Tab Từ Khóa "Thành phố tôi"
Showing posts with label Thành phố tôi. Show all posts
(VNE) - Cát Lái, Rạch Chiếc, Gò Vấp, Hàng Xanh, Thanh Đa... là những địa danh quen thuộc ở Sài Gòn nhưng được cho là bị viết sai so với ban đầu.

Hàng Xanh

Là nút giao thông lớn ở cửa ngõ phía Đông của TP HCM, Hàng Xanh là địa danh rất quen thuộc với người Sài Gòn. Vùng Hàng Xanh, bao gồm một phần địa bàn các phường 24, 25 (quận Bình Thạnh), còn có chợ Hàng Xanh, ngã tư Hàng Xanh.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tác giả Nguyễn Thanh Lợi (trong quyển Sài Gòn - Đất và Người) qua nhiều tài liệu cũ, địa danh này viết đúng phải là Hàng Sanh...

Theo sách Đại Nam quốc âm tự vị của nhà ngôn ngữ học Huỳnh Tịnh Của, Sanh "là thứ cây lớn, nhánh có tua, về loại cây da, mà lá nhỏ". Ngày trước, dọc theo hai bên đường nay là Bạch Đằng có 2 hàng cây sanh, dân thường gọi là Hàng Sanh. Nên có thể kết luận, Hàng Xanh do đọc chệch từ Hàng Sanh mà ra.

Cát Lái

Hiện, tại TP HCM có các địa danh: ngã ba Cát Lái, phường Cát Lái, bến phà Cát Lái, sông Cát Lái... (quận 2) và rạch Cát Lái Lớn, rạch Cát Lái Bé (xã Lý Nhơn, huyện Nhà Bè). Theo các nhà nghiên cứu viết như thế là vô nghĩa.

Nguyên các vùng kể trên ngày xưa lái buôn tụ về buôn bán nên dân gian gọi là vùng của các lái. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền những bài vè về các lái buôn ghe bầu từ miền Trung vào Gia Định với hai bài Vè Lái vô và Vè Lái ra. Vì vậy phải viết là Các Lái mới có nghĩa.

Gò Vấp

Là tên gọi của quận vùng ven tại TP HCM. Theo các nhà nghiên cứu, đúng ra phải là Gò Vắp vì đây vốn là vùng đất cao có trồng nhiều cây vắp. Loại cây thân gỗ rất cứng thuộc họ măng cụt, hiện vẫn trồng nhiều nơi tại TP HCM như khuôn viên vườn Tao Đàn, khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương gần đó.

Thanh Đa

Người Sài Gòn từ lâu đã quen với các địa danh như Kinh Thanh Đa, cư xá Thanh Đa, chợ Thanh Đa... ở phường 26 và 27 của quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, địa danh này có nguồn gốc từ tên gọi Thạnh Đa.

Thôn Thạnh Đa thuộc tổng Bình Trị (sau thuộc Bình Trị Thượng), huyện Bình Dương, có từ năm 1818. Trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức và Monographie de la provine de Gia Định (Chuyên khảo về Gia Định, xuất bản năm 1902 tại Sài Gòn) đều có ghi tên thôn Thạnh Đa. Về sau, do bỏ dấu khi in trên bản đồ thời Pháp, nên địa danh Thạnh Đa biến thành Thanh Đa như hiện nay.

Rạch Chiếc

Rạch Chiếc là con rạch nằm trên địa bàn phường Phước Bình (quận 9) nối sông Sài Gòn với sông Đồng Nai ở phía đông bằng tắt Đồng Nhiên, bắt đầu từ rạch Trao Trảo đến sông Sài Gòn, cắt ngang xa lộ Hà Nội, dài khoảng 6.000 m. Cầu Rạch Chiếc nổi tiếng với trận đánh giải phóng Sài Gòn hồi tháng 4/1975.

Theo các nhà nghiên cứu địa danh học, viết Rạch Chiếc là không đúng mà phải là Rạch Chiết, do xưa rạch này có nhiều cây chiết là "thứ cây mọc hoang, thấp nhỏ, lá lớn, hay mọc hai bên mé sông, thường ra lá non, mùi chát chát có thể ăn như rau". Nếu viết là Rạch Chiếc thì không có ý nghĩa.

Chí Hòa và Kỳ Hòa

Ở TP HCM hiện tồn tại đồng thời hai địa danh được cho là giống nhau đó là Chí Hòa và Kỳ Hòa. Theo các nhà nghiên cứu, Chí Hòa nguyên là tên một làng ở Gia Định, đã được lấy để đặt cho một đại đồn của quân đội ta xây nên để chống Pháp. Khi quân Pháp dồn lực lượng tấn công, đại đồn Chí Hòa thất thủ.

Về địa điểm của đại đồn Chí Hòa, nhà văn Sơn Nam cho biết: "Tướng Tôn Thất Hiệp rồi tướng Nguyễn Tri Phương đều chọn lựa cuộc đất nằm trong địa phận làng Chí Hòa Phú Thọ dọc theo rạch Nhiêu Lộc, lấy con đường đi Tây Ninh (Cách Mạng Tháng Tám ngày nay) làm trung tâm để xây đồn lũy...". Như vậy, Chí Hòa ban đầu là tên làng, mà hiện nay vẫn còn tên gọi như đình Chí Hòa, nhà thờ Chí Hòa... Về sau, Chí Hòa đã trở thành tên một cái đồn được xây dựng tại đó để chống Pháp...

Còn tên Kỳ Hòa xuất hiện vào thời điểm nào? Theo tác giả Trần Trọng Kim trong quyền Việt Nam Sử Lược, thì Kỳ Hòa là cách gọi của người Việt, Chí Hòa là cách gọi của người Pháp. Nhưng tác giả lại không nêu cứ liệu. Còn theo nhà văn Sơn Nam trong quyển Địa danh TP HCM thì Chí Hòa mới là âm gốc, Kỳ Hòa là cách gọi sai lạc vì ngày nay còn địa danh Chí Hòa và ở Nam Bộ không có địa danh mang yếu tố Kỳ ở trước.

