Tab Từ Khóa "Du lịch trong ngày"
Showing posts with label Du lịch trong ngày. Show all posts
Là một điểm đến du lịch mới được đưa vào hoạt động, khai thác du lịch từ tháng 1-2016, Khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La thuộc địa phận thôn 6, xã Quảng La, huyện Hoành Bồ đang dần được nhiều du khách biết đến. Trong những ngày đầu năm mới, một số công ty du lịch lữ hành đã lựa chọn Thiên đường hoa này vào tour du lịch, kết nối với các điểm đến du lịch khác trên địa bàn tỉnh, đưa khách đến tham quan.

Thiên đường hoa Quảng La rộng khoảng 25ha, có vị trí khá lý tưởng,  phong cảnh thiên nhiên nơi đây thật sơn thuỷ hữu tình, vừa có đồi núi, có sông nước. Đến với Thiên đường hoa Quảng La, bạn sẽ được tận hưởng một khoảng không gian thoáng mát, tự nhiên với không khí trong lành, dễ chịu.

Hiện tại, Thiên đường hoa đang sở hữu khoảng 30 loài hoa, trong đó có những loài hoa đặc trưng, mang giá trị thẩm mỹ cao, tưởng chừng chỉ được trồng ở vùng miền núi Tây Bắc như hoa tam giác mạch, cũng được gieo trồng ở đây.

Mùa này đến với thiên đường hoa, bạn sẽ có những tấm hình kỷ niệm rực rỡ cùng với thảm hoa cải vàng, cải trắng đang thời kỳ nở rộ. Đặc biệt là thảm hoa hướng dương, loài hoa mang trong mình một tình yêu cháy bỏng với mặt trời, đang bung những sắc vàng rực rỡ nhất.

Còn gì thú vị hơn khi đến đây, bạn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của các loài hoa lung linh khoe sắc trong không khí ấm áp của những ngày xuân.

Để tạo thuận lợi cho du khách, Thiên đường hoa bố trí những lối đi nhỏ giữa các thảm hoa để du khách tản bộ, chụp ảnh. Ngoài ra, còn có những con đường mòn bao bọc phía ngoài những thảm hoa để du khách có thể đi dạo bộ xung quanh thiên đường hoa.

Cùng với chức năng chính là công viên đi bộ, ngắm hoa, đến đây các bạn trẻ có thể tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, trò chơi dân gian trong những trang trại trồng ngô chủ yếu phục vụ cho du khách, đặc biệt là các bạn học sinh tổ chức các hoạt động dã ngoại.

Theo đại diện Hợp tác xã Nông dược xanh Tinh hoa, đơn vị chủ đầu tư và khai thác du lịch tại đây, khu du lịch sinh thái này vẫn đang trong thời kỳ đầu tư và được chia làm 3 giai đoạn chính.

Hiện nay, đơn vị đang hoàn thiện giai đoạn 1 và 2, đưa vào sử dụng một số hạng mục ngắm hoa và các trò chơi dân gian mang tính vận động để thu hút người dân và du khách, đặc biệt là các bạn trẻ.

Đến tháng 4 này, Thiên đường hoa sẽ đưa vào hoạt động dịch vụ câu cá tại đây. Với khoảng hơn chục chòi lá được dựng lên xung quanh những con suối nhân tạo, uốn quanh thiên đường hoa, chắc chắn sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm khó quên khi đến đây.

Trong giai đoạn tiếp theo, khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa sẽ đầu tư thêm các dịch vụ ăn, nghỉ để đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Mặc dù, vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục đầu tư, hoàn thiện nhưng Thiên đường hoa Quảng La đã bước đầu thu hút được người dân địa phương và du khách quan tâm. Nơi đây đã và đang là điểm hẹn của khách du lịch khi đến với huyện Hoành Bồ, đặc biệt là các bạn trẻ, các đôi uyên ương đến chụp ảnh cưới.

Cách trung tâm thị trấn Hoành Bồ khoảng gần 20 cây số, đường vào Khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La rất thuận lợi, dễ đi. Hiện nay, vé vào cửa khu du lịch này có 2 mức giá, người lớn 30.000 đồng/vé, trẻ em 15.000 đồng/vé.

Theo Cẩm Thu (Báo Quảng Ninh)
Khu du lịch rừng tự nhiên Bằng Tạ nằm trên một quả đồi thấp, thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội, cách khu du lịch Ao Vua 14km và hồ suối Hai 3,8km.

Với số lượng động thực vật phong phú, Bằng Tạ không chỉ là địa danh thu hút khách đơn thuần mà còn là nơi bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái đa dạng và nghiên cứu thiên nhiên, động vật hoang dã. Tổng diện tích toàn bộ khu du lịch là 26,5ha, trong đó riêng diện tích rừng nguyên sinh hơn 17ha.

Bằng Tạ là rừng nguyên sinh gồm 4 tầng cây khép kín tán. Theo kết quả khảo sát sinh thái và tài nguyên sinh vật của Viện Địa lý Việt Nam đã thống kê ở đây có 387 loài thực vật thuộc 252 chi, 94 họ của 4 ngành thực vật bậc cao.

Về động vật ở rừng Bằng Tạ và các địa bàn phụ cận hiện có 13 loài thú thuộc 7 họ, 4 bộ điển hình như họ chuột, dơi quạ, cầy lỏn, sóc cây họ chuột... Riêng chim có 69 loài thuộc 37 họ và 13 bộ.

