Tab Từ Khóa "Suối - thác"
Showing posts with label Suối - thác. Show all posts
(BQN) - Yên Tử có rất nhiều tuyến đường hành hương nhưng tuyến hành hương lên Thác Vàng Yên Tử vào tháng 4 có những cảnh đẹp làm say đắm lòng người mà bất cứ ai đến đây cũng nhớ mãi nơi này.

Nằm ở phía Tây chùa Hoa Yên, đi trên con đường lát đá, du khách sẽ bắt gặp một cây cột gắn với tấm biển chỉ dẫn đường chia làm hai hướng: Một hướng dẫn xuống Ga Cáp treo 2 và một hướng chỉ lối dẫn vào Thác Vàng. Bước qua một chiếc cổng được thiết kế khá độc đáo gần gũi với thiên nhiên là con đường dẫn vào Thác Vàng, hai bên là những cánh rừng nguyên sinh xen lẫn những cây cổ thụ cành lá sum suê. Điều đặc biệt gây ấn tượng với du khách, con đường này vẫn còn khoảng chục cây xích tùng cổ ven đường có niên đại vài trăm năm tuổi, rễ cây trồi lên mặt đất và xuyên qua kẽ đá.

Trên đường đến Thác Vàng, du khách sẽ gặp Thác Ngự Dội, tương truyền là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông ngự tắm. Thác được tạo nên bởi một nhánh của suối Long Khê (Khe Rồng) dẫn nước ngầm từ lưng núi Yên Tử xuống, uốn lượn qua các thềm đứt gãy kiến tạo cách đây khoảng 10 triệu năm vượt qua địa hình dốc đứng tạo thành dòng thác cao hơn chục mét.

Gần thác Ngự Dội có am Thiền Định, xưa kia là nơi toạ thiền của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Đến nay, am xưa không còn, chỉ còn nền am cỏ cây che phủ kín. Từ am Thiền Định, du khách tiếp tục đi sâu vào bên trong phía cuối con đường, đó chính là thác Vàng.

Thác cao khoảng hơn chục mét, xung quanh có nhiều loài cây gỗ lớn, đặc biệt là cây hoa mai và hoa ngọc lan. Về mùa khô, thác nước chảy róc rách. Vào mùa mưa, từ tháng 5-8, cả hai thác Ngự Dội và Thác Vàng có nhiều nước và đẹp nhất vào mùa này trong năm.

Điều ấn tượng đặc biệt với du khách, trên con đường hành hương đến Thác Vàng Yên Tử, thi thoảng du khách sẽ bắt gặp một vài cây mai cao đến hơn chục mét mọc trên những vách đá cheo leo. Đây được gọi là những “Đại lão mai” có đến hàng trăm năm tuổi. Tương truyền rằng, vào thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông sau khi lên núi Yên Tử tu hành đã cùng các phật tử trồng cây mai vàng. Những cây mai được trồng ở khắp nơi trên núi Yên Tử sau hàng thế kỷ đã trở thành rừng mai cổ thụ rộng lớn.

Theo các nhà nghiên cứu, cùng với tùng, mai cũng là loại cây gắn liền với quá trình tu hành của các nhà sư, được đưa về Yên Tử từ thời Trần. Vì vậy, cây thường mọc trên những tuyến đường hành hương dẫn đến các di tích, chùa tháp nơi đây. Bây giờ, rừng mai cổ thụ không còn nữa nhưng trên đường hành hương lên chùa Đồng - Yên Tử, du khách vẫn thoáng gặp những “Đại lão mai” ẩn mình trên những vách núi.

Giữa tháng 4, con đường dẫn vào Thác Vàng, Yên Tử, ta vẫn bắt gặp những cây mai vàng nở rộ. Hoa mọc thành chùm lớn, từng bông xoè rộng 5 cánh to vàng rực, nụ hoa mập, lộc xanh biếc, thu hút nhiều ong đến hút mật và đặc biệt, hương thơm dịu thanh khiết.

Thoạt nhìn, mai vàng Yên Tử có nhiều nét giống với mai vàng miền Nam, cũng mang sắc vàng rực đặc trưng, bông lớn và có hương thơm. Tuy nhiên, có lẽ do sinh trưởng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Bắc, trong rừng già trên núi cao, thân cây mai vàng Yên Tử mang vẻ cứng cáp gân guốc hơn, mai nở muộn hơn.

