Với những người lớn lên cùng nền văn minh lúa nước, nơi đây gợi nhớ nhiều ký ức về một thời đã qua.
Với những người lớn lên cùng nền văn minh lúa nước, nơi đây gợi nhớ nhiều ký ức về một thời đã qua. Còn với những ai yêu say cái sự tĩnh lặng, trầm mặc của một khung cảnh yên ả thanh bình, thì nơi đây là một điểm đến lý tưởng. Nơi đây là “Vườn xưa” ở xã Tú Sơn - huyện Kiến Thụy, là nơi mà “Ta - Người cộng cảm nỗi niềm chung”.

< Một góc nhà cổ nơi khách thưởng thức trà đạo bên ao súng.

Chủ nhân của “Vườn xưa” đã viết như thế trong lời đề tựa chào khách đến thăm quan khu vườn yên tĩnh của mình...

Vườn xưa lưu lại nét canh nông
Chia sẻ với đời những nhớ mong
Sương xuống trước vườn, ươm cỏ nội
Gió lùa sau vách, ngát hương đồng

Cuốc, cày, chồng chất mùa rơm rạ
Liềm, hái, ngổn ngang vụ gánh gồng
Khởi sắc Văn minh vùng lúa nước
Ta - Người cộng cảm nỗi niềm chung

Đặt chân đến cổng “Vườn xưa”, bắt gặp lời đề tựa là mỗi người đã có thể hình dung đôi nét về không gian mà mình sắp khám phá.

Chủ nhân của khu vườn xây dựng lên nó để trải lòng mình qua từng vật dụng, từng khung cảnh. Để rồi mong muốn tìm được niềm đồng cảm từ những người khách ghé thăm. “Vườn xưa” chào đón khách đến thưởng ngoạn bất cứ lúc nào và không thu bất kỳ một loại phí nào.

Và chính anh đã viết về “Vườn xưa” bằng tất thảy nỗi niềm, cảm xúc mà mình đã gửi gắm khi cất công xây dựng nên khu vườn rộng hơn 1.000m2 này: “Một không gian nhỏ, khiêm tốn bên thôn trang trù phú có bốn mùa rau xanh và những cánh đồng lúa nước của miền quê duyên hải.

Vườn xưa mang sắc thái thuần Việt, lắng lòng trở về quá khứ, lưu giữ những công cụ gia điền ở lại cùng thời gian. Bản địa nơi đây có khí chất phong phú đầy tiềm năng, có truyền thống nhân văn cao cả, nền văn hóa đậm đà bản sắc, con người cần mẫn sáng tạo trong lao động…

Thừa kế vốn cổ, khu vườn này tái hiện sắc thái canh nông xưa để gửi gắm cho tương lai. Khuôn viên mang lối kiến trúc dân dã, gần gũi, mượn chất mộc mạc để phơi bày sức sống nội tâm, sắp đặt cho cỏ, đá phải sinh tình, trải lòng đón hương trong gió, nghiêng mình đón nắng ban mai. Vườn xưa chẳng lộng lẫy khác thường nhưng lay động nỗi niềm ký ức, nhuộm kín màu thời gian, bừng lên sự cộng cảm, là nơi chia sẻ của mỗi chúng ta mỗi lần trở về!”

Trong khuôn viên rộng hơn 1.000m2, khách đến chơi có thể tìm thấy ở “Vườn xưa” đủ những thứ vật dụng quen mà lạ. Quen với những ai đã từng một thời gắn bó với chúng, là những nông cụ gắn liền với hạt thóc, hạt gạo. Lạ với những ai mới chỉ được nghe kể mà chưa một lần được nhìn thấy trực tiếp, cho đến khi đặt chân đến khu vườn này. Về khung cảnh chung thì đây được ví như một ngôi làng thu nhỏ. “Làng trong làng” là điều mà mỗi người dễ dàng cảm nhận.