Bên cạnh các địa danh xưa, nhiều tên đường tại TP HCM hiện cũng bị viết sai mà các nhà nghiên cứu, nhà văn như: Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Đình Đầu, Lê Trung Hoa... đã đề cập đến, hoặc đã được nêu lên trong những công trình biên soạn về Sài Gòn - TP HCM mấy chục năm qua.

Chẳng hạn như đường Sương Nguyệt Ánh ở quận 1, đúng ra phải là Sương Nguyệt Anh. Tuy nhiên, bao lâu nay trên các biển hiệu cũng như trong giao dịch, làm việc, người ta vẫn ghi là "Ánh" thay vì "Anh".

Nguyên ban đầu chỉ có hai chữ Nguyệt Anh (con gái thứ 5 của cụ Nguyễn Đình Chiểu có sắc đẹp và tài làm thơ) đến sau ngày chồng qua đời bà thêm chữ Sương tức "người đàn bà góa chồng" đứng trước để thành biệt hiệu Sương Nguyệt Anh. Bà làm chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên xuất bản ở Sài Gòn năm 1918 là tờ Nữ giới chung (tiếng chuông của giới nữ).

Đường Lương Nhữ Học nằm trên địa bàn quận 5, thuộc khu vực Chợ Lớn, TP HCM cũng được cho là bị viết sai. Tên chính xác của vị danh nhân này phải là Lương Như Hộc - là quan, danh sĩ thời hậu Lê. Ông cũng là người hai lần làm sứ giả sang Trung Quốc và có công truyền lại nghề khắc bản gỗ in cho dân làng Liễu Tràng, Hồng Lục (tỉnh Hải Dương ngày nay) khiến nghề in nơi đây trở nên phát triển. Chính vì vậy ông được tôn xưng là "ông tổ" nghề khắc ván in.

Một con đường khác cũng bị viết sai là Kha Vạn Cân. Kỹ sư Kha Vạng Cân, nguyên là Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, còn là một nhân sĩ trí thức nổi tiếng của miền Nam, từng tham gia kháng chiến chống Pháp và hoạt động cách mạng từ trước năm 1945. Vậy mà không biết vì lý do gì khi đặt tên ông cho một con đường lớn ở quận Thủ Đức, người ta lại viết thành Kha Vạn Cân.

Đường Trương Quốc Dung trên địa bàn quận Phú Nhuận cũng được đặt tên không chính xác vì đúng phải là Trương Quốc Dụng. Trong lịch sử Việt Nam không có vị danh nhân nào như tên con đường đang có. Chỉ có ông Trương Quốc Dụng, là nhà văn, nhà sử học, nhà thiên văn nổi tiếng của Việt Nam và là người có công chấn hưng lịch pháp thời nhà Nguyễn.

Theo Trung Sơn (Vnexpress)
Nằm trong khuôn viên của Vườn quốc gia Ba Vì, cách Hà Nội 65 km về phía Tây: đỉnh non Tản thuộc dãy núi Ba Vì là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá.
Khám phá bí mật của ngàn xanh trên đỉnh Non Tản, bạn mới thấy Nguyễn Tuân viết về cuộc sống chốn thần tiên "ngày tháng thì dài, mà không thấy sốt ruột" là có thật.

Đến ngọn núi Tản Viên, nơi ngự trị muôn đời của Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, vị thần tối linh trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, du khách không chỉ được trở về với huyền tích xa xưa, mà còn đắm chìm trong khung cảnh kỳ bí và thơ mộng của ngọn núi linh xứ Đoài. Nơi đây được ví như đỉnh Olympus trong thần thoại Hy Lạp – nơi ngự trị của thần Zeus.

Núi Tản Viên cao 1.281 m, hay còn gọi là Tản Sơn, Ngọc Tản… Sở dĩ có tên gọi như vậy vì đỉnh núi tròn như cái tán, rộng rãi bao la, hiên ngang hùng vĩ làm trấn sơn cho cả một vùng.

Khu di tích lịch sử đền thờ Tản Viên Sơn Thánh gồm ba ngôi đền: Đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Trong đó đền Thượng là ngôi đền chính, gắn liền với rất nhiều truyền thuyết dân gian liên quan đến tín ngưỡng tâm linh của người Việt.

Hành trình từ chân núi lên đến đền Thượng phải trải qua 12 km đường rừng núi. Nếu đi xe máy phải mất độ 30 phút, đi bộ mất khoảng nửa ngày mới lên đến cốt 1.000 m, nhưng không phải ai cũng có sức khỏe để đi bộ lên được.

Vượt qua những con đường núi vòng vèo uốn lượn, với nhiều khúc cua hiểm trở và cái lạnh quanh năm của núi rừng, người cầm lái phải rất cẩn trọng và kết hợp nhuần nhị mọi động tác phanh cua, về số, tăng ga để vững vàng đối phó với sự ngoặt ngoèo bất ngờ của đường trường.

Trên những cung đường vòng vèo lưng núi, bạn sẽ thấy một bên là cây rừng rậm rạp ngút ngàn với hệ sinh thái đa dạng, một bên là khoảng không bao la với màu trắng xóa của mây trời không phân định và bạn chỉ có thể nhìn thấy tầng dưới rừng cây ở tầm nhìn gần.

Đôi khi có một đám mây trôi qua trước mặt, người lữ khách thích thú dừng chân để thỏa sức ngắm nhìn, cảm nhận rõ rệt cái lạnh xuyên thấu của những giọt nước mây tích tụ đang từ từ bay qua.

Đến cốt 1.000 m, bạn sẽ bắt gặp cổng đền. Từ đây, chỉ có một con đường bộ duy nhất men theo triền núi, đi qua 225 bậc thang nhỏ, rất dốc và hẹp, phải dừng chân nghỉ ở nhiều chặng bạn mới mới có thể lên đến nơi.

Đền Thượng là ngôi đền có lối kiến trúc độc đáo, tựa lưng vào núi tạo thế vững chãi. Hậu cung chính là vách đá Thắt Cổ Bồng linh thiêng có từ ngàn đời xưa, nơi có cây bách xanh cổ hàng trăm năm tuổi. Cành lá nhuốm màu rêu phong của thời gian vươn mình che chắn cho ngôi đền giữa chốn non cao, tựa như cột chống trời trong cõi mơ thực. Ngôi đền tuy không rộng, nhưng huyền bí, có độ sâu thẳm về tâm linh.