Vào tháng này, con đường hành hương lên Thác Vàng Yên Tử đẹp như tranh vẽ, ánh mắt du khách như bị cuốn theo bởi những thác nước chảy róc rách. Những cây xích tùng cổ thụ, những đốm vàng tinh khiết của bông mai vàng ven đường hoặc trên những triền núi phía xa đem lại cho du khách những ấn tượng độc đáo khi về với non thiêng Yên Tử. Quả thật, đến Yên Tử không chỉ là đến với những kiến trúc và lịch sử Phật giáo mà còn đến với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Theo Cẩm Thu (Báo Quảng Ninh)
“Ăn cơm Mường Quạ, thưởng cá sông Giăng” - câu nói đã trở nên nổi tiếng ở miền Tây xứ Nghệ. Ai đã một lần tới đây hãy dành thời gian ghé thăm dòng sông nổi tiếng này, để thưởng ngoạn cảnh sắc rừng núi hoang sơ, trải nghiệm cảm giác đi thuyền trên đá, thăm những bản làng Đan Lai và ăn món cá Mát nổi tiếng.

< Một đoạn sông Giăng ở Mường Quạ.

Sông Giăng là con sông dài, chảy trong quần thể Vườn Quốc gia Pù Mát, được quy hoạch trở thành một địa điểm du lịch sinh thái tự nhiên của xứ Nghệ. Theo những người lái thuyền, thời điểm khách du lịch đến với sông Giăng đông nhất là những ngày tháng 5, tháng 6. Đây là lúc khắp dải đất miền Trung chìm trong nắng hạ nhưng khi du thuyền, tắm mát trên dòng sông Giăng thì mọi cái ngột ngạt, oi bức mùa hè đều như tan biến.

Ngồi thuyền ngắm sông Giăng thơ mộng

Hành trình bắt đầu từ đập Phà Lài (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) cách trung tâm thị trấn Con Cuông chưa đầy 20km. Khách du lịch sẽ được những người lái thuyền bố trí ngồi trên những con thuyền bán độc mộc với động cơ là những chiếc máy nổ công suất lớn.

Người lái thuyền sẽ không quên nhắc nhở du khách mặc áo phao, bởi lẽ dòng sông tuy hiền hòa nhưng cũng khá dữ dội, có nơi rộng tới 400 - 500m, nước sâu tới 15m, chảy xiết chẳng kém cửa biển sông Lam. Nhưng càng lên thượng nguồn, lòng sông càng hẹp, có những chỗ hẹp chỉ ngang một con suối nhỏ, nước chảy hiền hòa và khách có thể dừng chân lội suối chụp ảnh.

Sông Giăng là con sông dài, nằm trong quần thể Vườn Quốc gia Pù Mát với hệ sinh thái phong phú và đa dạng bậc nhất Việt Nam. Du thuyền ngược sông Giăng kéo dài khoảng hai tiếng với chặng đường dài 20km đi sâu vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Phù Mát nơi có các bản của người Đan Lai sinh sống - một trong những dân tộc thiểu số, sống nơi sơn cùng thủy tận.

Sau khi hướng dẫn hành khách, bác Thu dùng cây sào đẩy thuyền rời bến, rồi nhẹ nhàng kéo dây khởi động máy nổ. Tiếng động cơ nổ sình sịch, chân vịt chém nước trắng xóa đẩy thuyền lướt đi trên mặt nước đưa du khách ngược dòng sông Giăng.

Thả hồn trên sóng nước, du khách có thể ngắm vẻ đẹp hoang sơ mà rất kỳ vĩ của núi rừng miền Tây xứ Nghệ. Những ngôi nhà sàn lưa thưa xen giữa những ruộng ngô, ruộng lúa xanh tươi của dân bản nơi cuối nguồn; những ngọn núi cao mà ngửa mặt lên đỉnh trời mới thấy ngọn; những cây cổ thụ mọc chòi trên vách đá xõa tán về phía dòng sông. Có đoạn nước sông trong đến mức có thể nhìn rõ từng đàn cá đang tung tăng bơi lội dưới dòng sông.

