Tab Từ Khóa "Du lịch Quảng Ngãi"
Showing posts with label Du lịch Quảng Ngãi. Show all posts
Có lẽ ở miền rừng núi phía tây Quảng Ngãi, sau ngọn núi Cà Đam kỳ vĩ, nổi tiếng gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thì núi Răng Cưa ở xã Trà Hiệp (Trà Bồng) khiến nhiều người ấn tượng, ngạc nhiên vì ngọn núi hình dáng khá độc đáo.

“Trà Bồng có núi Răng Cưa/ có sông Cà Đú, có cầu Suối Nang”. Câu ca ngắn gọn này cứ thôi thúc chúng tôi tìm đến địa danh núi Răng Cưa. Bởi, theo lời giới thiệu thì ngọn núi này được xem như là biểu tượng của đồng bào Cor ở miền Tây Quảng Ngãi. Quả vậy, giữa mênh mông núi đồi trùng điệp, khi ánh mặt trời lên làm tan dần những lớp mây trắng bồng bềnh để lộ ra một ngọn núi có hình dáng hết sức kỳ lạ, khác biệt.

< Con đường thẳng tắp dẫn đến núi Răng Cưa.

Trong khi những ngọn núi khác chỉ có một đỉnh núi, thì đỉnh núi Răng Cưa ở thôn 1, xã Trà Hiệp (giáp ranh với huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) có độ cao trên 1.000m, lại tạo hình như những lớp răng cưa sừng sững giữa đất trời. Có lẽ vì vậy, đồng bào người Cor nơi đây đã đặt tên là núi Răng Cưa, gắn liền với truyền thuyết đậm chất huyền thoại của người Cor lý giải về hiện tượng tự nhiên độc đáo này.

Trong câu chuyện hiếm hoi chỉ còn vài người ở Trà Hiệp giữ lại thì núi Răng Cưa là cách gọi tên phổ thông ngày nay. Trong tiếng Cor, núi có tên là Ngók Ca Ghé, còn có tên gọi khác là núi Cứ Xỉ.

Từ thời xa xưa, công chúa, con gái của vị thần Mặt Trời (theo cách gọi của người Cor là thần Mặt Ngây, là vị thần tối cao nhất trong tất cả các vị thần), thích rong chơi khắp nơi trên thế gian. Nghe theo lời con, Mặt Ngây cho nước dâng khắp mọi nơi để công chúa thỏa sức phiêu lưu, đua thuyền. Nước ngập khắp nơi, cả vùng Trà Bồng chỉ còn vài ngọn núi nhô lên.

Mỗi lần vượt thuyền qua các đỉnh núi, công chúa đều xin Thần Núi cho thuyền băng qua. Thần Núi nể tình Mặt Ngây nên mở cửa núi cho thuyền công chúa đi qua. Nhiều lần như vậy, công chúa tỏ ra kiêu căng, tự ý mở cửa núi.

Biết chuyện, Thần Núi lập tức đóng cửa núi lại không cho thuyền công chúa đi qua nữa. Công chúa giận Thần Núi, sai lính cho ghe băng xuyên qua núi để lại ba vết trên đỉnh hình sóng ghe. Từ đó, ngọn núi chia làm bốn đỉnh nhấp nhô theo hình răng cưa.

Ngày nay, núi Răng Cưa là một trong những ngọn núi cao hùng vĩ ở Trà Bồng. Không chỉ vì có hình dáng kỳ lạ, mà còn bởi vì ngọn núi này từng gắn liền với đời sống tinh thần người Cor như một biểu tượng độc đáo về tính cách kiên cường, bất khuất của người Cor.

< Tùy theo hướng nhìn sẽ thấy núi Răng Cưa có rất nhiều ngọn.

Ông Hồ Văn Luận, xã Trà Hiệp nhớ lại, ngày còn nhỏ hay được cha ông kể cho nghe các câu chuyện cổ giải thích về sự tồn tại, ra đời của cái cây, ngọn cỏ, những hiện tượng thiên nhiên, trong đó có sự tích về núi Răng Cưa.

Tuy nhiên, hiện nay, những câu chuyện cổ của người Cor chỉ có người già trong làng cùng số ít người dân địa phương biết, còn người trẻ ít ai biết đến. Khi lớp những người già dần qua đời, truyện cổ của đồng bào cũng dần dần không còn xuất hiện trong những câu chuyện kể nữa. Đây cũng là điều trăn trở của những người tâm huyết trong việc nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cor.

