Tab Từ Khóa "Du lịch Quảng Nam"
Showing posts with label Du lịch Quảng Nam. Show all posts
(BQN) - Cây dừa nước gắn liền với mảnh đất Nam Bộ lắm sông, nhiều rạch và nhắc đến loại cây này người ta liên tưởng đến miền Nam màu mỡ, phù sa. Ấy vậy mà ngay tại Quảng Ngãi, vẫn có một vùng đất được phủ xanh bởi bạt ngàn dừa nước mang tên Cà Ninh, nằm ở xã Bình Phước (Bình Sơn).

Ở Cà Ninh, không ai nhớ cụ thể cây dừa nước miền Nam bén rễ trên mảnh đất này vào năm nào. Chỉ biết rằng gần cả trăm năm về trước, khi cha ông bôn ba vào Nam mưu sinh, đã mang thứ cây có tán lá xanh mướt lại có thể bén rễ trên sông nước này về đây ươm trồng dọc sông Trà Bồng để ngăn nước lũ làm sạt lở bờ sông.

Rừng giữ đất, ngăn nước mặn tiến vào ruộng đồng, nên người dân nơi đây rất trân quý. Mọi người giữ rừng bằng hương ước, rồi trồng thêm và mặc nhiên để dừa nước sinh sôi chứ chẳng bao giờ phá bỏ. Bởi vậy, dừa nước ở Cà Ninh không chỉ mọc dọc các mé sông, mà màu xanh của dừa nước in dấu ở khắp mọi nơi, từ mương nước, dọc hai bên cầu, cho đến ruộng đồng, vườn tược...

Giữa trưa nắng gắt, theo con ghe nhỏ của bà Nguyễn Thị Tư khám phá rừng dừa nước Cà Ninh, luồn lách qua những rặng dừa, cái nắng oi bức của buổi trưa miền Trung dường như tan biến. Bà Tư bảo, cũng nhờ vào lá dừa mà nhiều nhà ở Cà Ninh có thêm được nguồn thu nhập ổn định, bởi các hàng quán bây giờ người ta chuộng lợp mái bằng thứ lá dẻo dai, dãi dầu được nắng mưa này.

Ngoài tận hưởng không gian mát mẻ trong rừng dừa nước, tôi còn được khám phá cách đánh bắt cá, tôm bằng lưới và mành chà của người dân nơi đây. Nương theo rừng dừa nước, cá tôm cứ thế tìm về Cà Ninh để sinh sôi. Nhờ đó, mẻ lưới nào thả xuống, lại nặng trĩu cá tôm mang về.

Là “xứ sở” của dừa nước, nên đến Cà Ninh, không khó để tìm những mái nhà được lợp từ lá dừa. Ghé thăm nhà ông Phạm Ngọc Thành, một gia đình thuộc diện khá giả, con cháu đều thành đạt, nhưng vợ chồng ông Thành không xây nhà bê tông, lợp tôn, lợp ngói mà vẫn giữ mãi ngôi nhà vách đất, mái dừa năm xưa. “Nhà mà lợp bằng lá dừa nước thì mùa hè sẽ mát, còn mùa đông sẽ ấm. Bởi vậy, chất liệu gì cũng không qua được thiên nhiên”, ông Thành trầm ngâm.

Ghé thăm Cà Ninh, khám phá những rặng dừa bạt ngàn, lắng nghe câu chuyện của những người dân bình dị nơi đây. Câu chuyện giữ lại mái nhà lợp dừa nước của ông Thành, câu chuyện về niềm vui của cô Tư khi thấy nhiều bạn trẻ về Cà Ninh để chụp ảnh, cả chuyện cô Tư hồn hậu từ chối khi tôi có ý định gửi lại cô chút ít gọi là trả công cô vất vả chèo ghe...