Ngồi trên thuyền lướt đi êm ái giữa dòng sông, ai cũng lặng đi trước vẻ đẹp tự nhiên của núi non sông nước thanh bình…

Du thuyền trên… đá

Khi thuyền bắt đầu đi vào những đoạn cong cua vòng theo chân núi, từ xa đã nghe tiếng nước xối vào ghềnh đá tạo ra những tiếng ầm ầm dữ dội lấn át cả tiếng máy thuyền. Phía trước mặt là một khúc cua tay áo, lởm chởm đá chặn gần như kín lòng sông, báo hiệu thuyền chuẩn bị vượt ghềnh.

“Chuẩn bị ngược dòng!”, sau tiếng hô, người lái thuyền nhanh tay bóp chặt cò ga lấy đà, đồng thời kéo mạnh cần lái ghì sát bên hông để đưa thuyền vào đúng lạch. “Kịch”, mũi thuyền chạm đá rồi bềnh lên hướng thẳng vào khe nước hẹp. Mọi người hét lên vì sợ lật. Lúc này, bên dưới lớp nước cuộn chảy chưa đầy gang tay, có thể thấy rõ những viên đá suối to bằng nửa cái bàn đang trực chờ con thuyền nhỏ đi tới…

Đây mới chỉ là thác đầu tiên của hành trình, có ít nhất hơn chục ghềnh đá như thế, nhiều chỗ còn hẹp và cạn nước hơn nhiều. Du khách ai mới đi lần đầu đều thấy sợ, nhưng qua vài cái thác, đến khi quen rồi, lại tỏ ra thích thú.

Trên hành trình, khi thì mũi thuyền dựng 450 vượt ghềnh, lúc thì lịch kịch trượt trên ghềnh đá, có lúc thuyền đâm mạnh vào ngầm đá như muốn vỡ. Mạo hiểm nhất là đoạn thuyền qua khe Lẻ, một dòng nước siết chảy mạnh trên mặt đá dốc, thuyền nổ hết công suất mới trèo lên được gềnh. Những lúc như vậy, du khách ngồi trên thuyền không tránh khỏi cảm giác vừa hồi hộp vừa lo sợ, khi thì run rẩy vì bị nước xối tràn mạn thuyền, lúc lại hào hứng hò reo khi thuyền vượt được dòng thác dữ.

Chia sẻ kinh nghiệm lái thuyền trên ghềnh đá, người lái thuyền cho biết: Lúc vượt ghềnh phải rà chân vịt theo mớn nước trên mặt đá, nếu quá nông không đủ lực đẩy thuyền vượt thác, còn lỡ đẩy sâu chân vịt chạm đá xe bị gãy, nước đẩy ngược gây chìm thuyền…

Thăm tộc người ít nhất Việt nam

Đến đầu Khe Cọ, biết trước đoạn này nước cạn, thuyền chở khách nặng không vượt được, các lái đò tấp thuyền vào bờ suối để khách đi tắt lên đầu dòng, còn mình tự tay chèo lái con thuyền vượt dòng. Sông Giăng thoạt nhìn có vẻ hung dữ nhưng vốn rất hiền. Đoạn nước sâu thì hiền hòa, tĩnh lặng, nước chảy xiết thì mực nước chỉ ngang đùi. Mỗi năm chỉ có hai tháng là tháng 9 và tháng 10, nước lũ từ thượng nguồn bên Lào đổ về là không đi được.

Du thuyền sông Giăng, ngoài khoảng thời gian trải nghiệm cảm giác mạnh khi đi thuyền ngược dòng sông Giăng, du khách còn được đến thăm bản làng người Đan Lai, tìm hiểu cuộc sống của một trong những dân tộc ít người và sống hoàn toàn biệt lập với cộng đồng.

Tại đây, du khách được thăm các ngôi nhà sàn cheo leo giữa lưng núi, sườn đồi, được tìm hiểu tập quán của người bản địa, được giao lưu cùng với các chiến sỹ bộ đội biên phòng Khe Khặng, thưởng thức các món ăn đặc trưng như: Cá lăng nấu chua, canh rau rừng, măng rừng chấm muối... Và một món ăn đặc biệt dễ gây nghiện, đó là món cá mát kho muối ớt, tiêu rừng. Nó có vị ngon, ngọt đặc trưng bởi nước thượng nguồn sông Giăng.

