Tab Từ Khóa "Du lịch Bắc Giang"
Showing posts with label Du lịch Bắc Giang. Show all posts
Gốm Làng Ngòi thuộc xã Tư Mại, huyện Yên Dũng. So với cả chục thương hiệu gốm cổ truyền Việt Nam thì gốm Làng Ngòi còn rất mới mẻ. Tuy nhiên gốm Làng Ngòi đã sớm khẳng định được thương hiệu bởi nét độc đáo, giản dị, chân chất, đậm đà bản sắc dân tộc tạo nên phong cách riêng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Nguyên liệu để tạo ra sản phẩm gốm ở đây là loại đất sét có màu vàng hoặc màu xanh búp dong, phân bố ở vùng ven sông Cầu. Sản phẩm gốm Làng Ngòi luôn có hai màu đặc trưng là men màu nước dưa và xương đất.

Khác với gốm Bát Tràng  là vẽ và trang trí bằng màu, hay gốm Phù Lãng vuốt và dội men thì gốm Làng Ngòi được trang trí bằng hoạ tiết hoa văn đắp nổi thể hiện sinh động trên chất liệu gốm nâu sành rất đặc trưng do chính tay họa sỹ tạo nên.

Sản phẩm gốm có họa tiết mộc mạc, có phần thô ráp nhưng chính điều đó lại tạo nên nét độc đáo của của gốm Làng Ngòi, mang đậm phong cách dân gian và nét văn hoá làng quê đặc sắc.

Mặc dù là sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền, nhưng gốm Làng Ngòi lại tạo ra cho mọi người cái lạ, cái ngộ nghĩnh. Khi xem sản phẩm gốm Làng Ngòi sẽ bị cuốn hút bởi nét mộc mạc, dân dã, gần gũi nhưng vô cùng độc đáo ở hoạ tiết trang trí.

Dưới sự sáng tạo của nghệ nhân, những hình tượng nhân vật trong các tác phẩm văn học; những điển tích văn hóa; những ước nguyện, quan niệm của người xưa (Chí Phèo – Thị Nở; Ngư, Tiều, Canh, Mục; bộ tranh tứ bình xuân, hạ, thu, đông; các loại linh vật,…) được hiện lên một cách sinh động, ngộ nghĩnh và chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh.

Gốm làng Ngòi là sự kết tinh bởi sự đam mê nghệ thuật, sự cần mẫn cùng tình yêu quê hương, đất nước, yêu nền văn hoá dân gian cùng đôi bàn tay tài hoa sáng tạo. Tất cả tạo nên sản phẩm gốm Làng Ngòi một phong cách riêng, độc đáo không bị hòa lẫn.

Đến nay, gốm làng Ngòi không chỉ được “biết đến” mà đã trở thành một thương hiệu gốm uy tín, ghi danh vào làng Gốm Việt, thương hiệu Gốm làng Ngòi không chỉ thị trường trong nước biết đến mà còn chiếm được sự mến mộ của bè bạn quốc tế.

Sản phẩm Gốm Làng Ngòi được trưng bày tại hàng trăm cuộc hội chợ triển lãm, đặc biệt Gốm Làng Ngòi đã xuất hiện tại triễn lãm "Hình ảnh APEC và Di sản văn hóa Việt Nam" (2007), được Hiệp hội làng nghề VN công nhận là "Sản phẩm tinh hoa làng nghề".

Sản phẩm gốm làng Ngòi đã xuất hiện tại nhiều công trình ở khắp mọi miền đất nước cùng nhiều mẻ hàng xuất sang Nhật, Ấn Độ, Ai Cập, châu Âu… Năm 2007, Lưu Xuân Khuyến vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của cho "Nhà nông trẻ xuất sắc" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

VinTrip! tổng hợp từ internet
Chùa Chủa (hay còn gọi là Linh Quang tự) nằm ở thôn Chủa xã Tuấn Đạo. Theo các tài liệu xưa, cùng với nhiều hiện vật có giá trị lịch sử hiện đang được lưu giữ tại chùa cho thấy chùa Chủa đã có từ lâu đời.