Hiện tại, khu vực Bằng Tạ có các loài chim lặn, hạc, cắt, sếu, bồ câu, cu cu, sả, gõ kiến, sẻ và các loài bướm... Trong rừng nguyên sinh hiện có trên 200 con khỉ, sống theo từng bầy đàn...

Đến với rừng nguyên sinh Bằng Tạ, du khách có thể thuê xe bò kéo, cưỡi ngựa hoặc đi bộ chứ không được phép đi các loại động cơ. Đây là điều rất độc đáo của khu du lịch này.

Trong tương lai, khu rừng này sẽ được trồng thêm nhiều loài lan quý như hoàng thảo, địa lan, lan hài..., nuôi thả bán tự nhiên thêm một số loài động vật như nai, hoẵng, lợn rừng, hươu sao, hổ, báo, gấu, linh trưởng... để du khách có thể thỏa sức ngắm nhìn và tìm hiểu cuộc sống của các loài thú hoang dã.

Phía bắc của rừng là đầm Long, một hồ nước rộng mênh mông được cải tạo thành các hồ sen, tạo cảnh quan môi trường tự nhiên hấp dẫn. Đầm Long là nơi cư ngụ của các loài động vật, bò sát như cuốc, bìm bịp, tắc kè, thằn lằn, kỳ đà họ rắn nước, rắn hổ chúa...

Sau khi tham quan rừng nguyên sinh, du khách có thể ra bơi thuyền quanh đầm, thả câu hoặc chèo thuyền tới các khu nhà nổi giữa đầm... Quanh bờ đầm Long là những rặng tre, nơi các loài chim về đậu và làm tổ.

Đến với Bằng Tạ du khách sẽ có cơ hội được hít thở bầu không khí trong lành, dạo chơi cùng những loài vật yêu quý, thưởng thức các đặc sản của vùng rừng núi Ba Vì hay tham quan một quần thể làng của dân tộc Mường với nhiều nhà sàn và các hoạt động văn hóa sinh động như đốt lửa trại, uống rượu cần, nghe ca múa nhạc dân tộc...

Nếu ai đó có nhu cầu dã ngoại, sẽ được cung cấp lều bạt, và được hướng dẫn tận tình khu cắm trại và đốt lửa trại. Trong quần thể khu du lịch này cũng xây dựng một khu chợ quê dùng làm nơi giao lưu văn hóa các dân tộc, bán hàng thổ cẩm, phục vụ đặc sản văn hóa ẩm thực... Từ Bằng Tạ du khách có thể dễ dàng nối tour với các điểm du lịch quanh vùng như khu du lịch Ao Vua, vườn cò Ngọc Nhị, hồ Suối Hai...

Theo VietnamTourism
Nằm trong khuôn viên của Vườn quốc gia Ba Vì, cách Hà Nội 65 km về phía Tây: đỉnh non Tản thuộc dãy núi Ba Vì là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá.
Khám phá bí mật của ngàn xanh trên đỉnh Non Tản, bạn mới thấy Nguyễn Tuân viết về cuộc sống chốn thần tiên "ngày tháng thì dài, mà không thấy sốt ruột" là có thật.

Đến ngọn núi Tản Viên, nơi ngự trị muôn đời của Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, vị thần tối linh trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, du khách không chỉ được trở về với huyền tích xa xưa, mà còn đắm chìm trong khung cảnh kỳ bí và thơ mộng của ngọn núi linh xứ Đoài. Nơi đây được ví như đỉnh Olympus trong thần thoại Hy Lạp – nơi ngự trị của thần Zeus.

Núi Tản Viên cao 1.281 m, hay còn gọi là Tản Sơn, Ngọc Tản… Sở dĩ có tên gọi như vậy vì đỉnh núi tròn như cái tán, rộng rãi bao la, hiên ngang hùng vĩ làm trấn sơn cho cả một vùng.

Khu di tích lịch sử đền thờ Tản Viên Sơn Thánh gồm ba ngôi đền: Đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Trong đó đền Thượng là ngôi đền chính, gắn liền với rất nhiều truyền thuyết dân gian liên quan đến tín ngưỡng tâm linh của người Việt.

Hành trình từ chân núi lên đến đền Thượng phải trải qua 12 km đường rừng núi. Nếu đi xe máy phải mất độ 30 phút, đi bộ mất khoảng nửa ngày mới lên đến cốt 1.000 m, nhưng không phải ai cũng có sức khỏe để đi bộ lên được.

Vượt qua những con đường núi vòng vèo uốn lượn, với nhiều khúc cua hiểm trở và cái lạnh quanh năm của núi rừng, người cầm lái phải rất cẩn trọng và kết hợp nhuần nhị mọi động tác phanh cua, về số, tăng ga để vững vàng đối phó với sự ngoặt ngoèo bất ngờ của đường trường.

Trên những cung đường vòng vèo lưng núi, bạn sẽ thấy một bên là cây rừng rậm rạp ngút ngàn với hệ sinh thái đa dạng, một bên là khoảng không bao la với màu trắng xóa của mây trời không phân định và bạn chỉ có thể nhìn thấy tầng dưới rừng cây ở tầm nhìn gần.

Đôi khi có một đám mây trôi qua trước mặt, người lữ khách thích thú dừng chân để thỏa sức ngắm nhìn, cảm nhận rõ rệt cái lạnh xuyên thấu của những giọt nước mây tích tụ đang từ từ bay qua.

