(iHay) - Thuở nhỏ xem phim Tây Du Ký, tôi cứ ngỡ loài khỉ chỉ sống trên núi mà thôi. Sau này mới “ngộ” ra thiên đường Hoa Quả Sơn của loài khỉ là chuyện trong phim. Nếu như chưa đặt chân đến Cần Giờ, mọi người sẽ không tin được ở vùng châu thổ lại có một đảo khỉ với hàng ngàn cá thể quần tụ y hệt như thiên đường hoang dã.
Không biết là ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt mà cho đến bây giờ mỗi miền trên dải đất hình chữ S chỉ có duy nhất một nơi gọi là đảo khỉ. Miền bắc có đảo khỉ Cát Dứa nằm trên vịnh Lan Hạ (Quảng Ninh) và miền trung có đảo khỉ Hòn Lao thuộc vịnh Nha Phu (Khánh Hòa) - nơi mà đàn khỉ sống riêng biệt trên những hòn đảo độc lập. Riêng miền nam có đảo khỉ Cần Giờ.
Đảo khỉ Cần Giờ là cách định danh của dân gian khi mọi người thấy khỉ nhiều quá, chứ “chính danh” của nó là Lâm viên Cần Giờ nằm ven trục đường Rừng Sác thuộc xã Long Hòa, H.Cần Giờ (TP.HCM).
< Thường xuyên tràn ra lối bách bộ dành cho du khách.
Thuở nhỏ xem phim Tây Du Ký, tôi cứ ngỡ loài khỉ chỉ sống trên núi mà thôi. Sau này mới “ngộ” ra thiên đường Hoa Quả Sơn của loài khỉ là chuyện trong phim… Nhìn những đàn khỉ tự do tung tẩy khắp nơi, không ít người ví Cần Giờ dường như đã trở thành thiên đường thật của những chú “Tôn Ngộ Không” tự bao giờ rồi. Nó không chỉ “làm chủ” cả khu lâm viên rộng lớn gần 2.000ha mà còn thể hiện “vai trò chủ nhà” khi tỏ ra vô cùng dạn dĩ. Du khách tản bộ nơi đây thì bất cứ lúc nào cũng bị “đụng” bởi cơ man nào là khỉ. Khỉ thoắt nhảy lên bàn ăn, trần xe ô tô quậy tưng, rồi thân thiện vọt lên vai bấu víu vào mặt, tóc, cổ áo du khách để… vòi được thưởng thức ăn.
Các khu rừng ngập mặn nguyên sinh Cần Giờ với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo từng bị “chết trắng” do chất khai quang trong thời chiến tranh trước 1975. Nhưng nhờ đâu mà “những cánh rừng chết” một thời ấy lại có đàn khỉ lên đến hàng ngàn con.
< Khỉ ở Cần Giờ.
Và nhờ đâu chỉ trong vòng 25 năm sau, Cần Giờ trở thành một trong những cánh rừng đẹp nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn được phục hồi sau chiến tranh hóa học đầu tiên trên thế giới và cũng là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam? Đã có một sự hồi sinh thần kỳ ở vùng châu thổ Cần Giờ nhờ vào sức người miệt mài khôi phục màu xanh cây rừng ngút ngàn tầm mắt từ những khoảnh đất trơ trụi. Cũng chính sức người đã tạo ra đảo khỉ độc đáo ở vùng đất cũng rất độc đáo khi nó được hình thành bởi 3 cửa sông Sài Gòn, Đồng Nai và Vàm Cỏ rộng lớn này.
Từng là lính biên phòng, ông Dương Đình Bơ giải ngũ để đi trồng rừng và giữ rừng từ năm 1982. Ông Bơ đã nghỉ hưu nhưng anh em đang làm công tác quản lý ở đảo khỉ vẫn luôn xem ông là người tiên phong trực tiếp dụ khỉ để gầy bầy đàn khi mà ban đầu nó mới chỉ có lác đác vài ba con. Chính ông Bơ cũng không ngờ rằng có ngày đàn khỉ quần tụ đông đúc như bây giờ. Một trong những người điển hình “kế tục sự nghiệp dụ khỉ, nuôi khỉ giữa rừng ngập mặn” một thời của ông Bơ, là anh Nguyễn Hữu Thước với thâm niên 17 năm gắn bó cùng đảo khỉ. Anh Thước quê ở Chợ Gạo (Tiền Giang).
< Tự do tung tẩy trong những cánh rừng ngập mặn.
Năm 1999 anh cưới vợ người Cần Giờ rồi về đây lập nghiệp. Bám trụ được lâu năm như anh Thước có thể nói cũng là một kỳ tích. Đường sá trước đây ở đảo khỉ vô cùng cách trở bởi không có đường bộ mà chỉ có thường thủy len lõi theo những kênh rạch chằn chịt giữa rừng ngập mặn. từ đảo khỉ về trung tâm thành phố bây giờ chỉ mất khoảng hơn 1 giờ đi ô tô, nhưng trước đây nếu có việc cần đi thì phải mất cả ngày đi thuyền. Và bây giờ đảo khỉ cũng không hoang vắng như xưa nữa mà nó đã trở thành một “Hoa Quả Sơn” của đời thật, một thỏi nam châm hút du khách thập phương đến tham quan mỗi ngày.
Đàn khỉ sinh sôi, tăng số lượng đàn theo năm tháng và sự bám trụ kiên cường trong bao bộn bề gian truân của những người như ông Bơ, anh Thước. Không phải là chuyên gia về động vật hoang dã nhưng bằng kinh nghiệm thực tế, anh Thước có khả năng “đọc hiểu tường tận” tập tính loài khỉ.
Anh Thước “đếm” được đàn khỉ bây giờ có gần 1.500 con, chủ yếu là khỉ đuôi dài, chia thành 7 bầy sống ở 7 khu vực trên đảo. Mỗi bầy có một lãnh địa riêng, thường thì nó không xâm chiếm nhau nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra “đại chiến” để thể hiện sức mạnh thống lĩnh trong môi trường tự nhiên.
< Anh Nguyễn Hữu Thước với thâm niên 17 năm gắn bó cùng đảo khỉ.
Ngay trong mỗi bầy khi đến mùa giao phối cũng không hiếm lần đụng độ, rượt nhau chạy te tua giữa những chú khỉ đực. Khỉ cái ở đảo khỉ động dục vào tầm tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, đến đầu mùa mưa (tháng 6 năm sau) thì đẻ (1 lần khỉ mẹ đẻ 1 khỉ con). Sau khi đẻ 4 tháng, khỉ mẹ lại bước vào chu kỳ sinh sản tiếp theo. Không ít lần anh Thước trở thành bà đỡ bất đắc dĩ khi khỉ mẹ bất ngờ gặp sự cố về sức khỏe.
“Hoa Quả Sơn” ở vùng châu thổ Cần Giờ được bảo vệ như báu vật, ngoài bộ phận quản lý thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM còn có sự tham gia của lực lượng biên phòng, kiểm lâm, công an... Một điều thú vị là người dân Cần Giờ có thói quen “cứ chờ đến năm con khỉ để đi xông đất đảo khỉ lấy hên”. Điểm dừng chân để du khách đi ca nô vào Chiến khu cách mạng Rừng Sác bây giờ là “căn cứ địa” của các bầy khỉ. Mỗi lần đến giờ ăn thì nó tràn ra các trục đường vốn dành cho mọi người bách bộ, vừa ngấu nghiến thức ăn vừa “làm cảnh” cho mọi người thỏa thích chụp hình, quay phim.
Theo Tân Phú - Ngọc Hải (iHay.Thanhnien)