Tab Từ Khóa "Du lịch Nghệ An"
Showing posts with label Du lịch Nghệ An. Show all posts
Đồi chè xanh ngắt, bao quanh là hồ nước trong xanh ở Thanh Chương (Nghệ An) đã thu hút rất đông người tới tham quan, chụp ảnh dịp cuối tuần.

 Xã Thanh An, huyện Thanh Chương, có khoảng 180 hộ trồng chè với tổng diện tích 420 ha. Trong đó có nhiều đồi chè được bao bọc bởi đập Cầu Cau nước trong xanh. Thấy phong cảnh đẹp, người dân từ khắp nơi đã rủ nhau tới chụp ảnh.






Để tới được đảo chè, khách mất 10-15 phút ngồi thuyền máy. Giá vé lên thuyền là 30.000 đồng/người cho cả đi và về. Hiện có hơn 10 thuyền do người dân kinh doanh đưa đón khách.





Ông Nguyễn Cảnh Nam, Chủ tịch xã Thanh An cho hay, đập Cầu Cau bao bọc khoảng 80 ha chè. Điểm có cảnh sắc đẹp nhất, được du khách dừng chân thưởng ngoạn, là một đảo chè rộng gần 5 ha do 3 hộ dân quản lý. "Ngày nghỉ cuối tuần và Tết Dương lịch vừa qua rất đông người tới tham quan. Ngày đông nhất ước khoảng 300-400 người không chỉ ở Nghệ An mà nhiều tỉnh thành", ông Nam cho hay.



Khi thuyền cập đảo, du khách có thể thoải mái chiêm ngưỡng vườn chè xanh ngắt, được đánh luống hình vòng cung.

Anh Nguyễn Văn Tú (43 tuổi, trú tại Hà Nội) đang công tác tại thành phố Vinh cho hay lần đầu tiên đặt chân tới đây, quang cảnh rất đẹp. Ấn tượng nhất là đồi chè được bao bọc bởi hồ nước thơ mộng.



Rất nhiều đôi uyên ương tìm tới đảo chè chụp ảnh cưới.




Cô dâu - chú rể được thoải mái tạo dáng trên những con thuyền nan để lưu lại kỷ niệm tại đồi chè.


















Để có những luống chè phẳng đều, búp lên mơn mởn thì chủ hộ phải thuê công nhân đều đặn gần hai tháng sẽ cắt tỉa một lượt.







Anh Nguyễn Cảnh Chương, chủ một đồi chè, cho hay trung bình một ha chè của gia đình nếu thu nhập cao nhất thì được 15-20 triệu đồng/năm, trừ chi phí. Hiện tại gia đình cho khách tới tham quan, thu lợi nhuận bằng việc mỗi chủ thuyền đóng 500.000 đồng/tháng cho một chủ vườn chè.






Theo Chủ tịch xã Thanh An, lượng khách tìm tới đảo chè được dự báo ngày một đông hơn. Chính quyền xã đang kiến nghị cấp trên về công tác quản lý du lịch vì hiện nay mang tính tự phát nên "lúng túng".

Theo: Vnexpress.net
Nằm trong Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Pù Hoạt được đánh giá là vùng mang tính chất nguyên sinh tiêu biểu, với hàng ngàn loài động, thực vật quý hiếm là điểm đến hấp dẫn với du khách.

Rừng đặc dụng Pù Hoạt được xác định là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới thuộc Khu vực miền Tây Nghệ An mà tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục được Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận từ tháng 9/2007. Rừng đặc dụng Pù Hoạt có diện tích 35.723 ha, nằm trên địa bàn 5 xã Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ, huyện Quế Phong.

Theo tài liệu được lưu giữ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thì vùng rừng này có những giá trị hết sức đặc biệt về thiên nhiên, là mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Thảm thực vật ở Pù Hoạt được hình thành 3 kiểu: Rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới núi cao, hỗn giao cây lá rộng với cây lá kim; Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình; Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi thấp...