Đến cốt 1.000 m, bạn sẽ bắt gặp cổng đền. Từ đây, chỉ có một con đường bộ duy nhất men theo triền núi, đi qua 225 bậc thang nhỏ, rất dốc và hẹp, phải dừng chân nghỉ ở nhiều chặng bạn mới mới có thể lên đến nơi.

Đền Thượng là ngôi đền có lối kiến trúc độc đáo, tựa lưng vào núi tạo thế vững chãi. Hậu cung chính là vách đá Thắt Cổ Bồng linh thiêng có từ ngàn đời xưa, nơi có cây bách xanh cổ hàng trăm năm tuổi. Cành lá nhuốm màu rêu phong của thời gian vươn mình che chắn cho ngôi đền giữa chốn non cao, tựa như cột chống trời trong cõi mơ thực. Ngôi đền tuy không rộng, nhưng huyền bí, có độ sâu thẳm về tâm linh.

Nguyễn Tuân từng viết: "Đứng ở mái nam Đền Thượng mà nhìn xuống thấy được cả khói từ Hoàng Thành Thăng Long, và biết được dải Đà Giang là có thế hiểm". Theo lời của những người trông giữ đền thì vào những hôm trời nắng đẹp, quang mây quả nhiên có thể thấy được.

Nhưng không phải ai cũng có cái may mắn ấy, bởi vào mùa này, phóng tầm mắt ra xa du khách chỉ thấy độc một màu trắng xóa. Thảng hoặc có đám mây gặp gió lướt qua vội vã, để lộ ra quang cảnh núi non hùng vĩ bên dưới, khoảnh khắc ấy như một thước phim quay chậm mà chỉ những vị có duyên mới chớp mắt ghi hình được.

Tận hưởng cuộc sống chốn non cao, ngược dòng lịch sử đắm mình trong thế giới tâm linh và chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên này, con người ta thấy được tĩnh tại, thanh nhàn đến lạ.

Ngày nay không ít người khi du lịch đến đây phần nào còn tưởng tượng quanh cảnh "Trên đỉnh non Tản" vẫn đầy bí ẩn, huyền hoặc như trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân thuở ấy.

(iHay) - Thuở nhỏ xem phim Tây Du Ký, tôi cứ ngỡ loài khỉ chỉ sống trên núi mà thôi. Sau này mới “ngộ” ra thiên đường Hoa Quả Sơn của loài khỉ là chuyện trong phim. Nếu như chưa đặt chân đến Cần Giờ, mọi người sẽ không tin được ở vùng châu thổ lại có một đảo khỉ với hàng ngàn cá thể quần tụ y hệt như thiên đường hoang dã.

Không biết là ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt mà cho đến bây giờ mỗi miền trên dải đất hình chữ S chỉ có duy nhất một nơi gọi là đảo khỉ. Miền bắc có đảo khỉ Cát Dứa nằm trên vịnh Lan Hạ (Quảng Ninh) và miền trung có đảo khỉ Hòn Lao thuộc vịnh Nha Phu (Khánh Hòa) - nơi mà đàn khỉ sống riêng biệt trên những hòn đảo độc lập. Riêng miền nam có đảo khỉ Cần Giờ.

Đảo khỉ Cần Giờ là cách định danh của dân gian khi mọi người thấy khỉ nhiều quá, chứ “chính danh” của nó là Lâm viên Cần Giờ nằm ven trục đường Rừng Sác thuộc xã Long Hòa, H.Cần Giờ (TP.HCM).

< Thường xuyên tràn ra lối bách bộ dành cho du khách.

Thuở nhỏ xem phim Tây Du Ký, tôi cứ ngỡ loài khỉ chỉ sống trên núi mà thôi. Sau này mới “ngộ” ra thiên đường Hoa Quả Sơn của loài khỉ là chuyện trong phim… Nhìn những đàn khỉ tự do tung tẩy khắp nơi, không ít người ví Cần Giờ dường như đã trở thành thiên đường thật của những chú “Tôn Ngộ Không” tự bao giờ rồi. Nó không chỉ “làm chủ” cả khu lâm viên rộng lớn gần 2.000ha mà còn thể hiện “vai trò chủ nhà” khi tỏ ra vô cùng dạn dĩ. Du khách tản bộ nơi đây thì bất cứ lúc nào cũng bị “đụng” bởi cơ man nào là khỉ. Khỉ thoắt nhảy lên bàn ăn, trần xe ô tô quậy tưng, rồi thân thiện vọt lên vai bấu víu vào mặt, tóc, cổ áo du khách để… vòi được thưởng thức ăn.

Các khu rừng ngập mặn nguyên sinh Cần Giờ với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo từng bị “chết trắng” do chất khai quang trong thời chiến tranh trước 1975. Nhưng nhờ đâu mà “những cánh rừng chết” một thời ấy lại có đàn khỉ lên đến hàng ngàn con.


< Khỉ ở Cần Giờ.


Và nhờ đâu chỉ trong vòng 25 năm sau, Cần Giờ trở thành một trong những cánh rừng đẹp nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn được phục hồi sau chiến tranh hóa học đầu tiên trên thế giới và cũng là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam? Đã có một sự hồi sinh thần kỳ ở vùng châu thổ Cần Giờ nhờ vào sức người miệt mài khôi phục màu xanh cây rừng ngút ngàn tầm mắt từ những khoảnh đất trơ trụi. Cũng chính sức người đã tạo ra đảo khỉ độc đáo ở vùng đất cũng rất độc đáo khi nó được hình thành bởi 3 cửa sông Sài Gòn, Đồng Nai và Vàm Cỏ rộng lớn này.