Tôi lại thêm yêu mảnh đất, con người nơi này. Ước mong sao có một ngày, rừng dừa nước Cà Ninh được "đánh thức", như rừng dừa nước Bẩy Mẫu ở Quảng Nam. Để mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, để mỗi đoạn sông xanh rợp bóng dừa nước là một địa điểm tham quan lý tưởng, thu hút du khách gần xa.

Theo Đông Yên (Báo Quảng Ngãi)
(TTO) - Quảng Nam, duy nhất xã Tam Giang, huyện Núi Thành còn giữ được khu rừng ngập mặn nguyên sinh với diện tích hàng chục ha vời toàn cây cổ thụ được người dân gìn giữ, bảo vệ nghiêm ngặt.

< Một góc rừng ngập mặn thơ mộng ở xã Tam Giang.

Từ trung tâm huyện Núi Thành, theo quốc lộ 1 hướng xuống biển khoảng 10km sẽ bắt gặp khu rừng ngập mặn nguyên sinh xã Tam Giang với diện tích hơn 50ha với nhiều cây mắm, đước, bần, cốc thuộc vào hàng cổ thụ nằm chen chúc, rậm rạp.

< Tàu thuyền neo đậu núp dưới những tán rừng ngập mặn.

Khu rừng trải dài qua bốn thôn Đông Xuân, Đông An, Đông Bình và Đông Mỹ (xã Tam Giang). Trong đó, rừng ngập mặn nguyên sinh thôn Đông Xuân được người dân bảo vệ, gìn giữ một cách có ý thức, nghiêm ngặt nhất.

< Nhiều cây mắm cổ thụ có hình thù độc đáo.

Theo các cụ cao niên, người dân ở đây từ xưa đã tâm niệm đó là của để dành cho dân làng, vì vậy không cho ai được phép tàn phá.

Người làng Đông Xuân thì bảo từ những năm 1980 về trước, xung quanh xã Tam Giang đều có rừng ngập mặn bao bọc với diện tích gần 200 ha. Những năm 1995-2000, người dân ồ ạt phá rừng để nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng riêng thôn Đông Xuân bà con quyết giữ cho bằng được.

< Người dân neo đậu ghe thuyền để sinh hoạt dưới những tán rừng nguyên sinh.

Hiện giờ, khu rừng nguyên sinh là lá chắn bao bọc ngôi làng với khoảng 500 cây mắm cổ thụ đường kính 30-50cm, tuổi đời trên 200 năm. Dưới những tán cây mắm cổ thụ có cả cây đước, bần mọc san sát, tạo một quần thể đa dạng, phong phú, kỳ bí.

< Khu rừng ngập mặn nguyên sinh thôn Đông Xuân là lá chắn bảo vệ nhà cửa, làng xóm.

Để bảo vệ rừng, người dân thôn Đông Xuân còn có quy chế rõ ràng, ai xâm phạm sẽ bị lập biên bản xử phạt.

< Nhiều cây mắm có đường kính 30-50 cm có tuổi đời hàng trăm năm.

Đầu năm 2015, UBND huyện Núi Thành đã cấp 3,2 tỉ đồng để thực hiện dự án trồng 27 ha rừng ngập mặn tại xã Tam Giang nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, với mật độ 6.666 cây/ha nhằm chắn sóng, làm phong phú thêm khu rừng ngập mặn này.

< Những dự án trồng rừng được chính quyền địa phương triển khai nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, làm phong phú thêm khu rừng ngập mặn Tam Giang.

Không chỉ có nhiệm vụ chống biến đổi khí hậu, chắn sóng, bảo vệ môi trường, khu rừng ngập mặn Tam Giang còn là điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách muốn thưởng ngoại khí hậu trong lành, cảnh vật huyền bí, kỳ thú.

Mỗi năm, khu rừng ngập mặn nguyên sinh này đón hàng nghìn lượt du khách tham quan, chiêm ngưỡng. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để các cặp đôi thực hiện những bộ ảnh cưới đẹp, lạ, độc.