Sau khi thăm đồng bào dân tộc Đan Lai, du khách có thể tự do thăm các bãi đá suối tự nhiên, tắm nước sông Giăng hay thỏa thích chụp hình bên những thềm đá có tán cây rừng tuyệt đẹp. Trước khi trở lại thuyền trải nghiệm cảm giác chạy xuôi dòng thác, trượt thuyền trên đá cạn...

Văn Thanh (Báo Giao Thông)
Nằm sâu trong rừng thẳm, thác Păng Tiêng còn được gọi bằng cái tên khác là thác Bảy tầng, thuộc thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Thác vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ nguyên thủy từ hàng trăm năm qua do chưa đưa vào khai thác du lịch nhiều.

Thác Păng Tiêng cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 25 km. Đoạn đường chinh phục Păng Tiêng không hề dễ dàng như những tour du lịch nghỉ dưỡng. Muốn tới đây, bạn sẽ theo đường đến Suối Vàng rồi vào xã Lát, tiếp tục băng qua nhiều khúc cua quanh co, những con đường lổn ngổn đá hộc, những con dốc cao ngất cạnh vực sâu thăm thẳm đầy nguy hiểm.

Các phương tiện sẽ chạy sâu vào rừng với những con đường mòn có bề ngang chỉ chừng hơn nửa mét mới đến được thác. Chính vì thế, xe máy và xe đạp thể thao leo núi chính là hai phương tiện thích hợp nhất dành cho người lữ hành tìm về Păng Tiêng.

Trong quá trình di chuyển đường rừng, có thể sẽ gặp rất nhiều loại côn trùng nên bạn đừng quên các loại thuốc đặc trị, quần áo dài tay trong hành trang của mình. Bên cạnh đó, mang theo đồ ăn, nước uống cũng là điều không thể bỏ qua vì một khi đã vào rừng, thì sẽ chẳng có hàng quán nào đáp ứng điều đó cho bạn đâu.

Sau khi để xe đi bộ, bạn phải leo xuống những con dốc dứng để đến với Păng Tiêng, một góc khung cảnh của khu vực quanh thác. Qua hết những con dốc này, bạn sẽ nghe rõ hơn thanh âm của dòng nước đang ào ào đổ xuống phiến đá được bao phủ bởi rừng cây xanh thẳm, đó chính là Păng Tiêng.

Dòng thác tung bọt trắng xóa như mái tóc của tiên nữ đang xõa xuống làm say đắm ánh mắt người ghé thăm. Hương rừng hòa quyện trong hơi nước mát lành, phả vào hồn ngất ngây một khoảng mộng mơ, xua tan đi hết những nhọc nhằn vừa trải qua. Từ đây, bạn có thể hạ trại nghỉ ngơi để bắt đầu hành trình khám phá.

Với cao độ khoảng 20 mét thác, thác như một dải lụa trắng nằm sâu giữa đại ngàn. Vào mùa mưa, nước lớn tỏa ra hai bên bờ đá thấy rõ 7 tầng thác trắng xóa nên bà con gọi là "thác 7 tầng”. Thời điểm chúng tôi đến là đầu tháng 4, đang mùa nắng hạn nhưng thác vẫn tuôn trào trắng xóa thành dòng lớn.

Điều đặc biệt là dù bị nước chảy xói mòn, đá trên bề mặt của thác lại  được cắt gọt thật vuông vắn, với mỗi bậc cao từ 1 đến 2 m. Bạn sẽ có cảm tưởng như chỉ cần trèo lên hết từng bậc thang đá ấy thì tay có thể chạm tới cánh cửa thiên đường ẩn hiện trong màn nước bạc.

Vì nơi đây chưa được khai thác nên mọi thứ còn rất hoang sơ. Do vậy, nếu bạn muốn băng qua thác thì phải xuôi về hạ lưu, nơi dòng chảy chậm và có nhiều bậc đá để nhảy qua. Hãy cẩn thận vì những phiến đá khá trơn, dễ bị trượt ngã. Vậy nhưng dòng suối và phía bờ bên kia cũng ẩn chứa nhiều điều khác lạ sẽ khiến bạn thích thú.

Nếu là người ưa xê dịch, muốn cảm nhận hết phong vị Păng Tiêng mang lại thì đừng chân chừ rủ rê bạn đồng hành của mình cắm trại qua đêm. Còn gì thú vị hơn được nghe tiếng nước thác hòa cùng rừng thông xào xạc trong gió và bầy chim cất lên bản hòa tấu đặc biệt ru ta vào giấc ngủ.