Thảm thực vật thứ nhất tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phần lớn nằm sâu trong vùng lõi, ít bị tác động, tính nguyên sinh rất cao. Thực vật chiếm ưu thế là cây lá rộng, cây lá kim, một số loài có kích thước rất lớn. Các loài cây chiếm ưu thế của rừng này là: re, chắp, bời lời, kháo, cà ổi, dẻ lá tre, côm, mây châu, tô hạp...

Ở loại thảm thực vật thứ hai phân bổ ở độ cao từ 800 - 1500m, trải rộng khắp vùng sườn núi Pu Pà Nhà, Pu Cao Mạ và phía đông đỉnh Pù Hoạt. Kiểu rừng này vẫn giữ được tính nguyên sinh cơ bản. Thực vật chiếm ưu thế là cây lá rộng, sinh trưởng tốt với các loài tiêu biểu như: sau sau, dẻ, sồi, re, dâu, hồng xiêm, xoan, bồ hòn...; Các cây lá kim như thông nàng, kim dao. Rừng được chia thành 4 tầng, trong đó có tầng vượt tán có các loài cây giá trị cao như chò chỉ, sến mật.

Thảm thực vật thứ ba phân bổ ở độ cao dưới 800m với nhiều họ cây như: thầu dầu, xoan, dâu tằm, cánh bướm, vang, thị, re, dẻ, côm... Rừng được chia thành 3 tầng, tầng ưu thế với các loài điển hình là chẹo, bứa, vang, lim xẹt, mọ, muồng, da, ngát...

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt còn có tính đa dạng sinh học. Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện được nơi đây có 763 loài thực vật thuộc 427 chi, 124 họ; Có hơn 30 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Trong khu bảo tồn có những loài có giá trị, đáng chú ý như: trai, sến mật, táu mật, chò chỉ, tô hạp...

Thực vật hạt trần bước đầu được khảo sát có 7 loài, có 4 loài quý hiếm gồm: pơ mu, bách xanh, kim giao, sa mu. Trong đó, quần thể sa mu được phát hiện ở đây gồm những cây có đường kính rất lớn, trung bình trên 1,5 - 2m, cao trên 45m, đặc biệt có cây đường kính rộng đến 2,8m, cao trên 50m.

Động vật rừng ở Pù Hoạt đã thống kê được 176 loài có xương sống thuộc 4 lớp: 45 loài thú, 131 loài chim, 11 loài bò sát, 6 loài lưỡng cư. Khu hệ động vật có cấu trúc và thành phần loài giống với khu hệ động vật Tây Bắc Việt Nam, lớp thú có các loài đặc trưng là: bò tót, vẹc xám, sóc, cầy...; Lớp chim là các loài trong họ khướu. Thành phần các loài chim và thú ở Pù Hoạt được ghi nhận là tương đương với các khu Vũ Quang (Hà Tĩnh) và Pù Mát, xếp trên Pù Huống.

Ở đây cũng có các loài thú tiêu biểu và quý hiếm như: voi, hổ, báo hoa mai, báo gấm; Gà tiền mặt vàng, gà lôi trắng, công, hồng hoàng, cao cát bụng trắng; Rùa núi viền, rùa hộp trấn vàng, rùa đầu to, rùa đất, hổ mang, trăn gấm, trăn đất...

Để bảo vệ tốt Khu dự trữ sinh quyển vùng Tây Nam Nghệ An theo như cam kết của Chính phủ với UNESCO, ngày 2/4/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định chuyển đổi Ban Quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban Quản lý KBTTN Pù Hoạt với nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ và phát triển rừng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường phục vụ du lịch.

Theo GSV-travel, ảnh internet
“Ăn cơm Mường Quạ, thưởng cá sông Giăng” - câu nói đã trở nên nổi tiếng ở miền Tây xứ Nghệ. Ai đã một lần tới đây hãy dành thời gian ghé thăm dòng sông nổi tiếng này, để thưởng ngoạn cảnh sắc rừng núi hoang sơ, trải nghiệm cảm giác đi thuyền trên đá, thăm những bản làng Đan Lai và ăn món cá Mát nổi tiếng.

