Tab Từ Khóa "Cao nguyên"
Showing posts with label Cao nguyên. Show all posts
Năm 2016 là năm du lịch Việt Nam giành được nhiều kết quả tốt đẹp. Bên cạnh việc lần đầu tiên đạt kỷ lục đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế, ngành du lịch còn thực hiện được một bước đột phá nhằm nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam thông qua chiến dịch rà soát, chấn chỉnh chất lượng du lịch hệ thống cơ sơ lưu trú.

*Mạnh tay thu hồi hạng sao 

Sau Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch diễn ra ở Hội An tháng 8/2016, Tổng cục Du lịch đã triển khai chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú với việc tổ chức 16 hội nghị quán triệt chủ trương với sự tham gia của 47 tỉnh, thành. Tổng cục Du lịch phối hợp với các địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiến hành tổng kiểm tra cơ sở lưu trú tại 22 tỉnh, thành là địa bàn du lịch trọng điểm, đặc biệt tập trung vào phân khúc từ 3 - 5 sao. Phú Quốc là điểm cuối cùng trong năm 2016 được tiến hành rà soát, kiểm soát các cơ sở lưu trú. Đã có 35 khách sạn từ 3-5 sao, nhắc nhở. và thu hồi hạng sao của 35 khách sạn, trong đó có 1 khách sạn 5 sao tại Quảng Ninh; 9 khách sạn 4 sao, 25 khách sạn 3 sao. Có thể thấy 35 khách sạn bị thu hồi hạng sao trong tổng số hơn 400 khách sạn 3 sa o, hơn 200 khách sạn 4 sao, 107 khách sạn 5 sao vẫn là một tỷ trọng nhỏ nh ưng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ của du lịch Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: Chiến dịch rà soát, chấn chỉnh chất lượng các cơ sở trú là một hoạt động trọng tâm về quản lí nghiệp vụ của ngành du lịch nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch , Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam , Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch. 

Sở dĩ Tổng cục Du lịch tiến hành Chiến dịch là do thời gian qua, cơ sở lưu trú của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, đặc biệt tập trung vào phân khúc từ 3-5 sao. Chất lượng các cơ sở lưu trú của Việt Nam nhìn chung là tốt, không thua kém các nước trong khu vực về mặt bằng chung số lượng, chất lượng và cả cơ cấu loại hình. Các nhà đầu tư chiến lược đã hình thành chuỗi khách sạn cao cấp, đồng bộ với chất lượng tốt; nhiều khu nghỉ dưỡng đã nhận được giải thưởng quốc tế , góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam . 
Lãnh đạo ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng hoa chúc mừng những du khách quốc tế đầu tiên đến Huế trong năm 2017. Ảnh: Quốc Việt- TTXVN

Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng cho biết: Bên cạnh sự phát triển của hệ thống cơ sở lưu trú còn xuất hịện một số trường hợp khách sạn mạo danh, khách sạn sau khi được xếp hạng đã không giữ được cơ sở vật chất, quản trị, kĩ năng nghề cũng như chất lượng nhân lực. Việc này phải được chấn chỉnh vì việc đổi mới phải được thực hiện trước tiên ở chính ngành du lịch. Hệ thống khách sạn chính là bộ phận tiên phong, cần đột phá vào đó để kiểm soát chất lượng dịch vụ. Do đó, Tổng cục Du lịch đã tiến hành đồng loạt chiến dịch ở các vùng trọng điểm du lịch. Đến hết năm 2016, về cơ bản chiến dịch đã kết thúc, phủ sóng toàn bộ các hoạt động của chiến dịch này. 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng khẳng định: Chiến dịch thay đổi hình ảnh Du lịch Việt Nam, tổng kiểm tra rà soát các cơ sở lưu trú đang thực hiện có hiệu quả rất tốt, tác động lan tỏa tới toàn hệ thống cơ sở lưu trú trên toàn quốc, tạo được niềm tin cho cả người làm nghề lẫn khách du lịch. Đặc biệt, Bộ sẽ xây dựng và triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về lưu trú du lịch đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; sớm hoàn thiện bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia trong du lịch. 

Thời gian tới, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện, đồng thời mở Chiến dịch mới tổng kiểm tra, rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ mảng lữ hành. Những cơ sở lưu trú, công ty lữ hành không đảm bảo chất lượng, vi phạm Luật Du lịch sẽ xử lý nghiêm, thu hồi quyết định công nhận hạng sao hoặc giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; kiểm soát để không để nảy sinh vấn đề mới. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ làm đến cùng để lấy lại được niềm tin của khách du lịch, người dân về môi trường du lịch lành mạnh, điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện, chất lượng và đáng đến... 

* Doanh nghiệp đồng thuận, ủng hộ 

Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Chiến dịch rà soát, chấn chỉnh chất lượng các cơ sở lưu trú thời gian qua nhằm tạo hiệu ứn g mạnh mẽ, lan tỏa rộng rãi trong giới kinh doanh lưu trú về việc đảm bảo chất lượng, thay đổi thái độ với du khách trong thời gian tới. Đ ây là chương trình hướng tới vẻ đẹp hoàn thiện của du lịch Việt Nam. 

Chiến dịch đã thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch, các địa phương, nhận được sự đồng thuận cao nên các khách sạn đều nghiêm túc chấp hành quyết định. Chiến dịch đã tác động tới lãnh đạo các doanh nghiệp khách sạn, lãnh đạo các địa phương về việc tự ý thức thay đổi, hoàn thiện, làm mới mình để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch các địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, Chiến dịch này còn tăng cường hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ trong toàn bộ hệ thống cơ sở lưu trú. 
Tàu đưa du khách tới thăm chợ nổi Cần Thơ. Ảnh: Anh Vũ

Hầu hết các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch đều bày tỏ mong chờ chiến dịch triển khai quyết liệt sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho sự thay đổi toàn diện của ngành Du lịch Việt Nam. Các doanh nghiệp đều cho rằng: C hất lượng cơ sở lưu trú của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều, đặc biệt là các khách sạn 4-5 sao tại trung tâm các thành phố lớn và vùng trọng điểm du lịch. Không thể để một số lượng nhỏ những cơ sở không đảm bảo chất lượng làm ảnh hưởng tới cả hệ thống cơ sở lưu trú và cao hơn nữa là hình ảnh du lịch Việt Nam. Chủ trương rà soát , chấn chỉnh các cơ sở lưu trú trên toàn quốc đã góp phần tạo sự đột phá cho du lịch Việt Nam.

Đại diện hãng lữ hành HaNoi Redtour cho hay: Chiến dịch rà soát, chấn chỉnh các cơ sở lưu trú và coi đây là khâu đột phá cho du lịch Việt là một việc nằm trong tầm ta y bởi Việt Nam đã có Bộ tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng khách sạn. Tổng cục Du lịch khi tiến hành công nhận hạng sao cho các cơ sở lưu trú hoặc kiểm tra, giám sát cũng căn cứ vào những tiêu chuẩn này. 

