Tab Từ Khóa "Du lịch Quảng Bình"
Showing posts with label Du lịch Quảng Bình. Show all posts
(TPO) - Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới nằm ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), đã được đoàn khảo sát phim King Kong 2 đến từ Hollywood đặc biệt chú ý, dự kiến có những cảnh quay “đinh” cho bộ phim bom tấn tại địa danh này. Tuy nhiên, Sơn Đoòng đã bị loại vào phút chót. Vì sao vậy?

Bảo vệ môi trường là tối thượng

Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, để chuẩn bị một số cảnh quay cho siêu phẩm điện ảnh Kong: Skull Island mà nhiều người gọi nôm na là King Kong 2, do hãng Legendary Pictures đầu tư, những nhà khảo sát đến từ Hollywood đã rong ruổi khắp các địa danh nổi tiếng của Việt Nam trong hơn 8 tháng. Các địa danh Hạ Long (Quảng Ninh), hệ núi đá vôi ở Ninh Bình và hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng của Quảng Bình đã được đoàn khảo sát lựa chọn.

Trong đó, hang động Sơn Đoòng được đoàn khảo sát đặc biệt chú ý, dự kiến có những đại cảnh của siêu phẩm điện ảnh này quay ở đây như: Các pha hành động đỉnh cao, máy bay trực thăng rơi, hay một nhân vật trong phim bị dã thú giết chết… Tuy nhiên, Sơn Đoòng đã bị “loại”, thay vào đó là những địa danh không kém phần nổi tiếng về cảnh đẹp của Quảng Bình.

Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, lý do mà Sơn Đoòng bị loại không phải do không đáp ứng các cảnh quay, hay khó khăn trong di chuyển đối với các siêu sao Hollywood và hàng chục tấn thiết bị kèm theo… mà nguyên nhân chính là để bảo vệ môi trường nguyên sơ, mong manh của Sơn Đoòng. Theo đó, các nhà khảo sát làm phim, sau khi mang về Mỹ những địa danh dự kiến cho cảnh phim, mặc dù rất hài lòng và đánh giá Sơn Đoòng rất phù hợp với bối cảnh của phim, nhưng họ buộc phải chọn những địa danh khác thay cho Sơn Đoòng.

Các nhà làm phim nhận ra rằng, với lượng thiết bị điện ảnh, vật dụng thiết yếu lên đến hàng chục tấn và hàng trăm lượt người vào ra trong thời gian quay phim sẽ ảnh hưởng không tốt đến hệ sinh thái nguyên sơ và mong manh của Sơn Đoòng. Và họ đủ khôn ngoan để tiên lượng những phản ứng từ các nhà hoạt động bảo vệ môi trường trên khắp thế giới, nếu quay ở Sơn Đoòng. Sẽ có thêm những cảnh quay hoành tráng ở hang động lớn nhất thế giới này, tuy nhiên, nó sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như doanh thu của bộ phim, với số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD này, vì vấn đề “bảo vệ môi trường”.

Những địa danh nào thay thế Sơn Đoòng?

< Hang Chuột - nơi được cho sẽ là bối cảnh trong bộ phim.

Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, các địa danh thay thế Sơn Đoòng trong phim King Kong 2 gồm: Đèo Đá Đẽo trên đường Hồ Chí Minh, nằm giữa huyện Minh Hóa và Bố Trạch; hang Tú Làn, hang Chuột ở xã Tân Hóa và hồ Yên Phú ở xã Trung Hóa của huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Đây là những địa danh không nổi tiếng trên thế giới so với Sơn Đoòng, nhưng được xem là những danh thắng có một không hai, không kém phần kỳ vĩ và lộng lẫy.

Đèo Đá Đẽo thuộc vùng đệm của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, là nơi hội tụ nhiều dãy núi trùng điệp, mây phủ bốn mùa. Cảnh đẹp ở đây thêm kỳ vĩ lúc cuối chiều. Ánh nắng hắt qua những rặng núi, ráng hoàng hôn phủ lên đó như dát vàng mọi thứ, rừng mưa trở nên lộng lẫy và huyền bí. Phía dưới các dãy núi là những thung lũng xanh mướt cây trái. Sâu trong các vách núi là những hang đá bí ẩn. Vào ban trưa, đây là khu vực kiếm ăn của không ít chim ưng. Đây là nơi đạo diễn chọn làm bối cảnh cho các nhà thám hiểm trong phim thâm nhập “vùng đất lạ”.