Từng là lính biên phòng, ông Dương Đình Bơ giải ngũ để đi trồng rừng và giữ rừng từ năm 1982. Ông Bơ đã nghỉ hưu nhưng anh em đang làm công tác quản lý ở đảo khỉ vẫn luôn xem ông là người tiên phong trực tiếp dụ khỉ để gầy bầy đàn khi mà ban đầu nó mới chỉ có lác đác vài ba con. Chính ông Bơ cũng không ngờ rằng có ngày đàn khỉ quần tụ đông đúc như bây giờ. Một trong những người điển hình “kế tục sự nghiệp dụ khỉ, nuôi khỉ giữa rừng ngập mặn” một thời của ông Bơ, là anh Nguyễn Hữu Thước với thâm niên 17 năm gắn bó cùng đảo khỉ. Anh Thước quê ở Chợ Gạo (Tiền Giang).


< Tự do tung tẩy trong những cánh rừng ngập mặn.


Năm 1999 anh cưới vợ người Cần Giờ rồi về đây lập nghiệp. Bám trụ được lâu năm như anh Thước có thể nói cũng là một kỳ tích. Đường sá trước đây ở đảo khỉ vô cùng cách trở bởi không có đường bộ mà chỉ có thường thủy len lõi theo những kênh rạch chằn chịt giữa rừng ngập mặn. từ đảo khỉ về trung tâm thành phố bây giờ chỉ mất khoảng hơn 1 giờ đi ô tô, nhưng trước đây nếu có việc cần đi thì phải mất cả ngày đi thuyền. Và bây giờ đảo khỉ cũng không hoang vắng như xưa nữa mà nó đã trở thành một “Hoa Quả Sơn” của đời thật, một thỏi nam châm hút du khách thập phương đến tham quan mỗi ngày.

Đàn khỉ sinh sôi, tăng số lượng đàn theo năm tháng và sự bám trụ kiên cường trong bao bộn bề gian truân của những người như ông Bơ, anh Thước. Không phải là chuyên gia về động vật hoang dã nhưng bằng kinh nghiệm thực tế, anh Thước có khả năng “đọc hiểu tường tận” tập tính loài khỉ.

Anh Thước “đếm” được đàn khỉ bây giờ có gần 1.500 con, chủ yếu là khỉ đuôi dài, chia thành 7 bầy sống ở 7 khu vực trên đảo. Mỗi bầy có một lãnh địa riêng, thường thì nó không xâm chiếm nhau nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra “đại chiến” để thể hiện sức mạnh thống lĩnh trong môi trường tự nhiên.

< Anh Nguyễn Hữu Thước với thâm niên 17 năm gắn bó cùng đảo khỉ.

Ngay trong mỗi bầy khi đến mùa giao phối cũng không hiếm lần đụng độ, rượt nhau chạy te tua giữa những chú khỉ đực. Khỉ cái ở đảo khỉ động dục vào tầm tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, đến đầu mùa mưa (tháng 6 năm sau) thì đẻ (1 lần khỉ mẹ đẻ 1 khỉ con). Sau khi đẻ 4 tháng, khỉ mẹ lại bước vào chu kỳ sinh sản tiếp theo. Không ít lần anh Thước trở thành bà đỡ bất đắc dĩ khi khỉ mẹ bất ngờ gặp sự cố về sức khỏe.

“Hoa Quả Sơn” ở vùng châu thổ Cần Giờ được bảo vệ như báu vật, ngoài bộ phận quản lý thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM còn có sự tham gia của lực lượng biên phòng, kiểm lâm, công an... Một điều thú vị là người dân Cần Giờ có thói quen “cứ chờ đến năm con khỉ để đi xông đất đảo khỉ lấy hên”. Điểm dừng chân để du khách đi ca nô vào Chiến khu cách mạng Rừng Sác bây giờ là “căn cứ địa” của các bầy khỉ. Mỗi lần đến giờ ăn thì nó tràn ra các trục đường vốn dành cho mọi người bách bộ, vừa ngấu nghiến thức ăn vừa “làm cảnh” cho mọi người thỏa thích chụp hình, quay phim.

Theo Tân Phú - Ngọc Hải (iHay.Thanhnien)
(DNSG) - Cách hồ Gươm chỉ khoảng 15km có một ngôi làng cổ đã bao đời đổ bóng bên dòng sông Nhuệ. Từng gốc cây, con ngõ, mái nhà, trang gia phả... của làng Khúc Thủy (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) hiện ra với dáng vẻ rất riêng và đầy sức cuốn hút...

< Cổng làng Khúc Thủy cổ kính, uy nghiêm.

1. Làng Cự Đà dường như đã quá nổi tiếng với nhiều câu chuyện, sự trải nghiệm của nhiều người trong những năm qua. Làng Khúc Thủy chỉ cách làng Cự Đà một con ngõ, tức vài bước chân, là ngôi làng nhỏ bé, đi bộ dọc con đường bê tông ven sông Nhuệ chừng vài trăm mét là đến cuối làng. Thế mới hiểu những người phương xa khi đi lướt qua đây thường nhầm tưởng chỉ có một làng cổ.

Nhưng nếu bước thật chậm và chú ý quan sát sẽ thấy cổng làng Khúc Thủy cổ kính, uy nghi. Dù mới được trùng tu cách đây 20 năm nhưng những dấu tích của thời gian cùng nét vẽ, trang trí đã chứng tỏ chiếc cổng ấy có từ rất lâu rồi. Cổng làng Cự Đà cũng được đánh giá là cổ. Tuy kiến trúc cổng của hai làng có khác nhau, nhưng chắc chắn chúng đều có lịch sử hàng trăm năm.

