Tab Từ Khóa "Tự tình"
Showing posts with label Tự tình. Show all posts
Người xứ Huế thường ngợi ca thành phố mình có sông Hương, soi bóng thành quách, lâu đài. Người Quảng Trị chẳng bao giờ quên quê mình có dòng Thạch Hãn lững lờ trôi bên Thành Cổ huyền thoại. Còn người Quảng Ngãi thì tự hào về thành phố trẻ bên sông-nơi từ lâu gọi là đất Cẩm Thành.

Bốn mùa trong năm tôi đều lên núi Thiên Ấn để được thưởng ngoạn thành phố Quảng Ngãi thân yêu nằm bên kia dòng sông Trà. Thành phố Quảng Ngãi đẹp hơn cả có lẽ trong tiết đông tàn khi trời bãng lãng mù sương. Lúc đó, dòng sông Trà Khúc trong xanh, đầy nước, như dải lụa mềm vắt qua những làng mạc rồi nhẹ nhàng trôi qua thành phố. Cầu Trường Xuân, cầu Trà Khúc cũ, Trà Khúc mới như vạch nối giữa đôi bờ con sông.

< Cầu Trường Xuân xưa.

Thành phố Quảng Ngãi xưa có tên gọi là đất Cẩm Thành. Tuần phủ Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) từng vịnh: "Châu Sa để dưới chân chờ mãi/ Trấn chỉ sau lưng phía Cẩm Thành”. Còn thi sĩ Bích Khê thì viết: "Trà Giang, Thiên Ấn chuông gầm sóng/Vang tiếng ngàn năm đất Cẩm Thành".

Lê Trung Việt  trong Non nước xứ Quảng cho rằng trước năm 1975, xã Cẩm Thành  gồm 4 ấp Nam Lộ, Bắc Lộ, Thu Lộ, Bắc Môn. Viện dẫn những điều này để thấy tên gọi Cẩm Thành tức Thành gấm có từ xa xưa và ăn sâu trong ký ức nhiều người.

Theo địa chí Quảng Ngãi, đơn vị hành chính của thành phố Quảng Ngãi lúc bấy giờ gồm các thôn xã xưa như: Xã Ba La, xã Chính Mông, châu Vạn Tượng, xã Đại Nham, châu Phù Khế thuộc Tổng Nghĩa Hạ, huyện Chương Nghĩa.


< Bờ xe nước ven sông Trà xưa.


Còn theo Quảng Ngãi tỉnh chí do tuần phủ Nguyễn Bá Trác chủ biên thì đến năm 1933, thành phố Quảng Ngãi đếm được 331 ngôi nhà với số dân chỉ 1.278 người. Nếu tính trong khu vực nội thành Quảng Ngãi (được xây dựng dưới thời Gia Long thứ 14 tức năm 1815) thì năm 1933 có thêm 87 nóc nhà và 584 người dân.

Chừng ấy thôi đã cho thấy thành phố Quảng Ngãi xưa thật bé nhỏ và dân cư thưa thớt. Nếu so với bây giờ thì số nhà, số dân năm 1933 chỉ bằng một con hẻm trong lòng thành phố hôm nay.

< Đường phố tại Quảng Ngãi xưa.

Thành phố Quảng Ngãi trước năm 1975, mặc dù được mở rộng hơn, nhưng cũng chỉ lèo tèo những con đường như: Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Lê Trung Đình... Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thành phố Quảng Ngãi (hay nói đúng hơn là thị xã Quảng Ngãi) lại ngủ yên hơn một thập kỷ bởi Quảng Ngãi sáp nhập với Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình, tỉnh lỵ đóng ở thành phố biển Quy Nhơn. Thời đó, cuộc sống khó khăn, người dân thị xã Quảng Ngãi đã nông thôn hoá thị thành. Nhà nhà che chắn lại thành vuông, thành khoảnh để nuôi heo, trồng mướp, trồng bí, trồng bầu. Dòng sông Trà trong mùa mưa lũ, không có đê bao che chắn nên chỉ sau vài ngày mưa lớn ở thượng nguồn thì "phố  biến thành sông".

< Đá Thần nông (đá Dựng) thuộc quần thể núi Giàng, thôn 1, xã Nghĩa Dõng, TP. Quảng Ngãi.

Tôi nhớ như in, năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình chia đôi. Thị xã nhỏ bé đón hàng nghìn cán bộ, công nhân viên chức trở về. Trụ sở UBND thị xã trở thành trụ sở của UBND tỉnh, mỗi sở ngành được phân ở tạm một phòng để làm việc. Ngày đó, nghèo khó vô cùng. Người người uống bia hơi, rượu độ, nhưng quanh bàn nhậu toàn chuyện "canh tân" thị xã thân yêu.

Ở khu vực phía Bắc ngã ba Thu Lộ (bây giờ là ngã năm) tỉnh đã xây dựng 96 căn hộ cho cán bộ, công chức tá túc và khu này lập tức mang tên Khu 96 hộ. Bây giờ, khu vực này đã nâng lên hàng trăm hộ.


Nối theo nó là cả khu vực nhà cửa bên sông theo dọc đường Hai Bà Trưng. Nhưng cái tên khu 96 hộ vẫn cứ còn. Âu cũng là ký ức của một thời mà theo thời gian vẫn cứ tồn tại dù nhiều năm sau nữa.

Bạn bè tôi thường sống bằng hoài niệm. Có lúc cùng nhau đi chụp hình lăng ông Bùi Tá Hán, tháp nước bên vườn hoa Bưu điện xem một ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp trên đường Hùng Vương hay thắp hương miếu thờ bà Thánh Mẫu trên đường Võ Thị Sáu. Tất cả đều cảm nhận thành phố đang trở mình lớn lên nhưng ẩn sâu trong lòng nó là cả một quá khứ thăng trầm.

Chẳng ai quên khu vực Nhà máy Đường Quảng Ngãi trước đây thuộc xã Quảng Phú, bây giờ là phường. Từ một Nhà máy đường, bây giờ trở thành KCN Quảng Phú với hàng chục nhà máy: Sữa, bánh kẹo, bia, chế biến hải sản, lâm sản xuất khẩu…


Còn về hướng nam, 23 năm trước hoàn toàn không có ngã năm mới nhưng bây giờ lại nằm giữa trục đường Lê Lợi 2 chiều và xa hơn là khu vực sân vận động. Con đường Bàu Giang-Cầu Mới đang hình thành, nhiều vùng đất trước kia là đồng ruộng, bãi mía, giờ là đường phố, khu dân cư.


Nhưng mở rộng quy mô hơn vẫn nằm ở phía đông thành phố. Phường Nghĩa Chánh hồi mới chia tỉnh là xã Nghĩa Chánh với đồng ruộng, bây giờ là bến xe, là khu công sở, là quảng trường, trung tâm văn hoá. Những dãy phố theo đó cũng mọc lên.

Tôi vẫn thường lang thang trên trục đường Phạm Văn Đồng mỗi khi mùa xuân sắp gõ cửa. Khi đó, con đường này khoác lên mình nó đủ sắc màu và hiển nhiên thành con đường hoa. Bên những lão mai già, là những chậu cúc vàng dung dị, hoa đồng tiền đầy vẻ chân quê và rực rỡ hơn là những chậu hoa lyly hay các dòng địa lan, phong lan nhập ngoại.


