(DVO) - Có dịp đến với Côn Đảo đúng mùa hoa sen nở (từ tháng 9 đến tháng 12), phần lớn du khách thập phương đều dành nhiều thời gian ghé thăm và lưu lại những hình ảnh đẹp tại hồ sen An Hải, nằm ở gần trung tâm đảo.
Từng được ví như “địa ngục trần gian” xưa, Côn Đảo ngày nay là một địa danh gắn liền với thời đấu tranh gian khổ, bi hùng của các chiến sĩ cách mạng bị kẻ thù giam cầm. Song nơi đây cũng hứa hẹn tiềm năng du lịch Côn Đảo bởi vẻ đẹp tiềm ẩn chờ đón sự khám phá của du khách. Đặc biệt hơn, nếu đến thăm Côn Đảo đúng mùa hoa sen nở, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp bông hoa sen thanh khiết của biển đảo thân thương nơi đây.
< Đường Hoàng Phi Yến mềm mại uốn lượn giữa hồ sen An Hải.
Được coi như gạch nối tự nhiên giữa trung tâm đảo với khu vực miếu thờ bà thứ phi Hoàng Phi Yến - một trong những người vợ của chúa Nguyễn Ánh, hồ sen An Hải là hồ nước ngọt lớn thứ 2 ở Côn Đảo, nguồn cung cấp nước ngọt cho cư dân trên đảo.
Từ trên cao nhìn xuống, hồ sen An Hải như một chiếc gương xanh khổng lồ. Hồ rộng khoảng gần 1 ha với bạt ngàn cây hoa sen mọc tự nhiên và có đặc điểm rất riêng là thường nở muộn hơn khoảng 1 tháng so với mùa sen thông thường. Hoa sen nở nơi đây cũng lâu tàn hơn hoa sen ở nơi khác. Khi mà những bông sen ở đất liền đã bắt đầu “vào hạt” thì sen Côn Đảo mới nở rộ. Những ngày đó, cả một vùng hồ rộng lớn luôn ngào ngạt hương hoa sen, thơm man mác, nhẹ nhàng mà tinh khiết.
< Những bông sen muộn giữa hồ sen An Hải.
Theo cư dân trên đảo, không ai biết chính xác hoa sen xuất hiện ở Côn Đảo từ bao giờ. Nhưng có chuyện dân gian kể rằng, do can gián chúa Nguyễn Ánh dựa vào lũ thực dân xâm lược khi ấy để chống lại quân Tây Sơn nên bà phi Hoàng Phi Yến đã bị đày ra Côn Đảo. Hoàng tử Cải con của bà do khóc đòi mẹ nên cũng bị chúa Nguyễn Ánh ném xuống biển trong khi chạy trốn. Được sự giúp đỡ của người dân trên đảo, bà Phi Yến đã xây cất mộ cho hoàng tử Cải và ngày đêm nhang khói cho con.
Trong một lần người dân tổ chức lễ xá tội vong nhân, tên đồ tể là Biện Thi đã nảy lòng ham muốn rồi nén chui vào phòng của bà Phi Yến. Khi hắn đụng đến cánh tay thì bà Phi Yến giật mình tri hô cho dân làng bắt và xử tội tên Biện Thi. Về phần bà Phi Yến, để giữ gìn tiết hạnh, bà đã tự chặt đứt cánh tay rồi quyên sinh.
Người dân tiếc thương đã lập miếu thờ bà Phi Yến. Và cũng từ đó, hồ An Hải bắt đầu xuất hiện hoa sen. Sen mọc tự nhiên với sức sống mãnh liệt. Những búp sen trắng, hồng cùng khoe hương sắc giữa mặt hồ trong xanh như những ném tâm nhang thành kính tưởng nhớ người phụ nữ trung trinh, tiết hạnh.
Hiện nay, với mục đích phát triển du lịch Côn Đảo bền vững, cùng với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, hồ sen An Hải cũng đã được tôn tạo khang trang với con đường mang tên Hoàng Phi Yến trải nhựa rộng thênh thang chia đôi hồ. Những ngày đầu thu, cùng thả bước trên con đường giữa hồ, hít căng lồng ngực hương thơm nhẹ nhàng, mát dịu của hoa sen nở, tâm hồn mỗi người dường như cũng trở lên thanh tịnh, nhẹ nhàng hơn. Hồ sen An Hải cũng là địa điểm lý tưởng cho du khách dừng chân, chụp hình lưu niệm trước khi viếng thăm miều thờ bà Phi Yến.
Theo Tạ Quang Đạo (Dân Việt)