Tab Từ Khóa "Du lịch Quảng Ngãi"
Showing posts with label Du lịch Quảng Ngãi. Show all posts
(BQN) - Xã Bình Dương (Bình Sơn) là quê hương của nhà thơ Tế Hanh- người nổi tiếng trên thi đàn với những bài thơ về đề tài quê hương. Nơi đây cũng là xã nông thôn mới (NTM) đầu tiên của Quảng Ngãi. Trong chặng đường phát triển, đi lên, Bình Dương vẫn luôn chú ý gìn giữ nét đẹp văn hóa của làng quê biển…

Nghề báo đã cho tôi điều kiện được nhiều lần về với quê hương của nhà thơ Tế Hanh. Mỗi lần đặt chân đến đây trong tôi đều có một cảm giác yên bình của một vùng quê nằm cuối con sông Trà Bồng.

Quê hương của nhà thơ Tế Hanh ba bên bốn mặt đều tiếp giáp với sông nước, nên đã ăn sâu vào trong tâm thức của ông: "Nước bao vây cách biển nửa ngày sông” (Quê hương – Tế Hanh). Con sông Trà Bồng đổ về vùng đất này chia thành hai nhánh ôm lấy đất Bình Dương. Mỗi mùa mưa lũ về lại mang một lượng phù sa, tôm cá về với vùng đất này nên quanh năm cây trái xanh tươi. Chính địa thế ấy đã hình thành nên tính cách thủy chung của người Bình Dương. Khi xa quê họ lại đau đáu nhớ về quê. Như nhà thơ Tế Hanh, những ngày sống trên đất Bắc ông dạt dào nỗi nhớ: "Nhớ bờ tre ríu rít tiếng chim kêu/ nhớ mặt nước chập chờn con cá nhảy” và "nhớ cả những người không quen biết”.

Trong tiết trời xuân, dòng sông Trà Bồng vẫn "nước gương trong soi tóc những hàng tre” nhưng diện mạo thì khác đi rất nhiều. Chiếc cầu Bà Dầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép bắc qua sông vững chắc nối liền hai xã Bình Dương và Bình Thới. Phía bên dưới là chợ Hôm, một thời tấp nập ghe thuyền, được xây dựng khang trang, vững chắc. Mỗi khi chiều xuống trẻ em bơi lội, người lớn hóng mát bên sông trên những con vịt đạp nước. Ông Nguyễn Văn Tin - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương, tự hào: Mỗi một công trình là cả vạn tấm lòng của những người con quê hương thành đạt nơi phương xa. Dẫu những công trình nhuộm màu thời gian, nhưng tất cả đều hòa vào dòng chảy của phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo nên một diện mạo mới, song vẫn giữ hồn quê thơ mộng, hữu tình.

Về Bình Dương hôm nay, chúng tôi bị hút hồn vào chiều sâu văn hóa của  làng quê. Đằng sau mỗi công trình đều hàm chứa những ý nghĩa sâu xa. Xã có 6 thôn thì 5 thôn đã hoàn thành cổng chào, kinh phí do dân đóng góp, đều được đặt tên riêng. Người dân thôn Đông Yên tự hào quê mình có nhà thơ Tế Hanh, nên trên cổng chào cũng đặt vài câu thơ: Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng/ Rướn thân trắng bao la thu góp gió...”; "Màu nước xanh, cá bạc chiếc buồm vôi/ Thoáng con thuyền rẽ sóng vượt ra khơi/ Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá”.

Ông Nguyễn Văn Tý (80 tuổi), người có ý tưởng đặt thơ nơi cổng làng, bộc bạch: "Ai sinh ra cũng có quê hương. Để người đi xa tưởng nhớ, người ở lại tự hào thì việc đặt thơ của Tế Hanh nơi cổng làng là để tự hào, tưởng nhớ ông, đồng thời cũng để nhắc nhở con cháu, gắng sức làm ăn rồi đóng góp cho quê mình”.

Cổng làng Đông Yên được thiết kế xây dựng theo hình dáng chiếc thuyền buồm no gió với khí thế "Hăng như con tuấn mã/ Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”- (Quê hương – Tế Hanh). Đi sâu vào con hẻm, nắng vàng xuyên qua ngôi nhà xưa nơi nhà thơ Tế Hanh cất tiếng khóc chào đời, người làng ai cũng đều tỏ ra tự hào về nhà thơ nên dường như ai cũng thuộc dăm câu thơ của ông...

Theo thời gian, những ngôi nhà thấp bé ngày xưa đã được thay bằng những ngôi nhà kiên cố. Nhưng cứ 10 nhà xây dọc theo sườn đất đều chừa một con đường chạy dọc ra sông nay vẫn thẳng lối đi.

