Tab Từ Khóa "Du lịch Kiên Giang"
Showing posts with label Du lịch Kiên Giang. Show all posts

(TTO) - Không ít du khách khẳng định như vậy chỉ sau một lần đặt chân đến hòn Mây Rút, cách thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) hơn 10km về phía tây nam. Không chỉ phong cảnh đẹp, cách làm du lịch của chủ nhân hòn đảo này cũng níu chân khách...

< Nhóm bạn trẻ đưa nhau ra chơi ở hòn Mây Rút.

Bà Bảy Yên (88 tuổi), chủ nhân Hòn Mây Rút, với hơn 50 năm “tuổi đảo”, cho biết không nhớ chuyện làm du lịch tại đây bắt đầu từ lúc nào, nhưng hòn Mây Rút hiện là một địa danh “phải đến một lần” trên các diễn đàn về du lịch.

Vui lòng khách đến...

“Bữa nay con Tám hổng có ở nhà, nó đi nuôi con nó bị tai nạn ở bệnh viện rồi. Mấy cháu muốn ăn gì thì vô bếp tự nấu nghen, chừng nào muốn về thì về, còn cần gì nữa cứ hỏi thằng Bạn”, bà Yên nói khi chúng tôi đặt chân đến hòn đảo này vào buổi trưa. “Con Tám” là bà Phạm Thị Nữ (58 tuổi), cô con gái thứ tám, người sống chung với bà trên đảo, còn “thằng Bạn” là cháu ngoại bà Yên.

< Ông Sáu Hoàng cùng con ruột, dâu, rể, cháu trên đảo Mây Rút.

Khi lần đầu tiên từ Hòn Chông (huyện Kiên Lương) vượt biển ra đây chặt cây dựng lều, mò cua, hái trái dại qua bữa, vợ chồng bà Bảy Yên không thể nào mơ có lúc hòn đảo chơ vơ lại tấp nập khách đến thăm như bây giờ.

Chỉ đến những năm gần đây, sau khi một số du khách đến Phú Quốc mướn đò tìm ra hòn Mây Rút rồi mang về những câu chuyện kỳ bí, những hình ảnh bãi biển xanh biếc và không quên kể nhau nghe về sự hào hiệp, mến khách của gia đình “nữ chúa đảo”, hòn đảo này mới bắt đầu được biết đến nhiều và thu hút khách du lịch tìm đến.

Có khách ghé thăm đảo, bà Bảy Yên sai cô Tám nấu cơm mời khách lót lòng khi đường xa quá bữa. Cá, mực dưới biển bắt lên, rau quả do nhà trồng sẵn trên đảo. Khách ngồi nghe bà Bảy kể chưa hết câu chuyện đời mình thì cô Tám đã bưng cơm lên.

Xong bữa, khách có thể tự do ra vườn hái me hái dừa, xuống biển tắm hoặc cứ thiu thiu trên cánh võng với gió lộng tứ bề và sóng vỗ dưới chân. Khi nào chán, khách từ giã ra về, nếu không muốn về có thể xin ngủ lại để biết thế nào là qua đêm trên đảo. Khách tới không mời, ai chưa muốn đi thì bà không đuổi, luôn tiếp đãi ân cần.

Những cuộc viếng thăm như thế nhặt dần. Ban đầu là khách đi lẻ, rồi sau khách đi thành đoàn. Ái ngại chuyến viếng thăm của mình làm chủ nhân hao cơm tốn của, khách lịch sự gửi biếu ít bạc gọi là phụ tiền cá mắm và cho mấy đứa nhỏ mua quà.

Lúc đầu ít khách, bà từ chối nhưng khi khách đến thường, bà đành nhận để còn trang trải đón khách đến sau. Người tế nhị thì lượng theo bữa cơm mà biếu món tiền tương xứng. Người lần đầu đến chưa quen tính nết gia chủ buột miệng hỏi “bao nhiêu tiền”, bà cười đôn hậu: “Tui tiếp khách chứ buôn bán gì đâu, ở đảo mà, có biết giá cả gì”!

Và cho tới bây giờ, mỗi ngày đều có khách ra thăm, có hôm đến cả trăm người nhưng chưa hề thấy má con bà Bảy nói giá với khách bao giờ. Khách biếu lại bao nhiêu chủ nhà nhận bấy nhiêu, không so đo hơn thiệt, nhưng chắc chắn một điều là nụ cười chưa bao giờ thiếu.

