Tab Từ Khóa "Du lịch Lâm Đồng"
Showing posts with label Du lịch Lâm Đồng. Show all posts
Nằm sâu trong rừng thẳm, thác Păng Tiêng còn được gọi bằng cái tên khác là thác Bảy tầng, thuộc thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Thác vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ nguyên thủy từ hàng trăm năm qua do chưa đưa vào khai thác du lịch nhiều.

Thác Păng Tiêng cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 25 km. Đoạn đường chinh phục Păng Tiêng không hề dễ dàng như những tour du lịch nghỉ dưỡng. Muốn tới đây, bạn sẽ theo đường đến Suối Vàng rồi vào xã Lát, tiếp tục băng qua nhiều khúc cua quanh co, những con đường lổn ngổn đá hộc, những con dốc cao ngất cạnh vực sâu thăm thẳm đầy nguy hiểm.

Các phương tiện sẽ chạy sâu vào rừng với những con đường mòn có bề ngang chỉ chừng hơn nửa mét mới đến được thác. Chính vì thế, xe máy và xe đạp thể thao leo núi chính là hai phương tiện thích hợp nhất dành cho người lữ hành tìm về Păng Tiêng.

Trong quá trình di chuyển đường rừng, có thể sẽ gặp rất nhiều loại côn trùng nên bạn đừng quên các loại thuốc đặc trị, quần áo dài tay trong hành trang của mình. Bên cạnh đó, mang theo đồ ăn, nước uống cũng là điều không thể bỏ qua vì một khi đã vào rừng, thì sẽ chẳng có hàng quán nào đáp ứng điều đó cho bạn đâu.

Sau khi để xe đi bộ, bạn phải leo xuống những con dốc dứng để đến với Păng Tiêng, một góc khung cảnh của khu vực quanh thác. Qua hết những con dốc này, bạn sẽ nghe rõ hơn thanh âm của dòng nước đang ào ào đổ xuống phiến đá được bao phủ bởi rừng cây xanh thẳm, đó chính là Păng Tiêng.

Dòng thác tung bọt trắng xóa như mái tóc của tiên nữ đang xõa xuống làm say đắm ánh mắt người ghé thăm. Hương rừng hòa quyện trong hơi nước mát lành, phả vào hồn ngất ngây một khoảng mộng mơ, xua tan đi hết những nhọc nhằn vừa trải qua. Từ đây, bạn có thể hạ trại nghỉ ngơi để bắt đầu hành trình khám phá.

Với cao độ khoảng 20 mét thác, thác như một dải lụa trắng nằm sâu giữa đại ngàn. Vào mùa mưa, nước lớn tỏa ra hai bên bờ đá thấy rõ 7 tầng thác trắng xóa nên bà con gọi là "thác 7 tầng”. Thời điểm chúng tôi đến là đầu tháng 4, đang mùa nắng hạn nhưng thác vẫn tuôn trào trắng xóa thành dòng lớn.

Điều đặc biệt là dù bị nước chảy xói mòn, đá trên bề mặt của thác lại  được cắt gọt thật vuông vắn, với mỗi bậc cao từ 1 đến 2 m. Bạn sẽ có cảm tưởng như chỉ cần trèo lên hết từng bậc thang đá ấy thì tay có thể chạm tới cánh cửa thiên đường ẩn hiện trong màn nước bạc.

Vì nơi đây chưa được khai thác nên mọi thứ còn rất hoang sơ. Do vậy, nếu bạn muốn băng qua thác thì phải xuôi về hạ lưu, nơi dòng chảy chậm và có nhiều bậc đá để nhảy qua. Hãy cẩn thận vì những phiến đá khá trơn, dễ bị trượt ngã. Vậy nhưng dòng suối và phía bờ bên kia cũng ẩn chứa nhiều điều khác lạ sẽ khiến bạn thích thú.

Nếu là người ưa xê dịch, muốn cảm nhận hết phong vị Păng Tiêng mang lại thì đừng chân chừ rủ rê bạn đồng hành của mình cắm trại qua đêm. Còn gì thú vị hơn được nghe tiếng nước thác hòa cùng rừng thông xào xạc trong gió và bầy chim cất lên bản hòa tấu đặc biệt ru ta vào giấc ngủ.

