động người dân 7 thôn tham gia bảo vệ rừng. Giải thích cho họ thấy lợi ích của việc giữ rừng là sau này làm du lịch, có khách về thì dân sẽ bán được lúa gạo, bán được con gà, con lợn... và làm đường bê tông vào tận thôn, bản. Dần dần người dân cũng hiểu ra. Khách du lịch hiện nay tuy chưa nhiều nhưng điều đó khẳng định lời thuyết phục của chính quyền địa phương với người dân là đúng đắn. Dân thấy có lý, kiếm ra tiền nên tự khuyên nhau bảo vệ rừng”.

Một chính sách khác đã phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ rừng tại Cốc Ly, đó là ưu tiên hộ nghèo vào đội bảo vệ rừng. Ông Tuấn giải thích, từ trước đến nay, đối tượng tham gia chặt phá rừng chủ yếu là các hộ nghèo. Vì thiếu ăn nên họ phải vào rừng, chặt gỗ đem bán đổi lấy gạo khiến việc ngăn chặn rất khó khăn. Chính quyền địa phương đã nghĩ ra cách thu nhận những người thuộc diện hộ nghèo vào đội bảo vệ rừng. Đổi lại, gia đình nào có người tham gia đội bảo vệ sẽ được trả công bằng gạo. Theo đó, mỗi khẩu trong gia đình có người tham gia bảo vệ được hưởng 15 kg gạo/tháng, gia đình nào 2 người thì 30 kg gạo, 4 người thì 60 kg...

Hiện 7 thôn có rừng nghiến ngàn tuổi tại xã Cốc Ly đều có một đội bảo vệ với lực lượng lên đến hơn 100 người, đó là chưa kể nhân viên kiểm lâm, công an địa phương thường xuyên tuần tra xung quanh và trong rừng.

Lễ đền tội... phá rừng

Nắm bắt phong tục cúng rừng của người dân địa phương, tỉnh Lào Cai cùng các cơ quan bảo vệ môi trường đã họp với dân làng quanh đại ngàn Cốc Ly để khoanh vùng rừng cấm. Theo đó, những khoảnh rừng nào, cây gỗ nào được coi là cấm thì sẽ không một ai được phép chặt phá, dù chỉ là hái một chiếc lá. Bởi dân địa phương cho rằng, sau khi làm lễ cúng rừng, khu rừng đó sẽ là của thần linh, nếu ai xâm phạm thì sẽ bị trừng phạt.

< Rễ cây nghiến vươn xa hàng chục mét.

Ông Hồ Chuẩn Vần, một cán bộ bảo vệ rừng tại thôn Cốc Sâm, cho biết nếu người nào cố tình vào rừng chặt cành nghiến thì người đó sẽ bị bắt đền theo hương ước làng. Lễ đền tội phải cúng thần rừng bằng mâm cỗ là một con lợn 60 - 70 kg, 100 con gà. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì phải cúng trâu, bò và phải làm lễ mời cả làng đến khu rừng ăn uống. Ngoài những hình phạt trên, người vi phạm còn bị xử phạt tiền gấp đôi giá trị cành gỗ ăn cắp được. Về mặt pháp luật còn phải chịu sự trừng phạt của nhà nước, nếu chặt trộm gỗ với khối lượng lớn thì có thể bị hình phạt tù.

Cốc Ly có các điều kiện cơ bản để phát triển du lịch. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là giữ được rừng nghiến, trai cổ thụ mà không nơi nào có được, đường sá từ Quốc lộ 70 vào rừng xe ô tô đi được, và quan trọng hơn nữa là phong cảnh nơi đây chẳng thua kém bất kỳ địa điểm du lịch nào trong cả nước.

Ngoài rừng nghiến 1000 tuổi, Cốc Ly còn có hồ thủy điên với diện tích lên đến 38km2 và chợ Cốc Ly. Trong đó, chợ Cốc Ly đã có từ rất lâu đời với các phiên họp chợ vào thứ 3 hàng tuần thu hút hàng ngàn lượt người từ khắp nơi đổ về. Bản sắc chợ Cốc Ly cũng giống như chợ Cán Cấu, nhưng quy mô lớn hơn nhiều. Bên cạnh đó còn có cả chợ gia súc cũng họp vào thứ 3 hàng tuần… Nếu biết tận dụng lợi thế thì tương lai, Cốc Ly sẽ là lựa chọn thứ 2 cho mỗi du khách chỉ sau Sa Pa, Lào Cai.

