Tab Từ Khóa "Phong tục - Văn hóa VN"
Showing posts with label Phong tục - Văn hóa VN. Show all posts
(LV) - Mỗi khi bắt đầu canh tác ở một khu rẫy mới, việc đầu tiên mà đồng bào Cơ Tu cần làm đó là tìm vật liệu tranh, tre, nứa, lá để dựng một căn chòi trên một vị trí phù hợp. Chòi rẫy tuy đơn sơ nhưng gắn bó thiết thân với cuộc sống mưu sinh của đồng bào miền núi.

Nơi chọn để dựng chòi thường ở vị trí có thể quan sát tốt nhất nhằm canh gác bảo vệ hoa màu khỏi sự tấn công phá hoại của chim chóc, thú rừng, ngắm cảnh thư giãn sau thời gian lao động mệt nhọc.

Chòi rẫy - nơi trú mưa nắng...

Chòi rẫy (Xu) là kiểu kiến trúc nhà sàn khá đơn giản. So với ngôi nhà sàn của họ sinh sống hàng ngày ở làng thì chòi rẫy đơn sơ và nhỏ hơn nhiều lần. Kích thước khoảng 1,5m x 2m, cao chừng 2m, được dựng trên 8 - 10 thân cây nhỏ với kỹ thuật buộc dây đơn giản.

Nối kết các thân cột và cũng là điểm tựa để lót sàn là những thanh gỗ hoặc tre nằm song song mặt đất. Sàn lót bằng những thanh nứa đập dập hay những nan tre được bện bằng sợi mây hay dây cước. Rẫy được bưng kín ba mặt bằng phên tre hoặc lá tranh để che nắng gió, mưa tạt.

Một số chòi nhỏ như một túp lều, chỉ có mái che và sàn, không có phên vách, nhìn trống không cả bốn bên để dễ dàng quan sát xung quanh. Loại nhà túp này thường bố trí trên các đồi rẫy cao, chỉ để vào nghỉ giải lao, trú mưa, tránh nắng trong lúc làm cỏ, thu hoạch lúa. Mái chòi được lợp bằng cỏ tranh hay lá cọ, lá mây. Cấu trúc mái giống như nhà sàn nhỏ để cư trú hàng ngày trong làng. Mái trước cao hơn để dễ trèo lên xuống cũng như quan sát, mái sau thấp, có khi lợp kín đến sát sàn mền không cần phải che vách phía sau.

... và là nơi tình tự của đôi trai gái

Chòi rẫy là một dạng kiến trúc phụ nhưng đa chức năng giống như nhà zơng dùng để bảo vệ rẫy; kho cất giữ nguồn lương thực khi mới thu hoạch; chỗ nghỉ ngơi trong canh tác, săn bắn; là nơi tự tình của trái gái trong tục đi sim. Ngoài chức năng chính là phục vụ ăn ở, nghỉ ngơi của người dân trong mỗi mùa rẫy, thu hoạch hoa màu, lương thực, nhà rẫy còn là nơi tìm hiểu, yêu đương của các đôi trai gái sắp cưới.

Theo phong tục của người Cơ Tu, khi trai gái yêu nhau, các thỏa thuận trao đổi vật chất giữa hai bên gia đình được thực hiện xong, chuẩn bị tiến đến hôn nhân, được phép của già làng, đôi trai gái dắt nhau ra nhà rẫy để ngủ (tục này chỉ có ở người Cơ Tu). Họ tìm hiểu, ăn ở với nhau cả ngày lẫn đêm tại nơi đây, thời gian dài hay ngắn tùy theo sở thích của đôi trai gái. Có khi họ ở vài ba ngày đến một tuần, nhưng cũng có khi đôi trai gái ở lại đây cả tháng. Sau đó, đôi trai gái đưa nhau về nhà làng (gươl) trình diện với chủ làng. Kể từ đây đôi trai gái đi lại với nhau như vợ chồng và đám cưới sẽ được tổ chức một thời gian sau đó.

Bảo tồn kiến trúc truyền thống

Chòi rẫy là công trình kiến trúc được bố trí heo hút ngoài bìa rừng, nơi đồng bào phát rẫy làm nương nhưng nó có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất, săn bắt, hái lượm của người Cơ Tu.

Ngày nay, một số địa phương, khi đồng bào từ bỏ tập quán sản xuất nương rẫy thì những căn chòi rẫy cũng dần trở nên vắng bóng. Những túp lều, chòi rẫy trên núi cao được chuyển về làng, bố trí bên cạnh hoặc trước ngôi nhà sàn, để hàng ngày, sau giờ lao động mệt nhọc người ta thường đến đây, cùng bà con hàng xóm chuyện trò, uống rượu, vui chơi.

Loại hình kiến trúc chòi rẫy cũng đã được phục dựng ở các khu du lịch cộng đồng như thôn Bha Hoon, Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu huyện Tây Giang, làng tái định cư như thôn Pơ Ning... góp phần bảo tồn kiến trúc truyền thống các dân tộc miền núi.

Theo Tấn Vịnh (Làng Việt online)
(DVO) - Đến cuối năm, bà con dùng Lân đường, tháp đường, đào đường, … đó nấu nồi chè cả nhà cùng ăn và tiếp tục đợi đến tháng Giêng, ngày Rằm đi chùa Ông Bổn thỉnh điều ước mới.

< Lân đường, tháp đường, đào đường vừa đúc xong.

Từ trung tâm thành phố Cần Thơ qua cây cầu dây văng hiện đại bắc ngang dòng sông Hậu đến cầu Đông Bình rồi rẽ phải vào Quốc lộ 54 chạy thêm gần 40 cây số nữa khách lữ hành sẽ đến chùa Minh Đức Cung mà dân gian quen gọi chùa Ông Bổn.

Chùa nằm trên địa phận xã Hoà Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Tại đây, hằng năm cứ vào tháng Giêng, chính lễ là ngày Rằm, người dân trong vùng có tục đến chùa tham dự lễ hội cho vay đúc Lân đường, tháp đường, ... Với ước muốn tạo sự ngọt ngào vui vẻ, làm ăn ngày càng phát đạt cho gia đình trong suốt cả năm.

< Thợ nấu đường đang chế đường nấu chảy vào khuôn.

Phong tục tốt đẹp này không ai còn nhớ nó bắt đầu được tổ chức từ năm nào, chỉ biết đến nay, lễ hội vẫn được duy trì hằng năm.

Theo đó, một số nghệ nhân dân gian có tay nghề từ Sài Gòn cứ mỗi năm một lần đến chùa, dùng đường ăn nấu chảy. Để nấu đường, người thợ thủ công dùng lò tạo nhiệt độ cao khi nấu, luôn tay điều chỉnh lửa để đường nóng nhiều, nóng ít. Một nồi khoảng 3 kg đường cát trắng, khi sôi gần tới mới pha màu tím sen vào.

Bằng kinh nghiệm dân gian, người thợ ước đoán bằng mắt nhìn và mũi nhận biết mùi thơm khi đường tới độ là tắt lửa, nhắc xuống đổ vào khuôn. Khi đổ xong, họ rửa khuôn ngay. Đường có gió là khô cứng, tránh đường non thường bị bể. Khuôn đúc gồm 3 - 4 thanh gỗ ráp lại, trong khuôn có nhiều hoa văn tinh xảo tạo thành hình con Lân, con gà, hay hình tháp, hình trái đào, … Những con Lân đường, tháp đường để đến cả năm không hư bể và cũng không bị kiến bu.