Một số bạn trẻ được bạn bè địa phương hướng dẫn để khám phá nơi này và hạ trại, chuẩn bị bữa trưa bên dòng thác. Việc khám phá những điểm đến mới luôn hấp dẫn những ai yêu thích phiêu lưu mạo hiểm say mê.

Tuy nhiên việc bảo vệ môi trường có ý nghĩa quan trọng để những điểm đến mới luôn giữ được vẻ hoang sơ, quyến rũ. Do vậy, bạn hãy nhớ những gì bạn đem đến đây thì dứt khoác sẽ đem về đủ - chỉ lấy đi những bức ảnh và để lại những dấu chân, bạn nhé!

Tổng hợp từ Ihay và nhiều nguồn khác
Sau tai nạn nghiêm trọng khiến 3 du khách nước ngoài gồm 2 nữ và 1 nam tử vong tại hạ lưu thác Datanla (chắc các bạn đã biết qua các báo) ngày 26/2, các hoạt động du lịch mạo hiểm tại thác này đều phải tạm dừng mặc dù các khách trên tự mạo hiểm ngoài tour (không có dây an toàn, vào khu vực cấm). Lý do ngừng các hoạt động mạo hiểm vì sau vụ tai nạn nghiêm trọng trên, các hướng dẫn viên đều bị sốc, cần phải có thời gian để họ ổn định về mặt tâm lý.

Cứ ngỡ tai nạn trên là một lời cảnh tỉnh với tất cả các du khách khi tham quan các thác nước, vậy nhưng đến 15 giờ ngày 28.2, một du khách nước ngoài lại mất tích tại thác Pongour (xã Tân Thành, H.Đức Trọng, Lâm Đồng).

Theo ban quản lý khu du lịch thác Pongour, khách này đi xe ôm đến thác, tùy tiện vào cổng không chịu mua vé và đi thắng xuống thác. Lúc đó dưới chân thác có khoảng 15 du khách đến từ tỉnh Đồng Nai đang vui chơi chứng kiến du khách nước ngoài cởi quần áo, giày dép lao xuống hồ nước dưới chân thác tắm.

Ít phút sau thấy du khách nước ngoài chới với, nhóm du khách Đồng Nai đã lao xuống cứu nhưng bất thành. Nhóm du khách cấp báo cho Ban quản lý khu du lịch. Ban quản lý cử người xuống cứu nạn, nhưng do hồ nước sâu và lạnh nên chưa tìm thấy du khách.

Sau đó, các cơ quan chức năng đến hiện trường. Qua lục soát ba lô của người khách để lại, bước đầu xác định du khách mất tích tại thác Pongour 26 tuổi, quốc tịch Belarus, nhập cảnh vào VN ngày 16.2.
Đến tối ngày 28, lực lượng cứu hộ cứu nạn của tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân (Thanh Niên).

Thác nước là những cảnh đẹp hùng vĩ, lôi cuống. Tuy nhiên, bạn hãy cẩn thận nhé: chỉ một cú trược chân trên vách cheo leo hay hụt chân khi tắm là có thể gây nên tai họa rồi. Lưu ý đây là mùa khô, lưu lượng nước đổ của các thác ít hơn mùa mưa nhiều đó nhé.
Mình chỉ khuyên các bạn cẩn thận, còn những thác nước: càng hoang sơ thì càng mê hoặc ngay cả với mình - Điền Gia Dũng này vẫn rất thích khám phá các thác nước!
(TTO) - Từ bài viết trên trang du lịch báo Tuổi Trẻ - Tây nguyên mùa lá rụng, tôi quyết định đi một vòng Tây nguyên và đã gặp hai mảng màu trái ngược trên một ngọn thác.

< Thác Draysap giữa trời xanh và nước xanh.

Sáng sớm mùng 1 tết, khu vực thác Draysap im lắng, gần như không một bóng người.

Mùa khô, dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng không quá dữ dội để tạo thành những đám mây bụi nước bay là đà như sương khói, nhưng cũng đủ đọng lại thành một hồ nước trong trẻo, in hình bóng mây trời, bóng lá, bóng cây…

< Những cây cổ thụ đang thay lá in hình lên nền trời xanh quanh thác Draysap.