Trải qua bao biến cố lịch sử và điều kiện tự nhiên tác động, chùa Chủa không còn được bảo lưu nguyên vẹn như thủa ban đầu. Năm 1947, giặc Pháp đến địa phương tấn công, phá hỏng ngôi chùa, hòa bình lập lại, những năm 1960-1970 nhân dân địa phương mới tu sửa lại ngôi chùa nhưng vẫn là ngôi chùa với mái ngói đơn sơ. Năm 1996 tòa tiền đường và thượng điện của chùa Chủa lại được tu sửa. Năm 2007 nhân dân địa phương mới đại trùng tu, tôn tạo, xây dựng kiên cố lại ngôi chùa.

Chùa Chủa hiện nay tọa lạc trên khuôn viên có tổng diện tích 445,1m2, nhìn về hướng Nam, cổng chùa được xây dựng theo lối nghi môn, ngôi chùa có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 5 gian tòa tiền đường nối 3 gian tòa thượng điện, khung dựng bằng gỗ lim.


Trải qua nhiều năm tháng nhưng đến nay chùa vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính với hệ thống tượng Phật được bài trí đầy đủ gồm: tam thế Phật, Quan thế âm Bồ Tát, A di đà, A nan-Ca diếp, tượng Thích ca niệm sen, Quan âm thiên thủ thiên nhỡn, Ngọc Hoàng, Nam tào Bắc đẩu, Mẫu địa, Tòa cửu long, Thánh tăng, Tượng hầu, Quan hoàng, trong chùa còn lưu giữ một số hiện vật, đồ thờ bằng gỗ, mâm bồng, mâm đồng, bát hương sứ, chân tảng… từ thế kỉ XIX, hai bên gian chính diện có treo hoành phi Linh Quang tự, đôi câu đối Hán Nôm mang ý nghĩa kính Đức Phật.


Đặc biệt chùa Chủa còn là điểm nhấn, nơi dừng chân của du khách hành hương lễ Phật theo tuyến sườn Tây Yên Tử, từ đây theo đường tỉnh lộ 291 khoảng 20km là đến chân núi Yên Tử, theo đường mòn sườn núi chừng 700m là đến chùa Đồng, chốn tổ của Thiền phái trúc lâm. Năm 2012, di tích chùa Chủa được UBND tỉnh Bắc giang xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Chùa Chủa là nơi được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo, là nơi thờ Phật và tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân xã Tuấn Đạo từ xưa đến nay.

Đã thành lệ, hàng năm cứ vào ngày 17 tháng giêng, UBND xã Tuấn Đạo long trọng tổ chức lễ hội chùa Chủa với nhiều nghi lễ truyền thống, trong đó, lễ dâng hương được tiến hành trang trọng vào sáng ngày 17. Vào ngày này, những người con xa quê hương lại có dịp trở về quê hương, thành tâm đi chùa lễ Phật, cầu tài lộc, cầu may mắn, sức khỏe và bình an. Cũng trong lễ hội này, các trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, đánh đu, đánh cờ, hát chèo, đi cà kheo… đã được tái hiện thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương tham gia, tạo nên không khí lễ hội sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giúp nhân dân có thêm khí thế lao động sản xuất trong năm mới.

Để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, hiện nay địa phương đã thành lập tiểu ban quản lý di tích, cắt cử người thường xuyên trông coi, chăm sóc để cảnh quan chùa Chủa luôn sạch đẹp, thanh tịnh, góp phần tạo nên một không gian văn hóa tâm linh lành mạnh, nâng cao văn hóa tinh thần cho mọi người./.

Theo Trần Chung - Xuân Thỏa (Trang TTĐT huyện Sơn Động)
(TTO) - Là huyện nghèo nhất tỉnh Bắc Giang, nhưng Sơn Động vẫn là vùng đất giàu tiềm năng du lịch sinh thái với những thắng cảnh rừng Khe Rỗ, thác Ba Tầm, khe Nước Vàng, bản Đồng Cao...

< Khung cảnh đẹp như cõi tiên trên hồ Khe Đặng.

Trên những nẻo đường phượt, chúng tôi đã có dịp khám phá nhiều điều thú vị về mảnh đất này.