Nguyễn Tuân từng viết: "Đứng ở mái nam Đền Thượng mà nhìn xuống thấy được cả khói từ Hoàng Thành Thăng Long, và biết được dải Đà Giang là có thế hiểm". Theo lời của những người trông giữ đền thì vào những hôm trời nắng đẹp, quang mây quả nhiên có thể thấy được.

Nhưng không phải ai cũng có cái may mắn ấy, bởi vào mùa này, phóng tầm mắt ra xa du khách chỉ thấy độc một màu trắng xóa. Thảng hoặc có đám mây gặp gió lướt qua vội vã, để lộ ra quang cảnh núi non hùng vĩ bên dưới, khoảnh khắc ấy như một thước phim quay chậm mà chỉ những vị có duyên mới chớp mắt ghi hình được.

Tận hưởng cuộc sống chốn non cao, ngược dòng lịch sử đắm mình trong thế giới tâm linh và chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên này, con người ta thấy được tĩnh tại, thanh nhàn đến lạ.

Ngày nay không ít người khi du lịch đến đây phần nào còn tưởng tượng quanh cảnh "Trên đỉnh non Tản" vẫn đầy bí ẩn, huyền hoặc như trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân thuở ấy.

Xen lẫn giữa cái ồn ào, náo nhiệt của Hà Nội ta có thể dễ dàng bắt gặp một ngôi chùa nằm ẩn mình thanh tịnh trên một con phố nhỏ ở quận Cầu Giấy, đó là chùa Hà.

Chùa Hà là một trong những quần thể chùa đẹp và thu hút rất nhiều phật tử, du khách và ngay cả các bạn trẻ Hà Thành.

Không biết từ bao giờ người Hà Thành lại gắn cho chùa Hà một niềm tin tha thiết vào hai chữ “tình duyên”.Nếu như các ngôi chùa khác thì người đến thắp hương đông nhất là các cụ cao niên và trung niên thì ở chùa Hà, đông nhất lại là các bạn trẻ, các nam thanh nữ tú đến đây cầu duyên

Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với Đình Bối Hà, lập thành cụm di tích Đình - Chùa Hà nằm trên mảnh đất, trước kia thuộc làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, nay thuộc phố Chùa Hà, thôn Trung, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Liên quan đến lịch sử hình thành ngôi chùa này có hai truyền thuyết. Theo truyền thuyết thứ nhất: chùa có từ thời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072). Khi ấy nhà vua đã ngoài 40 tuổi mà chưa có con nên đi đến một ngôi chùa trên vùng Dịch Vọng ngày nay để cầu tự, sau đó sinh ra Thái tử Càn Đức, sau này lên ngôi lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Ngôi chùa nhà vua đến về sau đổi tên thành chùa Thánh Chúa. Trên đường về nhà vua lại ghé thăm một ngôi chùa khác và ban tiền để sửa chùa. Ngôi chùa này chính là chùa Hà và do vậy mà chùa mang tên chữ là: Thánh Đức tự.

Hiện nay, lăng mộ thờ gia đình vẫn được lưu giữ trong chùa. Bên phải chùa là ngôi đình Hà làm hoàn toàn bằng gỗ quý, thờ 2 vị thành hoàng là Triệu Chí Thành và Chu Lý, các tướng của Triệu Việt Vương, thế kỷ VI có công chống giặc Lương.

Chùa Hà xưa hướng Tây nhìn lên sông Nhuệ, tam bảo 5 gian rộng, hậu cung 3 gian theo kiểu chữ đình, bên cạnh là điện mẫu.
Nhiều du khách đến lễ tại đây băn khoăn không biết lễ ở đâu trước cho phải. Theo hướng dẫn của ban quản lý thì chùa Hà là một quần thể chùa, bao gồm chùa Hà và đình Hà. Phía sau là đền thờ Mẫu thờ Thánh Mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Muốn cầu tài cầu lộc thì lễ ở điện chính, cầu duyên thì dâng hương ở nhà thờ Mẫu.

Chùa Hà có rất nhiều cây cổ thụ, trong đó có cây muỗm cạnh lò hóa vàng hương đã có tuổi đời hơn 300 năm. Mấy năm nay, có lẽ do đã quá già nên chất lượng quả không còn được như xưa. Đa phần quả đều bị khô và rỗng bên trong.

Cây khế phía trước sân cũng được gần trăm tuổi, ra hoa và đơm trái quanh năm. Mấy cây đa có nguôn gốc Ấn Độ luôn xanh tốt, rợp bóng sân chùa, đã nhiều lần tỉa bớt cành những vẫn xòe tán rất rộng. Phía trước sân chùa là một chiếc ao hình bán nguyệt, được bao phủ bới nhiều cây xanh.

Những năm 60, phía trước chùa Hà còn là ruộng reo mạ. Qua thời gian, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa và tôn tạo với tầm vóc ngày càng to đẹp và khang trang hơn nhưng kiến trúc chùa và tam quan vẫn được giữ nguyên. Các công trình kiến trúc của chùa được tập hợp, quy hoạnh tập trung trong một khoảng không gian rộng thoáng gồm: cổng tam quan, vườn cây xanh, hồ nước hình bán nguyệt… chùa chính được kết cấu theo chữ Đinh có Tiền Đường, Thượng Điện, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ. Ngay cổng vào của chùa còn có một tấm bia đá, ghi lại thời gian khắc bia, và kê diện tích, địa điểm xây dựng chùa.

Chùa Hà nổi tiếng là linh thiêng nên chùa thu hút rất đông khách thập phương đến tham quan, lễ Phật. Trai chưa vợ, gái chưa chồng đến sắp lễ xin tìm được một nửa của mình. Những đôi yêu nhau cũng đến chắp tay thành kính cầu cho tình duyên trăm năm hạnh phúc.


Thêm vào đó, trong giới trẻ còn lan truyền những tin đồn về sự linh ứng của ngôi chùa này: nào là trai gái độc thân đến đây xin cầu duyên đều nhanh chóng tìm đuợc ý chung nhân của mình. Thậm chí có những bạn còn khăng khăng kéo người yêu mình đến đây thề yêu nhau, vì đã thể ở đây rồi sẽ không bao giờ thay lòng đổi dạ. Chính điều đó khiến chùa Hà trong tư tưởng của những người đến cầu càng mang đậm nét huyền bí linh thiêng. Ai đã một lần đến đây thắp hương, xin đài xin lộc đều mang trong mình một niềm tin vào sự linh ứng.