Theo Hà An, Nam Anh (Thanh Niên)
(BHP) - Nằm giữa Vườn quốc gia Cát Bà, trên tuyến đường bộ xuyên rừng từ trung tâm Vườn quốc gia đến xã Việt Hải (huyện Cát Hải), Ao Ếch là điểm đến thú vị đối với nhiều du khách. Sau quãng đường dài leo đèo vượt dốc, chợt thấy trước mặt mở ra một vùng mặt nước mênh mông, từng làn gió mang theo hơi nước mát lạnh phả vào mặt, bao mệt nhọc dường như tan biến…

Ở  Vườn quốc gia Cát Bà, có 2 nơi được gọi là Ao Ếch. Một Ao Ếch ở khu vực Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng nằm chơ vơ giữa biển. Gọi là Ao Ếch, thế nhưng, nơi đây chẳng hề có con ếch nào sinh sống. Có lẽ, do hình dáng phần nào giống chú ếch đang rình vồ mồi, người ta đặt tên cho vụng nước nhỏ này như vậy. Còn Ao Ếch giữa rừng, trên tuyến đường bộ đi xã Việt Hải, thì có vô vàn ếch cùng ễnh ương, chão chuộc sinh sống.

Ban ngày, thường xuyên vang lên tiếng ếch râm ran. Đêm xuống, chúng càng kêu tợn, đua nhau khoe chất giọng ồm vang để khẳng định “chủ quyền lãnh thổ” và quyến rũ bạn tình. Mùa khô, ếch cũng kêu, mùa mưa, càng kêu to, nhiều khi nghe đến nao lòng. Cách xa vài trăm mét, có thể nghe tiếng ếch kêu.

Hàng nghìn, hàng vạn con ếch “hợp tấu”, cùng với tiếng quạ, tiếng bìm bịp, tiếng chim thánh thót thành bản nhạc giao hưởng không lời của rừng xanh, có lẽ chỉ có ở Vườn quốc gia Cát Bà.

Từ trung tâm Vườn quốc gia Cát Bà, đi xe mô-tô vượt qua quãng đường khoảng 2 km được trải nhựa dưới tán lá rừng đan kín, đến chân dốc Ánh Rạng là bắt đầu hành trình chinh phục tuyến đường rừng nhiều đèo dốc dài hơn 9 km để đến xã Việt Hải- xã xa nhất của huyện đảo Cát Hải. Vượt dốc Ánh Rạng, Mây Bầu là đến thung lũng Mé Gợ. Từ đây, men theo tuyến đường mòn, vừa đi, vừa vạch cỏ cao hơn đầu người, mà tiến. Nếu may mắn, có thể tận mắt thấy những con bạc má tha thẩn kiếm ăn, thoáng bóng người, là chúng nhanh chân lủi mất. Hay những chú sóc nghịch ngợm chuyền qua chuyền lại trên cành những cây sấu cổ thụ thân to vài người ôm. Và thích thú nhất là bắt gặp khung cảnh chẳng khác gì “thiên đường giữa trần gian” ở Ao Ếch.

Ao Ếch nằm lưng chừng núi, ở độ cao 80 mét so với mực nước biển, nước ao trong nhìn thấy đáy. Ao có diện tích 3,2 héc-ta và thay đổi theo mùa. Mùa khô, lòng ao thu hẹp lại, nhưng chẳng bao giờ cạn nước. Còn mùa mưa, nước từ những khe đá chảy xuống làm ao rộng hơn, nhìn chỉ thấy mênh mông một màu trời, màu rừng và màu nước. Ao không sâu lắm, chỉ chừng 50-60 cm, đáy ao là lớp bùn dày do cành, lá cây khô rụng xuống phân hủy mà thành. Từ đáy ao, vươn lên hàng nghìn cây Và Nước- loài cây chỉ có ở Ao Ếch mà không tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Cây cao 5-10 mét, thân to chừng bắp đùi người lớn, vỏ xù xì, mọc thành cụm, có khi đứng một mình. Mùa đông, nước ao tương đối ấm, còn mùa hè, lại mát lạnh. Vì thế, sau chặng đường dài mệt nhọc, vốc nước lên rửa mặt, tay, chân, không có gì thú bằng.

Ngoài ếch, ở Ao Ếch còn có loài cá dầm đất sinh sống. Cá to hơn ngón tay một chút, thân lẳn, bụng trắng, lưng ánh xanh và dài chừng 7-8 cm. Đặc biệt, Ao Ếch có rất nhiều cua đồng. Cua bò lổm ngổm nơi đáy ao, cua lấp ló trong những khe đá, hốc cây. Thậm chí, có con còn “nổi hứng” trèo lên cả cành cây để phơi nắng.

Khác so với cua sinh sống tại đồng ruộng, cua ở đây có màu sẫm hơn. Thi thoảng, người dân trong vùng vào đây câu cua. Một cành cây nhỏ, một đoạn dây có buộc miếng da lợn hoặc giẻ, câu chơi một buổi cũng được 5-7 kg. Cua đem về nấu canh, nấu riêu, thơm ngon chẳng kém gì canh cua đồng.