< Chùa và đình làng Khúc Thủy trong nắng sớm.

2. Nằm bên bờ dòng Nhuệ Giang hiền hòa, làng Khúc Thủy có lịch sử gần 1.000 năm, đã chứng kiến bao đổi thay nơi mảnh đất cửa ngõ phía Nam của Thủ đô. Thời gian thấm thoát thoi đưa, và mỗi vòng quay của chiếc kim đồng hồ lại phủ lên những mái chùa, con ngõ, bức tường, gốc cây nơi đây một lớp màu xưa cũ. Trong cái nắng nhạt đầu Đông, làng cổ Khúc Thủy hiện ra thật thanh bình nhưng cũng đầy hoài niệm.

Khi bước qua cổng làng, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt là hàng cây cổ thụ với bốn thân muỗm và một gốc đa. Bên chiếc giếng cổ ngay sát đình làng, những cây muỗm, cây đa có từ vài trăm năm trước tỏa bóng mát xuống con đường như để che chở cho con cháu, du khách gần xa tìm về với làng.

Những thân cây muỗm to cỡ vài người ôm đứng đó bao đời "nhìn ngắm" bao người qua lại. Gốc cây là nơi chiều chiều các ông lão rủ nhau ra đánh cờ, bóng bà, bóng mẹ đi chợ ngang qua, hay lũ trẻ hò reo đánh bi, đánh đáo mỗi trưa Hè.

< Cổng, tường bao nhiều ngôi nhà ở Khúc Thủy rất cầu kỳ, độc đáo.

Không chờ cơ quan chức năng phong tặng danh hiệu cây di sản, bởi theo các cụ tầm 80 - 90 tuổi ở làng Khúc Thủy, dân làng đã xem chúng là di sản của làng. Chúng không chỉ có giá trị về cảnh quan thiên nhiên mà còn là nét văn hóa truyền thống gắn liền với đất và người Khúc Thủy.

3. Mỗi bờ tường, mái hiên, con ngõ ở Khúc Thủy đều mang nét xưa. Hiếm có ngôi làng nào ở vùng đồng bằng Bắc Bộ còn giữ được những nét xưa nguyên bản như ở Khúc Thủy. Chỉ cần đi sâu vào vài con ngõ nhỏ, ta như lạc vào một không gian xa xưa.

Cái cảm giác hoài niệm ấy dường như mới xuất hiện trong ta khi đặt bước đến làng Cự Đà. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ, so sánh tỉ mỉ thì thấy kiến trúc và văn hóa truyền thống ở Khúc Thủy có sự khác biệt so với Cự Đà. Nếu ở Cự Đà còn khá nhiều ngôi nhà mang kiến trúc thuần Pháp hoặc Pháp - Việt kết hợp với hai tầng uy nghi, bề thế... thì ở Khúc Thủy dường như rất khó tìm thấy một ngôi nhà như thế còn sót lại.


< Những mảng vữa rơi để lộ dấu thời gian qua bức tường.


Ở Khúc Thủy, nhà cổ vài trăm năm hay chỉ vài chục năm hầu như vẫn giữ nguyên nét thuần Việt của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đó là nhà ngói ba gian hai chái. Chúng tôi đã ghé thăm vài ngôi nhà ở Khúc Thủy theo sự chỉ dẫn của các cụ cao niên và nhận thấy nhà cổ ở Khúc Thủy thường lợp ngói mũi hài, cột lim và chạm trổ cửa, hiên rất cầu kỳ, không khác gì đình, chùa.

Cùng một nét hoài cổ nhưng nhà ở Cự Đà mang hơi hướng Tây hóa, còn nhà ở Khúc Thủy vẫn giữ nguyên sự thuần Việt. Ở những hàng hiên, trên những chiếc cổng cổ kính, từng đám rêu bám chặt tầng tầng lớp lớp lưu cữu từ hàng trăm năm qua. Trên nhiều bức tường bao, các mảng vữa dần rơi xuống để lộ màu đỏ của gạch cổ.

4. Bên cạnh những gốc cây cổ thụ, mái nhà có niên đại lâu năm, Khúc Thủy còn có truyền thống hiếu học rất đáng tự hào. Các gia đình ở Khúc Thủy vẫn giữ được nếp sống, sinh hoạt truyền thống gia giáo. Người trong làng và trong mỗi gia đình đều sống hòa ái, trọng đạo lý. Nhà có gia phong, làng có hương ước và tuân theo quốc pháp.


< Cổng đình Khúc Thủy với gác chuông.


Ở làng Khúc Thủy có rất nhiều dòng họ có truyền thống giữ gìn nhà thờ họ với nhiều hoành phi, câu đối, đồ thờ rất bài bản, mang đậm nét văn hóa của người Việt xưa. Hằng năm, các dòng họ ở Khúc Thủy vẫn làm lễ giỗ tổ để con cháu hiểu rõ cội nguồn, truyền thống tốt đẹp bao đời và noi theo.

Nổi bật, tiêu biểu nhất trong các dòng họ ở Khúc Thủy là họ Đào. Nhà thờ họ Đào nằm bên bờ sông Nhuệ có câu đối thể hiện niềm tự hào của dòng tộc: "Thi lễ phấn phát gia phong, khoa giáp đỗ liền ba tiến sĩ/ Xuân thu lưu lại trong quốc sử, phúc nhà sinh hạ một cung phi".

Tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử khoa bảng thời phong kiến của họ Đào ở Khúc Thủy thì chúng tôi được biết cụ Đào Nam Khang (đời thứ 4) đỗ tiến sĩ khoa Sĩ Vọng đời Hậu Lê. Ông từng giữ chức Triều liệt đại phu, trông coi Ty Hiến sứ xứ Thuận Hóa kiêm Tri Quốc Tử Giám. Đời thứ 5 đến lượt cụ Đào Nam Kiệt đỗ tiến sĩ năm 1472, giữ chức Tả thị lang Bộ Binh, trông coi xứ Hưng Hóa, tước Vĩnh Giang hầu. Đời thứ 6, cụ Đào Công Thích (con cụ Đào Nam Kiệt) đỗ Hoàng Giáp năm 1484, giữ chức Tả thị lang Bộ Binh, làm việc ở Ty Hiến sứ, tước Thanh Giang hầu.


< Chùa Thắng Nghiêm.


Truyền thống hiếu học của làng Khúc Thủy được tiếp nối và phát huy đến ngày nay. Ở thế kỷ XX, họ Đào có học giả Đào Duy Anh, em ruột của ông là nhà báo, nhà tư tưởng và lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam Đào Duy Tùng.

Không chỉ có truyền thống khoa bảng với đức hiếu học, người Khúc Thủy còn rất anh dũng, nhiều đời oanh liệt chống giặc ngoại xâm. Đình làng còn lưu giữ tấm bảng "Mỹ tục khả phong" triều Nguyễn ban tặng do làng có công chống giặc ngoại xâm. Sau lại được ban sắc tặng thưởng biển ngạch "Khúc Thủy nghĩa dân" do có công chống thổ phỉ.

5. Dân làng Khúc Thủy đã bảo tồn được giếng làng có từ vài trăm năm. Trước đây, nguồn nước sinh hoạt của dân làng chủ yếu lấy từ giếng này. Về văn hóa tâm linh, ở Khúc Thủy có một ngôi đình và một ngôi chùa rất nổi tiếng. Cổng đình Khúc Thủy làm kiểu tam quan, trên có gác chuông.


< Khu mộ tháp bên trong chùa Thắng Nghiêm.


Hằng năm, vào ngày rằm tháng Hai Âm lịch, dân làng lại mở hội lớn để tưởng nhớ công đức vị Thành hoàng. Theo tư liệu ghi lại, Thành hoàng chính là Trần Thông, con trai của danh tướng Trần Khát Chân đời Trần.

Gần đình Khúc Thủy là ngôi chùa Thắng Nghiêm rộng lớn, có lịch sử hơn 1.000 năm và nơi đây hiện nay thường diễn ra nhiều đại lễ quan trọng của Phật giáo, trong đó có lễ Phật Đản.

Với những nét truyền thống cổ xưa, văn hóa tốt đẹp lâu đời, di sản vật thể lẫn phi vật thể đang còn lưu giữ, Khúc Thủy là ngôi làng cổ cần được bảo tồn và giới thiệu rộng rãi đến công chúng.

Theo Diệp Băng (Doanh Nhân Sàigòn)

(VNN) - Tôi như lạc vào mê cung của đất và lửa trong tòa nhà được kiến trúc cách điệu theo mô hình lò nung gốm sứ Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam. Cả 2 tòa nhà kiến trúc thô mộc từ gạch trần và tre được xây dựng trên không gian 6.500 m2 là nơi lưu giữ hồn cốt làng gốm cổ Thanh Hà có tuổi đời hơn 500 năm.

Trong ký ức của Kiến trúc sư trẻ Nguyễn Văn Nguyên - đứa con sinh ra từ làng gốm cổ Thanh Hà, Hội An vẫn nguyên vẹn của những ngày thơ dại chìm đắm trong đất sét quê nhà. Sau hơn 20 năm xa quê, chàng kiến trúc sư trẻ quay lại làng Nam Diêu, Thanh Hà, nơi nguồn cội để dựng lại tòa nhà theo kiến trúc của lò gốm xưa bằng đất sét nung.

Bước vào khu đất rộng hơn 6.500m2 là hình ảnh 2 tòa nhà được xây dựng bằng gạch trần mà theo Nguyên mô tả chính nơi ấy là nơi lưu giữ những tinh hoa, hồn cốt của làng gốm Thanh Hà nổi tiếng cách đây hơn 500 năm được cách điệu theo mô hình lò nung gốm: Lò úp và lò ngửa có diện tích sử dụng rộng hơn 2.000m2.

Cả một không gian rộng lớn trong 2 tòa nhà này là cả câu chuyện kể bằng hình ảnh, vật dụng, hiện vật… được kết nối suốt chiều dài 500 năm của làng gốm cổ. Theo lời Nguyên, đó là câu chuyện kể về đất sét và lửa mà chàng kiến trúc sư trẻ dồn cả tâm huyết cũng như tiền bạc tích góp dựng nên một công viên đất nung đầu tiên nơi đô thị cổ Hội An.

Nguyên kể rằng anh vẫn nhớ như in ngày đầu tiên sau 20 năm xa quê trở lại làng Nam Diêu gặp các cụ cao niên trong làng để xin xây dựng công viên văn hóa đất nung Thanh Hà. Đó là hành trình trở về cội nguồn mà ở đó là một “không gian – chỉ toàn là gốm, là đất nung” mà nói như các bậc cao niên của làng gốm cổ này thì đó là nơi cháu con hậu thế như Nguyên thỏa sức với đam mê đất và lửa để giữ làng nghề 500 năm.