Đến với chùa Hà, du khách không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp truyền thống, một vẻ đẹp cổ đậm chất Việt Nam mà còn biết thêm những giá trị lịch sử của dân tộc. Với khuôn viên rộng và có ghế đá cho du khách dừng chân, ta có thể tìm ở nơi đây một cảm giác yên tĩnh, thanh tịnh giữa lòng Thủ đô.

Theo Bảo Anh (TTVN)
(VNE) - Nhắc đến Sài Gòn không thể không nhắc đến những cây cầu, bởi rất nhiều (trong tổng số 200 cây cầu lớn nhỏ) đã gắn với vùng đất này từ thuở mới được khai phá. Hơn 300 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn có nhiều cây cầu gắn liền với lịch sử, ký ức sâu đậm của người dân.

< Cầu Mống xưa.

Cầu Mống

Là một trong những cây cầu cổ xưa nhất còn sót lại ở Sài Gòn, cầu Mống bắc qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4 (đất Khánh Hội xưa). Cầu đậm nét phương Tây, do công ty vận chuyển hàng hải Pháp Messageries Maritimes đầu tư và công ty Levallois Perret (tức Eiffel cũ) thi công vào năm 1893-1894.

< Cầu Mống ngày nay.

Cầu dài 128 m, rộng 5,2 m, lề bộ hành rộng 0,5 m, xây bằng thép kiên cố. Thành cầu uốn cong có những khoảng trống, sơn xanh (ban đầu cầu có nước sơn màu đen). Hình dáng vòng cung giống cầu vồng nên người dân gọi tên là cầu Mống.

Trong giai đoạn thi công Đại lộ Đông - Tây và Đường hầm sông Sài Gòn, cầu được tháo dỡ hoàn toàn, sau khi công trình này hoàn tất thì cầu được lắp ghép lại theo nguyên bản và gia cố thêm phần trụ móng kèm trang bị chiếu sáng mỹ thuật. Hiện cầu hơn 100 tuổi đã được khôi phục dành cho người đi bộ, nơi chụp ảnh cưới, ngắm cảnh về đêm, đứng xem pháo hoa mỗi dịp lễ, tết của người dân Sài Gòn.

Cầu Thị Nghè

< Cầu Thị Nghè năm 1927.

Cầu Thị Nghè bắc qua rạch Thị Nghè (đoạn gần hạ lưu đổ ra sông Sài Gòn), nối quận 1 và quận Bình Thạnh. Cầu được cho là do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân xây vào 18 (khoảng năm 1725-1750) để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc. Chồng bà là thư ký, đương thời gọi là ông Nghè, nên nhân dân gọi bà là Bà Nghè.

Năm 1867, cầu được làm lại bằng cầu sắt, đến năm 1970 được xây mới bằng bêtông cốt thép. Từ giữa thế kỷ 19, cầu được gọi là Thị Nghè cho đến nay.

Theo sử sách, vùng Thị Nghè xưa là nơi có khu ruộng Tịch Điền, đàn Xã Tắc, miếu thờ Thần Nông, đàn Tiên Nông (những cơ sở này nằm trước nhà thương dưỡng lão, nay là Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè), miếu Văn Thánh...

Trên địa bàn Thị Nghè từng có một số cơ sở công nghiệp như: hãng Chén (nay là Công ty sứ Thiên Thanh), nhà máy Dây thép Thị Nghè (nay là Công ty vật tư Bưu Điện), hãng Dầu Phú Mỹ, hãng ôtô buýt (nay là trường Phú Mỹ), hãng Mỡ Guyonnet... Thị Nghè cũng là nơi xuất hiện một trong những nhà in đầu tiên của đất Sài Gòn: Nhà in kiêm nhà sách Joseph Nguyễn Văn Viết ra đời năm 1917.

Cầu sắt Bình Lợi

Bình Lợi là cầu sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên, được xây dựng và hoàn thành năm 1902. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt gỗ, và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Nhịp giữa quay được cho tàu qua, xây dựng bởi công ty Pháp Lavelois Perret (tên của công ty Eiffel do Gustav Eiffel, người kỹ sư xây tháp Eiffel sáng lập).

Sau 113 năm khai thác, cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chiều cao thông thuyền của cầu chỉ còn 1,8 m nên khi có thủy triều lên, nhiều tàu đã mắc kẹt dưới gầm cầu. Bộ GTVT đang thực hiện dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới để thay thế cầu cũ. Cầu mới được xây cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu với độ thông thuyền 7 m để không ảnh hưởng đến giao thông thủy. Sau khi hoàn thành sẽ giúp vận tốc chạy tàu qua cầu Bình Lợi đạt 100 km/h.

Cầu chữ Y

< Cầu chữ Y xưa.

Cầu do người Pháp xây dựng vào cuối năm 1938 và hoàn thành năm 1941. Cầu nối quận 5 và quận 8 với ba nhánh giống như hình một chữ Y lớn: nhánh đường Nguyễn Biểu dài 175 m, nhánh Nguyễn Thị Tần dài 178,3 m; nhánh Hưng Phú dài 137 m. Tổng cộng chiều dài các nhánh là 490,3 m tính luôn đoạn cầu dẫn dài 913 m. Khu vực lồng cầu (ở giữa) có ba nhánh rộng 9 m, mỗi lề 0,7 m. Độ cao tĩnh không cách mặt nước là 6,3 m. Toàn bộ công trình khi xây dựng tiêu tốn 800 tấn thép và hơn 4.000 m3 bêtông.

Cầu được nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1948, 1957, 1992. Ngày 30/9/2006, trong chương trình cải tạo về giao thông của thành phố, nhánh cầu chữ Y phía quận 5 được hạn chế xe để tháo dỡ và xây lại cầu mới để đảm bảo độ cao đi dưới đường Đại lộ Đông - Tây.

Cầu Bông (còn có tên là cầu Cao Miên)

< Câu Bông cũ trước khi được xây mới vào năm 2013.