Nằm giữa rừng, đường đi hiểm trở, được bảo vệ bởi các cán bộ Vườn quốc gia Cát Bà, lực lượng kiểm lâm, cùng với ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, Ao Ếch giữ được vẻ đẹp hoang sơ vốn có.

Nếu đủ sức khỏe, dũng cảm và quyết tâm vượt tuyến đường rừng để tham quan xã Việt Hải, du khách sẽ nhận được món quà tuyệt vời từ thiên nhiên. Đó là được tận mắt thấy Ao Ếch, tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành, nghe tiếng ếch kêu râm ran, ngắm cá dầm đất bơi lội và dõi theo bước chân ngang dọc của hàng nghìn, hàng vạn con cua.

(DTO) - Có những cây thiên tuế to 5 người ôm mới hết thân, đặc biệt nhiều cây trổ đến 3 bông hoa lớn... Khách du nhìn thấy mà không mê mới lạ!

< Trên núi Cô Tô có nhiều cây thiên tuế cổ thụ to như thế này.

Mặc dù cây thiên tuế ở núi Cô Tô (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang) sống xen kẽ với cây rừng khác nhưng các cây thiên tuế nơi đây lại phát triển rất tốt, có những cây to 5 người ôm mới hết thân, đặc biệt nhiều cây trổ đến 3 bông hoa lớn...

< Trên núi Cô Tô có nhiều cây thiên tuế có dáng rất lạ.

Núi Cô Tô còn gọi tắt là núi Tô hay Phụng Hoàng Sơn, là một ngọn núi trong dãy Thất Sơn thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang). Núi Cô Tô có độ cao 614m, dài 5.800m, rộng 3.700m. Vì ở một vùng bán sơn địa, có cấu tạo địa chất đặc biệt nên có nhiều điều khá thú vị.

< Nhiều cây có tuổi thọ trên 100 năm tuổi.

Đi từ hồ Soài So hay còn gọi là Suối Vàng (dưới chân núi Cô Tô) theo con đường độc đạo khoảng 45 phút đi bộ mới đến vồ Hội - nơi có nhiều cây thiên tuế cổ thụ rất độc đáo. Bà Nguyễn Thị Út Nhỏ (47 tuổi, ngụ ấp Tô Trung, xã Núi Tô) có cây thiên tuế hơn trăm tuổi trổ 3 bông cho biết:

“Cây thiên tuế đó có trước đời ông ngoại tôi, nếu tính đến thời điểm này cũng trên 200 tuổi. Việc cây có đến 3 bông là do mọc nhiều nhánh, mỗi nhánh trổ một bông. Thế nhưng những cây có nhiều bông hoặc trái là thuộc dạng hàng hiếm do đa phần là cây lớn mới có được hình dáng như thế”.

Sở hữu gần chục cây thiên tuế, trong đó có cây trổ đến 2 bông, chị Nguyễn Thị Diệu Hên (35 tuổi) cho biết: “Cây trước nhà hơn 100 năm nhưng còn thua xa so với mấy khu vườn thiên tuế lớn bên kia.

Trước đây, cũng có nhiều người đến hỏi mua cây thiên tuế với giá từ 1 – 10 triệu đồng (tùy lớn nhỏ) nhưng gia đình không bán mà quyết giữ lại làm kiểng. Thường vào tháng 4 (âm lịch) cây cái sẽ có trái, còn cây đực thì trổ bông. Trái mỗi năm chỉ ra một lần nên quý hơn bông".

< Khi càng lớn, thiên tuế đâm ra nhiều nhánh, có khi mỗi nhánh trổ một hoa.

Theo lời chị Hên, người đang sở hữu những cây thiên tuế lớn, có thân to 5 người ôm mới hết là ông Út Sương ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn và ông Tư Sang ở xã Núi Tô.

Một nhà sư trên núi này cho hay, rừng thiên tuế ở đây có từ rất lâu rồi, tuổi thọ của cây rất lớn. Nhiều cây đã tồn tại hơn 100 năm. Núi Cô Tô còn có nhiều cây thiên tuế hoang dã. Vài năm trước cũng có nhiều người lên đây hỏi mua thiên tuế về chơi kiểng nhưng bà con nơi đây không bán mà giữ lại làm đẹp cho khu rừng.

< Cây thiên tuế trổ hai hoa.

Theo nhiều người dân sống trên núi này, cây thiên tuế mỗi năm đều trổ bông và kết trái. Hễ nắng gắt chừng nào, cây cái trổ bông sớm và kết trái nhanh chừng đó, còn cây đực thì bông lại mau tàn. Trái thiên tuế kết tròn, nhiều lớp giống như mâm xôi, dùng làm thuốc và trị một vài chứng bệnh thông thường. Người hành hương, khách tham quan đến thấy lạ nên ngắm nhìn và mua về sử dụng.