< Hoàng hôn nhìn từ núi Thiên Ấn.


Rồi năm cũ sắp tàn và năm mới sắp sang, hàng vạn người đổ về chào đón giờ phút giao thừa thiêng liêng ấy. Có năm trời giá rét mưa phùn, nhưng lòng người thành phố vẫn tràn niềm hân hoan, xua cái rét qua những lớp áo dày và phấn khích khi nhìn thấy những tràng pháo hoa bay lên.

Đường Quang Trung xưa thuộc trục đường thiên lý Bắc - Nam giờ nằm trong lòng thành phố. Từ khi cầu Trà Khúc mới được xây dựng, đường tránh đông lại nhận vai trò tuyến đường tránh. Và nay thành phố đang tiến về phía đông. Với tốc độ phát triển như hiện nay có lẽ mai đây, đường tránh đông rồi cũng sẽ nằm trong lòng thành phố như đường Quang Trung của vài mươi năm trước. Thế mới thấy cái áo của thành phố quá chật so với tốc độ phát triển và càng đòi hỏi các nhà quy hoạch phải cố gắng nâng tầm.

< Một góc thành phố về đêm.

Thành phố Quảng Ngãi là một thành phố trẻ trong chuỗi các đô thị miền Trung trên con đường công nghiệp hoá. Từ năm 2015, TP.Quảng Ngãi sẽ mở rộng về phía đông bắc, bao gồm thị trấn Sơn Tịnh và 9 xã gồm: Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh An, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh) và 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Hà và Nghĩa Phú (huyện Tư Nghĩa). Như vậy, thành phố Quảng Ngãi sẽ có phố có đồng, có sông và có biển. Sông Trà Khúc sẽ nằm giữa lòng thành phố, như dòng Hương Giang chứ không còn là thành phố bên sông nữa.

Theo Cẩm Thư - Tỉnh đoàn Quảng Ngãi
(DNSG) - Mấy năm đầu thập niên 1980, mỗi lần ra miền Trung, qua đèo Rù Rì hơn chục kilomet là tôi cứ dõi mắt về phía biển tìm "Đảo Khỉ” bởi nghe đồn ở đấy có bí mật quân sự. Lời đồn còn hấp dẫn tôi hơn nữa là có những con khỉ được nuôi để thử vũ khí sinh học, biết trước "hiểm họa", đã vượt biển vào đất liền!

Khỉ bơi giỏi thì tôi đã biết từ những ngày còn ở Trường Sơn, mỗi khi có lũ lớn, chúng thường vượt suối để tìm đàn hay kiếm thức ăn. Tôi đã thấy những con khỉ mẹ cõng con lựa chiều nước xiết bơi suốt một quãng dài mới qua được bờ bên kia, nhưng khỉ vượt biển thì tôi chưa tin. Tôi lại càng không tin "Đảo Khỉ” lại là nơi "thử vũ khí sinh học" - mà ở Việt Nam - một đất nước đã trải qua 30 năm chiến tranh, đang khát khao xây dựng hòa bình thì vũ khí sinh học là chuyện không có, lại càng không muốn có.


Thì ra trong bao lời đồn đại về "Đảo Khỉ”, có một sự thật, đó là người ta nuôi khỉ vàng (Macaca mulatta) và khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) - hai loại khỉ đặc trưng của rừng nhiệt đới Việt Nam - để bán cho Liên Xô, còn khi chúng đã sang đến đất nước xa xôi kia thì ai mà biết những con khỉ vui nhộn ấy được dùng vào mục đích gì. Và Đảo Khỉ là tên mới từ ngày những con khỉ đầu tiên được con người cho "tạm trú” tại đảo Hòn Lao 35 hecta, nhỏ nhất trong 5 đảo ở vịnh Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa.


Rồi Liên Xô tan rã, không ai mua khỉ với số lượng lớn nữa, Khánh Hòa không thể "bao cấp" mãi cho đàn khỉ đến 6.000 con, một ngày ít nhất phải cho mỗi con ăn 0,2 kilogam lương thực và các loại quả. Trong tình trạng đàn khỉ có thể chết đói vì cây trái và nước ngọt rất hiếm trên hòn đảo cát san hô, đáng trân trọng thay, Tập đoàn Khatoco đã đứng ra nhận phần trách nhiệm này với đàn khỉ, và Hòn Lao được giao cho Công ty Du lịch 18 tháng Tư - một công ty con của Tập đoàn, tổ chức kinh doanh du lịch.

Công ty Du lịch 18 tháng Tư đã đưa ra cách "nuôi khỉ khép kín", tức là tổ chức bán vé cho khách du lịch coi khỉ, nhất là coi những con khỉ được chọn lọc từ mấy chục đàn khỉ ở đảo, đưa đi huấn luyện rồi trở về làm xiếc, để lấy tiền nuôi khỉ, từ khỉ thu hút khách du lịch để biến Hòn Lao, biến vịnh Nha Phu thành điểm du lịch sinh thái.

Đàn khỉ Hòn Lao nay chỉ còn khoảng 1.000 con, chủ của chúng cũng đã thay đổi, là Công ty CP Du lịch Long Phú. Nhưng với tôi, kỷ niệm về lớp khỉ thời "xóa bỏ bao cấp" cho chúng thì vẫn vẹn nguyên, nhất là với những "nghệ sĩ khỉ” có tên Hà - Nội - Khánh - Hòa - Tour để kỷ niệm ngày chúng được đưa ra Thủ đô học xiếc.

Mỗi lần ra Hòn Lao, ra Đảo Rều (Quảng Ninh) hay Đảo Khỉ Cần Giờ (TP.HCM), tôi cứ tin chắc trong những đàn khỉ đông đúc ấy, có thể có hậu duệ của những con khỉ vàng, con khỉ mặt đỏ là bạn của tôi trên Trường Sơn một thời trai trẻ. Thú thật là thời gian đầu từ miền Bắc vào chiến trường, do quá thiếu thực phẩm, những người lính như tôi không từ bất cứ con vật nào nằm trong tầm ngắm, từ voi, cọp, chồn, nai đến rắn, khỉ, vượn..., dù chúng tôi được lệnh bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Tôi ăn được thịt mọi con vật săn được, trừ thịt khỉ và thịt vượn, vì  mùi gây của chúng.

Vậy nhưng tôi lại là xạ thủ giết chúng, là thợ đặt bẫy bắt chúng! Trong quãng đời làm "thợ săn" ấy, có mấy sự kiện mà bây giờ vẫn ám ảnh tôi.

Trường Sơn dài rộng thời kháng chiến ngút ngàn rừng rậm, nhưng thiên nhiên thật kỳ diệu, cứ vài ba dặm vuông lại có một trảng cỏ, một khoảnh đất trống, là nơi một số loài muông thú kiếm ăn, thư giãn, đông nhất là khỉ đến đùa nghịch, chọc phá nhau. Vì thế, để bắt được nhiều khỉ một lúc, có một lần tôi dùng nứa đan một cái thúng lớn, lót mấy lớp áo đi mưa của lính, đổ đầy nước suối pha ớt bột, đặt ở một trảng cỏ gần nơi trú quân, nấp trong lùm cây chờ bầy khỉ đến. Chỉ một chốc, con khỉ đực đầu đàn từ trên một cành cây thận trọng quan sát trảng cỏ rồi dẫn cả đàn ào đến cái thúng. Tính tò mò thôi thúc chúng vục tay vào nước, đưa lên mũi ngửi, cảm thấy cay, chúng lại dụi vào mắt.

