Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm với nghi thức, nghi lễ thờ cúng đức vua Miêu Tĩnh, đức vua Cao Quyết, đức thánh Cao Sơn – Quý Minh đại vương, mong ước các đức vua, các thánh thần cùng phù hộ cho mọi người khoẻ mạnh, mùa màng bội thu, gia súc đầy đàn.
Gắn liền với các tích truyền ấy là câu chuyện đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hóa, các trò chơi, trò diễn của người Tày, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn.
Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là “mặt nhọ”. Trước đây, lễ hội Ná Nhèm được tổ chức 3 năm một lần, nhưng từ năm 2012 đến nay, lễ hội được duy trì mỗi năm tổ chức một lần.
< Những người lính tái hiện trong các tích trò được bôi nhọ mặt để biểu diễn.
Trong ký ức của mình, các cụ Hoàng Thanh Tiến, thôn Pá Trí, Hoàng Văn An và cụ Bế Văn Ứng thôn Làng Mỏ, xã Trấn Yên... nhớ lại khi họ còn là những thanh thiếu niên đã được tham gia lễ hội, đóng vai quân lính, trẻ chăn trâu trong đám rước quân, cùng với tài liệu sưu tầm được, lễ hội ngày nay về nội dung cơ bản đã được phục dựng giống như lễ hội truyền thống xưa kia.
Điều đặc biệt của lễ hội Ná Nhèm là những người tham dự phải bôi nhọ lên mặt thể hiện hình dạng của bọn giặc Tài Ngàn khi còn sống. Bởi họ tin rằng làm như thế sẽ đánh lạc hướng hồn ma giặc và không con ma nào biết ai đã diễn lại sự thất bại của chúng trước dân làng mà về bắt, gây tai họa và dịch bệnh nữa.
< Thanh niên trai tráng khiêng kiệu rước Ngài từ đình làng ra miếu Xa Vùn (thờ Đức Thánh Cao Sơn Quý Minh) để cùng vui hội.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, đường vào xã Trấn Yên rất nhộn nhịp, từng dòng người tấp nập đổ về khu vực trung tâm. Lễ hội Ná Nhèm bắt đầu bằng các nghi thức trang trọng gồm: nghi thức tế lễ, cúng lễ; rước long ngai, bài vị thần từ đình Làng Mỏ lên miếu Xa Vùn. Sau đó là chương trình chào mừng lễ hội, ôn lại truyền thống của lễ hội với những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tiếp đến là tục hèm đánh trận và cung tiến lễ vật. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian như: đánh đu, kéo co, đánh cờ tướng, đẩy gậy, đặc biệt có trò diễn kén rể, kén dâu (hay còn gọi là Sỹ - Nông - Công - Thương; Ngư - Tiều - Canh - Mục).
Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức từ rạng sáng cho tới lúc trời tối. Ngay từ sáng sớm, các nghi thức cúng, tế, và rước nước từ miếu thờ đức vua Miêu Tĩnh tại mỏ nước Bó Vằn về đình làng Mỏ; nghi lễ cúng tế tại đình làng Mỏ (thờ đức vua Cao Quyết “Uy Linh Tỉnh Khuê” và miếu Xa Vùn (thờ đức Thánh Cao Sơn, Quý Minh” được các ông mo, ông hội thực hiện nghiêm cẩn.
Những người lần đầu tiên đi hội Ná Nhèm không khỏi ngạc nhiên trước những nghi lễ của đám rước long ngai, bài vị và chương trình đánh đại đao, gươm mác, rước linh vật.
< "Tàng thinh" là linh vật của người đàn ông có chiều dài 1m, đường kính hơn 40cm và nặng hơn 1 tạ, làm bằng gỗ.
Những linh vật cung tiễn không phải là cỗ xôi, con gà, con lợn mà là các loại cây giống và độc đáo hơn còn có Tàng thinh - Mặt nguyệt - linh vật sinh thực khí.
Đến với lễ hội, du khách còn được thưởng thức trò diễn sỹ - nông -công - thương, ngư - tiều - canh - mục (kén dâu, kén rể) và các môn thể thao truyền thống như bịt mắt bắt dê, chơi đu, kéo co, đẩy gậy, cờ tướng... Trước khi kết thúc lễ hội là tiết mục Giáo thiên lôi của các ông tướng, ban bình an, no ấm, phúc lộc cho mọi người.
< Tượng trưng cho người phụ nữ là "Mặt nguyệt", khi 2 linh vật giao hòa tạo sự an bình, sinh sôi trong cuộc sống.
Độc đáo và được nhiều người chú ý nhất có lẽ là lễ rước linh vật sinh thực khí. Tại đây, 6 chàng trai lực lưỡng trong làng sẽ được giao nhiệm vụ khiêng "tàng thinh" tượng trưng cho linh vật của đàn ông. Đây là một nghi thức độc đáo để cầu may mắn, bình an, sinh sôi nảy nở trong lễ hội xuân Ná Nhèm. Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc như: Trò đánh trận tập và cống hiến lễ vật, trò Sỹ - Nông - Công Thương, kén dâu kén rể, đánh đu, đánh cờ....
< Màn múa kiếm, đao mô phỏng lại quá trình chống giặc ngoại xâm của nhân dân.
Lễ hội Ná Nhèm có rất nhiều giá trị mang ý nghĩa lịch sử của cộng đồng dân tộc, lịch sử cư trú tộc người, lịch sử các ngành nghề, phong tục tập quán, các trò chơi, trò diễn và lễ nghi… tất cả như được sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền trong cả nước.
Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa tổng hợp không những chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống mà thông qua các hoạt động đó giáo dục truyền thống, chuyển giao cho các thế hệ tiếp theo những tinh hoa của cộng đồng, của dân tộc.
< Khi "Tàng thinh" và "Mặt nguyệt" được rước vào chân miếu Xa Vùn, nhiều phụ nữ khá bạo dạn tới gần để sờ lấy may.
Nét đặc trưng nổi bật nhất cũng là nét văn hóa tiêu biểu nhất đó là tính cộng đồng và cố kết cộng đồng tộc người. Tính cố kết cộng đồng còn được thể hiện trong mối quan hệ giữa những người trong bản, trong xã được gắn kết lại với nhau do cùng chung tín ngưỡng là thờ Thành Hoàng và Thần Nông và theo quan niệm dân gian của đồng bào Tày - Nùng ở đây thì các vị thần đó là thế lực siêu nhiên và quyền năng cao nhất, nắm bắt vận mệnh và bảo hộ cho cả cộng đồng làng bản.
< Quang cảnh lễ rước từ miếu đình làng mõ sang đến miếu Xa Vùn.
Năm nay, lễ hội Ná Nhèm được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là lễ hội tổ chức điểm của tỉnh. Thông qua lễ hội nhằm phát huy, giữ gìn và quảng bá truyền thống văn hóa của quê hương; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân có dịp giao lưu, sáng tạo các loại hình văn hóa, góp phần duy trì và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sau 4 năm được phục dựng và duy trì tổ chức, lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn ngày càng khẳng định vị trí trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương. Với những giá trị to lớn của lễ hội, ngày 8/6/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 1877/QĐ-BVHTT&DL công nhận lễ hội Ná Nhèm là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Theo Minh Lý (Báo Lạng Sơn) và nhiều nguồn khác.