Theo cố nhà văn Sơn Nam, cầu Bông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, có sách ghi năm 1736. Đây là một trong những cầu được xây dựng đầu tiên ở vùng đất Sài Gòn. Cầu này được làm bằng gỗ, nhỏ và ngắn nhưng khá nổi tiếng của đất Sài Gòn - Gia Định. Ban đầu cầu có tên là Cao Miên vì có một Phó vương Cao Miên lúc đó đang xin tá túc tại Bến Nghé, cho bắc qua sông để tiện việc đi lại (Sách Thành phố bất khuất do NXB TPHCM in năm 1984).

Về cái tên cầu Bông có nhiều giả thiết, nhưng giả thiết được nhiều nhà nghiên cứu vùng đất Sài Gòn nhắc đến nhiều nhất là sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt xây dựng một vườn hoa gần cầu này thì dân gian bắt đầu gọi là cầu Hoa. Sau này, người dân phải đọc trại thành cầu Huê vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa là vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị (triều Nguyễn).


< Cầu Bông ngày nay.


Sau cùng, người dân Sài Gòn đổi hẳn tên cây cầu này là cầu Bông (bông là hoa theo cách gọi của người miền Nam) cho đến nay.

Trải qua hơn 200 năm lịch sử, cầu Bông nhiều lần bị phá hủy, đánh sập nhưng nó vẫn được xây mới ngay tại vị trí cũ. Bởi đây là cây cầu huyết mạch nối liền hai vùng thị tứ của vùng đất Sài Gòn xưa kia. Trước 1975, cầu Bông được xem là trọng yếu nhất nối liền vùng Đakao của đô thành Sài Gòn với trung tâm tỉnh Gia Định (đóng tại khu vực chợ Bà Chiểu ngày nay.

Tháng 10/2013, cầu Bông xây dựng từ trước năm 1975 được tháo dỡ để xây dựng mới. Cầu Bông mới được thông xe vào tháng 6/2014 với độ tỉnh không được nâng cao thêm tạo thuận lợi cho các phương tiện đi trên đường Hoàng Sa và Trường Sa được lưu thông thông suốt dưới dạ cầu.

Cầu Nhị Thiên Đường

Là một trong nhưng cầu già cỗi nhất Sài Gòn, Nhị Thiên Đường dài khoảng 1 km được xây dựng từ năm 1925, bắc qua Kênh Đôi quận 8 của vùng Chợ Lớn. Cầu không chỉ có bề dày lịch sử, mà còn là cửa ngõ kết nối Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, qua quốc lộ 50.

Điểm đặc biệt của công trình là hàng cột xanh rêu trên cầu (tương tự sắc xanh của ô cửa sổ trong các biệt thự Pháp xưa cũ) và các mái vòm cong dưới chân cầu giống nhưng các cầu cổ nổi tiếng ở châu Âu. Ngoài ra, dù được xây trong thời đại hoàng kim của cầu sắt nhưng Nhị Thiên Đường lại ngoại lệ khi được thiết kế hoàn toàn bằng bêtông cốt thép.

Sau 90 năm, cầu được cho là đã bị xuống cấp nghiêm trọng, Sở GTVT TP HCM đề nghị chi khoảng 163 tỷ đồng để xây mới cầu với kiểu dáng, kết cấu tương tự cầu Nhị Thiên Đường 2. Vị trí cầu mới cần dịch chuyển về phía cầu cũ nhằm giảm chi phí bồi thường. Quá trình xây dựng sẽ có nghiên cứu thiết kế khôi phục (lan can, chiếu sáng, trang trí...) để gợi nhớ nét kiến trúc của cầu Nhị Thiên Đường hiện hữu.

Theo Hữu Nguyên (Vnexpress)
Viếng tiền nhân, những anh hùng dân tộc, những người có công mở cõi về phương Nam vốn là một tập tục rất lâu đời của người Sài Gòn . Ngay giao thừa lượng người đổ về các đền, các lăng càng lúc càng đông và kéo dài suốt tết.

< Đền thờ đức thánh Trần.

+ Đền thờ đức thánh Trần

Đền thờ đức thánh Trần ở tại số 36 đường Võ Thị Sáu (P. Tân Định Q. 1) được xây dựng vào năm 1932. Sau một lần xây dựng lại và rất nhiều lần trùng tu đã tạo ra được diện mạo của đền thờ như hôm nay.
Đền thờ Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, người đã 3 lần đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông giữ vững bờ cõi nước Nam.

< Dâng hương trước tượng Hưng Đạo Vương.

Từ ngoài bước vào, bức tượng Hưng Đạo uy nghi sừng sững ghi lại hình ảnh ông chỉ tay xuống dòng sông Hóa thề với ba quân, trận này không thắng không trở về khi chính con voi ông cưỡi bị sa lầy. Nghe được lời thề từ chủ tướng, quân sĩ nức lòng ra sức quyết chiến dành thắng lợi vẻ vang trong trận đánh với Ô Mã Nhi.

< Xin lộc.

Trong đền thờ đức thánh Trần có bàn thờ thờ các vị tướng lĩnh tài giỏi đời Trần như: Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng. Ngoài ra, các phù điêu ghi lại các sự kiện trọng đại như hội nghị Diên Hồng, trận Bạch Đằng giang cũng được trưng bày tại đây.

Ngay dưới chân tượn, từng đoàn người thành kính dâng hương. Khói bốc lên bao trùm cả khu vực tạo ra nét huyền ảo lung linh đượm nét linh thiêng.

+ Lăng tả quân Lê Văn Duyệt

Còn gọi là lăng ông Bà Chiểu, lăng tả quân Lê Văn Duyệt ở tai số 1 đường Vũ Tùng (P. 1 Q. Bình Thạnh).

< Lăng tả quân Lê Văn Duyệt.

Lăng ông Bà Chiểu tọa lạc trên khu đất khá rộng 18.500m2 bao bọc bởi các con đường Đinh Tiên Hoàng - Phan Đăng Lưu - Trinh Hoài Đức và Vũ Tùng. Ở đây ngoài lăng của tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành và phu nhân còn có đền thờ ngài.

Lăng tả quân là nơi thu hút khá đông du khách đặt chân đến thành phố. Vào dịp đầu năm, người dân thành phố thường đến viếng ngài như để thể hiện lòng biết ơn đến người đã mở cõi phương nam cho đến tận ngày nay.