Theo Lê Trung (Dulich.Tuoitre)
(NLĐO) - Quảng Nam có 2 dòng sông lạ là sông Tiên nước chảy ngược dòng và sông Trường Giang chảy song song với biển, không hề có thượng nguồn hạ lưu.

< Một đoạn sông Tiên (Tiên Kỳ - Huyện Tiên Phước - Tỉnh Quảng Nam).

Hẳn ai lên xứ bồng lai Tiên Phước đều đã nghe qua câu thơ “Sông Tiên nước chảy ngược dòng/ Ai về Tiên Phước cho lòng vấn vương". Câu thơ đã khắc họa được nét đẹp say đắm và sự kì diệu của dòng sông Tiên - con sông duy nhất ở Quảng Nam không xuôi dòng về biển.

< Sông Tiên là dòng sông chảy ngược ở Tiên Phước.

Sông Tiên chỉ dài khoảng 6 km, chiều rộng trung bình 100 m thu nước từ các con suối nhỏ đầu nguồn trên địa bàn như suối Bình An (xã Tiên Mỹ) chảy qua thị trấn Tiên Kỳ, suối Cà Đong (xã Tiên Thọ) và nhiều suối, sông con ở các xã ven sông khác như Tiên cảnh, Tiên Cẩm, Tiên Hà... Không giống như những con sông khác đều chảy xuôi theo hướng tây - đông, sông Tiên khởi nguồn từ phía đông, dùng dằng vương vấn chảy ngược về tây, đi qua các làng xã, núi đồi của miền quê trung du Tiên Phước rồi mới nhập vào thượng nguồn sông mẹ Thu Bồn, xuôi về biển cả.

Tự bao giờ, sông Tiên trở thành biểu tượng gắn với hình ảnh đất và người huyện Tiên Phước. Dòng sông cho phù sa, cho nước tưới, cho cuộc sống, cho cả tên gọi của các làng xã trải dọc đôi bờ, được bắt đầu bằng chính tên sông như Tiên An, Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Cảnh, Tiên Kỳ, Tiên Châu, Tiên Hà, Tiên Hiệp…

Ngược dòng con sông Tiên hiền hòa hoang sơ, ta sẽ gặp những khung cảnh thiên nhiên vô cùng kỳ thú. Bãi đá Lò Thung trải dài hàng trăm mét với những con suối róc rách, những thác nước nguyên sơ và hùng vĩ giữa đại ngàn. Dòng xoáy của con nước ngày ngày đẽo gọt, bào mòn vách đá tạo ra những hình thù hết sức kỳ thú. Người dân địa phương vẫn thường kể cho nhau về truyền thuyết dị nhân khổng lồ đắp núi, khơi nguồn nước sông Đá Giăng - Lò Thung. Họ cho rằng, những hòn đá có hình chiếc cối, chày giã gạo, bát, chén ăn cơm, lò nấu là những vật dụng mà “ông khổng lồ” đã sử dụng.

Nơi đây, dấu ấn những ngày tháng hào hùng dưới chiếu Cần Vương của Nghĩa hội Quảng Nam còn in đậm qua các địa danh bên bờ sông Tiên như Thanh Lâm, Dương Đế, bàu ông Trấn, Gò Chay, dốc Miếu… Cùng với việc tham gia phong trào Nghĩa Hội, nhân dân Tiên Phước còn tham gia nhiều phong trào yêu nước như Duy Tân, Đông Du, Việt Nam Quang Phục hội... Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng chủ xướng đã tạo được làn gió cải cách sôi nổi trên đất Quảng Nam.


Hiện nay, đến vùng đất ven bờ sông Tiên không khi nào thiếu những vườn cây ăn quả như lòn bon, bưởi, măng cụt…, cho trái quanh năm bởi nơi đây được thiên nhiên ưu ái với khi hậu mát mẻ quanh năm.

< Sông Trường Giang ở Quảng Nam chảy êm đềm, đẹp như tranh vẽ.