< Một đoạn sông Giăng ở Mường Quạ.

Sông Giăng là con sông dài, chảy trong quần thể Vườn Quốc gia Pù Mát, được quy hoạch trở thành một địa điểm du lịch sinh thái tự nhiên của xứ Nghệ. Theo những người lái thuyền, thời điểm khách du lịch đến với sông Giăng đông nhất là những ngày tháng 5, tháng 6. Đây là lúc khắp dải đất miền Trung chìm trong nắng hạ nhưng khi du thuyền, tắm mát trên dòng sông Giăng thì mọi cái ngột ngạt, oi bức mùa hè đều như tan biến.

Ngồi thuyền ngắm sông Giăng thơ mộng

Hành trình bắt đầu từ đập Phà Lài (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) cách trung tâm thị trấn Con Cuông chưa đầy 20km. Khách du lịch sẽ được những người lái thuyền bố trí ngồi trên những con thuyền bán độc mộc với động cơ là những chiếc máy nổ công suất lớn.

Người lái thuyền sẽ không quên nhắc nhở du khách mặc áo phao, bởi lẽ dòng sông tuy hiền hòa nhưng cũng khá dữ dội, có nơi rộng tới 400 - 500m, nước sâu tới 15m, chảy xiết chẳng kém cửa biển sông Lam. Nhưng càng lên thượng nguồn, lòng sông càng hẹp, có những chỗ hẹp chỉ ngang một con suối nhỏ, nước chảy hiền hòa và khách có thể dừng chân lội suối chụp ảnh.

Sông Giăng là con sông dài, nằm trong quần thể Vườn Quốc gia Pù Mát với hệ sinh thái phong phú và đa dạng bậc nhất Việt Nam. Du thuyền ngược sông Giăng kéo dài khoảng hai tiếng với chặng đường dài 20km đi sâu vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Phù Mát nơi có các bản của người Đan Lai sinh sống - một trong những dân tộc thiểu số, sống nơi sơn cùng thủy tận.

Sau khi hướng dẫn hành khách, bác Thu dùng cây sào đẩy thuyền rời bến, rồi nhẹ nhàng kéo dây khởi động máy nổ. Tiếng động cơ nổ sình sịch, chân vịt chém nước trắng xóa đẩy thuyền lướt đi trên mặt nước đưa du khách ngược dòng sông Giăng.

Thả hồn trên sóng nước, du khách có thể ngắm vẻ đẹp hoang sơ mà rất kỳ vĩ của núi rừng miền Tây xứ Nghệ. Những ngôi nhà sàn lưa thưa xen giữa những ruộng ngô, ruộng lúa xanh tươi của dân bản nơi cuối nguồn; những ngọn núi cao mà ngửa mặt lên đỉnh trời mới thấy ngọn; những cây cổ thụ mọc chòi trên vách đá xõa tán về phía dòng sông. Có đoạn nước sông trong đến mức có thể nhìn rõ từng đàn cá đang tung tăng bơi lội dưới dòng sông.

Ngồi trên thuyền lướt đi êm ái giữa dòng sông, ai cũng lặng đi trước vẻ đẹp tự nhiên của núi non sông nước thanh bình…

Du thuyền trên… đá

Khi thuyền bắt đầu đi vào những đoạn cong cua vòng theo chân núi, từ xa đã nghe tiếng nước xối vào ghềnh đá tạo ra những tiếng ầm ầm dữ dội lấn át cả tiếng máy thuyền. Phía trước mặt là một khúc cua tay áo, lởm chởm đá chặn gần như kín lòng sông, báo hiệu thuyền chuẩn bị vượt ghềnh.