Theo Bảo Hòa (Báo Quảng Ngãi)
(BQN) - Trên bờ biển Quảng Ngãi có 6 cửa biển, lần lượt từ bắc vào Nam là Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, cửa Lở, Mỹ Á và Sa Huỳnh. Cả 6 cửa biển này đều xuất hiện trong ca dao bằng hình ảnh gần gũi, thân thương, gắn bó sâu nặng với sản xuất, sinh hoạt và đời sống tình cảm của những người cần lao.

Nằm ở phía đông bắc huyện Bình Sơn (phía bắc tỉnh), cửa Sa Cần (còn có tên gọi là Thái Cần, Thế Cần, Sơn Trà), thuộc thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh và thôn Sơn Trà, xã Bình Đông là nơi sông Trà Bồng đổ ra biển. Trước cửa Sa Cần có một đảo nhỏ án ngữ là hòn Ông; phía đông bắc có các đảo và doi cát như núi Co Co (còn gọi là hòn Cổ Ngựa), có mũi Túi - mũi Đất che chắn các hướng sóng Đông và Đông Bắc. Vì vậy, cửa biển này ít bị xói lở, bồi lấp, tương đối khuất sóng gió, là nơi neo đậu rất tốt cho tàu thuyền.

Sa Cần là cửa biển đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi kể từ phía bắc: Sa Cần, Châu Ổ bao xa/ Ngoài mũi Cây Quýt thiệt là Tổng Binh/ Nam Châm, Cổ Ngựa trời sinh/ Làng Gành, Mỹ Giảng ăn quanh Vũng Tàu.

Nằm trong cửa Sa Cần là cửa Sa Kỳ. Đây là cửa biển nằm ở phía đông nam huyện Bình Sơn và đông bắc TP.Quảng Ngãi, giữa hai xã Bình Châu và Tịnh Kỳ, nơi sông Châu Me và sông Chợ Mới đổ về. Sa Kỳ là nơi đi thuyền ra đảo Lý Sơn (cù lao Ré) gần nhất so với các cửa biển khác: Đi ngang qua mũi Sa Kỳ/ Ngó ra lao Ré xiết chi thảm sầu!

Trong quá khứ, chúa Nguyễn đã sai quân binh trưng dụng ngư dân làng An Hải (nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) và làng An Vĩnh (nay thuộc xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi) thành lập đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển và tìm kiếm hải vật ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sa Kỳ chính là nơi đội Hoàng Sa làm lễ xuất bến khi đi và dâng lễ hoàn nguyện khi về. Sau này, khi người các đội Hoàng Sa được lấy chủ yếu ở An Vĩnh và  An Hải của cù lao Ré (đảo Lý Sơn) thì những buổi lễ này mới được tổ chức ở đảo Lý Sơn. 

Nay thuộc thành phố Quảng Ngãi, cửa Cổ Lũy còn có tên gọi là cửa Đại, nằm giữa các xã Nghĩa Phú, Nghĩa An và xã Tịnh Khê, nơi hai con sông lớn Trà Khúc và sông Vệ đổ về. Cửa biển hẹp nhưng có vũng sâu, tàu lớn, ghe bầu có thể ra vào được. Vùng cửa Đại nổi tiếng với phố cổ Thu Xà, bến cảng Phú Thọ sầm uất một thời. Nơi đây cũng có nhiều cảnh đẹp hàng đầu của Quảng Ngãi: Tư Nghĩa, cửa Đại là đây/ Gành Hào, núi Quế đá xây nên chùa/ Dưới thời bông súng nở đua/ Ngó lên trên chùa đá dựng kiểng giăng/ Ngó qua bên xóm Trường An/ Ngó xuống Hòn Sụp cát vàng soi dương.

Trong khi đó, cửa Lở nằm giữa xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) và xã Đức Lợi (Mộ Đức), là nơi sông Vệ đổ ra biển. Cửa biển này hẹp và cạn, hàng năm bị bồi lấp mạnh, không được thuận lợi cho thuyền bè ra vào. Vùng cửa Lở nổi tiếng với nghề làm mắm ở làng Kỳ Tân và làng An Chuẩn thuộc xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức. Hai làng gần nhau, nhưng có những năm, vào mùa mưa, nước dâng, cát bồi lấp khiến đường đi lối lại thật lắm khó khăn: Kỳ Tân, An Chuẩn bao xa/ Chàng đi thiếp ở lại nhà sầu thương.