Vừa lòng khách... ở chơi!

Bà Bảy giờ tuổi cao nên chuyện bếp núc tiếp khách gần đây chủ yếu do cô Tám và Bạn đảm đương. Bà thường nằm trên võng lặng lẽ ở hiên nhà, khách đến hai mẹ con cô Tám lui cui trong bếp. Hôm nào khỏe, bà Yên sải những bước khoan thai, dù lưng đã còng, tới bắt chuyện với từng người.

Có tàu ghé bến, cô Tám xuống tận mé nước đón lên, chỉ dãy bàn ghế gỗ đóng chân xuống đất ngoài sân, dưới tán me tán dừa cho khách nghỉ rồi hỏi khách muốn ăn gì để hai mẹ con chuẩn bị. Trên đảo có gà, vịt do gia đình nuôi, có dạo khách đông, gà không kịp lớn, Bạn phải vô An Thới mua gà về thả thêm vào vườn nên khách muốn nấu nồi cháo, xé phay trộn gỏi, kho gừng đều có sẵn.

Cá, ghẹ, mực do Bạn giăng lưới hoặc mua thêm của dân chài xung quanh đem tới mỗi ngày nên lúc nào cũng tươi rói. Khách xách theo con gà, giỏ cua, mớ mực..., nhà chế biến giúp. Khách siêng muốn trổ tài nấu nướng thì sẵn nồi, sẵn bếp cứ tự lăn vào làm theo ý thích. Trên đảo không có bia rượu, khách muốn uống thì tự mang theo, chủ nhà cho mượn thùng nhựa để ướp đá. Chén đũa khách tự vào bếp dọn ra, ăn xong cứ dọn trả vào bếp, sẽ có người rửa sạch.

Còn khách muốn trải nghiệm lặn bắt nhum (cầu gai) dưới rạn san hô, Bạn sẽ cho mượn kính, móc sắt, vợt và chỉ điểm chỗ nào “tụi nó đông” để tha hồ vùng vẫy. Nhum bắt được, Bạn sẽ cho mượn kéo và hướng dẫn cắt gai, đãi ruột và đốt cho lò than, phi cho chén mỡ hành thơm ngậy để khách làm món nướng.

Chính cái không khí đi du lịch như về nhà khiến du khách đến đây cảm thấy thời gian qua quá nhanh, chỉ mong sao nắng chiều đừng xiên ngã vội để được đắm chìm giữa không gian bát ngát biển trời. Chúng tôi từng bắt gặp nhiều đoàn khách xuống tàu khi bóng chiều đã lấp loáng mà bịn rịn không muốn rời xa, cô Tám Nữ và Bạn đứng trên bờ đá ngó theo như tiễn người nhà đi đâu xa lắm.

Cũng có hôm, ống kính của chúng tôi tình cờ ghi được cảnh cô Tám xắn quần vội ào xuống đẩy chiếc tàu, canô của khách bị sóng xô bạt lên bãi đá. Cái cách tiễn khách tự nhiên, hồn hậu đúng kiểu dân Nam bộ không lẫn vào đâu được khiến ai nấy cũng tự nhủ lòng: lần sau lại đến!

Có nhiều du khách đến đây rồi quyến luyến xin ở lại chơi vài ngày. Nhà hẹp, chủ nằm dồn lại nhường giường, trải chiếu, giăng mùng cho khách ngả lưng. Có khi khách ở lại vài người, cánh võng ở hiên nhà thay giường đánh giấc.

Ngày 14-4 vừa qua, khi trở lại nơi này, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Nghiêm (40 tuổi), một du khách từ TP.HCM xuống và đã trọ lại “còn 4 ngày nữa là đủ tháng”.

Trước đó, anh Nghiêm và cả vợ con ra đây chơi. Thấy cảnh sắc hữu tình, chủ nhà mến khách nên tiễn vợ con qua Phú Quốc về trước, anh ở lại vừa nghỉ ngơi vừa tranh thủ thời gian thực hiện chế độ ăn kiêng chữa bệnh gút.

Giữ đảo cho con cháu ở, cho khách ghé chơi

Cách đây không lâu, khi hòn Mây Rút trở thành một điểm đến có tiếng trong giới du lịch, có một doanh nghiệp tìm tới đề nghị được chuyển nhượng lại hòn đảo này. Ngay trong lần đề nghị đầu tiên, nhà đầu tư này đưa ra con số 7 tỉ đồng, sau đó tiếp tục đề nghị gia đình bà Bảy thương lượng nhưng bà đã khước từ.

