Mỗi khi bắt đầu canh tác ở một khu rẫy mới, việc đầu tiên mà đồng bào Cơ Tu cần làm đó là tìm vật liệu tranh, tre, nứa, lá để dựng một căn chòi trên một vị trí phù hợp.
(LV) - Mỗi khi bắt đầu canh tác ở một khu rẫy mới, việc đầu tiên mà đồng bào Cơ Tu cần làm đó là tìm vật liệu tranh, tre, nứa, lá để dựng một căn chòi trên một vị trí phù hợp. Chòi rẫy tuy đơn sơ nhưng gắn bó thiết thân với cuộc sống mưu sinh của đồng bào miền núi.

Nơi chọn để dựng chòi thường ở vị trí có thể quan sát tốt nhất nhằm canh gác bảo vệ hoa màu khỏi sự tấn công phá hoại của chim chóc, thú rừng, ngắm cảnh thư giãn sau thời gian lao động mệt nhọc.

Chòi rẫy - nơi trú mưa nắng...

Chòi rẫy (Xu) là kiểu kiến trúc nhà sàn khá đơn giản. So với ngôi nhà sàn của họ sinh sống hàng ngày ở làng thì chòi rẫy đơn sơ và nhỏ hơn nhiều lần. Kích thước khoảng 1,5m x 2m, cao chừng 2m, được dựng trên 8 - 10 thân cây nhỏ với kỹ thuật buộc dây đơn giản.

Nối kết các thân cột và cũng là điểm tựa để lót sàn là những thanh gỗ hoặc tre nằm song song mặt đất. Sàn lót bằng những thanh nứa đập dập hay những nan tre được bện bằng sợi mây hay dây cước. Rẫy được bưng kín ba mặt bằng phên tre hoặc lá tranh để che nắng gió, mưa tạt.

Một số chòi nhỏ như một túp lều, chỉ có mái che và sàn, không có phên vách, nhìn trống không cả bốn bên để dễ dàng quan sát xung quanh. Loại nhà túp này thường bố trí trên các đồi rẫy cao, chỉ để vào nghỉ giải lao, trú mưa, tránh nắng trong lúc làm cỏ, thu hoạch lúa. Mái chòi được lợp bằng cỏ tranh hay lá cọ, lá mây. Cấu trúc mái giống như nhà sàn nhỏ để cư trú hàng ngày trong làng. Mái trước cao hơn để dễ trèo lên xuống cũng như quan sát, mái sau thấp, có khi lợp kín đến sát sàn mền không cần phải che vách phía sau.

... và là nơi tình tự của đôi trai gái

Chòi rẫy là một dạng kiến trúc phụ nhưng đa chức năng giống như nhà zơng dùng để bảo vệ rẫy; kho cất giữ nguồn lương thực khi mới thu hoạch; chỗ nghỉ ngơi trong canh tác, săn bắn; là nơi tự tình của trái gái trong tục đi sim. Ngoài chức năng chính là phục vụ ăn ở, nghỉ ngơi của người dân trong mỗi mùa rẫy, thu hoạch hoa màu, lương thực, nhà rẫy còn là nơi tìm hiểu, yêu đương của các đôi trai gái sắp cưới.

Theo phong tục của người Cơ Tu, khi trai gái yêu nhau, các thỏa thuận trao đổi vật chất giữa hai bên gia đình được thực hiện xong, chuẩn bị tiến đến hôn nhân, được phép của già làng, đôi trai gái dắt nhau ra nhà rẫy để ngủ (tục này chỉ có ở người Cơ Tu). Họ tìm hiểu, ăn ở với nhau cả ngày lẫn đêm tại nơi đây, thời gian dài hay ngắn tùy theo sở thích của đôi trai gái. Có khi họ ở vài ba ngày đến một tuần, nhưng cũng có khi đôi trai gái ở lại đây cả tháng. Sau đó, đôi trai gái đưa nhau về nhà làng (gươl) trình diện với chủ làng. Kể từ đây đôi trai gái đi lại với nhau như vợ chồng và đám cưới sẽ được tổ chức một thời gian sau đó.

Bảo tồn kiến trúc truyền thống

Chòi rẫy là công trình kiến trúc được bố trí heo hút ngoài bìa rừng, nơi đồng bào phát rẫy làm nương nhưng nó có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất, săn bắt, hái lượm của người Cơ Tu.

Ngày nay, một số địa phương, khi đồng bào từ bỏ tập quán sản xuất nương rẫy thì những căn chòi rẫy cũng dần trở nên vắng bóng. Những túp lều, chòi rẫy trên núi cao được chuyển về làng, bố trí bên cạnh hoặc trước ngôi nhà sàn, để hàng ngày, sau giờ lao động mệt nhọc người ta thường đến đây, cùng bà con hàng xóm chuyện trò, uống rượu, vui chơi.

Loại hình kiến trúc chòi rẫy cũng đã được phục dựng ở các khu du lịch cộng đồng như thôn Bha Hoon, Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu huyện Tây Giang, làng tái định cư như thôn Pơ Ning... góp phần bảo tồn kiến trúc truyền thống các dân tộc miền núi.

Theo Tấn Vịnh (Làng Việt online)