Trong không gian rộng hơn 2.000 m2 của 2 tòa nhà kiến trúc cách điệu 2 lò nung gốm là cả một thế giới của đất, của lửa, của những thô mộc trăm năm trước. Những viên gạch đỏ au làm nên một không gian toàn màu của đất nâu, hay màu của đất sóng sánh cùng lửa – đỏ au. Cả thế giới của đất nung, của gốm sứ được tạo nên từ những bàn tay sần sùi, những bàn chân cong vẹo vì nhào nặn đất còn hằn in trong từng cuộc đời của các nghệ nhân làng gốm cổ này.

Cụ bà Nguyễn Thị Được kể lại: “Dân làng ở đây bao đời sống chết đều nhờ vào cục đất sét. Nhờ có đất sét mà có sản phẩm góp mặt cho đời. Nhờ có những sản phẩm được nung qua lò úp, lò ngửa mà nuôi được con cái ăn học thành tài… Còn có đất sét là còn có đất sống…”.

Là người ngoại đạo, chẳng hiểu mô tê về kiến trúc, về xếp đặt nhưng khi đặt chân vào không gian của 2 tòa nhà thô mộc được xây dựng bằng gạch, gốm, đất nung và thân tre thô mộc tôi mới cảm nhận hồn cốt của làng gốm cổ 500 năm dâu bể.

Cả thế giới thu nhỏ Công viên Đất nung Thanh Hà sau hơn 4 năm xây dựng là nơi gìn giữ những nét đẹp của làng nghề 500 năm, là giấc mơ chung của những người con Thanh Hà. Gọi là công viên, nhưng đây là một không gian của một bảo tàng gốm sứ, là ngôi nhà chung của các nghệ sĩ từ khắp nơi hội tụ về thỏa ước mơ với đất và lửa để sáng tạo.

Khu công viên Đất nung Thanh Hà khởi công từ tháng 7.2011 với kinh phí đầu tư 22 tỷ đồng. Năm hạng mục chính tại công viên bao gồm: khu bảo tàng gốm, khu trưng bày ngoài trời, khu làng nghề Nam Diêu, khu trại sáng tác, khu vực dịch vụ và xúc tiến thương mại.

Khu bảo tàng gốm trưng bày quá trình hình thành làng nghề gốm, các hiện vật liên quan đến quá trình phát triển của các làng nghề gốm…

Khu trưng bày ngoài trời gồm các tượng gốm lớn, cũng là không gian cảnh quan. Khu trưng bày các mô hình thu nhỏ của các di sản văn hóa Việt Nam và Thế giới như: khu Thành nội Huế, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An. Các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới như: kim tự tháp, đền Parthenon, Đấu trường Colosseum, Khải hoàn môn, tòa thánh Vatican…

Không gian Công viên Đất nung Thanh Hà đã tổ chức nhiều trại điêu khắc, sáng tác, triển lãm cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước. Ông Roby Bellemans - Giám đốc điều hành công viên cho biết sau khi đi vào hoạt động, công viên sẽ có nhiều dự án trải nghiệm dành cho trẻ em và những người đam mê đất và lửa của nghề gốm cổ xưa.

Theo Vũ Trung (Vietnamnet)
Với những người lớn lên cùng nền văn minh lúa nước, nơi đây gợi nhớ nhiều ký ức về một thời đã qua. Còn với những ai yêu say cái sự tĩnh lặng, trầm mặc của một khung cảnh yên ả thanh bình, thì nơi đây là một điểm đến lý tưởng. Nơi đây là “Vườn xưa” ở xã Tú Sơn - huyện Kiến Thụy, là nơi mà “Ta - Người cộng cảm nỗi niềm chung”.

< Một góc nhà cổ nơi khách thưởng thức trà đạo bên ao súng.

Chủ nhân của “Vườn xưa” đã viết như thế trong lời đề tựa chào khách đến thăm quan khu vườn yên tĩnh của mình...

Vườn xưa lưu lại nét canh nông
Chia sẻ với đời những nhớ mong
Sương xuống trước vườn, ươm cỏ nội
Gió lùa sau vách, ngát hương đồng

Cuốc, cày, chồng chất mùa rơm rạ
Liềm, hái, ngổn ngang vụ gánh gồng
Khởi sắc Văn minh vùng lúa nước
Ta - Người cộng cảm nỗi niềm chung

Đặt chân đến cổng “Vườn xưa”, bắt gặp lời đề tựa là mỗi người đã có thể hình dung đôi nét về không gian mà mình sắp khám phá.

Chủ nhân của khu vườn xây dựng lên nó để trải lòng mình qua từng vật dụng, từng khung cảnh. Để rồi mong muốn tìm được niềm đồng cảm từ những người khách ghé thăm. “Vườn xưa” chào đón khách đến thưởng ngoạn bất cứ lúc nào và không thu bất kỳ một loại phí nào.

Và chính anh đã viết về “Vườn xưa” bằng tất thảy nỗi niềm, cảm xúc mà mình đã gửi gắm khi cất công xây dựng nên khu vườn rộng hơn 1.000m2 này: “Một không gian nhỏ, khiêm tốn bên thôn trang trù phú có bốn mùa rau xanh và những cánh đồng lúa nước của miền quê duyên hải.

