Làng Đông Sơn xưa thuộc xã Đông Giang, huyện Đông Sơn (Thanh Hoá), nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hoá. Đây là một làng cổ nổi tiếng không chỉ ở xứ Thanh. Địa danh Đông Sơn đã được nhiều nhà khoa học phương Tây biết đến từ thế kỷ trước.
Làng cổ Đông Sơn được liệt vào danh sách 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, nơi lưu lại dấu ấn của một nền văn minh huy hoàng của dân tộc, đó là nền văn minh Đông Sơn.
Làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá là một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ con sông Mã huyền thoại, cạnh cây cầu Hàm Rồng lịch sử, dựa mình vào chân núi Cánh Tiên. Ngôi làng nằm giữa một thung lũng nhỏ, phía trước có cánh đồng rộng màu mỡ, có bến sông tấp nập trên bến dưới thuyền, ba phía của làng được bao bọc bởi những quả đồi đất, núi đá xen kẽ nhau.
Huyền thoại dân gian cho rằng làng Đông Sơn ở vào thế đất có 99 ngọn núi hình con Phượng Hoàng. Ca dao cổ vùng Đông Sơn đã nhắc đến 99 ngọn núi này một cách đầy tự hào:
Chín mươi chín ngọn bên đông,
Còn ngọn núi Nít bên sông chưa về.
Chín mươi chín ngọn đề huề,
Còn ngọn núi Nít chưa về bên đông.
Phía đông của làng là hệ thống núi đất kéo dài từ Ngã Ba Đầu - nơi sông Chu gặp sông Mã chạy theo bờ nam sông Mã. Sông Mã qua hành trình vạn dặm trước khi về với biển cả đã để lại ở đây một cảnh khí ngoạn mục vào bậc nhất của xứ Thanh: Hàm Rồng - núi Ngọc.
Phía nam của làng là hệ thống đồi đất cao có nhiều ngọn trong đó tiêu biểu nhất là núi Cánh Tiên với huyền thoại về những nàng tiên giáng thế.
Phía bắc của làng là hệ thống núi Phượng, núi con Voi có động Tiên và chùa Tiên Sơn. Động Tiên mới được phát hiện gần đây đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.
Làng Đông Sơn có cấu trúc theo kiểu làng thuần nông. Vị thế của làng cho phép phát huy triệt để lợi thế của kinh tế ruộng nước và đất đồi. Hệ thống di tích: đình, chùa, miếu được tạo dựng và phân bố hợp lý tạo nên những cảnh bình dị giếng nước mái đình rất đỗi thân thương.
Từ xa xưa, làng đã có đủ ruộng sâu, ruộng cạn trồng lúa; đất đồi, đất bãi trồng màu; núi đất, núi đá chăn thả gia súc. Người dân chịu thương, chịu khó, cần cù lao động nên cuộc sống nhiều phần no đủ, trù phú và yên bình.
Ít có một làng quê Việt Nam nào có bề dày lịch sử nghìn năm và quá trình phát triển liên tục như làng cổ Đông Sơn. Làng cổ Đông Sơn được xem như một ''niên biểu'' về sự phát triển liên tục từ buổi các vua Hùng dựng nước cho đến thời hiện đại. Theo dòng lịch sử có thể thấy lịch sử của làng gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử vùng đất xứ Thanh.
Tài liệu khảo cổ học cho biết từ thời các vua Hùng dựng nước trên đất Đông Sơn đã hình thành một làng nông nghiệp.
Những chứng cứ văn hoá vật chất được phát triển từ lòng đất làng cổ Đông Sơn từ những bộ nông cụ đa dạng, các loại vũ khí, các loại đồ gốm, đồ trang sức đặc sắc đến những chiếc trống đồng hoa văn tinh xảo... đã cho thấy từ thời kỳ dựng nước Văn Lang, Đông Sơn đã là một làng nông nghiệp hình thành, và phát triển lâu dài và có vị thế trong khu vực.
