(TTO) - Không ít du khách khẳng định như vậy chỉ sau một lần đặt chân đến hòn Mây Rút, cách thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) hơn 10km về phía tây nam. Không chỉ phong cảnh đẹp, cách làm du lịch của chủ nhân hòn đảo này cũng níu chân khách...

< Nhóm bạn trẻ đưa nhau ra chơi ở hòn Mây Rút.

Bà Bảy Yên (88 tuổi), chủ nhân Hòn Mây Rút, với hơn 50 năm “tuổi đảo”, cho biết không nhớ chuyện làm du lịch tại đây bắt đầu từ lúc nào, nhưng hòn Mây Rút hiện là một địa danh “phải đến một lần” trên các diễn đàn về du lịch.

Vui lòng khách đến...

“Bữa nay con Tám hổng có ở nhà, nó đi nuôi con nó bị tai nạn ở bệnh viện rồi. Mấy cháu muốn ăn gì thì vô bếp tự nấu nghen, chừng nào muốn về thì về, còn cần gì nữa cứ hỏi thằng Bạn”, bà Yên nói khi chúng tôi đặt chân đến hòn đảo này vào buổi trưa. “Con Tám” là bà Phạm Thị Nữ (58 tuổi), cô con gái thứ tám, người sống chung với bà trên đảo, còn “thằng Bạn” là cháu ngoại bà Yên.

< Ông Sáu Hoàng cùng con ruột, dâu, rể, cháu trên đảo Mây Rút.

Khi lần đầu tiên từ Hòn Chông (huyện Kiên Lương) vượt biển ra đây chặt cây dựng lều, mò cua, hái trái dại qua bữa, vợ chồng bà Bảy Yên không thể nào mơ có lúc hòn đảo chơ vơ lại tấp nập khách đến thăm như bây giờ.

Chỉ đến những năm gần đây, sau khi một số du khách đến Phú Quốc mướn đò tìm ra hòn Mây Rút rồi mang về những câu chuyện kỳ bí, những hình ảnh bãi biển xanh biếc và không quên kể nhau nghe về sự hào hiệp, mến khách của gia đình “nữ chúa đảo”, hòn đảo này mới bắt đầu được biết đến nhiều và thu hút khách du lịch tìm đến.

Có khách ghé thăm đảo, bà Bảy Yên sai cô Tám nấu cơm mời khách lót lòng khi đường xa quá bữa. Cá, mực dưới biển bắt lên, rau quả do nhà trồng sẵn trên đảo. Khách ngồi nghe bà Bảy kể chưa hết câu chuyện đời mình thì cô Tám đã bưng cơm lên.

Xong bữa, khách có thể tự do ra vườn hái me hái dừa, xuống biển tắm hoặc cứ thiu thiu trên cánh võng với gió lộng tứ bề và sóng vỗ dưới chân. Khi nào chán, khách từ giã ra về, nếu không muốn về có thể xin ngủ lại để biết thế nào là qua đêm trên đảo. Khách tới không mời, ai chưa muốn đi thì bà không đuổi, luôn tiếp đãi ân cần.

Những cuộc viếng thăm như thế nhặt dần. Ban đầu là khách đi lẻ, rồi sau khách đi thành đoàn. Ái ngại chuyến viếng thăm của mình làm chủ nhân hao cơm tốn của, khách lịch sự gửi biếu ít bạc gọi là phụ tiền cá mắm và cho mấy đứa nhỏ mua quà.

Lúc đầu ít khách, bà từ chối nhưng khi khách đến thường, bà đành nhận để còn trang trải đón khách đến sau. Người tế nhị thì lượng theo bữa cơm mà biếu món tiền tương xứng. Người lần đầu đến chưa quen tính nết gia chủ buột miệng hỏi “bao nhiêu tiền”, bà cười đôn hậu: “Tui tiếp khách chứ buôn bán gì đâu, ở đảo mà, có biết giá cả gì”!

Và cho tới bây giờ, mỗi ngày đều có khách ra thăm, có hôm đến cả trăm người nhưng chưa hề thấy má con bà Bảy nói giá với khách bao giờ. Khách biếu lại bao nhiêu chủ nhà nhận bấy nhiêu, không so đo hơn thiệt, nhưng chắc chắn một điều là nụ cười chưa bao giờ thiếu.

Vừa lòng khách... ở chơi!

Bà Bảy giờ tuổi cao nên chuyện bếp núc tiếp khách gần đây chủ yếu do cô Tám và Bạn đảm đương. Bà thường nằm trên võng lặng lẽ ở hiên nhà, khách đến hai mẹ con cô Tám lui cui trong bếp. Hôm nào khỏe, bà Yên sải những bước khoan thai, dù lưng đã còng, tới bắt chuyện với từng người.

Có tàu ghé bến, cô Tám xuống tận mé nước đón lên, chỉ dãy bàn ghế gỗ đóng chân xuống đất ngoài sân, dưới tán me tán dừa cho khách nghỉ rồi hỏi khách muốn ăn gì để hai mẹ con chuẩn bị. Trên đảo có gà, vịt do gia đình nuôi, có dạo khách đông, gà không kịp lớn, Bạn phải vô An Thới mua gà về thả thêm vào vườn nên khách muốn nấu nồi cháo, xé phay trộn gỏi, kho gừng đều có sẵn.