Mùa khô ở đây cũng đầy những tán cây cổ thụ trụi lá giơ cành khẳng khiu lên trời trong khi trời Tây nguyên thì xanh một màu mênh mông. Nhưng nhờ có nước, nên chen trong những thân cây trụi lá, vẫn còn một số cây còn giữ lại những tán lá xanh mướt.

< Cây khô cành trụi lá quanh thác Draysap.

Rồi đối lập với nhau là những mảnh xanh mướt của một số cây cổ thụ và các loài cây tán thấp tạo ra một bảng màu cây lá khác biệt nhau.

< Draysap mùa lá rụng.

Draysap nằm trên dòng chảy của sông Sêrêpốk, thuộc xã Nam Hà, huyện Krông K’nô, Đắk Nông, cách thành phố Buôn Ma Thuộc 30km về hướng Nam.

< Một mảng màu xanh xen lẫn màu khô cháy ở thác Draysap.

Theo tiếng dân tộc Êđê, Draysap có nghĩa là thác khói (dray là thác, sap là khói) vì dòng nước hùng vĩ từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối lớn bụi nước bay là như màu sương khói.

< Màu xanh ở thác Draysap.

Nhưng Draysap còn có tên gọi nữa là thác chồng, và cách đó không xa là thác Draynur (thác Vợ), thuộc Đắk Lắk.

< Giữa mùa khô, vẫn có cây cối vẫn đâm chồi nảy lộc ở thác Draysap.

Từ lâu, cụm thác Draysap - Gia Long - Trinh Nữ nằm trên địa bàn hai huyện Cư Jút và huyện Krông Nô, với diện tích khoảng 1.655ha, đã trở thành điểm tham quan du lịch tại Đắk Nông.

Tuy nhiên, khi được đưa vào khai thác du lịch, cụm thác Draysap - Gia Long - Trinh Nữ mất dần vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, mộc mạc hoang sơ vốn có. Và sau mỗi lần lễ hội tràn ngập du khách, chung quanh thác lại tràn ngập rác.

Cũng may khi chúng tôi đến, khu vực thác đã được dọn dẹp sạch sẽ. Và ngày đầu năm thác vô cùng vắng để một khách nhàn du như tôi có thể thỏa mãn ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của một dòng thác nhuốm màu tình cảm, như truyền thuyết về một mối tình đẹp của đôi nam nữ bị chia cắt giữa một dòng chảy mênh mông.

Theo Cao Cát (Tuổi Trẻ)
(BDL) - Đứng sừng sững và hùng vĩ giữa núi non trùng điệp, nước từ trên cao đổ mạnh xuống, bọt tung trắng xóa, thác Khe Kèm (còn gọi là thác Kèm, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) được xem như một kỳ thú của thiên nhiên ban tặng cho Vườn quốc gia Pù Mát…

Cách thị trấn Con Cuông khoảng 25km, men theo con đường ngoằn ngoèo uốn lượn, thác Khe Kèm hiện ra nguyên sơ. Con đường vào thác quanh co, uốn lượn và gập ghềnh. Có thể điều đó sẽ làm du khách nản lòng nhưng với những ai vượt qua được chặng đường để được tận mắt chiêm ngưỡng một tạo vật thiên nhiên dành cho Pù Mát hẳn người đó sẽ không cảm thấy tiếc nuối.

Trên đường vào thác Khe Kèm, hai bên bờ cây cối rậm rạp, đậm vẻ hoang sơ với điểm nhấn là dãy núi đá vôi hùng vĩ, điểm xuyến những màu sắc sặc sỡ của các loài phong lan và tiếng nước gọi mời. Tiếng nước chảy ở đập Phà Lài (hoa của trời), ở màu đỏ như phượng vĩ trên những tán cây hai bờ sông Giăng.

Một điều kỳ lạ gần như hiếm có ở Pù Mát là trên những chiếc thuyền nhỏ rẽ sóng trên sông Giăng, du khách như được trở về với thiên nhiên đích thực, nơi con người chỉ là một phần nhỏ bé của thiên nhiên. Rất nhiều nhà khoa học khi nghiên cứu tại đây đã khẳng định Khe Kèm là thác nước gần như nguyên sinh nhất ở Việt Nam.