“Hơn năm chục năm trước, vợ chồng tui ghé vô đây cất chòi ngủ bụi mà ở. Mò từng con ốc, hái từng cọng rau rừng mà sống. Rồi mới phát quang trồng dừa, trồng me, làm rẫy... hòn đảo mới được như bây giờ. Đẻ 16 đứa con chỉ nuôi lớn được sáu đứa. Giờ còn có chỗ này để con cháu lớn lên có chỗ nó ở, có chỗ khách ghé qua chơi chứ sang lấy 7 tỉ rồi đi đâu mà sống” - bà Bảy Yên nói.

Dân Phú Quốc cũng ra Mây Rút du lịch

Không chỉ du khách phương xa, nhiều người dân, nhất là các bạn trẻ, đang sống ngay trên đảo ngọc Phú Quốc với những bãi biển nổi tiếng cũng hồ hởi ra Mây Rút dạo chơi.

Hôm 14-4, chúng tôi gặp ở hòn Mây Rút một nhóm hơn chục bạn trẻ đến trước đang nô đùa, chụp hình đăng Facebook, hết kéo nhau xuống biển lại lên bờ đốt lửa nướng cá. Hỏi ra thì được biết các bạn là nhân viên tại một khu nghỉ dưỡng tại thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc) xuống ca trực, tranh thủ ra chơi.

Lát sau lại một nhóm khác cũng từ thị trấn Dương Đông thuê tàu ra hòn Mây Rút để cùng ca hát, lặn biển bắt nhum.

Gần hơn, có lần chúng tôi tình cờ gặp ông Dương Thanh Vân - chủ tịch UBND xã Hòn Thơm - cùng mấy người bạn cũng đưa gia đình từ đảo Hòn Thơm ở ngay bên cạnh qua Mây Rút vui chơi. “Trong lúc đó đây có chuyện các cơ sở kinh doanh du lịch kiểu đuổi khách như bán giá cao, phục vụ không nhiệt tình, cách làm du lịch có như không của bà Bảy và cô Tám ở hòn Mây Rút trở thành món “đặc sản” níu chân du khách mà hiếm nơi nào có được” - ông Vân nhận xét.

Theo Nguyễn Triều (Báo Tuổi Trẻ), ảnh internet
(VNE) - Bún kèn có mùi thơm đậm chất biển của cá, vị béo nhưng không ngậy của nước lèo hay xôi xiêm dẻo thơm là món ăn bạn nhất định phải thử khi đến vùng đất Kiên Giang. Với 20.000 đồng, bạn có thể thưởng thức món ăn đường phố hấp dẫn.

< Bát bún kèn trông rất hấp dẫn với sự hòa quyện của các loại rau thơm.

Bún kèn

Bún kèn không phổ biến nhưng là món mà nhiều dân Kiên Giang thường chế biến trong mỗi bữa ăn. Nguyên liệu làm nên món bún kèn rất đơn giản, gồm cá, bún và các loại rau thơm.


Cá dùng để nấu bún phải là loại cá lóc đồng, thịt săn chắc và ít tanh. Sau khi làm sạch, cá được cắt thành lát nhỏ, ướp chung với một số gia vị rồi nấu chín, sau đó xay nhuyễn, không để cá nguyên miếng như một số nơi. Thịt cá nhuyễn đem xào cùng với ớt, sả, tỏi cho đến khi khô, bông lên thành ruốc.


Nước dùng cũng phải nấu từ xương cá, cốt dừa, ngũ vị hương và sả để tạo màu và có mùi vị hấp dẫn. Chỉ đơn giản như vậy nhưng món ăn này có vị bùi, mặn mà của cá và vị béo không ngấy của nước cốt dừa.

Tô bún ngon phải được ăn kèm cùng với rau thơm, bắp chuối, dưa chuột, giá hay nộm đu đủ. Bát bún được dọn ra trông đầy đặn, hấp dẫn bởi sự hòa quyện của các loại nguyên liệu. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị rất riêng, đậm đà vị biển.


Bún kèn có giá khoảng 20.000 đồng và thường chỉ bán vào buổi sáng. Khi ăn bạn có thể dùng thêm một chút nước mắm mặn và chút ớt tùy theo khẩu vị.