< Cây thiên tuế này đã có tuổi thọ 100 năm, thân cây mấy người ôm không xuể...

Chuyên phụ trách bên lĩnh vực nông nghiệp, ông Chau Sốc On, Phó Chủ tịch UBND xã Núi Tô cho biết: “Thiên tuế trên núi Cô Tô còn nhiều lắm do người dân không khai thác, mua bán. Khu rừng còn nhiều cây cổ thụ và có tuổi đời trên 100 năm là do loại cây này thích hợp với khí hậu nơi đây. Thường thì vào mùa xuân cây sẽ trổ hoa, ra trái”.

< Một trong những cây thiên tuế cổ thụ trên núi Cô Tô thân 5 người ôm mới hết.

Mặc dù sống ở độ cao hàng trăm mét, nhưng những cây thiên tuế nơi đây vẫn sừng sững phát triển, trổ bông và kết trái đều đặn, tạo nên nét đẹp cho cảnh sắc núi rừng.

Theo Tấn Nhu (Dân Trí)
Về miền Tây, một lần ghé thăm vườn chim Tư Na gần trung tâm thị trấn Năm Căn (Cà Mau), du khách sẽ được thỏa sức ngắm nhìn chim muông trong khu vực sinh thái giữa mênh mông sông nước. Là một trong số ít khu vườn ở miền Tây Nam bộ có nhiều loài chim cư trú, vườn chim Tư Na từ lúc nào đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với nhiều du khách.

Vườn chim Tư Na “đóng” trên phần đất của gia đình ông Nguyễn Hoàng Na (Khóm 9, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) hơn mười năm nay. Điều lạ là tại các mảnh đất lân cận cũng xanh mát bóng cây đước nhưng chim không về trú ngụ và sinh sản như tại khu đất gần 30ha này của ông Na.

< Vườn chim Tư Na ở thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Vào buổi chiều, khi chim về tổ, nơi đây rộn ràng âm thanh như khúc giao hưởng của thiên nhiên.

Lượng chim về vườn rất đông và đa dạng về chủng loại. Thường thấy nhất là cò trắng, điên điển, vạc, còng cọc…

Ông Na hào hứng: “Hiện không phải là mùa sinh sản của chim, nên lượng chim về vườn có giảm. Vào khoảng tháng 5 chim về nhiều, làm tổ sinh sản rất nhộn mắt, tiếng chim kêu vui tai lắm”.

< Chim bói cá.

“Vương quốc chim muông thu nhỏ” này ước tính có khoảng 100.000 con, hầu hết đang nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới như: giang sen, chàng bè, quắm… Khuất trong những hàng đước rậm rạp, thi thoảng có một vệt sáng nhỏ ló vào, du khách có thể bắt gặp những tổ chim non trên đọt cây.

Xa xa là hình ảnh từng đàn chim đang ngụp lặn trong vuông nước bắt cá, tôm tạo nên khung cảnh rất sinh động. Cứ thế, càng tiến sâu vào vườn chim, du khách càng được thưởng thức trọn vẹn âm điệu hòa thanh của vạn loài chim lạ khiến cho tâm trạng cũng bất giác trở nên vui tươi, thoải mái hơn.

< Còng cọc bay về tổ.

Với những du khách ưa khám phá, chuyến xuôi về miền đất Mũi còn là cơ hội để chinh phục điểm cực Nam của Tổ quốc. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ghi dấu ấn cá nhân tại một trong bốn cột mốc quan trọng đánh dấu lãnh thổ quốc gia - nơi mà hàng triệu người Việt mong muốn được đặt chân đến trong đời.

Được đánh giá là hành trình đẹp, giá tốt trong mùa thu, miền Tây đất lành chim đậu luôn chào đón các lữ khách miền xa đến thăm và làm quen với cuộc sống dung dị ở nơi đây. Hãy tạm rời khỏi chốn thành thị để xuôi theo chiếc xuồng máy đuôi tôm rong ruổi, khám phá mọi ngóc ngách chốn miền quê sông nước.

Hứng khởi ra đồng bắt cá, vào vườn hái rau, nhấm nháp vài ly rượu đế đậm tình quê và thích thú với lối xưng hô “chế ơi” miệt Cà Mau là những điểm cộng thân thương cho chuyến đi này…

Du lịch, GO! tổng hợp
(TPO) - Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng là một trong những khu rừng nguyên thủy lớn nhất Tây Nguyên, nơi có nhiều loài động vật, thực vật có tên trong sách đỏ sinh sống. Chúng tôi đã thực hiện một chuyến phượt rừng, khám phá cảnh quan kỳ thú của khu bảo tồn, đặt chân lên đỉnh núi Tà Đùng trên độ cao gần 2.000m.

