(TTO) - Du lịch đầu xuân, nhưng một bên là đông đúc trong trật tự và thảnh thơi du xuân do đã có kế hoạch từ trước, còn một bên là xô bồ, nháo nhác tìm phòng nghỉ, chỗ ăn, chỗ chơi do du lịch “ngẫu hứng”.
Sáng sớm mùng 2 Tết Bính Thân, nơi tập kết khách của một công ty du lịch nằm trên đường Pasteur, quận 1, TP.HCM, rộng hàng trăm mét vuông không còn chỗ trống. Trên hai tuyến đường Pasteur và Nguyễn Thị Minh Khai, hàng trăm xe khách loại 45 chỗ đậu san sát. Khách ngồi thành từng dãy được phân chia theo các tuyến du lịch: Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu, Mỹ Tho - Cần Thơ, Cà Mau, Buôn Ma Thuột…
Lần lượt từng đoàn lên xe trong trật tự. Đông đúc, nhộn nhịp nhưng tuyệt nhiên không hề lộn xộn, xô bồ như thường thấy ở chốn đông người. Một người thân tham gia tour Mỹ Tho - Cần Thơ sau chuyến đi cho biết chị hoàn toàn hài lòng với chuyến du lịch đầu xuân này.
Cách đây hai tháng, khi biết toàn bộ gia đình các anh chị của mình từ Tuyên Quang sẽ vào Nam ăn tết và đi du lịch, chị đã đặt tour của một công ty. Và chuyến đi diễn ra đúng như mong đợi của mọi người, hoàn toàn không rơi vào thảm cảnh “chặt chém”, “cháy” phòng, chen lấn để có được tấm vé vào các khu vui chơi…
Mùng 3 tết, các điểm du lịch quen thuộc trong cả nước bắt đầu bước vào dịp cao điểm do du khách ùn ùn kéo về: Đà Lạt, Vũng Tàu, Sa Pa, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ… Và điệp khúc “hết phòng”, “quá tải”, “chặt chém”… lại vang lên. Không quá tải sao được khi số phòng nghỉ, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch dù đã được cải thiện, tăng cường nhưng không thể thấm vào đâu trước một lượng du khách đồ sộ đồng loạt “ra quân”, mà phần lớn trong số đó là không báo trước?!
Hậu quả của kiểu du lịch tự phát này là cảnh giữa đêm sương lạnh Đà Lạt, nhiều người đã không thể tìm được chốn dung thân, đành phải trú tạm dưới mái hiên của những căn nhà phố hoặc vô chùa xin ngủ nhờ. Còn ở Vũng Tàu, người ta phải dựng tạm lều bạt để qua đêm ngay trên bãi biển.
Du lịch giờ đây không chỉ là nhu cầu mà đã trở thành đòi hỏi trong xã hội hiện đại. Đi du lịch không chỉ để nghỉ, để nhìn, để thưởng thức, để thể hiện mình mà còn là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, là “đi sống”.
Xã hội càng phát triển, nhu cầu đó, đòi hỏi đó ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh như vậy, đã đến lúc cần phải chấm dứt kiểu du lịch “ngẫu hứng” và thay thế bằng du lịch có kế hoạch. Theo đó, người có điều kiện có thể đặt tour của các công ty du lịch để khỏi bận tâm tới chỗ nghỉ, chỗ ăn, chỗ chơi.
Người ít điều kiện có thể tự tổ chức tour cho riêng mình, đặt phòng nghỉ thông qua website của khách sạn, nhà nghỉ hoặc các website chuyên đặt phòng khách sạn (nhiều website cho phép đặt và hủy đặt phòng không tính phí trước khi nhận phòng 24 giờ).
Một vài cuộc điện thoại, một vài cú nhấp chuột sẽ giúp cho chuyến đi trọn vẹn, thay vì đi du lịch nhưng “lịch lãm” thì ít mà gặp “du côn” thì nhiều như cách nói vui đầy chua chát một thời về du lịch ở xứ mình!
Theo Nhật Huy (Tuổi Trẻ)
'Du lịch ngẫu hứng' cũng chưa chắc là phượt hay du lịch bụi. Vậy nên dân phượt thường tránh xa những ngày lễ, tết (Bạn đọc các cẩm nang của dân phượt xem, đó là điều tiên quyết). Còn nếu muốn đi trong các ngày này thì phải tránh xa các địa danh du lịch nổi tiếng, nên tìm đến các vùng cao, vùng xa hay hóc bà tó nào đó rồi sẽ thấy bất kỳ nơi nào trên đất nước ta nếu biết tìm kiếm cũng khối cảnh đẹp! Đừng ham chốn đông người: suốt cả một năm trời, bạn đã chen chút trong cái chốn thành thị rồi... thì tết đến cần tĩnh lặng một tý. Và: thưa người thì làm gì có chuyện 'chặt chém' ngoài một sự niềm nở, chân chất đến vô cùng.