Lăng bắt đầu đông từ sau giao thừa. Lượng khách đến lăng có thể đông nhất trong các lăng mộ trong thành phố.


< Xin xăm.

Là một võ tướng và là nhà chính trị, tả quân Lê Văn duyệt theo phò Nguyễn Ánh từ thời còn chống nhau với Tây Sơn. Sau khi kết thúc chiến tranh với Tây Sơn, nhà Nguyễn được thành lập và ông nghiễm nhiên trở thành công thần.

Ông phục vụ trong 2 triều đại Gia Long và Minh Mạng. Ông có công rất lớn trong việc ổn định và phát triển vùng đất phía nam. Từ một khu vực bị chiến tranh tàn phá ông đã giúp xây dựng thành vùng đất bình yên trù phú. Ông là người phản đối sự lên ngôi của vua Minh Mạng đồng thời đứng ra bảo vệ các giáo dân công giro trước chính sách cấm đạo, bế môn tỏa cảng của nhà vua.

< Phóng sinh.

Ông mất, lăng mộ được chôn cất tại đây. Không lâu sau đó, vua Minh Mạng cho san bằng lăng mộ và dựng bia ghi tội của Lê Văn Duyệt. Sang đời Thiệu Trị, tội ông được xóa và khôi phục lại lăng mộ.

Hiện nay kết cấu lăng mộ của tả quân Lê Văn Duyệt gồm có nhà bia, lăng mộ và miếu thờ. Du khách đến với lăng ông có thể dạo chơi thỏa thích trong một không gian rộng rãi.

Ngày đầu năm viếng tiền nhân để tưởng nhớ công đức người xưa là một hành động cần được phát huy để giáo dục thế hệ con cháu.

Theo Trần Chánh Nghĩa (Vietnamnet)
(LĐO) - Vào lúc 0h sáng 8.2, tức mùng Một tháng giêng năm Bính Thân, tại TPHCM sẽ đồng loạt bắn pháo hoa ở 4 điểm. Tết Bính Thân năm nay, ngoài điểm bắn pháo hoa tầm cao ở đầu đường hầm vượt sông Sài Gòn phía Quận 2, TPHCM còn tổ chức 3 điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, Khu Truyền thống Cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (huyện Củ Chi) và Sân bóng đá huyện Cần Giờ.

Ngoài việc phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự ở các điểm bắn pháo hoa, đến sáng 7.2, toàn bộ thiết bị khí tài phục vụ cho việc bắn pháo hoa đã được chuyển váo vị trí an toàn.

Để có những màn pháo hoa rực rỡ phục vụ nhân dân, hơn 1 tháng nay, công tác chuẩn bị các trận địa pháo và phương án bảo đảm an ninh trật tự đã được các đơn vị có liên quan của thành phố triển khai tích cực.
Theo Bộ Tư lệnh Thành phố, tại điểm bắn pháo hoa tầm cao ở đầu đường hầm vượt sông Sài Gòn có 1.500 quả pháo hoa tầm cao, trên 120 giàn pháo tầm thấp, 20 giàn pháo hỏa thực và 200 pháo ống rồng lửa với nhiều hoa văn hình thù độc đáo hi vọng sẽ làm mãn nhãn người xem.


Dịp này, TP cấm nhiều tuyến đường phục vụ bắn pháo hoa ngày Tết. Sở Giao thông vận tải khuyến cáo người dân không được phép dừng đỗ xe, tập trung trên các cầu: Khánh Hội, Móng, Calmette, Ông Lãnh, Thủ Thiêm, Sài Gòn, Phú Mỹ, các cầu trên tuyến đường Mai Chí Thọ và trên nóc hầm vượt sông Sài Gòn xem pháo hoa.


Theo đó, từ 0g đến 0g15 ngày 8.2 và từ 20g ngày 7.2 đến 5g ngày 8.2: cấm tất cả xe hai bánh chạy trên tuyến đường: Võ Văn Kiệt - Đường hầm sông Sài Gòn - Mai Chí Thọ (đoạn từ đường Ký Con, Q.1) đến đường dẫn cầu Thủ Thiêm (Q.2) theo cả hai hướng.

Từ 20g ngày 7.2 đến 0g20 ngày 8.2: cấm tất cả các loại phương tiện chạy vào các tuyến đường: Nguyễn Tất Thành, Q.4 (đoạn từ đường Hoàng Diệu đến cầu Khánh Hội), Tôn Đức Thắng, Q.1 (đoạn từ Công trường Mê Linh đến cầu Khánh Hội), Đồng Khởi, Q.1 (đoạn từ đường Ngô Đức Kế đến đường Tôn Đức Thắng), Hàm Nghi, Q.1 (đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến đường Tôn Đức Thắng).


Lộ trình lưu thông thay thế từ Q.4 về Q.1: Nguyễn Tất Thành - Hoàng Diệu - Đoàn Văn Bơ - cầu Calmette - Calmette - Trần Hưng Đạo - Lê Lợi - Pasteur - Lý Tự Trọng - Tôn Đức Thắng.


Lộ trình từ Q.1 về Q.4: Tôn Đức Thắng - Hai Bà Trưng - Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thái Bình hoặc Nguyễn Công Trứ - Calmette - cầu Calmette - Đoàn Văn Bơ - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành.

Lộ trình từ Q.1 về Q.2: Võ Văn Kiệt - Ký Con -Trần Hưng Đạo - Lê Lợi - Pasteur - Lý Tự Trọng -Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - cầu Thủ Thiêm - đường dẫn cầu Thủ Thiêm - Mai Chí Thọ.

Lộ trình từ Q.2 về Q.1: Mai Chí Thọ - đường dẫn cầu Thủ Thiêm - cầu Thủ Thiêm - Nguyễn Hữu Cảnh - Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Kiệt.

(TTO) - Như một điểm hẹn những ngày giáp tết ở một con đường, bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng vẫn có người theo thói quen lại cuối năm đi về phía chợ Ông Tạ chỉ để mua bó lá dong xanh...

< Con đường lá dong những ngày giáp tết.

Rạng sáng cuối tuần rồi đi ngang chợ Võ Thành Trang (*), P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM, chợt thấy những bó lá dong đang dỡ xuống. Bên cạnh là lá chuối và dây lạc.