Từ độ cao hơn 500m, độ dốc khoảng 800, nước từ trên cao đổ mạnh xuống qua ba thang bậc, tung bọt trắng xóa. Nước từ trên cao đổ xuống, bụi nước bay lên táp vào da thịt mát lạnh. Nhìn từ xa thác Khe Kèm trông như dải lụa trắng trên nền xanh thắm của Vườn quốc gia Pù Mát…. Có thể bởi thế mà người Thái sinh sống nơi đây gọi thác Khe Kèm là thác Bổ Bố, có nghĩa là dải lụa trắng.


Từ chân thác nhìn lên, du khách như có cảm giác dòng suối tuôn chảy bất tận trong những dải bọt trắng xóa, chẳng khác một dải lụa trắng buông dài bất tận.Hòa trong màu trắng kỳ ảo đó là dòng suối trong vắt, mát rượi cùng tiếng ca của muôn loài chim. Phía trên và hai bên thác là cả một thảm thực vật với hàng trăm loài hoa quanh năm khoe sắc.

Theo chia sẻ của một “phượt thủ” đã đến đây nhiều lần và nhiều mùa trong năm, mỗi mùa có một loài hoa nên tạo cho du khách có cảm giác như lạc vào vườn hoa đại ngàn.Dưới chân thác là khe nước dài với những phiến đá phẳng lỳ như những chiếc bàn lớn làm chỗ nghỉ chân cho du khách.Nhiệt độ cao nhất ở khu vực thác vào mùa hè chỉ khoảng 200C nên nơi đây là địa điểm khá lý tưởng cho những ngày hè.


Du khách có thể men theo đường mòn lên đỉnh thác, thỏa sức ngắm cảnh núi rừng, thỏa thích vui chơi bên dòng thác để tận hưởng không khí mát mẻ và môi trường trong lành của tự nhiên, rồi uống rượu cần, ăn cơm lam hay xem những điệu múa Lăm của đồng bào dân tộc Thái.


Từ đây du khách cũng có thể đi ngược lên thung lũng Khe Bu hoặc đi bộ leo núi Pu Loong - một ngọn núi cao ở Vườn Quốc gia Pù Mát (thời gian đi về mất khoảng từ 6-8 tiếng). Hiện nay đã có một con đường trải nhựa từ thị trấn Con Cuông đến thác Khe Kèm. Tại đây đã có một số cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phục vụ du khách. Thác Khe Kèm là điểm du lịch thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài.

Theo Nguyễn Nam (Báo Du Lịch)
(NLĐO) - Quảng Nam có 2 dòng sông lạ là sông Tiên nước chảy ngược dòng và sông Trường Giang chảy song song với biển, không hề có thượng nguồn hạ lưu.

< Một đoạn sông Tiên (Tiên Kỳ - Huyện Tiên Phước - Tỉnh Quảng Nam).

Hẳn ai lên xứ bồng lai Tiên Phước đều đã nghe qua câu thơ “Sông Tiên nước chảy ngược dòng/ Ai về Tiên Phước cho lòng vấn vương". Câu thơ đã khắc họa được nét đẹp say đắm và sự kì diệu của dòng sông Tiên - con sông duy nhất ở Quảng Nam không xuôi dòng về biển.

< Sông Tiên là dòng sông chảy ngược ở Tiên Phước.

Sông Tiên chỉ dài khoảng 6 km, chiều rộng trung bình 100 m thu nước từ các con suối nhỏ đầu nguồn trên địa bàn như suối Bình An (xã Tiên Mỹ) chảy qua thị trấn Tiên Kỳ, suối Cà Đong (xã Tiên Thọ) và nhiều suối, sông con ở các xã ven sông khác như Tiên cảnh, Tiên Cẩm, Tiên Hà... Không giống như những con sông khác đều chảy xuôi theo hướng tây - đông, sông Tiên khởi nguồn từ phía đông, dùng dằng vương vấn chảy ngược về tây, đi qua các làng xã, núi đồi của miền quê trung du Tiên Phước rồi mới nhập vào thượng nguồn sông mẹ Thu Bồn, xuôi về biển cả.