Ẩn mình ở thôn Nãi Sơn, “Vườn xưa” mang một vẻ đẹp bình dị, yên ả đến lạ thường. Bước qua cánh cổng là một không gian xưa cũ, tái hiện đời sống của giai cấp bần cố nông ở đồng bằng Bắc Bộ trong xã hội Việt Nam thế kỷ trước.

Một chiếc cầu đá vắt qua hồ nước nhỏ đầy hoa súng tím, một căn nhà tranh lợp mái rạ, một cây đại 300 tuổi… là những điểm nhấn cho không gian xưa cũ nơi đây. Ban đầu chủ nhân của khu vườn có ý tưởng mô phỏng không gian nông thôn Việt Nam với đầy đủ các hình ảnh, hiện vật của 3 giai cấp: địa chủ, trung nông và bần cố nông, nhưng sau đó, trong khả năng của bản thân, anh quyết định chỉ gây dựng lại một ngôi nhà tranh vách đất của giai cấp bần cố nông xưa.

Trong căn nhà ấy có đầy đủ các loại vật dụng sinh hoạt từ thời xa xưa. Từ chiếc chõng tre, chiếc bồ đựng thóc, một chiếc chum to đến nồi chõ, cối giã gạo, gầu sòng…

Ngay cả những cái đĩa, cái bát ăn cơm cũ kỹ, xấu xí cũng được lưu giữ lại. Còn ở phía ngoài sân, chủ nhân ngôi vườn bày biện thêm nhiều nông cụ khác ở từng góc trưng bày. Là cái lưỡi cày, là đòn gánh với đôi thùng nước, là chiếc xế nước hay chiếc xe cút kít 1 bánh. “Vườn xưa” như trở thành một bảo tàng nông cụ thu nhỏ, hấp dẫn và hiếu kỳ đối với ai muốn tìm hiểu về nền văn minh lúa nước.

Đôi dòng ý niệm của người làm nên bảo tàng ấy sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của những giá trị xưa cũ này: “Ngày nay, những công cụ đang bị mai một dần theo thời gian nên Vườn xưa gợi lại những hình ảnh canh tác của người trồng lúa thông qua văn minh vật chất và văn hóa nông nghiệp.

Những hiện vật không còn dùng trong nông nghiệp đã có mặt tại nơi đây là hình ảnh để Nay hiểu Xưa, giữ mối quan hệ Cũ và Mới cảm nhận tập quán trồng cây lúa từ xa xưa, giờ đã nâng lên thành một nền văn minh lúa nước.

Đó là sự kết tinh sáng tạo trong lao động sản xuất của người nông dân qua nhiều thế hệ. Nếp ở, nếp làm của người nông thôn xưa vốn làm nên bản sắc riêng của từng vùng quê Việt Nam “làm ruộng theo làng, bán hàng theo chợ”. Nông cụ được tạo ra để thể hiện hình thù rất đặc trưng, tác động trực tiếp công việc, rút ngắn thời gian nhọc nhằn, thô sơ nhưng thân thiện với môi trường, ấm áp hơi người lại co sức mạnh trước thiên nhiên”.

Hoàn thành sau chưa đầy một năm xây dựng, mọi thiết kế về khu vườn đều do chính người ấp ủ ý tưởng tự tay làm nên. Từ sự am hiểu về kiến trúc và văn hóa, anh đã tạo dựng, sắp đặt nên một không gian giàu ý nghĩa cả về lịch sử và văn hóa tín ngưỡng. Ở đó, hiện tại và quá khứ như giao hòa, nối tiếp.

Khách đến với “Vườn xưa” được tự do khám phá, trải nghiệm sự thú vị ở đây. Và mỗi nơi, mỗi góc của khu vườn đều khiến bước chân mỗi người phải dừng lại. Để rồi, ấn tượng về “Vườn xưa”, về không gian “làng trong làng” ấy sẽ còn đọng mãi.

Theo Huyền Trâm (An Ninh Hải Phòng)