Bên cạnh việc rà soát, kiểm tra chất lượng của các cơ sở lưu trú cũng cần vận động, tạo điều kiện cho các cơ sở hoàn thiện chất lượng dịch vụ bằng cách tổ chức các lớp đào tạo mới, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng và thái độ phục vụ của những người làm trong ngành du lịch. C ác cơ sở phải thay đổi nhận thức và nhận thấy việc chấn chỉnh hệ thống khách sạn là cần thiết, vì sự lớn mạnh của mình, tự nguyện tham gia. Từ đó, chiến dịch sẽ tạo ra tiếng vang và có sức lan tỏa lớn trong toàn ngành du lịch .
Huyền ảo Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: TTXVN

Có thể nói, qua đợt kiểm tra của Tổng cục Du lịch đã giúp các doanh nghiệp ở nhiều trọng điểm du lịch “soi” lại mình, hoàn thiện, đáp ứng chất lượng dịch vụ; đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp, phương thức quản lý theo sát thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của sự phát triển. 

Thanh Giang - Theo dantocmiennui
Làng Thần Kỳ Đạ Nghịt nằm ở xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) là một ngôi làng “lạ quắc lạ quơ” ở Đà Lạt mà rất ít người biết đến.

Đây là ngôi làng trồng rau xà lách sạch được áp dụng theo công nghệ nổi tiếng của Làng Kawakami, huyện Minamisaku, tỉnh Nagano Nhật Bản. Chính vì thế thôn Đạ Nghịt này được xem là “làng thần kỳ thứ 2” tại Đà Lạt.

Khát vọng Kawakami

Đứng trước nông trại xà lách Mỹ mơn mởn, ông Hironosi Tsuchiya - người đã có công lớn xây dựng làng Thần Kỳ Việt Nam ở làng Đạ Nghịt, xã Lát, cũng là Giám đốc đại diện Quỹ Đầu tư HT Capital tại Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH An Phú Lacue - không giấu được niềm vui.

< Đến đây bạn sẽ chóang ngợp với những luống rau xanh trải dài hàng chục héc- ta, thả ga chụp tự sướng cũng như tận mắt xem người nông dân chăm sóc và thu hoạch rau.

Cách đây chưa lâu, khu vườn xà lách này chỉ là một vùng đất bạc màu với lởm chởm sỏi đá, cỏ bụi rậm rạp... Hironosi Tsuchiya cho biết, ông và cộng sự đã và đang nỗ lực hết mình để biến vùng đất khó này thành làng Thần Kỳ đỉnh cao tại Việt Nam.

Sở dĩ có tên gọi như vậy, bởi ở đất nước mặt trời mọc, nơi ông sinh ra, làng Kawakami (quận Minamisaku, tỉnh Nagano) - vốn là vùng đất cằn cỗi, nghèo khó và lạc hậu, sau 20 năm áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã trở nên giàu có bậc nhất Nhật Bản, thu nhập bình quân trên 200.000 USD/hộ/năm trong khi mỗi năm người dân chỉ làm việc 4 tháng. Người dân Nhật gọi Kawakami là làng Thần Kỳ để vinh danh những nông hộ nơi đây…

“Đó là lý do chúng tôi quyết lập một làng Thần Kỳ thứ hai – ông Hironosi Tsuchiya nói. So sánh điều kiện sản xuất nông nghiệp ở Đạ Nghịt với làng Kawakami của Nhật Bản, rõ ràng vùng Đạ Nghịt có những ưu thế vượt trội. Nếu như ở Đạ Nghịt thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp quanh năm với khí hậu ôn hòa và nhiệt độ lý tưởng, thì ở làng Kawakami mỗi năm chỉ sản xuất được 4 tháng (6-10), thời gian còn lại không thể sản xuất do tuyết bao phủ.

Trước khi chọn Đạ Nghịt lập làng Thần Kỳ, ông Hironosi Tsuchiya cùng cộng sự đã cẩn thận lấy từng mẫu đất, nước trong vùng để xét nghiệm, kiểm tra hàm lượng các chất có trong đất, nước. Họ còn tỷ mỷ theo dõi lượng mưa trong nhiều năm để chọn thời điểm xuống giống cho hợp lý nhất. Khi đã thỏa mãn những điều kiện cần thiết, tháng 10.2013, người Nhật quyết định thuê đất, chọn Đạ Nghịt lập làng Thần Kỳ Việt Nam.

Kỳ công lập làng Thần Kỳ

Để xây dựng làng Thần Kỳ ở Việt Nam, thông qua Quỹ Đầu tư HT Capital, một đơn vị chủ quản làng Thần Kỳ đã được thành lập - đó là Công ty TNHH An Phú Lacue. Đây là công ty liên doanh giữa An Phú Đà Lạt và Công ty Lacue Nhật Bản.

Bên cạnh việc tuyển chọn hàng chục lao động phổ thông người Việt với mức lương không dưới 4 triệu đồng/người/tháng (có nơi ăn ở), ông Hironosi Tsuchiya còn bay về Nhật, tìm đến làng Kawakami để động viên một số thanh niên có kinh nghiệm nhất trong việc trồng rau xà lách Mỹ sang Đạ Nghịt “đầu quân”, quyết lập thành công làng Thần Kỳ thứ 2 trên thế giới.

Theo tiếng gọi, hai thanh niên ưu tú của Kawakami là Masahito Shinohara (34 tuổi) và Takaya Hanaoka (35 tuổi) đã đến Lâm Đồng vào cuối năm ngoái.

Ở đây, Masahito Shinohara và Takaya Hanaoka đã khẳng định họ chính là những nông dân giàu kinh nghiệm nhất. Sáng sớm, Masahito Shinohara và Takaya Hanaoka đã ra vườn cùng với công nhân Việt Nam. Khi thì đi sau máy cày nhặt nhạnh từ viên sỏi, gỡ từng miếng đất, gom từng sợi cỏ, lên luống xuống giống…

Họ cùng công nhân Việt Nam cần mẫn làm việc không quản dầm mưa dãi nắng. “Làm nông nghiệp tất nhiên là vất vả rồi nhưng chúng tôi rất tự hào vì đang góp phần kiến tạo một làng Thần Kỳ ở đất nước các bạn” - Masahito Shinohara tâm sự.

Hay tin người Nhật lập làng Thần Kỳ, cô gái Nguyễn Phượng Hoàng (24 tuổi), đang có việc làm ổn định trong ngành xuất nhập khẩu ở TP.HCM với lương 8 triệu đồng/tháng cũng xin nghỉ việc để lên Lâm Đồng theo người Nhật học cách làm rau sạch. Phượng Hoàng cho biết, chị muốn làm giàu bằng cách học ý chí tự lực tự cường, lao động nghiêm túc, có tính kỷ luật cao, nhất là cách làm rau công nghệ cao từ người Nhật.