1. Theo quốc lộ 1 và quốc lộ 31, chúng tôi vượt chặng đường dài 150km từ Hà Nội đến Khe Rỗ, xã An Lạc, huyện Sơn Động. Đến địa phận khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Từ, chỉ thấy bốn mặt là núi đồi và cây rừng xanh mướt. Tiếng suối chảy róc rách, những ngôi nhà tre vách đất chênh vênh trên sườn đồi, tiếng chim rừng ríu rít... tấu lên những thanh âm hoang dại.

< Nhà sàn kiểm lâm Biểng lọt thỏm giữa rừng cây, dòng suối thơ mộng trong rừng nguyên sinh Khe Rỗ.

Theo đường mòn đi sâu vào lõi rừng Khe Rỗ, con đường đất với hai bên um tùm cây cối như trêu gan những kẻ lữ hành... cuối cùng cả bọn cũng tìm được căn nhà sàn do trạm kiểm lâm Biểng quản lý. Từ suối Khe Rỗ, nhìn ngôi nhà như lọt thỏm giữa chốn thần tiên.

< Lội suối vào vùng lõi rừng nguyên sinh.

Bác Tô Văn Trương, 54 tuổi, người dân tộc Tày, cho chúng tôi giải nhiệt bằng chén nước vối. Bác Trương làm kiểm lâm tại Khe Rỗ được gần năm năm. Nơi đây giờ đã là nơi an cư lạc nghiệp của bà con dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Sán Dìu…

Câu chuyện ở Khe Rỗ càng trở nên sôi nổi khi có ông Đỗ Hữu Thư, chuyên viên nghiên cứu thực vật ở Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, góp chuyện.

< Một góc rừng lim xanh có một không hai ở Khe Rỗ.

Chỉ tay về phía rừng lim đang tỏa bóng mát sau nhà sàn, ông Thư khoe "rừng Khe Rỗ giờ đã xứng là rốn lim của cả nước” với nhiều loài lim xanh, táu, thông làng, trám, rẻ, bách diệp… Đặc biệt rừng nguyên sinh pơmu, thứ cây thường chỉ mọc ở độ cao 1.200-1.400m nhưng vẫn tồn tại ở Khe Rỗ với độ cao chỉ 600-700m...

2. Chia tay trạm kiểm lâm Biểng, chúng tôi ngược ra xã Vĩnh Khương, khám phá thác Ba Tầm nổi tiếng. Phải cuốc bộ qua 3km đường đất, vượt măm con suối dọc đường mới đến được hồ Khe Đặng. Bù lại vẻ đẹp trong xanh và tĩnh lặng của hồ làm ai nấy đều bất ngờ, những mệt mỏi sau chặng đường bách bộ như được xua tan khi đối diện dòng thác đổ ào ào và hàng tỉ bọt nước bắn tung mát lạnh.

< Bác Tô Văn Trương, kiểm lâm rừng nguyên sinh Khe Rỗ, chuẩn bị lưới bắt cá suối, chuẩn bị bữa ăn hàng ngày.

Bên cạnh ngọn thác cao khoảng 50m là những cây cổ thụ trơ gan cùng tuế nguyệt, một tảng đá lớn chắn mình trước dòng nước gợi nên cảnh tượng kỳ vĩ…

3. Được sự giới thiệu của người dân, chúng tôi đến xã Đồng Rì để tìm thượng nguồn khe Nước Vàng, thắng cảnh nức tiếng ở xã Thanh Sơn. Đường đi ban đầu khá dễ nhưng càng vào sâu rừng càng khó. Những ngã ba đường mòn liên tiếp xuất hiện buộc cả bọn phải chọn đường đi theo cảm tính. Sau một giờ đi bộ, lại bắt gặp một thác nước nằm ẩn mình sau những lớp cây rừng.

< Suối Ba Tầm thơ mộng.

Đó là con thác cao hơn 10m, đổ từng dòng nước tung bọt trắng xóa xuống dòng nước xanh ngắt và mát lạnh. Giữa núi rừng hoang sơ kỳ vĩ, dòng nước như càng xanh màu ngọc bích, phong cảnh hữu tình tựa chốn bồng lai...

