Tab Từ Khóa "Làng nghề"
Showing posts with label Làng nghề. Show all posts
Người làm nghề dựng nhà chòi trên biển phải tính toán chính xác mực thủy triều, phải ngâm mình dưới nước, phải là thợ lặn giỏi.

Những năm đầu thập niên 2000, cư dân Cam Ranh (Khánh Hòa) bắt đầu phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Vì vậy, nhu cầu dựng nhà chòi để chăm sóc, canh giữ ngày càng tăng. Nhưng chỉ có những thợ mộc tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm mới dựng được nhà gỗ trên mặt nước biển.

Chúng tôi tìm đến tổ dân phố Hòa Do 4, phường Cam Phúc Bắc để theo chân thợ mộc Vy Thanh Đông ra biển. Hôm nay, có người thuê làm nhà chòi nên anh tranh thủ ra thăm chòi chăm rau câu chân vịt (rong sụn) của mình trước khi gọi anh em cùng đi làm.

Đường ra biển Cồn Chim khoảng một kilomet. Đây là vùng biển chuyên trồng rau câu kết hợp nuôi sò của người dân Cam Phúc Bắc. Anh Đông cho biết: "Ở đây nước không sâu lắm nên người dân vừa nuôi rau câu vừa nuôi sò. Nhưng mà bọn người trộm sò và rau câu ngày càng đông, bà con phải thuê tụi tui dựng nhà gỗ để vừa tiện phơi rau câu khi thu hoạch, vừa giữ sò khỏi bị kẻ gian lấy cắp".

Với chiếc xuồng nhỏ hai tay chèo, anh Đông đưa chúng tôi đi qua cả trăm ngôi nhà gỗ cắm cọc xuống biển. Mặt biển được rào chắn bằng cọc tiêu và lưới, làm thành những khu nuôi trồng thủy sản riêng lẻ. Cũng có đường cho xuồng đi lại, nhưng khách lạ như chúng tôi không biết đi lại cụ thể thế nào.

Sau một hồi lênh đênh sóng nước, xuồng anh Đông tấp vào một nhà chòi anh vừa làm xong cho khách. Nhìn dàn cọc khá dày từ đáy biển nhô lên cùng sàn tre, cái chòi lợp tôn chắc chắn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết căn nhà này chỉ mình anh Đông làm.

Neo xuồng, leo lên bậc thang bằng những cây gỗ, cảm giác đầu tiên là căn nhà không hề lung lay. Dưới mái tôn, giữa gió biển mát rượi, anh Đông cho biết, dựng nhà trên biển khó hơn nhiều so với dựng nhà trên đất liền.

Đầu tiên, khi khách hàng đặt vấn đề dựng nhà, kíp thợ sẽ liệt kê những vật liệu cần dùng, nếu chủ đồng ý thì mua về tập kết bên bờ biển, từ những cây gỗ to bằng bắp đùi làm trụ cho đến tre nứa làm sàn cùng dây kẽm, đinh, bù loong... Kíp thợ dùng một cái bè lớn đưa hết vật liệu lên đó, chờ thủy triều xuống, lội nước kéo ra vị trí chủ nhà yêu cầu.

Kíp thợ vài người phân công mỗi người mỗi việc. Người thì đào hố trụ dưới nước, người kết sàn nhà... Nhưng nếu không có ai cùng làm thì một mình anh Đông vẫn tự tay hoàn chỉnh một nhà chòi trong vài ngày. Anh Đông kể, đào lỗ chôn trụ nhà là vất vả nhất, người thợ phải nắm bắt được mực nước thủy triều lên xuống, phải lặn xuống nước, nhiều nơi đào cát lên lại bị tuột xuống.

Nếu như dựng nhà trên đất liền thì tính toán và cưa sẵn cột cho từng vị trí, với nghề mộc dưới nước, không ai dám mạo hiểm làm việc ấy, vì không biết chắc độ nông sâu của biển, nền biển chắc chắn cỡ nào nên gỗ phải cùng độ dài. Rồi làm cách nào để trụ ngâm dưới nước biển không bị mục nhanh, chống được hà bám...

Những người thợ chuyên dựng nhà chòi trên biển như anh Đông đều ước tính được mọi thông số kỹ thuật trong đầu, không hề có một mẫu giấy hay bản vẽ. Xác định vị trí để đào lỗ dựng trụ xong, người thợ ngậm ống thở, lặn sát đáy biển, dùng xà beng cắm mạnh vào cát, dùng một loại máy (tận dụng máy xịt thuốc trừ sâu cho cây xoài) bắn hơi vào quanh xà beng, cát bay ra, tạo nên cái lỗ.

Cứ thế lặp đi lặp lại thật nhanh để không bị cát và nước lấp cái lỗ sâu dần. Lỗ chôn trụ ít nhất phải sâu 0,7 mét đến 1,2 mét, nên chỉ những ai biết lặn và sức khỏe thật tốt mới có thể đào nổi vì phải ngâm mình dưới nước nhiều tiếng đồng hồ. Số lỗ đào tùy thuộc vào diện tích nhà chòi, nhưng trung bình phải từ 30 đến gần gấp đôi.


Để tăng tuổi thọ những trụ gỗ, người thợ phải ước lượng phần chân trụ bị ngập nước, dùng nhựa đường quét lên nhiều lớp rồi quấn lại bằng lưới ni lông. Nhờ thế mà có những nhà chòi trụ vững trên biển cả chục năm. Xong phần dựng trụ là khoan lỗ thật chính xác để nối trụ với cây giằng ngang bằng bù loong, tạo nên khung sườn vững chắc mới bắt tay vào làm sàn.