< Ông Trương Văn Điều với một số lân đường vừa mới đúc.

Mỗi biểu tượng trên hoa văn lại mang một ý nghĩa riêng. Tìm hiểu từ những người dân tham dự và tục “vay” ở ngôi chùa này, chúng tôi được biết: Hình Lân với ý nghĩa may mắn, làm ăn suôn sẻ suốt năm; Tượng con gà sẽ mang lại cho người chăn nuôi nhiều thành công như ý. Dân nuôi gà, vịt thường “thỉnh” con vật này. Những ai muốn cất nhà mới, muốn được nhà “cao tầng” thì thỉnh cái tháp với ước mong được gửi gắm vào đó. Một số bà con thỉnh trái đào nói lên những điều tâm linh có sự chứng giám của Phật, tạo hoà khí trong gia đình, ...

Đến chùa Ông Bổn vào sáng ngày Rằm tháng Giêng, chúng tôi được chứng kiến ngoài lễ cầu an do nhà chùa tổ chức, còn có phần “thu nợ vay” năm trước và phát “phiếu vay” mới tùy theo ước nguyện của từng người.

Thẻ vay có ghi điều mong mỏi của từng người. Các thợ nấu đường đổ khuôn tạo vật. Chờ Lân đường, tháp đường, … nguội, nhà chùa cử người để vô bọc cùng với thẻ vay. Tất cả các vật phẩm này sẽ được đưa lên ban Phật cúng. Sau đó, sẽ phát lần lượt cho đến hết. Bà con rất cẩn trọng khi mang đường về nhà, thỉnh nhiều họ phải lót rơm, lót trấu, đóng thùng.

Theo niềm tin, người dân quê không để đường sứt, mẻ hay bị bể, vì họ sợ việc không may đó sẽ khiến công việc làm ăn không thuận lợi. Đến cuối năm, người ta dùng Lân đường, tháp đường, đào đường đó nấu nồi chè cả nhà cùng ăn và tiếp tục đợi đến tháng Giêng sang năm đi thỉnh điều ước mới.

Vay Lân đường không chỉ là lễ hội, phong tục mang ý nghĩa tâm linh, mà còn đem lại niềm tin cho bà con trong cả năm làm ăn, sinh sống may mắn an lành.

Theo Minh Khuyên (Dân Việt)
(DNSG) - "Văn hóa bản địa là chất men làm chúng tôi mê mẩn" là cảm nghĩ của chuyên gia thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert. Với ông, văn hóa bản địa Quảng Bình có sự cuốn hút khó tả, hơn 25 năm khám phá hang động cũng là khoảng thời gian ông được hiểu thêm văn hóa của Việt Nam, hiểu thêm phong tục địa phương ở sâu trong rặng núi Trường Sơn...

Hang động cũng là văn hóa

Nhiều lần gặp ông bà Howard Limbert ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch mới thấy sự đam mê khám phá hang động của họ. Nó như tình cảm ấm áp của họ dành cho đất nước Việt Nam. Việc phát hiện các hang động không đơn giản là kích cỡ lớn nhỏ, mà còn là những giá trị chứa đựng bên trong, những dấu tích chứng tỏ con người xa xưa từng sinh sống nơi đây, và quý giá hơn nữa là hóa thạch của các loài từ biển cả.

Các nhà khoa học của Đức, Anh, Việt Nam đã chứng minh vùng núi rừng Kẻ Bàng có nguồn gốc từ biển cả. Hàng trăm triệu năm trước, vận động của vỏ trái đất đã tạo ra núi và vô số kẽ nứt được nước mưa bào mòn, dần dần trở thành hang động kỳ vĩ. Nhiều dấu tích trong hang động cho thấy từng có sự hiện diện của con người, như hang Bi Ký trong động Phong Nha. Khu vực này được nhiều người đánh giá là một thánh đường Chămpa.

Mới đây, qua khảo sát và nghiên cứu bước đầu, GS. Arlo Griffiths của Trường Viễn Đông Bác Cổ cho biết chưa thể dịch nghĩa những dòng chữ trên vách hang Bi Ký, nhưng ông đoan chắc đó là chữ viết của người Chăm. Ông xác định niên đại của các bản văn khắc trên vách hang khoảng đầu thế kỷ XI. Lần đầu tiên các bản văn trong động Phong Nha được xác định niên đại cụ thể, trước đó chúng đều được nhận định có từ khoảng thế kỷ IX - X, hoặc X - XI.

Sau khi khảo sát kỹ, các nhà ngôn ngữ học của Trường Viễn Đông Bác Cổ đã chụp ảnh các bản văn để đưa về Pháp nghiên cứu, dịch nghĩa nhằm mục đích giới thiệu cho du khách tham quan. Đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cũng đã ghi nhận hình ảnh những ký tự này từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Ông Howard Limbert không ít lần phát hiện các đồ gốm cổ đã vỡ trong những hang động khác ở dãy núi đá vôi Kẻ Bàng. Theo ông, dường như con người xa xưa ẩn cư ở các hang động nên mới còn sót lại dấu tích. Điều này phù hợp với khu vực lưu trú của người A Rem tại xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch.

Trong hàng chục hang động dọc suối Cà Roòng có nhiều hình vẽ sinh hoạt trên vách hang và một số đồ gốm vỡ trên nền hang động. Ông Howard Limbert tin tưởng con người từ sơ khai đã lấy hang động làm nơi trú ẩn, sống cộng đồng, giữ nguồn lửa để nướng chín thức ăn, xua đuổi dã thú... Chính vì thế mà hang động cũng là nơi có nền văn hóa ẩn sâu cần được nghiên cứu và phổ biến bởi các nhà khảo cổ, dân tộc học, nhân chủng học.

Cuốn hút bởi món ăn bản địa

Mấy năm trước, tôi có dịp mời vợ chồng ông Howard Limbert dùng bữa trưa trên "phố bánh xèo" Cô Tám (Đồng Hới) bên bờ sông Nhật Lệ. Họ hết sức thích thú khi lần đầu tiên nếm thử miếng bánh nho nhỏ, giản dị nhưng thơm lừng mùi hương quê miền cát. Miếng bánh giòn tan trong miệng cùng tôm sông, giá đỗ, rau sống trồng trên cát đã cuốn ông bà vào thế giới ẩm thực bản địa.

Howard Limbert bày tỏ: "Tôi chưa bao giờ thưởng thức món ăn nào có mùi vị thơm ngon như thế này, nó rất đặc biệt". Vợ ông bảo giống như đang được hưởng một đặc ân, vì chỉ có những người bạn quý mới đưa mình đến nơi ăn ngon để giúp mình tiếp cận tinh hoa ẩm thực bản địa.

< Ông bà Howard Limbert thưởng thức món ăn bản địa ở đường Cô Tám, Đồng Hới, Quảng Bình.

Những món hải sản từ biển Quảng Bình hay thịt nướng theo kiểu người làng Phong Nha, ông Howard Limbert đều thích. Ông nói: "Tôi cảm nhận được công sức của người thực hiện, lịch sử địa phương chứa đựng trong các món ăn. Tôi thấy cách thức chế biến khác biệt hẳn với những nơi tôi đã đi qua. Như món mực luộc, đó là hải sản tươi, ngon và rẻ, hương vị đậm đà. Tôi gọi đó là văn hóa hiếu khách vì dùng đồ tươi đưa lên bàn ăn là tỏ lòng tương kính khách. Đặc biệt nữa, con mực ở đây có vị ngọt vừa phải, ăn một lần rồi là phải ăn lần nữa, và khi có dịp về với biển Quảng Bình thì nhất định không thể bỏ qua món này".