Xuyên giữa ngàn hoa dã quỳ

Sau nhiều lần hẹn, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tà Đùng đã tổ chức cho nhóm phóng viên chúng tôi một chuyến phượt rừng. Những ngày đầu mùa khô, hoa dã quỳ nở vàng rực hai bên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Từ Buôn Ma Thuột chúng tôi chạy xe hơn 200 cây số, vượt hàng chục con đèo gấp khúc, từ sáng sớm đến cuối chiều mới đến trụ sở khu bảo tồn thiên nhiên KBTTN Tà Đùng đóng chân trên địa bàn xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông. Nhìn từ xa, đỉnh núi Tà Ðùng tĩnh lặng lấp ló trong làn mây trắng giăng ngang trời.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng được thành lập năm 2003, diện tích tự nhiên 21.307 ha bao gồm núi và hồ. Khu bảo tồn nằm giữa cao nguyên Đắk Nông và cao nguyên Di Linh của tỉnh Lâm Đồng, cũng là thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai.

Ông Khương Thanh Long, Phó giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng giới thiệu: Tà Đùng là ngọn núi cao nhất của tỉnh Đắk Nông với độ cao 1.982m. Từ đỉnh núi có thể nhìn bao quát cả không gian rộng lớn. Hồ Tà Đùng tự nhiên đã được mở rộng lên tới hơn 3.000 ha sau khi các công trình đắp đập thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 hoàn tất. Hiện trên mặt hồ có 47 đảo lớn nhỏ, và vài chục hộ dân làm nghề đánh bắt và nuôi cá lồng.

Chạy theo quốc lộ 28, đi qua buôn làng người Châu Mạ sống dưới chân núi Tà Đùng, đến một con suối không tên nước trong vắt, mát lạnh, nhóm thanh niên hơn chục người đang lội giữa dòng hò reo chơi té nước. Anh Trần Văn Hậu, cán bộ Trạm kiểm lâm số 1 nói: “Dòng suối này chỉ cách quốc lộ hơn một cây số, lòng suối cạn, nước trong và nhiều phiến đá bằng nên ngày nào cũng có vài nhóm thanh niên đến chơi, thậm chí chạy xe mấy chục cây số từ  Di Linh, thị xã Gia Nghĩa… đi dã ngoại đến đây”.

Chúng tôi đến khu rừng tái sinh, hàng nghìn chú chim chào mào, họa mi, nhạn, trẽo… đua nhau hót mừng đón khách xa, hòa với tiếng nước đổ ào ào của thác Dinh Klinh thành bản nhạc rừng. “Các loài chim quần tụ trong sinh cảnh của rừng tái sinh nên rất phong phú chủng loại chim quý. Vì thế, Tà Đùng được xếp hạng là vùng chim đặc hữu của Việt Nam, nằm trong top 202 vùng chim quan trọng của thế giới”, ông Long khoe.

Qua thác Ding Klinh, đến khu rừng già nguyên sinh nhiều tầng, các loài cây chen nhau vươn lên tìm ánh sáng. Vài tia nắng hiếm hoi lách chiếu xuyên tán rừng. Những cây cổ thụ hàng trăm tuổi có bộ rễ nhô lên khỏi mặt đất cả gang tay. Nhiều cây hình thù kỳ dị, cây bạnh vè tỏa rộng hàng chục mét vuông. Có cây ôm quấn, “bóp cổ” một cây khác đến chết. Có cây thân vỏ giống hoa văn trên mình con trăn, trông như quái vật khổng lồ. Người dẫn đường nhắc nhở: “Từ đây lên núi là rừng già, nhiều động vật, côn trùng, dốc cao dựng đứng, hai bên vực sâu, nhiều đá, cây leo chằng chịt lối đi, anh em phải rất cẩn thận”.

Cả đoàn đang bàn tán rôm rả, đột nhiên nghe tiếng rào rào di chuyển trên tán lá, tiếng động mỗi lúc càng gần hơn. Thì ra một đàn Chà Vá chân đen đang đu cành nhanh thoăn thoắt. Mọi người phấn khích vội đưa ống kính chụp, nhưng chúng đã kịp nép mình giữa những tán lá xanh. May thay một kiểm lâm đi cùng nhanh tay “chộp” được cảnh con sau cùng đang đu theo đàn. Dù hình ảnh không được sắc nét, nhưng đó cũng là khoảnh khắc thực hiếm có về loài linh trưởng trong sách đỏ này.