Tùy số tiền của khách mà thợ chọn vật liệu. Tiền vật liệu càng cao thì nhà chòi sử dụng càng lâu, chịu đựng được giông bão và biển động. Nhưng sàn chòi, cả phần nhỏ để ở, phần lớn là sân phơi, thường làm bằng tre lồ ô, vì nếu dùng gỗ sẽ tốn kém gấp nhiều lần. Theo anh Đông, nếu 3 người dựng 1 nhà chòi chỉ vài ba ngày là xong, còn một mình thì phải cả tuần.

"Những năm đầu vào nghề, cả nhóm 3, 4 người hợp lực dựng một nhà chòi đã không xuể, bây giờ, nhờ tích lũy được kinh nghiệm, anh em đều có khả năng làm một mình. Làm miết, quen tay rồi cái khó cũng thấy bình thường", anh Đông chia sẻ.

Nhưng anh Đông cũng cho biết, dù gắn bó suốt 10 năm, nghề làm nhà chòi vẫn bấp bênh. Diện tích nuôi trồng thủy sản ở Cồn Chim có hạn, tức "đất xây nhà" cũng có hạn. Mấy năm trước, khi việc nuôi trồng thủy sản ở Cam Ranh nở rộ, anh Đông cùng em rể là Nguyễn Đường và bạn là Nguyễn Trung Kiên lập nhóm để dựng nhà chòi, việc làm không ngớt nhưng nay vịnh biển đã lấp đầy diện tích có thể nuôi trồng được, công việc thưa hẳn.

Rồi 2 thợ trong nhóm không trụ được với nghề do phải ngâm mình dưới nước, tay chân bị "nước ăn", làm quần quật cả ngày cũng chỉ được 300 ngàn đồng tiền công. Mùa khô còn có việc làm, mùa mưa, những người thợ như anh Đông đều thất nghiệp.

Gia đình anh Đông có 4 người. Thuở nhỏ, anh được bố dẫn từ Phú Yên vô Cam Ranh sinh sống. Mải lo làm ăn, gần 40 tuổi anh Đông mới cưới vợ. Một mình lo cho cả nhà, thu nhập từ nghề mộc trên biển không thể trang trải đời sống gia đình.

Nhiều lần có ý định bỏ nghề để tập trung làm nghề khác có thu nhập ổn định, nhưng khi bà con nhờ dựng căn nhà chòi để kiếm kế sinh nhai, anh lại không nỡ từ chối. "Hai anh bạn tôi đã làm việc khác, khách nhờ, tôi không làm thì ở đây không còn ai làm, nên phải nhận lời", anh Đông tâm sự.

Công việc mưu sinh cực nhọc vậy, nhưng như anh Đông nói, nhìn những căn nhà chòi do mình làm vững chắc giữa sóng gió qua bao nắng mưa để giúp người dân nuôi sò, trồng rau câu, là niềm vui lớn nhất, là niềm động viên giúp người thợ mộc trên biển vượt qua bao khó khăn.

Theo Cao Khuyên (Doanh Nhân SG)
Gốm Làng Ngòi thuộc xã Tư Mại, huyện Yên Dũng. So với cả chục thương hiệu gốm cổ truyền Việt Nam thì gốm Làng Ngòi còn rất mới mẻ. Tuy nhiên gốm Làng Ngòi đã sớm khẳng định được thương hiệu bởi nét độc đáo, giản dị, chân chất, đậm đà bản sắc dân tộc tạo nên phong cách riêng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Nguyên liệu để tạo ra sản phẩm gốm ở đây là loại đất sét có màu vàng hoặc màu xanh búp dong, phân bố ở vùng ven sông Cầu. Sản phẩm gốm Làng Ngòi luôn có hai màu đặc trưng là men màu nước dưa và xương đất.

Khác với gốm Bát Tràng  là vẽ và trang trí bằng màu, hay gốm Phù Lãng vuốt và dội men thì gốm Làng Ngòi được trang trí bằng hoạ tiết hoa văn đắp nổi thể hiện sinh động trên chất liệu gốm nâu sành rất đặc trưng do chính tay họa sỹ tạo nên.

Sản phẩm gốm có họa tiết mộc mạc, có phần thô ráp nhưng chính điều đó lại tạo nên nét độc đáo của của gốm Làng Ngòi, mang đậm phong cách dân gian và nét văn hoá làng quê đặc sắc.

Mặc dù là sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền, nhưng gốm Làng Ngòi lại tạo ra cho mọi người cái lạ, cái ngộ nghĩnh. Khi xem sản phẩm gốm Làng Ngòi sẽ bị cuốn hút bởi nét mộc mạc, dân dã, gần gũi nhưng vô cùng độc đáo ở hoạ tiết trang trí.

Dưới sự sáng tạo của nghệ nhân, những hình tượng nhân vật trong các tác phẩm văn học; những điển tích văn hóa; những ước nguyện, quan niệm của người xưa (Chí Phèo – Thị Nở; Ngư, Tiều, Canh, Mục; bộ tranh tứ bình xuân, hạ, thu, đông; các loại linh vật,…) được hiện lên một cách sinh động, ngộ nghĩnh và chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh.