“Chuẩn bị ngược dòng!”, sau tiếng hô, người lái thuyền nhanh tay bóp chặt cò ga lấy đà, đồng thời kéo mạnh cần lái ghì sát bên hông để đưa thuyền vào đúng lạch. “Kịch”, mũi thuyền chạm đá rồi bềnh lên hướng thẳng vào khe nước hẹp. Mọi người hét lên vì sợ lật. Lúc này, bên dưới lớp nước cuộn chảy chưa đầy gang tay, có thể thấy rõ những viên đá suối to bằng nửa cái bàn đang trực chờ con thuyền nhỏ đi tới…

Đây mới chỉ là thác đầu tiên của hành trình, có ít nhất hơn chục ghềnh đá như thế, nhiều chỗ còn hẹp và cạn nước hơn nhiều. Du khách ai mới đi lần đầu đều thấy sợ, nhưng qua vài cái thác, đến khi quen rồi, lại tỏ ra thích thú.

Trên hành trình, khi thì mũi thuyền dựng 450 vượt ghềnh, lúc thì lịch kịch trượt trên ghềnh đá, có lúc thuyền đâm mạnh vào ngầm đá như muốn vỡ. Mạo hiểm nhất là đoạn thuyền qua khe Lẻ, một dòng nước siết chảy mạnh trên mặt đá dốc, thuyền nổ hết công suất mới trèo lên được gềnh. Những lúc như vậy, du khách ngồi trên thuyền không tránh khỏi cảm giác vừa hồi hộp vừa lo sợ, khi thì run rẩy vì bị nước xối tràn mạn thuyền, lúc lại hào hứng hò reo khi thuyền vượt được dòng thác dữ.

Chia sẻ kinh nghiệm lái thuyền trên ghềnh đá, người lái thuyền cho biết: Lúc vượt ghềnh phải rà chân vịt theo mớn nước trên mặt đá, nếu quá nông không đủ lực đẩy thuyền vượt thác, còn lỡ đẩy sâu chân vịt chạm đá xe bị gãy, nước đẩy ngược gây chìm thuyền…

Thăm tộc người ít nhất Việt nam

Đến đầu Khe Cọ, biết trước đoạn này nước cạn, thuyền chở khách nặng không vượt được, các lái đò tấp thuyền vào bờ suối để khách đi tắt lên đầu dòng, còn mình tự tay chèo lái con thuyền vượt dòng. Sông Giăng thoạt nhìn có vẻ hung dữ nhưng vốn rất hiền. Đoạn nước sâu thì hiền hòa, tĩnh lặng, nước chảy xiết thì mực nước chỉ ngang đùi. Mỗi năm chỉ có hai tháng là tháng 9 và tháng 10, nước lũ từ thượng nguồn bên Lào đổ về là không đi được.

Du thuyền sông Giăng, ngoài khoảng thời gian trải nghiệm cảm giác mạnh khi đi thuyền ngược dòng sông Giăng, du khách còn được đến thăm bản làng người Đan Lai, tìm hiểu cuộc sống của một trong những dân tộc ít người và sống hoàn toàn biệt lập với cộng đồng.

Tại đây, du khách được thăm các ngôi nhà sàn cheo leo giữa lưng núi, sườn đồi, được tìm hiểu tập quán của người bản địa, được giao lưu cùng với các chiến sỹ bộ đội biên phòng Khe Khặng, thưởng thức các món ăn đặc trưng như: Cá lăng nấu chua, canh rau rừng, măng rừng chấm muối... Và một món ăn đặc biệt dễ gây nghiện, đó là món cá mát kho muối ớt, tiêu rừng. Nó có vị ngon, ngọt đặc trưng bởi nước thượng nguồn sông Giăng.

Sau khi thăm đồng bào dân tộc Đan Lai, du khách có thể tự do thăm các bãi đá suối tự nhiên, tắm nước sông Giăng hay thỏa thích chụp hình bên những thềm đá có tán cây rừng tuyệt đẹp. Trước khi trở lại thuyền trải nghiệm cảm giác chạy xuôi dòng thác, trượt thuyền trên đá cạn...