Một lần ghé bản anh em Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, được nghe trưởng bản Ón - ông Trần Xuân Tư kể đoàn thám hiểm của ông Howard Limbert có ghé nhà và được ông mời món ốc đá. Đây là loại ốc chỉ sống trên núi đá vôi. Mùa Hè, chúng ẩn sâu trong các khe đá, khi mưa đầu mùa rả rích mới bò ra. Loại ốc này, theo anh em Rục, có tác dụng chữa bệnh gút, tiểu đường, huyết áp... Đoàn khách được mời dùng ốc với lá rừng, chấm muối.


Ông Tư bảo họ khen ngon lạ kỳ. Đây là món ăn vùng rẻo cao ít khi người Rục mời khách, phải quý khách lắm họ mới thết đãi.


Ấn tượng cách ăn ong

Ông Howard Limbert rất ấn tượng cách anh em A Rem ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch ăn ong giữa rừng già. Có người nói ăn ong là săn ong, nhưng họ hoàn toàn không cho đó là săn mà là lấy mật ong - một cách hái lượm cổ xưa.

Đi rừng tìm kiếm hang động, đoàn thám hiểm thường gặp anh em A Rem lấy ong trên cây cao mà không dùng thang hoặc dây bảo hiểm, họ cũng không dùng khói để đuổi ong đi. Cây cao bao nhiêu họ cũng trèo lên được, chỉ cần có con dao, họ chặt mây rừng, bện lại, quấn vòng quanh thân cây. Cứ mỗi vòng họ thắt một nút đặt vừa bàn chân để trèo lên, cây càng cao thì thắt càng nhiều nút.

< Một cây rừng có tổ ong được người A Rem thắt dây leo để ăn ong theo cách cổ xưa.

Dường như đa số người lấy mật ong miễn nhiễm với nọc ong nên họ không sợ bị ong đốt. Cũng có người bị đốt sưng hết mình mẩy cả tuần, nhưng vẫn chịu đựng được.

Anh em A Rem không bao giờ lấy hết mật ong, mà luôn chừa lại gần phân nửa. Họ không sợ để lại thì người khác sẽ lấy mà quan trọng là họ không tham lam của rừng, vì nếu tham chắc chắn sẽ bị trả giá cho các mùa sau bởi ong không kéo về. Nếu lấy hết cả mật lẫn tổ, ong sẽ rời bỏ khu rừng, còn chỉ lấy chừng mực, ong sẽ ở lại và cho họ nguồn mật dài lâu. Ấy là cách ứng xử thông minh với tự nhiên.

Có vô số tổ ong ở giữa các vách đá cao tít, cheo leo. Người anh em A Rem không leo lên vách đá thẳng đứng, họ tìm các khe hẻm, leo lên đỉnh núi dùng mây rừng bện thành dây dài, buộc vào gốc cây, thòng dây đu xuống ngang tổ ong để lấy mật.

Cách lấy mật ong rừng từ xa xưa của người A Rem vẫn còn được duy trì đến ngày nay đã gây ấn tượng mạnh với đoàn thám hiểm của ông Howard Limbert. Họ nói: "Đó là cách bảo vệ tự nhiên mà con người văn minh cần học tập. Không tham lam, không tận diệt. Đó cũng là văn hóa bảo tồn, hòa hiếu với tự nhiên".

Theo Hàn Thư (Doanh Nhân Sàigòn)
(TTO) - Lồng tồng (xuống đồng) là lễ hội lớn nhất trong năm ở vùng hồ Ba Bể (Bắc Kạn), với phần lễ cầu mùa và phần hội với các trò chơi dân gian theo phong tục cổ truyền.

< Lễ hội xuân hồ Ba Bể.

Lễ hội diễn ra vào những ngày sau Tết Nguyên đán, ở năm xã trong vùng hồ Ba Bể theo trình tự từ xã Quảng Khê lần lượt đến Khang Ninh, Cao Thượng, Nam Cường, cuối cùng là Nam Mẫu. Người già, người trẻ theo đó mà đi như lời hẹn ước từ xuân này đến xuân sau, từ năm này đến năm sau.

Ơn nghĩa sinh dưỡng của mẹ cha và các vị thần

Lễ hội Lồng tồng tổ chức trên cánh đồng rộng và bằng phẳng được chọn từ xưa đến nay. Phần lễ do cư dân từng thôn bản tự chuẩn bị. Mâm lễ nào cũng phải đủ lễ vật theo truyền thống: pẻng phạ (bánh trời), bánh giầy, bánh chưng, thịt lợn luộc hoặc thịt gà luộc, những quả trứng vịt to nhất nhuộm xanh đỏ (được gọi là trứng công).

< Tung còn.

Ông Ngôn Văn Toàn, một người già uy tín trong bản Pác Ngòi, giải thích: Những vật phẩm tế lễ này mang quan niệm nhân sinh và vũ trụ của người Tày, Nùng, Dao. Bánh trời tượng trưng cho trời được làm từ bột gạo, viên tròn, chiên phồng và tẩm mật để có màu vàng như màu vàng của nắng.

Bánh giầy ưa dùng bánh giầy gấc để có màu đỏ, trong có nhân vừng đen trộn đường tượng trưng cho mặt trời. Bánh chưng gù tượng trưng cho núi đồi và muôn loài thảo mộc, sinh vật trên mặt đất. Thịt lợn, thịt gà là những sản vật ngon và quý của cư dân nông nghiệp nơi đây.

Những quả trứng vịt nhuộm xanh đỏ tượng trưng cho âm dương. Ngày xưa mâm lễ chỉ thế, còn bây giờ người dân muốn mâm cao cỗ đầy thì có thêm mâm ngũ quả, bánh kẹo.

Vào lễ, thầy tào mặc bộ trang phục hành lễ, thực hiện nghi thức cầu cúng trong nhịp đệm của đàn tính và sắc cốt. Thầy sẽ lần lượt đến từng mâm lễ, cắm hương, làm phép để cha Trời - mẹ Đất, thần Nông, thần Nước, thần cây lúa chứng giám lòng lành, thảo thơm của con cháu, xin ban phúc ấm, lúa ngô đầy nhà, gà lợn đầy sàn, trâu bò đầy sân.

Kết thúc phần lễ là điệu múa nộc niệc (chim phượng hoàng), điệu múa diễn lại sự tích đẻ đất, đẻ nước, đẻ người để nhắc nhớ con cháu ngày nay ơn sinh dưỡng của cha mẹ và các vị thần.

Không chỉ là lễ nghi


< Hát giao duyên ở hội xuân.


Lồng tồng khai hội. Mở hội bao giờ cũng là trò tung còn, vừa là trò chơi giao duyên vừa là lễ nghi. Chỉ những nam thanh nữ tú đã có tình ý với nhau mới được chơi. Cây nêu cao tít có vòng tròn được dán giấy đỏ trên ngọn dựng lên giữa đồng.

Những quả còn do bàn tay khéo léo của các cô gái khâu thành túi có hình tam giác hoặc tứ giác, bên trong nhồi những hạt giống khi là thóc, khi là ngô, hai góc đuôi có tua xanh tua đỏ, dây còn dài. Quả còn căng đều là bàn tay khéo.