Tự bao giờ, sông Tiên trở thành biểu tượng gắn với hình ảnh đất và người huyện Tiên Phước. Dòng sông cho phù sa, cho nước tưới, cho cuộc sống, cho cả tên gọi của các làng xã trải dọc đôi bờ, được bắt đầu bằng chính tên sông như Tiên An, Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Cảnh, Tiên Kỳ, Tiên Châu, Tiên Hà, Tiên Hiệp…

Ngược dòng con sông Tiên hiền hòa hoang sơ, ta sẽ gặp những khung cảnh thiên nhiên vô cùng kỳ thú. Bãi đá Lò Thung trải dài hàng trăm mét với những con suối róc rách, những thác nước nguyên sơ và hùng vĩ giữa đại ngàn. Dòng xoáy của con nước ngày ngày đẽo gọt, bào mòn vách đá tạo ra những hình thù hết sức kỳ thú. Người dân địa phương vẫn thường kể cho nhau về truyền thuyết dị nhân khổng lồ đắp núi, khơi nguồn nước sông Đá Giăng - Lò Thung. Họ cho rằng, những hòn đá có hình chiếc cối, chày giã gạo, bát, chén ăn cơm, lò nấu là những vật dụng mà “ông khổng lồ” đã sử dụng.

Nơi đây, dấu ấn những ngày tháng hào hùng dưới chiếu Cần Vương của Nghĩa hội Quảng Nam còn in đậm qua các địa danh bên bờ sông Tiên như Thanh Lâm, Dương Đế, bàu ông Trấn, Gò Chay, dốc Miếu… Cùng với việc tham gia phong trào Nghĩa Hội, nhân dân Tiên Phước còn tham gia nhiều phong trào yêu nước như Duy Tân, Đông Du, Việt Nam Quang Phục hội... Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng chủ xướng đã tạo được làn gió cải cách sôi nổi trên đất Quảng Nam.


Hiện nay, đến vùng đất ven bờ sông Tiên không khi nào thiếu những vườn cây ăn quả như lòn bon, bưởi, măng cụt…, cho trái quanh năm bởi nơi đây được thiên nhiên ưu ái với khi hậu mát mẻ quanh năm.

< Sông Trường Giang ở Quảng Nam chảy êm đềm, đẹp như tranh vẽ.

Không ngỗ nghịch như sông Tiên, sông Trường Giang vẽ một đường uốn lượn song song theo gần hết chiều dài bờ biển Quảng Nam, mường tượng như viền áo ôm theo eo lưng mỹ nữ đang nằm. Sông Trường Giang dài khoảng 70 km vắt ngang qua các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên và TP Hội An. Điều khác lạ ở con sông này là nó không có đầu mà cũng chẳng có cuối. Ở hai đầu bắc và nam, sông đều thông với biển. Phía bắc, Trường Giang gặp Thu Bồn rồi cùng ra biển qua Cửa Đại (TP Hội An). Phía nam, Trường Giang hòa với sông Tam Kỳ, An Tân rồi đổ ra biển thông qua Cửa Lở và cửa An Hòa (huyện Núi Thành).

< Sông Trường Giang chảy song song với bờ biển Quảng Nam.

Vào mùa nắng, dòng chảy sông Trường Giang phụ thuộc thủy triều lên xuống. Khi thủy triều lên, nước đổ vào các cửa và chảy theo hai chiều đối nghịch. Mấy chục cây số sông phía bắc nước chảy theo hướng nam, mấy chục cây số sông phía nam chảy theo hướng bắc. Khi thủy triều xuống thì quãng sông phía nam chảy theo hướng nam ra Cửa Lở và An Hòa, quãng sông phía bắc chảy theo hướng bắc ra Cửa Đại. Vào mùa nước lũ, dòng chảy chủ yếu phụ thuộc vào mức nước dâng của hai hệ thống Vu Gia - Thu Bồn, Tam Kỳ - An Tân.

Vẫn bên lở bên bồi theo dâu bể biến thiên, nhưng không như những dòng sông khác, Trường Giang chưa bao giờ hung hãn, chưa bao giờ trở thành hiểm hoạ đối với làng mạc ven bờ. Ngược lại, dòng sông đang nuôi sống hàng vạn con người ở hai bên bờ suốt nhiều thế kỷ qua dù hiện con sông này đang gánh chịu sự xâm lấn, giăng xả của chính con người trong cuộc mưu sinh ngư nghiệp và cuộc phát triển công nghiệp hiện đại.

Theo Trần Thường (Chuyện Phụ Nữ)