Nước ớt làm cả bầy khỉ vàng gần như mù, lăn lộn kêu thét giữa trảng cỏ trong ánh hoàng hôn đỏ bầm như máu. Có một con khỉ mẹ quằn quại bò lết tìm đứa con nhỏ, tìm mãi không thấy con, nó càng dụi mắt, nước ớt bột, lại là loại ớt hiểm dưới tán rừng chúng tôi phải leo lên cành mới hái được, cay gấp nhiều lần ớt trồng, làm mắt nó như mù hẳn. Nhìn cảnh tượng ấy tôi không còn bụng dạ nào để bắt bầy khỉ "cải thiện" bữa ăn cho cả đại đội!

Một lần khác, tôi bắn một con khỉ đực mặt đỏ to lớn đang ôm con khỉ cái. Con khỉ đực ấy bị viên đạn K59 xuyên qua nách, hú lên mấy tiếng thê thảm, buông bạn tình. Con khỉ cái vội chụp lấy con khỉ đực, cả hai cùng rơi phịch xuống gốc cây. Tôi vừa dương súng lên định bắn con khỉ cái thì trong hơi tàn, con khỉ đực nhe răng, lết tới trước họng súng. Nhưng nó chưa kịp che chở cho bạn tình thì đã ngã nhúi nhụi, tắt thở, hai má nhòe nhoẹt nước mắt...

Từ hôm đó, tôi không bao giờ săn khỉ mà tìm cách gần gũi chúng như một cách chuộc lỗi lầm. Trong một lần xuyên rừng qua Tây Trường Sơn, tôi nhặt được một con khỉ vàng đực khoảng một tháng tuổi không hiểu sao ngồi một mình trên lối mòn, đặt tên là "Khỉ Thương" và nuôi nó cho đến khi "ly sơn" trong chiến dịch tổng tấn công dịp Tết Mậu Thân (1968).

Lúc chia tay, tôi bảo Khỉ Thương hãy về với đồng loại, vì nhiệm vụ, tao không thể mang mày theo, nhưng nó không nghe, cứ lẽo đẽo theo tôi vào tận thành phố Huế. Bom đạn dữ dội quá, Khỉ Thương và tôi lạc nhau lúc nào không hay. Tôi tin Khỉ Thương không chết, vì với bản tính thông minh, nhanh nhẹn, nó đủ sức trở lại Trường Sơn, sinh con đẻ cái, và biết đâu chắt chít của Khỉ Thương bây giờ đang có mặt ở Hòn Lao, Đảo Rều - nơi khỉ được nuôi bán tự nhiên, hay Đảo Khỉ Cần Giờ - nơi có bầy khỉ bán hoang dã đông nhất nước.

Đảo Rều giữa vịnh Bái Tử Long diện tích tương đương Hòn Lao nhưng có rừng nguyên sinh rậm rạp, là hòn đảo được Bộ Y tế chọn nuôi khỉ vàng từ năm 1962 để phục vụ nghiên cứu và sản xuất vacxin phòng bại liệt, viêm gan A..., gần đây là phòng chống H5N1. Năm ngoái, khi ra thăm đảo, tôi được nghe kể, vì đàn khỉ ở Đảo Rều quá đông, phải chuyển bớt sang một đảo gần đó, nhưng ngay trong đêm đầu, những con khỉ đực bị tách khỏi bạn tình kêu gào dữ dội và vượt biển bơi trở lại. Khỉ cái ở Đảo Rều cũng gào thét thảm thiết, vượt biển tìm khỉ đực. Ngư dân Bái Tử Long chứng kiến những đôi bạn tình khỉ mừng vui ôm nhau giữa biển đêm mà thấm thía cái nghĩa của những con vật bị chê là "nhăn như khỉ”!

Người chăm khỉ trên Đảo Rều còn kể, đảo có nuôi một con chó lớn, khi nó ngủ, bọn khỉ từ trên cây thường nhảy xuống kéo đuôi trêu chọc làm con chó rất bực mình. Cũng như mọi hôm, trưa ấy, khi bị con chó vồ hụt, bọn khỉ choai choai bỏ chạy hết, vô tình có mẹ con khỉ đi qua, con chó tưởng đó là "thủ phạm", nhảy xổ vào cắn. Khỉ mẹ bị bất ngờ, chỉ kịp dùng tấm thân che cho con. Khi nhân viên của đảo chạy đến thì khỉ mẹ đã bị chó cắn chết, nhưng nó đã bảo vệ được con.

Lâm Viên hơn 2.000ha nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ 31.000ha, không biết ai đã gọi bằng cái tên khác: Đảo Khỉ. Có lẽ khi rừng ngập mặn Cần Giờ được khôi phục (từ năm 1978), những con khỉ vàng, khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) còn sót lại sau chiến tranh đã tụ về đây kiếm ăn, rồi  Lâm Viên trở thành khu du lịch, chúng phát triển ngày càng đông.

Dù sống hoang dã nhưng do gần gũi con người mấy chục năm, những đàn khỉ ở Lâm Viên dạn đến mức chặn đầu xe xin ăn, bám theo du khách giật bất cứ thứ gì ăn được, nếu không thì giật kính mát, giật mũ rồi leo lên cây "đòi đổi" trái cây, bánh mì. Vừa rồi, khi ra Lâm Viên để "tìm hứng" cho thiên ký sự này, tôi đã bị một con khỉ vàng y hệt con Khỉ Thương năm nào giật cái "cùi bắp", vừa nhảy tót lên chảng ba một cây đước thì chuông reo, nó tức tốc nhảy xuống, đưa điện thoại cho tôi rồi ngồi chờ. Thì ra anh chàng đòi trả công! Nhìn nó nhận chùm chôm chôm, tôi nhớ Khỉ Thương đến thắt lòng. Ngày xưa Khỉ Thương nhận những chùm chôm chôm rừng tôi hái mang về cho nó, cũng y hệt con khỉ Lâm Viên này...

Theo Phương Hà, Phạm Đình Quát (Doanh Nhân Sàigòn)
(TTO) - Du lịch đầu xuân, nhưng một bên là đông đúc trong trật tự và thảnh thơi du xuân do đã có kế hoạch từ trước, còn một bên là xô bồ, nháo nhác tìm phòng nghỉ, chỗ ăn, chỗ chơi do du lịch “ngẫu hứng”.