Ông Nguyễn Thanh Dũng – Trưởng thôn Đông Yên, cho biết: Làng làm nghề chài lưới, nên đường ra sông để ra biển là quan trọng. Nghiệp biển đã ăn  sâu vào tiềm thức của bà con. Một bộ phận ngư dân sang làng biển Bình Chánh để đi bạn. Nhiều người chuyển làm nghề trên bờ nhưng vẫn còn gắn với nghề sông nước. Cuối năm, những con thuyền vượt bãi bồi về cập bến yên nghỉ và chuẩn bị cho một mùa biển mới sau Tết.

Thường cuối mùa biển và đầu xuân, ngư dân đến lăng vạn Đông Yên tổ chức lễ Hoàng Nguyên tạ ơn trời biển và làm lễ xuất quân trong năm mới. Trong ngày lễ có hát bả trạo, mô phỏng công cuộc lao động trên biển và cầu mong một năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Tạm biệt Bình Dương trong nắng chiều nhuộm vàng trên sông Trà Bồng. Dòng sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh xa dần theo vòng xe, nhưng ấn tượng về vùng quê yên bình vẫn còn mãi...

Theo Mai Hạ (Quảng Ngãi Online)
(DVO) - Don là loài đặc sản chỉ có ở Quảng Ngãi. Món don làm cho nhiều người khi nghe đến tên cũng phát thèm. Thế nhưng, ít ai được tận mắt chứng kiến con don sinh sống thế nào.

Mời bạn đọc cùng Ngon Sạch Lạ khám phá quy trình bắt và chế biến don - đặc sản Quảng Ngãi.

Don sống ở môi trường nước lợ, dọc sông Trà Khúc và sông Vệ (tỉnh Quảng Ngãi). Loài don thường sống rải rác khắp nơi, lòng sông, bờ sông... và đông đúc nhất là ở khu vực gần các cửa sông. Điểm tập trung sinh sống ưa thích của don là môi trường đất cát. Hầu hết các tháng trong năm đều có don nhưng nhiều nhất là vào mùa hè.

Don nằm vùi trong lòng đất, thường cách mặt đất khoảng 3cm. Khi đào bắt, người dân sẽ phải dùng tay để bới đất tìm don hoặc dùng nhủi tre (loại làm bằng tre, có lưỡi bằng sắt) để nhủi don. Việc đào thủ công bằng tay được thực hiện trên cạn nên không mấy khó khăn với người dân bản địa, nhưng không hề đơn giản cho du khách bởi việc các đầu ngón tay bới liên tục vào lòng đất làm tay bị tê buốt.

Don thường sống tập trung và di chuyển rất chậm nên người bắt có thể đào từ từ. Phần lớn con don thường có sắc màu vàng nhạt, óng ánh. Một số ít có màu đen như màu con trai.

Để đào được nhanh, theo sự hướng dẫn của người dân địa phương, du khách phải dùng tay khoét vào lòng đất một vũng nước dài khoảng 5cm, rộng 3cm. Độ sâu thì tùy thuộc vào chỗ đào so với mép của mực nước thủy triều hiện tại. Sau đó dùng hai tay khoét liên tục về khoảng đất phía trước.

Don đào xong có thể để ngay trên nền đất cát, nhưng khi thu hoạch vào rổ phải cẩn thận, vì một số con sẽ chui vào lớp đất ngay dưới chỗ vừa đặt. Vỏ don rất mỏng, vì vậy khi đào, người khai thác cần chú ý phải thật nhẹ tay, nếu không don sẽ bị vỡ vỏ và chết.

Khi du khách không thế đào bằng tay thì đừng lo vì đã có dụng cụ ngành xây dựng trợ giúp.

Don đào xong được đem về rửa sạch và ngâm nước cẩn thận trong nhiều giờ liền. Để đẩy nhanh quá trình chế biến, người dân địa phương thường cho vào chậu đựng don sống một vài trái ớt cắt nhỏ, hoặc một ít nước vo gạo nhằm làm cho don nhả cặn bẩn trong miệng .

Sau khi ngâm xong, người chế biến sẽ đun nước sôi, cho don sống vào. Tiếp đến, người nấu sẽ đợi don mở vỏ rồi tiến hành lọc nước cốt. Sau đó, người làm chuẩn bị một chậu nước lạnh, đổ don vào rồi tiến hành quá trình tách vỏ và ruột ra làm hai phần khác nhau.

Nước don lại được bắc lên bếp đun sôi, rồi nêm nếm tùy theo khẩu vị người ăn. Ruột don sau đó được bỏ chung vào tô don. Hành tây, hành lá, bánh tráng, ớt tương, ớt hiểm là những thứ không thể thiếu khi ăn don. Don chỉ ngon khi còn nóng.

Theo Kỳ Phương (Dân Việt)