Một số bạn trẻ được bạn bè địa phương hướng dẫn để khám phá nơi này và hạ trại, chuẩn bị bữa trưa bên dòng thác. Việc khám phá những điểm đến mới luôn hấp dẫn những ai yêu thích phiêu lưu mạo hiểm say mê.

Tuy nhiên việc bảo vệ môi trường có ý nghĩa quan trọng để những điểm đến mới luôn giữ được vẻ hoang sơ, quyến rũ. Do vậy, bạn hãy nhớ những gì bạn đem đến đây thì dứt khoác sẽ đem về đủ - chỉ lấy đi những bức ảnh và để lại những dấu chân, bạn nhé!

Tổng hợp từ Ihay và nhiều nguồn khác
Làng Thần Kỳ Đạ Nghịt nằm ở xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) là một ngôi làng “lạ quắc lạ quơ” ở Đà Lạt mà rất ít người biết đến.

Đây là ngôi làng trồng rau xà lách sạch được áp dụng theo công nghệ nổi tiếng của Làng Kawakami, huyện Minamisaku, tỉnh Nagano Nhật Bản. Chính vì thế thôn Đạ Nghịt này được xem là “làng thần kỳ thứ 2” tại Đà Lạt.

Khát vọng Kawakami

Đứng trước nông trại xà lách Mỹ mơn mởn, ông Hironosi Tsuchiya - người đã có công lớn xây dựng làng Thần Kỳ Việt Nam ở làng Đạ Nghịt, xã Lát, cũng là Giám đốc đại diện Quỹ Đầu tư HT Capital tại Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH An Phú Lacue - không giấu được niềm vui.

< Đến đây bạn sẽ chóang ngợp với những luống rau xanh trải dài hàng chục héc- ta, thả ga chụp tự sướng cũng như tận mắt xem người nông dân chăm sóc và thu hoạch rau.

Cách đây chưa lâu, khu vườn xà lách này chỉ là một vùng đất bạc màu với lởm chởm sỏi đá, cỏ bụi rậm rạp... Hironosi Tsuchiya cho biết, ông và cộng sự đã và đang nỗ lực hết mình để biến vùng đất khó này thành làng Thần Kỳ đỉnh cao tại Việt Nam.

Sở dĩ có tên gọi như vậy, bởi ở đất nước mặt trời mọc, nơi ông sinh ra, làng Kawakami (quận Minamisaku, tỉnh Nagano) - vốn là vùng đất cằn cỗi, nghèo khó và lạc hậu, sau 20 năm áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã trở nên giàu có bậc nhất Nhật Bản, thu nhập bình quân trên 200.000 USD/hộ/năm trong khi mỗi năm người dân chỉ làm việc 4 tháng. Người dân Nhật gọi Kawakami là làng Thần Kỳ để vinh danh những nông hộ nơi đây…

“Đó là lý do chúng tôi quyết lập một làng Thần Kỳ thứ hai – ông Hironosi Tsuchiya nói. So sánh điều kiện sản xuất nông nghiệp ở Đạ Nghịt với làng Kawakami của Nhật Bản, rõ ràng vùng Đạ Nghịt có những ưu thế vượt trội. Nếu như ở Đạ Nghịt thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp quanh năm với khí hậu ôn hòa và nhiệt độ lý tưởng, thì ở làng Kawakami mỗi năm chỉ sản xuất được 4 tháng (6-10), thời gian còn lại không thể sản xuất do tuyết bao phủ.

Trước khi chọn Đạ Nghịt lập làng Thần Kỳ, ông Hironosi Tsuchiya cùng cộng sự đã cẩn thận lấy từng mẫu đất, nước trong vùng để xét nghiệm, kiểm tra hàm lượng các chất có trong đất, nước. Họ còn tỷ mỷ theo dõi lượng mưa trong nhiều năm để chọn thời điểm xuống giống cho hợp lý nhất. Khi đã thỏa mãn những điều kiện cần thiết, tháng 10.2013, người Nhật quyết định thuê đất, chọn Đạ Nghịt lập làng Thần Kỳ Việt Nam.

Kỳ công lập làng Thần Kỳ

Để xây dựng làng Thần Kỳ ở Việt Nam, thông qua Quỹ Đầu tư HT Capital, một đơn vị chủ quản làng Thần Kỳ đã được thành lập - đó là Công ty TNHH An Phú Lacue. Đây là công ty liên doanh giữa An Phú Đà Lạt và Công ty Lacue Nhật Bản.