Gốm làng Ngòi là sự kết tinh bởi sự đam mê nghệ thuật, sự cần mẫn cùng tình yêu quê hương, đất nước, yêu nền văn hoá dân gian cùng đôi bàn tay tài hoa sáng tạo. Tất cả tạo nên sản phẩm gốm Làng Ngòi một phong cách riêng, độc đáo không bị hòa lẫn.

Đến nay, gốm làng Ngòi không chỉ được “biết đến” mà đã trở thành một thương hiệu gốm uy tín, ghi danh vào làng Gốm Việt, thương hiệu Gốm làng Ngòi không chỉ thị trường trong nước biết đến mà còn chiếm được sự mến mộ của bè bạn quốc tế.

Sản phẩm Gốm Làng Ngòi được trưng bày tại hàng trăm cuộc hội chợ triển lãm, đặc biệt Gốm Làng Ngòi đã xuất hiện tại triễn lãm "Hình ảnh APEC và Di sản văn hóa Việt Nam" (2007), được Hiệp hội làng nghề VN công nhận là "Sản phẩm tinh hoa làng nghề".

Sản phẩm gốm làng Ngòi đã xuất hiện tại nhiều công trình ở khắp mọi miền đất nước cùng nhiều mẻ hàng xuất sang Nhật, Ấn Độ, Ai Cập, châu Âu… Năm 2007, Lưu Xuân Khuyến vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của cho "Nhà nông trẻ xuất sắc" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

VinTrip! tổng hợp từ internet
Châu Đốc An Giang cũng đã rất nổi tiếng với những hành trình du lịch sinh thái, thưởng ngoạn thiên nhiên phong phú giàu có, nay lại thêm phong phú bởi hành trình du lịch sinh thái tham quan làng bè thủy sản Đa Phước. Làng bè mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt du khách tìm đến, háo hức trải nghiệm cuộc sống sông nước thanh bình, giản dị, và thưởng thức những món ăn đậm đà, dân dã mà hương vị tinh tế của người dân tại đây.

Dừng chân tại bến đò Châu Giang, du khách tiếp tục chuyến đi bằng thuyền để tiếp cận làng nổi Đa Phước. Làng bè từ lạ thành quen, từ chút xa xôi rồi trở thành điểm tham quan quen thuộc gần gũi đối với khách du lịch xa gần khi đến Châu Đốc, An Giang.

Hầu hết du khách đã có dịp dừng chân và khám phá làng bè thuỷ sản Đa Phước, đều tỏ ra hào hứng và thích thú khi hồi tưởng lại chuyến du lịch hấp dẫn và mới lạ của mình.

Làng bè hay còn gọi là làng nổi Đa Phước với vài trăm nhà bè neo đậu san sát nhau, hình thành trên thượng nguồn sông Hậu. Những con người hồn hậu, bình dị nơi đây đã quen thuộc với cuộc sống quần cư trên mặt nước, dập dềnh và lênh đênh trên những chiếc thuyền gia đình, với đầy đủ các vật dụng cần thiết và sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thuỷ sản.

Đến đây, du khách có thể chọn tham quan trong ngày, mua sắm và thưởng thức bữa ăn địa phương chân chất với giá rất rẻ.

Hoặc nếu có thời gian hoặc yêu thích không khí yên bình, cùng cuộc sống mới lạ trên thuyền, du khách có thể chọn ở lại vài ngày theo hình thức du lịch homestay – sống ngay trên thuyền của người dân, cùng ăn, cùng lao động, để từ đó cảm nhận thực tế hơn những nét đẹp, nét đặc sắc trong văn hoá sông nước, cũng như góp nhặt những kỷ niệm và trải nghiệm độc đáo, khó quên cho hành trình khám phá du ngoạn của mình.

Không còn xa lạ với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, cuộc sống tại làng bè thuỷ sản Đa Phước tuy dân dã, thiếu thốn nhưng lạ thay luôn mang lại cho du khách rất nhiều ấn tượng đẹp. Những kỷ niệm đáng nhớ có được khi thăm làng bè thuỷ sản Đa Phước này, cứ vậy mà sống mãi trong lòng khách phương xa.

VinTrip! tổng hợp
Làng Thần Kỳ Đạ Nghịt nằm ở xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) là một ngôi làng “lạ quắc lạ quơ” ở Đà Lạt mà rất ít người biết đến.

Đây là ngôi làng trồng rau xà lách sạch được áp dụng theo công nghệ nổi tiếng của Làng Kawakami, huyện Minamisaku, tỉnh Nagano Nhật Bản. Chính vì thế thôn Đạ Nghịt này được xem là “làng thần kỳ thứ 2” tại Đà Lạt.

Khát vọng Kawakami

Đứng trước nông trại xà lách Mỹ mơn mởn, ông Hironosi Tsuchiya - người đã có công lớn xây dựng làng Thần Kỳ Việt Nam ở làng Đạ Nghịt, xã Lát, cũng là Giám đốc đại diện Quỹ Đầu tư HT Capital tại Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH An Phú Lacue - không giấu được niềm vui.

< Đến đây bạn sẽ chóang ngợp với những luống rau xanh trải dài hàng chục héc- ta, thả ga chụp tự sướng cũng như tận mắt xem người nông dân chăm sóc và thu hoạch rau.

Cách đây chưa lâu, khu vườn xà lách này chỉ là một vùng đất bạc màu với lởm chởm sỏi đá, cỏ bụi rậm rạp... Hironosi Tsuchiya cho biết, ông và cộng sự đã và đang nỗ lực hết mình để biến vùng đất khó này thành làng Thần Kỳ đỉnh cao tại Việt Nam.

