Mấy năm đầu thập niên 1980, mỗi lần ra miền Trung, qua đèo Rù Rì hơn chục kilomet là tôi cứ dõi mắt về phía biển tìm "Đảo Khỉ” bởi nghe đồn ở đấy có bí mật quân sự.
(DNSG) - Mấy năm đầu thập niên 1980, mỗi lần ra miền Trung, qua đèo Rù Rì hơn chục kilomet là tôi cứ dõi mắt về phía biển tìm "Đảo Khỉ” bởi nghe đồn ở đấy có bí mật quân sự. Lời đồn còn hấp dẫn tôi hơn nữa là có những con khỉ được nuôi để thử vũ khí sinh học, biết trước "hiểm họa", đã vượt biển vào đất liền!

Khỉ bơi giỏi thì tôi đã biết từ những ngày còn ở Trường Sơn, mỗi khi có lũ lớn, chúng thường vượt suối để tìm đàn hay kiếm thức ăn. Tôi đã thấy những con khỉ mẹ cõng con lựa chiều nước xiết bơi suốt một quãng dài mới qua được bờ bên kia, nhưng khỉ vượt biển thì tôi chưa tin. Tôi lại càng không tin "Đảo Khỉ” lại là nơi "thử vũ khí sinh học" - mà ở Việt Nam - một đất nước đã trải qua 30 năm chiến tranh, đang khát khao xây dựng hòa bình thì vũ khí sinh học là chuyện không có, lại càng không muốn có.


Thì ra trong bao lời đồn đại về "Đảo Khỉ”, có một sự thật, đó là người ta nuôi khỉ vàng (Macaca mulatta) và khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) - hai loại khỉ đặc trưng của rừng nhiệt đới Việt Nam - để bán cho Liên Xô, còn khi chúng đã sang đến đất nước xa xôi kia thì ai mà biết những con khỉ vui nhộn ấy được dùng vào mục đích gì. Và Đảo Khỉ là tên mới từ ngày những con khỉ đầu tiên được con người cho "tạm trú” tại đảo Hòn Lao 35 hecta, nhỏ nhất trong 5 đảo ở vịnh Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa.


Rồi Liên Xô tan rã, không ai mua khỉ với số lượng lớn nữa, Khánh Hòa không thể "bao cấp" mãi cho đàn khỉ đến 6.000 con, một ngày ít nhất phải cho mỗi con ăn 0,2 kilogam lương thực và các loại quả. Trong tình trạng đàn khỉ có thể chết đói vì cây trái và nước ngọt rất hiếm trên hòn đảo cát san hô, đáng trân trọng thay, Tập đoàn Khatoco đã đứng ra nhận phần trách nhiệm này với đàn khỉ, và Hòn Lao được giao cho Công ty Du lịch 18 tháng Tư - một công ty con của Tập đoàn, tổ chức kinh doanh du lịch.

Công ty Du lịch 18 tháng Tư đã đưa ra cách "nuôi khỉ khép kín", tức là tổ chức bán vé cho khách du lịch coi khỉ, nhất là coi những con khỉ được chọn lọc từ mấy chục đàn khỉ ở đảo, đưa đi huấn luyện rồi trở về làm xiếc, để lấy tiền nuôi khỉ, từ khỉ thu hút khách du lịch để biến Hòn Lao, biến vịnh Nha Phu thành điểm du lịch sinh thái.

Đàn khỉ Hòn Lao nay chỉ còn khoảng 1.000 con, chủ của chúng cũng đã thay đổi, là Công ty CP Du lịch Long Phú. Nhưng với tôi, kỷ niệm về lớp khỉ thời "xóa bỏ bao cấp" cho chúng thì vẫn vẹn nguyên, nhất là với những "nghệ sĩ khỉ” có tên Hà - Nội - Khánh - Hòa - Tour để kỷ niệm ngày chúng được đưa ra Thủ đô học xiếc.