Văn Thanh (Báo Giao Thông)
(BDL) - Đứng sừng sững và hùng vĩ giữa núi non trùng điệp, nước từ trên cao đổ mạnh xuống, bọt tung trắng xóa, thác Khe Kèm (còn gọi là thác Kèm, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) được xem như một kỳ thú của thiên nhiên ban tặng cho Vườn quốc gia Pù Mát…

Cách thị trấn Con Cuông khoảng 25km, men theo con đường ngoằn ngoèo uốn lượn, thác Khe Kèm hiện ra nguyên sơ. Con đường vào thác quanh co, uốn lượn và gập ghềnh. Có thể điều đó sẽ làm du khách nản lòng nhưng với những ai vượt qua được chặng đường để được tận mắt chiêm ngưỡng một tạo vật thiên nhiên dành cho Pù Mát hẳn người đó sẽ không cảm thấy tiếc nuối.

Trên đường vào thác Khe Kèm, hai bên bờ cây cối rậm rạp, đậm vẻ hoang sơ với điểm nhấn là dãy núi đá vôi hùng vĩ, điểm xuyến những màu sắc sặc sỡ của các loài phong lan và tiếng nước gọi mời. Tiếng nước chảy ở đập Phà Lài (hoa của trời), ở màu đỏ như phượng vĩ trên những tán cây hai bờ sông Giăng.

Một điều kỳ lạ gần như hiếm có ở Pù Mát là trên những chiếc thuyền nhỏ rẽ sóng trên sông Giăng, du khách như được trở về với thiên nhiên đích thực, nơi con người chỉ là một phần nhỏ bé của thiên nhiên. Rất nhiều nhà khoa học khi nghiên cứu tại đây đã khẳng định Khe Kèm là thác nước gần như nguyên sinh nhất ở Việt Nam.


Từ độ cao hơn 500m, độ dốc khoảng 800, nước từ trên cao đổ mạnh xuống qua ba thang bậc, tung bọt trắng xóa. Nước từ trên cao đổ xuống, bụi nước bay lên táp vào da thịt mát lạnh. Nhìn từ xa thác Khe Kèm trông như dải lụa trắng trên nền xanh thắm của Vườn quốc gia Pù Mát…. Có thể bởi thế mà người Thái sinh sống nơi đây gọi thác Khe Kèm là thác Bổ Bố, có nghĩa là dải lụa trắng.


Từ chân thác nhìn lên, du khách như có cảm giác dòng suối tuôn chảy bất tận trong những dải bọt trắng xóa, chẳng khác một dải lụa trắng buông dài bất tận.Hòa trong màu trắng kỳ ảo đó là dòng suối trong vắt, mát rượi cùng tiếng ca của muôn loài chim. Phía trên và hai bên thác là cả một thảm thực vật với hàng trăm loài hoa quanh năm khoe sắc.

Theo chia sẻ của một “phượt thủ” đã đến đây nhiều lần và nhiều mùa trong năm, mỗi mùa có một loài hoa nên tạo cho du khách có cảm giác như lạc vào vườn hoa đại ngàn.Dưới chân thác là khe nước dài với những phiến đá phẳng lỳ như những chiếc bàn lớn làm chỗ nghỉ chân cho du khách.Nhiệt độ cao nhất ở khu vực thác vào mùa hè chỉ khoảng 200C nên nơi đây là địa điểm khá lý tưởng cho những ngày hè.


Du khách có thể men theo đường mòn lên đỉnh thác, thỏa sức ngắm cảnh núi rừng, thỏa thích vui chơi bên dòng thác để tận hưởng không khí mát mẻ và môi trường trong lành của tự nhiên, rồi uống rượu cần, ăn cơm lam hay xem những điệu múa Lăm của đồng bào dân tộc Thái.