Sở dĩ có tên gọi như vậy, bởi ở đất nước mặt trời mọc, nơi ông sinh ra, làng Kawakami (quận Minamisaku, tỉnh Nagano) - vốn là vùng đất cằn cỗi, nghèo khó và lạc hậu, sau 20 năm áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã trở nên giàu có bậc nhất Nhật Bản, thu nhập bình quân trên 200.000 USD/hộ/năm trong khi mỗi năm người dân chỉ làm việc 4 tháng. Người dân Nhật gọi Kawakami là làng Thần Kỳ để vinh danh những nông hộ nơi đây…

“Đó là lý do chúng tôi quyết lập một làng Thần Kỳ thứ hai – ông Hironosi Tsuchiya nói. So sánh điều kiện sản xuất nông nghiệp ở Đạ Nghịt với làng Kawakami của Nhật Bản, rõ ràng vùng Đạ Nghịt có những ưu thế vượt trội. Nếu như ở Đạ Nghịt thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp quanh năm với khí hậu ôn hòa và nhiệt độ lý tưởng, thì ở làng Kawakami mỗi năm chỉ sản xuất được 4 tháng (6-10), thời gian còn lại không thể sản xuất do tuyết bao phủ.

Trước khi chọn Đạ Nghịt lập làng Thần Kỳ, ông Hironosi Tsuchiya cùng cộng sự đã cẩn thận lấy từng mẫu đất, nước trong vùng để xét nghiệm, kiểm tra hàm lượng các chất có trong đất, nước. Họ còn tỷ mỷ theo dõi lượng mưa trong nhiều năm để chọn thời điểm xuống giống cho hợp lý nhất. Khi đã thỏa mãn những điều kiện cần thiết, tháng 10.2013, người Nhật quyết định thuê đất, chọn Đạ Nghịt lập làng Thần Kỳ Việt Nam.

Kỳ công lập làng Thần Kỳ

Để xây dựng làng Thần Kỳ ở Việt Nam, thông qua Quỹ Đầu tư HT Capital, một đơn vị chủ quản làng Thần Kỳ đã được thành lập - đó là Công ty TNHH An Phú Lacue. Đây là công ty liên doanh giữa An Phú Đà Lạt và Công ty Lacue Nhật Bản.

Bên cạnh việc tuyển chọn hàng chục lao động phổ thông người Việt với mức lương không dưới 4 triệu đồng/người/tháng (có nơi ăn ở), ông Hironosi Tsuchiya còn bay về Nhật, tìm đến làng Kawakami để động viên một số thanh niên có kinh nghiệm nhất trong việc trồng rau xà lách Mỹ sang Đạ Nghịt “đầu quân”, quyết lập thành công làng Thần Kỳ thứ 2 trên thế giới.

Theo tiếng gọi, hai thanh niên ưu tú của Kawakami là Masahito Shinohara (34 tuổi) và Takaya Hanaoka (35 tuổi) đã đến Lâm Đồng vào cuối năm ngoái.

Ở đây, Masahito Shinohara và Takaya Hanaoka đã khẳng định họ chính là những nông dân giàu kinh nghiệm nhất. Sáng sớm, Masahito Shinohara và Takaya Hanaoka đã ra vườn cùng với công nhân Việt Nam. Khi thì đi sau máy cày nhặt nhạnh từ viên sỏi, gỡ từng miếng đất, gom từng sợi cỏ, lên luống xuống giống…

Họ cùng công nhân Việt Nam cần mẫn làm việc không quản dầm mưa dãi nắng. “Làm nông nghiệp tất nhiên là vất vả rồi nhưng chúng tôi rất tự hào vì đang góp phần kiến tạo một làng Thần Kỳ ở đất nước các bạn” - Masahito Shinohara tâm sự.

Hay tin người Nhật lập làng Thần Kỳ, cô gái Nguyễn Phượng Hoàng (24 tuổi), đang có việc làm ổn định trong ngành xuất nhập khẩu ở TP.HCM với lương 8 triệu đồng/tháng cũng xin nghỉ việc để lên Lâm Đồng theo người Nhật học cách làm rau sạch. Phượng Hoàng cho biết, chị muốn làm giàu bằng cách học ý chí tự lực tự cường, lao động nghiêm túc, có tính kỷ luật cao, nhất là cách làm rau công nghệ cao từ người Nhật.

Kết quả lao động không phụ sức người, tháng 4.2014, sau 70 ngày gieo trồng, lứa rau xà lách Mỹ trồng thử nghiệm đầu tiên tại làng Thần Kỳ Việt Nam đưa ra thị trường với thành công ngoài mong đợi. Ông Hironori Tsuchiya cho biết, 5.000m2 rau xà lách Mỹ của làng Thần Kỳ Việt Nam đã cho sản phẩm tương đương rau trồng tại làng Kawakami của Nhật, nhiều cây xà lách nặng tới 1,2kg.

Mặc dù giống, vật tư phân bón, công nghệ đều phải nhập từ Nhật và Mỹ nhưng giá thuê nhân công tại Việt Nam rẻ nên chi phí sản xuất rau xà lách tại làng Thần Kỳ Việt Nam vẫn thấp hơn 10% so với Nhật.