Kết quả lao động không phụ sức người, tháng 4.2014, sau 70 ngày gieo trồng, lứa rau xà lách Mỹ trồng thử nghiệm đầu tiên tại làng Thần Kỳ Việt Nam đưa ra thị trường với thành công ngoài mong đợi. Ông Hironori Tsuchiya cho biết, 5.000m2 rau xà lách Mỹ của làng Thần Kỳ Việt Nam đã cho sản phẩm tương đương rau trồng tại làng Kawakami của Nhật, nhiều cây xà lách nặng tới 1,2kg.

Mặc dù giống, vật tư phân bón, công nghệ đều phải nhập từ Nhật và Mỹ nhưng giá thuê nhân công tại Việt Nam rẻ nên chi phí sản xuất rau xà lách tại làng Thần Kỳ Việt Nam vẫn thấp hơn 10% so với Nhật.

Dự án tuyệt vời

Vị đứng đầu làng Thần Kỳ Việt Nam còn cho biết, đây là dự án chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa nông nghiệp cho Việt Nam mà trực tiếp là Lâm Đồng. Cơ hội rộng mở cho mọi doanh nghiệp và cá nhân. An Phú Lacue (đơn vị chủ quản làng Thần Kỳ) sẵn sàng chuyển giao công nghệ trồng rau tiêu chuẩn Nhật cho người có nhu cầu. Hiện có nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình tại Đà Lạt đến đặt vấn đề với An Phú Lacue để được hỗ trợ về mặt công nghệ.

< Thăm quan khu ươm giống của trang trại rau “Làng Thần kỳ”.

Ông Hironosi Tsuchiya cho biết, trước mắt người Nhật đem công nghệ, chuyên gia sang Việt Nam để hướng dẫn người Việt làm nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn Nhật, nhưng về lâu dài họ sẽ đưa nông dân Việt sang học cách làm tại Nhật. Hiện An Phú Lacue xúc tiến tuyển chọn lao động đảm bảo điều kiện để sang Nhật học làm rau công nghệ cao.

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng khẳng định làng Thần Kỳ Việt Nam là dự án tuyệt vời. Cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản tại Đà Lạt - Lâm Đồng được tiếp cận kỹ thuật trồng rau tiêu chuẩn Nhật Bản là điều mơ ước. Lực lượng được An Phú Lacue tuyển chọn đi Nhật sẽ là “chuyên gia” tiên phong giúp Đà Lạt cải thiện hình ảnh sản xuất nông nghiệp.

< Ngoài ra, bạn còn có cơ hội thưởng thức những cọng rau tươi ngon ngay tại vườn  mà không cần rửa nữa đấy!

Bao năm nay nông sản Đà Lạt chủ yếu tiêu thụ nội địa, việc đổ bỏ hàng nghìn tấn nông sản mỗi vụ ở Lâm Đồng đã trở thành tình trạng phổ biến. “Công nghệ cao, chất lượng tốt, đầu ra sản phẩm ổn định của làng Thần Kỳ Việt Nam giúp nông sản Đà Lạt đường hoàng bước ra sân chơi quốc tế”– ông Sơn khẳng định.

Chất lượng xà lách trồng ở Đạ Nghịt tương đương rau trồng tại làng Kawakami của Nhật, nhiều gốc xà lách nặng tới 1,2kg. Mặc dù giống, vật tư phân bón, công nghệ đều phải nhập từ Nhật và Mỹ nhưng bù lại giá thuê nhân công tại Việt Nam rẻ nên chi phí sản xuất rau xà lách tại làng Thần Kỳ Việt Nam vẫn thấp hơn 10% so với làng Thần Kỳ bên Nhật. Với đầu ra không giới hạn sản lượng, hiệu quả kinh doanh của An Phú Lacue sẽ khá tích cực từ năm sau, vì giá thành sản phẩm dự kiến sẽ thấp hơn so với ở Nhật từ 20 - 30%.

Theo Dân Việt và nhiều nguồn khác
Mâm cơm Tết của đồng bào người Mông có thể là thịt gà, canh cải, đậu phụ, rau cải đắng, thịt treo gác bếp, hoặc có khi chỉ là mèn mén.

< Một phụ nữ Mông đi chợ huyện Mèo Vạc trước Tết mang về một con gà.

Chúng tôi tới Hà Giang trước Tết Nguyên đán 2 tuần lễ, đây cũng là thời điểm nhiều gia đình ở xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc đang trong những ngày Tết truyền thống. Thời gian ăn Tết với đồng bào Mông trên Hà Giang có thể kéo dài cả tuần lễ, ăn Tết xong, họ sẽ bắt đầu lên nương để phát cỏ, chọc đất, gieo ngô cho vụ mới.

< Sắc đào nở hồng trên những mái nhà ở Hà Giang mỗi khi Tết đến xuân về.

Chúng tôi lấp ló phía trước ngôi nhà của anh Giàng Mí Sếnh và chị Li Thị Bảy khi cả nhà đang quây quần quanh một chiếc bàn hình chữ nhật. Căn nhà rất thấp, ánh sáng bên ngoài không thể len vào bên trong được. Chúng tôi không nhìn rõ mặt ai, nguồn sáng trong nhà chỉ là chiếc bếp củi cháy liu riu.

“Làm một chén rượu đi”, một thanh niên nói tiếng Kinh rất rõ đề nghị. Chủ nhà kéo thêm hai chiếc ghế nữa, thế là mọi người cùng ngồi xúm quanh chiếc bàn, cả người lớn và trẻ con, khoảng chục người.

< Người Mông treo thịt lợn ngay trên bếp để ăn Tết.

Mâm cơm Tết có một đĩa thịt gà luộc, một ít thịt treo gác bếp rang, đậu phụ kho, rau cải nấu canh, rất tươm tất. Đàn bà, con gái cũng uống rượu. Mà phải uống bằng bát. Rượu được hâm nóng trong một chiếc nồi nhôm nhỏ, rồi cứ thế múc ra, mỗi người ực một hơi, hết cả bát, khói còn bay lên khi người ta “khà” một tiếng, thích thú và thỏa mãn.

“Cứ làm nông xong lúc nào thì ăn Tết lúc đó. Ăn Tết kéo dài mấy ngày là theo ý của chủ nhà. Đây là bà con họ hàng”, anh Giàng Mí Sếnh nói.

Chúng tôi bước ra ngoài, mới có 5 giờ chiều nhưng cao nguyên đá đã buốt lạnh và xám xịt. Những cánh hoa đào run run trong sương. Hà Giang rét, rét buốt, càng khiến những bữa rượu ăn Tết của nhiều gia đình kéo dài liên miên.

< Và nhất định phải uống rượu.

Thịt treo gác bếp như một "thước đo" Tết to hay nhỏ của đồng bào Mông nơi đây. Năm nào, nhà có nhiều thịt treo, năm đó là Tết xôm tụ. Ngược lại, năm nào bếp trống trơn, đó là năm cái nghèo đói ''ăn cắp'' mất Tết của người già, con trẻ.