< Những bó lá dong đang bày bán bên đường.

Mấy ngày sau, đi qua con đường Cách Mạng Tháng 8, đoạn ngang P.7, Q.Tân Bình, lại thấy một màu xanh ngát của lá dong, trắng tinh của dây lạc. Và những khung tre, khung gỗ, khung kim loại của những chiếc khuôn gói bánh chưng tết...

< Lá dong bày trên hè.

Mùa chợ lá dong tết đã về tự lúc nào.

Chợ lá dong Ông Tạ, gọi vậy thôi chứ chỉ kéo dài hơn 500m, nhiều nhất vẫn là ngoài hàng rào Trường THCS bán công Tân Bình. Một cái chợ “vỉa hè” mỗi năm chỉ rộn ràng vào dịp trước tết Nguyên đán, bán chỉ tuyền mặt hàng là lá dong xanh, dây lạc trắng và khuôn gói bánh.

Theo một số người xưa ngụ tại khu vực ngã ba Ông Tạ (ngã ba đường Phạm Văn Hai - Cách Mạng Tháng 8), chợ lá dong này hình thành từ những di dân phương Bắc, với tinh thần giữ lấy truyền thống văn hóa xưa. 

Bình thường thì khu vực ngã ba này đã có một khu chợ chuyên bán buôn các thương phẩm dành cho người dân gốc Bắc. Rồi khi tết đến xuân về, những người dân đất Bắc lại tụ về đây, nhộn nhịp mua bán lá dong, loại lá dành để gói bánh chưng, món bánh tết truyền thống.

< Một phụ nữ đang lựa khuôn bánh.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, lá dong bây giờ có mặt ở khắp nơi trong mọi sạp chợ, nhưng vẫn có những người dân gốc Bắc, theo thói quen lại cuối năm đi về phía chợ Ông Tạ, cũng chỉ để mua bó lá dong, mớ dây lạc về để cả nhà cùng tề tựu gói bánh.

< Thùng nấu bánh chưng.

Còn tại chợ lá dong Ông Tạ này, luôn có những người bán “thâm niên” trên 10 năm, 20, 30 năm... Khách mua cũng có khi là người trẻ, cũng có khi là người già có tính chỉnh chu, phải mua ở chợ này mới hài lòng.

Cũng có nhiều chủ hàng, quanh năm bán buôn thứ khác, nhưng đến mùa giáp tết lại quay về đây buôn bán lá dong. Dù chỉ bán trong vòng mươi ngày, nhưng vẫn bền bỉ theo đuổi, như một “nét quen văn hóa” phải có.

< Cắt cuốn lá dong cho khách mua.

Các chủ hàng cho biết với lá dong phương Nam, người mua kẻ bán thường chuộng lá dong ở vùng Bà Điểm (Hóc Môn) vì lá dẻo, gói bánh không bị nứt. Nhưng nhiều năm gần đây, trong cơn sốt đô thị, lá dong Bà Điểm ngày càng hiếm đi vì diện tích trồng bị thu hẹp.

Hiện tại đang bán là lá dong vùng Gia Kiệm, Phương Lâm, Long Khánh (Đồng Nai) và các vùng xa như Bảo Lộc, Lâm Đồng.

< Tấp nập người mua kẻ bán trên chợ lá dong.

Tại chợ, lá dong thường được phân chia làm ba loại: loại 1 (còn gọi là lá đại), loại 2 (lá nhất) và loại 3 (lá nhỏ). Ngoài khách mua lẻ, còn có rất nhiều bạn hàng “đến hẹn lại lên” là các tiểu thương chợ nhỏ, các lò nấu bánh trong thành phố.

Cứ như thế, chợ lá rộn ràng, chộn rộn trong chừng hai mươi ngày. Vỉa hè chợ tấp nập người ghé đến, người buộc lá mang đi, người lựa, người mua và bán.

< Khách chọn lựa khuôn bánh.

Như một điểm hẹn mướt xanh màu lá trong những ngày giáp tết ở một con đường, tạo nên một điểm sáng lung linh ấm áp, khiến ai đi qua cũng thấy lòng rạo rực, như đón mùa xuân đang về.

Từ xa lắm, một vài người bạn của tôi lại vừa gọi điện về, hỏi thăm "chợ lá dong Ông Tạ đã đông vui chưa?".

< Chở lá dong đã mua về nhà.

Cũng có những người Việt xa xứ, chân đi khắp Đông Tây Nam Bắc, mùa xuân xứ người lại tâm trạng buồn vui lẫn lộn, lại than là nhớ, nhớ từng cái bánh chưng xanh, từng tép dưa hành...

Rồi lại chuyển sang nổi nhớ những ngày cuối năm âm lịch, đi ngang ngã ba Ông Tạ, thấy bên đường người ta bày bán lá dong xanh...

Theo Trần Duy (Dulich.Tuoitre)
(iHay) - Thuở nhỏ xem phim Tây Du Ký, tôi cứ ngỡ loài khỉ chỉ sống trên núi mà thôi. Sau này mới “ngộ” ra thiên đường Hoa Quả Sơn của loài khỉ là chuyện trong phim. Nếu như chưa đặt chân đến Cần Giờ, mọi người sẽ không tin được ở vùng châu thổ lại có một đảo khỉ với hàng ngàn cá thể quần tụ y hệt như thiên đường hoang dã.

Không biết là ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt mà cho đến bây giờ mỗi miền trên dải đất hình chữ S chỉ có duy nhất một nơi gọi là đảo khỉ. Miền bắc có đảo khỉ Cát Dứa nằm trên vịnh Lan Hạ (Quảng Ninh) và miền trung có đảo khỉ Hòn Lao thuộc vịnh Nha Phu (Khánh Hòa) - nơi mà đàn khỉ sống riêng biệt trên những hòn đảo độc lập. Riêng miền nam có đảo khỉ Cần Giờ.

Đảo khỉ Cần Giờ là cách định danh của dân gian khi mọi người thấy khỉ nhiều quá, chứ “chính danh” của nó là Lâm viên Cần Giờ nằm ven trục đường Rừng Sác thuộc xã Long Hòa, H.Cần Giờ (TP.HCM).

< Thường xuyên tràn ra lối bách bộ dành cho du khách.