Xuôi về phía nam, cửa Mỹ Á nằm giữa địa phận các xã Phổ Quang, Phổ Minh và Phổ Vinh thuộc huyện Đức Phổ, nơi sông Trà Câu đổ ra biển. Cửa Mỹ Á là chỗ ghe thuyền ra vào tránh bão, trao đổi hàng hóa và dịch vụ nghề cá. Cá, mắm từ cửa Mỹ Á theo đường ghe kinh, ngược dòng Trà Câu đến với vùng trung du và thượng nguồn, phía Minh Long, Ba Tơ: Nắng đò ngang nắng về Mỹ Á/ Lộng gió nồm nam thuyền cá quay về/ Anh với em nặng mối tình quê/ Thương nhau chung thủy như đôi ghe chung buồm.

Còn ở cực Nam của tỉnh, cửa Sa Huỳnh là nơi thông ra biển của đầm Nước Mặn. Luồng tàu thuyền vào cửa Sa Huỳnh có hướng đi dích dắc qua một cửa biển hẹp, địa hình đáy luồng dẫn biến động thay đổi về độ sâu.

Sa Huỳnh là nơi giao lưu buôn bán sầm uất giữa nguồn và biển, giữa Mộ Đức và Đức Phổ, giữa Quảng Ngãi với Bình Định: Kể từ Bình Định kể ra/ Sa Huỳnh, chợ Nãi bước qua Đò Đầm/ Chợ Dốc ngồi chẳng an tâm/ Ngó ra Thanh Hiếu thấy đầm Lâm Đăng/ Sông Trường có bến lội băng/ Chợ Cây Chay buôn bán thẳng giăng hai hàng/ Qua đò thì tới Du Quang/ Ngó qua Mã Loạn không thấy chàng, chàng ơi...

Sáu cửa biển ở Quảng Ngãi là nơi ra vào, neo đậu cho tàu thuyền của ngư dân, giữ vai trò quan trọng trong giao thông đường thủy của tỉnh, nhất là thời xưa. Có lời hát của những cô gái ngóng theo cánh buồm xa, cũng có câu ca của những chàng trai nắm chặt tay chèo đuổi theo luồng cá chạy. Biển cả bao la và những con thuyền vượt sóng ra khơi là những hình ảnh đẹp trong ca dao, dân ca Quảng Ngãi.

Vùng biển Quảng Ngãi có nhiều loại hải sản như cá chuồn, cá ngừ, cá thu, cá nục, cá trích, cá cơm, mực, tôm hùm, cua, hải sâm, rau câu... Từ nhiều đời nay, hàng vạn người dân sống ở vùng ven biển thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn lấy nghề đánh cá làm lẽ mưu sinh.

Theo Lê Hồng Khánh (Quảng Ngãi online)
(BQN) - Trong những ngày hè, du khách hãy một lần đến với hang Én ở thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu (Đức Phổ) để hòa mình vào thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ, đầy hấp dẫn nơi đây.

Từ chân cầu vượt đường sắt trên tuyến Quốc lộ 1 thuộc thôn Châu Me, băng qua những vườn dừa xanh ngút tầm mắt, con đường vào làng chài quanh co thanh bình sẽ đưa bạn đến với hang Én - Vĩnh Tuy.
Hiện ra trước mắt du khách là một hang đá sừng sững nằm vươn ra biển với hàng trăm con chim én chao lượn ra vào hang. Tiếng vỗ cánh cùng tiếng kêu lánh lót của chim hòa cùng tiếng sóng, tiếng gió tạo nên những cung bậc trầm bổng, làm mê hoặc lòng người. Đặc biệt là mỗi mùa xuân về, những cánh Én làm rộ mùa xuân Sa Huỳnh.

Đến với hang Én, du khách sẽ có cảm giác thư thái, tâm hồn bồng bềnh theo những cánh sóng dội vào ghềnh đá.