Xôi xiêm

Xôi nếp dẻo thơm hòa quyện với lớp nhân cốt dừa thơm bùi ăn rất hấp dẫn là món ăn bạn không nên bỏ lỡ khi đến vùng đất này. Nguyên liệu để nấu xôi gồm gạo nếp, trứng gà, đường, bột mì, bột bắp, lá dứa và nước cốt dừa.

Gạo để nấu xôi thường được chọn loại nếp dẻo, thơm, hạt căng mẩy. Gạo nếp được ngâm qua đêm rồi đem đồ cùng lá dứa. Nhân xôi được chế biến từ trứng, đường, nước cốt dừa theo tỷ lệ đã định rồi cho tiếp chút bột mì vào khuấy đều.

Khi đun phải liên tục khuấy đều tay cho nhân chín rồi bắc xuống để nguội. Đợi phần nhân chín, cắt thành từng miếng vuông, ăn cùng với xôi và thưởng thức.

Cắn miếng xôi dẻo thơm, cảm nhận vị thơm ngọt, béo ngậy và thoang thoảng hương thơm của lá dứa, rất thú vị. Mỗi đĩa xôi xiêm thường có giá khoảng 10.000 - 15.000 đồng.

Theo Anh Phương (Vnexpress)
"Ở đây kỳ thú thay có như hầu đủ hết! Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng Sơn, một ít đảo đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có một ít núi đá vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, một ít lăng tẩm của Phú Xuân. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng; một ít Nha Trang, Long Hải" - nhà thơ Đông Hồ.

 “Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình,
Non non nước nước gẫm nên xinh.
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy,
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.
Tiêu Tự, Giang Thành, chuông trống ỏi,
Châu Nham, Kim Dự cá chim quanh.
Bình San, Thạch Động là rường cột,
Sừng sựng muôn năm cũng để dành ”.

Nếu những nhận xét của nhà thơ Đông Hồ về Hà Tiên khiến tôi hình dung và mơ màng về một lần được đặt chân lên vùng đất hội tụ nhiều nét xinh đẹp, kỳ thú như vậy, thì Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích thực sự kích thích tôi phải tìm hiểu về mảnh đất này. Dù là chưa có cơ hội được đi thực tế, nhưng vì lòng yêu mến này, hãy cùng chúng tôi du lịch Hà Tiên thập cảnh qua sách báo trước đã bạn nhé!

1. Đông Hồ ấn nguyệt (trăng soi Đông Hồ - đầm Đông Hồ)

Nằm phía Đông thị xã Hà Tiên, rộng 14km2, từ Hà Tiên muốn vào đầm Đông Hồ chỉ có một cách duy nhất là đi bằng tàu hay “vỏ lãi”. Càng đi vào sâu, đầm Đông Hồ như là một thế giới gần như hoàn toàn cách biệt với nét đô thị hiện đại. Bao quanh diện tích mặt nước rộng lớn là nhiều tầng dừa nước mọc dọc theo các bãi bồi ngập trong nước. Điều kiện tự nhiên này đã tạo nên một bầu không khí trong lành và yên tĩnh đến tuyệt vời.

Tương truyền rằng cách đây 300 năm, Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích, thường tụ hội các thi nhân đến đầm Đông Hồ ngắm trăng và ngâm thơ vào ngày rằm. Vào ngày này trăng sáng và đẹp lung linh nên nhiều “tao nhân, mặc khách” đã đặt cho nơi này cái tên rất lãng mạn “Đông Hồ ấn nguyệt”.

2. Lộc Trĩ thôn cư (xóm Mũi Nai)

Lộc Trĩ thôn cư dựa lưng vào vách núi, nằm dưới những ngọn dừa quanh năm hứng gió biển khơi. Xuyên qua những xóm làng thanh bình, một bên là biển khơi mênh mông, một bên là dải đồi thấp với những đồi cỏ xanh mượt cùng những mảnh ruộng nhỏ xen giữa là những hàng dừa lả ngọn, ta đến với xóm quê mà nay đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long này.