Dự án tuyệt vời

Vị đứng đầu làng Thần Kỳ Việt Nam còn cho biết, đây là dự án chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa nông nghiệp cho Việt Nam mà trực tiếp là Lâm Đồng. Cơ hội rộng mở cho mọi doanh nghiệp và cá nhân. An Phú Lacue (đơn vị chủ quản làng Thần Kỳ) sẵn sàng chuyển giao công nghệ trồng rau tiêu chuẩn Nhật cho người có nhu cầu. Hiện có nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình tại Đà Lạt đến đặt vấn đề với An Phú Lacue để được hỗ trợ về mặt công nghệ.

< Thăm quan khu ươm giống của trang trại rau “Làng Thần kỳ”.

Ông Hironosi Tsuchiya cho biết, trước mắt người Nhật đem công nghệ, chuyên gia sang Việt Nam để hướng dẫn người Việt làm nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn Nhật, nhưng về lâu dài họ sẽ đưa nông dân Việt sang học cách làm tại Nhật. Hiện An Phú Lacue xúc tiến tuyển chọn lao động đảm bảo điều kiện để sang Nhật học làm rau công nghệ cao.

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng khẳng định làng Thần Kỳ Việt Nam là dự án tuyệt vời. Cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản tại Đà Lạt - Lâm Đồng được tiếp cận kỹ thuật trồng rau tiêu chuẩn Nhật Bản là điều mơ ước. Lực lượng được An Phú Lacue tuyển chọn đi Nhật sẽ là “chuyên gia” tiên phong giúp Đà Lạt cải thiện hình ảnh sản xuất nông nghiệp.

< Ngoài ra, bạn còn có cơ hội thưởng thức những cọng rau tươi ngon ngay tại vườn  mà không cần rửa nữa đấy!

Bao năm nay nông sản Đà Lạt chủ yếu tiêu thụ nội địa, việc đổ bỏ hàng nghìn tấn nông sản mỗi vụ ở Lâm Đồng đã trở thành tình trạng phổ biến. “Công nghệ cao, chất lượng tốt, đầu ra sản phẩm ổn định của làng Thần Kỳ Việt Nam giúp nông sản Đà Lạt đường hoàng bước ra sân chơi quốc tế”– ông Sơn khẳng định.

Chất lượng xà lách trồng ở Đạ Nghịt tương đương rau trồng tại làng Kawakami của Nhật, nhiều gốc xà lách nặng tới 1,2kg. Mặc dù giống, vật tư phân bón, công nghệ đều phải nhập từ Nhật và Mỹ nhưng bù lại giá thuê nhân công tại Việt Nam rẻ nên chi phí sản xuất rau xà lách tại làng Thần Kỳ Việt Nam vẫn thấp hơn 10% so với làng Thần Kỳ bên Nhật. Với đầu ra không giới hạn sản lượng, hiệu quả kinh doanh của An Phú Lacue sẽ khá tích cực từ năm sau, vì giá thành sản phẩm dự kiến sẽ thấp hơn so với ở Nhật từ 20 - 30%.

Theo Dân Việt và nhiều nguồn khác
Tại quần đảo Cát Bà đã tồn tại một làng chài nhỏ, có di chỉ niên đại cách đây hàng nghìn năm, nay trở thành địa chỉ du lịch khá nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đó là làng chài Cái Bèo...

Làng chài Cái Bèo là nơi sinh sống của 300 hộ dân, hơn 600 nhân khẩu. Nhìn từ xa, vịnh Cái Bèo hiện ra thật đẹp với làn nước màu xanh lục, núi đá nhấp nhô hòa lẫn với màu trời trong xanh. Vẻ thơ mộng của thiên nhiên và cuộc sống nhộn nhịp của làng chài tạo nên một vẻ đẹp hiếm thấy. Trên mặt nước bồng bềnh, làng chài gồm nhiều nhà thuyền kết liền với nhau thành nhóm. Không chỉ có những con thuyền, trên vịnh Cái Bèo còn có những ngôi nhà nổi, kết lại san sát với nhau bằng những lồng bè nuôi cá. Từ nhà này có thể dễ dàng bước sang nhà kia trên một chiếc cầu nhỏ bắc ngang hay trên những thanh lồng.

Cuộc sống của cư dân làng chài Cái Bèo gắn liền với hoạt động đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng trong vịnh. Chiếc thuyền vừa là nhà, vừa là phương tiện kiếm sống nay đây mai đó của ngư dân làng chài. Trời yên, biển lặng, dân chài neo thuyền, thả lưới, buông câu, bắt tôm cá. Biển động, sóng to thì vào vịnh, về đất liền cư trú đợi lúc bình yên lại ra khơi.

Hoạt động kinh tế này không chỉ giúp cư dân làng chài có cuộc sống đủ đầy, mà còn tạo nên một nét đẹp riêng của cuộc sống trên vịnh Bến Bèo. Hình ảnh những con thuyền đông đúc, những ô lồng nuôi cá xếp hàng hàng, lớp lớp tạo nên bức tranh cuộc sống yên bình, là nét chấm phá tô điểm thêm cho vẻ đẹp quần đảo Cát Bà.

Để có thể khám phá hết cuộc sống của người ngư dân làng chài cổ và vẻ đẹp bình dị của không gian hiền hòa ở làng chài Cái Bèo thì không có lựa chọn nào tuyệt hơn là khám phá trên những chuyến đò do người dân ở nơi đây chèo lái. Một bức tranh thủy mặc của Cái Bèo theo tiếng mái chèo khua nước, du khách sẽ vừa được lắng nghe những chia sẻ thú vị và gần gũi về làng chài qua câu chuyện của người lái đò.