Thuở nhỏ xem phim Tây Du Ký, tôi cứ ngỡ loài khỉ chỉ sống trên núi mà thôi. Sau này mới “ngộ” ra thiên đường Hoa Quả Sơn của loài khỉ là chuyện trong phim… Nhìn những đàn khỉ tự do tung tẩy khắp nơi, không ít người ví Cần Giờ dường như đã trở thành thiên đường thật của những chú “Tôn Ngộ Không” tự bao giờ rồi. Nó không chỉ “làm chủ” cả khu lâm viên rộng lớn gần 2.000ha mà còn thể hiện “vai trò chủ nhà” khi tỏ ra vô cùng dạn dĩ. Du khách tản bộ nơi đây thì bất cứ lúc nào cũng bị “đụng” bởi cơ man nào là khỉ. Khỉ thoắt nhảy lên bàn ăn, trần xe ô tô quậy tưng, rồi thân thiện vọt lên vai bấu víu vào mặt, tóc, cổ áo du khách để… vòi được thưởng thức ăn.

Các khu rừng ngập mặn nguyên sinh Cần Giờ với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo từng bị “chết trắng” do chất khai quang trong thời chiến tranh trước 1975. Nhưng nhờ đâu mà “những cánh rừng chết” một thời ấy lại có đàn khỉ lên đến hàng ngàn con.


< Khỉ ở Cần Giờ.


Và nhờ đâu chỉ trong vòng 25 năm sau, Cần Giờ trở thành một trong những cánh rừng đẹp nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn được phục hồi sau chiến tranh hóa học đầu tiên trên thế giới và cũng là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam? Đã có một sự hồi sinh thần kỳ ở vùng châu thổ Cần Giờ nhờ vào sức người miệt mài khôi phục màu xanh cây rừng ngút ngàn tầm mắt từ những khoảnh đất trơ trụi. Cũng chính sức người đã tạo ra đảo khỉ độc đáo ở vùng đất cũng rất độc đáo khi nó được hình thành bởi 3 cửa sông Sài Gòn, Đồng Nai và Vàm Cỏ rộng lớn này.

Từng là lính biên phòng, ông Dương Đình Bơ giải ngũ để đi trồng rừng và giữ rừng từ năm 1982. Ông Bơ đã nghỉ hưu nhưng anh em đang làm công tác quản lý ở đảo khỉ vẫn luôn xem ông là người tiên phong trực tiếp dụ khỉ để gầy bầy đàn khi mà ban đầu nó mới chỉ có lác đác vài ba con. Chính ông Bơ cũng không ngờ rằng có ngày đàn khỉ quần tụ đông đúc như bây giờ. Một trong những người điển hình “kế tục sự nghiệp dụ khỉ, nuôi khỉ giữa rừng ngập mặn” một thời của ông Bơ, là anh Nguyễn Hữu Thước với thâm niên 17 năm gắn bó cùng đảo khỉ. Anh Thước quê ở Chợ Gạo (Tiền Giang).


< Tự do tung tẩy trong những cánh rừng ngập mặn.


Năm 1999 anh cưới vợ người Cần Giờ rồi về đây lập nghiệp. Bám trụ được lâu năm như anh Thước có thể nói cũng là một kỳ tích. Đường sá trước đây ở đảo khỉ vô cùng cách trở bởi không có đường bộ mà chỉ có thường thủy len lõi theo những kênh rạch chằn chịt giữa rừng ngập mặn. từ đảo khỉ về trung tâm thành phố bây giờ chỉ mất khoảng hơn 1 giờ đi ô tô, nhưng trước đây nếu có việc cần đi thì phải mất cả ngày đi thuyền. Và bây giờ đảo khỉ cũng không hoang vắng như xưa nữa mà nó đã trở thành một “Hoa Quả Sơn” của đời thật, một thỏi nam châm hút du khách thập phương đến tham quan mỗi ngày.

Đàn khỉ sinh sôi, tăng số lượng đàn theo năm tháng và sự bám trụ kiên cường trong bao bộn bề gian truân của những người như ông Bơ, anh Thước. Không phải là chuyên gia về động vật hoang dã nhưng bằng kinh nghiệm thực tế, anh Thước có khả năng “đọc hiểu tường tận” tập tính loài khỉ.

Anh Thước “đếm” được đàn khỉ bây giờ có gần 1.500 con, chủ yếu là khỉ đuôi dài, chia thành 7 bầy sống ở 7 khu vực trên đảo. Mỗi bầy có một lãnh địa riêng, thường thì nó không xâm chiếm nhau nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra “đại chiến” để thể hiện sức mạnh thống lĩnh trong môi trường tự nhiên.

< Anh Nguyễn Hữu Thước với thâm niên 17 năm gắn bó cùng đảo khỉ.

Ngay trong mỗi bầy khi đến mùa giao phối cũng không hiếm lần đụng độ, rượt nhau chạy te tua giữa những chú khỉ đực. Khỉ cái ở đảo khỉ động dục vào tầm tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, đến đầu mùa mưa (tháng 6 năm sau) thì đẻ (1 lần khỉ mẹ đẻ 1 khỉ con). Sau khi đẻ 4 tháng, khỉ mẹ lại bước vào chu kỳ sinh sản tiếp theo. Không ít lần anh Thước trở thành bà đỡ bất đắc dĩ khi khỉ mẹ bất ngờ gặp sự cố về sức khỏe.

“Hoa Quả Sơn” ở vùng châu thổ Cần Giờ được bảo vệ như báu vật, ngoài bộ phận quản lý thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM còn có sự tham gia của lực lượng biên phòng, kiểm lâm, công an... Một điều thú vị là người dân Cần Giờ có thói quen “cứ chờ đến năm con khỉ để đi xông đất đảo khỉ lấy hên”. Điểm dừng chân để du khách đi ca nô vào Chiến khu cách mạng Rừng Sác bây giờ là “căn cứ địa” của các bầy khỉ. Mỗi lần đến giờ ăn thì nó tràn ra các trục đường vốn dành cho mọi người bách bộ, vừa ngấu nghiến thức ăn vừa “làm cảnh” cho mọi người thỏa thích chụp hình, quay phim.

Theo Tân Phú - Ngọc Hải (iHay.Thanhnien)