Như một điểm hẹn những ngày giáp tết ở một con đường, bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng vẫn có người theo thói quen lại cuối năm đi về phía chợ Ông Tạ chỉ để mua bó lá dong xanh...
(TTO) - Như một điểm hẹn những ngày giáp tết ở một con đường, bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng vẫn có người theo thói quen lại cuối năm đi về phía chợ Ông Tạ chỉ để mua bó lá dong xanh...

< Con đường lá dong những ngày giáp tết.

Rạng sáng cuối tuần rồi đi ngang chợ Võ Thành Trang (*), P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM, chợt thấy những bó lá dong đang dỡ xuống. Bên cạnh là lá chuối và dây lạc.

< Những bó lá dong đang bày bán bên đường.

Mấy ngày sau, đi qua con đường Cách Mạng Tháng 8, đoạn ngang P.7, Q.Tân Bình, lại thấy một màu xanh ngát của lá dong, trắng tinh của dây lạc. Và những khung tre, khung gỗ, khung kim loại của những chiếc khuôn gói bánh chưng tết...

< Lá dong bày trên hè.

Mùa chợ lá dong tết đã về tự lúc nào.

Chợ lá dong Ông Tạ, gọi vậy thôi chứ chỉ kéo dài hơn 500m, nhiều nhất vẫn là ngoài hàng rào Trường THCS bán công Tân Bình. Một cái chợ “vỉa hè” mỗi năm chỉ rộn ràng vào dịp trước tết Nguyên đán, bán chỉ tuyền mặt hàng là lá dong xanh, dây lạc trắng và khuôn gói bánh.

Theo một số người xưa ngụ tại khu vực ngã ba Ông Tạ (ngã ba đường Phạm Văn Hai - Cách Mạng Tháng 8), chợ lá dong này hình thành từ những di dân phương Bắc, với tinh thần giữ lấy truyền thống văn hóa xưa. 

Bình thường thì khu vực ngã ba này đã có một khu chợ chuyên bán buôn các thương phẩm dành cho người dân gốc Bắc. Rồi khi tết đến xuân về, những người dân đất Bắc lại tụ về đây, nhộn nhịp mua bán lá dong, loại lá dành để gói bánh chưng, món bánh tết truyền thống.

< Một phụ nữ đang lựa khuôn bánh.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, lá dong bây giờ có mặt ở khắp nơi trong mọi sạp chợ, nhưng vẫn có những người dân gốc Bắc, theo thói quen lại cuối năm đi về phía chợ Ông Tạ, cũng chỉ để mua bó lá dong, mớ dây lạc về để cả nhà cùng tề tựu gói bánh.

< Thùng nấu bánh chưng.

Còn tại chợ lá dong Ông Tạ này, luôn có những người bán “thâm niên” trên 10 năm, 20, 30 năm... Khách mua cũng có khi là người trẻ, cũng có khi là người già có tính chỉnh chu, phải mua ở chợ này mới hài lòng.

Cũng có nhiều chủ hàng, quanh năm bán buôn thứ khác, nhưng đến mùa giáp tết lại quay về đây buôn bán lá dong. Dù chỉ bán trong vòng mươi ngày, nhưng vẫn bền bỉ theo đuổi, như một “nét quen văn hóa” phải có.

< Cắt cuốn lá dong cho khách mua.

Các chủ hàng cho biết với lá dong phương Nam, người mua kẻ bán thường chuộng lá dong ở vùng Bà Điểm (Hóc Môn) vì lá dẻo, gói bánh không bị nứt. Nhưng nhiều năm gần đây, trong cơn sốt đô thị, lá dong Bà Điểm ngày càng hiếm đi vì diện tích trồng bị thu hẹp.

Hiện tại đang bán là lá dong vùng Gia Kiệm, Phương Lâm, Long Khánh (Đồng Nai) và các vùng xa như Bảo Lộc, Lâm Đồng.

< Tấp nập người mua kẻ bán trên chợ lá dong.

Tại chợ, lá dong thường được phân chia làm ba loại: loại 1 (còn gọi là lá đại), loại 2 (lá nhất) và loại 3 (lá nhỏ). Ngoài khách mua lẻ, còn có rất nhiều bạn hàng “đến hẹn lại lên” là các tiểu thương chợ nhỏ, các lò nấu bánh trong thành phố.

Cứ như thế, chợ lá rộn ràng, chộn rộn trong chừng hai mươi ngày. Vỉa hè chợ tấp nập người ghé đến, người buộc lá mang đi, người lựa, người mua và bán.

< Khách chọn lựa khuôn bánh.

Như một điểm hẹn mướt xanh màu lá trong những ngày giáp tết ở một con đường, tạo nên một điểm sáng lung linh ấm áp, khiến ai đi qua cũng thấy lòng rạo rực, như đón mùa xuân đang về.

Từ xa lắm, một vài người bạn của tôi lại vừa gọi điện về, hỏi thăm "chợ lá dong Ông Tạ đã đông vui chưa?".

< Chở lá dong đã mua về nhà.

Cũng có những người Việt xa xứ, chân đi khắp Đông Tây Nam Bắc, mùa xuân xứ người lại tâm trạng buồn vui lẫn lộn, lại than là nhớ, nhớ từng cái bánh chưng xanh, từng tép dưa hành...

Rồi lại chuyển sang nổi nhớ những ngày cuối năm âm lịch, đi ngang ngã ba Ông Tạ, thấy bên đường người ta bày bán lá dong xanh...

Theo Trần Duy (Dulich.Tuoitre)