Quên cả mệt, cả đoàn tiếp tục bàn tán về sự đa dạng của các loài động, thực vật trong khu bảo tồn. Từ các loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như Chà Vá, Vượn, Cu li, Gấu,… đến các loài thực vật quý hiếm như Thích hoa đỏ, Bạch tùng, Đỉnh tùng, Trà hoa vàng,…

Càng vào sâu sinh cảnh tự nhiên càng hấp dẫn, song hành trình vượt rừng lại càng gian nan hơn. Dốc thẳng đứng, ai cũng phải cong gập người, tay bám víu chắc vào cây nhỏ ven lối đi nhích từng bước về phía trước. Ngồi phệt xuống đất, nhìn nhau mệt phờ. “Hành trình còn dài, để lên đến đỉnh núi chúng ta phải nghỉ năm bảy lần nên phải giữ sức và tranh thủ thời gian. Vượt hết đoạn đường dốc núi chênh vênh, đoàn dựng lán trại nghỉ qua đêm rồi ngày mai đi tiếp”, ông Long nói.

Ngày đi rừng thứ 2, đôi chân đã quen với việc leo núi, hành lý đã để lại ở lán không còn phải vác nặng, tinh thần ai nấy hứng khởi vì sắp được đứng ở điểm cao mà bao phượt thủ ước mơ chinh phục. Dù không có lối mòn, nhưng đường đi dễ hơn, chỉ có lớp thảm mục còn hằn dấu chân của những con Sơn dương, một loài động vật hiếm hoi có thể thích nghi được với thời tiết lạnh ở độ cao hàng nghìn mét. Càng lên cao, càng vắng bóng cổ thụ, chỉ còn loài ghẻ và chè thân cây phủ lớp rêu như khoác áo chống lại cái lạnh buốt xương và gió lớn.

Chưa đầy 2 giờ đồng hồ sau, chúng tôi đã đặt chân lên đỉnh Tà Đùng trong niềm vui vỡ òa, cảm giác như đang ở lưng chừng trời. Nhắm mắt thưởng thức, hít hà khí trời, nhìn phía xa những mái nhà cao tầng của phố thị lấp ló trong sương mờ huyền ảo. Chẳng cần nghỉ ngơi, mọi người tranh thủ chụp hình ghi lại khoảnh khắc hiếm có này để bắt đầu xuống núi kịp kết thúc chuyến hành trình trước khi trời tối.

Leo núi đã khó, xuống núi cũng chẳng dễ dàng, trọng lực toàn thân dồn hết lên hai bàn chân, đầu gối chùng xuống mới giữ được thăng bằng. Ra khỏi rừng, đôi chân run bần bật, bắp chân đau nhức sau chặng đường dài.

Điểm du lịch hấp dẫn tương lai

Kết thúc chuyến hành trình, vừa ra khỏi rừng thì mặt trời cũng từ từ xuống núi. Chúng tôi tranh thủ chạy xe máy băng qua các đồi cà phê đang độ chín, đỏ rực từ gốc đến ngọn. Trong ánh nắng vàng cuối thu của buổi chiều tà, nhìn từ trên cao, hồ Tà Đùng giống hệt một Vịnh Hạ Long thu nhỏ. Nước hồ xanh biếc nổi lên giữa núi rừng Tây Nguyên hoang vu cùng những hòn đảo lớn nhỏ nhô trên mặt nước. Vài chiếc xuồng bé xíu của dân chài như vây cá mập giữa biển từ từ rẽ nước săn mồi.

Ông Lê Quang Dần, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng cho biết: Khu bảo tồn có diện tích rộng hàng chục ngàn ha, tiếp giáp với 7 xã, 4 huyện của hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Độ che phủ rừng vùng lõi chiếm tới 85%, trong đó, rừng nguyên sinh chiếm 48%. Đây là nơi có hệ sinh thái rừng nguyên sinh hiếm hoi của vùng Cao nguyên. Bên trong rừng,  các dòng suối Đắk N’teng, Đắk Plao chảy qua tạo thành nhiều ngọn thác hấp dẫn, kỳ bí như thác Đắk Plao, thác Bảy tầng, thác Mặt trời… Đứng trên cao nhìn xuống những sườn dốc, các buôn làng người Mạ, K’ho, H’Mông,… thuộc xã Đắk P’lao, Đắk R’măng, Đắk Som còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc.

Hiện nay, khu bảo tồn sở hữu hệ động thực vật đa dạng, phong phú về số lượng và chủng loại với hơn 1.000 loài, nhiều loài trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới như voi, bò tót, bò rừng, trâu rừng, nai, cà Toong, hổ, báo hoa mai, các loài linh trưởng, công, trĩ… Ban quản lý Khu bảo tồn đang tăng cường phối hợp với các nhà khoa học tiến hành khảo sát các địa điểm đa dạng sinh học và hệ sinh thái điển hình để khoanh vùng quản lý, bảo vệ.

Tháng 8/2014, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng đã được tỉnh quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, với những chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc như vui chơi giải trí hồ - đảo, vui chơi giải trí cụm thác dưới tán rừng, du lịch thể thao mạo hiểm, dã ngoại nghiên cứu hệ sinh thái rừng nguyên sinh, du lịch tín ngưỡng.