Có lẽ cũng bởi sự thiếu tỉnh táo ấy nên khi vài người bản địa xem những tấm hình chụp lại thác nước, chúng tôi mới biết đã đi nhầm đường. Con thác đã gặp có tên Hố Thùng, một nhánh khác của khe Nước Vàng. Nước ở đó xanh trong, không có màu vàng như thác Ba Tia - nguồn chính của khe Nước Vàng.

< Dòng nước suối vàng như mật ong trên đường đến thượng nguồn khe Nước Vàng.

Người dân nơi đây còn cho biết khu vực đầu ngưồn của khe Nước Vàng còn có rất nhiều thác, có thác cao nhất trên 20m nằm trên đỉnh núi, gần chùa Đồng Yên Tử, nhưng muốn chinh phục phải mất cả ngày.

4. Từ ngã ba Cẩm Đàn trên quốc 31, đi khoảng 20km đến trung tâm xã Thạch Sơn. Qua bản Đồng Băm, vượt con đèo thẳng đứng dài 3km là tới bản Đồng Cao. Giống như một thế giới khác, một thế giới trong lành và yên bình, không vướng bận lo toan, phiền muộn.

< Chăn trâu trên đồi cỏ thơ mộng ở Đồng Cao.

Cả bản làng Đồng Cao nằm trên một cao nguyên nhỏ, được bao quanh bởi những đỉnh núi phủ màu xanh rì. Những ngôi nhà thấp lè tè nằm khiêm tốn dưới những triền núi cách nhau đến cả trăm mét, giữa bản là đồng lúa đang vào vụ cấy.

< Nếp nhà ngói thanh bình của đồng bào dân tộc Dao.

Thời tiết ở Đồng Cao mát mẻ nhưng cũng khá đỏng đảnh. Chúng tôi vừa đến nơi thì trời đổ mưa, nhưng chốc lát trời lại hửng nắng và trong xanh trở lại. Trên triền cỏ xanh mướt, những đàn trâu mộng vẫn thong thả gặm cỏ dưới ánh mắt dõi theo của vài chú mục đồng…

Chia tay Sơn Động, lòng vấn vương và thoáng chút nuối tiếc cho những thắng cảnh bị “bỏ quên”, đến bao giờ Sơn Động mới trở mình?

Theo Ngọc Thắng, Tiến Thành (Dulich Tuoitre)
(BGĐT) - Đã vào tháng cuối năm. Ấy là khi những ngày nắng oi nồng nghiệt ngã phi lý vào đầu đông đã dứt để nhường lại đợt rét chính vụ chậm chạp đến, kéo dài lê thê. Tôi trở lại vùng cao Sơn Động - điểm Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang.

< Màu sắc tươi vui, ấm áp là nét chủ đạo trong các phiên chợ vùng cao Sơn Động.

Bao năm nay tôi hay đến vùng đất này. Ấy là có nguyên do. Ban đầu chỉ vì bài hát An Châu cha tôi hát trong căn nhà tre nứa tuềnh toàng ở Đại Từ (Thái Nguyên) những năm kháng Pháp. Bài hát đã đưa tôi một đứa trẻ mới sáu, bảy tuổi đầu tới một nơi xa ngái, lạ lẫm, hoang vu mà cũng đầy bí hiểm.

An Châu rừng núi âm u, đồng lúa hoang vu. Sương mờ nặng trĩu. Rừng cau bát ngát. An Châu chìm đắm trong sương mù… Đó là một đoạn của bài ca. Bài hát ấy mà sau này tôi được biết của Hữu Hiệp - chính trị viên tiểu đoàn - đã theo tôi suốt năm tháng. Cách đây ba chục năm tôi háo hức khi lần đầu tiên tới An Châu - huyện lỵ Sơn Động. An Châu đất đỏ bụi bặm, buồn tẻ, chật hẹp. Những căn nhà ngói tây nằm lạc lõng giữa những căn nhà tường đất thấp tè, lợp ngói âm dương.

Thị trấn không điện sáng trừ trụ sở Ủy ban huyện, cũng chỉ có vài ba tiếng sáng đèn ban tối. Người đi lại thưa thớt. Thi thoảng có vài con ngựa uể oải gõ móng trên đường. Đi cạnh chúng là những người mặc áo chàm với vẻ mặt khắc khổ.