Mỗi lần ra Hòn Lao, ra Đảo Rều (Quảng Ninh) hay Đảo Khỉ Cần Giờ (TP.HCM), tôi cứ tin chắc trong những đàn khỉ đông đúc ấy, có thể có hậu duệ của những con khỉ vàng, con khỉ mặt đỏ là bạn của tôi trên Trường Sơn một thời trai trẻ. Thú thật là thời gian đầu từ miền Bắc vào chiến trường, do quá thiếu thực phẩm, những người lính như tôi không từ bất cứ con vật nào nằm trong tầm ngắm, từ voi, cọp, chồn, nai đến rắn, khỉ, vượn..., dù chúng tôi được lệnh bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Tôi ăn được thịt mọi con vật săn được, trừ thịt khỉ và thịt vượn, vì  mùi gây của chúng.

Vậy nhưng tôi lại là xạ thủ giết chúng, là thợ đặt bẫy bắt chúng! Trong quãng đời làm "thợ săn" ấy, có mấy sự kiện mà bây giờ vẫn ám ảnh tôi.

Trường Sơn dài rộng thời kháng chiến ngút ngàn rừng rậm, nhưng thiên nhiên thật kỳ diệu, cứ vài ba dặm vuông lại có một trảng cỏ, một khoảnh đất trống, là nơi một số loài muông thú kiếm ăn, thư giãn, đông nhất là khỉ đến đùa nghịch, chọc phá nhau. Vì thế, để bắt được nhiều khỉ một lúc, có một lần tôi dùng nứa đan một cái thúng lớn, lót mấy lớp áo đi mưa của lính, đổ đầy nước suối pha ớt bột, đặt ở một trảng cỏ gần nơi trú quân, nấp trong lùm cây chờ bầy khỉ đến. Chỉ một chốc, con khỉ đực đầu đàn từ trên một cành cây thận trọng quan sát trảng cỏ rồi dẫn cả đàn ào đến cái thúng. Tính tò mò thôi thúc chúng vục tay vào nước, đưa lên mũi ngửi, cảm thấy cay, chúng lại dụi vào mắt.

Nước ớt làm cả bầy khỉ vàng gần như mù, lăn lộn kêu thét giữa trảng cỏ trong ánh hoàng hôn đỏ bầm như máu. Có một con khỉ mẹ quằn quại bò lết tìm đứa con nhỏ, tìm mãi không thấy con, nó càng dụi mắt, nước ớt bột, lại là loại ớt hiểm dưới tán rừng chúng tôi phải leo lên cành mới hái được, cay gấp nhiều lần ớt trồng, làm mắt nó như mù hẳn. Nhìn cảnh tượng ấy tôi không còn bụng dạ nào để bắt bầy khỉ "cải thiện" bữa ăn cho cả đại đội!

Một lần khác, tôi bắn một con khỉ đực mặt đỏ to lớn đang ôm con khỉ cái. Con khỉ đực ấy bị viên đạn K59 xuyên qua nách, hú lên mấy tiếng thê thảm, buông bạn tình. Con khỉ cái vội chụp lấy con khỉ đực, cả hai cùng rơi phịch xuống gốc cây. Tôi vừa dương súng lên định bắn con khỉ cái thì trong hơi tàn, con khỉ đực nhe răng, lết tới trước họng súng. Nhưng nó chưa kịp che chở cho bạn tình thì đã ngã nhúi nhụi, tắt thở, hai má nhòe nhoẹt nước mắt...

Từ hôm đó, tôi không bao giờ săn khỉ mà tìm cách gần gũi chúng như một cách chuộc lỗi lầm. Trong một lần xuyên rừng qua Tây Trường Sơn, tôi nhặt được một con khỉ vàng đực khoảng một tháng tuổi không hiểu sao ngồi một mình trên lối mòn, đặt tên là "Khỉ Thương" và nuôi nó cho đến khi "ly sơn" trong chiến dịch tổng tấn công dịp Tết Mậu Thân (1968).