Không chỉ thế, du khách còn có thể thoải mái ngắm nhìn khung cảnh nên thơ của vịnh và thưởng thức những món ăn đặc sản chế biến từ cá, tu hài, tôm trên các nhà hàng nổi do chính bàn tay người dân làng chài đánh bắt hay nuôi trồng.

Sinh hoạt ở làng chài là những sinh hoạt độc đáo, thú vị và hiếm gặp. Có hàng trăm bè cá lớn nhỏ cùng ở trong một khu vực vịnh rộng lớn. Mỗi buổi sáng, khi mặt trời lên trên biển Cát Bà, lũ cá quẫy mình đòi ăn làm xao động cả một vùng nước, hòa cùng tiếng í ới gọi nhau đi học của trẻ em làng chài... sẽ là trải nghiệm thú vị với du khách.

Cuộc sống ở làng chài cứ thế chảy trôi, lênh đênh cùng con nước. Người dân ở đây đi lại, trao đổi, mua bán mọi thứ từ tấm lưới đánh cá, cho đến đồ dùng vật dụng thường ngày, kể cả trẻ con đi học, đi chơi đều bằng một phương tiện duy nhất là thuyền. Những đứa trẻ làng chài vì thế cũng trở nên dạn dĩ hơn để thích nghi với cuộc sống sông nước quanh năm.

Đối với những người ưa du lịch khám phá thì một lần đến với làng chài Cái Bèo chắn chắn sẽ không thể nào quên. Cuộc sống đặc trưng của miền biển và sự mến khách của ngư dân để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.

Theo khảo cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Cái Bèo là di chỉ khảo cổ hoc có giá trị quan trọng nhất hiện nay ở vùng ven biển và hải đảo Đông Bắc Việt Nam. Vào năm 1986, lần khai quật thứ ba được tiếp tục tiến hành. Các nhà khảo cổ đã tìm được gần 180 công cụ đá bao gồm công cụ ghè đẽo, công cụ mài không qua chế tác của 6 chày và hòn ghè, 9 mảnh gốm xốp, 18 mảnh gốm cứng mỏng, 93 mảnh gốm thô dày, 11 đốt sống cá biển, 88 đầu cá biển, 6 mảnh xương thú

Phân tích các mẫu hiện vật đã phát hiện có cơ sở kết luận di chỉ Cái Bèo gồm hai giai đoạn văn hoá: Giai đoạn tiền Hạ Long và văn hoá Hạ Long.

Lần khai quật thứ tư vào 5/12/2006 được sự tham gia của nhiều nhà khoa học có uy tín, khi kết thúc khai quật đầu tháng 1/2007 đã thu được từ 10 hố có 137 hiện vật đá, 1.424 mảnh gốm tiền sử và 568 tiêu bản di cốt động vật và vỏ nhuyễn thể biển. Phân tích cho thấy, những tổ hợp di vật thu được đều làm từ đá granít và gốm vặn thừng dập thô, không se, xương cá, vỏ sò, vỏ hàu biển kích thước lớn

Những bằng chứng này cho thấy Cái Bèo là nơi cư trú của ngư dân cổ. Đây chính là một làng chài biển cổ có quy mô lớn nhất hiện được biết ở Việt Nam. Phân tích còn thấy, cách đây khoảng 7.000 năm, người Cái Bèo sinh sống chủ yếu nhờ vào đánh cá biển và bắt sò, hàu. Họ duy trì cuộc sống ấy đến 4.500 năm cách ngày nay.

Theo Báo Ảnh VN
Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có phiên chợ đặc biệt, duy nhất chỉ có ở Việt Nam, đó là phiên chợ hành, tỏi. Và dĩ nhiên ở đây chỉ bán một mặt hàng duy nhất là hành và tỏi. Từ nhiều chục năm nay, dù nắng hay mưa, cứ 3-4h sáng thì hàng trăm người dân huyện đảo lại đều đặn đến chợ mua bán hành tỏi.

< 4h sáng, chợ tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) tất bật cảnh mua bán.

Chợ không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gặp gỡ, giao lưu tình cảm của phụ nữ miền biển, phiên chợ hành, tỏi ở Lý Sơn còn là nét đẹp văn hóa của cư dân vùng biển Đảo Lý Sơn. Không ai biết phiên chợ hành, tỏi có chính xác từ khi nào. Chỉ biết rằng, nhiều gia đình, các tộc họ trên đảo có cuộc sống ổn định, cho con cháu ăn học và thương hiệu hành, tỏi nơi đây bay xa cũng từ phiên chợ này.

< Hàng trăm phụ nữ đi xe máy chở hành, tỏi đến chợ. Xuất phát từ nhu cầu thương lái thu mua để kịp đưa loại nông sản ở đảo này lên chuyến tàu sớm đưa vào đất liền tiêu thụ nên chợ tỏi phải họp 4h-7h sáng.

Phiên chợ hành, tỏi nằm ở thôn Đông xã An Vĩnh, phiên chợ đặc biệt này diễn ra từ 4h đến 6h sáng. Vì sao chợ lại họp từ 4h sáng? Người dân đất đảo cho biết, họp chợ sớm để thương buôn thu mua hành, tỏi kịp chuyến lên tàu sớm đưa hàng vào đất liền đi khắp đất nước.