Ngẫm, mấy chục năm dường như chỉ trong chớp mắt. Giờ mỗi lần trở lại vùng cao này thấy bao điều kỳ diệu, tưởng chỉ có trong mơ và trong các câu chuyện cổ tích. Sơn Động hôm nay cũng giống như bao vùng quê của tỉnh và trên khắp đất nước đã đổi thay như thế.

Sơn Động tự hào về rừng, và rừng thực sự là mũi nhọn kinh tế như người ta vẫn ví von; là con đường dẫn tới thoát nghèo bền vững, là giàu có lâu dài. Rừng ở đây là lâm nghiệp, lâm sản, lâm lộc, không phải thu lợi từ rừng nguyên sinh, rừng tái sinh mà là rừng trồng, hiện giờ chủ yếu là cây keo lấy gỗ.

Nếu như huyện Lục Ngạn phía dưới là vương quốc vải thiều thì Sơn Động là vương quốc keo. Keo trập trùng trên các đồi núi, tràn xuống nương bãi. Keo uốn lượn bên bờ sông suối, chạy dài ven đường, tạo một màu xanh thắm bát ngát trong tầm mắt. Thiên nhiên đã trao tặng Sơn Động một Khe Rỗ nguyên sinh huyền diệu, một Tây Yên Tử huyền bí, không những tô đẹp cảnh quan vùng đất này mà đã và sẽ đem tới cuộc sống ấm no cho người dân.

Tôi tới Đồng Rì, thị trấn Thanh Sơn, nằm xa trung tâm huyện lỵ. Nơi đây đã có nhà máy nhiệt điện tạo thêm Núi rừng có điện thay sao như một nhà thơ cách mạng nổi tiếng đã từng mơ ước cho Việt Bắc những năm 60 của thế kỷ trước, dựng lên một sắc màu lung linh cho vùng Tây Yên Tử. Nơi đây đã có một công ty khai thác than thuộc Tổng Công ty Đông Bắc. Công ty vừa sản xuất kinh doanh, vừa gắn liền với việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương; vừa làm công tác quốc phòng - an ninh, vừa tham gia xây dựng nông thôn mới cho Sơn Động.

Đã có hơn 1.600 người dân Bắc Giang, trong đó Sơn Động có hơn 1.300 làm ở Công ty, chiếm trên hai phần ba quân số của đơn vị. Vậy là nhiều chàng trai, cô gái Nùng, Dao, Tày, Sán Dìu, Cao Lan tưởng như suốt đời chỉ bán lưng cho đất, bán mặt cho rừng, không hiểu biết gì hơn trong vòng vây núi đồi đã làm chủ máy móc, công nghệ; đã biết văn hóa công nghiệp. Có thể ví von thế này chăng, họ từ trong cánh rừng đã bước ra cánh đồng chan hòa ánh nắng để bước tới con đường lớn thênh thang.

Tôi tới Hữu Sản - một nơi tận cùng phía Bắc của huyện, giáp với huyện Đình Lập (Lạng Sơn) nơi hiện vẫn là xã đặc biệt khó khăn. Đúng là xã nghèo vì theo lời ông Nông Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy - Hữu Sản có tới gần một nửa số hộ nghèo, bình quân mỗi người trong năm chỉ hơn tám triệu đồng. Nghèo, nhưng xã rẻo cao với gần ba nghìn nhân khẩu của sáu dân tộc, đông nhất là Tày, đã tất cả có điện sáng, ti vi, tất cả có điện thoại di động, xe máy và có nhiều ô tô tải, xe con.

Xã có nhiều hộ thu về trên dưới trăm triệu đồng nhờ cây keo, mà điển hình là anh em Hoàng Văn Chung, Hoàng Văn Đồng. Hữu Sản hẳn sẽ nhanh giảm nghèo vì hiện tại mỗi năm đã giảm từ bốn đến năm phần trăm hộ nghèo, vì có diện tích cây keo rất lớn, chiếm một phần ba diện tích tự nhiên xã.