Đặc biệt phía trên hang Én là hình ảnh chi chít tổ én bám vào khe đá, nhìn từ dưới lên giống như những nhũ đá vôi tuyệt đẹp. Bên ngoài hang có những tảng đá được thiên nhiên bào mòn, gọt giũa tạo nên những hình thù lạ mắt. Tùy theo vị trí đứng và tùy theo “con mắt nghệ thuật” của mỗi người mà tảng đá này sẽ có hình những con vật khác nhau như sư tử, kỳ lân hay báo...

Một trong những người sống lâu năm ở gần hang Én, cụ bà Phạm Thị Yên cho biết, lúc bà còn nhỏ ít người biết đến hang Én vì đường xuống hang rất khó đi. Hơn nữa, nhìn từ xa ai cũng nghĩ hang dơi nên ít người tiếp cận.

Tuy nhiên, sau khi được khám phá ra là hang Én thì ngày càng có nhiều khách đến tham quan.

< Tổ én dày đặc trong hang.

Một trong những đặc trưng của thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu là có rất nhiều dừa. Hầu như nhà nào cũng có một vườn dừa xum xuê quả. Không khí nơi đây vô cùng mát mẻ, trong lành.

Vì vậy, du khách sau khi chiêm ngưỡng hang Én xong, quay trở ra, ai cũng có thể vào thăm thú vườn dừa và thưởng thức loại dừa đặc trưng của xứ biển này. Đây quả thật là một điểm dã ngoại vô cùng lý thú với sự trải nghiệm có núi, biển, hang đá với hàng trăm con én bay lượn và tự tay hái những quả dừa còn tươi nguyên.

Ông Huỳnh Văn Quang – Chủ tịch UBND xã Phổ Châu cho hay: Hang Én là một trong những điểm du lịch thiên nhiên hấp dẫn mà địa phương đang quy hoạch để phát triển.

Hiện nay, đường vào hang Én tuy nhỏ nhưng đã được bê tông thuận tiện. Tuy nhiên, để khai thác các điểm mạnh, đánh thức tiềm năng về du lịch với hướng phát triển thành tour du lịch biển – hang Én, Phổ Châu cũng đang trình tỉnh phê duyệt xây dựng kéo dài tuyến đường hơn 2km để nối khu du lịch biển Châu Me với khu du lịch hang Én Vĩnh Tuy.

Còn với tôi, với một điểm du lịch còn hoang sơ, đầy kỳ thú, cùng những con người hiền hậu, mến khách nên chăng địa phương phát triển theo hướng du lịch cộng đồng, để vừa thu hút khách, vừa tạo việc làm cho người dân địa phương.

Theo Hồng Hoa (Báo Quảng Ngãi), ảnh Skydoor
Dinh Đụn còn gọi là dinh bà U Linh Sạ Nữ Vương- nữ thần Chăm, nằm tại thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn). Đây được xem là sự bảo lưu dung hòa văn hóa Chăm- Việt trong tín ngưỡng thờ nữ thần Chămpa. Dinh Đụn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Người dân nơi đây tin rằng, dinh Đụn rất thiêng và đem lại sự bình an, may mắn cho cộng đồng làng.

Dinh Đụn được xây dựng khoảng thế kỷ 17. Đây là di tích gắn liền với thời kỳ khai phá Cù Lao Ré- Lý Sơn của các dòng họ tiền hiền ở phường An Vĩnh, An Hải. Trước đây, dinh Đụn được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá và giờ đã được xây dựng quy mô nhưng vẫn giữ được các giá trị của kiến trúc xưa.

Quần thể kiến trúc dinh Đụn bao gồm các công trình kiến trúc như nhà tiền tế, hậu tẩm và nhà bếp dùng để nấu nướng vào những dịp lễ hội. Kiến trúc dinh Đụn vốn kiểu chữ đinh nên nhà tiền tế có kết cấu gỗ còn hậu tẩm kết cấu xây tam hợp. Phía trước phần chính dinh có mái hiên tạo nên khoảng hiên tương đối thoáng, người ta dựng 4 cột xây kiểu vuông và tạo nên hai sập từ góc mái xuống nền.