< Ông Vừ Chứ Ná và bà Vừ Thị Già.

Chúng tôi gõ cửa nhà ông Vừ Chứ Ná, 61 tuổi và bà Vừ Thị Già 52 tuổi khi bóng tối đã phút chốc ập xuống miền núi đá Mèo Vạc. Gió lạnh cứng người. Hai ông bà đang ngồi cạnh nhau bên một bếp củi, bên trên là một ấm nước đang reo. Ông biết một ít tiếng Kinh và nói lơ lớ, bà không hiểu chúng tôi nói gì, chỉ ra hiệu là mời vào, ngoài trời rất lạnh.

Căn nhà thấp hơn cả căn nhà chúng tôi ghé lúc chiều, nó cũng nhỏ hơn, kê một cái giường và vô vàn đồ đạc, nào gùi, nào bao tải, vách nhà treo la liệt những túm đỗ để làm giống. Phía trong nhà còn là một chuồng nuôi gia súc, gia cầm, mấy con chó, con gà ở chung với nhau, rét cóng, con nào cũng co ro.

< Bà Già đang canh siêu nước sôi trên bếp.

“Ăn cơm chưa, nấu cơm nhé?”, ông Vừ Chứ Ná chỉ tay lên dải thịt lợn treo vàng ươm trên bếp. Chúng tôi gật đầu. Ông Ná lấy một ít gạo trắng đổ vào chiếc nồi nhôm, bắc lên bếp. Lúc chờ cơm sôi thì lấy con dao, xẻo một khúc thịt trên bếp xuống. Con dao sắc bén, một lát cắt ngọt để lộ ra khoanh thịt đỏ hồng, như thịt hun khói chúng tôi thường thấy trong siêu thị.

Bà Già giúp ông Ná dội nước sôi lên miếng thịt, ông Ná cạo hết lớp bụi đen bám vào, rồi kê thớt, thái số thịt thành từng miếng nhỏ, cho hết vào một cái chảo sâu lòng. Chúng tôi háo hức nhìn, ông Ná cười: “Thịt ăn Tết''.

< Ông Ná thái thịt nấu cơm.

Bếp lửa cháy bập bùng. Ông Ná kể chuyện hàng tháng đi bộ xuống chợ huyện Mèo Vạc ra sao, ở đây chống chọi với cái lạnh thế nào, chúng tôi bóc mấy gói snack mang theo mời ông ăn, người đàn ông gật gù: “Cái này ngon nhỉ”.

Chảo thịt cứ thế nấu chín trên bếp mà không phải cho thêm bất cứ gia vị gì, không dầu mỡ, không mắm muối, bột ngọt. Mùi thơm hấp dẫn bay khắp nhà.

< Canh cải rừng trồng trên núi đá tai mèo.

Cơm được dọn ra trên một chiếc bàn gỗ (hầu như nhà nào cũng có chiếc bàn này), có một đĩa thịt rang, một tô canh cải đắng, một nồi cơm trắng tinh, thơm phức và một gáo rượu (ông Ná đun nóng rượu ngô rồi cho vào một chiếc gáo bằng nhựa).

“Uống đi, cho ấm”, ông Ná giục. Bà Già ực một cái, bát rượu bốc hơi. Chúng tôi nhấp môi, ông bà Ná cười ha ha rồi nói với nhau mấy câu tiếng Mông.

< Nhịp sống bình yên trong những căn nhà trên núi đá tai mèo.

“Chúng tôi ở đây lâu lắm rồi. Vợ cả tôi chết, tôi lấy bà này là bà hai. Bây giờ tôi có tổng cộng 10 đứa con, cháu thì nhiều lắm, không nhớ hết. Các con cháu đi làm xa hết, thi thoảng cho tiền mua gạo, không thì chúng tôi trồng ngô, đỗ, làm được gì, ăn nấy”, ông Ná nhâm nhi.

Ngoài kia là núi đá tai mèo, là sương giăng, là những con đường uốn lượn trong mây. Ở trong mái nhà tranh, giữa cao nguyên đá này, chúng tôi đã nhìn thấy những hạnh phúc giản dị như chính cuộc sống của cặp vợ chồng nghèo.

Theo Thúy Hằng - Lê Nam (Thanh Niên)
(TBKTSG) - Đầu tháng 5, Đà Lạt đã vào đầu mùa mưa, buổi sáng trời mù sương khói. Nhưng dân nhiếp ảnh bảo nhau, muốn săn “sương ray” (tia nắng xuyên qua sương dày) và mây luồn, thì phải vào những vùng còn rừng thông...

4 giờ sáng, theo đúng hẹn với Võ Trang - một tay máy ở Đà Lạt, tôi vác chiếc xe máy Sirius cũ thuê được ở nhà nghỉ với giá ngày lễ là 150.000 đồng/ngày, như tên bắn, xuyên màn sương mù đục và giá lạnh chạy về hướng Trại Mát.

Cuộc gặp bên ga xép


Con đường từ Đà Lạt về Trại Mát dài 8km, vẫn còn nhiều đoạn chưa có đèn đường, trời tối mịt và gió núi thổi vi vút. Nhìn qua lớp thông mỏng, thành phố ngoan lành trong chăn mây, những thung lũng nhà kính trồng rau hoa ở vùng ven ánh lên trong màn sương mù đục những đốm đèn vàng ấm như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mà chất liệu chính là những chiếc lồng đèn khổng lồ.


Trại Mát hiện ra trong màn sương mù với vẻ xộc xệch của một thị tứ ven đô với con đường sắt nhỏ và ga xép cổ xưa nhuốm màu hoài niệm (chuyến tàu Đà Lạt - Trại Mát nay vẫn còn hoạt động dịch vụ du lịch).


Vài hàng quán nhỏ lên đèn sớm. Tôi chọn quán cóc Vĩnh Hưng, nằm sát bên đường ray xe lửa, ngồi đếm cà phê rơi, đợi Trang. Quán sớm, nhưng khách đông. Toàn những khách ăn vận lùi xùi, mặt mày khắc khổ sương gió, chuyện trò với nhau bằng giọng tứ xứ: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Nam... Một góc quán, mấy bác xe thồ ngồi túm tụm đánh bài chờ những cuốc xe đầu ngày.


Hỏi ra mới biết từ hơn chục năm nay, đây là quán “chợ lao động” của người dân địa phương. “Chợ lao động” hình thành tự nhiên đáp ứng nhu cầu thuê mướn nhân công làm vườn thường xuyên trong vùng.

Đang ngồi tán gẫu với mấy nhân công ngồi bàn kế, thì có một nhóm thanh niên lạ tấp xe vào, ai nấy khăn choàng cổ, ba lô, chân máy khềnh khàng, bắt chuyện, mới biết cũng như tôi, nhóm này là những bạn trẻ từ Sài Gòn mê nhiếp ảnh, đang ra ngoại ô tìm rừng thông để “săn sương”.