Vườn xưa mang sắc thái thuần Việt, lắng lòng trở về quá khứ, lưu giữ những công cụ gia điền ở lại cùng thời gian. Bản địa nơi đây có khí chất phong phú đầy tiềm năng, có truyền thống nhân văn cao cả, nền văn hóa đậm đà bản sắc, con người cần mẫn sáng tạo trong lao động…

Thừa kế vốn cổ, khu vườn này tái hiện sắc thái canh nông xưa để gửi gắm cho tương lai. Khuôn viên mang lối kiến trúc dân dã, gần gũi, mượn chất mộc mạc để phơi bày sức sống nội tâm, sắp đặt cho cỏ, đá phải sinh tình, trải lòng đón hương trong gió, nghiêng mình đón nắng ban mai. Vườn xưa chẳng lộng lẫy khác thường nhưng lay động nỗi niềm ký ức, nhuộm kín màu thời gian, bừng lên sự cộng cảm, là nơi chia sẻ của mỗi chúng ta mỗi lần trở về!”

Trong khuôn viên rộng hơn 1.000m2, khách đến chơi có thể tìm thấy ở “Vườn xưa” đủ những thứ vật dụng quen mà lạ. Quen với những ai đã từng một thời gắn bó với chúng, là những nông cụ gắn liền với hạt thóc, hạt gạo. Lạ với những ai mới chỉ được nghe kể mà chưa một lần được nhìn thấy trực tiếp, cho đến khi đặt chân đến khu vườn này. Về khung cảnh chung thì đây được ví như một ngôi làng thu nhỏ. “Làng trong làng” là điều mà mỗi người dễ dàng cảm nhận.

Ẩn mình ở thôn Nãi Sơn, “Vườn xưa” mang một vẻ đẹp bình dị, yên ả đến lạ thường. Bước qua cánh cổng là một không gian xưa cũ, tái hiện đời sống của giai cấp bần cố nông ở đồng bằng Bắc Bộ trong xã hội Việt Nam thế kỷ trước.

Một chiếc cầu đá vắt qua hồ nước nhỏ đầy hoa súng tím, một căn nhà tranh lợp mái rạ, một cây đại 300 tuổi… là những điểm nhấn cho không gian xưa cũ nơi đây. Ban đầu chủ nhân của khu vườn có ý tưởng mô phỏng không gian nông thôn Việt Nam với đầy đủ các hình ảnh, hiện vật của 3 giai cấp: địa chủ, trung nông và bần cố nông, nhưng sau đó, trong khả năng của bản thân, anh quyết định chỉ gây dựng lại một ngôi nhà tranh vách đất của giai cấp bần cố nông xưa.

Trong căn nhà ấy có đầy đủ các loại vật dụng sinh hoạt từ thời xa xưa. Từ chiếc chõng tre, chiếc bồ đựng thóc, một chiếc chum to đến nồi chõ, cối giã gạo, gầu sòng…

Ngay cả những cái đĩa, cái bát ăn cơm cũ kỹ, xấu xí cũng được lưu giữ lại. Còn ở phía ngoài sân, chủ nhân ngôi vườn bày biện thêm nhiều nông cụ khác ở từng góc trưng bày. Là cái lưỡi cày, là đòn gánh với đôi thùng nước, là chiếc xế nước hay chiếc xe cút kít 1 bánh. “Vườn xưa” như trở thành một bảo tàng nông cụ thu nhỏ, hấp dẫn và hiếu kỳ đối với ai muốn tìm hiểu về nền văn minh lúa nước.

Đôi dòng ý niệm của người làm nên bảo tàng ấy sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của những giá trị xưa cũ này: “Ngày nay, những công cụ đang bị mai một dần theo thời gian nên Vườn xưa gợi lại những hình ảnh canh tác của người trồng lúa thông qua văn minh vật chất và văn hóa nông nghiệp.

Những hiện vật không còn dùng trong nông nghiệp đã có mặt tại nơi đây là hình ảnh để Nay hiểu Xưa, giữ mối quan hệ Cũ và Mới cảm nhận tập quán trồng cây lúa từ xa xưa, giờ đã nâng lên thành một nền văn minh lúa nước.

Đó là sự kết tinh sáng tạo trong lao động sản xuất của người nông dân qua nhiều thế hệ. Nếp ở, nếp làm của người nông thôn xưa vốn làm nên bản sắc riêng của từng vùng quê Việt Nam “làm ruộng theo làng, bán hàng theo chợ”. Nông cụ được tạo ra để thể hiện hình thù rất đặc trưng, tác động trực tiếp công việc, rút ngắn thời gian nhọc nhằn, thô sơ nhưng thân thiện với môi trường, ấm áp hơi người lại co sức mạnh trước thiên nhiên”.

Hoàn thành sau chưa đầy một năm xây dựng, mọi thiết kế về khu vườn đều do chính người ấp ủ ý tưởng tự tay làm nên. Từ sự am hiểu về kiến trúc và văn hóa, anh đã tạo dựng, sắp đặt nên một không gian giàu ý nghĩa cả về lịch sử và văn hóa tín ngưỡng. Ở đó, hiện tại và quá khứ như giao hòa, nối tiếp.

Khách đến với “Vườn xưa” được tự do khám phá, trải nghiệm sự thú vị ở đây. Và mỗi nơi, mỗi góc của khu vườn đều khiến bước chân mỗi người phải dừng lại. Để rồi, ấn tượng về “Vườn xưa”, về không gian “làng trong làng” ấy sẽ còn đọng mãi.

Theo Huyền Trâm (An Ninh Hải Phòng)