Trên 4 cột trang trí 4 liễn đối chữ Hán sơn son thếp vàng. Hai bên sập của hai bên đầu góc trang trí bức họa mai trúc, đường diềm bờ mái cũng trang trí bích họa rất đẹp. Bờ mái dinh Đụn đổ khuôn, đắp nổi hình tượng tứ linh, cách thức trang trí: Ở vị trí trang trí lưỡng long uốn mình quay đầu vào nhau, hai bên là các tượng lân, quy, phụng bố trí theo quy pháp đăng đối. Nghệ thuật tạo khối và sơn vẽ trên các tứ linh được nghệ nhân thể hiện theo kỹ thuật đúc khuôn.


Trên đầu hồi của hai nóc mái trang trí cá hóa long đăng đối hai bên, 4 con cá chép ở hai đầu hồi quẫy đuôi uốn mình. Mỗi đầu hồi trang trí theo mô típ song ngư chầu vào mâm ngũ quả, được tạo tác đắp nổi rất cân xứng, hài hòa. Mô típ này thể hiện ước vọng phúc lộc đời đời của dân làng.


Trên đỉnh nóc mái dinh Đụn trang trí hai rồng tạo từ khuôn theo mô típ lưỡng long tranh châu. Trên 4 góc bờ mái dinh Đụn trang trí cặp đôi rồng, phượng theo kỹ thuật tạo khuôn theo mô típ long phụng hòa minh. Nhà tiền tế có hai bộ vì kèo, bộ vì kèo chính có hai trính thượng, trính hạ. Trong đó, trính thượng đỡ một trụ đội và trính hạ đỡ hai cột trốn quá giang qua trính, liên kết với xà, cột để đỡ bộ khung mái. Liên kết giữa nhà tiền tế và hậu tẩm là bộ vì kèo cầu gồm có một trính nối qua hai cột để đỡ một cột trốn. Nối giữa nhà tiền tế và hậu tẩm là máng xối.


Hậu tẩm được giữ nguyên gốc, xây dựng bằng đá ong tạo vách, gạch thẻ tạo vòm cuốn... Hậu tẩm xây kiểu vòm cuốn, chồng cổ diêm thành hai tầng, tầng dưới là khoảng không gian thờ phụng, tầng trên là khoảng không gian trống. Hậu tẩm chồng cổ diêm thành tám mái, lợp ngói âm dương, góc mái trang trí đầu đao. Đỉnh mái trang trí hồ lô, diềm mái gắn sành sứ.


Hiện dinh Đụn đang được bảo tồn và phát huy rất tốt. Đây là một trong các điểm tham quan du khách không thể bỏ qua khi đến với Lý Sơn. Không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp, dinh Đụn còn là nơi bảo tồn cây cổ thụ hùng vĩ và đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đó là cây đa sộp gần 300 năm tuổi. Trải qua nhiều thế kỷ và đối mặt với thời tiết khắc nghiệt nhưng những cây cổ thụ trong khuôn viên dinh Đụn vẫn vươn lên xanh tốt như biểu tượng về sức sống mãnh liệt của con người trên đất đảo.

Đến nay, vào ngày 3.5 (Âm lịch) hằng năm, dân làng tập trung đông đủ  để dự lễ cúng tế Bà. Việc thờ nữ thần Chăm của người Việt trên đảo Lý Sơn đã cho thấy những mảnh vỡ của văn hóa Chăm trong quá khứ vẫn còn được dung hòa trong lòng văn hóa Việt. Đó là sự bảo lưu, chuyển tiếp các hình thái tín ngưỡng và vẫn giữ được các giá trị của nó trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng.

Năm 1945, dinh Đụn được sử dụng làm trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính thôn. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dinh Đụn được sử dụng làm trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã. Trong khuôn viên của dinh Đụn có xây dựng trường bình dân học vụ và cũng là nơi huấn luyện tinh thần cách mạng cho các đoàn thể, tổ chức trên đảo Lý Sơn.

Theo Duy Hùng (Báo Quảng Ngãi)
Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có phiên chợ đặc biệt, duy nhất chỉ có ở Việt Nam, đó là phiên chợ hành, tỏi. Và dĩ nhiên ở đây chỉ bán một mặt hàng duy nhất là hành và tỏi. Từ nhiều chục năm nay, dù nắng hay mưa, cứ 3-4h sáng thì hàng trăm người dân huyện đảo lại đều đặn đến chợ mua bán hành tỏi.

< 4h sáng, chợ tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) tất bật cảnh mua bán.