Bên cạnh việc tuyển chọn hàng chục lao động phổ thông người Việt với mức lương không dưới 4 triệu đồng/người/tháng (có nơi ăn ở), ông Hironosi Tsuchiya còn bay về Nhật, tìm đến làng Kawakami để động viên một số thanh niên có kinh nghiệm nhất trong việc trồng rau xà lách Mỹ sang Đạ Nghịt “đầu quân”, quyết lập thành công làng Thần Kỳ thứ 2 trên thế giới.

Theo tiếng gọi, hai thanh niên ưu tú của Kawakami là Masahito Shinohara (34 tuổi) và Takaya Hanaoka (35 tuổi) đã đến Lâm Đồng vào cuối năm ngoái.

Ở đây, Masahito Shinohara và Takaya Hanaoka đã khẳng định họ chính là những nông dân giàu kinh nghiệm nhất. Sáng sớm, Masahito Shinohara và Takaya Hanaoka đã ra vườn cùng với công nhân Việt Nam. Khi thì đi sau máy cày nhặt nhạnh từ viên sỏi, gỡ từng miếng đất, gom từng sợi cỏ, lên luống xuống giống…

Họ cùng công nhân Việt Nam cần mẫn làm việc không quản dầm mưa dãi nắng. “Làm nông nghiệp tất nhiên là vất vả rồi nhưng chúng tôi rất tự hào vì đang góp phần kiến tạo một làng Thần Kỳ ở đất nước các bạn” - Masahito Shinohara tâm sự.

Hay tin người Nhật lập làng Thần Kỳ, cô gái Nguyễn Phượng Hoàng (24 tuổi), đang có việc làm ổn định trong ngành xuất nhập khẩu ở TP.HCM với lương 8 triệu đồng/tháng cũng xin nghỉ việc để lên Lâm Đồng theo người Nhật học cách làm rau sạch. Phượng Hoàng cho biết, chị muốn làm giàu bằng cách học ý chí tự lực tự cường, lao động nghiêm túc, có tính kỷ luật cao, nhất là cách làm rau công nghệ cao từ người Nhật.

Kết quả lao động không phụ sức người, tháng 4.2014, sau 70 ngày gieo trồng, lứa rau xà lách Mỹ trồng thử nghiệm đầu tiên tại làng Thần Kỳ Việt Nam đưa ra thị trường với thành công ngoài mong đợi. Ông Hironori Tsuchiya cho biết, 5.000m2 rau xà lách Mỹ của làng Thần Kỳ Việt Nam đã cho sản phẩm tương đương rau trồng tại làng Kawakami của Nhật, nhiều cây xà lách nặng tới 1,2kg.

Mặc dù giống, vật tư phân bón, công nghệ đều phải nhập từ Nhật và Mỹ nhưng giá thuê nhân công tại Việt Nam rẻ nên chi phí sản xuất rau xà lách tại làng Thần Kỳ Việt Nam vẫn thấp hơn 10% so với Nhật.

Dự án tuyệt vời

Vị đứng đầu làng Thần Kỳ Việt Nam còn cho biết, đây là dự án chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa nông nghiệp cho Việt Nam mà trực tiếp là Lâm Đồng. Cơ hội rộng mở cho mọi doanh nghiệp và cá nhân. An Phú Lacue (đơn vị chủ quản làng Thần Kỳ) sẵn sàng chuyển giao công nghệ trồng rau tiêu chuẩn Nhật cho người có nhu cầu. Hiện có nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình tại Đà Lạt đến đặt vấn đề với An Phú Lacue để được hỗ trợ về mặt công nghệ.

< Thăm quan khu ươm giống của trang trại rau “Làng Thần kỳ”.

Ông Hironosi Tsuchiya cho biết, trước mắt người Nhật đem công nghệ, chuyên gia sang Việt Nam để hướng dẫn người Việt làm nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn Nhật, nhưng về lâu dài họ sẽ đưa nông dân Việt sang học cách làm tại Nhật. Hiện An Phú Lacue xúc tiến tuyển chọn lao động đảm bảo điều kiện để sang Nhật học làm rau công nghệ cao.

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng khẳng định làng Thần Kỳ Việt Nam là dự án tuyệt vời. Cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản tại Đà Lạt - Lâm Đồng được tiếp cận kỹ thuật trồng rau tiêu chuẩn Nhật Bản là điều mơ ước. Lực lượng được An Phú Lacue tuyển chọn đi Nhật sẽ là “chuyên gia” tiên phong giúp Đà Lạt cải thiện hình ảnh sản xuất nông nghiệp.