Với số tiền thu được từ năm mươi đến sáu mươi triệu đồng mỗi ha, sẽ có thêm nhiều hộ thoát nghèo, vươn tới no đủ. Cây keo chỉ sau 5 năm đã được thu hoạch. Hữu Sản hiện giờ đã đạt chín trên mười sáu tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đó là cố gắng vượt bậc.

Tôi tới Dương Hưu -­­ nơi phía Nam Sơn Động, kề với huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh). Dương Hưu cũng là xã nghèo, đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo non một nửa dân số. Bà con nơi đây hầu hết là dân tộc ít người, đông nhất là người Dao. Dương Hưu có nhiều điểm sáng. Đường giao thông đã bê tông hóa gần hết.

Trạm Y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia. Trường học khang trang, kiên cố không khác gì ở đồng bằng. Nhiều làng đạt danh hiệu làng văn hóa. Dương Hưu có thế mạnh về rừng. Diện tích đất đai tự nhiên chiếm tới hơn 9% diện tích toàn huyện. Nơi đây vẫn còn nhiều lâm sản quý hiếm. Cây keo là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo. Tôi tới thăm ông già người Dao Bàn Vũ Quyền - một trong những người già có uy tín và điển hình của xã. Giống như bao gia đình người Dao ở bản Mùng, ông nghèo lắm, đã vậy lại đông con.

Là Bí thư Chi bộ, lại là người lính trở về từ mặt trận Tây Nguyên, ông hăng hái đi đầu trong việc nhận đồi núi trọc để trồng rừng kinh tế ngay từ năm 1985. Với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ông đã nhận gần ba chục ha để trồng keo và thông, sau đó với tiền lãi thu được đã mở rộng thêm mấy chục ha nữa. Hiện giờ chỉ nhận 20ha vì chia cho các con. Ông còn nuôi chục con trâu, 11 đàn ong, làm gần 2 mẫu ruộng nương. Năm ngoái trừ chi phí, ông thu về trên dưới 400 triệu đồng, chủ yếu từ bán keo và nhựa thông.

Tôi tới một trung tâm trí thức của con em bà con dân tộc ít người, như nhiều người gọi, đó là Trường Dân tộc nội trú. Đây là nơi mở mang trí tuệ cho thế hệ trẻ và là nguồn đào tạo cán bộ cho huyện suốt mấy chục năm qua. Đã có rất nhiều học sinh từ mái trường này trở thành những nhà sản xuất giỏi, những nhà khoa học quốc gia, những trí thức làm vinh danh quê hương.

Cô giáo Hoàng Thị Việt Hà, người Tày, Hiệu trưởng, có lẽ là một trong những tấm gương tiêu biểu cho thế hệ thầy, cô giáo hôm nay ở trên vùng đất này. Nhiệt tình, năng nổ, say mê sáng tạo, bám trường bám lớp, tất cả vì học sinh thân yêu. Cô Hiệu trưởng liên tục nhiều năm là giáo viên dạy giỏi, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và tỉnh, được thưởng nhiều Bằng khen của tỉnh và Trung ương.

Tôi trở lại thị trấn An Châu sau những ngày đi từ Bắc tới Nam của huyện rẻo cao này. Vùng đất trập trùng núi, mênh mông núi chỉ thấy màu xanh bát ngát. Ẩn hiện trong đồi rừng, trong lưng chừng núi là những căn nhà ngói đỏ và cả những căn nhà cao tầng. Đường nhựa quanh co. Đường bê tông mờ tỏ bên những rặng cây. Tiếng ô tô ầm ì trong xóm. Sơn Động là một minh chứng về sự tự vượt lên của đồng bào các dân tộc nơi đây, và cũng là một minh chứng về sự quan tâm to lớn, thiết thực, hiệu quả của Đảng và Nhà nước với miền núi và dân tộc ít người.

Sơn Động đã rộn rã vào xuân, đã hối hả chờ đón ngày Tết cả. Hàng hóa bên hè phố đã nhiều hơn. Hàng Tết đã bày bán khắp cửa hàng. Chợ phiên cũng đông nghịt người. Phố phường đã thêm sắc màu. Đường cái nhộn nhịp người đi. Đã nghe một mùa xuân mới vẫy gọi...

Ký của Đỗ Nhật Minh (Báo Bắc Giang)