Quả vậy, giữa mênh mông núi đồi trùng điệp, khi ánh mặt trời lên làm tan dần những lớp mây trắng bồng bềnh để lộ ra một ngọn núi có hình dáng hết sức kỳ lạ, khác biệt.
Có lẽ ở miền rừng núi phía tây Quảng Ngãi, sau ngọn núi Cà Đam kỳ vĩ, nổi tiếng gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thì núi Răng Cưa ở xã Trà Hiệp (Trà Bồng) khiến nhiều người ấn tượng, ngạc nhiên vì ngọn núi hình dáng khá độc đáo.

“Trà Bồng có núi Răng Cưa/ có sông Cà Đú, có cầu Suối Nang”. Câu ca ngắn gọn này cứ thôi thúc chúng tôi tìm đến địa danh núi Răng Cưa. Bởi, theo lời giới thiệu thì ngọn núi này được xem như là biểu tượng của đồng bào Cor ở miền Tây Quảng Ngãi. Quả vậy, giữa mênh mông núi đồi trùng điệp, khi ánh mặt trời lên làm tan dần những lớp mây trắng bồng bềnh để lộ ra một ngọn núi có hình dáng hết sức kỳ lạ, khác biệt.

< Con đường thẳng tắp dẫn đến núi Răng Cưa.

Trong khi những ngọn núi khác chỉ có một đỉnh núi, thì đỉnh núi Răng Cưa ở thôn 1, xã Trà Hiệp (giáp ranh với huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) có độ cao trên 1.000m, lại tạo hình như những lớp răng cưa sừng sững giữa đất trời. Có lẽ vì vậy, đồng bào người Cor nơi đây đã đặt tên là núi Răng Cưa, gắn liền với truyền thuyết đậm chất huyền thoại của người Cor lý giải về hiện tượng tự nhiên độc đáo này.

Trong câu chuyện hiếm hoi chỉ còn vài người ở Trà Hiệp giữ lại thì núi Răng Cưa là cách gọi tên phổ thông ngày nay. Trong tiếng Cor, núi có tên là Ngók Ca Ghé, còn có tên gọi khác là núi Cứ Xỉ.

Từ thời xa xưa, công chúa, con gái của vị thần Mặt Trời (theo cách gọi của người Cor là thần Mặt Ngây, là vị thần tối cao nhất trong tất cả các vị thần), thích rong chơi khắp nơi trên thế gian. Nghe theo lời con, Mặt Ngây cho nước dâng khắp mọi nơi để công chúa thỏa sức phiêu lưu, đua thuyền. Nước ngập khắp nơi, cả vùng Trà Bồng chỉ còn vài ngọn núi nhô lên.

Mỗi lần vượt thuyền qua các đỉnh núi, công chúa đều xin Thần Núi cho thuyền băng qua. Thần Núi nể tình Mặt Ngây nên mở cửa núi cho thuyền công chúa đi qua. Nhiều lần như vậy, công chúa tỏ ra kiêu căng, tự ý mở cửa núi.

Biết chuyện, Thần Núi lập tức đóng cửa núi lại không cho thuyền công chúa đi qua nữa. Công chúa giận Thần Núi, sai lính cho ghe băng xuyên qua núi để lại ba vết trên đỉnh hình sóng ghe. Từ đó, ngọn núi chia làm bốn đỉnh nhấp nhô theo hình răng cưa.

Ngày nay, núi Răng Cưa là một trong những ngọn núi cao hùng vĩ ở Trà Bồng. Không chỉ vì có hình dáng kỳ lạ, mà còn bởi vì ngọn núi này từng gắn liền với đời sống tinh thần người Cor như một biểu tượng độc đáo về tính cách kiên cường, bất khuất của người Cor.

< Tùy theo hướng nhìn sẽ thấy núi Răng Cưa có rất nhiều ngọn.

Ông Hồ Văn Luận, xã Trà Hiệp nhớ lại, ngày còn nhỏ hay được cha ông kể cho nghe các câu chuyện cổ giải thích về sự tồn tại, ra đời của cái cây, ngọn cỏ, những hiện tượng thiên nhiên, trong đó có sự tích về núi Răng Cưa.

Tuy nhiên, hiện nay, những câu chuyện cổ của người Cor chỉ có người già trong làng cùng số ít người dân địa phương biết, còn người trẻ ít ai biết đến. Khi lớp những người già dần qua đời, truyện cổ của đồng bào cũng dần dần không còn xuất hiện trong những câu chuyện kể nữa. Đây cũng là điều trăn trở của những người tâm huyết trong việc nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cor.

Theo Bảo Hòa (Báo Quảng Ngãi)