Cá, ghẹ, mực do Bạn giăng lưới hoặc mua thêm của dân chài xung quanh đem tới mỗi ngày nên lúc nào cũng tươi rói. Khách xách theo con gà, giỏ cua, mớ mực..., nhà chế biến giúp. Khách siêng muốn trổ tài nấu nướng thì sẵn nồi, sẵn bếp cứ tự lăn vào làm theo ý thích. Trên đảo không có bia rượu, khách muốn uống thì tự mang theo, chủ nhà cho mượn thùng nhựa để ướp đá. Chén đũa khách tự vào bếp dọn ra, ăn xong cứ dọn trả vào bếp, sẽ có người rửa sạch.

Còn khách muốn trải nghiệm lặn bắt nhum (cầu gai) dưới rạn san hô, Bạn sẽ cho mượn kính, móc sắt, vợt và chỉ điểm chỗ nào “tụi nó đông” để tha hồ vùng vẫy. Nhum bắt được, Bạn sẽ cho mượn kéo và hướng dẫn cắt gai, đãi ruột và đốt cho lò than, phi cho chén mỡ hành thơm ngậy để khách làm món nướng.

Chính cái không khí đi du lịch như về nhà khiến du khách đến đây cảm thấy thời gian qua quá nhanh, chỉ mong sao nắng chiều đừng xiên ngã vội để được đắm chìm giữa không gian bát ngát biển trời. Chúng tôi từng bắt gặp nhiều đoàn khách xuống tàu khi bóng chiều đã lấp loáng mà bịn rịn không muốn rời xa, cô Tám Nữ và Bạn đứng trên bờ đá ngó theo như tiễn người nhà đi đâu xa lắm.

Cũng có hôm, ống kính của chúng tôi tình cờ ghi được cảnh cô Tám xắn quần vội ào xuống đẩy chiếc tàu, canô của khách bị sóng xô bạt lên bãi đá. Cái cách tiễn khách tự nhiên, hồn hậu đúng kiểu dân Nam bộ không lẫn vào đâu được khiến ai nấy cũng tự nhủ lòng: lần sau lại đến!

Có nhiều du khách đến đây rồi quyến luyến xin ở lại chơi vài ngày. Nhà hẹp, chủ nằm dồn lại nhường giường, trải chiếu, giăng mùng cho khách ngả lưng. Có khi khách ở lại vài người, cánh võng ở hiên nhà thay giường đánh giấc.

Ngày 14-4 vừa qua, khi trở lại nơi này, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Nghiêm (40 tuổi), một du khách từ TP.HCM xuống và đã trọ lại “còn 4 ngày nữa là đủ tháng”.

Trước đó, anh Nghiêm và cả vợ con ra đây chơi. Thấy cảnh sắc hữu tình, chủ nhà mến khách nên tiễn vợ con qua Phú Quốc về trước, anh ở lại vừa nghỉ ngơi vừa tranh thủ thời gian thực hiện chế độ ăn kiêng chữa bệnh gút.

Giữ đảo cho con cháu ở, cho khách ghé chơi

Cách đây không lâu, khi hòn Mây Rút trở thành một điểm đến có tiếng trong giới du lịch, có một doanh nghiệp tìm tới đề nghị được chuyển nhượng lại hòn đảo này. Ngay trong lần đề nghị đầu tiên, nhà đầu tư này đưa ra con số 7 tỉ đồng, sau đó tiếp tục đề nghị gia đình bà Bảy thương lượng nhưng bà đã khước từ.

“Hơn năm chục năm trước, vợ chồng tui ghé vô đây cất chòi ngủ bụi mà ở. Mò từng con ốc, hái từng cọng rau rừng mà sống. Rồi mới phát quang trồng dừa, trồng me, làm rẫy... hòn đảo mới được như bây giờ. Đẻ 16 đứa con chỉ nuôi lớn được sáu đứa. Giờ còn có chỗ này để con cháu lớn lên có chỗ nó ở, có chỗ khách ghé qua chơi chứ sang lấy 7 tỉ rồi đi đâu mà sống” - bà Bảy Yên nói.

Dân Phú Quốc cũng ra Mây Rút du lịch

Không chỉ du khách phương xa, nhiều người dân, nhất là các bạn trẻ, đang sống ngay trên đảo ngọc Phú Quốc với những bãi biển nổi tiếng cũng hồ hởi ra Mây Rút dạo chơi.

Hôm 14-4, chúng tôi gặp ở hòn Mây Rút một nhóm hơn chục bạn trẻ đến trước đang nô đùa, chụp hình đăng Facebook, hết kéo nhau xuống biển lại lên bờ đốt lửa nướng cá. Hỏi ra thì được biết các bạn là nhân viên tại một khu nghỉ dưỡng tại thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc) xuống ca trực, tranh thủ ra chơi.

Lát sau lại một nhóm khác cũng từ thị trấn Dương Đông thuê tàu ra hòn Mây Rút để cùng ca hát, lặn biển bắt nhum.

Gần hơn, có lần chúng tôi tình cờ gặp ông Dương Thanh Vân - chủ tịch UBND xã Hòn Thơm - cùng mấy người bạn cũng đưa gia đình từ đảo Hòn Thơm ở ngay bên cạnh qua Mây Rút vui chơi. “Trong lúc đó đây có chuyện các cơ sở kinh doanh du lịch kiểu đuổi khách như bán giá cao, phục vụ không nhiệt tình, cách làm du lịch có như không của bà Bảy và cô Tám ở hòn Mây Rút trở thành món “đặc sản” níu chân du khách mà hiếm nơi nào có được” - ông Vân nhận xét.

Theo Nguyễn Triều (Báo Tuổi Trẻ), ảnh internet