Văn hóa bản địa là chất men làm chúng tôi mê mẩn" là cảm nghĩ của chuyên gia thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert.
(DNSG) - "Văn hóa bản địa là chất men làm chúng tôi mê mẩn" là cảm nghĩ của chuyên gia thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert. Với ông, văn hóa bản địa Quảng Bình có sự cuốn hút khó tả, hơn 25 năm khám phá hang động cũng là khoảng thời gian ông được hiểu thêm văn hóa của Việt Nam, hiểu thêm phong tục địa phương ở sâu trong rặng núi Trường Sơn...

Hang động cũng là văn hóa

Nhiều lần gặp ông bà Howard Limbert ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch mới thấy sự đam mê khám phá hang động của họ. Nó như tình cảm ấm áp của họ dành cho đất nước Việt Nam. Việc phát hiện các hang động không đơn giản là kích cỡ lớn nhỏ, mà còn là những giá trị chứa đựng bên trong, những dấu tích chứng tỏ con người xa xưa từng sinh sống nơi đây, và quý giá hơn nữa là hóa thạch của các loài từ biển cả.

Các nhà khoa học của Đức, Anh, Việt Nam đã chứng minh vùng núi rừng Kẻ Bàng có nguồn gốc từ biển cả. Hàng trăm triệu năm trước, vận động của vỏ trái đất đã tạo ra núi và vô số kẽ nứt được nước mưa bào mòn, dần dần trở thành hang động kỳ vĩ. Nhiều dấu tích trong hang động cho thấy từng có sự hiện diện của con người, như hang Bi Ký trong động Phong Nha. Khu vực này được nhiều người đánh giá là một thánh đường Chămpa.

Mới đây, qua khảo sát và nghiên cứu bước đầu, GS. Arlo Griffiths của Trường Viễn Đông Bác Cổ cho biết chưa thể dịch nghĩa những dòng chữ trên vách hang Bi Ký, nhưng ông đoan chắc đó là chữ viết của người Chăm. Ông xác định niên đại của các bản văn khắc trên vách hang khoảng đầu thế kỷ XI. Lần đầu tiên các bản văn trong động Phong Nha được xác định niên đại cụ thể, trước đó chúng đều được nhận định có từ khoảng thế kỷ IX - X, hoặc X - XI.

Sau khi khảo sát kỹ, các nhà ngôn ngữ học của Trường Viễn Đông Bác Cổ đã chụp ảnh các bản văn để đưa về Pháp nghiên cứu, dịch nghĩa nhằm mục đích giới thiệu cho du khách tham quan. Đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cũng đã ghi nhận hình ảnh những ký tự này từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Ông Howard Limbert không ít lần phát hiện các đồ gốm cổ đã vỡ trong những hang động khác ở dãy núi đá vôi Kẻ Bàng. Theo ông, dường như con người xa xưa ẩn cư ở các hang động nên mới còn sót lại dấu tích. Điều này phù hợp với khu vực lưu trú của người A Rem tại xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch.

Trong hàng chục hang động dọc suối Cà Roòng có nhiều hình vẽ sinh hoạt trên vách hang và một số đồ gốm vỡ trên nền hang động. Ông Howard Limbert tin tưởng con người từ sơ khai đã lấy hang động làm nơi trú ẩn, sống cộng đồng, giữ nguồn lửa để nướng chín thức ăn, xua đuổi dã thú... Chính vì thế mà hang động cũng là nơi có nền văn hóa ẩn sâu cần được nghiên cứu và phổ biến bởi các nhà khảo cổ, dân tộc học, nhân chủng học.

Cuốn hút bởi món ăn bản địa

Mấy năm trước, tôi có dịp mời vợ chồng ông Howard Limbert dùng bữa trưa trên "phố bánh xèo" Cô Tám (Đồng Hới) bên bờ sông Nhật Lệ. Họ hết sức thích thú khi lần đầu tiên nếm thử miếng bánh nho nhỏ, giản dị nhưng thơm lừng mùi hương quê miền cát. Miếng bánh giòn tan trong miệng cùng tôm sông, giá đỗ, rau sống trồng trên cát đã cuốn ông bà vào thế giới ẩm thực bản địa.

Howard Limbert bày tỏ: "Tôi chưa bao giờ thưởng thức món ăn nào có mùi vị thơm ngon như thế này, nó rất đặc biệt". Vợ ông bảo giống như đang được hưởng một đặc ân, vì chỉ có những người bạn quý mới đưa mình đến nơi ăn ngon để giúp mình tiếp cận tinh hoa ẩm thực bản địa.