< Người dân xếp bao tải chứa đầy tỏi dựng thành dãy dài để thuận lợi cho thương lái thoải mái chọn lựa, trả giá. Tỏi Lý Sơn có hương vị thơm, cay đặc trưng khó lẫn so với tỏi trồng ở các địa phương khác. Cuối tháng 3/2009, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) đã công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể đối với sản phẩm hành, tỏi Lý Sơn.

< Theo người dân địa phương, phiên chợ này hình thành khoảng 30 năm trước. Trung bình mỗi ngày họ bán cho thương lái ít nhất 3 tấn tỏi đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước.

Họp chợ là những nông dân trồng hành, tỏi mang đi bán cho các thương buôn từ đất liền ra. Chợ họp sớm từ khi mặt trời chưa nhô, không có ánh sáng, những chiếc đèn pin hay đèn xe máy lập lòe trong đêm cùng tiếng nói, đùa lúc dọn hàng của nhà nông đất tỏi làm phiên chợ trong đêm tối trở nên vui như hội.

< Người dân đội cân, cầm đèn pin đến phiên chợ giữa màn đêm.

< Huyện đảo Lý Sơn trồng 300 ha tỏi, mỗi năm sản lượng khoảng 1.800 tấn tỏi khô. Đặc sản tỏi địa phương trên thị trường giá cả luôn biến động bất thường: dịp cận Tết lên đến gần 100.000 đồng/ký, song ngày thường chỉ ở mức 45.000-50.000 đồng/kg.

< Người bán dùng đèn sạc điện thắp sáng để thương lái chọn lựa mua "tỏi cô đơn" vừa mới được thu hoạch sau Tết. Loại tỏi một tép đặc biệt này có thời điểm dân nơi đây bán đến 1 triệu đồng mỗi kg.

Có mặt từ 4h sáng, bà Nguyễn Thị Dư (ở xã An Vĩnh) bộc bạch, gần 30 năm là thời gian bà bám chợ để mưu sinh. Đến chợ, ngoài bán hành, tỏi cho thương buôn, bà còn kiêm luôn việc đóng bao thuê. Nhờ gắn bó phiên chợ này, bà Dư đã chia sẻ gánh nặng cùng chồng hàng ngày bám biển khơi xa và nuôi con ăn học.

< Chị Nguyễn Thị Thủy (ngụ xã An Vĩnh) - thương lái thu mua hành, tỏi ngậm đèn pin đếm tiền trả cho người bán tỏi trong màn đêm. "Mỗi ngày tôi phải thức dậy từ 4h sáng đến chợ thu mua vài tạ đưa lên tàu chuyển vào đất liền bán lại cho tiểu thương các chợ lẻ. Nghề này lấy công làm lời, thường xuyên dậy sớm cơ cực nhưng bù lại mỗi phiên chợ tôi thu lãi 500.000-1 triệu đồng, trang trải thoải mái cuộc sống gia đình", chị Thủy nói.

Khi 23 tuổi, bà Dư đã theo mẹ ra chợ để bán hành, tỏi của gia đình cho thương buôn. Lúc ấy, chợ không nhộn nhịp như bây giờ, số lượng hành, tỏi chuyển về đây cũng không nhiều. Khi được công nhận thương hiệu và Lý Sơn có điện lưới quốc gia thì phiên chợ đặc biệt này luôn nhộn nhịp. Dù nắng hay mưa, phiên chợ vẫn diễn ra như một nét đẹp truyền thống của người dân đảo.

< Phiên chợ tỏi không chỉ thuần túy là nơi buôn bán tạo thu nhập ổn định cho nhiều gia đình, mà còn là nơi giao lưu tình cảm của phụ nữ miền biển, thể hiện nét đẹp văn hóa đặc trưng của cư dân đảo Lý Sơn.

< Khác với nhiều địa phương, việc thu phí ở mỗi phiên chợ này được quy ra sản phẩm tỏi. Bà Hoa- người phụ trách thu phí chợ Lý Sơn cho hay, tùy theo giá cả thị trường, mỗi ngày chợ thu của người dân, thương lái đến đây mua, bán từ 10 kg đến 15 kg tỏi. Số sản phẩm này sẽ được bán lấy tiền để gom góp chi phí cho công nhân vệ sinh môi trường sau mỗi phiên chợ.

Đến với phiên chợ hành, tỏi ngày nay còn có nhiều khách du lịch. Tới đây, du khách không chỉ mua hành, tỏi chính hiệu mà còn được tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc về cây hành, cây tỏi của người dân đảo. Chợ hành, tỏi thật sự đã mang đến những trải nghiệm riêng biệt cho du khách.

< Kết thúc phiên chợ, tỏi được đóng bao cẩn thận, chuyển đến bến cảng Lý Sơn đưa vào đất liền tiêu thụ.

“5h sáng chúng tôi đã có mặt ở phiên chợ đặc biệt này để tìm mua hành, tỏi của bà con vừa thu hoạch. Bởi hành, tỏi nơi đây rất đảm bảo về chất lượng. Chúng tôi không ngờ, để tạo nên củ hành, củ tỏi có mùi thơm đặc trưng thế này, bà con nông dân phải mất nhiều công sức đến thế, thiết nghĩ chỉ có cư dân đảo Lý Sơn mới cần cù như vậy”, du khách Trương Đình Tùng (đến từ Hà Nội) nói.

< Phiên chợ tỏi giữa màn sương buổi sớm tạo bức tranh sống động, toát lên vẻ đẹp chân quê truyền thống, mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với đảo Lý Sơn.