Thung lũng Tân Hóa khuất giữa trùng điệp núi đá vôi của cao nguyên Quy Đạt. Nơi đây có ít nhất 23 hang động dài hàng chục cây số, nhưng chỉ mới đưa vào tour du lịch khám phá mạo hiểm 8 hang động, trong đó sức hút của hang Tú Làn, hay hang Chuột không thua kém bất kỳ hang động nổi tiếng nào trên thế giới. Hang Chuột sẽ là nhà của vua khỉ khổng lồ trong phim. Một trong những đại cảnh được tiết lộ, là chiếc trực thăng của đoàn thám hiểm trong phim King Kong 2 bị rơi gần cửa động Tú Làn, mở đầu cho những hành động nghẹt thở.

Hồ Yên Phú có những bãi đá nhấp nhô trải dài trên mặt nước, huyền ảo trong sương sớm. Giữa bốn bề rừng núi, hồ nước tĩnh lặng, trong vắt như gương soi. Nơi đây là điểm đến uống nước của muôn loài muông thú vào những buổi xế chiều. Trong phim, hồ Yên Phú được chọn quay cảnh “chiến trường” giữa vua khỉ và những quái vật khổng lồ.

Háo hức đón chào

< Có đến 40 chiếc container và 80 chiếc xe 16 chỗ ngồi được đoàn làm phim huy động cho các cảnh quay ở Quảng Bình.

Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, đúng 9 giờ ngày 22/2, chuyên cơ của đoàn làm phim King Kong 2 sẽ đáp xuống sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), để thực hiện những cảnh quay đầu tiên ở Việt Nam. Đoàn làm phim đến từ Hollywood có 150 người, bao gồm đạo diễn, diễn viên, quay phim, kỹ thuật… Số thiết bị chuyên dùng mà họ mang theo nặng 45 tấn. Để bộ phim bất ngờ, hấp dẫn đến khi ra mắt khán giả, những nhà làm phim Hollywood giữ bí mật đến từng chi tiết, đặc biệt với các cảnh quay trong phim.

Chiều 21/2, một ngày trước khi phim được khởi quay, phóng viên Tiền Phong tìm cách tiếp cận phim trường, tuy nhiên có hơn 300 nhân viên bảo vệ túc trực vòng ngoài 24/24. Quan sát từ xa, phim trường chẳng có gì ngoài bãi đỗ xe, các nhà bạt che nắng, mưa cho đoàn làm phim. Theo tìm hiểu, các nhà làm phim không hề tác động vào cảnh vật tự nhiên tại đây. Cảnh sắc thiên nhiên rộng lớn là phim trường, các diễn viên chỉ việc hòa mình vào đó để thực hiện các cảnh quay.

< Hang Chuột, nơi “vua khỉ” sinh sống.

Không chỉ tôn trọng môi trường nên không quay ở Sơn Đoòng tại những địa danh được chọn, các nhà làm phim đều gìn giữ tối đa. Các con đường, bãi đậu xe dẫn vào phim trường được làm mới hoàn toàn, và dưới những lớp đất đá đổ lên đều có trải phủ. Ngay sau khi đoàn làm phim rút đi, nếu nơi nào địa phương yêu cầu để lại sử dụng thì họ để lại, còn không, họ sẽ thu gom bạt, trả lại nguyên trạng. Ngay cả việc đi vệ sinh giữa bạt ngàn rừng núi cũng được tính toán cẩn trọng: họ đưa khoảng 80 nhà vệ sinh công cộng di động từ Hà Nội vào để phục vụ đoàn làm phim.

Theo thông tin mà Tiền Phong có được, để phục vụ các cảnh quay, đoàn phim Hollywood đã làm hơn 3km đường, rộng 7m dẫn vào các phim trường. Có 40 chiếc container và 80 chiếc xe 16 chỗ được thuê để chở các thiết bị và đoàn làm phim quay cảnh tại Quảng Bình. Chi phí cho các cảnh quay ở Quảng Bình chiếm hơn ½ trong tổng số 30 triệu USD dành cho các cảnh phim ở Việt Nam.

Ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa nói: Mặc dù không biết về các cảnh phim, nhưng nhân dân Tân Hóa rất vui mừng khi biết đoàn làm phim của Hollywood đến quay các cảnh phim bom tấn tại quê mình. Tân Hóa sẽ được hưởng lợi con đường gần 3km dẫn từ trung tâm xã vào thung lũng Tú Làn. Ngoài ra, đoàn làm phim còn hỗ trợ nhân dân Tân Hóa hoa màu bị ảnh hưởng, cũng như tiền mua rơm rạ để nhốt trâu bò trong những ngày làm phim. Nhưng tự hào hơn hết, Tân Hóa, một thung lũng hẻo lánh sẽ được cả thế giới biết đến nhờ phim King Kong 2.

Được biết, tỉnh Quảng Bình cũng đã chuẩn bị cả vật chất, lẫn tinh thần để chào đón đoàn làm phim. Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở VH, TT&DL Quảng Bình cho biết: Đoàn làm phim sẽ lưu lại Quảng Bình 5 ngày, từ 22 đến 27/2. Sẽ có nhiều buổi giao lưu giữa đoàn làm phim với cán bộ và nhân dân Quảng Bình. Nhưng đặc biệt nhất, Quảng Bình sẽ cho lưu lại những hình tượng, nhân vật trong phim King Kong 2 bằng tượng điêu khắc, nhằm lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ đối với nhân dân Quảng Bình cũng như đối với du khách khi đến Quảng Bình, với slogan: “Quảng Bình – phim trường của Hollywood”. 

(DNSG) - "Văn hóa bản địa là chất men làm chúng tôi mê mẩn" là cảm nghĩ của chuyên gia thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert. Với ông, văn hóa bản địa Quảng Bình có sự cuốn hút khó tả, hơn 25 năm khám phá hang động cũng là khoảng thời gian ông được hiểu thêm văn hóa của Việt Nam, hiểu thêm phong tục địa phương ở sâu trong rặng núi Trường Sơn...

Hang động cũng là văn hóa

Nhiều lần gặp ông bà Howard Limbert ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch mới thấy sự đam mê khám phá hang động của họ. Nó như tình cảm ấm áp của họ dành cho đất nước Việt Nam. Việc phát hiện các hang động không đơn giản là kích cỡ lớn nhỏ, mà còn là những giá trị chứa đựng bên trong, những dấu tích chứng tỏ con người xa xưa từng sinh sống nơi đây, và quý giá hơn nữa là hóa thạch của các loài từ biển cả.

Các nhà khoa học của Đức, Anh, Việt Nam đã chứng minh vùng núi rừng Kẻ Bàng có nguồn gốc từ biển cả. Hàng trăm triệu năm trước, vận động của vỏ trái đất đã tạo ra núi và vô số kẽ nứt được nước mưa bào mòn, dần dần trở thành hang động kỳ vĩ. Nhiều dấu tích trong hang động cho thấy từng có sự hiện diện của con người, như hang Bi Ký trong động Phong Nha. Khu vực này được nhiều người đánh giá là một thánh đường Chămpa.

Mới đây, qua khảo sát và nghiên cứu bước đầu, GS. Arlo Griffiths của Trường Viễn Đông Bác Cổ cho biết chưa thể dịch nghĩa những dòng chữ trên vách hang Bi Ký, nhưng ông đoan chắc đó là chữ viết của người Chăm. Ông xác định niên đại của các bản văn khắc trên vách hang khoảng đầu thế kỷ XI. Lần đầu tiên các bản văn trong động Phong Nha được xác định niên đại cụ thể, trước đó chúng đều được nhận định có từ khoảng thế kỷ IX - X, hoặc X - XI.

Sau khi khảo sát kỹ, các nhà ngôn ngữ học của Trường Viễn Đông Bác Cổ đã chụp ảnh các bản văn để đưa về Pháp nghiên cứu, dịch nghĩa nhằm mục đích giới thiệu cho du khách tham quan. Đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cũng đã ghi nhận hình ảnh những ký tự này từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Ông Howard Limbert không ít lần phát hiện các đồ gốm cổ đã vỡ trong những hang động khác ở dãy núi đá vôi Kẻ Bàng. Theo ông, dường như con người xa xưa ẩn cư ở các hang động nên mới còn sót lại dấu tích. Điều này phù hợp với khu vực lưu trú của người A Rem tại xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch.

Trong hàng chục hang động dọc suối Cà Roòng có nhiều hình vẽ sinh hoạt trên vách hang và một số đồ gốm vỡ trên nền hang động. Ông Howard Limbert tin tưởng con người từ sơ khai đã lấy hang động làm nơi trú ẩn, sống cộng đồng, giữ nguồn lửa để nướng chín thức ăn, xua đuổi dã thú... Chính vì thế mà hang động cũng là nơi có nền văn hóa ẩn sâu cần được nghiên cứu và phổ biến bởi các nhà khảo cổ, dân tộc học, nhân chủng học.