Chợ không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gặp gỡ, giao lưu tình cảm của phụ nữ miền biển, phiên chợ hành, tỏi ở Lý Sơn còn là nét đẹp văn hóa của cư dân vùng biển Đảo Lý Sơn. Không ai biết phiên chợ hành, tỏi có chính xác từ khi nào. Chỉ biết rằng, nhiều gia đình, các tộc họ trên đảo có cuộc sống ổn định, cho con cháu ăn học và thương hiệu hành, tỏi nơi đây bay xa cũng từ phiên chợ này.

< Hàng trăm phụ nữ đi xe máy chở hành, tỏi đến chợ. Xuất phát từ nhu cầu thương lái thu mua để kịp đưa loại nông sản ở đảo này lên chuyến tàu sớm đưa vào đất liền tiêu thụ nên chợ tỏi phải họp 4h-7h sáng.

Phiên chợ hành, tỏi nằm ở thôn Đông xã An Vĩnh, phiên chợ đặc biệt này diễn ra từ 4h đến 6h sáng. Vì sao chợ lại họp từ 4h sáng? Người dân đất đảo cho biết, họp chợ sớm để thương buôn thu mua hành, tỏi kịp chuyến lên tàu sớm đưa hàng vào đất liền đi khắp đất nước.

< Người dân xếp bao tải chứa đầy tỏi dựng thành dãy dài để thuận lợi cho thương lái thoải mái chọn lựa, trả giá. Tỏi Lý Sơn có hương vị thơm, cay đặc trưng khó lẫn so với tỏi trồng ở các địa phương khác. Cuối tháng 3/2009, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) đã công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể đối với sản phẩm hành, tỏi Lý Sơn.

< Theo người dân địa phương, phiên chợ này hình thành khoảng 30 năm trước. Trung bình mỗi ngày họ bán cho thương lái ít nhất 3 tấn tỏi đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước.

Họp chợ là những nông dân trồng hành, tỏi mang đi bán cho các thương buôn từ đất liền ra. Chợ họp sớm từ khi mặt trời chưa nhô, không có ánh sáng, những chiếc đèn pin hay đèn xe máy lập lòe trong đêm cùng tiếng nói, đùa lúc dọn hàng của nhà nông đất tỏi làm phiên chợ trong đêm tối trở nên vui như hội.

< Người dân đội cân, cầm đèn pin đến phiên chợ giữa màn đêm.

< Huyện đảo Lý Sơn trồng 300 ha tỏi, mỗi năm sản lượng khoảng 1.800 tấn tỏi khô. Đặc sản tỏi địa phương trên thị trường giá cả luôn biến động bất thường: dịp cận Tết lên đến gần 100.000 đồng/ký, song ngày thường chỉ ở mức 45.000-50.000 đồng/kg.

< Người bán dùng đèn sạc điện thắp sáng để thương lái chọn lựa mua "tỏi cô đơn" vừa mới được thu hoạch sau Tết. Loại tỏi một tép đặc biệt này có thời điểm dân nơi đây bán đến 1 triệu đồng mỗi kg.

Có mặt từ 4h sáng, bà Nguyễn Thị Dư (ở xã An Vĩnh) bộc bạch, gần 30 năm là thời gian bà bám chợ để mưu sinh. Đến chợ, ngoài bán hành, tỏi cho thương buôn, bà còn kiêm luôn việc đóng bao thuê. Nhờ gắn bó phiên chợ này, bà Dư đã chia sẻ gánh nặng cùng chồng hàng ngày bám biển khơi xa và nuôi con ăn học.

< Chị Nguyễn Thị Thủy (ngụ xã An Vĩnh) - thương lái thu mua hành, tỏi ngậm đèn pin đếm tiền trả cho người bán tỏi trong màn đêm. "Mỗi ngày tôi phải thức dậy từ 4h sáng đến chợ thu mua vài tạ đưa lên tàu chuyển vào đất liền bán lại cho tiểu thương các chợ lẻ. Nghề này lấy công làm lời, thường xuyên dậy sớm cơ cực nhưng bù lại mỗi phiên chợ tôi thu lãi 500.000-1 triệu đồng, trang trải thoải mái cuộc sống gia đình", chị Thủy nói.