Người con gái sẽ tung quả còn mình khâu sao cho xuyên thủng vòng tròn trên cây nêu sang phía bên kia để người yêu đón lấy. Vì vậy, tung còn mang quan niệm âm dương giao hòa. Cô gái tung còn để nhận người yêu, trao gửi ước vọng hạnh phúc, sinh sôi nảy nở.

Hội có tục thi hát phong slư, một hình thức hát đối đáp giao duyên. Những chàng trai, cô gái đang tuổi cặp kê chia làm nhiều tốp nhỏ, thường là những tốp bạn thân để hát đối đáp những điệu sli, điệu lượn có người đánh đàn tính, sắc cốt, thổi sáo với ai là người Tày, Nùng; hát pá dung, coóng dung, coóng phây với ai là người Dao.

Tục lệ này thường bắt đầu từ đêm trước khi tổ chức lễ hội và kéo dài đến khi hai bên nam nữ phân định được thắng thua.

< Du khách nước ngoài cùng múa khèn với đồng bào dân tộc.

Những cô gái, chàng trai đàn hay, hát giỏi thường có nhiều bạn tình ý. Để chọn bạn, cô gái lại cầu đến quả còn, sẽ có tranh giành quả còn giữa các chàng trai cùng thích một cô gái. Ai là người đủ dũng cảm và sức mạnh giữ được quả còn đến cuối cùng sẽ trở thành ý trung nhân của cô gái.

Một chàng trai khi đã nhận quả còn thì những cô gái khác có tơ tưởng đến chàng cũng không tiến tới nữa vì chàng đã lựa chọn người bạn chung tình của mình. Sau khi trao gửi “trái tim”, đôi nam nữ có thể đường hoàng nắm tay nhau đi hội và nên vợ nên chồng.

Hội Lồng tồng mang ý nghĩa cầu mùa nên cư dân nơi đây mang hàng nông sản đến khu chợ bán cầu may, mua lấy lộc. Những búp măng vầu tròn mẩy, đặc ruột. Những cây mía tím dóng dài, đang độ lên đường ngọt.

Trứng gà, trứng vịt được cho vào chiếc lồng nhỏ rất đẹp mắt. Những cái giỏ cá bằng tre được đan theo hình tròn và hình dẹt khá lạ mắt với những ai ở vùng khác đến đã quen với hình quả bầu. Người bán, người mua thường chúc nhau: “Trồng cây, cây chóng lớn; nuôi gà, gà đẻ sai; nuôi lợn được lợn; nuôi trâu được trâu”.

Đến hội, thanh niên, người già, trẻ em có thể chơi, xem những trò như đi cà kheo, bắn nỏ, đẩy gậy, chọi gà, bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt dê. Đặc biệt hội Lồng tồng xã Nam Mẫu còn có những trò đặc thù của vùng sát hồ là đua thuyền độc mộc, bắt vịt.

“Lễ lớn lễ Quảng Khê/Hội lớn hội Nam Mẫu”

< Đua thuyền trên hồ Ba Bể.

Quảng Khê mở Lồng tồng sớm nhất và phần lễ lớn nhất trong vùng. Ở Quảng Khê có Thẳm Thinh (động thiêng), theo tín ngưỡng dân gian là nơi trú ngụ của linh hồn người đã khuất và có cầu thang lên trời. Nên trước khi làm lễ cúng tế, thầy tào phải lên xin lễ ở Thẳm Thinh. Đây là lễ mời tổ tiên ở trời về dự lễ Lồng tồng.

Thầy tào cùng hai người giúp việc bày một mâm gạo nếp, một thủ lợn luộc, một chai rượu, thầy châm hương và lầm rầm khấn vái. Khi “xin đài” âm dương giao hòa lúc đó tổ tiên đã về, phần cúng mời đến đó là xong.

Nếu xin đài chưa được, thầy tào phải xin lại đến lúc được mới thôi. Nếu phải xin nhiều lần, thầy tào và người dân sẽ quan niệm năm qua mình mắc lỗi với tổ tiên để tổ tiên trách giận không về. Nên lễ này thường mang tính kể công sinh dưỡng của cha mẹ, sám hối tội lỗi của con cháu.

Lồng tồng của xã Nam Mẫu được tổ chức ngay bên bờ hồ Ba Bể, là hội lớn nhất và đông nhất trong vùng được tổ chức vào hai ngày cố định mùng 9 và 10 tháng giêng, tạo một điểm nhấn gắn với du lịch hồ Ba Bể.

< Trò chơi bắt vịt trên hồ Ba Bể.

Đua thuyền được tổ chức ở hồ một, mỗi thuyền có hai người chèo, thường là một nam, một nữ. Từ bến thuyền Bó Lù, những thuyền đua vòng qua Pò Giả Mải sang bến Chôộc Thẹc.

Khác với sự đua tranh về đích đầu tiên của từng thuyền trong trò đua thuyền, ở trò bắt vịt, các thuyền tham gia trò chơi phải hợp tác với nhau nên phần thưởng là những con vịt thường được người chiến thắng làm thịt và mời các đội chơi cùng ăn.

Những người tham gia trò bắt vịt sẽ phải chèo thuyền độc mộc ra giữa hồ, ban giám khảo sẽ thả vịt cho bơi dưới nước, người ngồi trên thuyền phải lùa vịt để bắt bằng được. Người trên thuyền thì hò nhau bắt vịt, lùa được vịt, tính chộp lấy thì con vịt lặn xuống lại bắt hụt.

Trò bắt vịt thường tạo không khí náo nhiệt trên hồ. Những người đến xem đứng vòng trong vòng ngoài trên bến cổ vũ tạo nên một không khí náo nức mà không hội Lồng tồng nào khác có được.

Theo Tuệ Minh (Dulich.Tuoitre)
(TPO) - Trong tiết trời bàng bạc lạnh những ngày cận Tết đất Hà thành bất ngờ gặp chiếc khăn vuông xanh đỏ mà những thiếu nữ dân tộc Mông, Ráy, Xa Phó... thường vấn khéo léo trên đầu, lại thấy xốn xang những lần đi qua, lang thang phiên chợ rực rỡ sắc màu vùng cao, biên viễn Tây Bắc bồng bềnh mây.

< Chợ cửa khẩu mốc 358 Bạch Đích được mở vào ngày Thân, ngày Dần theo lịch âm hàng tháng.

Không nổi tiếng và sầm uất như chợ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Lao Bảo (Quảng Trị)... nhưng những phiên chợ được họp bên những cột mốc biên giới ở Điện Biên, Hà Giang luôn có sức gọi mời, cuốn hút. Giữa khung cảnh hùng vĩ điệp trùng mây núi quan ải, mỗi phiên chợ nơi đây là một ngày hội của đồng bào các dân tộc, người dân hai bên đường biên giới.

Chợ phiên bồng bềnh mây

Trong hành trình mang lá cờ Trường Sa lên tặng chiến sỹ đồn biên phòng A Pa Chải (xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên), người viết có dịp ghé thăm khu chợ ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc, đúng dịp tết của người dân tộc Hà Nhì. Phiên chợ được mở ngay tại điểm nối A Pa Chải (xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên) - Long Phú (huyện Giang Thành, Vân Nam, Trung Quốc), gần cột mốc số 3 giữa biên giới Việt Nam–Trung Quốc. Cột mốc số 3, được xác định chủ quyền từ năm 2001, màu trắng xám có chiều cao 1,2m, dày 3cm. Nhìn từ cột mốc số 3, Trạm kiểm soát biên phòng A Pa Chải vững chãi với tòa nhà hai tầng khang trang nổi bật giữa núi rừng.

