(TNO) - Trong khi ở các vùng thành thị, trẻ em không biết thế nào là đụng lợn ngày Tết, thì ở nhiều vùng quê, tục này vẫn được duy trì.
Theo ông Quách Công Chử, một người dân ở xã Cẩm Liên (huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa): Đụng lợn dịp Tết giống như cách chia phần khi săn bắt được con mồi của cha ông thủa trước. Người Mường ở vùng núi Thanh Hóa thường vào rừng săn bắt thú. Mỗi cánh thợ săn có khoảng 7 - 15 người, trong đó, dụng cụ săn bắt gồm có chiêng đồng, nỏ, súng kíp…
Họ săn bắt bằng cách tách thành từng nhóm nhỏ 2 người, một người bắn và người còn lại gõ chiêng đồng. Cánh thợ săn sau khi xác định khu vực có thú liền quây con mồi theo hình cánh cung để đuổi thú xuống chân núi. Những loại thú như lợn rừng, hoẵng... khi chạy xuống chân núi tiếp tục bị dồn vào khu vực vùng đầm lầy, vũng trũng. Lúc này, chó săn cùng thợ săn sẽ lao vào bắn và kết liễu con mồi.
Theo các bậc cao niên người Mường, sau khi săn thú về, sẽ có một người đứng ra giám sát việc chia thịt. Khi chia phải đảm bảo ai cũng có đủ các món như thịt thăn, lòng, tai, xương...
Nếu có 7 người đi săn thì chia 8 phần, 8 người đi săn thì chia 9 phần... 1 phần dư ra là để cùng nhau liên hoan.
Ăn xong, người nào xách phần thịt của người đó về nhà. Đặc biệt, trong lúc chia thịt, chú chó cắn nhát đầu tiên vào con mồi được chia hẳn một miếng thịt to.
Cách chia phần thịt sau mỗi chuyến săn thú rừng như vậy được áp dụng cho những lần đụng trâu, bò, đụng lợn từ ngày thường lẫn ngày Tết.
Theo thông lệ của người Mường, thời gian thịt lợn Tết vào ngày 28 hoặc 29.12 âm lịch. Những gia đình tham gia đụng lợn phải dậy từ sáng sớm để nấu nước. Sau đó, những người đàn ông có sức khỏe sẽ bắt lợn đưa lên cân.
Công việc tiếp theo là cắt tiết, cạo lông và mổ lợn. Thời gian hoàn thành giết mổ kéo dài khoảng 3 tiếng. Tiếp đến, gia chủ sẽ cắt một đĩa thịt để thắp hương tổ tiên. Hương cháy được khoảng một phần hai nén, anh em họ hàng, những gia đình tham gia đụng lợn sẽ tập trung liên hoan rồi đem phần thịt của mình về làm giò, chả chuẩn bị cho Tết.
Cũng như người Mường, người dân một số nơi hiện cũng đụng lợn, nhưng việc chia phần có nhiều nguyên tắc. Mục đích chủ yếu đụng lợn ngày Tết vì thấy vui, thấy thích thú và đặc biệt là nhiều người muốn có được thực phẩm an toàn, không dùng chất cấm chăn nuôi, thậm chí không dùng thức ăn công nghiệp.
Chị Lê Thị Hoài Hương, người dân ở huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội) cho biết: "Một số năm, gia đình chị cùng 2 - 3 người khác đụng lợn. Thực ra ăn thì chẳng mấy, nhưng trong lòng thấy thích thú vì đó là tục bao đời để lại. Cộng thêm nữa là để có thực phẩm an toàn ngày Tết".
Theo chị Hương, lợn mà người dân nuôi để đụng vào dịp Tết là "lợn sạch". Thức ăn cho lợn chỉ có cám gạo, rau khoai lang trong vườn, không dùng thức ăn công nghiệp. Thời gian nuôi cho đến khi thịt, kéo dài tới 6 tháng. Năm nào gia đình chị không nuôi được lợn thì rủ người khác lên vùng núi mua lợn đen của người dân tộc về đụng.
“Hàng năm, cứ vào ngày 29 Tết là anh em, con cháu trong gia đình đã tụ họp đông đủ sau cả năm trời bôn ba kiếm sống. Cho nên cái ngày đụng lợn Tết trở nên ấm áp, vui vô cùng”, chị Hương chia sẻ.
Theo Hà An - Nam Anh (Báo Thanh Niên)