Cuốn hút bởi món ăn bản địa

Mấy năm trước, tôi có dịp mời vợ chồng ông Howard Limbert dùng bữa trưa trên "phố bánh xèo" Cô Tám (Đồng Hới) bên bờ sông Nhật Lệ. Họ hết sức thích thú khi lần đầu tiên nếm thử miếng bánh nho nhỏ, giản dị nhưng thơm lừng mùi hương quê miền cát. Miếng bánh giòn tan trong miệng cùng tôm sông, giá đỗ, rau sống trồng trên cát đã cuốn ông bà vào thế giới ẩm thực bản địa.

Howard Limbert bày tỏ: "Tôi chưa bao giờ thưởng thức món ăn nào có mùi vị thơm ngon như thế này, nó rất đặc biệt". Vợ ông bảo giống như đang được hưởng một đặc ân, vì chỉ có những người bạn quý mới đưa mình đến nơi ăn ngon để giúp mình tiếp cận tinh hoa ẩm thực bản địa.

< Ông bà Howard Limbert thưởng thức món ăn bản địa ở đường Cô Tám, Đồng Hới, Quảng Bình.

Những món hải sản từ biển Quảng Bình hay thịt nướng theo kiểu người làng Phong Nha, ông Howard Limbert đều thích. Ông nói: "Tôi cảm nhận được công sức của người thực hiện, lịch sử địa phương chứa đựng trong các món ăn. Tôi thấy cách thức chế biến khác biệt hẳn với những nơi tôi đã đi qua. Như món mực luộc, đó là hải sản tươi, ngon và rẻ, hương vị đậm đà. Tôi gọi đó là văn hóa hiếu khách vì dùng đồ tươi đưa lên bàn ăn là tỏ lòng tương kính khách. Đặc biệt nữa, con mực ở đây có vị ngọt vừa phải, ăn một lần rồi là phải ăn lần nữa, và khi có dịp về với biển Quảng Bình thì nhất định không thể bỏ qua món này".

Một lần ghé bản anh em Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, được nghe trưởng bản Ón - ông Trần Xuân Tư kể đoàn thám hiểm của ông Howard Limbert có ghé nhà và được ông mời món ốc đá. Đây là loại ốc chỉ sống trên núi đá vôi. Mùa Hè, chúng ẩn sâu trong các khe đá, khi mưa đầu mùa rả rích mới bò ra. Loại ốc này, theo anh em Rục, có tác dụng chữa bệnh gút, tiểu đường, huyết áp... Đoàn khách được mời dùng ốc với lá rừng, chấm muối.


Ông Tư bảo họ khen ngon lạ kỳ. Đây là món ăn vùng rẻo cao ít khi người Rục mời khách, phải quý khách lắm họ mới thết đãi.


Ấn tượng cách ăn ong

Ông Howard Limbert rất ấn tượng cách anh em A Rem ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch ăn ong giữa rừng già. Có người nói ăn ong là săn ong, nhưng họ hoàn toàn không cho đó là săn mà là lấy mật ong - một cách hái lượm cổ xưa.

Đi rừng tìm kiếm hang động, đoàn thám hiểm thường gặp anh em A Rem lấy ong trên cây cao mà không dùng thang hoặc dây bảo hiểm, họ cũng không dùng khói để đuổi ong đi. Cây cao bao nhiêu họ cũng trèo lên được, chỉ cần có con dao, họ chặt mây rừng, bện lại, quấn vòng quanh thân cây. Cứ mỗi vòng họ thắt một nút đặt vừa bàn chân để trèo lên, cây càng cao thì thắt càng nhiều nút.

< Một cây rừng có tổ ong được người A Rem thắt dây leo để ăn ong theo cách cổ xưa.

Dường như đa số người lấy mật ong miễn nhiễm với nọc ong nên họ không sợ bị ong đốt. Cũng có người bị đốt sưng hết mình mẩy cả tuần, nhưng vẫn chịu đựng được.