< Hàng bún phở nghi ngút ở chợ phiên Bạch Đích.

Theo giới thiệu của chiến sỹ đồn biên phòng A Pa Chải, chợ được thành lập từ năm 2010, mở phiên họp vào các ngày 3, 13 và 23 dương lịch hằng tháng, cũng là những ngày mở lối cửa khẩu. Mỗi phiên chợ thường họp từ sáng sớm đến 5 giờ chiều. Để phiên chợ diễn ra an toàn và đảm bảo công tác an ninh quốc phòng, mọi người đều phải qua trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng A Pa Chải và trình giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu. Phương tiện được gửi tại khu vực riêng và có các chiến sỹ trông coi cẩn thận, miễn phí.

Chợ biên giới A Pa Chải - Long Phú có diện tích rộng so với mật độ dân cư còn thưa thớt. Các sạp hàng, cũng như cương thổ của hai quốc gia phân biệt bằng vạch bê tông rộng 60cm. Hàng quán được dựng khá đơn sơ, cũng chia ra từng ô nhỏ bày bán các mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu của nhân dân khu vực vùng biên. Những cửa hàng tạp hóa chủ yếu bày bán bánh kẹo, thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên, chè Tân Cương, cao Bạch Hổ...


Đồng bào dân tộc các bản ở xã Sín Thầu mang đến chợ nông sản tự sản xuất được như gạo nếp, gạo đỏ, gà, thảo quả; nông cụ tự rèn dao, cuốc, lưỡi cày của người Hà Nhì. Đây cũng là những mặt hàng được nhiều người Trung Quốc thường tìm mua. Bên phía Trung Quốc, mặt hàng bày bán chủ yếu là đồ gia dụng, điện tử, giày dép quần áo... Không chỉ có người Việt và người Trung Quốc, đến chợ mua sắm còn có người Lào, dù sinh sống ở những bản khá xa chợ.


Trong không khí giao hảo thông thương, chúng tôi đến một cửa hàng của chị người Trung Quốc sát mép đường bê tông, hỏi mua chiếc ô, thử cảm giác đi chợ vùng biên. Dùng tay chỉ mặt hàng và bấm máy tính trả giá, tính tiền hoặc dùng tiền của mỗi nước để ra ký hiệu là chuyện bình thường ở chợ vùng biên. Một cái gật đầu và nụ cười tươi rói giữa chủ và khách đánh dấu sự kết thúc của cuộc mua bán.

Cũng được mở phiên họp gần cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc, có chợ Cửa khẩu Mốc 358 Bạch Đích (xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, Hà Giang). Đến nay đã nhiều dịp đến chợ mốc 358, nhưng sự háo hức vẫn nguyên vẹn như lần đầu tiên lên chơi chợ những ngày xuân 2012. Sau khúc cua, khu nhà kiên cố lợp mái tôn khang trang dần hiện lên qua cửa kính chiếc xe u-oát của Đồn Biên phòng Bạch Đích. Trên con đường sương uốn lượn cheo leo sườn núi, nổi bật từng tốp người xúng xính váy áo rực rỡ sắc màu dập dìu từ các bản trên núi xuống, bản dưới thung lũng lên; vang tiếng xe máy, vó ngựa thồ hàng đến chợ.


< Du khách đến phiên chợ vùng biên còn được gặp những cột mốc chủ quyền. Trong ảnh là cột mốc 358 Bạch Đích, Hà Giang.


Theo giới thiệu, đây là khu chợ duy nhất phục vụ nhân dân 8 thôn bản thuộc xã Bạch Đích, cũng là chợ phiên duy nhất cho người dân giáp biên thuộc huyện Ma Ly Pho, Trung Quốc sang giao lưu mua bán. Thêm nữa, nhiều lái buôn ở các chợ khác thuộc huyện Yên Minh và các huyện lân cận cũng đến thu mua hàng hóa, trao đổi đã góp phần tạo nên sự nhộn nhịp của phiên chợ. Chợ được mở vào ngày Thân, ngày Dần theo lịch âm hàng tháng.

Chen chân chơi chợ, nhiều thành viên trong đoàn báo chí chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng của sản phẩm bày bán, từ hàng nông cụ, nông sản, sản phẩm thủ công truyền thống, đến hàng điện tử, máy móc sản xuất nông nghiệp, phân bón... Những hàng ăn góc chợ nghi ngút khói, phụ nữ trẻ nhỏ xì xụp những tô bún, phở nóng hổi; đàn ông khề khà bên chén rượu ngô, mời nhau bát thắng cố. Góc bày bán đồ nữ trang, đồ dùng gia đình, vải, sợi rộn ràng các bà các cô người dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, La Chí... xúng xính váy áo. Một góc khác, người bán rượu ngô bận rộn với việc chắt rượu từ can sang chai cho khách. Mỗi lần nhớ lại cảm giác xì xụp tô phở nóng béo ngậy, nhâm nhi hương vị cay cay khê nồng đặc trưng của rượu ngô giữa cái lạnh tê tái vùng biên viễn và ánh mắt tò mò của những người xung quanh mà thèm!


Sắc màu


Nơi vùng cao, biên ải quan san chất ngất mây núi Tây Bắc, mỗi phiên chợ tựa như lễ hội sắc màu, với nhiều hoạt động trao đổi mua bán và giao lưu. Đâu chỉ có váy áo, mũ khăn xúng xính trên người đến chợ mà cơ man sắc đỏ đen tím hồng vàng của thổ cẩm, nữ trang, cuộn lanh, chỉ thêu và nông sản, sản vật núi rừng. Đến chợ là những người dân địa phương. Với đồng bào vùng cao, cái mặc có thể chưa đủ ấm, tiền chưa đủ tiêu, nhưng không thể thiếu mặt trong ngày chợ phiên.

Không chỉ trao đổi những sản phẩm tự sản xuất, mua về những thứ không thể tự làm ra, những phiên chợ còn là dịp gặp gỡ trò chuyện của người dân sau những ngày lao động vất vả; lần hẹn hò của những đôi trai gái đã bén duyên nhau. Chẳng thế mà đến chợ phiên vùng cao nơi đâu cũng dễ câu hát trong bài “Chợ phiên Lai Châu”: Đỉnh đèo đội trời, chân đồi đạp suối, sáng mở cửa gặp núi, đêm kê gối bằng rừng. Ngày gùi nắng trên lưng. Vui... tưng bừng phiên chợ... Bước tới phiên chợ đông, má em gọi nắng hồng. Bước tới phiên chợ đông, váy hoa mừng tung tấy.

Chợ phiên vùng cao thường được mở định kỳ vào thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần, nhưng cũng có nơi định thời gian họp khác. Chẳng hạn, chợ phiên Lũng Phìn, Sà Phìn, Phó Bảng, Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) được tính lùi lại các thứ trong tuần, ví dụ, tuần này họp ngày chủ nhật, tuần sau sẽ là thứ bảy, tuần sau nữa là thứ sáu. Hoặc chợ phiên A Pa Chải (Điện Biên) cố định phiên vào các ngày 3,13,23 dương lịch hàng tháng. Chợ thường được họp bên đường hay khoảnh đất bằng tương đối bằng phẳng lưng chừng núi. Dọc từ đầu đến trung tâm chợ bày bán nông cụ, nông sản, sản phẩm tiêu dùng; hàng quán ăn uống. Khu cuối chợ luôn là nơi bán gia súc, gia cầm. Trâu bò, dê, lợn đều được người dân buộc dây thừng dắt đến chợ. Đây là khu vực nhộn nhịp, ồn ã nhất chợ với tiếng chào hàng, ngả giá giữa người mua kẻ bán và tiếng kêu của động vật.

Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, phiên chợ vùng cao càng thêm nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu gấp bội những ngày chợ trong năm. Phiên chợ ngày Tết còn có nhiều hoạt động vui chơi truyền thống của các dân tộc; biểu diễn văn nghệ giải trí lẫn giao duyên. Đầu núi hoa ban, hoa mận đã nở trắng rừng, phiên chợ ngày xuân đã tới cho miệng em cười, áo em rực rỡ...

Theo Mai Xuân Tùng (Tiền Phong)
(DTO) - Trang phục truyền thống là một nét văn hóa đặc sắc của người Mông Miền tây Nghệ An. Từ xa xưa, bộ trang phục truyền thống của người Mông ở Miền tây xứ Nghệ luôn được lưu giữ trong cộng đồng và được sử dụng trong các dịp Tết, lễ hội.

< Các em trông bộ trang phục xuống chợ ngày Xuân.

Phụ nữ Mông ở miền tây xứ Nghệ mặc các bộ trang phục truyền thống vào dịp năm mới hết sức bắt mắt, khác biệt so với các bộ trang phục khác của người Thái, Khơ Mú hoặc Ơ Đu…

Bộ quần áo truyền thống của họ bao gồm quần rộng màu đen (hu thiếc) và áo dài màu đen (lu chiếu chậm) với cổ áo được thêu đáp mảnh công phu.

< Nét đẹp mỹ miều trong bộ trang phục vui Xuân đón Tết của học sinh Mông.

Còn đối với trẻ em, học sinh ở bậc Tiểu học đến THPT thì bộ trang phục dành cho lễ hội, chơi Tết, vui xuân …rất đẹp, bắt mắt với bộ váy xúng xính với 3 loại màu chủ đạo như: áo khoác bên ngoài màu đen, áo trong màu trắng cùng chiếc váy ngắn trắng ngang đầu gối.

< Vẻ đẹp rạng rỡ của các em trong ngày du Xuân.

Và loại màu thứ ba trang trí đẹp cho bộ áo váy là những chiếc túi thêu, chiếc khăn quấn quanh người màu đỏ, pha tím, xanh… nhằm làm cho bộ trang phục của thiếu nữ Mông trở nên sặc sỡ hơn.

Một cô gái hấp dẫn nhất khi cô đeo xung quanh hông thắt lưng thêu trang trí màu hồng sáng và màu xanh lá cây. Có thể đeo thêm trang sức là một sợi dây chuyền bạc lớn, những đồng xu...

Ví thêu trang trí, gọi là ví thuốc phiện và khăn xếp đội đầu (phu chong slua) cũng được mặc trong những dịp đặc biệt. Khăn này dài hơn mười mét lụa màu tím được giữ bằng một dải ruy băng sọc (chang).

Bên cạnh đó, cổ áo trong bộ trang phục của người Mông thể hiện sự khéo léo của bàn tay người phụ nữ. Người phụ nữ sử dụng một cặp nhỏ kéo sáng tạo ra hoa văn cầu kỳ từ miếng vải mỏng, sau đó với các đường khâu nhỏ xíu tỉ mỉ, đáp các miếng vải nhỏ thành một lớp thứ hai lên trên nền vải đã cắt.

< Ở Tri Lễ, hầu hết các em học sinh người Mông đều có bộ trang phục cho mình trong ngày Tết đã thu hút khách xin chụp ảnh chung.

Sau đó, cô trang trí thêm vào đó. Thêu đáp mảnh và các họa tiết rất đa dạng với các hoa văn được sáng tạo từ cuộc sống hàng ngày.

Các họa tiết có thể là hoa đào, ốc, chim, dấu chân của gà, cái đòn gánh, và cối để giã gạo, cái cầu bằng tấm ván đôi hoặc đơn.

Những ngày lễ, Tết… có dịp gặp các thiếu nữ Mông mặc trên mình bộ trang phục đẹp nhất để du Xuân, chơi Tết đã để lại ấn tượng cho người xem.

Theo Nguyễn Duy (Dân Trí)
(DVO) - Tết trâu bắt đầu từ sáng mùng 4 bằng nhang đèn và mâm trái cây, thúng gạo, giấy tiền vàng bạc rượu, trà (có chỗ cúng bằng bánh tét với đường) để cúng “ông Chuồng - bà Chuồng”.

Ngày xưa, con trâu giúp cho người dân quê biết bao công sức, nhất là những khi phải mướn ruộng để canh tác hàng năm. Nhiều nhà nghèo không có trâu phải đi mướn, cơ cực trăm phần. Nhà khá giả một chút coi con trâu là đầu cơ nghiệp. Vì vậy, người nghèo hay người giàu cũng nhờ nó, nhớ công của nó. Tết đến, người người nhà nhà vui chơi, thì ai cũng nhớ tục Tết trâu.

Tết trâu bắt đầu từ sáng mùng 4 bằng nhang đèn và mâm trái cây, thúng gạo, giấy tiền vàng bạc rượu, trà (có chỗ cúng bằng bánh tét với đường) để cúng “ông Chuồng - bà Chuồng”. Sau đó, chủ nhà lại chuồng trâu đổ rượu vào miệng mũi trâu đực, đổ nước trà vào miệng mũi trâu cái, rồi lấy hai lá vàng bạc giấy dán hai sừng. Có người cúng xong còn đem bánh tét đúc cho trâu ăn. Chuồng trâu cũng được dán giấy cho … ăn tết.

Chủ trâu cũng không quên những bao lì xì hoặc cho những thúng gạo, đòn bánh cho những đứa trẻ chăn trâu mướn cho họ, coi như quà thưởng, đền công khó nhọc cả một năm trời cho những đối tượng giúp họ có lúa đầy bồ, gạo đầy cối. Xong nghi thức, trâu được thả ra đám cỏ non người ta đã dành sẵn cho nó.

Trong cuộc sống hiện nay, máy móc đã thay trâu cày, và cũng từ đó phong tục tốt đẹp ngày xưa của ông bà để lại đã gần như vắng bóng.

Tuy nhiên, hình thức nghi lễ nào cũng hàm chứa sự biết ơn của người dân đối với những đối tượng đã phù trợ cho họ vượt qua khó khăn, sự rủi trong đời sống. Yếu tố tâm linh ấy đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn. Tết nhứt cũng là dịp để trả ơn và ghi ơn. Tiền nhân đã gửi gắm nhiều giá trị nhân văn sâu sắc qua những tập tục hình thành nên tự ngày xa xưa ấy!

Theo Minh Khuyên (Dân Việt)
(DNVN) - Trong những dịp tết Nguyên Đán đồng bào dân tộc Khơ Mú lại tổ chức tết Grơ theo phong tục riêng của mình.

< Nghi lễ cầu may bằng cách bôi tiết gà.

May mắn cho chúng tôi khi mùng một tết Ất Mùi được dự tết Grơ tại gia đình thầy giáo người Khơ Mú, Lữ Văn Thịnh (trú tại bản Thanh Bình, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An). Gia đình thầy giáo Thịnh trước đây sinh sống tại bản Xốp Pột, xã Kim Đa, huyện Tương Dương, Nghệ An. Khi công trình thủy điện Bản Vẽ đóng lòng hồ gia đình thầy cùng các hộ dân khác được chuyển về Khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương.