Sáng sớm mùng 2 Tết Bính Thân, nơi tập kết khách của một công ty du lịch nằm trên đường Pasteur, quận 1, TP.HCM, rộng hàng trăm mét vuông không còn chỗ trống. Trên hai tuyến đường Pasteur và Nguyễn Thị Minh Khai, hàng trăm xe khách loại 45 chỗ đậu san sát. Khách ngồi thành từng dãy được phân chia theo các tuyến du lịch: Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu, Mỹ Tho - Cần Thơ, Cà Mau, Buôn Ma Thuột…

Lần lượt từng đoàn lên xe trong trật tự. Đông đúc, nhộn nhịp nhưng tuyệt nhiên không hề lộn xộn, xô bồ như thường thấy ở chốn đông người. Một người thân tham gia tour Mỹ Tho - Cần Thơ sau chuyến đi cho biết chị hoàn toàn hài lòng với chuyến du lịch đầu xuân này.

Cách đây hai tháng, khi biết toàn bộ gia đình các anh chị của mình từ Tuyên Quang sẽ vào Nam ăn tết và đi du lịch, chị đã đặt tour của một công ty. Và chuyến đi diễn ra đúng như mong đợi của mọi người, hoàn toàn không rơi vào thảm cảnh “chặt chém”, “cháy” phòng, chen lấn để có được tấm vé vào các khu vui chơi…

Mùng 3 tết, các điểm du lịch quen thuộc trong cả nước bắt đầu bước vào dịp cao điểm do du khách ùn ùn kéo về: Đà Lạt, Vũng Tàu, Sa Pa, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ… Và điệp khúc “hết phòng”, “quá tải”, “chặt chém”… lại vang lên. Không quá tải sao được khi số phòng nghỉ, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch dù đã được cải thiện, tăng cường nhưng không thể thấm vào đâu trước một lượng du khách đồ sộ đồng loạt “ra quân”, mà phần lớn trong số đó là không báo trước?! 

Hậu quả của kiểu du lịch tự phát này là cảnh giữa đêm sương lạnh Đà Lạt, nhiều người đã không thể tìm được chốn dung thân, đành phải trú tạm dưới mái hiên của những căn nhà phố hoặc vô chùa xin ngủ nhờ. Còn ở Vũng Tàu, người ta phải dựng tạm lều bạt để qua đêm ngay trên bãi biển.

Du lịch giờ đây không chỉ là nhu cầu mà đã trở thành đòi hỏi trong xã hội hiện đại. Đi du lịch không chỉ để nghỉ, để nhìn, để thưởng thức, để thể hiện mình mà còn là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, là “đi sống”.

Xã hội càng phát triển, nhu cầu đó, đòi hỏi đó ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh như vậy, đã đến lúc cần phải chấm dứt kiểu du lịch “ngẫu hứng” và thay thế bằng du lịch có kế hoạch. Theo đó, người có điều kiện có thể đặt tour của các công ty du lịch để khỏi bận tâm tới chỗ nghỉ, chỗ ăn, chỗ chơi.

Người ít điều kiện có thể tự tổ chức tour cho riêng mình, đặt phòng nghỉ thông qua website của khách sạn, nhà nghỉ hoặc các website chuyên đặt phòng khách sạn (nhiều website cho phép đặt và hủy đặt phòng không tính phí trước khi nhận phòng 24 giờ).

Một vài cuộc điện thoại, một vài cú nhấp chuột sẽ giúp cho chuyến đi trọn vẹn, thay vì đi du lịch nhưng “lịch lãm” thì ít mà gặp “du côn” thì nhiều như cách nói vui đầy chua chát một thời về du lịch ở xứ mình! 

Theo Nhật Huy (Tuổi Trẻ)

'Du lịch ngẫu hứng' cũng chưa chắc là phượt hay du lịch bụi. Vậy nên dân phượt thường tránh xa những ngày lễ, tết (Bạn đọc các cẩm nang của dân phượt xem, đó là điều tiên quyết). Còn nếu muốn đi trong các ngày này thì phải tránh xa các địa danh du lịch nổi tiếng, nên tìm đến các vùng cao, vùng xa hay hóc bà tó nào đó rồi sẽ thấy bất kỳ nơi nào trên đất nước ta nếu biết tìm kiếm cũng khối cảnh đẹp! Đừng ham chốn đông người: suốt cả một năm trời, bạn đã chen chút trong cái chốn thành thị rồi... thì tết đến cần tĩnh lặng một tý. Và: thưa người thì làm gì có chuyện 'chặt chém' ngoài một sự niềm nở, chân chất đến vô cùng.
Những ngày này, chạy xe từ Đà Lạt về Sài Gòn, đã thấy những cây hoa đỗ mai trụi lá bên nhiều hiên nhà, vệ đường gần đèo Bảo Lộc lấm tấm đầy nụ. Lại nhớ những con đường hoa đỗ mai ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

< Đỗ mai chào đón mùa xuân trên núi Vũng Tàu.

Lại nhớ những ghi chú trong sách đỗ mai, đỗ đào, đào đậu hay còn hay còn gọi là cây cọc rào (vì trồng làm hàng rào), hồng mai, anh đào giả, sát thủ đốm (vỏ cây ngâm nước làm thuốc diệt chuột).

< Hoa đỗ mai chụp gần.

Cây Gliricidia maculata thuộc họ đậu (Fabaceae) có từ rừng tự nhiên châu Mỹ, đến Việt Nam theo con đường thực dân của người Pháp. Như nhiều loài cây khác, cuối đông là mùa của đỗ mai trụi lá để xuân đến trổ hoa và lá non.

Mùa hoa tùy theo thời tiết từng vùng mà kéo dài đến 1 - 2 tháng. Hoa có thể có các màu hồng sậm, hồng phớt và trắng, chùm thưa hay chùm dày.

< Hoa đỗ mai chụp tại Bảo Lộc.

Xa xưa, mỗi khi xuân về, dân di cư miền Bắc ở vùng Bảo Lộc lại ra rào bụi, cắt đỗ mai cắm cành vào lọ bình để chưng thay cho hoa đào. Nhưng cành hoa coi đẹp vậy mà khi rời cây lại rất mau tàn nên không được ưa thích nữa. Rồi có tin đây là loài hoa độc nên có lúc đã bị chặt, đốt bỏ.

Nhiều năm sau đó, đỗ mai âm thầm từ vùng núi Tây nguyên (Gia Lai, Kom Tum, Đắk Lắk) về xuôi. Ban đầu ngự trên núi cao (nơi có khí hậu lạnh) sau đó len xuống các triền núi ven biển. Rồi trở thành đặc sản hoa xuân ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Phước Hải, Long Hải, Cần Giờ...

< Tháng 12, những cành đỗ mai trụi lá cuối đông.

Lý do để cây phát triển là ngoài cho hoa đẹp, cây rất dễ trồng do ưa sáng. Chỉ cầm cắt cành cắm xuống đất ẩm, chăm tưới nước là cây phát triển tốt. Tại các vùng núi đá ven biển, đỗ mai là loại cây lý tưởng vì vừa có hoa đẹp, lại có tác dụng phủ xanh.

Chạy dài theo bờ biển Phước Hải có khá nhiều triền núi trồng đỗ mai. Tháng Giêng, mùa hoa nở, giới nhiếp ảnh săn hoa lại í ới rủ nhau phóng xe máy đi ngắm những con đường hoa từ đèo cao đến xa lô ven biển Bà Rịa, Phước Hải…

< Hoa đỗ mai ở Bảo Lộc.