Anh em A Rem không bao giờ lấy hết mật ong, mà luôn chừa lại gần phân nửa. Họ không sợ để lại thì người khác sẽ lấy mà quan trọng là họ không tham lam của rừng, vì nếu tham chắc chắn sẽ bị trả giá cho các mùa sau bởi ong không kéo về. Nếu lấy hết cả mật lẫn tổ, ong sẽ rời bỏ khu rừng, còn chỉ lấy chừng mực, ong sẽ ở lại và cho họ nguồn mật dài lâu. Ấy là cách ứng xử thông minh với tự nhiên.

Có vô số tổ ong ở giữa các vách đá cao tít, cheo leo. Người anh em A Rem không leo lên vách đá thẳng đứng, họ tìm các khe hẻm, leo lên đỉnh núi dùng mây rừng bện thành dây dài, buộc vào gốc cây, thòng dây đu xuống ngang tổ ong để lấy mật.

Cách lấy mật ong rừng từ xa xưa của người A Rem vẫn còn được duy trì đến ngày nay đã gây ấn tượng mạnh với đoàn thám hiểm của ông Howard Limbert. Họ nói: "Đó là cách bảo vệ tự nhiên mà con người văn minh cần học tập. Không tham lam, không tận diệt. Đó cũng là văn hóa bảo tồn, hòa hiếu với tự nhiên".

Theo Hàn Thư (Doanh Nhân Sàigòn)
Trong những ngày đầu xuân Bính Thân 2016, hàng ngàn lượt người đã đến thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình du xuân, vãn cảnh chùa Hoằng Phúc và cầu lộc cầu an.

< Một góc chùa mới phục dựng.

Theo sử cũ, Hoằng Phúc là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung; chùa được tạo dựng cách đây trên 700 năm. Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm và cầu phước đức cho dân lành. Lúc đó Hoằng Phúc có tên là Am Tri Kiến. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đặt tên chùa là Kính Thiên Tự. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự, tục danh chùa Trạm hay chùa Quan.

< Cổng tam quan ngoại chùa Hoằng Phúc ngày đầu xuân.

Thời kháng chiến, đây là nơi che giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Trong chiến tranh, chùa bị bom đạn đánh phá hư hỏng gần như toàn bộ; chỉ còn lại nền móng và một bên cổng tam quan. Một số hiện vật quý của chùa còn được nhân dân địa phương lưu giữ như chuông khánh, câu đối và tượng hộ pháp.

< Chính diện chùa Hoằng Phúc.

Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cho chùa Hoằng Phúc.

< Cổng tam quan chùa cũ được xem là nơi linh thiêng và đang được lưu giữ trong khuôn viên chùa mới. Một cây cổ thụ mọc trên cổng tam quan cũ, rễ cây ôm trọn phần cổng.

< Hàng nghìn lượt người đã đến viếng chùa đầu xuân.

< Giếng cổ được phục dựng.

Ngày 30.11.2014, UBND tỉnh Quảng Bình, UBND huyện Lệ Thủy và Công đoàn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức lễ khởi công phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc với quy mô gồm: tam quan ngoại, tam quan nội, tháp Phật, tam bảo chùa, nhà thờ tổ, tả hữu hành lang, am hóa vàng và các công trình phụ trợ khác…

< Nhiều người dâng hương cầu may, cầu an tại chùa.
< Các Phật tử đọc kinh cầu an.


Sau hơn 1 năm xây dựng, chùa được hoàn thành. Ngày 15.1, các cơ quan, tổ chức đã cung nghinh xá lợi Phật tổ Thích Ca Mầu Ni từ chùa Shwendagon (chùa Vàng; ngôi chùa lớn nhất, linh thiêng nhất Myanmar) do Giáo hội Phật giáo Myanmar tặng về an vị tại chùa Hoằng Phúc. Ngày 16.1, lễ khánh hạ chùa được tổ chức; trong đợt này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với chùa Hoằng Phúc.

< Nơi đặt các tượng Phật ở trong chùa.

Theo quan niệm của người dân địa phương, Hoằng Phúc là ngôi chùa linh thiêng, trước đây khi chưa phục dựng, dịp lễ tết đã có nhiều người đến dâng hương viếng chùa, cầu may cầu an. Nay chùa được phục dựng bề thế, cảnh quan đẹp càng thu hút nhiều người hơn. Bính Thân 2016 là xuân đầu tiên của chùa mới, chùa được khánh hạ đúng dịp tết đến xuân về nên Phật tử cũng như người dân xa gần nô nức trẩy hội chùa.

< Nhiều người vãn cảnh chùa trong đêm.

Theo Trương Quang Nam (Thanh Niên)