Với bãi biển dài hơn 1km, thoai thoải, nước khá trong so với các bãi biển của miền Tây Nam bộ, hàng năm Mũi Nai đón hàng ngàn lượt du khách đến tắm biển, tham quan

3. Nam Phố trừng ba (bãi Nam sóng lặn, tục danh Bãi Ớt)

Từ trung tâm thị xã đi về phía biển, bãi Nam Phố hiện ra là một vùng biển trời mênh mông, tĩnh lặng. Ở đây có hai bãi tắm là bãi Hòn Heo và Bãi Ớt. Tuy ở cùng một địa điểm nhưng mỗi bãi sở hữu một đặc điểm khác nhau. Bãi Ớt bao la với cát vàng mịn, mặt nước trong xanh. Còn Hòn Heo nằm lọt trong làng chài ven biển cùng tên...

Vẻ đẹp độc đáo có được của Nam Phố là do dãy núi bãi Ớt nhô hẳn ra ngoài khơi tạo thành bức bình phong khổng lồ. Do vậy, dù có vào mùa mưa bão thì biển ở Bãi Ớt vẫn hiền hòa, tĩnh lặng. Đến với Nam Phố, du khách có thể tận hưởng làn không khí dịu nhẹ với gió biển, nước biển trong veo và những con sóng nhẹ nhàng xô bờ.

4. Lư Khê ngư bạc (thuyền đánh cá đỗ bến Vược - rạch Vược)

“Lư khê ngư bạc” là cảnh sinh hoạt của người dân xóm chài rạch Vược. Đây là dòng nước có nhiều cá chẻm được gọi một cách thi vị là “Lư khê”, nhưng người dân thì quen gọi nó với cái tên thật bình dị là “rạch Vược”. Sau những chuyến đi biển, ghe, tàu sẽ về đây trú ngụ, nghỉ ngơi (ngư bạc).

Rạch Lư Khê, xưa có hai nhánh, một nhánh đổ ra biển, một nhánh thông với đầm Đông Hồ. Nơi hợp lại của hai dòng nước tạo thành một ao rộng, nước sâu trong vắt và nhiều cá. Ngược dòng Lư Khê, hai bên là những ngọn núi nhỏ nhấp nhô cùng với những túp lều tranh lúp xúp của dân chài. Về sau, khi quốc lộ 80 được xây dựng, cửa rạch Lư Khê thông ra biển đã bị lấp, con rạch chỉ còn một nhánh trổ ra đầm Đông Hồ.

5. Tiêu Tự thần chung (cảnh chuông chùa tịch mịch - chùa Tam Bảo)

Chùa Tam Bảo nằm ngay trung tâm thị xã Hà Tiên, chùa được thành lập năm 1730, do Mạc Cửu sáng lập để mẹ của ông là Thái Bà Bà tu niệm, bấy giờ gọi là Tiêu Tự.

Sau khi bà mất, ông đã cho đúc một tượng phật với một chuông bằng đồng để thờ và tưởng niệm đấng từ thân. Hiện nay, sau chùa còn ngôi mộ của Thái Bà Bà, xung quanh chùa còn lại bức tường cổ gần 300 năm, họ Mạc đã cho xây dựng để ngăn giặc.

6. Giang Thành dạ cổ (trống đêm Giang Thành - lũy Giang Thành)

Sông Giang Thành bắt nguồn từ Vương quốc Campuchia chảy vào Việt Nam theo hướng Bắc Nam, rồi đổ vào đầm Đông Hồ, trước khi ra vịnh Thái Lan. Chỗ sông Giang Thành và kênh Vĩnh Tế gặp nhau gọi là ngã ba Giang Thành.

Có người cho rằng, tên Hà Tiên là do Mạc Cửu đặt khi ông đặt chân đến đây, vì mến cảnh trần gian nơi đây có nhiều cảnh đẹp, non nước hữu tình, tiên nữ thường xuất hiện trên sông Giang Thành nên gọi là Hà Tiên.

7. Kim Dự lan đào (đảo vàng chắn sóng - núi Pháo Đài)

Kim Dự hay núi Pháo Đài là một ngọn núi nhỏ ở sát vịnh Thái Lan. Núi nằm về phía Tây Bắc bãi biển Mũi Nai. Đây là một trong 10 cảnh đẹp của đất Hà Tiên xưa, từng được Mạc Thiên Tứ ca ngợi qua bài “Kim Dự lan đào” tức đảo vàng chắn sóng. “Suy hình hài như thả ngọc phong”, ý muốn nói Kim Dự như một hòn đảo ngọc, bập bềnh trôi nổi trên biển.