Từ đây du khách cũng có thể đi ngược lên thung lũng Khe Bu hoặc đi bộ leo núi Pu Loong - một ngọn núi cao ở Vườn Quốc gia Pù Mát (thời gian đi về mất khoảng từ 6-8 tiếng). Hiện nay đã có một con đường trải nhựa từ thị trấn Con Cuông đến thác Khe Kèm. Tại đây đã có một số cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phục vụ du khách. Thác Khe Kèm là điểm du lịch thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài.

Theo Nguyễn Nam (Báo Du Lịch)
(DTO) - Trang phục truyền thống là một nét văn hóa đặc sắc của người Mông Miền tây Nghệ An. Từ xa xưa, bộ trang phục truyền thống của người Mông ở Miền tây xứ Nghệ luôn được lưu giữ trong cộng đồng và được sử dụng trong các dịp Tết, lễ hội.

< Các em trông bộ trang phục xuống chợ ngày Xuân.

Phụ nữ Mông ở miền tây xứ Nghệ mặc các bộ trang phục truyền thống vào dịp năm mới hết sức bắt mắt, khác biệt so với các bộ trang phục khác của người Thái, Khơ Mú hoặc Ơ Đu…

Bộ quần áo truyền thống của họ bao gồm quần rộng màu đen (hu thiếc) và áo dài màu đen (lu chiếu chậm) với cổ áo được thêu đáp mảnh công phu.

< Nét đẹp mỹ miều trong bộ trang phục vui Xuân đón Tết của học sinh Mông.

Còn đối với trẻ em, học sinh ở bậc Tiểu học đến THPT thì bộ trang phục dành cho lễ hội, chơi Tết, vui xuân …rất đẹp, bắt mắt với bộ váy xúng xính với 3 loại màu chủ đạo như: áo khoác bên ngoài màu đen, áo trong màu trắng cùng chiếc váy ngắn trắng ngang đầu gối.

< Vẻ đẹp rạng rỡ của các em trong ngày du Xuân.

Và loại màu thứ ba trang trí đẹp cho bộ áo váy là những chiếc túi thêu, chiếc khăn quấn quanh người màu đỏ, pha tím, xanh… nhằm làm cho bộ trang phục của thiếu nữ Mông trở nên sặc sỡ hơn.

Một cô gái hấp dẫn nhất khi cô đeo xung quanh hông thắt lưng thêu trang trí màu hồng sáng và màu xanh lá cây. Có thể đeo thêm trang sức là một sợi dây chuyền bạc lớn, những đồng xu...

Ví thêu trang trí, gọi là ví thuốc phiện và khăn xếp đội đầu (phu chong slua) cũng được mặc trong những dịp đặc biệt. Khăn này dài hơn mười mét lụa màu tím được giữ bằng một dải ruy băng sọc (chang).

Bên cạnh đó, cổ áo trong bộ trang phục của người Mông thể hiện sự khéo léo của bàn tay người phụ nữ. Người phụ nữ sử dụng một cặp nhỏ kéo sáng tạo ra hoa văn cầu kỳ từ miếng vải mỏng, sau đó với các đường khâu nhỏ xíu tỉ mỉ, đáp các miếng vải nhỏ thành một lớp thứ hai lên trên nền vải đã cắt.

< Ở Tri Lễ, hầu hết các em học sinh người Mông đều có bộ trang phục cho mình trong ngày Tết đã thu hút khách xin chụp ảnh chung.

Sau đó, cô trang trí thêm vào đó. Thêu đáp mảnh và các họa tiết rất đa dạng với các hoa văn được sáng tạo từ cuộc sống hàng ngày.

Các họa tiết có thể là hoa đào, ốc, chim, dấu chân của gà, cái đòn gánh, và cối để giã gạo, cái cầu bằng tấm ván đôi hoặc đơn.

Những ngày lễ, Tết… có dịp gặp các thiếu nữ Mông mặc trên mình bộ trang phục đẹp nhất để du Xuân, chơi Tết đã để lại ấn tượng cho người xem.

Theo Nguyễn Duy (Dân Trí)