Cũng như bao gia đình đồng bào Khơ Mú khác cứ mỗi dịp đến xuân về gia đình thầy Thịnh lại tổ chức tết Grơ. Hôm chúng tôi có mặt tại gia đình thầy Hiệu đúng vào mùng 1 tết Nguyên đán Ất Mùi khi gia đình cũng đang chuẩn bị làm lễ Grơ đầu năm.

Theo phong tục của đồng bào Khơ Mú để ăn tết Grơ mỗi gia đình đều phải sắm đủ lễ gồm: 1 cặp gà (1 con gà trống, 1 con gà mái), một vò rượu cần, một đĩa cau trầu. Nếu thiếu một trong 3 thứ trên thì không thể thực hiện được nghi lễ của ngày tết Grơ.

Sau khi đồ lễ được bày biện đầy đủ ra giữa nhà người lớn tuổi nhất nhà thầy Thịnh là ông Lữ Xuân Hiệu (bố thầy giáo Thịnh) bắt đầu làm lễ tết Grơ.


Các lễ nghi được ông Hiệu đọc bằng tiếng đồng bào dân tộc Khơ Mú. Sau khi kết thúc bài cúng và lần uống rượu cần đầu tiên một con gà sẽ được cắt mỏ lấy tiết. Rồi ông Hiệu cầm cả con gà bôi tiết lên đầu gối cho từng người trong gia đình. Chủ lấy tiết gà quệt theo chiều từ trên xuống dưới và khẩn cầu cho những điều không tốt đẹp của năm cũ hãy đi ra xa con người.


Khi tất cả mọi người trong gia đình đã được làm nghi lễ này, một con gà khác được cắt mỏ lấy tiết. Tiếp tục lần lượt từng người trong gia đình lại được chủ lễ bôi tiết gà lên đầu gối. Lần này là chiều từ dưới chân lên đầu gối, kèm với câu khấn cho mọi điều tốt đẹp sẽ đến vào năm mới. Sau đó ông Hiệu được chính vợ mình là bà Moong Thị Loan lấy một con gà đã được cắt mỏ quyệt máu lên đầu gối giống mọi thành viên khác.

Ông Hiệu giải thích, theo quan niệm của đồng bào Khơ Mú việc cắt mỏ gà trong tết Grơ rồi lấy máu bôi vào đầu gối, chân của tất cả thành viên trong gia đình là để xua đuổi tà khí để xóa tan bệnh tật, khỏe mạnh. Việc cắt tiết gà để bôi vào đầu gối các thành viên trong gia đình cũng để mong một năm mới may mắn, đôi chân vững vàng trên mọi nẻo đường.   

Sau khi kết thúc nghi lễ trên cả 2 con gà đã được làm thịt để làm mâm cúng mời tổ tiên về ăn tết. Thịt gà, xôi và đồ cúng lễ khi kết thúc lễ được ông Hiệu phát cho mọi người trong gia đình với mong muốn có một năm no ấm. Người được nhận lễ cũng phải cúi đầu nhận lễ rồi chấm lên trán sau đó mới ăn.

Tết Grơ của đồng bào Khơ Mú kéo dài trong vòng 1 ngày 1 đêm. Sau lễ cúng trên coi như năm mới đã bắt đầu với từng nhà. Kết thúc đêm làm lễ một vị khách quý sẽ được gia đình Khơ Mú mời đến nhà làm lễ xông đất. Để xem năm mới có bất trắc hay may mắn gì hay không một vị chức sắc trong bản sẽ được các gia đình mời đến để xem chân của hai con gà làm lễ trước đó.

Tuy nhiên, có một điều khác với các dân tộc khác ngày tết trên bàn thờ của các gia đình Khơ Mú không có hoa tươi. Theo ông Hiệu cho biết: Theo quan niệm của đồng bào Khơ Mú nếu năm mới để lá xanh trên bàn thờ tổ tiên thì gặp điều không may mắn. Do đó cứ mỗi dịp tết đến xuân về dù có hoa đào ở trong vườn nhà đồng bào Khơ Mú cũng không chặt đem vào nhà trang trí.

Sau khi được dự tết tại nhà thầy giáo Thịnh chúng tôi đã được gia đình mời uống rượu cần. Cũng như bao dân tộc khác cứ mỗi độ tết đến xuân về sau mọi nghi lễ tất cả anh em họ hàng đều được mời đến nhà uống rượu cần, ăn cơm vui xuân. Nay cuộc sống của đồng bào Khơ Mú đã khấm khá hơn vì được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Để đồng bào dân tộc Khơ Mú có một cái tết đầy đủ UBND tỉnh Nghệ An cũng đã trao hàng trăm suất quà cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc Khơ Mú đang sinh sống tại các huyện miền tây xứ Nghệ.

Theo Xuân Hòa (Doanh Nghiệp VN)
(TNO) - Trong khi ở các vùng thành thị, trẻ em không biết thế nào là đụng lợn ngày Tết, thì ở nhiều vùng quê, tục này vẫn được duy trì.

Theo ông Quách Công Chử, một người dân ở xã Cẩm Liên (huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa): Đụng lợn dịp Tết giống như cách chia phần khi săn bắt được con mồi của cha ông thủa trước. Người Mường ở vùng núi Thanh Hóa thường vào rừng săn bắt thú. Mỗi cánh thợ săn có khoảng 7 - 15 người, trong đó, dụng cụ săn bắt gồm có chiêng đồng, nỏ, súng kíp…

Họ săn bắt bằng cách tách thành từng nhóm nhỏ 2 người, một người bắn và người còn lại gõ chiêng đồng. Cánh thợ săn sau khi xác định khu vực có thú liền quây con mồi theo hình cánh cung để đuổi thú xuống chân núi. Những loại thú như lợn rừng, hoẵng... khi chạy xuống chân núi tiếp tục bị dồn vào khu vực vùng đầm lầy, vũng trũng. Lúc này, chó săn cùng thợ săn sẽ lao vào bắn và kết liễu con mồi.

Theo các bậc cao niên người Mường, sau khi săn thú về, sẽ có một người đứng ra giám sát việc chia thịt. Khi chia phải đảm bảo ai cũng có đủ các món như thịt thăn, lòng, tai, xương...


Nếu có 7 người đi săn thì chia 8 phần, 8 người đi săn thì chia 9 phần... 1 phần dư ra là để cùng nhau liên hoan.


Ăn xong, người nào xách phần thịt của người đó về nhà. Đặc biệt, trong lúc chia thịt, chú chó cắn nhát đầu tiên vào con mồi được chia hẳn một miếng thịt to.

Cách chia phần thịt sau mỗi chuyến săn thú rừng như vậy được áp dụng cho những lần đụng trâu, bò, đụng lợn từ ngày thường lẫn ngày Tết.

Theo thông lệ của người Mường, thời gian thịt lợn Tết vào ngày 28 hoặc 29.12 âm lịch. Những gia đình tham gia đụng lợn phải dậy từ sáng sớm để nấu nước. Sau đó, những người đàn ông có sức khỏe sẽ bắt lợn đưa lên cân.