Lúc chia tay, tôi bảo Khỉ Thương hãy về với đồng loại, vì nhiệm vụ, tao không thể mang mày theo, nhưng nó không nghe, cứ lẽo đẽo theo tôi vào tận thành phố Huế. Bom đạn dữ dội quá, Khỉ Thương và tôi lạc nhau lúc nào không hay. Tôi tin Khỉ Thương không chết, vì với bản tính thông minh, nhanh nhẹn, nó đủ sức trở lại Trường Sơn, sinh con đẻ cái, và biết đâu chắt chít của Khỉ Thương bây giờ đang có mặt ở Hòn Lao, Đảo Rều - nơi khỉ được nuôi bán tự nhiên, hay Đảo Khỉ Cần Giờ - nơi có bầy khỉ bán hoang dã đông nhất nước.

Đảo Rều giữa vịnh Bái Tử Long diện tích tương đương Hòn Lao nhưng có rừng nguyên sinh rậm rạp, là hòn đảo được Bộ Y tế chọn nuôi khỉ vàng từ năm 1962 để phục vụ nghiên cứu và sản xuất vacxin phòng bại liệt, viêm gan A..., gần đây là phòng chống H5N1. Năm ngoái, khi ra thăm đảo, tôi được nghe kể, vì đàn khỉ ở Đảo Rều quá đông, phải chuyển bớt sang một đảo gần đó, nhưng ngay trong đêm đầu, những con khỉ đực bị tách khỏi bạn tình kêu gào dữ dội và vượt biển bơi trở lại. Khỉ cái ở Đảo Rều cũng gào thét thảm thiết, vượt biển tìm khỉ đực. Ngư dân Bái Tử Long chứng kiến những đôi bạn tình khỉ mừng vui ôm nhau giữa biển đêm mà thấm thía cái nghĩa của những con vật bị chê là "nhăn như khỉ”!

Người chăm khỉ trên Đảo Rều còn kể, đảo có nuôi một con chó lớn, khi nó ngủ, bọn khỉ từ trên cây thường nhảy xuống kéo đuôi trêu chọc làm con chó rất bực mình. Cũng như mọi hôm, trưa ấy, khi bị con chó vồ hụt, bọn khỉ choai choai bỏ chạy hết, vô tình có mẹ con khỉ đi qua, con chó tưởng đó là "thủ phạm", nhảy xổ vào cắn. Khỉ mẹ bị bất ngờ, chỉ kịp dùng tấm thân che cho con. Khi nhân viên của đảo chạy đến thì khỉ mẹ đã bị chó cắn chết, nhưng nó đã bảo vệ được con.

Lâm Viên hơn 2.000ha nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ 31.000ha, không biết ai đã gọi bằng cái tên khác: Đảo Khỉ. Có lẽ khi rừng ngập mặn Cần Giờ được khôi phục (từ năm 1978), những con khỉ vàng, khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) còn sót lại sau chiến tranh đã tụ về đây kiếm ăn, rồi  Lâm Viên trở thành khu du lịch, chúng phát triển ngày càng đông.

Dù sống hoang dã nhưng do gần gũi con người mấy chục năm, những đàn khỉ ở Lâm Viên dạn đến mức chặn đầu xe xin ăn, bám theo du khách giật bất cứ thứ gì ăn được, nếu không thì giật kính mát, giật mũ rồi leo lên cây "đòi đổi" trái cây, bánh mì. Vừa rồi, khi ra Lâm Viên để "tìm hứng" cho thiên ký sự này, tôi đã bị một con khỉ vàng y hệt con Khỉ Thương năm nào giật cái "cùi bắp", vừa nhảy tót lên chảng ba một cây đước thì chuông reo, nó tức tốc nhảy xuống, đưa điện thoại cho tôi rồi ngồi chờ. Thì ra anh chàng đòi trả công! Nhìn nó nhận chùm chôm chôm, tôi nhớ Khỉ Thương đến thắt lòng. Ngày xưa Khỉ Thương nhận những chùm chôm chôm rừng tôi hái mang về cho nó, cũng y hệt con khỉ Lâm Viên này...

Theo Phương Hà, Phạm Đình Quát (Doanh Nhân Sàigòn)