Tứ chiếng gặp nhau trong quán gỗ nhỏ giữa một thị tứ buồn bã buổi sáng, trong cái lạnh da diết, chúng tôi ngồi san sát và rù rì tám chuyện trên đường. Những câu chuyện không đầu không đuôi. Loa quán mở liu riu một bản Tình khúc không tên của Vũ Thành An. Giọng Vũ Khanh ấm và buồn như không thể buồn hơn: “Một mình đi mãi/Trên đường dài không thấy/Ai người quen tôi đấy/Bao giờ đời sẽ vơi...”


Những cung đường mù sương

Rồi Trang cũng đến với chiếc xe Wave cà tàng mà anh nhắn trước là “nát bét, không thể đèo thêm ai khác” chỉ vì khoảng ba năm nay, sáng nào chàng phóng viên mê nhiếp ảnh ở tờ báo địa phương này cũng rón rén đẩy cửa chuồn khỏi nhà, để khăn gói vào rừng.


Hết mùa mây luồn đến mùa hoa đào, hết mùa nắng lạnh đến mùa sương bạc... mùa nào thức đó, Đà Lạt cứ khiến cho những tay nhiếp ảnh điên cuồng, không yên.


“Muốn có ray (tia nắng xuyên màn sương) phải tìm chỗ nào còn rừng thông. Có khi phải vào Suối Vàng, Suối Bạc, hồ Tuyền Lâm hay chí ít là ra phía Trại Mát, Cầu Đất... Nói chung mùa nào có cái thú vị của mùa đó. Với mình, nếu không theo phong cảnh hay cái đẹp, cứ nhìn vào những can thiệp tệ hại của con người vào thiên nhiên mà bức xúc, thì sẽ phát điên lên.

Nói theo cách nào đó thì việc chụp và chia sẻ vẻ đẹp của Đà Lạt ngoài việc để giúp mình sống nhẹ nhàng, còn là một cách để chia sẻ, lan tỏa tình yêu cái đẹp, yêu Đà Lạt đến với mọi người. Khổ nỗi, gần đây, khi phong trào chơi ảnh phong cảnh đang lên, có nhiều người xin đi theo dân săn tụi tôi để... thiết kế tour cho những nhóm nhiếp ảnh từ nơi khác đến. Tính toán quá, đâm ra mất vui”, Võ Trang nói.


Đi cùng với Trang hôm nay là ông Đặng Văn An, tuổi ngoài 60. Nghe kể, trước đây ông là Giám đốc Sở Nội Vụ Lâm Đồng. Từ ngày về hưu, ông bỏ mọi thứ để theo đuổi nhiếp ảnh. Cũng như Trang, ông An thường dậy sớm vác máy ra đường, lang thang kiếm tìm những khoảnh khắc mà hơn nửa đời làm một công chức hay lãnh đạo tỉnh, ông chưa kịp sống và trải nghiệm.


Một ông quan chức cấp sở về hưu, một phóng viên chưa vào biên chế báo tỉnh, một doanh nhân... trong đời thường họ có thể không gặp nhau, vậy mà niềm mê say nhiếp ảnh, sự đeo đuổi cái đẹp phong cảnh Đà Lạt đã khiến họ ngồi lại, đồng hành với nhau trong những cuộc hành trình mà đôi khi đích đến chỉ là một con vực mù sương, một thung lũng nhiều mây luồn, một khoảnh khắc ngắm sương tan trên đồi thông.


Trong “xóm nhiếp ảnh phong cảnh Đà Lạt, nếu chịu khó theo dõi qua Facebook, ngoài Võ Trang và Đặng Văn An, còn có những cái tên như Quý Sài Gòn, Trương Ngọc Thụy, Phạm Anh Dũng, Nguyễn Khánh Hoàng... họ sống chan hòa và chia sẻ với nhau như huynh đệ là vậy.


Men theo con đường đất đi vào một khu dân cư nhà vườn, Trang dừng xe và chỉ tay về phía một đám rẫy.

Chúng tôi bước đi rón rén qua một mảnh vườn khoai tây mới xuống giống. Như những tên trộm, chúng tôi khẽ khàng không để chó sủa đánh thức giấc ngủ của chủ vườn. Từ góc vườn, có thể phóng tầm mắt ra khung cảnh rừng thông trước mặt đang hiện lên trong hừng đông. Mây trắng như những dòng sông bạc huyền ảo vắt qua những con đồi.


Trang và ông An đặt chân máy và bắt đầu những tiếng đánh sập lách tách liên hồi của màn trập máy ảnh, tiếng xuýt xoa vuột thoát lồng ngực khi chớp bắt hụt khoảnh khắc một váng mây thoảng trôi...


Thỉnh thoảng, có tiếng rì rầm chuyện trò, chia sẻ kinh nghiệm nên để tốc độ thế nào, khẩu độ ra sao, chuyện mọi người bàn tán về một bức ảnh nào đó trên Facebook của chuyến săn ảnh hôm qua...

Hình như cái thế giới của những người đeo đuổi vẻ đẹp thiên nhiên đã xa lắm so với cái chộn rộn chật chội toan tính của người Đà Lạt trong những ngày nghỉ lễ đông khách.


Sương ngày càng xa


Vầng mặt trời đỏ từ từ trôi lên trên sườn núi, ánh nắng xuyên qua những tán thông làm sương dưới lũng sâu tỏa lên không gian mù mịt. Tiếng màn trập từ hai chiếc máy ảnh bên cạnh tôi cứ đánh liên hồi, chớp bắt khoảnh khắc đẹp của “ray”. Rồi vội vàng, Trang làm hiệu chuyển địa điểm: “Rút về Cầu Đất!”.

Trên con đường chạy về Cầu Đất (Xuân Trường), còn nhiều đoạn rừng thông đẹp cho chuyến “săn”. Trên đường đi, chúng tôi gặp những nhóm săn sương từ Sài Gòn lên, và cả những nhóm nhiếp ảnh gia địa phương.

Có mấy cô nhân viên văn phòng ở Sài Gòn mê nhiếp ảnh bị “bắt cóc” làm người mẫu bất đắc dĩ cho mấy ông nhiếp ảnh gia nghiệp dư. “Nhưng đây là một cái duyên. Nhờ vậy mà em có nhiều bức ảnh đẹp, nhiều kỷ niệm không phải du khách nào cũng có được”, Thảo, một trong bốn cô gái “người mẫu” nói trước khi nhận ảnh qua Facebook từ những tay máy quen dọc đường.

“Có con đường mòn này mà bọn mình săn ba năm nay, chưa có bức nào vừa ý”, Võ Trang chia sẻ. Và chúng tôi bước về phía ngọn đồi gần khu nông trại Organik. Sương tan dần. Lúc này đã có thể đóng máy, nằm trên đồi cỏ của rừng thông, bên những bụi hoa sim nở tím, chờ sương tan trước khi trở về thành phố mỗi người mỗi việc.