Phát hiện về di tích làng cổ Đông Sơn với niên đại hơn 2.500 năm đã mở ra chương mới cho việc nghiên cứu văn minh Việt cổ thời dựng nước đầu tiên.
Từ đầu thế kỷ XX Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho một nền văn hoá khảo cổ học nổi tiếng thế giới: Văn hoá Đông Sơn. Văn minh Đông Sơn đã trở thành một nền văn minh tiêu biểu của tổ tiên ta thời kỳ dựng nước, trống Đông Sơn trở thành biểu tượng tài năng trí sáng tạo của người Việt cổ buổi đầu tạo dựng văn minh.
Làng Đông Sơn tưởng như nằm giữa thung lũng, tứ bề là rừng núi. Nhưng nhờ bởi ông cha từ xưa đã có cách bố trí, sắp đặt, quy hoạch hết sức thông thái, khoa học giữa các cụm dân cư, đường ngõ và hệ thống thoát nước; lại thêm thế đất liền mạch theo chiều thoai thoải của núi Rồng nên dù có mưa gió, bão lụt thì làng vẫn được bảo vệ.
Chưa hết, nơi dựng làng là vị trí đắc địa cho phòng thủ và tác chiến nên mọi sự xâm nhập từ bên ngoài có thể được phát giác và ngăn chặn. Cũng vì địa thế ấy nên làng Đông Sơn đã được triều đình phong kiến nhà Lê chọn làm nơi xung yếu. Đồng thời, qua hai cuộc kháng chiến, nhất là “cuộc đụng đầu lịch sử” giữa quân và dân ta với những thần sấm, con ma của đế quốc Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng, cái tên làng Đông Sơn một lần nữa được xướng lên như biểu tượng của sự can trường, anh dũng.
Đông Sơn, cái làng quê điển hình thuần Việt ấy còn lưu giữ cả một hệ thống các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đủ khiến ai sinh ra từ đây cũng tự hào, ai qua đây cũng cảm phục và yêu mến. Người dân sống tuân thủ theo hương ước của làng, với 120 – 130 điều quy định cụ thể về tổ chức hội đồng biểu, quản lý công điền, tang tế, hôn lễ, tế tự, kết chạ...
Làng còn được chia thành nhiều “làng” nhỏ thể hiện một mức sống tinh thần khá cao, với làng Văn – người học chữ Nho, làng Võ – người đi lính, làng Nhạc – người chơi nhạc, làng Hộ - người trông coi Văn Thánh.
Đặc biệt, làng Đông Sơn còn bảo tồn được nhiều di tích liên quan đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo như Văn Thánh, đền Đức Thánh Cả, Phủ Mẫu, Miếu Nhị, Âm Vân tự, Bồ Đề tự, Văn chỉ, Võ chỉ, đình Trung, đền thờ nhà Lê, miếu nhà Bà, văn bia “Tượng Sơn bi ký”...
Lễ, hội làng Đông Sơn cũng đa dạng không kém với lễ Sắp Ấn, lễ Thượng Nêu, lễ Kỳ Yên, lễ Cửu Trùng, lễ Hạ Nguyên, lễ Văn Thánh...; đặc biệt, hội làng diễn ra vào 3-3 âm lịch hằng năm là dịp để tưởng nhớ công ơn người khai sinh xóm làng, cháu con sum họp.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử đến nay làng cổ Đông Sơn vẫn còn giữ được nhiều nét cổ kính của một làng quê nông nghiệp truyền thống. Hiện tại làng Đông Sơn nằm trong khu du lịch Hàm Rồng - điểm xuất phát của hành trình du lịch xứ Thanh.
Các di tích vãn hoá cũng như dấu tích văn hoá Đông Sơn, làng cổ Đông Sơn, đình, chùa, động Tiên, động Long Quang đã trở thành những địa điểm du lịch thú vị.
Theo Thanh Hóa Trong Tôi, ảnh Vietnamnet