< Ngoài ra, bạn còn có cơ hội thưởng thức những cọng rau tươi ngon ngay tại vườn  mà không cần rửa nữa đấy!

Bao năm nay nông sản Đà Lạt chủ yếu tiêu thụ nội địa, việc đổ bỏ hàng nghìn tấn nông sản mỗi vụ ở Lâm Đồng đã trở thành tình trạng phổ biến. “Công nghệ cao, chất lượng tốt, đầu ra sản phẩm ổn định của làng Thần Kỳ Việt Nam giúp nông sản Đà Lạt đường hoàng bước ra sân chơi quốc tế”– ông Sơn khẳng định.

Chất lượng xà lách trồng ở Đạ Nghịt tương đương rau trồng tại làng Kawakami của Nhật, nhiều gốc xà lách nặng tới 1,2kg. Mặc dù giống, vật tư phân bón, công nghệ đều phải nhập từ Nhật và Mỹ nhưng bù lại giá thuê nhân công tại Việt Nam rẻ nên chi phí sản xuất rau xà lách tại làng Thần Kỳ Việt Nam vẫn thấp hơn 10% so với làng Thần Kỳ bên Nhật. Với đầu ra không giới hạn sản lượng, hiệu quả kinh doanh của An Phú Lacue sẽ khá tích cực từ năm sau, vì giá thành sản phẩm dự kiến sẽ thấp hơn so với ở Nhật từ 20 - 30%.

Theo Dân Việt và nhiều nguồn khác
Thân thuộc như những ngôi nhà sàn của vùng cao nguyên, gần gũi như những không gian sinh hoạt cộng đồng làng xã, chùa Di Đà tỏa ra tinh thần Phật giáo nhập thế, tu hành biệt lập mà không xa cách…

Tạm xa những ồn ào náo nhiệt, những tất bật, lo toan của cuộc sống đời thường, chúng tôi đến tham quan ngôi chùa Di Đà (còn gọi là chùa Đang Đừng, thuộc buông Đang Dừng, xã Đạ Tồn, Bảo Lâm, Lâm Đồng) nằm cách Bảo Lộc khoảng 35 km. Từ trung tâm thành phố Bảo Lộc, chúng tôi đi vào hướng thác Đambri rồi rẻ phải vào Hoa viên Địa Tạng Vương, để đến chùa Di Đà cách đó khoảng 5km đường đất đỏ.

< Chánh điện chùa Di Đà được làm bằng gỗ theo phong cách nhà sàn các dân tộc thiểu số

Bước vào cổng chùa, chúng tôi thật sự sửng sốt bởi hiện ra trước mắt một quần thể kiến trúc rộng hơn 5 hét-ta rõ ràng là nơi tu hành, song được kiến tạo theo phong cách trang nhã với những nếp nhà sàn được làm bằng gỗ kết hợp với nền bê-tông, trên các đầu đao nóc mái gắn phù điêu hoa văn theo mô-típ văn hóa Lạc Việt hoặc những nếp nhà thuộc đồng bào dân tộc Châu Mạ (vùng cao nguyên B’Lao).

< Nhà sàn và nhà thủy tạ nằm quanh hồ An Lạc.

Đặc biệt là hồ nước rộng hơn 2000m2, xung quanh được trồng cỏ hoa tươi tốt gợi lên thi hứng hơn là cảm giác u tịch. Bản thân ngôi chính điện cũng dựng theo lối nhà sàn vùng dân tộc thiểu số với cột gỗ, vì kèo, vách ván nhưng thoáng đãng, giản dị mái thấp và đơn sơ vách gió lùa.

Tượng Phật đặt chính giữa gian mà có cảm giác lộ thiên, như hòa thân bất hoại vào vũ trụ, tỏa tinh thần hỷ xả tới mọi tâm linh, để ngay sau khi dâng hương làm lễ, ta có cảm giác thân thuộc với từng góc nhà.

< Nếp nhà sàn làm nơi cư trú của khách thập phương hành hương.