Không ngỗ nghịch như sông Tiên, sông Trường Giang vẽ một đường uốn lượn song song theo gần hết chiều dài bờ biển Quảng Nam, mường tượng như viền áo ôm theo eo lưng mỹ nữ đang nằm. Sông Trường Giang dài khoảng 70 km vắt ngang qua các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên và TP Hội An. Điều khác lạ ở con sông này là nó không có đầu mà cũng chẳng có cuối. Ở hai đầu bắc và nam, sông đều thông với biển. Phía bắc, Trường Giang gặp Thu Bồn rồi cùng ra biển qua Cửa Đại (TP Hội An). Phía nam, Trường Giang hòa với sông Tam Kỳ, An Tân rồi đổ ra biển thông qua Cửa Lở và cửa An Hòa (huyện Núi Thành).

< Sông Trường Giang chảy song song với bờ biển Quảng Nam.

Vào mùa nắng, dòng chảy sông Trường Giang phụ thuộc thủy triều lên xuống. Khi thủy triều lên, nước đổ vào các cửa và chảy theo hai chiều đối nghịch. Mấy chục cây số sông phía bắc nước chảy theo hướng nam, mấy chục cây số sông phía nam chảy theo hướng bắc. Khi thủy triều xuống thì quãng sông phía nam chảy theo hướng nam ra Cửa Lở và An Hòa, quãng sông phía bắc chảy theo hướng bắc ra Cửa Đại. Vào mùa nước lũ, dòng chảy chủ yếu phụ thuộc vào mức nước dâng của hai hệ thống Vu Gia - Thu Bồn, Tam Kỳ - An Tân.

Vẫn bên lở bên bồi theo dâu bể biến thiên, nhưng không như những dòng sông khác, Trường Giang chưa bao giờ hung hãn, chưa bao giờ trở thành hiểm hoạ đối với làng mạc ven bờ. Ngược lại, dòng sông đang nuôi sống hàng vạn con người ở hai bên bờ suốt nhiều thế kỷ qua dù hiện con sông này đang gánh chịu sự xâm lấn, giăng xả của chính con người trong cuộc mưu sinh ngư nghiệp và cuộc phát triển công nghiệp hiện đại.

Theo Trần Thường (Chuyện Phụ Nữ)
Từ thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) đi theo tỉnh lộ 616 qua các huyện Tiên Phước, Bắc Trà My. Từ thị trấn Trà My đi gần 50 cây số nữa mới đến trung tâm huyện Nam Trà My.

Đường đi quanh co, khúc khuỷu nhưng khung cảnh hai bên  rất đẹp. Rải rác vài nóc nhà của bà con dân tộc thiểu số người Ca Dong ở lưng chừng núi. Một bên núi, một bên sông suối, thỉnh thoảng lại thấy một cây cầu treo hoặc bê tông bắc ngang.

< Thác 3 tầng trên đường Bắc - Nam Trà My.

Đang vào mùa khô nên sông, suối đều cạn hay ít nước. Bỗng dưng giữa trập trùng màu xanh cây lá bắt gặp một ngọn thác tuôn nước trắng xóa, réo rắt giữa khung cảnh yên bình, vắng lặng. Lòng người cũng thấy nhẹ nhàng, thanh thoát.



Thác Ba Tầng cách thị trấn Takpor Nam Trà My khoảng 5km, đẹp và hoang sơ chảy ven triền núi.

Nói là 'ba tầng' nhưng nhiều người nhận định rằng phải gọi là 5 tầng mới chuẩn! Vậy nhưng tên gọi thế nào thì thác vẫn đổ ì ầm suốt ngày đêm giữa vách núi rừng xanh thẳm.

Thác 3 tầng đã trở thành một địa danh cho khách lữ hành dừng chân nhìn ngắm, thư giãn và nếu không ghi lại vài tấm ảnh thì là một thiếu sót đến vô cùng!

Tổng hợp từ Lao Động, Forum Phượt