Vài tiếng nữa thôi, những bức ảnh mới về phong cảnh đẹp của thiên nhiên Đà Lạt bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội, trên các trang báo và diễn đàn của người yêu Đà Lạt như một cách truyền trao tình yêu dành cho một thành phố, dành cho cái đẹp.


Trở về thành phố sau chuyến “săn sương”, tôi cứ day dứt mãi với câu nói buồn buồn của một người chơi ảnh địa phương tình cờ gặp trên đường: “Để có những bức ảnh sương mù, mây giăng và rừng thông thật đẹp, anh biết không, chúng tôi càng ngày càng phải thức dậy sớm hơn, đi xa hơn ra ngoại ô hay vào rừng sâu, vì bước chân đô thị như đang đuổi theo sau, rất nhanh”.

Theo Nguyễn Vinh (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
(BCT) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán, hoa bắt đầu nở rộ, dân làng nghề trồng hoa kiểng Tết ở miền Tây và thành phố hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) chuẩn bị thu hoạch, vận chuyển hoa cung cấp cho các vùng miền. Đến những làng hoa vào thời điểm đó, du khách sẽ được trải nghiệm không khí đón Tết sớm và chìm đắm trong những cánh đồng hoa rộng bạt ngàn.

Sa Đéc (Đồng Tháp), Cái Mơn, Chợ Lách (Bến Tre) là những điểm Tết sớm mà du khách thường chọn lựa, vừa để thưởng lãm sắc hoa tươi tắn vừa xả stress sau một năm làm việc. Từ Rằm tháng Mười âm lịch hoặc trước đó, nông dân đã ươm hoa phục vụ Tết. Nơi nơi rộn ràng không khí khẩn trương chuẩn bị cho vụ chính trong năm. Trong khi đó, mai anh đào Đà Lạt cũng bật tung những cánh hoa duyên dáng dưới tán thông, quanh bờ hồ hay e ấp bên cánh cửa những ngôi biệt thự cổ.

Nhộn nhịp những làng hoa miền Tây

Thời điểm lý tưởng nhất để đến thưởng lãm những làng hoa truyền thống miền Tây là khoảng Rằm tháng Chạp âm lịch cho tới đưa Ông Táo (23 tháng Chạp). Khi đó, hoa vừa chớm nở, rất duyên dáng. Những nụ cúc xanh xao khoe sắc vàng rực rỡ đầu tiên. Đẹp nhất là cúc mâm xôi. Nụ vàng vừa hé như những đốm lửa bếp đang nhen.

Một vài năm trở lại đây, hoa sao nhái cánh to đầy sắc màu rực rỡ cũng được cho vào chậu bán trưng Tết. Còn kiểng lá thì muôn hình vạn trạng, nhiều sắc màu lạ lẫm với những hình dáng khác nhau chứ không chỉ là màu xanh lá thuần túy. Lời khuyên của nông dân trồng hoa là nên đi trước ngày 23 tháng Chạp vì trưa hôm đó, các nhà vườn đã đưa hoa kiểng xuống ghe, tàu chuyển về các chợ hoa xuân khắp miền Tây và TP Hồ Chí Minh. Riêng cúc mâm xôi đã được chuyển đi từ trước đó, ra tận các thành phố lớn ở miền Trung, ra miền Bắc, sang một số quốc gia, vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan...

Ở Sa Đéc, điểm đến đẹp nhất là làng hoa Tân Quy Đông- làng hoa truyền thống cả trăm năm nay, nằm sát trung tâm thành phố. Theo hướng từ Sa Đéc về phà Cao Lãnh, hoa khoe sắc hai bên đường suốt hàng cây số. Từ cầu Sa Đéc rẽ vào sâu trong đồng, chỉ xe gắn máy và ba gác máy chạy được, cũng là vùng hoa chính của làng Tân Quy Đông. Vào đây, có nhiều ngõ ngách đan xen nhau, đâu đâu cũng tràn ngập sắc màu hoa bởi hầu như nhà nào cũng trồng hoa. Nhiều thì vài héc-ta, ít cũng cả công đất.

Tuyến Chợ Lách, Cái Mơn (Bến Tre), du khách chỉ cần đi dọc theo quốc lộ 57, hướng từ phà Đình Khao lên thành phố Bến Tre là có thể thưởng lãm được những không gian đầy hoa hai bên đường. Ở đây, không chỉ có hoa mà còn có nhiều kiểng mang đủ hình dáng từ kiến trúc tháp, thủy tạ cho tới rồng, phượng và các con giáp tương ứng các năm,...

Tham quan những cánh đồng hoa, du khách nên chọn phương tiện xe gắn máy để dễ di chuyển và có thể dừng bất cứ đâu mình muốn. Cái hay của nông dân trồng hoa ở miền Tây là vui vẻ đón nhận khách tham quan, chụp ảnh mà không hề thu bất kỳ một khoản phí nào.

Mai anh đào nhuốm hồng Đà Lạt

Những thân cây khô đét, lùm xùm những cành xương dọc ven hồ Xuân Hương, con đường biệt thự và khắp các ngóc ngách của thành phố Đà Lạt như bừng dậy khi mùa xuân tới. Những cánh hoa sắc hồng nở thành mảng lớn như nhuốm hồng cả thành phố Đà Lạt. Thành phố này quanh năm tràn ngập sắc hoa. Nhưng tới mùa xuân, chỉ có màu hồng ngự trị. Đâu đâu cũng thấy mai anh đào khoe sắc thắm.

Mai anh đào là giống cây đặc trưng của thành phố hoa. Hình dáng cây giống như mận, đào, nhưng hoa nở như cánh mai vàng của miền Nam; sắc hoa lại mang màu hồng của đào miền Bắc. Đẹp nhất là khu vực bờ hồ, công viên Xuân Hương, đường Hồ Tùng Mậu, dốc Nguyễn Chí Thanh, cuối dốc Nguyên Văn Trỗi, đường Hồ Xuân Hương, Trần Hưng Đạo, hồ Tuyền Lâm...

Có những con đường trồng toàn mai anh đào. Khoảng Rằm tháng Chạp âm lịch, hoa đã bung nở khắp thành phố. Trước đó, hoa nở ở vùng ven Đạ Nhim, Đơn Dương, Lạc Dương... Riêng khu vực Hồ Xuân Hương, Trần Hưng Đạo, mai anh đào được "điều chỉnh" cho ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, vừa điểm tô thành phố vừa phục vụ du lịch.