Theo các học trò kỳ cựu của trường Nông Lâm Mục Súc Bảo Lộc, cách đây hơn nữa thế kỷ, giáo sư Lê Văn Ký (vị giám học đầu tiên của trường, cũng là thầy giáo đầu tiên của ngành Lâm nghiệp) trong một lần hướng dẫn môn sinh trong môn phân loại thực vật có bảo: “Hàng cây đỗ mai trồng từ cổng trường Bảo Lộc về hướng Lưu Xá D là do thầy đem từ rừng về. Thầy đặt tên là đỗ mai vì trái nó giống trái đậu và bông nó giống như bông mai”.

< Đỗ mai trắng ở Bà Rịa.

Thầy Ký hiện đang sống tại Đồng Tháp và vẫn còn rất minh mẫn. Trong một lần về thăm cách đây trên mười năm, khi người viết hỏi về chuyện này, ông khiêm tốn trả lời: “Thầy chỉ đặt tên cho cây hoa ấy là đỗ mai. Còn các cái tên khác như đỗ đào, anh đào giả thì ai cứ yêu thích tên gì gọi tên đó. Quan trọng là cây hoa đẹp đã được biết đến và đang được phát triển rộng khắp...”.

< Đỗ mai hồng Đà Lạt. Loại này dễ nhầm với mai anh đào. Trong khi hai loài cây hoàn toàn khác nhau.

Ngoài chuyện người thầy đặt tên cho cây hoa đỗ mai, theo ký ức của những sinh viên Nông Lâm Mục Súc ngày đó, trong sân trường trồng rất nhiều hàng cây được đặt tên rất lãng mạn như hoàng hoa lộ (cây muồng hoa vàng), đào hoa lộ (cây đỗ mai)...

Mỗi hàng cây được trồng luôn được chăm sóc từ những lớp sinh viên gắn bó, nhưng do tác động thời gian, kinh tế, con người đã gần như mất dần vì già cỗi. Còn nếu như còn, có thể coi cội đỗ mai còn sót trong sân trường Bảo Lộc bây giờ là một trong những cụ cây có tuổi đời mang tính lịch sử phát triển lâm học.

< Đỗ mai phớt hồng ở Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ thảm rừng cây xanh được bảo tồn nầy, hướng phát triển của trường từ Quốc Gia Nông Lâm Mục đến Trung học Nông Lâm Súc, là ban Thủy lâm sẽ trồng bổ sung thêm các loài cây (ngày đó gọi là các sắc mộc) để biến không gian xanh quanh trường thành một bộ sưu tập cây rừng Việt Nam.

Nhưng việc này đã bị ngưng trệ do chiến tranh, sau này thì không còn ai tiếp nối nữa.

< Cây hoa đỗ mai đang nở hoa trong công viên Tao Đàn. Cây này cao to, có thể rất cao tuổi. Do bị các cây khác chen chắn, lại vướng các mái bạt nơi pha chế nước giải khát gần đó nên không thể chụp toàn cảnh.

Ở TP.HCM, ngoài Thảo Cầm viên, khách nhàn du có thể ngắm một cây hoa đỗ mai đang nở hoa tại khu vực cà phê vườn tượng trong công viên Tao Đàn. Cây này khá cao, lại bị che khuất nên khi nở hoa ít được lưu ý.

Theo Trần Duy (Tuổi Trẻ)

Mùa Giáng sinh năm 2016 đang đến gần, cùng chung niềm vui của anh chị em đam mê du lịch trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam, tôi thân ái gửi tới quý vị lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Và chúc toàn thể anh chị Năm 2016 ****

- Vừa đủ HẠNH PHÚC để giữ tâm hồn bạn được ngọt ngào. 
- Vừa đủ THỬ THÁCH để giữ bạn luôn kiên nhẫn. 
- Vừa đủ MUỘN PHIỀN để giữ bạn thật sự tỉnh táo. 
- Vừa đủ HY VỌNG để cho bạn được hạnh phúc. 
- Vừa đủ THẤT BẠI để bạn mãi khiêm nhường. 
- Vừa đủ THÀNH CÔNG để giữ bạn mãi nhiệt tâm. 
- Vừa đủ BẠN BÈ để bạn được an ủi. 
- Vừa đủ VẬT CHẤT để đáp ứng các nhu cầu vật chất của bạn. 
- Vừa đủ NHIỆT TÌNH để bạn cho đời thêm hân hoan. 
- Vừa đủ NIỀM TIN để xua tan những thất vọng.

Nếu bạn nghe lời các công ty lữ hành, rảo bước quanh quốc lộ 14 thì chắc chẳng bao giờ có thể nhìn thấy một ngôi làng Bana cổ với tường bằng đất sét đỏ trộn rơm, với những đường nét điêu khắc trên gỗ mô tả cuộc sống thô sơ với mẹ Rừng của họ.

Lập Xuân. Dường như cái Tết ngay tức khắc biến mất khi chuyến xe đã dời khỏi vùng ngoại ô Gia Lai. Chúng tôi không nhắc đến Tết nữa. Ai nấy đều như đang căng phổi ra hít thở cái không khí mát lạnh, cái ánh nắng trong veo, mắt nhìn cho no cái màu vàng rã rượi thương nhớ của dã quỳ. Con đường càng bò sâu vào phía huyện Chư Pah, hun hút vào đến xã Hà Tây thì đất như càng nhạt đi, không phải cái màu đỏ rực của những màu mỡ cà phê nữa, mà bầm lại cằn cỗi, là sắn, là những vùng núi trọc.

Chúng tôi đã lên đến cái bình nguyên có độ cao nhất của đỉnh Trường Sơn nằm giữa Gia Lai và Kontum. Đích đến là Kon Sơ Lăng, nghe giới thiệu là ngôi làng Bana cổ nhất Trường Sơn Đông. Ông bạn ở ngành kiến trúc bảo, hãy đến trước khi “nó” chết. Ai xóa sổ “nó”? Trả lời: Thời gian!
Vậy thì phải đến, để xem một vòng đời của ngôi làng đã diễn ra thế nào. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần, nhưng thật sự ai cũng có cảm giác sốc khi sống với làng Kon Sơ Lăng hơn một ngày.

< Nhà rông khi chưa cháy.

Ai nấy đều thảng thốt khi ngôi làng hiện ra giữa khu rừng thưa vắng, yên ắng đến nao lòng. Giữa khu rừng thưa, hơn 50 nóc nhà đứng quây quần bên nhau. Quả thực nếu bạn nghe lời các công ty lữ hành, rảo bước quanh quốc lộ 14 thì chắc chẳng bao giờ có thể nhìn thấy một ngôi làng Bana cổ với tường bằng đất sét đỏ trộn rơm, với những đường nét điêu khắc trên gỗ mô tả cuộc sống thô sơ với mẹ Rừng của họ.

Không phải những nhà dài hoành tráng nói lên sự sung túc và đông đúc. Vẫn là nhà dài truyền thống, mỗi ngôi nhà là một số phận riêng trong cộng đồng làng. Có những nhà thấp lợp tranh, đôi nhà mái ngói. Nhưng từng chi tiết đều chạm trổ, tinh xảo.