Chung quanh núi có khá nhiều cây phượng vĩ cổ thụ, đỏ rực như màu xác pháo khi hè về. Có một vài cây hoàng lan hoa vàng nhạt tỏa hương ngan ngát khi màn đêm buông xuống.

8. Bình San điệp thúy (núi một màu xanh - núi Bình San)

Núi Bình San hay còn gọi là núi Lăng là một bức tranh phong cảnh tuyệt vời, yên bình và khoáng đạt. Núi Bình San có độ cao hơn 50m, quanh năm luôn tươi tốt một màu xanh. Dưới chân núi Bình San, ao sen hình bán nguyệt chứa nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, được đào từ thời Mạc Thiên Tích đến nay vẫn còn được người dân Hà Tiên sử dụng. Du khách đến thăm núi Bình San, đứng ở trên cao có thể ngắm được toành cảnh Hà Tiên tươi đẹp trù phú. Mọi nét đẹp của Hà Tiên như hòn Phụ Tử, Thạch Động Thôn Vân, thắng cảnh Mũi Nai…đều được thu vào tầm ngắm một cách hoàn hảo. Đây cũng là nơi yên nghỉ của dòng họ Mạc, đứng đầu là Mạc Cửu.

9. Thạch Động thôn vân (động đá nuốt mây - núi Thạch Động)

Thạch động còn được gọi Thạch Động thôn vân (động đá nuốt mây), tảng đá xanh khổng lồ cao 80m nằm giữa một vùng đất rộng. Đứng lưng chừng núi, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thị xã Hà Tiên thơ mộng thu nhỏ, thấy các ngôi làng của người Campuchia dọc biên giới ẩn hiện dưới chân đồi. Chẳng biết tự bao giờ mà người dân Hà Tiên tự hào: Thạch động chính là nơi khởi nguồn của câu chuyện cổ tích “Thạch Sanh chém Chằn” thấm sâu trong ký ức tuổi thơ. Vào trong Thạch Động, thạch nhũ lâu ngày đã tạo những hình thù: “Chằn tinh”, “Cô gái tóc dài” mà dân gian quen ca tụng là Phật Bà Quan Âm…

10. Châu Nham lạc lộ (cò đậu Châu Nham - núi Đá Dựng)

Từ Thạch Động đi thêm 2km thì đến núi Đá Dựng. Đây là ngọn núi đá vôi cao 83m, đỉnh bằng phẳng, bên trong có nhiều hang động đầy thạch nhũ óng ánh như ngọc châu. Núi Đá Dựng cách trung tâm thị xã Hà Tiên khoảng 6km, đến tham quan di tích lịch sử này, bạn như trở về cội nguồn dân tộc, đồng thời khám phá vẻ đẹp kỳ bí của các hang động.

Nằm về hướng Tây - Bắc của tỉnh Kiên Giang, Thị xã Hà Tiên có phía Bắc giáp Campuchia, phía Đông giáp huyện Giang Thành, phía Nam giáp huyện Kiên Lương, phía Tây giáp huyện đảo Phú Quốc và vịnh Thái Lan. Với nhiều danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình, Hà Tiên là trọng điểm về du lịch của tỉnh Kiên Giang và vùng Tây Nam bộ.

Hà Tiên có 3 dân tộc chính là Kinh, Khmer và Hoa. Đây là vùng đất có bản sắc văn hóa rất đặc thù và đa dạng, được hình thành cách đây hơn 300 năm, gắn liền với tên tuổi dòng họ Mạc. Khi Mạc Cửu đến khai phá và quy phục Chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào năm Mậu Tý - 1708 và được Chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong làm Tổng binh Trấn Hà Tiên (tước Cửu Ngọc Hầu và người kế vị là Mạc Thiên Tích - con trai trưởng của Mạc Cửu), đã xây dựng Hà Tiên thành một vùng đất trù phú, phố thị sầm uất, giao thương với nhiều nước, đời sống người dân ấm no, an lạc. Không những vậy, Mạc Thiên Tích còn thành lập và làm Chủ soái Tao đàn Chiêu Anh Các quy tụ nhiều học sĩ, thi nhân đến làm thơ xướng họa, mà ngày nay đã trở thành Lễ hội truyền thống Tao đàn Chiêu Anh Các.

Theo Anh Thư (Quê Hương)