Nửa tháng trước Tết Nguyên đán, du lịch Đà Lạt rơi vào mùa thấp điểm. Sẽ rất lý tưởng để trải nghiệm thành phố hoa đúng nghĩa- một chút trầm lắng, lạnh lẽo, sương giăng sáng và tối, đặc biệt là thưa người. Trong năm, người dân Đà Lạt cũng thích khoảng thời gian này nhất để "thở" đúng không khí, nhìn ngắm đúng không gian của Đà Lạt. Không chỉ có mai anh đào mà Đà Lạt thời điểm này còn có hoa ban trắng, hoa đào và hoa mận của miền Bắc nữa. Tất nhiên, thưa người thì du khách không lo "cháy phòng", "cháy xe" hay giá cả đội lên như những lúc cao điểm.

Theo Miên Hạ (Báo Cần Thơ)
Tôi đã lên đường phiêu bạt Hà Giang – vùng đất cực Bắc của Tổ quốc để được cảm nhận hết cái Xuân đang đến gần...

Người phương Nam, thậm chí người Hà Nội không thể biết thế nào là xuân đúng nghĩa... xuân (!), nếu đúng tiết gọi là xuân không ngược vùng Tây Bắc – nơi ngàn trùng xa ấy. Nói vậy không phải để ngán ngại mà để nhằm “kích” cái mơ, cái cảm, cái tò mò của kẻ ưa phiêu bạt mà hãnh diện nếu lên đường.

Hà Giang theo dân du lịch bụi và dân phượt chuyên nghiệp là vùng cao nguyên hoang sơ hùng vĩ khó nhằn nếu đi bằng xe máy. Chiều cuối năm thời tiết dập dìu lạnh, phơn phớt lẽo, chúng tôi nhóm bạn trẻ “lướt lả” lên đường. Bắt đầu từ Hà Nội điểm dừng chân đầu tiên sẽ là Tuyên Quang.

Đường tàn đông còn vùi nướng giấc ngủ xám xịt nhưng cánh áo đông rượi rã không ngăn được những hàng cây từ lâu náo nức chờ Xuân đâm chồi, nẩy lộc. Ngang qua những bờ đê dọc sông Hồng mấy cô mấy bà nhà vườn đã bày bán hoa đào, hoa mai trong hợp âm nao nức của vài ba cánh én Xuân.

Bỏ qua cái lịch trình từ Hà Nội đến Tuyên Quang, rồi từ Tuyên Quang đến được thị trấn biên cương Hàm Yên trong hiu hiu gió biên cương, chúng tôi đến được Hà Giang khi đã lung lửng đêm.Thị xã Hà Giang đón chúng tôi bằng hai bát phở bò gia truyền ngon tuyệt. Đây có lẽ là bát phở bò đầu tiên và cũng là cuối cùng trong chuyến đi mà chúng tôi được ăn. Vì những ngày sau là ngày tết hàng quán nơi đây ngày thường còn khan hiếm nên ngày tết dường như tê liệt.

Sáng hôm sau theo lịch trình từ thị xã Hà Giang theo quốc lộ 4C khoảng 43km tới huyện Quản Bạ. Vậy là Hà Giang với thị trấn Vị Xuyên, nơi có chè San Tuyết nổi tiếng tôi vẫn chưa kịp thưởng thức (mặc dù chẳng mê mẩn gì với chè nhưng với một đứa con gái ưa mơ mộng lại có cảm tình đặc biệt với cái tên chè là “San Tuyết”). Có thể “San Tuyết” gợi cho tôi một câu chuyện đầy thú vị chăng?...

Đèo Quản Bạ với chiều dài 45 km mở đầu cho cuộc hành trình chinh phục núi là núi, cho một cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy khám phá. Đường đi Quản Bạ dọc sông Lô, nước sông vào chớm Xuân xanh ngắt, cái màu xanh mát gợi cho con người ta nhiều xúc cảm lâng nối tiếp lâng. Ngày xưa cụ Nguyễn Tuân đã ví nước sông Đà như nước sông Lô cái màu canh hến đùng đục, không biết cụ đã đi vào mùa nào để quan sát, tôi không nhớ nữa..

Ngun ngút tầm mắt là núi và đèo. Đây có lẽ là một cung đèo bảng lảng nhất, mờ ảo nhất, mông lung nhất mà tôi thấy. Mấy cô bé người Dao váy áo muôn màu đi trong sương khói trông như một bức tranh là đà ảo ảnh. Lạnh. Lạnh hơn tôi tưởng khi chênh vênh trên vùng cao này. Lần đầu tiên có cảm giác cái vị lạnh buốt thấu da là như thế nào. Lao xe hun hút gió núi, gió trời xin xít phả vào nhau mà cảm giác đang trôi về cõi nào xa lắm. Sương mù từng thúng đổ xuống, thoắt chả thấy ai, bóng người trước bỗng nhạt nhòa và hút trong màn sương mỏng mảnh ấy. Bản làng, thung, hay những con đường bị hòa trong sương. Đi giữa sương, giữa mây cảm giác như đang lạc vào một cõi nào xa lắm. Đôi lúc trong tôi bật ra câu hỏi “phía xa xa kia là gì?” rồi lại tự trả lời một cách ngớ ngẩn “là sương, là mây, là núi, là hoa là hư vô…”. 

Phải nói một điều rằng bắt đầu từ Hà Giang đi Quản Bạ, từ Quản Bạ qua thị trấn Yên Minh rồi qua Đồng Văn rồi Mèo Vạc tất cả là những cung đèo xoáy qua những trái núi, đó là những ngực núi lừng lững cứ đứng hiên ngang thách thức với đất trời, ở đó những người tộc như những hạt sương nhỏ nhoi đọng trên núi, bạn hãy hình dung như vậy sẽ thấy thiên nhiên thật hùng vĩ. Tôi không phải là nhà văn để có thể lôi hết những ngữ từ tả cho bạn hiểu. Đường đi đẹp nhưng cũng đầy hiểm trở, toàn khúc cua cùi trỏ, một bên là vực sâu thẳm, một bên là núi, một chút sơ sẩy thôi có thể văng xuống vực…

Chỉ có thắc mắc một điều, trên những cung đèo dài dằng dặc và mịt mù ấy, cảm giác như đi hoài đi mãi vẫn chỉ là mây, là núi, là sự mịt mù thăm thẳm, bốn phía là núi rừng, bốn phía là tiếng vọng của thiên nhiên hoang dã, lạnh lẽo, tiếng gió dội lại rờn rợn qua vách núi, lác đác những người tộc, nam có, nữ có, già có, trẻ có họ tụ thành từng nhóm, cứ đi, cứ đi, đôi lúc tôi tự hỏi họ đi về đâu, đích của họ là đâu trong một cung đèo dài như vậy…

Cuối cùng thì đã tìm được câu trả lời, đó là những thị trấn như Yên Minh, như Đồng Văn, những thị trấn nhỏ nằm trên một gồ đất tạm gọi là bằng phẳng hơn núi, nơi có mấy thứ nhạc sập sình phát ra. Nơi với họ có thể là thứ ánh sáng duy nhất, ánh sáng của văn minh, ánh sáng của cái gì đó lung linh nhất, xa xỉ nhất.