Trong cái im lìm hoang vắng ấy, đôi lúc tôi giật mình hoang tưởng, ngỡ đâu đó có một bóng dáng đàn ông Bana ngồi tỉ mẫn đẽo gọt trên gỗ hình một con thú hoang anh ta đã thấy trong rừng hồi đêm qua. Từng chi tiết trong các ngôi nhà đều nói lên sự khéo léo của người đã tạo ra chúng. Ngôi nhà rông đứng sừng sững giữa làng cũ.

Ngôi nhà tuyệt đẹp được chạm trổ tinh xảo kể những huyền tích cổ xưa của người Bana, chắc chắn nơi này từng vang dội tiếng cồng chiêng và những điệu dân vũ say đắm của những chàng trai cô gái, từng chứng kiến bao đêm dài rượu cần uống mãi không cạn cùng bài trường ca dài mê mải. Không gian của những ngày xưa cũ ấy như chìm sâu hẳn trong đời sống của tổ tiên, như đã lùi xa hẳn về với quá khứ của hàng ngàn năm trước.

Nhà rông trống không, tựa như người khổng lồ đã yên nghỉ, giờ chỉ còn lại duy nhất dấu tích một bếp cũ với tro nguội và vài thanh củi đen xỉn lăn lóc. Các chủ nhân cũ đã đem theo tất cả những hoài niệm trong hành trình về làng mới. Thế nhưng không phải mọi người đều ra đi. Ngôi làng cổ kính vẫn còn sáu người ở lại. Tất cả đều đã trên bảy mươi tuổi. Có cụ ông ngót nghét gần 100 tuổi.

Phải chăng họ là những người đã để cho hoài niệm cũ, của cuộc sống quen thuộc với rừng trói chặt và quyết định ở lại trong cô đơn, hoang lạnh. Họ dứt hẳn mình ra khỏi đời sống hiện tại, như chưa hề có một sợi dây liên hệ nào với thế giới văn minh ngoài kia.

Mẹ của trưởng thôn Huyh Dữu cũng sống ở làng cũ. Hơn 70 tuổi, bà vẫn đi trồng sắn trong rẫy sát rừng. Con cái của bà đều đến định cư ở làng mới. Thỉnh thoảng Huyh Dữu về thăm mẹ, đem cho mẹ ít gạo và thức ăn. Anh phải rời đi ngay, vì cuộc sống ở làng mới đang chờ anh với bao lo toan, vì mùa màng, nương rẫy, lũ gia súc và những đứa bé cần phải được đến trường.

Tôi và Huyh Dữu đi tới đi lui trong làng, nhìn ngắm sáu cụ già ngồi ngay trước cửa nhà sàn lặng lẽ chuốt nan đan gùi suốt cả ngày, cứ như một cách tiêu khiển. Chúng tôi muốn ở lại với các cụ thêm một vài ngày, coi như tìm kiếm những trải nghiệm về “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhưng không thể ở lâu. Nơi đây, ngoài vẻ đẹp hoang sơ của làng cổ, không có cách gì để tìm kiếm đồ ăn vì quá xa đường lộ.


Làng mới nằm ngay ven đường tỉnh lộ. Làng được quy hoạch xây dựng theo kiểu ô bàn cờ, với hàng chục nhà trệt, lợp tôn thấp lè tè. Chỉ cách làng cũ 4 cây số, nhưng khoảng cách ấy tựa như cả ngàn năm. Đó là một thế giới hoàn toàn khác, thế giới của nền văn minh, nơi đó thời gian trôi nhanh hơn.


Ông già Chil, ngồi thu lu ở nhà sàn ngó ra. Ông bà không biết tiếng kinh. Điệu cười của họ hồn nhiên, giống như ngờ nghệch, nhìn kỹ thì nụ cười ấy chính là nụ cười cổ điển được các nghệ nhân khắc họa trên tượng dân gian.

Ở làng mới, trẻ con đi học, người lớn đi làm. Cuộc sống cũng gần như một làng người Kinh, với điện, đường, trường, trạm. Ngôi nhà chúng tôi tá túc ở làng mới có đám cưới. Chủ nhà này cưới chồng cho con gái. Tiệc rượu bày ra hai ngày. Đám thanh niên không còn mặn mà với vũ hội cồng chiêng, họ xúm vào màn hình karaoke, với nhiều hình ảnh thành phố hiện đại...


< Một ngôi nhà cũ vẫn bình yên giữa làng.


Ở gần đường, hoạt động buôn bán trao đổi diễn ra tấp nập hơn. Điều đáng ngạc nhiên là việc làm một con đường dài 4km nối vào làng cũ đơn giản hơn nhiều so với dời cả mấy chục nóc nhà đến nơi ở mới, nhưng vì nhiều lý do, người ta vẫn không làm.

Số phận ngôi làng cũ sẽ ra sao khi những người già cuối cùng về với tổ tiên? Vẻ đẹp tuyệt vời xưa cũ của nó đã lọt vào mắt các nhà làm du lịch. Ngành du lịch đang muốn biến ngôi làng trở thành một bảo tàng điêu khắc về kiến trúc Bana. Mai đây rồi trong ngôi nhà rông kia sẽ lại tái hiện vài đêm kể khan, vài điệu cồng chiêng chiều lòng du khách.

Có lẽ những chàng trai cô gái sẽ được mời về làng cũ, được trả tiền để múa vài điệu dân vũ ngượng ngùng bởi đã bỏ quên từ lâu. Có lẽ bếp lửa đã lụi tàn sẽ được khơi lại, để người hướng dẫn viên du lịch kể rằng: “Ngày xửa ngày xưa, người làng Kon Sơ Lăng sống giữa rừng sâu...”.


< Nhà rông làng Kon Sơ Lăl cũ đã từng được trả giá 9 tỷ đồng giờ chỉ còn là một đống tro tàn...


Nhưng chiều sâu văn hóa thực sự của cộng đồng, lẽ ra đã được bảo tồn trong đời sống một cách sống động, tiếp biến và bền vững thì biến thành hiện vật bảo tàng thiếu hơi thở, thiếu hồn cốt, thiếu mạch nguồn nuôi dưỡng, nằm chết im lìm. Sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Bất cứ một chính sách kinh tế thiếu thận trọng nào cũng dễ phá vỡ cơ chế xã hội đặc sắc, đó là văn hóa làng - rừng của đồng bào Tây Nguyên.

Kon Sơ Lăng, xã hội Bana nhỏ bé này cần một cái nhìn tinh tế, hiểu biết và thận trọng tối đa trong những tác động phát triển mạnh mẽ ngày nay.

Theo Bích Hồng, Đoàn Lê (Doanh Nhân Sàigòn)

ĐGD: Làng Kon Sơ Lăng cũ  là 1 trong 4 ngôi làng định cư lâu đời của người Ba Na ở xã Hà Tây. Làng có chừng hơn 50 nóc nhà quần tụ trên một mảnh đất khá bằng phẳng, quang quẻ, xung quanh là rừng thưa. Trong đó, ngôi nhà rông truyền thống và gần 20 căn nhà sàn làm bằng gỗ trắc rất giá trị.

< Phía xa là một ngôi nhà sàn bằng gỗ trắc may mắn thoát nạn.