Khi 23 tuổi, bà Dư đã theo mẹ ra chợ để bán hành, tỏi của gia đình cho thương buôn. Lúc ấy, chợ không nhộn nhịp như bây giờ, số lượng hành, tỏi chuyển về đây cũng không nhiều. Khi được công nhận thương hiệu và Lý Sơn có điện lưới quốc gia thì phiên chợ đặc biệt này luôn nhộn nhịp. Dù nắng hay mưa, phiên chợ vẫn diễn ra như một nét đẹp truyền thống của người dân đảo.

< Phiên chợ tỏi không chỉ thuần túy là nơi buôn bán tạo thu nhập ổn định cho nhiều gia đình, mà còn là nơi giao lưu tình cảm của phụ nữ miền biển, thể hiện nét đẹp văn hóa đặc trưng của cư dân đảo Lý Sơn.

< Khác với nhiều địa phương, việc thu phí ở mỗi phiên chợ này được quy ra sản phẩm tỏi. Bà Hoa- người phụ trách thu phí chợ Lý Sơn cho hay, tùy theo giá cả thị trường, mỗi ngày chợ thu của người dân, thương lái đến đây mua, bán từ 10 kg đến 15 kg tỏi. Số sản phẩm này sẽ được bán lấy tiền để gom góp chi phí cho công nhân vệ sinh môi trường sau mỗi phiên chợ.

Đến với phiên chợ hành, tỏi ngày nay còn có nhiều khách du lịch. Tới đây, du khách không chỉ mua hành, tỏi chính hiệu mà còn được tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc về cây hành, cây tỏi của người dân đảo. Chợ hành, tỏi thật sự đã mang đến những trải nghiệm riêng biệt cho du khách.

< Kết thúc phiên chợ, tỏi được đóng bao cẩn thận, chuyển đến bến cảng Lý Sơn đưa vào đất liền tiêu thụ.

“5h sáng chúng tôi đã có mặt ở phiên chợ đặc biệt này để tìm mua hành, tỏi của bà con vừa thu hoạch. Bởi hành, tỏi nơi đây rất đảm bảo về chất lượng. Chúng tôi không ngờ, để tạo nên củ hành, củ tỏi có mùi thơm đặc trưng thế này, bà con nông dân phải mất nhiều công sức đến thế, thiết nghĩ chỉ có cư dân đảo Lý Sơn mới cần cù như vậy”, du khách Trương Đình Tùng (đến từ Hà Nội) nói.

< Phiên chợ tỏi giữa màn sương buổi sớm tạo bức tranh sống động, toát lên vẻ đẹp chân quê truyền thống, mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với đảo Lý Sơn.

< Không chỉ bán tỏi khô, người dân đảo Lý Sơn còn bày bán " tỏi ngồng non" cho du khách mang về đất liền chế biến thành món ăn. Mỗi bó tỏi ngồng non này có giá 20.000-25.000 đồng.

Nhịp sống đất đảo luôn gắn với phiên chợ đặc biệt này. Vì thế, thương hiệu hành, tỏi nơi đây ngày càng vươn xa. Bà Ngô Thị Liêm (ở xã An Vĩnh, người 30 năm có mặt ở phiên chợ đặc biệt này) cho hay, lúc đầu bà cũng như nhiều nông dân khác, đến chợ để bán hành, tỏi cho thương buôn, lâu dần bà chuyển sang thu mua hành, tỏi chuyển đi tiêu thụ đi khắp cả nước.

< Mùa cao điểm thu hoạch tỏi ở đảo Lý Sơn thường bắt đầu sau dịp tết Nguyên đán, đây cũng là thời điểm mua bán sôi động nhất ở huyện đảo này.

Thương hiệu hành, tỏi Lý Sơn giờ vươn xa không thể không nhắc đến vai trò của phiên chợ đặc biệt này. Có thể nói, đây là phiên chợ truyền thống của cư dân đảo. Mỗi ngày, từ đây, hàng chục tấn hành, tỏi được đóng bao, vượt biển vào đất liền và được chuyển đi tiêu thụ khắp trong và ngoài nước.

Hành, tỏi Lý Sơn nay không chỉ có mặt trên các hệ thống siêu thị khắp cả nước mà còn vươn ra quốc tế trở nên một sản phẩm du lịch đặc trưng có một không hai của huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Theo LysonExplorer, ảnh Zing New