Điều cảm khái hơn nữa, bao quanh các nếp nhà như Chánh Điện, nhà thờ Tổ, nhà Tăng, trai đường...là những nương chè xanh hay những vườn cây cà phê tươi tốt. Rải rác phía sau dưới những tán cây xanh là những ngôi thiền thất bằng gỗ dành cho các Tăng lữ nghiêm mật tu trì.

Thẳng vào bên trong là ngôi nhà sàn rộng hơn 1000 m2, nơi tiếp khách của nhà chùa, cũng đôi khi dùng làm chỗ lưu trú cho những đoàn khách hành hương từ phương xa đến...

< Chùa Một Cột - biểu tượng VHPG Việt nam được dựng trong khuôn viên chùa Di Đà.

Viếng cảnh chùa Di Đà, chúng tôi như được mở ra cả không gian để khám phá nét hài hòa giữa vẻ đẹp thiên tạo và nhân tạo. Nhờ nhãn quang của một người am hiểu kiến trúc, mỹ quan như Đại đức Thích Đồng Châu, theo thời gian chùa Di Đà dần hiện lên những công trình kiến trúc chuẩn mực. Dù mới tạo dựng từ năm 2005 nhưng kiến trúc chùa Di Đà luôn mang vẻ gần gủi với vùng đất mà nó sinh ra. Đó là những nếp nhà sàn theo phong cách đồng bào dân tộc Tây Nguyên, những nương chè luôn phảng phất mùi hương của xứ trà (Bảo Lộc – Lâm Đồng)...tất cả đều hiện hữu ở một nơi tuy “thâm sơn” nhưng không “cùng cốc”.

< Toàn cảnh hồ An Lạc.

Phải chăng, khi xây dựng ngôi chùa này, vị thầy khai sáng muốn cho du khách thập phương cảm nhận sự bình an, tĩnh lặng khi đến chùa !? Các pho tượng được tôn trí trong khuôn viên chùa hay những hình nhân thuộc người đồng bào Châu Mạ kính tín Phật pháp... hầu hết đều làm bằng xi măng, mang một phong cách độc đáo. Qua những tác phẩm điêu khắc này ta có thể hiểu được cảnh sinh hoạt và đời sống của chư Tăng và Phật tử trong chùa, không khí trang nghiêm của ngôi thiền tự và nếp sống tu hành chân chính của ngôi chùa này.

< Các hình nhân người đồng bào Châu Mạ.

Chư Tăng trong chùa, ngoài vị thầy sáng lập ĐĐ. Thích Đồng Châu, còn lại một vị Tỳ kheo và năm chú Sa Di đều là người dân tộc Châu Mạ đã theo thầy xuất gia học đạo từ nhiều năm nay.

Đại đức Đồng Châu (trụ trì chùa Di Đà) cho biết: “Chùa Di Đà chỉ mới thành lập cách đây gần 10 năm, trước kia là một tịnh thất nhỏ. Đến năm 2013 nhà chùa mới xây dựng lại các công trình để mở rộng thờ tự, lễ bái cũng nhưng đón khách thập phương. Hầu hết Phật tử cũng như chư Tăng đều là người đồng bào Châu Mạ nên các tập tục sinh hoạt đạo pháp ở đây cũng tùy thuận vào văn hóa vùng miền...”

< Đường đá xuống thác phủ sương trong sáng sớm.

Một ngày ở chùa Di Đà là một ngày được sống trọn vẹn trong niềm an lạc của sự tĩnh lặng; một thế giới bình yên. Mọi sự nhiễu nhương của cuộc đời, cái giới hạn bởi không gian và thời gian dường như tan biến, để thay vào đó là sự thanh tịnh, yên bình. Về với chùa Di Đà là tìm về chính mình; nơi đây con người được yêu thương và sẻ chia, được sống cùng với thiên nhiên và nguồn cội.

< Thác Tam Hợp được chảy từ Rừng Thần trong khuôn viên chùa Di Đà.

Khi vầng dương khuất dạng dưới những đồi chè xanh cũng là lúc chúng tôi kết thúc một ngày chiêm bái vườn thiền Di Đà và dạo bước bình an bên dòng suối mát Tam Hợp trong không gian chùa Di Đà.

Tất cả hòa quyện tạo nên một không gian của tuệ giác. Tuệ giác là nguồn khai sáng và đạo diễn cho cuộc đời hướng về giá trị của an vui và hạnh phúc, nơi nào được thắp sáng bằng tuệ giác nơi đó có hạnh phúc, có tình thương và hoà bình…