< Không chỉ bán tỏi khô, người dân đảo Lý Sơn còn bày bán " tỏi ngồng non" cho du khách mang về đất liền chế biến thành món ăn. Mỗi bó tỏi ngồng non này có giá 20.000-25.000 đồng.

Nhịp sống đất đảo luôn gắn với phiên chợ đặc biệt này. Vì thế, thương hiệu hành, tỏi nơi đây ngày càng vươn xa. Bà Ngô Thị Liêm (ở xã An Vĩnh, người 30 năm có mặt ở phiên chợ đặc biệt này) cho hay, lúc đầu bà cũng như nhiều nông dân khác, đến chợ để bán hành, tỏi cho thương buôn, lâu dần bà chuyển sang thu mua hành, tỏi chuyển đi tiêu thụ đi khắp cả nước.

< Mùa cao điểm thu hoạch tỏi ở đảo Lý Sơn thường bắt đầu sau dịp tết Nguyên đán, đây cũng là thời điểm mua bán sôi động nhất ở huyện đảo này.

Thương hiệu hành, tỏi Lý Sơn giờ vươn xa không thể không nhắc đến vai trò của phiên chợ đặc biệt này. Có thể nói, đây là phiên chợ truyền thống của cư dân đảo. Mỗi ngày, từ đây, hàng chục tấn hành, tỏi được đóng bao, vượt biển vào đất liền và được chuyển đi tiêu thụ khắp trong và ngoài nước.

Hành, tỏi Lý Sơn nay không chỉ có mặt trên các hệ thống siêu thị khắp cả nước mà còn vươn ra quốc tế trở nên một sản phẩm du lịch đặc trưng có một không hai của huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Theo LysonExplorer, ảnh Zing New
(DVO) - Nhiều cây chè cao hơn 12m, thân thẳng đuột, kích thước hơn nửa vòng tay người ôm, nằm sát bụi rậm... vì vậy nếu không được giới thiệu và để ý thì những người mới thấy lần đầu đều lầm tưởng đây là một loại cây rừng nào đó.
< Chè ở núi Cà Đam mọc hoang dã, tự nhiên khắp nơi.

Nằm khá sâu trong rừng, địa hình đi lại khó khăn và hiểm trở... cho nên ngay cả nhiều người dân Quảng Ngãi cũng không biết rằng ở khu vực núi Cà Đam, xã Trà Bùi, huyện miền núi Trà Bồng hiện vẫn đang tồn tại hàng ngàn cây chè, mà tuổi đời nhiều cây lên trên 200 năm tuổi.

< Cận cảnh cây chè vài trăm năm tuổi.

Nhiều già làng ở huyện Trà Bồng khi nghe hỏi về cây chè ở núi Cà Đam đều lắc đầu: "Không biết số cây chè có nguồn gốc từ đâu và được trồng bao giờ. Nhưng từ khi sinh ra đã nghe ông cha kể và thấy rồi".

Cũng theo lời lý giải của các già làng trong vùng, có lẽ do khí hậu ở núi Cà Đam lạnh quanh năm; còn đất thì khô cằn... cho nên cây chè thân không to và xòe tán rộng như những nơi khác.

< Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây chè  ở đây cao và thẳng đuột.

Theo đó dù mọc đã vài chục năm thế nhưng cây chè ở núi Cà Đam khẳng khiu và thẳng đuột, với thân chỉ to bằng cổ chân người lớn.

< Theo các già làng, những cây chè có thân to thế này thì tuổi đời phải trên 200 năm.

Đưa tay chỉ vào vườn chè có thân chỉ to bằng lon nước ngọt nằm ở cạnh nhà, ông Hồ Văn Tạch (42 tuổi, ở thôn Làng Trẫu, cùng xã) cho biết: Số cây chè này phải trên 20  năm mới to được bằng ngần này.

Và tuy mọc trên đất rẫy vườn nhà của người dân, thế nhưng toàn bộ số cây chè ở núi Cà Đam là tự mọc và phát triển chứ không phải trồng, hay chăm sóc.

Qua quan sát thì cùng với số cây chè nhỏ, còn có những rẫy chè với hàng trăm cây to lớn, với chiều cao trên 12m và đường kính thân cây 50-70cm; mọc xen lẫn với cây rừng trải rộng trên diện tích cả hécta.

< Người dân thu hoạch chè để chuẩn bị bán.

Già Hồ Văn Trường (60 tuổi, cùng ở Làng Trẫu) xác nhận: Với những cây chè có thân to như vậy phải mọc đã được mấy trăm năm rồi.

Theo đó để hái lá trên các cây chè này, người dân phải trèo lên bẻ, hoặc dùng rựa chặt nhánh, cành rồi sau đó loại bỏ bớt đoạn to; bó lại thành từng lọn nhỏ và đem bán.

Vì mọc tự nhiên và hoang dã xen lẫn với cây rừng, cho nên không thể ước tính diện tích là bao nhiêu, thế nhưng theo người dân Trà Bùi thì số lượng cây chè hiện có ở núi Cà Đam phải lên con số hàng chục ngàn cây.

Với giá bán từ 2000-4000 đồng/bó chè có lọn to cỡ gần 2 nắm tay người lớn, rừng chè này đã góp phần làm tăng thêm nguồn thu cho hàng trăm hộ dân các bản làng ở vùng núi Cà Đam.

Theo Công Xuân (Dân Việt)