Theo Lê Hường (Tiền Phong)
(TTCT) - Chỉ mất gần ba giờ di chuyển bằng ôtô từ TP.HCM theo quốc lộ 1K thẳng hướng thủy điện Trị An, băng qua một con phà nhỏ, chúng tôi đã có hai ngày một đêm trải nghiệm rừng Trị An đầy màu sắc và ấn tượng khó
 quên.

< Hoàng hôn giữa rừng cho ta cảm giác khó tả.

Rừng Trị An (thuộc khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai) có 259 loài chim, trong đó có 21 loài quý hiếm, 12 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 11 loài ghi trong Danh mục đỏ IUCN. Đó là thông tin về “chim cò” của rừng Trị An tham khảo được từ Internet.

Để có thêm thông tin trước khi quyết định “vác balô lên và đi”, tôi còn tìm đọc nhiều thông tin du lịch khám phá rừng Trị An - Đồng Nai, nhưng “cú đốn tim” cuối cùng chính là email của Stuart Palmer - hướng dẫn viên du lịch tự do người Anh - về lịch trình của một tour du lịch ngắm chim bằng ống nhòm. Một lịch trình “không hề chuyên nghiệp” tẹo nào (theo chuẩn của các công ty du lịch) nhưng vô cùng thân thiện và ngẫu hứng.

Hoa thơm, cỏ lạ ven đường

Buổi chiều, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến khám phá rừng. Chúng tôi mặc quần áo tay dài để chống vắt, đi giày thể thao, bôi một lớp kem chống nắng bên trong, lớp kem chống muỗi bên ngoài, mang theo nước uống và balô. Stuart và Tân chuẩn bị thức ăn cùng vật dụng cắm trại...

Chúng tôi vác tất cả vật dụng lên vai và thẳng tiến về phía rừng. Trải nghiệm đầu tiên là trekking 7km đường rừng: ngắm bướm đủ màu sắc xinh đẹp, chạm tay vào từng đàn chuồn chuồn bay là là, quan sát một chú bướm đang cố gắng thoát ra khỏi kén, bắt một chú kỳ nhông để xem sự biến đổi màu sắc của da khi gặp nguy hiểm, hái lá trung quân (ngày xưa bộ đội dùng lợp lán trại chống cháy, ngày nay dân dùng ăn với thịt nướng)...

Tóm lại, thứ gì gặp trong rừng “zoom in” bởi ánh mắt của chúng tôi đều trở nên thú vị. Chúng tôi có thể dừng lại đâu bao lâu tùy thích: chụp hình, chia sẻ cảm xúc với bạn đi cùng, thắc mắc gì cứ hỏi sẽ có Stuart hoặc Tân - chuyên gia rừng rú kiêm đầu bếp xịn - giải thích nhiệt tình. Cứ thế, chúng tôi lang thang trong rừng mà không để ý đến thời gian, làm chú lái canô chờ hơn cả tiếng ngoài bến.

Tắm dưới hoàng hôn

Tôi leo lên nóc canô để ngắm toàn cảnh hồ Trị An buổi chiều tà lộng gió và cảm nhận cái mênh mông của đất trời. Xa xa, vài ba chiếc thuyền ba lá của ngư dân câu cá chênh chếch trên mặt nước, vài hòn đảo nhỏ cô độc hiện ra dần dần sau làn sương chiều bảng lảng, một chú chim lao nhanh như cắt xuống mặt hồ bắt cá, một chú bướm đang bay phấp phới thì chụp được ngọn bông điên điển đậu lên hú họa giữa mênh mông trời nước.

< Chim rừng về tổ.

Tất cả như thước phim chậm, chỉ có tiếng máy nổ phát ra tạch tạch và tiếng chân vịt xoáy vào dòng nước từ canô của chúng tôi làm ồn ào cả mặt hồ. Canô cặp đảo vừa chớm hoàng hôn. Mắt tôi sáng lên khi thấy một căn nhà gỗ xinh đẹp ở đằng xa, đêm nay chúng tôi sẽ được ngủ trong căn nhà gỗ đó.

Chúng tôi được thông báo đảo không có điện và nước sạch rất hạn chế, hãy tiết kiệm. Tôi không quan tâm vì hoàng hôn trên hồ Trị An quá quyến rũ, không thể chờ đợi, tôi cần được bơi ngay. Như đã từ rất lâu rồi không được bơi hồ, chúng tôi nhảy ùm xuống hồ và vùng vẫy thỏa thích.

Đó có lẽ là buổi tắm hồ dưới ánh hoàng hôn lãng mạn, nhưng cũng là trải nghiệm khó quên nhất của tôi. Trong ánh sáng của lửa trại và ánh đèn sạc heo hắt, chúng tôi thưởng thức thịt nướng và uống bia, câu chuyện cứ nối tiếp nhau không dừng lại, những tràng cười và những tiếng đập muỗi chan chát. Bầu trời Trị An đêm hôm đó rất đẹp, hầu như không mây, một bầu trời rực rỡ sao...