Các nhà còn lại, trừ vài mái ngói, tất cả nhà sàn nơi đây đều lợp tranh, sàn gỗ chắc chắn, vách nhà bằng liếp tre, nứa hoặc bằng đất sét trộn rơm. Cùng với đó là những giá trị về kiến trúc, lịch sử và tâm linh. Bởi những giá trị này, khi chuyển về làng mới-năm 2002, dân làng đã không tháo dỡ những ngôi nhà gỗ quý, mà bảo tồn nguyên vẹn.

Đến tháng 8/2013, làng chỉ còn 5 cụ già nhất còn ở lại. Cuối tháng 4/2015, một vụ sét đánh gây hoả hoạn và một cơn giông tiếp ngay sau đó, khiến vụ cháy nhanh chóng lan rộng gấp 10 lần, đã thiêu huỷ 12 căn nhà bằng gỗ quý.  Vụ hỏa hoạn không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất của dân làng nói riêng mà Tây Nguyên cũng mất đi một báu vật đã có hàng trăm năm khiến dân làng ai cũng xót xa.
Tôi đã lên đường phiêu bạt Hà Giang – vùng đất cực Bắc của Tổ quốc để được cảm nhận hết cái Xuân đang đến gần...

Người phương Nam, thậm chí người Hà Nội không thể biết thế nào là xuân đúng nghĩa... xuân (!), nếu đúng tiết gọi là xuân không ngược vùng Tây Bắc – nơi ngàn trùng xa ấy. Nói vậy không phải để ngán ngại mà để nhằm “kích” cái mơ, cái cảm, cái tò mò của kẻ ưa phiêu bạt mà hãnh diện nếu lên đường.

Hà Giang theo dân du lịch bụi và dân phượt chuyên nghiệp là vùng cao nguyên hoang sơ hùng vĩ khó nhằn nếu đi bằng xe máy. Chiều cuối năm thời tiết dập dìu lạnh, phơn phớt lẽo, chúng tôi nhóm bạn trẻ “lướt lả” lên đường. Bắt đầu từ Hà Nội điểm dừng chân đầu tiên sẽ là Tuyên Quang.

Đường tàn đông còn vùi nướng giấc ngủ xám xịt nhưng cánh áo đông rượi rã không ngăn được những hàng cây từ lâu náo nức chờ Xuân đâm chồi, nẩy lộc. Ngang qua những bờ đê dọc sông Hồng mấy cô mấy bà nhà vườn đã bày bán hoa đào, hoa mai trong hợp âm nao nức của vài ba cánh én Xuân.

Bỏ qua cái lịch trình từ Hà Nội đến Tuyên Quang, rồi từ Tuyên Quang đến được thị trấn biên cương Hàm Yên trong hiu hiu gió biên cương, chúng tôi đến được Hà Giang khi đã lung lửng đêm.Thị xã Hà Giang đón chúng tôi bằng hai bát phở bò gia truyền ngon tuyệt. Đây có lẽ là bát phở bò đầu tiên và cũng là cuối cùng trong chuyến đi mà chúng tôi được ăn. Vì những ngày sau là ngày tết hàng quán nơi đây ngày thường còn khan hiếm nên ngày tết dường như tê liệt.

Sáng hôm sau theo lịch trình từ thị xã Hà Giang theo quốc lộ 4C khoảng 43km tới huyện Quản Bạ. Vậy là Hà Giang với thị trấn Vị Xuyên, nơi có chè San Tuyết nổi tiếng tôi vẫn chưa kịp thưởng thức (mặc dù chẳng mê mẩn gì với chè nhưng với một đứa con gái ưa mơ mộng lại có cảm tình đặc biệt với cái tên chè là “San Tuyết”). Có thể “San Tuyết” gợi cho tôi một câu chuyện đầy thú vị chăng?...

Đèo Quản Bạ với chiều dài 45 km mở đầu cho cuộc hành trình chinh phục núi là núi, cho một cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy khám phá. Đường đi Quản Bạ dọc sông Lô, nước sông vào chớm Xuân xanh ngắt, cái màu xanh mát gợi cho con người ta nhiều xúc cảm lâng nối tiếp lâng. Ngày xưa cụ Nguyễn Tuân đã ví nước sông Đà như nước sông Lô cái màu canh hến đùng đục, không biết cụ đã đi vào mùa nào để quan sát, tôi không nhớ nữa..

Ngun ngút tầm mắt là núi và đèo. Đây có lẽ là một cung đèo bảng lảng nhất, mờ ảo nhất, mông lung nhất mà tôi thấy. Mấy cô bé người Dao váy áo muôn màu đi trong sương khói trông như một bức tranh là đà ảo ảnh. Lạnh. Lạnh hơn tôi tưởng khi chênh vênh trên vùng cao này. Lần đầu tiên có cảm giác cái vị lạnh buốt thấu da là như thế nào. Lao xe hun hút gió núi, gió trời xin xít phả vào nhau mà cảm giác đang trôi về cõi nào xa lắm. Sương mù từng thúng đổ xuống, thoắt chả thấy ai, bóng người trước bỗng nhạt nhòa và hút trong màn sương mỏng mảnh ấy. Bản làng, thung, hay những con đường bị hòa trong sương. Đi giữa sương, giữa mây cảm giác như đang lạc vào một cõi nào xa lắm. Đôi lúc trong tôi bật ra câu hỏi “phía xa xa kia là gì?” rồi lại tự trả lời một cách ngớ ngẩn “là sương, là mây, là núi, là hoa là hư vô…”. 

Phải nói một điều rằng bắt đầu từ Hà Giang đi Quản Bạ, từ Quản Bạ qua thị trấn Yên Minh rồi qua Đồng Văn rồi Mèo Vạc tất cả là những cung đèo xoáy qua những trái núi, đó là những ngực núi lừng lững cứ đứng hiên ngang thách thức với đất trời, ở đó những người tộc như những hạt sương nhỏ nhoi đọng trên núi, bạn hãy hình dung như vậy sẽ thấy thiên nhiên thật hùng vĩ. Tôi không phải là nhà văn để có thể lôi hết những ngữ từ tả cho bạn hiểu. Đường đi đẹp nhưng cũng đầy hiểm trở, toàn khúc cua cùi trỏ, một bên là vực sâu thẳm, một bên là núi, một chút sơ sẩy thôi có thể văng xuống vực…

Chỉ có thắc mắc một điều, trên những cung đèo dài dằng dặc và mịt mù ấy, cảm giác như đi hoài đi mãi vẫn chỉ là mây, là núi, là sự mịt mù thăm thẳm, bốn phía là núi rừng, bốn phía là tiếng vọng của thiên nhiên hoang dã, lạnh lẽo, tiếng gió dội lại rờn rợn qua vách núi, lác đác những người tộc, nam có, nữ có, già có, trẻ có họ tụ thành từng nhóm, cứ đi, cứ đi, đôi lúc tôi tự hỏi họ đi về đâu, đích của họ là đâu trong một cung đèo dài như vậy…

Cuối cùng thì đã tìm được câu trả lời, đó là những thị trấn như Yên Minh, như Đồng Văn, những thị trấn nhỏ nằm trên một gồ đất tạm gọi là bằng phẳng hơn núi, nơi có mấy thứ nhạc sập sình phát ra. Nơi với họ có thể là thứ ánh sáng duy nhất, ánh sáng của văn minh, ánh sáng của cái gì đó lung linh nhất, xa xỉ nhất.