Tự dưng nhớ đến “Hai chị em” trong tác phẩm của Thạch Lam cũng đợi thứ ánh sáng ấy, thứ ánh sáng duy nhất của chuyến tàu đêm trong chuỗi ngày hẩm hiu và buồn tẻ của hai chị em. Tôi thích văn Thạch Lam bởi lối kể chuyện nhẹ nhàng, những câu chuyện không có cốt truyện cũng nhẹ nhàng như chính giọng văn của ông…

Mùa xuân đến điểm mặt trên các sắc lá cái màu non tơ của chồi non, biêng biếc của lộc, màu đỏ rực của hoa chuối rừng, màu trắng của hoa lê, hoa mận, màu hồng phớt của hoa đào và cả cái màu vàng mùa trước của những chiếc lá còn sót lại, hòa cùng những sắc màu của váy áo thổ cẩm của những chàng trai cô gái người tộc xuống đường du xuân…

Chạy xuyên qua cao nguyên đá Đồng Văn, đỉnh Mã Pì Lèng tới Mèo Vạc. Mở ngoặc chút về Mã Pì Lèng được mệnh danh là vua của những con đèo ở miền Bắc. Không phải bởi khó đi, mà bởi cảnh quan hùng vỹ và câu chuyện thanh niên cảm tử phá đá mở đường trên con đèo hiểm trở này. Đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng, dang rộng cánh tay đón gió, cảm giác như đang bay lơ lửng trên bầu trời.

Đường Hạnh Phúc bắt đầu từ Hà Giang, chạy xuyên qua cao nguyên đá Đồng Văn, đỉnh Mã Pì Lèng tới Mèo Vạc ấy dài gần 200 km, con đường này là máu xương, là huyền thoại về sức trẻ của thanh niên từ 16 dân tộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Định và Hải Dương. 8 năm, hơn 2 triệu ngày công, 1.000 thanh niên xung phong, 1.200 dân công, 9 triệu tấn thuốc nổ và biết bao công sức đã đổ xuống để mở ra con đường này. Đi trên con đường không chỉ để thưởng ngoạn cảnh đẹp, mà còn để tri ân những người đã nằm xuống cho từng lối ta đi.

Còn cao Nguyên Đồng Văn đó là một cao nguyên đá, với núi là núi, xiên núi, rẽ núi, quằn núi, cứa núi, những con đường ngoằn ngoèo qua những núm núi, ngực núi, lao xe trên đường xe mà cảm giác đứng tim, một chút sơ sẩy thôi, một cái chớp mắt thôi có thể văng xuống vực… Càng đi tôi càng thấm thía cái lạnh của miền núi cao là như thế nào… buốt lên tận não…

Đến được thị trấn Đồng Văn khi trời đã nhấm nhem tối, một cái thị trấn nhỏ với vài ba ngọn đèn leo lét đỏ không làm cho du khách thấy ấm hơn giữa cái lạnh buốt da thịt này. Khách sạn Hoàng Ngọc duy nhất ở cái thị trấn ấy mở cửa. Cô cháu của chủ khách sạn - làm lễ tân với với nước da trắng hồng của vùng núi cao quanh năm lạnh này, nghe đâu có học gì đó ở Hà Nội nên cách ăn mặc cũng đậm chất phố phường nhưng không được tinh tế từ màu sắc đến kiểu dáng với kiểu tóc nhuộm hoe hoe vàng, đón tiếp khách bụi đường bằng nụ cười niềm nở cùng chất giọng trong trong lảnh lót trong cái đêm xám ngắt lạnh này.

Cái hẹn 20 giờ sẽ đi “cà phê phố cổ” nổi tiếng ở Đồng Văn ngay chợ Đồng Văn với những ngôi nhà đất cũ kỹ 2 tầng do những già làng người tộc sống lâu năm ở đây, những già làng này biết rất nhiều chuyện hay, tính chuyến đi này sẽ đến diện kiến và… hóng hớt, nhưng tôi không thực hiện được vì thời tiết buổi tối xuống khá lạnh. Những ngày lạnh nhất ở đây nhiệt độ trong nhà xuống còn 5-7 độ, có khi bạn đưa tay xuống thau nước sẽ thấy lớp đá đóng băng phía dưới.

Sáng hôm sau chúng tôi đến Lũng Cú trong màn mưa xuân lất phất, tiếng chuông đeo cổ của mấy con bò ăn cỏ trên những triền đồi leng keng trong gió. Trên đường từng tốp người tộc du xuân, tiếng nói cười của họ vẳng trong gió, va vào vách núi tạo thành những tiếng khèn âm vang. Thỉnh thoảng trên đường tôi bắt gặp cái kéo tay của chàng trai và cái nhìn bẽn lẽn của cô gái chớm tuổi dậy thì…

Sau, hỏi ra thì mới biết, mồng 3 âm lịch ở Mèo Vạc có tục “bắt vợ” đây là một tục lệ có từ lâu đời của người H’Mông, các cô gái từ 13 tuổi trở lên, ngày hôm đó đều ăn mặc rất đẹp, đi dạo thành từng tốp trên đường, để cho các chàng trai họ “ưng” cái nhìn “bắt” đi. 3 ngày ở nhà chàng trai nếu không có phản ứng gì, có nghĩa là đồng ý làm vợ, chàng trai sẽ đem con gà đến lễ nhà gái, thế là xong! Đây là một tập tục mà theo tôi thấy rất chi là điên rồ… Hôn nhân, ở với nhau một đời chỉ là một trò chơi con trẻ, chẳng biết tình yêu của họ đặt ở đâu cho trò chơi ấy? Hay người tộc họ có suy nghĩ đơn giản hơn người kinh chăng?...

Chợ Lũng Cú nằm neo neo bên những cánh đồng hoa cải vàng rực dưới chân núi, chơi vơi trên mép đồi là mấy cây mơ, cây mận đua nhau khoe sắc. Tự dưng tôi lại nhớ đến những triền đồi ngập hoa mơ hoa mận trên đường đi cao nguyên Mộc Châu, đó là miền cao nguyên đầy ắp kỷ niệm được xếp ngay ngắn trong lớp ký ức nhỏ nhoi của tôi.


Chợ Lũng Cú trưa, hắt bóng với những vũ điệu Xuân của lũ trẻ con người tộc làm tôi thấy thích thú, những đứa trẻ chơi bóng và xoay tùng váy như một vũ điệu đẹp một cách lạ lùng… Có lẽ hành trình chuyến đi tôi bắt gặp ở đây không khí Xuân nhất, ấm áp nhất trong cái lạnh heo hút này...


Trong cái không khí xuân nơi đây, bạn đừng quên đến thăm cột cờ Lũng Cú nổi tiếng phân ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đứng bên cột cờ Lũng Cú, nhìn lá cờ Tổ quốc phấp phới bay trong gió, tận mắt thấy điểm đầu tiên đặt nét bút vẽ nên bản đồ hình chữ S là lúc lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước dâng tràn.