Những khoảnh khắc tuyệt vời

Sáng sớm, chúng tôi được trải nghiệm phần thú vị nhất của tour ngắm chim vòng quanh đảo. Nó thú vị gấp nhiều lần so với bạn ngồi nhà tưởng tượng. Nếu câu cá cần sự kiên nhẫn thì ngắm chim cũng cần sự kiên nhẫn không kém.

< Gõ kiến xanh gáy vàng -(Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai).

Và phải kết hợp khéo léo: chân - di chuyển cực nhẹ, tai - lắng nghe tiếng hót phát ra từ đâu, mắt - quan sát từ xa, tay - lia ống nhòm về phía đó ngay lập tức. Khó khăn thế đấy, nhưng khi được nhìn thấy một chú chim xinh đẹp và lạ thì sướng tê nhé. Đôi lúc bạn chỉ cần đứng một chỗ và giữ yên lặng, nhớ là phải giữ yên lặng, chim sẽ tự bay tới. Ống nhòm là vật hỗ trợ đắc lực cho bạn ngắm chim hoạt động trong đời sống tự nhiên: ăn, tắm, quẹt mỏ, hót, nhảy múa.

< Trẻ em thích thú tìm hiểu thiên nhiên.

Chim có nhiều màu sắc đa dạng, ngay cả các loài có sự tương đồng về màu sắc cũng có những hình dạng khối màu và độ lớn nhỏ của khối màu khác nhau, chưa kể kích thước chim to nhỏ khác nhau. Khoảnh khắc tuyệt vời nhất là khi chim tung cánh bay trong nắng, ánh nắng chiếu vào thân chim làm màu sắc lông chim biến đổi không ngừng, rất đẹp. Ngắm được khoảnh khắc này đúng là rất tuyệt. Nhưng thôi, cái này thì bạn phải tự trải nghiệm, tôi chịu, không thể diễn tả hết cảm xúc đâu nhưng cam đoan là rất tuyệt đấy.

Chuyện dọc đường:

Điểm đầu tiên đón và cũng là điểm “sạc pin” cho chúng tôi khi kết thúc hành trình để về lại Sài Gòn là Viet Kingfisher Homestay. Một ngôi nhà sàn giữa một vườn cóc, sơ ri, bầu, bí, mướp, khổ qua, rau cải, chuồng gà vịt và ao cá. Bà Đất, tên gọi thân mật của bác chủ nhà, cặm cụi chuẩn bị chu đáo cho chúng tôi bữa trưa dân dã với mớ rau hái trong vườn, gà bắt trong chuồng, cá kéo lên từ ao được “sống” trong lu từ đêm hôm trước.

< Chim ăn ong họng xanh -(Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai).

Bác vừa ăn vừa nhìn chúng tôi tủm tỉm cười khi thấy chúng tôi đưa chén bới cơm lia lịa, luôn miệng hỏi: “Ăn ngon không cháu? Gà vườn bác nuôi cho ăn ngô đấy, rau vườn nhà cả, ăn nhiều vào”. Thế là no căng cả bụng rồi leo lên võng vắt vẻo một giấc ngủ trưa trong làn gió mát từ ao thổi vào.

Nguyễn Đình Hiếu đam mê loại hình kinh doanh du lịch khám phá thiên nhiên, chú tâm hỗ trợ người dân địa phương có công ăn việc làm, cân bằng giữa kinh doanh và hoạt động xã hội. Theo Hiếu, bản chất của du lịch là tách bản thân ra khỏi sự xô bồ của cuộc sống thường nhật. Con người tìm về đúng với bản ngã của mình khi về với thiên nhiên.

< Sống với thiên nhiên.

“Du lịch cao cấp” là về với thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên, tôn trọng và khám phá sự nguyên sơ của thiên nhiên. Du lịch là tận hưởng những chuyến phiêu lưu của bản thân giữa bộn bề cuộc sống. Du lịch không “bêtông hóa” thiên nhiên và hướng người dân địa phương tham gia là một nhân tố của du lịch, hay còn gọi là “du lịch cộng đồng”.

Stuart Palmer đến Việt Nam, từ bỏ công việc của một kỹ sư xây dựng để hướng đến một cuộc sống nhiều màu sắc hơn. Stuart có đầy đủ tố chất để trở thành một tour guide “Bird Watching Binoculars” chuyên nghiệp: yêu chim điên cuồng, yêu rừng, có ý thức và có hành động cụ thể để bảo vệ môi trường. Stuart yêu chim với một lý do vô cùng trẻ con: con người không thể tự bay được bằng đôi cánh của mình, chim bay được. Đó là phép mầu của tạo hóa.