Tự dưng nhớ đến “Hai chị em” trong tác phẩm của Thạch Lam cũng đợi thứ ánh sáng ấy, thứ ánh sáng duy nhất của chuyến tàu đêm trong chuỗi ngày hẩm hiu và buồn tẻ của hai chị em. Tôi thích văn Thạch Lam bởi lối kể chuyện nhẹ nhàng, những câu chuyện không có cốt truyện cũng nhẹ nhàng như chính giọng văn của ông…

Mùa xuân đến điểm mặt trên các sắc lá cái màu non tơ của chồi non, biêng biếc của lộc, màu đỏ rực của hoa chuối rừng, màu trắng của hoa lê, hoa mận, màu hồng phớt của hoa đào và cả cái màu vàng mùa trước của những chiếc lá còn sót lại, hòa cùng những sắc màu của váy áo thổ cẩm của những chàng trai cô gái người tộc xuống đường du xuân…

Chạy xuyên qua cao nguyên đá Đồng Văn, đỉnh Mã Pì Lèng tới Mèo Vạc. Mở ngoặc chút về Mã Pì Lèng được mệnh danh là vua của những con đèo ở miền Bắc. Không phải bởi khó đi, mà bởi cảnh quan hùng vỹ và câu chuyện thanh niên cảm tử phá đá mở đường trên con đèo hiểm trở này. Đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng, dang rộng cánh tay đón gió, cảm giác như đang bay lơ lửng trên bầu trời.

Đường Hạnh Phúc bắt đầu từ Hà Giang, chạy xuyên qua cao nguyên đá Đồng Văn, đỉnh Mã Pì Lèng tới Mèo Vạc ấy dài gần 200 km, con đường này là máu xương, là huyền thoại về sức trẻ của thanh niên từ 16 dân tộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Định và Hải Dương. 8 năm, hơn 2 triệu ngày công, 1.000 thanh niên xung phong, 1.200 dân công, 9 triệu tấn thuốc nổ và biết bao công sức đã đổ xuống để mở ra con đường này. Đi trên con đường không chỉ để thưởng ngoạn cảnh đẹp, mà còn để tri ân những người đã nằm xuống cho từng lối ta đi.

Còn cao Nguyên Đồng Văn đó là một cao nguyên đá, với núi là núi, xiên núi, rẽ núi, quằn núi, cứa núi, những con đường ngoằn ngoèo qua những núm núi, ngực núi, lao xe trên đường xe mà cảm giác đứng tim, một chút sơ sẩy thôi, một cái chớp mắt thôi có thể văng xuống vực… Càng đi tôi càng thấm thía cái lạnh của miền núi cao là như thế nào… buốt lên tận não…

Đến được thị trấn Đồng Văn khi trời đã nhấm nhem tối, một cái thị trấn nhỏ với vài ba ngọn đèn leo lét đỏ không làm cho du khách thấy ấm hơn giữa cái lạnh buốt da thịt này. Khách sạn Hoàng Ngọc duy nhất ở cái thị trấn ấy mở cửa. Cô cháu của chủ khách sạn - làm lễ tân với với nước da trắng hồng của vùng núi cao quanh năm lạnh này, nghe đâu có học gì đó ở Hà Nội nên cách ăn mặc cũng đậm chất phố phường nhưng không được tinh tế từ màu sắc đến kiểu dáng với kiểu tóc nhuộm hoe hoe vàng, đón tiếp khách bụi đường bằng nụ cười niềm nở cùng chất giọng trong trong lảnh lót trong cái đêm xám ngắt lạnh này.

Cái hẹn 20 giờ sẽ đi “cà phê phố cổ” nổi tiếng ở Đồng Văn ngay chợ Đồng Văn với những ngôi nhà đất cũ kỹ 2 tầng do những già làng người tộc sống lâu năm ở đây, những già làng này biết rất nhiều chuyện hay, tính chuyến đi này sẽ đến diện kiến và… hóng hớt, nhưng tôi không thực hiện được vì thời tiết buổi tối xuống khá lạnh. Những ngày lạnh nhất ở đây nhiệt độ trong nhà xuống còn 5-7 độ, có khi bạn đưa tay xuống thau nước sẽ thấy lớp đá đóng băng phía dưới.

Sáng hôm sau chúng tôi đến Lũng Cú trong màn mưa xuân lất phất, tiếng chuông đeo cổ của mấy con bò ăn cỏ trên những triền đồi leng keng trong gió. Trên đường từng tốp người tộc du xuân, tiếng nói cười của họ vẳng trong gió, va vào vách núi tạo thành những tiếng khèn âm vang. Thỉnh thoảng trên đường tôi bắt gặp cái kéo tay của chàng trai và cái nhìn bẽn lẽn của cô gái chớm tuổi dậy thì…

Sau, hỏi ra thì mới biết, mồng 3 âm lịch ở Mèo Vạc có tục “bắt vợ” đây là một tục lệ có từ lâu đời của người H’Mông, các cô gái từ 13 tuổi trở lên, ngày hôm đó đều ăn mặc rất đẹp, đi dạo thành từng tốp trên đường, để cho các chàng trai họ “ưng” cái nhìn “bắt” đi. 3 ngày ở nhà chàng trai nếu không có phản ứng gì, có nghĩa là đồng ý làm vợ, chàng trai sẽ đem con gà đến lễ nhà gái, thế là xong! Đây là một tập tục mà theo tôi thấy rất chi là điên rồ… Hôn nhân, ở với nhau một đời chỉ là một trò chơi con trẻ, chẳng biết tình yêu của họ đặt ở đâu cho trò chơi ấy? Hay người tộc họ có suy nghĩ đơn giản hơn người kinh chăng?...

Chợ Lũng Cú nằm neo neo bên những cánh đồng hoa cải vàng rực dưới chân núi, chơi vơi trên mép đồi là mấy cây mơ, cây mận đua nhau khoe sắc. Tự dưng tôi lại nhớ đến những triền đồi ngập hoa mơ hoa mận trên đường đi cao nguyên Mộc Châu, đó là miền cao nguyên đầy ắp kỷ niệm được xếp ngay ngắn trong lớp ký ức nhỏ nhoi của tôi.


Chợ Lũng Cú trưa, hắt bóng với những vũ điệu Xuân của lũ trẻ con người tộc làm tôi thấy thích thú, những đứa trẻ chơi bóng và xoay tùng váy như một vũ điệu đẹp một cách lạ lùng… Có lẽ hành trình chuyến đi tôi bắt gặp ở đây không khí Xuân nhất, ấm áp nhất trong cái lạnh heo hút này...


Trong cái không khí xuân nơi đây, bạn đừng quên đến thăm cột cờ Lũng Cú nổi tiếng phân ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đứng bên cột cờ Lũng Cú, nhìn lá cờ Tổ quốc phấp phới bay trong gió, tận mắt thấy điểm đầu tiên đặt nét bút vẽ nên bản đồ hình chữ S là lúc lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước dâng tràn.