Công việc tiếp theo là cắt tiết, cạo lông và mổ lợn. Thời gian hoàn thành giết mổ kéo dài khoảng 3 tiếng. Tiếp đến, gia chủ sẽ cắt một đĩa thịt để thắp hương tổ tiên. Hương cháy được khoảng một phần hai nén, anh em họ hàng, những gia đình tham gia đụng lợn sẽ tập trung liên hoan rồi đem phần thịt của mình về làm giò, chả chuẩn bị cho Tết.

Cũng như người Mường, người dân một số nơi hiện cũng đụng lợn, nhưng việc chia phần có nhiều nguyên tắc. Mục đích chủ yếu đụng lợn ngày Tết vì thấy vui, thấy thích thú và đặc biệt là nhiều người muốn có được thực phẩm an toàn, không dùng chất cấm chăn nuôi, thậm chí không dùng thức ăn công nghiệp.

Chị Lê Thị Hoài Hương, người dân ở huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội) cho biết: "Một số năm, gia đình chị cùng 2 - 3 người khác đụng lợn. Thực ra ăn thì chẳng mấy, nhưng trong lòng thấy thích thú vì đó là tục bao đời để lại. Cộng thêm nữa là để có thực phẩm an toàn ngày Tết".

Theo chị Hương, lợn mà người dân nuôi để đụng vào dịp Tết là "lợn sạch". Thức ăn cho lợn chỉ có cám gạo, rau khoai lang trong vườn, không dùng thức ăn công nghiệp. Thời gian nuôi cho đến khi thịt, kéo dài tới 6 tháng. Năm nào gia đình chị không nuôi được lợn thì rủ người khác lên vùng núi mua lợn đen của người dân tộc về đụng.

“Hàng năm, cứ vào ngày 29 Tết là anh em, con cháu trong gia đình đã tụ họp đông đủ sau cả năm trời bôn ba kiếm sống. Cho nên cái ngày đụng lợn Tết trở nên ấm áp, vui vô cùng”, chị Hương chia sẻ.

Theo Hà An - Nam Anh (Báo Thanh Niên)
(GDVN) - Ngày Tết cổ truyền Việt Nam không thể thiếu mâm ngũ quả.Tuy cùng là mâm ngũ quả nhưng mỗi vùng miền lại có một cách bài trí và lựa chọn các loại khác nhau.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên bàn thờ của mọi gia đình người Việt đều bày mâm ngũ quả cúng tổ tiên. Ngũ quả - thể hiện cho 5 vị Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, 5 yếu tố được cho là đã cấu thành nên vũ trũ. Nếu căn cứ theo màu sắc trong triết lý phương Đông thì mâm ngũ quả phải có 5 loại quả với 5 màu khác nhau. Đó là hình ảnh thể hiện lòng thành kính với những người đã mất và biểu trưng cho việc cầu may mắn, bình an đến với gia đình.

Mâm ngũ quả thường là một chiếc mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân và được gọi là mâm bồng. Nếu không có mâm bồng thì có thể đặt trên một chiếc đĩa to.

- Ngũ quả miền Bắc

Miền Bắc có khí hậu cận nhiệt đới ẩm và có đủ bốn mùa nên các loại quả có vẻ phong phú và đa dạng. Cho nên hầu như tất cả các loại quả đều có thể đặt lên bàn thờ miễn sao mâm ngũ quả trông đẹp mắt là được. Tuy nhiên 5 loại quả thường xuất hiện: chuối, Phật thủ hay bưởi, đào, quýt, táo. Nải chuối sẽ được đặt ở dưới cùng, ở giữa  như bàn tay hứng lấy những gì tinh túy nhất. Màu xanh của chuối tượng trưng cho sự tràn trề nhựa sống của mùa Xuân.

Nằm trong lòng sắc xanh ấy có thể là quả bưởi hoặc quả Phật thủ có sắc vàng. Lý do đặt Phật thủ ở giữa vì loại quả này có mười cánh múi chụm lên như 10 ngón tay, được trưng lên bàn thờ tổ tiên với niềm hi vọng cầu mong được bàn tay Phật trời ban phúc ban lộc. Nếu không tìm được Phật thủ thì có thể đặt quả bưởi vàng căng tròn, tràn đầy, hứa hẹn sự may mắn.

Tiếp sau đó là ba loại quả mang màu sắc khác nhau và tượng trưng cho những điều khác nhau. Nếu quả đào tượng trưng cho sắc hồng thể hiện sự thăng tiến, thành đạt, thì táo mang màu đỏ có nghĩa là phú quý, giàu sang, màu vàng thắm của quýt hi vọng năm mới đầy may mắn và đoàn tụ.

- Ngũ quả miền Trung

Miền Trung là vùng có miền khí hậu khắc nghiệt nhất cả nước, hàng năm xảy ra nhiều thiên tai, bão lũ, gió Lào, hạn hán, lại thêm đất đai vốn cằn cỗi gây nhiều khó khăn cho trồng trọt sản xuất hơn nữa thời gian Tết thường rơi vào mùa Đông khắc nghiệt nên cây trái đặc sản nơi đây rất hiếm.

Người dân nơi đây không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, mà chủ yếu là sự thành tâm của khúc ruột miền Trung cằn cỗi đối với ông bà, tổ tiên. Khó khăn là thế nhưng địa hình lại nằm trong sự giao thương giữa hai miền Bắc- Nam làm cho mâm ngũ quả của người miền Trung vẫn bày biện đủ “ngũ sắc”: chuối, mãng cầu, sung, dừa, thanh long, xoài.. rất đẹp mắt.

- Mâm ngũ quả miền Nam

Nam Bộ nằm trong miền khí hậu đặc trưng  khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với hai mùa: mưa và khô và vùng cận xích đạo, nền nhiệt phong phú, lượng ánh nắng dồi dào.

Khí hậu cuối năm không hề lạnh lẽo như miền Bắc và miền Trung. Nền khí hậu ấy làm cho thị trường hoa quả nơi đây luôn phong phú. Vào dịp Tết hoa quả không khan hiếm như miền Trung và họ cũng chẳng tùy tiện cho tất cả các loại quả lên mâm ngũ quả như người miền Bắc.

Trên mâm ngũ quả của người miền Nam chuộng dừa, mãng cầu, bưởi, xoài, sung (theo câu: “Cầu sung vừa đủ xài”), thêm chân đế là 3 quả dứa (trái thơm) thể hiện sự vững vàng. Đặc biệt, mâm ngũ quả của người miền Nam không thể thiếu cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, tượng trưng cho lòng trung nghĩa và trinh tiết của người phương Nam.

Có sắc vàng của bưởi như miền Bắc, có mãng cầu, xoài như miền Trung “đầu sóng ngọn gió”. Còn thiếu sắc gì thì họ bổ sung sắc đó nhưng ắt hẳn là phải có sự kiêng cữ. Mâm ngũ quả của họ không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi" thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt vì câu “quýt làm cam chịu”.

Người miền Nam chuộng dừa bởi họ quan niệm sắc xanh của dừa tượng trưng cho một năm không túng thiếu cùng quả sung để cầu mong về sức khỏe và tiền bạc đến với gia đình.

Mỗi miền mỗi khác tùy vào đặc trưng khí hậu, sản vật và quan niệm riêng, nhưng tựu chung, mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây, của nếp văn hóa dân tộc, của ý nguyện cầu hòa, an, đủ của người dân Việt.
Chính vì vậy, người dân Việt dù ở phương trời nào, đến ngày Tết cổ truyền vẫn không bỏ qua tục lệ này, như một sự nhắc nhở, cho bản thân và cho con cháu, về cội nguồn của mình.