(DTO) - Có những cây thiên tuế to 5 người ôm mới hết thân, đặc biệt nhiều cây trổ đến 3 bông hoa lớn... Khách du nhìn thấy mà không mê mới lạ!
< Trên núi Cô Tô có nhiều cây thiên tuế cổ thụ to như thế này.
Mặc dù cây thiên tuế ở núi Cô Tô (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang) sống xen kẽ với cây rừng khác nhưng các cây thiên tuế nơi đây lại phát triển rất tốt, có những cây to 5 người ôm mới hết thân, đặc biệt nhiều cây trổ đến 3 bông hoa lớn...
< Trên núi Cô Tô có nhiều cây thiên tuế có dáng rất lạ.
Núi Cô Tô còn gọi tắt là núi Tô hay Phụng Hoàng Sơn, là một ngọn núi trong dãy Thất Sơn thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang). Núi Cô Tô có độ cao 614m, dài 5.800m, rộng 3.700m. Vì ở một vùng bán sơn địa, có cấu tạo địa chất đặc biệt nên có nhiều điều khá thú vị.
< Nhiều cây có tuổi thọ trên 100 năm tuổi.
Đi từ hồ Soài So hay còn gọi là Suối Vàng (dưới chân núi Cô Tô) theo con đường độc đạo khoảng 45 phút đi bộ mới đến vồ Hội - nơi có nhiều cây thiên tuế cổ thụ rất độc đáo. Bà Nguyễn Thị Út Nhỏ (47 tuổi, ngụ ấp Tô Trung, xã Núi Tô) có cây thiên tuế hơn trăm tuổi trổ 3 bông cho biết:
“Cây thiên tuế đó có trước đời ông ngoại tôi, nếu tính đến thời điểm này cũng trên 200 tuổi. Việc cây có đến 3 bông là do mọc nhiều nhánh, mỗi nhánh trổ một bông. Thế nhưng những cây có nhiều bông hoặc trái là thuộc dạng hàng hiếm do đa phần là cây lớn mới có được hình dáng như thế”.
Sở hữu gần chục cây thiên tuế, trong đó có cây trổ đến 2 bông, chị Nguyễn Thị Diệu Hên (35 tuổi) cho biết: “Cây trước nhà hơn 100 năm nhưng còn thua xa so với mấy khu vườn thiên tuế lớn bên kia.
Trước đây, cũng có nhiều người đến hỏi mua cây thiên tuế với giá từ 1 – 10 triệu đồng (tùy lớn nhỏ) nhưng gia đình không bán mà quyết giữ lại làm kiểng. Thường vào tháng 4 (âm lịch) cây cái sẽ có trái, còn cây đực thì trổ bông. Trái mỗi năm chỉ ra một lần nên quý hơn bông".
< Khi càng lớn, thiên tuế đâm ra nhiều nhánh, có khi mỗi nhánh trổ một hoa.
Theo lời chị Hên, người đang sở hữu những cây thiên tuế lớn, có thân to 5 người ôm mới hết là ông Út Sương ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn và ông Tư Sang ở xã Núi Tô.
Một nhà sư trên núi này cho hay, rừng thiên tuế ở đây có từ rất lâu rồi, tuổi thọ của cây rất lớn. Nhiều cây đã tồn tại hơn 100 năm. Núi Cô Tô còn có nhiều cây thiên tuế hoang dã. Vài năm trước cũng có nhiều người lên đây hỏi mua thiên tuế về chơi kiểng nhưng bà con nơi đây không bán mà giữ lại làm đẹp cho khu rừng.
< Cây thiên tuế trổ hai hoa.
Theo nhiều người dân sống trên núi này, cây thiên tuế mỗi năm đều trổ bông và kết trái. Hễ nắng gắt chừng nào, cây cái trổ bông sớm và kết trái nhanh chừng đó, còn cây đực thì bông lại mau tàn. Trái thiên tuế kết tròn, nhiều lớp giống như mâm xôi, dùng làm thuốc và trị một vài chứng bệnh thông thường. Người hành hương, khách tham quan đến thấy lạ nên ngắm nhìn và mua về sử dụng.
< Cây thiên tuế này đã có tuổi thọ 100 năm, thân cây mấy người ôm không xuể...
Chuyên phụ trách bên lĩnh vực nông nghiệp, ông Chau Sốc On, Phó Chủ tịch UBND xã Núi Tô cho biết: “Thiên tuế trên núi Cô Tô còn nhiều lắm do người dân không khai thác, mua bán. Khu rừng còn nhiều cây cổ thụ và có tuổi đời trên 100 năm là do loại cây này thích hợp với khí hậu nơi đây. Thường thì vào mùa xuân cây sẽ trổ hoa, ra trái”.
< Một trong những cây thiên tuế cổ thụ trên núi Cô Tô thân 5 người ôm mới hết.
Mặc dù sống ở độ cao hàng trăm mét, nhưng những cây thiên tuế nơi đây vẫn sừng sững phát triển, trổ bông và kết trái đều đặn, tạo nên nét đẹp cho cảnh sắc núi rừng.
Theo Tấn Nhu (Dân Trí)