< Ông bà Howard Limbert thưởng thức món ăn bản địa ở đường Cô Tám, Đồng Hới, Quảng Bình.

Những món hải sản từ biển Quảng Bình hay thịt nướng theo kiểu người làng Phong Nha, ông Howard Limbert đều thích. Ông nói: "Tôi cảm nhận được công sức của người thực hiện, lịch sử địa phương chứa đựng trong các món ăn. Tôi thấy cách thức chế biến khác biệt hẳn với những nơi tôi đã đi qua. Như món mực luộc, đó là hải sản tươi, ngon và rẻ, hương vị đậm đà. Tôi gọi đó là văn hóa hiếu khách vì dùng đồ tươi đưa lên bàn ăn là tỏ lòng tương kính khách. Đặc biệt nữa, con mực ở đây có vị ngọt vừa phải, ăn một lần rồi là phải ăn lần nữa, và khi có dịp về với biển Quảng Bình thì nhất định không thể bỏ qua món này".

Một lần ghé bản anh em Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, được nghe trưởng bản Ón - ông Trần Xuân Tư kể đoàn thám hiểm của ông Howard Limbert có ghé nhà và được ông mời món ốc đá. Đây là loại ốc chỉ sống trên núi đá vôi. Mùa Hè, chúng ẩn sâu trong các khe đá, khi mưa đầu mùa rả rích mới bò ra. Loại ốc này, theo anh em Rục, có tác dụng chữa bệnh gút, tiểu đường, huyết áp... Đoàn khách được mời dùng ốc với lá rừng, chấm muối.


Ông Tư bảo họ khen ngon lạ kỳ. Đây là món ăn vùng rẻo cao ít khi người Rục mời khách, phải quý khách lắm họ mới thết đãi.


Ấn tượng cách ăn ong

Ông Howard Limbert rất ấn tượng cách anh em A Rem ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch ăn ong giữa rừng già. Có người nói ăn ong là săn ong, nhưng họ hoàn toàn không cho đó là săn mà là lấy mật ong - một cách hái lượm cổ xưa.

Đi rừng tìm kiếm hang động, đoàn thám hiểm thường gặp anh em A Rem lấy ong trên cây cao mà không dùng thang hoặc dây bảo hiểm, họ cũng không dùng khói để đuổi ong đi. Cây cao bao nhiêu họ cũng trèo lên được, chỉ cần có con dao, họ chặt mây rừng, bện lại, quấn vòng quanh thân cây. Cứ mỗi vòng họ thắt một nút đặt vừa bàn chân để trèo lên, cây càng cao thì thắt càng nhiều nút.

< Một cây rừng có tổ ong được người A Rem thắt dây leo để ăn ong theo cách cổ xưa.

Dường như đa số người lấy mật ong miễn nhiễm với nọc ong nên họ không sợ bị ong đốt. Cũng có người bị đốt sưng hết mình mẩy cả tuần, nhưng vẫn chịu đựng được.

Anh em A Rem không bao giờ lấy hết mật ong, mà luôn chừa lại gần phân nửa. Họ không sợ để lại thì người khác sẽ lấy mà quan trọng là họ không tham lam của rừng, vì nếu tham chắc chắn sẽ bị trả giá cho các mùa sau bởi ong không kéo về. Nếu lấy hết cả mật lẫn tổ, ong sẽ rời bỏ khu rừng, còn chỉ lấy chừng mực, ong sẽ ở lại và cho họ nguồn mật dài lâu. Ấy là cách ứng xử thông minh với tự nhiên.

Có vô số tổ ong ở giữa các vách đá cao tít, cheo leo. Người anh em A Rem không leo lên vách đá thẳng đứng, họ tìm các khe hẻm, leo lên đỉnh núi dùng mây rừng bện thành dây dài, buộc vào gốc cây, thòng dây đu xuống ngang tổ ong để lấy mật.

Cách lấy mật ong rừng từ xa xưa của người A Rem vẫn còn được duy trì đến ngày nay đã gây ấn tượng mạnh với đoàn thám hiểm của ông Howard Limbert. Họ nói: "Đó là cách bảo vệ tự nhiên mà con người văn minh cần học tập. Không tham lam, không tận diệt. Đó cũng là văn hóa bảo tồn, hòa hiếu với tự nhiên".

Theo Hàn Thư (Doanh Nhân Sàigòn)